Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Cuộc đến thăm của ngài thanh tra chính phủ
10:11 | 20/10/2019

LTS: Bạn đọc đã từng quen biết Phạm Thị Hoài qua tập truyện "Mê lộ" và tiểu thuyết "Thiên sứ" (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La messagère de Cristal", do Phan Huy Đường dịch, Nxb Phụ nữ ở Paris phát hành. Nxb Turino (Ý) cũng dự định cho ra mắt tác phẩm này bằng tiếng Ý vào tháng 5 sắp tới, đồng thời Nxb Rowohl (Đức) cũng đã ký hợp đồng in 12 nghìn bản tiếng Đức.

Cuộc đến thăm của ngài thanh tra chính phủ
Ảnh: Internet

Vừa qua tác giả có gửi cho SH hai truyện ngắn và mong được in cùng một lúc. Do khuôn khổ báo có hạn, bước đầu SH giới thiệu cùng bạn đọc truyện "Cuộc đến thăm của Ngài thanh tra chính phủ".
S.H





PHẠM THỊ HOÀI

Chúng tôi không phải hạng người mơ tưởng những biến cố làm xáo động đời thường. Tâm hồn chúng tôi bình dị, và tập quán sinh sống của hầu hết mọi người dân quê tôi rất lành mạnh, đơn giản. Tôi nói "hầu hết", vì cũng có ngoại lệ. Nhưng có thể đảm bảo rằng ngoại lệ cực đoan nhất của chúng tôi cũng chỉ đáng ghi nhận trong phạm vi nội bộ, nghĩa là trong địa phận đánh dấu bằng bốn chiếc cổng chào tre, với hơn hai trăm hộ, gần một ngàn nhân khẩu, chứ không dám đem so với những kỳ tích về sự rắc rối của những con người ta ở những nơi khác. Nhân tiện giải thích về bốn chiếc cổng chào, hướng về bốn phương trời. Dân quê tôi tiết kiệm, và ít trọng hình thức. Thực ra tấm lòng mới là chính, chào mời ăn thua gì. Nhưng nhân dịp lần đầu tiên ngài thanh tra chính phủ qua làng, chúng tôi đã quyết định bày tỏ thái độ hoan nghênh và kính trọng của toàn thể dân làng tới chính phủ. Nhưng không rõ chính phủ nằm ở đâu, hướng nào, dưới gầm trời mênh mông này, nên chu đáo hơn cả là dựng lên bốn chiếc cổng chào nam bắc tây đông, cho không phía nào bị bỏ sót.

Dân làng tôi sống giản dị và hòa hợp với thiên nhiên, chứ tuyệt không hề tò mò về nó. Chắc chắn không một người nào, dù hỗn xược đến mấy, dám đặt mình ngang tầm vũ trụ, để chĩa vào đó những ống kính quan sát khác hẳn mắt người thường, rồi phanh phui mổ xẻ, phân tích, kết luận. Và rút cục là tấn công vào thiên nhiên và vũ trụ đó, như người ta tấn công một con chó, đấy là lối làm việc của các nhà bác học. Quả thật, chúng tôi cùng lắm chỉ phanh phui mổ xẻ và tấn công những con chó hay gà vịt ngan ngỗng, khi đói kém thì thêm cả chuột, và việc này là để thuần túy dinh dưỡng, chứ không nhằm kết luận điều gì. Vậy là chúng tôi không có nhà bác học.

Để có những nhà thơ, chúng tôi lại hoàn toàn thiếu khả năng bịa đặt và gán ghép cho thiên nhiên những phẩm chất vốn chỉ có ở con người. Sự chân thật của tâm hồn người dân quê tôi không cho phép chúng tôi đánh giá cao những câu réo rắt, chỉ hơn những câu bình thường khác ở chỗ réo rắt, còn nội dung thì thua xa, nói đúng ra là không hề có nội dung, vì muốn sao chăng nữa, không thể coi thông báo, chẳng hạn, về việc bầu trời chỉ xanh trong mắt một người đàn bà, là một nội dung ra hồn. Bầu trời quê tôi xanh, hay không xanh, điều đó phụ thuộc vào thời tiết, và được phản ánh trong mắt tất cả hơn hai trăm hộ, gần một ngàn nhân khẩu, trừ những kẻ suốt đời gằm mặt xuống, chứ đâu phải độc quyền riêng ai. Xưa nay, truyền thống yêu thương đùm bọc lẫn nhau của chúng tôi không tha thứ kẻ nào ngạo mạn tự tách mình ra hưởng thụ riêng như vậy.

