Tạp chí Sông Hương - Số 365 (T.07-19)
Một số đặc điểm của văn bia đình làng Thừa Thiên Huế
09:32 | 05/08/2019


NGUYỄN LÃM THẮNG

Một số đặc điểm của văn bia đình làng Thừa Thiên Huế
Văn bia đình làng Phước Tích. Ảnh: NLT

1. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, bắt đầu từ Trung Quốc, sau lan truyền sang Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản - các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Văn bia xuất hiện từ thời Hậu Hán. Theo chỉ dẫn của Chu Kiếm Tầm trong Kim Thạch học, ông có đưa ý kiến của Âu Dương Tu trong Tạp cổ lục như sau: “Từ Hậu Hán về sau mới có văn bia, tìm văn bia trong bia, thời Tiền Hán chưa thể thấy được”(1). Quá trình tiếp thu văn hóa Hán của Việt Nam có lịch sử lâu đời. Văn bia xuất hiện ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ thứ VII. Tấm bia cổ nhất được tìm thấy  tại làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa có tên Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn được lập vào năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức năm 618). Từ đó cho đến hết thời Nguyễn, văn bia Việt Nam tăng lên rất nhanh về số lượng cũng như chủng loại, từ các Kinh chàng (các cột đá khắc kinh Phật) cho tới bi văn, ma nhai, bia tháp minh, bia Hậu. Nếu như thời Đinh (968 - 980), chúng ta mới chỉ tìm thấy một số Kinh chàng, thời Lý (1010 - 1225) có 23 bia, thời Trần (1225 - 1400) 44 bia, thì đến thời Mạc, chúng ta có 165 bia. Các triều đại sau này là Lê trung hưng, Tây Sơn có “khoảng vài trăm bia”, thời Nguyễn thì con số đó lên tới “khoảng vài ngàn văn bia(2).

Văn bia Việt Nam nhìn chung thường gắn với các di tích văn hóa, lịch sử như: đình, chùa, miếu, lăng tẩm, nhà thờ họ... Xuất phát từ đặc điểm lịch sử mở rộng dần bờ cõi về phương Nam của dân tộc, văn bia nước ta cũng được phân bố không đều giữa các vùng miền trên cả nước. Riêng với Thừa Thiên Huế, theo sự thống kê của tác giả Trịnh Khắc Mạnh trong bộ Thư mục văn bia, “Thừa Thiên Huế có khoảng 180 văn bia”, chủ yếu bao gồm các loại sau: văn bia cung đình, văn bia chùa và văn bia dân gian(3)

Văn bia đình làng, theo tác giả Trần Đại Vinh, Thừa Thiên Huế có “khoảng 13 văn bia đình trên tổng số 160 văn bia các loại”(4). Tuy nhiên, theo sự điền dã của chúng tôi, con số này là 19. Văn bia đình là bộ phận quan trọng trong hệ thống văn bia hiện tồn ở Thừa Thiên Huế. Văn bia đình thể hiện nhiều giá trị văn hóa quan trọng của cư dân bản địa trong suốt quá trình mở cõi.

2. Căn cứ trên văn bia hiện tồn và những thác bản dập được, chúng tôi nhận thấy văn bia đình Thừa Thiên Huế có một số đặc điểm như sau:

Về hình dạng, văn bia đình Thừa Thiên Huế chủ yếu tồn tại dưới dạng bia hình dẹt. Về kích cỡ bia, chúng tôi khảo sát theo các tiêu chí: chiều cao, bề rộng, từ đó suy ra diện tích bề mặt. Trong quá trình tính toán kích cỡ các bia chúng tôi hoàn toàn dựa vào hiện vật, đơn vị là cm đối với chiều cao và chiều rộng, cm2 đối với diện tích bề mặt. Kích thước văn bia đình Thừa Thiên Huế chủ yếu trên 6.000cm2 ( > 6m2), đặc biệt, 2 bia có diện tích khá lớn: 55.185cm2, tương đương 5,5185m2 (Bia đình phường Đệ Nhất); 92.988cm2, tương đương 9,2988m2 (Bia đình làng Phú Cát 2). Đây đều là những bia được xây theo kiểu áp tường. Loại bia có diện tích từ 2000 - 5000cm2 có số lượng đứng thứ 2 (4 bia), loại bia có diện tích từ 1000 - 2000cm2 và dưới 1000 cm2 có số lượng thấp nhất (lần lượt là 2 bia, 1 bia).

