Tạp chí Sông Hương - Số 365 (T.07-19)
Người tạc tượng
14:49 | 09/08/2019

TRẦN THÚC HÀ     
       Tặng H.V.T   

Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.

Người tạc tượng
Minh họa: Phan Thanh Bình

Chính Thượng thư Bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tình giao cho ông khắc tạc một đôi tượng rồng bằng đá dài chín thước đặt hai bên đường vào chính điện. Năm 1407 quân Minh xâm lược đánh bại nhà Hồ, cai trị nước Đại Ngu. Chúng bắt Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng cùng gia quyến và cho lùng sục bắt người tài giỏi như chế tác vũ khí, các nhà thiên văn địa lý cùng những nhà điêu khắc xuất chúng đưa về Yên Kinh. May mắn thay, cha ông đã trốn thoát. Cha ông rời Thăng Long, ở ẩn một làng quê bên ngoại để tránh sự truy lùng của bọn xâm lược. Bấy giờ ông mới được năm tuổi.

Mười lăm tuổi, ông học vừa đủ đọc thông viết thạo rồi buông bút theo cha học nghề khắc chạm. Bước đầu cầm đục cầm búa lóng ngóng như một em bé lên ba tập cầm đũa. Rồi dần dần vững tay hơn, cha ông dạy cho ông thế nào là khắc, là chạm, là tạc. Muốn tạc một bức tượng bằng gỗ quý hay đá của một điển tích lịch sử, hoặc một nhân vật có thật, trước tiên phải hiểu thật kỹ cuộc đời, sự nghiệp, tác động đến giang sơn đất nước, rồi tìm trong đó nét tiêu biểu khắc họa cốt cách mà nhìn vào người đời hiểu được nhân vật mình đã tạc. Ví như Đức Phật Thích Ca, phải khắc tạc hiển hiện được nét bao dung độ lượng, ánh hào quang minh triết tỏa ra từ khuôn mặt từ bi của ngài. Lại như quỷ sa tăng, có cái nhíu mày nham hiểm, vành môi cong lên độc ác, ai nhìn vào cũng nhận ra đấy là kẻ luôn gieo rắc chết chóc. Để làm được như thế, tâm tưởng của người tạc tượng ngày đêm gắn liền với nhân vật như anh em sinh đôi, cho đến khi hồn cốt của nhân vật mình tạc sừng sững trước mắt mà mình không thể xa rời được, dù đi đâu hay làm việc gì. Tiếp đến là chọn loại đá. Loại đá trắng, có độ mịn cao vừa đẹp vừa phù hợp với những cốt cách cho những gương mặt văn nhân đạo cao đức trọng. Những tảng đá nhiều gân cho những dũng tướng anh hùng cái thế trong thiên hạ. Rồi trong tạc tượng, đôi mắt là linh hồn của bức tượng, bởi chỉ vài nhát khắc mà biểu hiện lên được một khuôn mặt anh minh cao cả, hay khí chất của một tấm lòng nhân ái bao la, cho đến một cơn thịnh nộ làm nghiêng hẳn tình thế nhân gian đều do đôi mắt tạo nên. Cha ông cũng không quên dạy ông rằng đôi vành môi cũng biểu hiện hồn cốt của con người ra bên ngoài. Lòng người phấn chấn vui vẻ thì đôi môi hé mở mềm mại. Đôi môi mím chặt là kìm nén một sự phẫn nộ, một nỗi đau từ trong lồng ngực trào ra.

Mười năm theo cha ông đã nhuần nhuyễn tay búa tay đục, nắm chắc các bí quyết của người tạc tượng. Ông có thân hình cao to, có đôi tay rắn chắc, bắp thịt vồng lên cuồn cuộn như tay lực sĩ. Khuôn mặt vuông vuông với vừng trán rộng, đôi lông mày rậm làm cho hai mắt sáng của ông càng toát lên một sức sống mãnh liệt, đầy nghị lực. Vào năm 1430 ông đã ở gần tuổi ba mươi thì cha ông mất. Trước khi nhắm mắt, cha ông cầm tay ông mà dặn: không vì tiền, không vì danh vọng, không vì quyền uy làm cong đường khắc thay đổi trắng đen, tạc kẻ ác thành người lương thiện, bạo chúa thành vua anh minh. Một nhát khắc vào đá là khắc vào lịch sử, khắc vào tâm khảm, hằn sâu trong lòng người. Bởi ngàn năm bia đá vẫn còn cho trần gian, ngàn năm bia miệng vẫn con trơ trơ cho kẻ tạc tượng.