Hơn thế nữa, chúng tôi không quen đem những cảm xúc cá nhân của mình ra tâm sự công khai. Qua một vài nơi mà tôi may mắn có dịp thăm thú, tôi có thể khẳng định rằng, người quê tôi gần như là mẫu người hay đỏ mặt duy nhất còn sót lại trên thế giới, và khi viết những dòng này, tôi thấy mình cũng đang đỏ mặt. Chúng tôi chất phác và cả thẹn. Vợ chồng đầu gối tay ấp, thân thiết gần gũi là vậy cũng chẳng bao giờ trao đổi về chuyện thầm kín. Cứ lẳng lặng nhắm mắt, nhắm mắt ngay cả trong bóng tối, thế thôi. Chúng tôi cất giữ riêng sung sướng, khoái cảm hay sầu muộn trong một góc thiêng liêng cho mình. Đồng ý rằng, tâm sự công khai các cảm xúc có thể là phương tiện hành nghề chính đáng của nhà thơ, nhưng việc ấy lại khiến người dạn dĩ nhất trong chúng tôi phải chín nhừ vì xấu hổ. Vậy là chúng tôi không có nhà thơ.

Và cũng tương tự, tôi có thể xác định ngay ra đây, rằng chúng tôi không có các tay phiêu lưu thám hiểm, bọn rong chơi, các siêu cầu thủ, các nhà cải cách xã hội, các chàng Don Juan, các chú hề và nhà ảo thuật, các thương gia liên lục địa, bọn mafia, các ông thánh tuẫn nạn, các cô nàng đỏm dáng sùng sục gợi tình... Tóm lại, chúng tôi không có những nhân vật được ngưỡng mộ và có khả năng vận động hay kích động ghê gớm đối với đám đông, thậm chí với cả lịch sử nhân loại - trong chừng mực chúng tôi được nghe nói nhiều hơn là nhìn tận mắt cái lịch sử đó. Nhưng xét cho cùng, đám nhân vật này bao giờ cũng gây rắc rối, ảnh hưởng đến cả cuộc sống bình dị của những con người không liên quan gì đến sự phát triển của lịch sử như chúng tôi. Chúng tôi không ham hố, không mơ mộng, không hiếu kỳ. Sự thiếu mặt những nhân vật vừa kể trên trong cộng đồng êm đẹp của chúng tôi, vì thế, có thể coi là may mắn lớn. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn không ngừng cảnh giác, vì một tâm hồn bình dị dễ bị phức tạp lên hơn là một tâm hồn phức tạp có thể trở về bình dị.

Tôi đã cố tình không đề cập đến triết học và các triết gia trong phần liệt kê trên. Không phải tôi không biết chính các triết gia mới là bọn người đáng sợ nhất. Những nhân vật kể trên vận động đám đông, còn các triết gia lại vận động những nhân vật này. Sự vận động có thể tức thì, giữa những người cùng thời, nhưng cũng có thể lan toả tới tận những thời đại xa xôi, khi các triết gia liên quan đã yên phận ở thế giới bên kia, nơi không biết họ có còn được quyền tiếp tục triết lý? Vậy là, nhìn thoáng qua họ có vẻ vô can, và vô danh, nhất là trong quan niệm của đám đông. Nhưng thực tế, họ chính là những kẻ đầu têu nguy hiểm nhất. Đám nhân vật kể trên chỉ chịu tác động, nhiều khi rất mơ hồ của họ, chỉ môi giới họ với đám đông, mà đã gây rất nhiều biến động phiền phức. Cứ thế suy ra, quê tôi không thể có triết học và chúng tôi không nên có triết gia nào trong cộng đồng mới phải. Và thực tế, xét theo cách của các nhà làm từ điển, cũng đúng như vậy.

