Tạp chí Sông Hương - Số 366 (T.08-19)
Hấp dẫn không chỉ vì đậm phong vị Huế và giàu nữ tính
15:35 | 10/09/2019

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Đọc Phấn hoa, tiểu thuyết của Phạm Ngọc Túy, Nxb. Thuận Hóa, 2019)

Hấp dẫn không chỉ vì đậm phong vị Huế và giàu nữ tính

Phạm Ngọc Túy là cây bút không xa lạ với Huế. Chị đã in 4 - 5 tác phẩm, từng được giải truyện ngắn Tạp chí Sông Hương và giải hàng năm của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, cô giáo - nhà văn Phạm Ngọc Túy vốn làm việc trong lặng lẽ, hầu như chưa nghe chị phát ngôn hay đăng đàn ở đâu cả.

Vậy nên tôi (và tôi tin rồi sẽ có nhiều bạn đọc nữa) khá bất ngờ khi đọc Phấn hoa của Phạm Ngọc Túy. Được biết Phấn hoa được khởi thảo từ năm 2000, tức là gần chục năm trước khi tiểu thuyết Bình minh ơi trở lại của chị xuất bản (năm 2008), nhưng đến nay mới ra mắt công chúng - vẫn lặng lẽ theo kiểu Phạm Ngọc Túy. Trong thị trường sách vô cùng phong phú và cũng lắm “chiêu trò” quảng bá như hiện nay, một tác giả chưa nổi tiếng như Phạm Ngọc Túy quả là không dễ tìm được nơi xuất bản và phát hành cuốn tiểu thuyết dày trên 400 trang. Phạm Ngọc Túy “ôm” bản thảo hơn chục năm và nay nhờ cú “hích” là khoản hỗ trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật của Nhà nước năm 2018, thông qua Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế - dù chỉ là một số tiền khiêm tốn, tác giả mới có điều kiện in Phấn hoa với số lượng… không thể ít hơn nữa!

Tôi bất ngờ khi đọc Phấn hoa vì thú thật trước một tiểu thuyết dày chưa có dư luận, lại xuất hiện “khó khăn” và lặng lẽ như thế, bên cạnh còn cả chục cuốn sách chưa kịp đọc, tôi chỉ định “lướt qua” rồi xem sau; nhưng không ngờ… Xin nói ngay là lâu rồi, tôi mới đọc một cuốn tiểu thuyết thú vị như cuốn này. Có thể nói như vậy, vì rất nhiều tiểu thuyết xuất bản trong những năm qua - kể cả tác phẩm của những nhà văn tên tuổi, được công luận chú ý nhiều khi nhờ vào sức “nóng”, tính thời sự của đề tài (như chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh ý thức hệ, sai lầm, ấu trĩ thời “cải cách ruộng đất” hay thời “bao cấp”, sự bi thảm của chiến tranh v.v), chứ không phải do sự cuốn hút của nghệ thuật tiểu thuyết. Phấn hoa thì khác; mặc dù tiểu thuyết mở đầu là cảnh Huế năm 1964 - 1965, trải qua mấy chục năm chiến tranh gia đình ly tán, nhưng nhờ tác giả vượt thoát sự hạn chế của “quán tính” có thể gọi là dòng “văn học đề tài”, không bị trói buộc vào các sự kiện lớn hay nhân vật có “vai vế” trong xã hội, nên thỏa sức thả trí tưởng tượng tạo dựng nên thế giới nghệ thuật với các nhân vật chỉ với một mục đích tối thượng là nhằm đạt tới các tiêu chí phổ quát mà một tiểu thuyết cần có. Có thể kế đó là sức hấp dẫn, nhân vật sinh động, những trang văn đẹp và có chiều sâu ý tưởng…

Phấn hoa của Phạm Ngọc Túy có sức cuốn hút bạn đọc, càng đọc càng thú vị nhờ tác giả đã rất cao tay xây dựng kết cấu tiểu thuyết như một tác gia kinh điển: Sau Phần Mở chưa đến 40 trang miêu tả khung cảnh hai chị em Kén và Sâu trong một phủ đệ ở Kim Long (Huế) năm 1964 - 1965, người đọc đang thích thú dõi theo chuyện gia đình gả vội cô Kén (Như Thủy) cho ông Hưng vì “phát hiện” Sâu còn yêu Hưng hơn, cả việc Kén say mê bắt bướm, sưu tập sâu bọ và tập viết văn nữa… thì Phạm Ngọc Túy bỗng đưa độc giả đến một “thế giới” khác - Bình, cô gái đơn độc từ miền biển Thuận An vô Sài Gòn tìm việc, dần dà lọt vào “tầm ngắm” của một gia đình giàu sang và những người đang săn tìm người mẫu diễn viên… Người đọc thoáng chút bỡ ngỡ nhưng đồng thời thích thú như như được “đổi gió” - từ cảnh “cung cấm” cố đô đến cuộc sống phóng khoáng ở Sài Gòn… Càng đọc tiếp và gần về cuối càng thú vị khi độc giả được gặp lại các “nhân vật” ban đầu, cũng tại phủ đệ ở Kim Long với nhiều bí mật được mở dần ra, những bóng ma trong đêm hóa ra người thật, khi Bình được giới thiệu đến giúp ông Hưng và bà Kén viết tiếp cuốn tiểu thuyết “Bướm Ngài”…