Hoa văn trên văn bia đình Huế cũng là phần rất quan trọng, góp phần làm cho hình thức văn bia sinh động hơn. Trong số 19 văn bia được khảo sát, có tới 18 bia được trang trí hoa văn trang trí. Khác với văn bia cung đình, văn bia đình Thừa Thiên Huế có hoa văn tương đối đơn giản. Hoa văn trang trí trên trán bia thường có hình rồng và mặt trời. Diềm bia và chân bia thường có hình: hoa, lá, con thú, linh vật thể hiện sự phát triển sinh sôi. Nhìn chung, văn bia đình Thừa Thiên Huế có chất liệu từ đá xanh (11/19 bia) và có kích thước không lớn nên trán bia, diềm bia và đế bia được trang trí hoa văn không cầu kỳ.

Về bố cục, văn bia đình Huế thường có 5 phần, trong đó, phần bài văn trong văn bia là phần mang tính bền vững, còn các phần còn lại có độ xê dịch nhất định. Trong số 142 bia thì có 7 bia không có tên bia, 10 bia không có lạc khoản. Tên bia thường được khắc nổi ở giữa trán và thân bia, tuy nhiên có một số bia, tên bia được khắc ở dòng đầu tiên ở lòng bia, nơi chứa nội dung văn bản. Bia không có tiêu đề chúng tôi đề là “Vô đề”, có tất cả 8 bia. Độ dài văn bia là số lượng chữ được thể hiện trong một văn bia. Số lượng chữ viết trên văn bia thường tỉ lệ thuận với kích cỡ văn bia, số mặt bia, kích thước của chữ viết và mật độ thưa dày của chữ. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, có 13 văn bia dưới 500 chữ chiếm 68,42%. Có 3 văn bia từ 500 - 1000 chữ, chiếm 15,78% và 3 văn bia từ 1000 - 1500 chữ, chiếm 15,78%.

Văn bia Huế (cả bia dân gian lẫn cung đình) hầu hết là bia chữ Hán. Tuy nhiên trong các bài văn bia, nhất là văn bia dân gian, trong đó có bia đình, chữ Nôm vẫn xuất hiện. Trong số 19 văn bia đình Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm thấy chữ Nôm xuất hiện với 6 lần. Trong đó, chỉ có bài Vọng từ kỷ niệm do Đặc tấn tráng Võ tướng quân, Đô thống phủ Đô thống, Chưởng phủ sự Võ Văn Kiêm khắc tại làng An Ninh, xã Hương Long Thành phố Huế được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm(5). Chữ Nôm trong văn bia đình ở Thừa Thiên Huế, phần lớn là tên người, xuất hiện ở mục kê tên những người đóng tiền của xây dựng, trùng tu đình làng.

Trên văn bia đình Thừa Thiên Huế còn xuất hiện chữ húy. Kỵ húy hay tị húy cách viết hay đọc trại một từ nào đó do bị kiêng kỵ trong ngôn ngữ văn tự xã hội. Đó là những chữ viết dị thể một chữ Hán thông thường để kiêng húy các bậc đế vương và những người trong hoàng tộc. Trong hệ thống văn bia đình Thừa Thiên Huế chúng tôi tìm thấy 01 chữ húy và xuất hiện 01 lần. Chữ húy trong Văn bia đình Thừa Thiên Huế là chữ viết kiêng húy thời Nguyễn. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì các văn bia của đình Thừa Thiên Huế chủ yếu là bia thời Nguyễn. Chẳng hạn, trong Văn Xá xã đình bi ký 文舍社亭 碑記 , làng Văn Xá vốn tên là Võ Xá 武舍, do kiêng húy miếu hiệu Võ vương Nguyễn Phúc Khoát 阮福闊 mà đổi thành tên này. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát húy là Hiếu, còn gọi là Chúa Vũ (hay Võ) (1714 - 1765) là vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử Việt Nam.

Về nội dung, văn bia đình Huế khá đa dạng, nhưng nổi bật nhất là ba vấn đề: quá trình xây dựng, trùng tu đình và quá trình tụ cư của cư dân. Có 18/19 văn bia đề cập đến quá trình xây dựng, trùng tu đình làng Huế, trong đó, 16 bia có ghi cụ thể thời gian (triều đại, niên hiệu, can chi, ngày tháng), tiêu biểu là: Văn bia đình làng Văn Xá, Văn bia đình phường Phú Vĩnh, thành phố Huế, Văn bia đình làng Hòa Viện, tổng Phò Trạch, huyện Phong Điền.