Nhưng đã bàn đến một vấn đề tầm cỡ như triết học, có lẽ nên tính thêm vài ba thực tế khác, phòng trường hợp lý trí sáng suốt của chúng ta bị một thực tế duy nhất đánh lừa.

Có một thực tế rất đáng khích lệ khác, là thật ra hầu hết mọi người quê tôi, mỗi nhân khẩu là một triết gia theo ý nghĩa rộng nhất của từ này, và ở đây, chúng ta phải bám vào ý nghĩa rộng của từ ngữ. Triết học quê tôi nằm chính trong sự tôn trọng tự nhiên và hòa hợp với nó, tôn thờ đời sống mộc mạc như tự nó và vĩnh viễn hài lòng với tất cả những gì có trong tầm tay. Nói vắn tắt, cái gì không tồn tại trong phạm vi bốn chiếc cổng chào thì ắt không tồn tại. Đó là một triết học tôn thờ hạnh phúc tự thân và tự tại. Có thể nó không cống hiến nhiều cho việc nghiên cứu còn rất dở dang trên thế giới về ý thức, và đặc biệt về siêu ý thức, nhưng rõ ràng nó là một tiếng nói độc đáo về vấn đề tồn tại. Nó trả lời ngắn gọn, không mập mờ tý nào câu hỏi hóc hiểm của Hamlét. Nó biểu hiện một chủ nghĩa hiện sinh nguyên thủy mà căn cứ vào đó có thể dễ dàng cảm thông với các khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa rất bị chê trách của các khu vực văn minh khác. Và cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng triết học quê tôi mang nhiều sắc thái tôn giáo. Điểm ưu việt tuyệt đối của nó là đem lại sự an lạc cho con người mà không cần phí tổn tốn kém. Chúng tôi không phải chăm nuôi những tổ chức cồng kềnh phức tạp. Các nghi lễ phiền toái cũng chưa bao giờ thực sự chinh phục tâm hồn chất phác ưa thanh bạch của người dân quê tôi. Chỉ cần một câu chuyện kể lần thứ bao nhiêu không quan trọng, vì bao giờ cũng có những cái tai mới ra đời, của người già bên bếp lửa, là lòng chúng tôi lại tràn ngập niềm tin yêu cuộc sống, hài lòng với công việc thường ngày, không mơ ước người đàn bà nào khác ngoài vợ mình, và chẳng muốn chết ở đâu ngoài phạm vi bốn chiếc cổng chào yêu quý.

Thử hỏi, một triết học như thế có đáng kể không, và việc tôi cố tình tách riêng phần này để bàn luận cho thấu đáo có hợp lý không?

Xuất phát điểm của tôi, khi nói về triết gia và triết học, là sự nguy hiểm của họ, và nó. Điều này còn nguyên giá trị khi áp dụng vào trường hợp triết học quê tôi. Một ngày nào đó, bây giờ thì chưa, nhưng một ngày nào đó, rất có thể không xa nếu căn cứ vào sự khốn cùng của tình trạng chung sống của con người hiện nay, triết học của đời sống bình dị sẽ trở thành mối hiểm nguy lớn nhất do toàn bộ sự rắc rối được gây dựng bởi những triết học khác, tình trạng biến động không ngừng trong mọi lĩnh vực đời sống con người, đặc biệt là lĩnh vực tình cảm và tình dục, sẽ thấy trong nếp sống ổn định hài hoà của người dân quê tôi địch thủ đáng gờm nhất. Cảm giác hài lòng với tất cả của chúng tôi sẽ thách thức tâm trạng bất mãn tràn lan khắp năm châu. Và cuộc đời thanh bạch an nhiên của chúng tôi sẽ làm chủ nghĩa cơ hội, căn bệnh lớn nhất của thế kỷ chúng ta, phải hổ thẹn bẽ bàng.