Ông hiểu đức độ của người tạc tượng.

Đi khắp, nghe nhiều ông nhận ra đất nước mình trải qua ngàn năm Bắc thuộc, bị dìm trong nô lệ nhưng sức sống bền bỉ và quyết liệt con dân Đại Việt luôn vùng lên giành lại độc lập. Ông khâm phục tiền nhân bằng gửi hồn mình vào đường khắc nét chạm qua những bức tượng các đấng anh hùng.

Dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông có một viên quan nhỏ ở triều đình chuyên mài mực, tìm đọc những sử sách khi Sử quán Tổng tài cần một sự kiện của những ngày xưa và xếp thẻ tre của Sử quán Tổng tài chép sử vào các ô thứ tự của lưu viện xin cáo quan về quê nghỉ hưu. Làng ông ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Khi được tin ông về, người làng của ông tụ tập tại đình làng đón ông. Hàng ngàn con mắt nhìn vào ông mong mỏi một điều tốt lành đến với họ, đó là, ông ở chốn triều đình đã giải được nỗi oan gần ba trăm năm mươi năm đè nặng bao đời nay như một người gầy ốm mà trên vai vác tảng đá nặng quá sức, bước chân đi hẫng hụt giữa đất trời. Vừa bước xuống kiệu trước sân đình làng, ông quỳ gối, chắp tay vái lạy dân làng: Bao năm làm quan ta không có cách nào cất gánh nặng oan trái mà dân làng trao cho khi bước chân vào chốn cung đình. Ta đã cậy nhờ đại thần Sử quán Tổng tài tìm cách minh oan cho tổ phụ của ta, nhưng ngài phán chính sử đã chép như vậy, không thể khác. Ta nặng tội với quê hương. Nghe vậy, dân làng mặt buồn như chiều đông giá rét. Các lão làng đỡ ông dậy: Oan khuất này đến bao giờ mới giải được hở trời?