Việc xây dựng đình làng ở các địa phương Thừa Thiên Huế cũng không tách rời quan niệm phong thủy, tập trung thể hiện ở các khâu: chọn lựa thời gian động thổ, hoàn thành, chọn lựa không gian tọa lạc và hướng của ngôi đình. Có 8/19 văn bia đề cập đến vấn đề phong thủy, tiêu biểu là: văn bia đình Hòa Viện, văn bia xây dựng phường Phú Vĩnh, văn bia đình làng Hạ Lang, bia 1, văn bia đình phường Đệ Nhất.

Một số văn bia đình đã phản ánh khá cụ thể quá trình tụ cư ở làng xã, tiêu biểu là văn đình Đệ Nhất và Hạ Lang. Bia đình Đệ Nhất đã nói khá chi tiết tới quá trình tụ cư của cư dân phường này. Văn bia đình Hạ Lang đã đưa ra 5 mốc thời gian kéo dài từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX tương ứng với quá trình xây dựng, trùng tu đồng thời cũng là tiến trình phát triển của làng.

Hầu hết các văn bia đình còn lại trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều đề cập đến việc xây dựng hoặc trùng tu đình làng, đó không chỉ là những sự kiện mà còn là một quá trình, từ ý tưởng, mong muốn của nhân dân trong làng cho tới các khâu: chọn đất, tổ chức dựng đình. Chẳng hạn như:

Văn bia đình làng Văn Xá:

“Đầu đời Gia Long, đất nước ổn định, dân làng khôi phục lại đình tranh để thờ. Ngài thái sư đời trước là Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt, Ngài Quang Lộc tự khanh đời trước là Trần Hưng Đức sắm sửa vật liệu để dành định làm mới lại, gặp khó khăn trong việc tìm đất nên ý nguyện không thành. Hơn mười năm sau, em ngài là Quản cơ Trần Hưng Mỹ cùng các bô lão trong làng dự định lợp ngói lại đình cũ, nhưng lần lượt tìm hướng bên tả bên hữu nhiều lần cũng không được tốt. Đến mùa hạ năm Tân Dậu (1861), chức sắc trong làng họp bàn, đều chọn chỗ đất ở xung hồ trong làng là tốt nhất. Thần cho cơ bói nhảy múa, ba lần gieo, ba lần tốt, mọi người đều cho là linh thiêng, bèn gặt lúa, đắp nền, làm đền tranh để khảo bói kỹ càng. Ba năm sau làng khảo được điềm tốt, đúng như đã bói được trước đây, bèn dự toán kinh phí, sắm sửa gỗ, vật liệu, triệt hạ đình cũ dời đến đình mới.”

Phàm mọi việc phục dịch đều do hương trưởng là Phó vệ úy Trần Hưng Khanh trông coi. Các thân hào chức sắc đều siêng năng lo liệu. Dân làng lính tráng đều hưởng ứng. Lấy ngày tháng tư năm Tự Đức thứ 18 (1865) khởi công, qua mùa thu thì hoàn tất, xong hết vật hạng, xán lạn một phen mới mẽ. Ngày 11 tháng 8 kính rước thần an vị.


Văn bia đình làng Hòa Viện, tổng Phò Trạch, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên: «Có việc thiện mà không nêu ra thì tuy tốt đẹp vẫn không sáng tỏ, bia đá vì thế phải tạo lập vậy... Ngày tháng 6 năm nay ngôi đình đã được trùng tu, tọa Nhâm hướng Bính, phân châm Đinh Tỵ, Đinh Hợi như cũ, cốt để hội tụ chư thần, mà sự bàn bạc việc làng phải chăng cũng ở nơi đây. Thế mà công đức của quý vị há để cho mai một sao. Bèn dựng bia đẹp ở bên hữu của đình, khắc lên huy hiệu và tất cả công đức (của các vị) để biểu dương và tin rằng có thể lưu tiếng thơm vào nơi bất hủ vậy. Ngửa trông núi cao, noi theo đường lớn rực rỡ thay lớn lao thay, truyền đến ức vạn năm sau…»

Thừa Thiên Huế là vùng đất được mở mang muộn hơn rất nhiều so với xứ Kinh Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Từ giữa thế kỷ XIV trở về trước, lãnh thổ này thuộc quyền cai quản của xứ Lâm Ấp, Chămpa. Làng Việt nơi đây vì thế cũng xuất hiện muộn hơn nhiều so với làng ở vùng đồng bằng sông Hồng. Những tấm bia đình Thừa Thiên Huế còn lại tới ngày nay đã cho thấy rõ điều này. Toàn bộ 19 bia/11 đình làng đều có nói rõ thời gian ra đời của các đình là thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn.