Nhưng trước khi cái ngày vĩ đại ấy đến gõ cửa, chúng tôi phải đón tiếp một vị khách khác: ngài thanh tra chính phủ.

Như đầu tiên tôi đã nói, chúng tôi không phải hạng người mơ tưởng những biến cố làm xáo động đời thường. Nhưng cuộc đến thăm của ngài thanh tra chính phủ là sự kiện mà một đời người dân quê chỉ chứng kiến một lần. Ngài vào làng bằng lối cổng chào nào, thông thường chúng tôi không được biết. Rồi ngài ra đi, để bao giờ trở lại, chúng tôi cũng không đặt câu hỏi. Thọc mạch vào việc người khác là rất thiếu lễ độ. Chỉ biết, ngài sẽ tháp tùng chúng tôi nhiều năm sau cuộc đến thăm. Tôi nói "tháp tùng", vì không còn từ ngữ nào chính xác hơn, mặc dù ngài là bề trên, chúng tôi phận dưới. Thanh tra chính phủ chỉ có một, trong khi chúng tôi gần một ngàn nhân khẩu, hơn hai trăm hộ, như thế đủ rõ giá trị khác thường của ngài. Nhưng quả thật, ngài đi theo chúng tôi nhiều năm sau cuộc đến thăm. Tất nhiên "đi theo” với một nghĩa văn vẻ. Khi chúng tôi, những tâm hồn cả thẹn và chất phác đã phải dùng đến nghĩa văn vẻ, thì đó phải là một việc rất hệ trọng và khó cắt nghĩa. Ngài đi theo chúng tôi, cho đến khi trí nhớ đáng trách của chúng tôi để tuột luôn cả nửa tiếng đồng hồ trọng đại, không bao giờ lặp lại suốt một kiếp người, nửa tiếng đồng hồ, trong đó ngài hỏi han việc đồng ruộng, nhắc nhở việc sưu thuế, xoa đầu trẻ em, bắt tay người già, và diễn thuyết.

Cần phải nói thêm rằng, chúng tôi không phải hạng người có trí nhớ dai. Ngài thanh tra chính phủ tất nhiên là một sự kiện lớn. Chúng tôi đón tiếp ngài bằng tất cả lòng tôn trọng và phục tùng của công dân đối với chính phủ, mặc dù chẳng biết chính phủ nằm ở đâu, hướng nào, dưới gầm trời mênh mông này. Nhưng cứ dai dẳng bám mãi vào một sự kiện, dù là sự kiện hạng nhất chăng nữa, làm gì? Ký ức, rồi những tình cảm vô bổ phát sinh từ đó, như luyến tiếc, hy vọng, chờ đợi... không làm tổ nổi trong tấm lòng hồn nhiên, toàn tâm toàn ý với cuộc đời bình thường, hiện tại, của người dân quê tôi. Chúng tôi dễ dàng thanh toán quá khứ như vậy đấy.

Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng có quan điểm vững chắc của mình về những điều đã từng xảy ra. Chúng tôi tôn trọng truyền thống. Những lời sâu sắc cổ nhân đã nói rồi thì không nên nói khác làm gì. Những luật lệ hình thành từ xa xưa nữa, cũng không nên đảo lộn. Vì vậy, mỗi lần gặp lại ngài thanh tra chính phủ, chúng tôi đều thấy, thật kỳ diệu, ngài hầu như không hề già đi là bao, tuy dáng vẻ có phần không hoàn toàn phù hợp với dáng vẻ cũ. Thực ra nói như thế cũng là hơi hồ đồ, vì trong số những người được hân hạnh nghe ngài diễn thuyết năm mươi năm trước, có ai còn sống để nghi vấn về những điều rất phụ như tuổi tác và hình dáng đâu. Quan trọng là bài diễn văn vẫn đúng như xưa.