Thường, hồi hưu người ta thảnh thơi với con cháu, với xóm làng an nhàn tuổi già. Với ông, điều đó không đến. Ở chốn quan trường dù dưới thời vua anh minh ông cũng nhận ra có kẻ xu nịnh, dèm pha, bịa đặt nên ông tin rằng cụ tổ hơn mười mấy đời trước bị hàm oan, nhưng không có cách gì gỡ được làm cho tấm thân già của ông luôn bị dày vò. Ông nghĩ đến lập một ngôi chùa và tạc tượng cụ tổ của ông - một Thái sư tài danh thanh liêm chính trực để dân làng có nơi cúng bái và vơi bớt điều đau đớn mà họ phải gánh chịu. Ông biết có một nhà tạc tượng cha truyền con nối được cả các triều thần, các chùa chiền, nhà thờ dòng họ biết đến bởi ông đã tạc ai thì thần thái linh hồn, khí phách người được tạc lộ rõ trên từng đường nét, không thể nhầm lẫn một ai khác, dù chỉ qua trước tác để lại, và chức vị cùng thời đại của người được tạc. Ông mời nhà tạc tượng đến làng mình cùng các bô lão trong làng. Ông nói với nhà tạc tượng: Cách đây hơn 340 năm, cụ tổ của dòng họ Lê của ông bị ghép vào tội giết vua, theo sách Đại Việt lược sử thời Trần ghi lại: Tháng 11 năm 1095 vua Lý Nhân Tông xem đánh cá ở Dâm Đàm. Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy dùng ảo thuật làm khói sương nổi lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát nhà vua nghe thấy mái chèo sắp đến gần, có ý xảy ra tai biến mới lấy cây mác phóng ra, khói sương theo cây mác mà tan biến thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh rồi đày ở miệt Thao Giang. Đến truyền tụng khác cũng đưa ra những buộc tội rằng: vua Lý Nhân Tông đi xem đánh cá ở hồ Dâm Đàn, Lê Văn Thịnh làm thuật hóa mù học được của một phù thủy người phương Bắc biến mình thành hổ chèo thuyền đến để sát hại vua. Một người đánh cá tên là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ thì hóa ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Thái sư bị bắt rồi đày lên Thao Giang. Ông đưa những văn tự ông chép được khi phụ tá cho sử quan ở triều đình, ông nói tiếp: Ba trăm năm mươi năm qua dòng họ Lê phải gánh chịu nỗi oan khiên cụ tổ của mình là kẻ nghịch thần giết vua. Cứ đời này truyền lại đời sau lời trăn trối trước khi ngài tịch: Ngày ấy hết hạn lưu đày ở Thao Giang, ngài lần về quê với tấm thân tiều tụy xác xơ, đói rét. Người làng định làm một mâm cơm cho ngài dùng. Nhưng ngài xua tay: Ta chỉ thèm một bữa cơm của đồng quê. Bữa cơm được dọn ra, một đĩa rau muống, chén tương bần, một bát canh mùng tơi nấu với cua đồng. Ngài ăn rất ngon miệng. Ăn xong ngài nói: Nỗi oan tận trời mà không có cách gì kêu thấu nhà vua. Này ta sức tàn lực kiệt. Con cháu về sau tìm cách minh oan cho ta. Oan lắm! Nói xong ngài lên giường trút hơi thở cuối cùng. Cả làng gào khóc, tiếng khóc lay động lũy tre làng như có một cơn gió lớn tràn đến. Ngừng một lúc rồi ông nói tiếp với nhà tạc tượng: Một ngài Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác học thời Lý - khoa thi đầu tiên trong lịch sử của Đại Việt. Lê Văn Thịnh, ngài đã giúp Lý Thánh Tông cải cách triều chính, định chế các quan văn võ, phân cấp các chùa chiền theo nhiều hạng bậc, quy định mới về ruộng đất thu tô công bằng hơn cho người lĩnh canh; đòi nhà Tống phải trả lại cho Đại Việt sáu huyện ba động và lĩnh chức Thái sư. Như vậy, quyền lực cao chót vót chỉ đứng sau vua thì không lẽ nào giết vua để mà làm gì! Oan! Oan lắm. Xin nhà tạc tượng tạc cho cụ tổ của ông là một người chính trực trung thần. Nhà tạc tượng không nói gì. Ông đắm chìm trong suy nghĩ. Hồi lâu ông nói: Đây là một tài nhân dưới triều Lý bị tội mưu giết vua mà dòng họ ngài mấy trăm năm kêu oan, trong đời khắc chạm ta chưa từng gặp. Xin dân làng cho một thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu thấu đáo về ngài Lê Văn Thịnh.

Trở về nhà. Đêm ông không yên giấc, ngày chén rượu cũng thấy nhạt thếch. Trong tâm tưởng của ông hiển hiện lên một Lê Văn Thịnh phò vua giúp đời thịnh trị, một Lê Văn Thịnh mưu hại vua. Hai con người ấy cứ va đập vào nhau như một cuộc chiến tranh không ngưng nghỉ mà không ai giành phần thắng. Dân kêu oan ba trăm năm mươi năm trước không có bằng chứng, sử sách thì rành rành lưu lại không nét phai mờ. Vậy đường khắc chạm của ông đứng về phía nào? Ông không trả lời được khi chưa tìm ra sự thật. Nhưng rồi qua những ngày đêm vật vã nghĩ suy, tìm đọc sách sử xưa nay đã hé lộ cho ông điều ẩn trong bóng tối. Cứ cho Lê Văn Thịnh mưu sát vua, một chuyện nghiêng trời lệch đất sao Lê Văn Thịnh đơn thương độc mã và dễ dàng cho vua bắt? Trong khi, trước đó, Lê Văn Thịnh đã giúp vua ban hành mười tội xử trảm trong đó có điều phản vua? Đã bày mưu, sẵn gươm đao trong tay, phía nhà vua cũng chỉ có vài thị vệ theo hầu, giây phút sống còn được mất gươm đao sẽ vung lên bởi được làm vua thua làm giặc, vậy mà Lê Văn Thịnh bị bắt như người ta bắt một con thỏ trong chuồng! Rồi nữa, trong thuyền tiến lại phía vua có con hổ bị ông thuyền chài Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, hổ hóa thành người - Lê Văn Thịnh! Chuyện xưa nay chưa từng có. Các nhà ma thuật, những thầy pháp cao tay có thể hô phong hoán vũ, chẳng qua họ là những nhà thông thạo thiên văn biết ngày nào giờ nào mưa gió xuất hiện rồi vận vào đó cho mình làm được những chuyện kinh thiên động địa. Chứ người biến thành hổ rồi trở lại thành người thì không thể! Đấy là một chuyện khó tin. Nhưng chuyện xảy ra có địa chỉ, có tên người, có ngày tháng ghi chép hẳn hoi thì ông không sao giải thích được. Nó đọng lại trong óc ông như hai mũi kim găm vào: Sử quan chép sự thật hay là một mưu toan của một thế lực dựng lên một chuyện tày đình rồi sử quan theo đó mà chấp bút? Để làm gì? Lê Văn Thịnh có địch thủ không, làm sao ông biết được! Theo ông, một cải cách xã hội tiến bộ của triều đại nào thường được và mất. Được cho nhiều người và mất cho một số người. Cứ như lịch sử ghi chép công trạng của Thái sư Lê Văn Thịnh thì quy định mới về thu tô có lợi cho người lĩnh canh, thiệt hại cho chủ ruộng mà phần lớn chủ ruộng là người giàu có, lớp quan chức vương thân quốc thích; định chế các quan văn võ làm cho quyền lực của tầng lớp này không được lộng hành khi phép nước đã được ban hành; phân cấp chùa chiền theo nhiều bậc hạng động đến lớp Tăng lữ Phật giáo, mà Phật giáo đang là quốc giáo, trong khi đó, Thái sư là người đại diện Nho học. Nho học bước đầu đang có ảnh hưởng lớn trong quốc gia Đại Việt. Chừng ấy thôi, cho kẻ trung thần vấp phải những tảng đá. Nhưng ai đã dựng lên những tảng đá? Sử quan là những người có ngòi bút trung thực, chép sai sự thực mắc tội nặng. Và lẽ nào vua Lý Thánh Tông, một đức vua anh minh vốn là học trò của Thái sư, tin yêu Thái sư lại đi đày thầy mình lên miền ngược với những mưu đồ được bày đặt?