Sức hấp dẫn của Phấn hoa, ngoài yếu tố bối cảnh câu chuyện luôn thay đổi và cách “thắt - mở” nút khá cao tay, khéo kết hợp lối viết cổ điển với hiện đại (tiểu thuyết trong tiểu thuyết, dòng ý thức, điểm nhìn đa chiều - phần I tác giả viết ở ngôi thứ ba, nhưng phần sau lại viết với ngôi thứ nhất xưng “tôi”…) còn nhờ hệ thống các nhân vật phong phú, có cá tính rõ nét. Ngay cả Kén và Sâu, “thoạt nhìn ai cũng tưởng hai chị em song sinh với chiều cao dong dỏng, vóc người mảnh mai”, tác giả cũng khắc họa nét riêng khó lẫn: “Sâu nhoẻn miệng cười phô chiếc răng khểnh. So về sắc, cô em có phần hơn cô chị. Đôi mắt cô Kén mở to, dường như cái gì cũng làm cho cô ngạc nhiên. Đôi mắt Sâu nấp dưới hàng lông mày rậm hơi xếch, có vẻ đằm thắm dịu dàng pha lẫn chất đam mê…”. Hai nhân vật nữ có ấn tượng nhất tiểu thuyết là Bình (còn gọi là “Cá Ngần” hay “Nữ thần biển”) và Kén (tức Quỳnh Mi) tác giả tiểu thuyết “Bướm Ngài”, từ dung nhan đến tính cách, số phận còn tương phản hơn nữa. Điều thú vị là hai nhân vật, hai hoàn cảnh khác xa trời vực - Kén là công chúa, Cá Ngần xuất thân từ gia đình ngư dân, cuối tiểu thuyết lại gắn với nhau như mẹ con. Cô Kén “Tôn nữ” ở xứ sở nhiều gái đẹp đã vào ca dao (“Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều trẫm đi!”) - xem ra “lép vế” trước vẻ đẹp khỏe khoắn và bản lĩnh của Cá Ngần. Nhân vật Bình là hình ảnh đẹp tiểu biểu cho sự vươn lên làm chủ vận mệnh của người phụ nữ Việt Nam, dù rơi vào hoàn cảnh bi thảm sau trận bão thế kỷ cuốn sạch cả một làng biển, đến khi sống giữa chốn phồn hoa đầy cạm bẫy vẫn giữ được phẩm hạnh của mình, vẫn không quên nguồn cội; cuối tiểu thuyết, Bình đã trở về làm một cô giáo giản dị ở làng biển quê nhà…

Với nhiều chương lấy bối cảnh là cuộc sống trong phủ đệ của “ông Quận”, mặc dù đã qua thời vàng son, nhưng tác phẩm vẫn đậm phong vị Huế; từ kiến trúc nhà vườn đầy cây trái, đến đủ thứ món ăn của Huế, từ tục lệ giỗ chạp cưới hỏi đến giọng nói lời thưa… đều được tác giả miêu tả kỹ lưỡng, tinh tế. “Họ sống cùng nhau trong căn nhà rường lớn, gọi là phủ đệ rộng mênh mông với những hoành phi, câu đối, trướng liễn treo đầy… Ông Quận mê cây cảnh, như đa số nhà vườn Huế, cây và cảnh là một… Có sự hài hòa nào đó giữa màu xanh của hàng chè tàu quanh nhà với màu vôi tường ở bên trong… Cây mai hoàng điệp hay mai tứ thời được trồng trước bể nước nhỏ thả sen. Hai cây mộc, mùa xuân hoa nở trắng từ dưới lên trên…”. Và đây là Kén tâm sự với Bình về những món ăn quen thuộc: “Tháng giêng rét ngọt, nhà vườn mô cũng có rau tập tàng, là rau khoai trồng sau lụt tháng 9, rau bát bát, rau mồng tơi, rau má nấu với cua đồng cho một bát canh ngon lành… Món ăn tôi thích nhất là món môn ngọt bóp muối chấm nước mắm gừng… Tháng hai gạo kém, thức ăn như cá với tôm thì mắc, món ăn dễ dùng là cơm gạo đỏ, gạo hẻo rằn ấy với cá bống thệ rằn kho khô, thứ cá chỉ có vào mùa gặt tháng ba… Cá biển thì có cá ong. Rau cải tần ô nấu với thịt nạc hay tôm đều ngon… Tháng ba sâu nở. Tháng này có gạo chùm tía, gạo ruộng ngon nhất là gạo làng Ưu Điềm…”. Các bạn trẻ không thích phong cách “cố đô” thì đã có những chương miêu tả cuộc sống của giới người mẫu ở Sài Gòn khá là cuốn hút mà vẫn tế nhị với những cái tên lấp lánh sắc màu sàn diễn: Hồng Mơ, Trúc Đông, rồi Giọt Tuyết, Chân Tinh… Đây cũng là nét đặc sắc của văn chương Phạm Ngọc Túy. Chuyện tình trong tiểu thuyết rất éo le, hấp dẫn mà không “sex”… Cũng có thể nói, Phấn hoa là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, mà là tiếng nói ấm áp, gần gũi với con người bình thường nhưng biết vươn tới lẽ sống cao đẹp.