Cả làng chúng tôi thường nín thở hồi hộp khi ngài hắng giọng một cái, cùng lắm là hai cái, và bao giờ cũng thở phào nhẹ nhõm thấy ngài mở đầu bằng "thưa bà con đồng bào". Đúng bài diễn văn ấy! Đúng ngài rồi! Không còn chệch đi đâu! Chúng tôi hả hê gật đầu nhìn nhau, miệng mấp máy đọc theo những lời mà chúng tôi đã thuộc lòng. Nhưng đôi khi cũng có vài trục trặc nhỏ. Hoặc là bọn trẻ nóng ruột muốn khoe ta đây hiểu biết cứ đọc quá lên trước nửa câu. Chúng chưa đủ tuổi hiểu đó cũng là sự khiếm lễ đối với chính phủ. Hoặc có khi ngài thanh tra bỏ qua phần cuối của câu này và đi thẳng ngay vào phần cuối của câu tiếp theo. Nhưng dường như đoán ra nỗi băn khoăn của chúng tôi, ngài bèn nối phần đầu của câu tiếp theo với phần cuối vừa bị bỏ rơi. Thế là mọi sự vẫn đâu vào đấy.

Tuy nhiên, có một việc rất khó chịu là ngài hay nhầm lẫn tên của chính phủ. Đối với chúng tôi, chính phủ quả là xa hơn cả thiên đường. Những chuyện thường được truyền tụng về chính phủ, nào là đảo chính hành lang, nào là dinh thự nguy nga tráng lệ, nào duyệt binh, nào tổng kiểm kê kho lẫm, nào các vị cố vấn di chuyển trong những chiếc xe bịt kín, nào những phu nhân giấu nụ cười sau chiếc quạt thơm..., tất cả những chuyện ấy chúng tôi thường chỉ nghe thế thôi, chứ không để bụng. Nhưng chúng tôi tự hào là công dân của chính phủ, và một khi đã biết tên chính phủ là chúng tôi ghi tạc trong lòng. Thông thường, lần nào ngài thanh tra cũng kết thúc bài diễn văn bằng câu: "Vậy, nay thay mặt chính phủ...". Nhưng thay vì cái tên mà chúng tôi ghi tạc trong lòng, ngài lại điềm nhiên công bố một cái tên khác. Vài lần như vậy, rồi cái tên cũ lại được công bố. Ngài định đùa với chúng tôi chăng? Hay ngài muốn thử thách độ trung thành của dân làng? Cái tên tiết lộ con người. Việc này không coi thường được.

Chúng tôi có ý kiến khác nhau về vấn đề đó. Một số ít cho đây là sáng kiến nhằm tăng độ phong phú của bài diễn văn, vì chắc kinh nghiệm diễn thuyết ở một nơi khác đã cho ngài biết tâm lý ưa thay đổi của con người. Tiếc rằng kinh nghiệm ấy không thể áp dụng ở quê tôi. Chúng tôi không muốn thay đổi những chi tiết không cần thiết như vậy. Ngài muốn làm chúng tôi vui lòng bằng những đổi thay nho nhỏ. Thiện chí, chúng tôi sẵn sàng ghi nhận. Nhưng có lẽ, là người nhạy cảm, ngài nhận ra ngay sự thất vọng của chúng tôi, nên lần sau, ngài lại tế nhị quay trở về cái tên cũ. Còn phần lớn dân làng tôi giải thích việc này giản dị hơn. Chúng tôi cho rằng con đường quá dài từ chỗ chính phủ đến quê tôi có thể làm một thanh tra tài giỏi nhất quên sạch cả bài diễn văn. Ngài đã đến, và chỉ lầm lẫn một cái tên, ở cuối bài, không ảnh hưởng gì đến toàn bộ, như thế thật ra rất đáng cảm thông, thậm chí đáng khâm phục. Chúng tôi không bao giờ đưa việc lầm lẫn này ra, mặc dù trước khi nhảy lên chiếc xe đạp trung thành, tạm biệt chúng tôi, ngài luôn luôn hỏi còn điều gì đè nặng con tim, xin cứ việc thổ lộ, chính phủ sẵn sàng nghe ý kiến. Nhưng chúng tôi luôn im lặng, không muốn chính phủ phải bận tâm vì một điều quá nhỏ nhặt như vậy. Nếu có gì đáng thắc mắc hơn thì đấy chính là câu hỏi, vì sao ngài thanh tra chính phủ không chịu khó rút ngắn thời hạn đến thăm giữa hai lần đến thăm của ngài ở làng tôi? Vì sao thời hạn ấy luôn phải dài bằng đúng một kiếp người? Nếu muốn được nghe ngài diễn thuyết không phải nửa thế kỷ một lần nửa tiếng đồng hồ như tình trạng hiện nay, mà một phần tư thế kỷ một lần chẳng hạn, thì chúng tôi phải tự động giảm tuổi thọ của mình xuống một nửa chăng? Nhưng rồi chúng tôi cũng không thắc mắc, vì chúng tôi biết, đất nước thì rộng và dài; còn biết bao làng xóm khác cần được hỏi han về đồng ruộng, nhắc nhở việc sưu thuế, và nghe ngài diễn thuyết. Thế là chúng tôi thường lẳng lặng tiễn ngài ra khỏi một trong bốn chiếc cổng chào. Điều này cũng không định trước, vì hành trình tiếp theo của ngài là việc chính phủ, chúng tôi không tự tiện can thiệp.