Vén được một bước, khoảng tối lại lấp đầy. Rừng rậm thâm u cứ bao trùm trong đầu óc ông. Có thật không vụ án đã xảy ra như thế, mà mãi cho đến đời nhà Trần do Lê Văn Hưu hoàn thành năm 1272 mới chép trong Đại Việt sử lược. Chuyện xảy ra cách đấy 177 năm sao thời Lý không thấy ghi chép? Và về sau lại thêm bớt đượm tính hoang đường. Sử chép, truyền khẩu trước sau bất nhất. Vậy biết tin vào đâu? Ông bất lực. Nhưng cứ nhắm mắt lại thì thấy hiện lên hàng trăm khuôn mặt của dân chúng làng Đông Cứu buồn đau mong ngóng ở ông như một con người có sức mạnh cất gánh nặng oan ức cho dòng họ Lê làm cho ông không thể buông xuôi làm ngơ. Không bị ràng buộc một điều gì, nhưng lương tâm của người tạc tượng không thể thờ ơ với những đau đớn oan khuất của đồng loại. Biết vậy, nhưng sức ông có hạn. Ông phải tìm đến những người uyên thâm sách sử xưa nay. Tìm ai? Ông chợt nhớ quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trải, người là đại công thần nhà Lê, một nhà chính trị mưu lược tài ba, và là người viết Bình Ngô đại cáo một hùng văn tuyên ngôn độc lập có một không hai, làm rạng danh quốc gia Đại Việt, làm cho đế chế phương Bắc phải kính phục. Vào năm 1438, Nguyễn Trải từ quan về ẩn cư ở quê ngoại Côn Sơn, Kiếp Bạc có mời ông đến để tạc tượng ông ngoại ông là Trần Nguyên Đán và cha ông là Nguyễn Phi Khanh để phụng thờ. Chưa kịp thực hiện thì năm sau vua Lê Thái Tông vời ông về Thăng Long, phục chức cũ. Ông nghĩ chỉ có Nguyễn Trải sẽ giúp ông làm sáng tỏ những điều về Thái sư Lê Văn Thịnh.