18/19 văn bia đề cập đến quá trình xây dựng, trùng tu đình làng Huế, trong đó, 16 bia có ghi cụ thể thời gian (triều đại, niên hiệu, can chi, ngày tháng) mục đích cũng như khát vọng của cư dân trong việc lập đình, trùng tu đình, chỉ trừ 3 văn bia ở đình làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền không ghi thời gian xây dựng, trùng tu đình. Tuy nhiên có thể dựa vào 2 căn cứ sau đây để suy luận về thời gian lập đình: thứ nhất trong đình Phước Tích, ngoài tấm bia vừa kể trên còn có 2 tấm bia khác có ghi rõ thời gian dựng đình, bia thứ nhất ghi ngày 9 - 11 năm Thành Thái thứ 9, bia thứ hai ghi ngày 1 - 2 năm Thành Thái thứ 10. Thứ hai, qua các văn bia có ghi thời gian lập đình, trùng tu đình, chúng tôi nhận thấy ở đây, ngày lập đình, trùng tu đình gần như kế sát với thời gian tạo bia. Do vậy, nếu nếu thời gian tạo bia của các văn bia đình Phước Tích từ tháng 11 năm Thành Thái thứ 9 (tức 1897) đến tháng 2 năm Thành Thái thứ 10 (tức 1898) thì thời gian xây dựng, trùng tu đình làng này chắc chắn nằm trong khoảng cuối 1897 đến đầu 1898.

Triều đại Thành Thái (1884 - 1907) tuy tồn tại không dài, nhưng lại là khoảng thời gian xuất hiện nhiều đình nhất so với các giai đoạn khác thời Nguyễn, có 6 đình làng được thành lập, trùng tu dưới thời vị vua này, kế tiếp là thời Tự Đức với 4 đình, thời Bảo Đại 3 đình, Duy Tân 1 đình.

Thời gian lập đình, trùng tu đình được ghi trong các văn bia như sau:

- Các đình dưới triều Tự Đức: Hạ Lang (bia số 1) (Quảng Phú - Quảng Điền): 15 - 12 năm Tân Tỵ, Tự Đức năm thứ 34, trùng tu lần thứ 4; Hạ Lang (bia số 2), ngày 12 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 34, cải tạo mới. Đình Long Hồ Thượng (Hương Hồ - Hương Trà), tháng 8 năm Tự Đức 21 (1868), dựng đình. Đình Văn Xá (thành phố Huế), tháng 4, Tự Đức thứ 18 (1865) khởi công. Đình Hòa Viện (thành phố Huế), tháng 6, năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851) trùng tu.

- Các đình dưới triều Thành Thái: đình Đệ Cửu (Hương Trà), Thành Thái thứ 15 (1903); đình Phước Tích (bia 1) (Phong Hòa - Phong Điền), ngày 9 - 11 - Thành Thái thứ 9 (1987), Phước Tích (bia 2) đình Phước Tích (bia 3) ngày 1 - 2 Thành Thái thứ 10; đình An Truyền (Phú An - Phú Vang), mùa hạ năm Ất Tỵ, Thành Thái thứ 17 (1905).

- Các đình dưới thời Bảo Đại: đình Đệ Nhất, năm Giáp Tuất, Bảo Đại thứ 9 (1934); đình Phú Vĩnh (thành phố Huế), ngày 2 - tháng chạp, Bảo Đại 12 (1937); đình Phú Cát (Hương Trà) (bia trái), ngày 10 - 9 năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13, đình Phú Cát (bia phải), ngày 9 - 9 - năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13 (1938).

- Đình Hô Lâu (Vỹ Dạ - Thành phố Huế), ngày 15 - 2, Duy Tân thứ 4 (1911).

Trong số những bia nói về việc xây dựng, trùng tu đình, huyện Hương Trà có 5 bia, Phong Điền 4 bia, thành phố Huế 3 bia, Quảng Điền 2 bia, Phú Vang 1 bia.

Các văn bia có đề cập đến việc xây dựng, trùng tu đình làng còn cho biết thông tin về người khởi xướng, chủ trì cũng như sự đóng góp vật chất của cư dân.