Nhưng lần này, ngài thanh tra chính phủ đến làng tôi với một cung cách khác hẳn mọi lần. Chúng tôi không phải hạng người mấp mé những ý nghĩ tội lỗi như nghi ngờ chính phủ, nhưng ngài thanh tra lần này và ngài thanh tra từng đến thăm làng tôi trong suốt quá trình lịch sử dài lâu hình như không thể là một. Ngài cũng đến bằng xe đạp, cũng qua không định trước một trong bốn chiếc cổng chào, cũng hỏi han việc đồng ruộng, nhắc nhở việc sưu thuế, cũng xoa đầu trẻ em, nhưng ngài kinh hãi nhận ra đầu chúng tôi đầy chấy rận. Và khi bắt tay người già, ngài hỏi thăm tuổi tác rồi ngạc nhiên cho biết, đấy không phải tuổi dưỡng lão, đấy là tuổi cho mọi khát vọng sống cuộn lên mãnh liệt hơn bao giờ hết, tuổi cho phụ nữ mặc loại vải mềm, mỏng và trong suốt nhất, tuổi cho đàn ông bắt đầu vươn tới danh tiếng và địa vị.

Chúng tôi lo lắng đưa mắt nhìn nhau. Chuyện gì đã xảy ra với chính phủ vậy? Không một ai có thể trả lời câu hỏi đó ngoài chính ngài thanh tra, nên chúng tôi nén lòng chờ đợi. Bài diễn văn của ngài sẽ quyết định tất cả. Những chi tiết nêu trên chỉ là chuyện phụ. Rồi sau cái giọng hắng quen thuộc, những từ ngữ thân thiết sẽ vang lên, và chúng tôi sẽ mỉm cười thở phào khoan khoái. Sẽ tự trách mình hồ đồ. Sẽ ái ngại, cảm thông và khâm phục ngài về quãng đường quá dài mà ngài đã vượt qua với tinh thần trách nhiệm chỉ có ở thanh tra chính phủ.

Nhưng sự việc không hề diễn ra như vậy.

Lần này, ngài không thưa bà con đồng bào để mở đầu, và nói chung, trong suốt bài diễn văn, ngài không thưa gửi gì hết. Như đã nói, chúng tôi không phải hạng người lú lẫn vì các nghi thức, nhưng việc gì chính phủ phải bày tỏ thái độ một cách thiếu lịch sự thế. Cứ cho là làng tôi đã làm một điều gì đó dại dột khiến chính phủ mếch lòng chăng nữa, thì thiếu gì cách giải quyết vừa êm ái, vừa hiệu quả hơn. Đấy là chưa kể, chúng tôi chẳng làm gì khác ngoài việc không tham gia vào sự phát triển của lịch sử.