Nguyễn Trãi tiếp nhà tạc tượng ở tư dinh. Nguyễn Trãi lắng nghe rồi nói: Vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua ta từng đọc trong sử sách để lại. Ta cũng thấy những khuất tất hoang đường. Ba trăm năm mươi năm nay không thấy ai đào xới lại vụ án. Ta cũng có ý định làm minh bạch chuyện này. Nhưng đại sự của quốc gia hiện tại cấp thiết hơn nên chưa cho phép ta để tâm tới quá khứ. Bây giờ, ta điểm lại những sự việc mà ta cảm nhận: Nhà vua Lý Nhân Tông là có thật, Thái sư Lê Văn Thịnh là có thật, ông chài Mục Thân là có thật, đến đám sương mù trên hồ Dâm Đàm đều có thật. Nhưng trước đó Lê Văn Thịnh có nhiều kẻ thù vì những cái cách của ông. Hãy soi rọi một tia nhìn khác với chính sử đã chép: Thái sư Lê Văn Thịnh bơi thuyền trên hồ Dâm Đàm, cũng như triều thân khác thường du ngoạn trên sông nước uống rượu và bình thơ. Chợt mây mù giăng đầy thuyền của vua, thấy vua hốt hoảng, mình là phận làm tôi nên Thái sư Lê Văn Thịnh chèo đến trợ giúp vua. Trong lúc ấy, vua vốn tin vào ma thuật, đám sương mù bất chợt tối tăm mặt hồ làm cho nhà vua hoảng loạn, lại trong sương mù, nhìn thấy dáng lom khom của Thái sư mặc chiếc áo nhiều màu sắc của các đại thần ngỡ là con hổ, nhà vua kêu lên, chỉ về con thuyền đến gần mình, thế là người đánh cá quăng lưới trùm lên Thái sư Lê Văn Thịnh. Xấu hổ vì chuyện nhầm lẫn sợ hãi của mình, sợ quần thần không phục, điều đó không có lợi cho oai danh trị vì liền bịa ra chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ để khỏi mất mặt với bá quan. Đây là cái cớ cho kẻ đối địch của Thái sư quy tội Thái sư. Sử quan nghe thế, cứ thế mà chép. Ai dám phản bác lại nhà vua? Người đánh cá Mục Thận được vua ban cho một chức quan nhỏ, cai quản ruộng đất vài ba làng đâu có biết chuyện nhà vua với sử quan - dù có biết đi nữa muốn chết hay sao mà bác lời vua. Ta nói thế để nhà tạc tượng suy đoán. Nhà tạc tượng nói: Thưa quan Nhập nội Hành khiển, con như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Con nghĩ quan chép sử là đạo cao đức trọng, là người uy quyền không khuất được để ngòi bút viết sai sự thật. Trong vụ án hóa hổ ở hồ Dâm Đàm nhà chép sử liệu có đúng như những gì đã xảy ra? Nguyễn Trãi nói: Đấy là điều nghi vấn cho hậu thế. Ta chỉ biết triều đại nào nhiều phe phái tranh quyền, chống đối nhau thường xảy ra những nỗi oan khuất.

Tội của Thái sư Lê Văn Thịnh sử đã ghi. Nỗi oan của ngài phút lâm chung cũng không thể bác bỏ! Đến như quan Hành khiển Nguyễn Trãi cũng chỉ gợi mở cho ta đến thế, chỉ là những nghi vấn. Than ôi! Trong vụ này chính sử và lòng người éo le thay không song hành cùng nhau! Nhà tạc tượng thầm thốt lên trước khi rời khỏi tư dinh của Nguyễn Trãi.

Hình ảnh tấm thân tiều tụy của Thái sư Lê Văn Thịnh lại hiển hiện trước mắt nhà tạc tượng với lời trăn trối: Ta oan ức quá! Hãy giải oan cho ta.

Không chứng cứ bác lại lịch sử, nhưng trong trái tim và khối óc của ta cho ta một chữ oan.

Oan!

Ta không phải vua chúa. Ta là một nhà tạc tượng. Những gì ta thu thập được ta sẽ minh oan cho ngài bằng cách của ta. Nghĩ thế, ròng rã cả tháng trời nhà tạc tượng mới phác họa trong đầu óc mình bức tượng của Thái sư Lê Văn Thịnh.