Đình làng Văn Xá nói rõ người có công trùng tu như sau: “Ngài thái sư đời trước là Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt, ngài Quang Lộc tự khanh đời trước là Trần Hưng Đức sắm sửa vật liệu để dành định làm mới lại. Gặp khó tìm đất nên không thành. Hơn mười năm sau, em ngài là Quản cơ Trần Hưng Mỹ cùng các bô lão trong làng dự định lợp ngói lại đình cũ”

Về sự đóng góp vật chất để xây dựng đình, tất cả các bia đình đều ghi rõ tên tuổi, mức đóng góp của từng người. Những người đóng góp thường tập trung vào hai đối tượng: các quan lại, bà con trong làng, chẳng hạn:

Bia đình làng Đệ Nhất: “Hội chủ lo xây dựng đình: Biên tu Nội Các triều trước là Phạm Đăng Vinh …

Đôn đốc việc xây dựng đình: Quản vệ Nha Tu lý triều trước là Nguyễn Đình Đôn…”


Đình làng Đệ Nhất:

“Hồng lô Nguyễn Đắc Giáo cúng 10 đồng bạc.
Chánh quản Lê Xuân Trà cúng 10 đồng bạc.
Tri huyện Trần Hoằng Cương cúng 3 đồng bạc.
Thị độc Nguyễn”


Bên cạnh đó, văn bia đình Thừa Thiên Huế là một cứ liệu quan trọng về quá trình phát triển cộng động làng ở “vùng đất mới” của người Việt. Quá trình mở mang bờ cõi của các đời vua Đại Việt cũng chính là quá trình không ngừng phát triển của các tổng, các làng về các lĩnh vực: địa giới, tổ chức hành chính, tổ chức đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Đây là nền tảng cho việc xuất hiện của hệ thống bia đình tại vùng đất này, đặc biệt dưới thời Nguyễn. Việc phân định địa hạt hành chính vùng Thuận Hóa gồm các lộ (trấn,) châu, huyện, xã, thôn, giáp… đã được hoàn chỉnh vào đời Trần. Từ khi sáp nhập vùng đất Ô, Rí của Chiêm Thành vào lãnh thổ nước ta, các vua Đại Việt không ngừng có chính sách phát triển vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này với mục đích xây dựng chúng thành phên giậu phía nam Tổ quốc trước sự quấy phá của Chiêm Thành, đồng thời làm bàn đạp cho công cuộc nam tiến về sau. Ở thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, các làng xã luôn tăng lên về số lượng, từ 431 đơn vị (theo Đại Nam nhất thống chí) tới thời Bảo Đại đã là 572 đơn vị (theo Danh sách xã thôn Trung Kỳ trước 1975). Đầu thế kỷ XX, theo Niên giám tổng quát xứ Đông Dương, vào năm 1907, 6 huyện của phủ Thừa Thiên gồm có 31 tổng, 457 làng, 39785 đinh.

Như vậy, trải qua lịch sử lâu dài, làng xã vùng Thuận Hóa không ngừng biến động, trong đó, đặc trưng chung là tăng lên về số lượng và ngày càng thể hiện được chiều sâu trong việc tổ chức hành chính cũng như đời sống văn hóa. Văn bia đình ra đời và phát triển cũng xuất phát từ nền tảng đó, đồng thời quay lại thúc đẩy sự phát triển của đời sống tinh thần làng xã.

3. Văn bia Thừa Thiên Huế nói chung, văn bia đình nói riêng đã phản ánh được nhiều mặt đời sống của cư dân nơi đây từ cuối thế kỷ XVIII, nhất là giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ XIX. Những mặt này được thể hiện qua hình thức sinh động, giàu tính nghệ thuật với những hình tượng hoa văn, đồng thời, qua việc tạo tác kích thước phù hợp với đặc điểm đình làng từng địa phương. Văn bản văn bia được tổ chức hết sức bài bản với độ dài vừa phải, bố cục cân đối. Đặc biệt, việc một số văn bia có sử dụng chữ Nôm cho thấy một điều thú vị về khả năng thâm nhập đời sống hành chính của chữ viết dân tộc. Trải qua những biến động xã hội cũng như thiên tai, số lượng và chất lượng 19 văn bia đình Thừa Thiên Huế còn lại ngày nay chắc chắn chưa phản ánh hết diện mạo văn bia đình vùng này thời phong kiến. Nghiên cứu hệ thống văn bia đình Huế là việc làm cần thiết và vẫn còn là công việc ở phía trước.

N.L.T
(TCSH365/07-2019)


Chú thích:

(1) Chu Kiếm Tầm, Kim Thạch học, Thượng Hải, 1955, tr.171.  
(2), (3) Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2008,  tr.49.
(4), (5) Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb.  Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.299.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Như là cổ tích (26/07/2019)