Nhưng ngài thanh tra không thay mặt chính phủ nổi giận về việc ấy. Ngài nổi giận liên tục ba mươi phút đồng hồ, nổi giận một cách vô lý, như thể cơn giận trong ngài và bản thân ngài là hai thứ không ăn nhập nhau, như thể đấy là một cơn sốt do lịch sử muốn thế, chứ ngài chẳng muốn. Chúng tôi lại ái ngại ngầm đưa mắt cho nhau. Lịch sử muốn gì nào? Các nền triết học khác muốn gì nào? Đúng, một ngày nào đó không xa, nếu căn cứ..., chỗ này tôi nói rồi, và xin nói thêm, thái độ bất ngờ của ngài thanh tra chính là dấu hiệu rõ ràng nhất. Vâng, một ngày nào đó, tất cả sẽ đảo lộn. Nhưng chúng tôi không ưa cưỡng bức sự phát triển. Chỉ những kẻ không đủ đức tin vào sự ưu việt của chính mình mới luôn tìm cách cưỡng bức sự phát triển. Phải chăng ngài thanh tra chính phủ muốn chúng tôi buộc phải hành động khi bối cảnh chưa chín muồi? Nếu vậy thì ngài đã lầm. Kinh nghiệm về những cơn sốt tập thể của ngài tiếc thay không thể đem áp dụng ở chỗ chúng tôi.

Bây giờ thì ngài đang phun nước bọt phì phì để quở trách tình trạng mà ngài cho rằng "mông muội, u mê, lạc hậu ngoài mọi sức tưởng tượng" ở làng tôi. Ơ kìa! Chúng tôi tự véo tím tái đùi mình và biết đây không phải một giấc mơ. Chao ôi, chưa bao giờ, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy bị lừa dối, bị phản bội bất ngờ đến thế, đau đớn đến thế. Suốt một quá trình lịch sử, bao nhiêu kiếp người, ngài và chúng tôi từng hoà thuận, vui vẻ, yêu mến nhau biết chừng nào. Thậm chí từng bỏ qua cho nhau những lầm lẫn. Hình ảnh ngài trong chúng tôi có thể ví như một người tình, nửa thế kỷ mới có lần gặp gỡ, và có thể phỏng đoán, hình ảnh chúng tôi trong ngài chắc cũng không thể là hình ảnh tồi tệ nhất. Vậy mà bỗng nhiên thay lòng đổi dạ. Vậy mà bỗng nhiên phỉ báng, sỉ nhục nhau. Như thể cả một quá trình yêu đương sâu nặng trước kia không nghĩa lý gì. Có thể ứa nước mắt vì sự vô nghĩa sững sờ này lắm. Nhưng bao giờ cũng thế, nước mắt chỉ dễ chảy ra ở chính kẻ phản bội. Chúng tôi cứ đứng lặng, mũ cầm trong tay, cúi đầu mặc niệm cho tình yêu trung thành đau xót của mình, trong khi ngài gào lên, ngài trào nước mắt, ngài hỷ mũi và the thé nói về những điều chẳng liên quan gì đến tâm tình của chúng tôi. Không hề liên quan! Ngài nói về vệ sinh dịch tễ, về thủy lợi và phân bón, về thông tin đại chúng, và không từ cả vấn đề sinh hoạt vợ chồng. Theo ngài, vợ chồng cần bàn luận kỹ lưỡng, nên ân ái theo kiểu gì, nhằm mục đích gì, có thể dẫn đến hậu quả gì, trước khi thực sự vào cuộc. Chao ôi, ân ái vợ chồng là lẽ huyền bí của đất trời. Làm sao chính phủ lại yêu cầu chúng tôi phạm thượng đến mức ấy. Thà chúng tôi tự nguyện cắt phăng cái tý chút đàn ông của mình, thà đắc tội với lộc trời, còn hơn phải có một người vợ thích bàn luận như ngài thanh tra đang khích lệ. Phụ nữ làng tôi sở dĩ không trở thành những con ngáo ộp như ở nhiều khu vực văn minh khác, chính là nhờ đức nhu thuận ít lời. Cả làng có một gái già duy nhất, nhan sắc tuy không đến nỗi nào, nhưng tất yếu cô độc, vì chị ta biết nhiều hơn năm chục từ cần thiết cho một người đàn bà trong gia đình. Và bây giờ, cả làng cũng chỉ có mình chị ta nhoẻn cười với ngài thanh tra, trong khi chúng tôi lần lượt bị ném từ trạng thái tình cảm này sang trạng thái tình cảm khác một cách có thể gọi là tàn nhẫn. Đang mãn nguyện vì được nghe từ chính miệng ngài thanh tra, rằng chính phủ đánh giá cao lòng trung thành của dân làng, chúng tôi bỗng lại choáng váng vì ngài lập tức yêu cầu dân làng tiếp tục chứng minh lòng trung thành ấy bằng cách hợp tác chặt chẽ với chính phủ, xóa bỏ tình trạng trì trệ, tăm tối hiện nay. Chưa nuốt hết cục đắng vì sự sỉ nhục bất công đó, chúng tôi lại bàng hoàng khi nghe ngài lên án tất cả các chính phủ và các thanh tra chính phủ từ trước tới nay. Sao? Một lần nữa ngài thử thách chúng tôi chăng? Làm như chính ngài với ngài thanh tra từng tháp tùng chúng tôi xưa nay không phải là một? Chao ôi, khi người ta đã quyết định phản bội, thì người ta tráo trở cả những điều không đáng tráo trở nhất.