Ông đến mỏ đá, nơi mấy mươi năm trước nhà Hồ khai thác đá để xây thành Tây Đô. Ông chọn một khối đá màu xám trắng chiều cao hai thước năm mươi, chiều rộng chiều dài hơn ba thước, nặng đến hàng tấn. Ông đến một làng gần đấy, làng chuyên nghề vận chuyển đá thuê chở về thôn Đông Cứu. Đường xa, ông có ý băn khoăn. Chủ nhà, một ông lão ngoài sáu mươi tuổi tóc râu đã nhuốm trắng nhưng thân thể còn tráng kiện, nói: Ngày trước chúng tôi còn vận chuyển các khối đá lớn gấp ba bốn lần như vậy, đến nơi không xơ xước một góc cạnh nào cho vua Hồ Quý Ly xây thành. Nói đến xây thành, trên gương mặt ông thoáng buồn. Ông nói: Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần lòng dân không phục. Lại xây thành mới, phu phen được đưa về đây tính đến hàng vạn người, lao dịch khổ sở, nạn đá đè người, bệnh tật mươi người đi chỉ sáu bảy người trở lại - chính ông cũng mất một người anh trai trong việc xây thành - làm lòng người thêm oán hận. Mà không biết vua Hồ Quý Ly xây thành để làm gì khi đã có đế đô Thăng Long mấy trăm năm nay? Quân Minh xâm lược chỉ đánh vài trận nước Đại Cồ Việt tan hoang nô lệ, cha con nhà vua bị bắt đưa về Tàu. Giá như vua đem tiền bạc xây thành mà xây lũy trong lòng dân như thời nhà Trần cố kết muôn dân thành một khối thì nước ta không bị đô hộ.

Hôm sau ông cùng con trai ông nhận chuyển khối đá cho nhà tạc tượng. Đường bộ thì hai trâu kéo, đường sông thì có thuyền lớn chuyên chở. Phải mất mươi ngày khối đá mới tới thôn Đông Cứu.

Nhà tạc tượng dựng một nhà xưởng ở phía ngoài khuôn viên đền thờ do Thái sư Lê Văn Thịnh - đền thờ dòng họ Lê xây dựng. Xung quanh nhà xưởng được rào kín, chỉ có một cửa ra vào. Nhà tạc tượng nói với dân làng suốt trong thời gian ông tạc tượng cho đến khi hoàn thành không một ai đến nhìn ngó, bình phẩm làm cho ông phân tâm.

Sáu tháng không ngưng nghỉ, mồ hôi, sức lực của ông thấm vào đường nét của bức tượng. Ông không tạc Thái sư một con người lừng lững giữa trời đất với với khuôn mặt bình thản, cũng không tạc Thái sư ung dung khoan thai trong thư phòng. Ông tạc một loài vật xưa nay chưa từng có nửa mình rắn, nửa mình móng vuốt rồng. Không phải xà thần bơi lội, không phải rồng bay lên, mà là cụ rồng hai hàm răng sắc nhọn cắm ngập và thân, mười móng vuốt của hai chân đang xé xác mình lột tả một sự đau đớn quằn quại đến tột cùng làm cho nhà tạc tượng khi nhìn lại bức tượng đã hoàn chỉnh của mình, ông cũng toát mồ hôi lạnh, thốt lên trên đời này có nỗi đau nào đến như thế!

Ngày khánh thành bức tượng Thái sư Lê Văn Thịnh, ông cho phá hàng rào chung quanh. Trước dòng họ Lê đông đủ, ông buông tấm lụa xanh phủ trên bức tượng. Dân làng thấy tượng một con quái vật thì rú lên kinh hãi, có người quỳ xuống bái lạy, có người tức giận thét lên nhà tạc tượng bổ bán tiên tổ chúng ta, tạc Thái sư là một con vật khủng khiếp và có ý xông vào đập phá bức tượng. Nhưng mấy cụ già trong làng ngăn họ lại. Viên quan về hưu nói: Bà con dòng họ hãy tĩnh tâm. Nhà tạc tượng không gieo ác cho chúng ta đâu. Rồi quay sang nhà tạc tượng nói: Xin nhà tạc tượng cho dân làng chúng tôi biết sao tượng cụ tổ chúng tôi là con vật tự xé xác mình? Nhà tạc tượng chấp tay, vẻ mặt phấn chấn nói: Xin cảm ơn dân làng. Tôi cũng không ngờ bức tượng của tôi thành công đến như vậy. Tôi có thể tạc Thái sư là một đại công thần vì dân vì nước đời đời được kính trọng, hỏi thế thì được gì? Chẳng qua là vài giọt sương rơi phỉnh phờ chút dịu mát chứ làm sao mà giải được cơn nắng hạn gay gắt trong lòng của dân làng, là nỗi oan bao đời nay đè nặng. Rồi ai đi qua, đến đây ngước lên nhìn cũng nói ngài là vĩ nhân. Thế thôi! Chẳng có gì đọng lại trong nghĩ suy. Tạc người cho đẹp, vinh quang đầy người thì làm sao thực hiện lời trăn trối Thái sư: Oan! Oan ta lắm. Một cụ rồng hai hàm răng cắm ngập vào thân, mười móng vuốt của hai chân đang xé xác mình. Vì sao tự hành hạ mình đau đớn tột cùng như vậy? Vì nỗi oan mà kêu trời không thấu đất không nghe thì không còn cách nào khác là tự hành hạ mình để kêu oan. Vậy có phải tiếng thét trăm năm ngàn năm vang lên trong lòng mọi người ngài bị oan, tức là ngài không có tội mà không cần một nhà vua nào xuống chiếu minh oan cho ngài.