Qua nhân vật cô giáo Kén với đam mê nghiên cứu thiên nhiên và nhân vật Bình với số phận một gia đình sống chết với biển cả - hai đồng tác giả cuốn tiểu thuyết “Bướm Ngài” có quá trình sinh thành đầy bất ngờ, Phạm Ngọc Túy đã góp một giọng điệu riêng vào dòng “văn học sinh thái” đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Cũng từ đây, qua các trang văn miêu tả hay độc thoại nội tâm, tác giả đã gửi gắm những suy ngẫm đậm tính triết lý và lẽ sống mà nhân loại luôn trăn trở, bất cứ là thể chế nào. Ngay những trang đầu của tiểu thuyết, tập vở của cô sinh viên Kén đã ghi: “Hãy khích lệ những con côn trùng như con bọ rùa, ruồi trâu và những con bọ đất vào chơi nhà bạn… như một món tiền thưởng bạn có thể giảm bớt nhu cầu xịt thuốc…”. Chính Bình, đã trăn trở tự hỏi khi đánh máy và viết tiếp “Bướm Ngài”: “…Bà Mi đặt vấn đề gì trong cuốn sách của bà?” Và khi đi dạo trên con đường sâu hun hút giữa hai vòm lá giao nhau, cô nghĩ: “Đời cây, đời người. Loài bướm sống được bao ngày, đời bướm và ve đều ngắn ngủi, người nghệ sĩ mang lại cho đời cái đẹp, còn đời hoa? Hoa cũng thế. Sớm nở, tối tàn… Tại sao những mối tình đẹp đều dang dở? Tại sao?...”

Ở một đoạn khác: “Loài bướm đêm sống được bao ngày, bướm đẻ ra ngài rồi chết. Kinh Phật dạy không bao giờ có một cái chết vĩnh viễn, con ngài chính là con bướm lại sản sinh ra một lần nữa và cứ thế chu kỳ sinh sinh diệt diệt liên tục. Và chúng luôn tồn tại.

Tình yêu cũng tôn tại dưới hình thức này hay hình thức khác…”


Và rút cục, qua những gì đã trải qua, Bình cũng đã tự biết: “… Ý thức về kiếp người phù du có sớm trong tôi cùng với lời thuyết giáo của sư và những gì đã trải qua thật khủng khiếp sau cái chết của hai ngàn con người trôi ra biển đêm hôm ấy. Không những cuớp đi mạng sống của người thân mà còn tình yêu. Thầm mong trong bất cứ cuộc chia ly nào, sự sụp đổ nào vẫn còn một nẻo đường cho ta có thể hướng về tương lai. Đời bướm đêm ngắn, đời ve sầu ngắn. Người nghệ sĩ chết rồi nhưng sáng tạo nghệ thuật của người sống đến thiên thu…”.

Tôi tin rằng, tác phẩm của Phạm Ngọc Túy, sau lần “in thử” ít ỏi, sớm muộn sẽ được các nhà xuất bản có tiềm lực và khả năng phát hành ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh chú ý. Và như vậy, cuốn sách ghi dấu ấn “sáng tạo nghệ thuật” của Phạm Ngọc Túy sẽ được “tái” sinh để đến với bạn đọc rộng rãi hơn…

N.K.P  
(TCSH366/08-2019)



 

Các bài mới
Zaabalawi (25/09/2019)
Các bài đã đăng
Hai màu hoa (15/08/2019)
Giấu Hương (13/08/2019)