Đến đây, một nhận thức khủng khiếp phút chốc xâm chiếm chúng tôi, kéo phăng chúng tôi khỏi cơn hoảng loạn cảm xúc do ngài thanh tra gây ra. Điều mà chúng tôi thảng hoặc chỉ nghe truyền miệng, như trong những anh hùng ca của các dân tộc khác, nay bỗng ập đến, cụ thể, có thể sờ mó được dưới dạng ngài thanh tra chính phủ đang đứng trên hai chiếc ghế chồng lên nhau, cách chúng tôi chưa đầy gang tấc. Chúng tôi đã hiểu ra: chính phủ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, chưa biết chừng còn có đảo chính đẫm máu.

Sự thật lớn lao đó cho chúng tôi sức mạnh bỏ qua những kết luận đầy xúc phạm của ngài thanh tra về nếp sống quê tôi. Chúng tôi cười thầm trước những hứa hẹn vô lối của ngài. Và khi ngài hét lớn: "Tất cả rồi sẽ thay đổi!", chúng tôi vẫn một mực cung kính giúp ngài tụt từ chiếc ghế thứ hai xuống chiếc ghế thứ nhất, rồi từ chiếc ghế thứ nhất xuống mặt đất bình an. Phải, tất cả rồi sẽ thay đổi, nhưng không thay đổi theo chiều hướng phức tạp và đẫm máu như ngài tưởng tượng. Tôi đã nói, một ngày nào đó, một ngày nào đó, bây giờ thì chưa...

Sau đó, ngài thanh tra chính phủ nhảy lên chiếc xe đạp, phi nước kiệu ra khỏi một trong bốn chiếc cổng chào. Bụi đất mù mịt bốc lên, khiến chúng tôi không có lý do gì nhìn theo mãi. Chẳng qua, ngài cũng chỉ là một nạn nhân của sự phản bội đang làm mưa làm gió trong cái thế giới hỗn tạp mà chúng tôi, dân làng Đinh, kiên quyết chối từ. Bây giờ, điều quan trọng nhất vang lên, thúc giục trong lòng chúng tôi là: hãy lên đường đi cứu chính phủ, khi tất cả còn chưa quá muộn!

Chúng tôi sẽ chia nhau đi cả bốn hướng, cho không hướng nào bị bỏ sót.

10.1990
P.T.H
(TCSH47/05-1991)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dạ đề (11/10/2019)