Dứt lời nhà tạc tượng, dân làng ồ lên: Chúng tôi hiểu, chúng tôi cũng cất được gánh nặng oan khiên bao đời nay. Chúng tôi đa tạ nhà tạc tượng.

Người làng đang xây một khuôn viên có mái che để đưa tượng cụ rồng vào thì nghe ông quan về hưu nhận được cáo thị ở huyện đường và cùng trò chuyện với tri huyện Gia Bình vốn là chốn đồng môn của quan về hưu: Đại thần Nguyễn Trãi làm phản, cho người thiếp của mình là Nguyễn Thị Lộ theo hầu vua Lê Thái Tông, đến Lệ Chi viên, Thị Lộ bỏ thuốc độc giết vua. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Chỉ hơn mươi hôm vụ án Lệ Chi viên xảy ra, hàng trăm thân quyến ba họ của Nguyễn Trãi bị chém đầu tại bãi hành hình. Tin như sét đánh đến với nhà tạc tượng. Ông than: Lại một đại công thần tài ba lỗi lạc nữa bị giết. Viên quan về hưu cho ông biết ngày đang ở trong triều, ông có nghe dị nghị trong chốn quan trường Lê Nhân Tông không phải con đích của Lê Thái Tông. Nguyễn Thị Anh mang thai Bang Cơ với Lê Bang Sơn trước khi vào cung. Tri huyện thầm thì với ông: Lê Thái Tông xa giá đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi có mời nhà vua ghé vào thăm trang viên của mình. Nguyễn Thị Anh lo sợ Nguyễn Trãi tố giác việc Nguyễn Thị Anh được tuyển vào cung phi mới sáu tháng đã sinh Bang Cơ mà hoạn quan Đình Thắng, người lĩnh việc ghi chép ngày tháng thụ thai của các phi tần trong cung vua đã nói với quan Hành khiển Nguyễn Trãi. Khi vua băng hà bất ngờ tại Lệ chi Viên, nhân cơ hội này Nguyễn Thị Anh cùng phe cánh liền vu cho Nguyễn Thị Lộ đầu độc giết vua để giành ngôi vua cho Bang Cơ khỏi rơi vào tay Lê Tư Lành, con của phi tần Ngô Thị Ngọc Giao. Chốn quan trường triều đình có người biết âm mưu thâm độc này nhưng không dám lên tiếng vì sợ thế lực của Nguyễn Thị Anh. Nhà tạc tượng nói: Tôi không tin Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đầu độc vua. Cách đây ba năm Nguyễn Trãi hồi đang an cư tại Côn Sơn Kiếp Bạc, tôi đã ở nhà ngài một tháng để bàn tính với ngài về tạc tượng ông ngoại và cha của ngài, nhưng năm ấy vua triệu ông về triều phục chức cũ. Tôi đọc được những vần thơ, chí khí của ông toát lên một con người nhân nghĩa chỉ biết mơ màng việc quốc gia - vì nợ quân thân chưa báo được, tấm lòng ưu quốc sâu nặng, xem công danh chỉ là điều kiện giúp đời thì không thể một con người như vậy lại giết vua với một mưu kế khờ dại mà ngài từng là một nhà mưu lược cho vua Lê Lợi dựng cơ đồ. Viên quan về hưu nói: Tiếc cho Nguyễn Trãi một thời thất sủng, bị tù tội vì bọn gian thần đã xin về hưu, lại nghe lời mời của Lê Thái Tông hồi triều làm quan mà dẫn tới ba họ bị tội chết. Giá như không hồi triều, và đã ra làm quan sao không phơi bày mưu mô của Nguyễn Thị Anh đến lúc gần chết lại thốt lên ta đã không nghe lời tố giác của các hoạn quan. Điểm tối của quan Nhập nội Hành khiển ở chỗ ấy.

Nhà tạc tượng lặng lẽ khăn gói lên đường.

Hơn mười hôm sau nhà tạc tượng chở về một khối đá lớn gấp đôi để gần khối đá tạc tượng nỗi oan Thái sư Lê Văn Thịnh.

Quan huyện Gia Bình tấu trình về triều đình chuyện lạ bức tượng ở Đông Cứu. Các quan văn võ đến xem. Khi nhìn thấy tượng cụ rồng đều khiếp hãi, cho đấy là một điềm báo dữ, làm náo động chốn quan trường. Chuyện thấu đến Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh. Bấy giờ con Nguyễn Thị Anh là Lê Bang Cơ đã lên ngôi vua - vua Lê Nhân Tông. Võng lọng xa giá đưa Hoàng thái hậu đến làng Đông Cứu. Hoàng thái hậu trông thấy tượng cũng rùng mình. Hoàng thái hậu hỏi nhà tạc tượng: Ngươi định nói gì qua bức tượng một con vật đau đớn tận cùng? Nhà tạc tượng đáp: Trình Hoàng thái hậu, đó là nỗi oan khuất của Thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. - Nhà ngươi chứng cứ ở đâu mà dám cho Lê Văn Thịnh oan? - Trình Hoàng thái hậu, tiều nhân đọc sách sử có nhiều điều đáng ngờ, cùng chuyện người hóa hổ rồi hổ hóa người là là chuyện hoang đường. Điều duy nhất cho tiểu nhân tin Thái sư Lê Văn Thịnh bị oan, đấy là vào lời trăn trối của con người trước khi chết đều là những lời nói thật nhất. - Khá khen cho ngươi! Còn tảng đá lớn bên cạnh để làm gì? - Trình Hoàng thái hậu, để tạc tượng Nguyễn Trãi, một đấng công thần oan trái, đầu ba họ lìa thân, máu hàng trăm con người ngập tràn nơi bãi hành hình, tội ác này trời không dung đất không tha cho đời đời không quên. Khi nghe đến danh Nguyễn Trãi, Hoàng thái hậu nét mặt chợt biến sắc nhưng Hoàng thái hậu lấy lại sự điềm tĩnh của một người nắm quyền lực tối cao của triều đình: - Ngươi to gan! Ngươi dám chạy tội cho một kẻ phản nghịch giết vua và lên án triều ta. Ngươi phải nhận tội chết. Nhà tạc tượng thong thả nói: - Người xưa xem cái chết tựa lông hồng. Người khắc tượng tạc sự thật mà phải bị giết còn nhẹ hơn cả lông hồng, chỉ như một làn gió nhẹ thoảng qua. Biết không thể đối đáp với nhà tạc tượng, Hoàng thái hậu thét: - Ngày mai cho quân binh đến đập phá tượng cụ rồng. Tên nghịch tử tạc tượng chống đối cho chém đầu, rồi hồi cung.

Ngay trong đêm ấy, dân làng đào hầm chôn tượng cụ rồng, trồng cỏ lên đấy để che lấp dấu vết.

Sáng hôm sau quân lính của triều đình đến, họ không thấy cụ rồng đâu cả. Họ nhìn thấy nhà tạc tượng mình trần, đôi tay nổi bắp cuồn cuộn đang chăm chắm từng nét khắc vào khối đá.

T.T.H
(TCSH365/07-2019)  

.........................................................
Chú thích: - Năm 1993 dân làng Đông Cứu sửa đường vào đền thờ Lê Văn Thịnh thì đào được tượng cụ rồng. Theo các nhà khảo cứu tượng được tạc vào thế kỷ 14, 15. Tượng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia quyết định số 226 ngày 5 tháng 2 năm 1994. Và được Chính phủ trao quyết định là báu vật quốc gia ký ngày 30 tháng 12 năm 2013.
- Làng Đông Cứu, xã Chí Nhị, tổng Đức Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang ngày ấy, bây giờ là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh.
- Một thước ngày xưa bằng 0,40 mét ngày nay.  





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về nhà (06/08/2019)