Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Nhớ vụn về mười năm
10:30 | 10/12/2019

LƯU TÂM VŨ
            hồi ký

LTS : Nhà văn Lưu Tâm Vũ sinh năm 1942, tốt nghiệp sư phạm Bắc Kinh năm 1961, sau đó dạy học nhiều năm ở Bắc Kinh. Truyện ngắn đầu tay Chủ nhiệm lớp đoạt giải thưởng truyện ngắn ưu tú toàn quốc 1978, được coi là tác phẩm mở đầu cho văn học thời kỳ mới.

Nhớ vụn về mười năm
ĐH Sư phạm Bắc Kinh - Ảnh: wiki

Tác giả cũng là nhân vật xuyên suốt mười năm đầu của thời kỳ này với một lần nổi danh và ba lần "tai tiếng", bởi vậy có người bảo mười năm văn học ấy "bắt đầu từ Lưu Tâm Vũ, kết thúc bằng Lưu Tâm Vũ". Sau đây là hồi ký của ông về mười năm vinh quang và sóng gió đó.

 

... Nhiều người tưởng rằng khi viết truyện ngắn Chủ nhiệm lớp, tôi vẫn đang dạy học ở trường trung học, thật ra lúc đó tôi đã là biên tập văn học ở nhà xuất bản Bắc Kinh. Chủ nhiệm lớp đăng trên Văn học Nhân dân số 11 năm 1977. Vì Văn học Nhân dân ra ngày 20 hàng tháng, lại thêm nhỡ mất một kỳ nên đầu năm 1978, Chủ nhiệm lớp mới được ra mắt bạn đọc, lúc ấy - cách đây vừa tròn mười năm, có bối cảnh thời đại như thế nào? Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ ba khóa 11 nổi tiếng chưa triệu tập (1), “sự kiện Thiên An Môn” chưa được xem xét lại, hàng ngàn hàng vạn “phần tử phái hữu” bị quy sai chưa được cải chính, biết bao người bị hại trong “cách mạng văn hóa” chưa được thả, tóm lại, quán tính “đấu tranh giai cấp là rường cột” vẫn tồn tại mạnh mẽ và cố chấp trong đời sống xã hội. Đến nay tôi vẫn nhớ cái tập thể sôi nổi ở phòng biên tập văn nghệ nhà xuất bản Bắc Kinh, cái tập thể lúc bấy giờ do một tinh thần đáng quý chi phối, đó là vâng theo thời đại chứ không máy móc vâng theo sự bố trí...

Hồi tưởng đến đây, tôi càng ý thức được rằng một thời đại như thế, một tập thể bạn đọc như thế nào lúc bấy giờ, cách đây mười năm, đã cứ nhất định đưa Chủ nhiệm lớp của tôi và một số tác phẩm "văn học vết thương" khác lên địa vị sáng chói để lại dấu tích đến nay. Nếu nói rằng đó là nỗi buồn cho văn học đương đại Trung Quốc chúng ta (văn học phải dùng phương thức thô sơ vụng về để lại cất bước và khiến xã hội chú ý), thì theo tôi, chẳng bằng nói rằng Chủ nhiệm lớp cùng một số tác phẩm "văn học vết thương" đã vượt ra khỏi hoàn cảnh biết bao nguy hiểm mà dân tộc ta đã lâm vào. Trong tình hình đó, điều quần thể xã hội quan tâm trước hết không thể gọi là mỹ học thuần tuý ở trình độ cao; điều họ kêu gọi và muốn giành lấy tất nhiên là được mở mắt nhìn ra thế giới và dũng khí dám tỏ thái độ không đợi chỉ thị.

Mùa xuân năm 1978, tạp chí Bình luận văn học triệu tập riêng một buổi tọa đàm về Chủ nhiệm lớp. Ở đó, lần đầu tiên tôi được gặp rất nhiều bậc lão thành và nhân vật nổi tiếng trong giới văn học, tất cả đều nhiệt liệt ủng hộ Chủ nhiệm lớp. Sau đó Nhật báo Nhân dân đăng bài viết rất dài của người bình luận, khẳng định hiện tượng "văn học vết thương" do Chủ nhiệm lớp, vết thương của Lư Tân Hoa, Sứ mệnh thiêng liêng của Vương Á Bình cùng hàng loạt tác phẩm nữa tạo nên. Phải kể đó là tiếng nói "quan phương"(2). Một vài người nghiên cứu văn học Trung Quốc gần mười năm ở nước ngoài có nhận định : Khi văn học Trung Quốc lại nảy chồi xanh trên sa mạc thì chính giới Trung Quốc, giới văn học Trung Quốc và dân chúng Trung Quốc "cùng chung hưởng tuần trăng mật", cũng khẳng định, nâng đỡ lẫn nhau. Đó là hiện tượng chẳng mấy khi thấy từ 1949 đến nay. Cho nên nếu bảo một nhà văn như tôi được nổi danh như cồn hoàn toàn do dân chúng ban cho thì quả là chưa đúng...

Năm 1983, tôi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi sở dĩ gia nhập vì tôi thực lòng gửi gắm hy vọng chấn hưng dân tộc ở công cuộc cải cách và cởi mở do Đảng tiến hành và bao gồm ở ngay tự thân của Đảng. Bây giờ tôi càng ngày càng hiểu thấu rằng văn học có bản tính độc lập không thể trói buộc, vượt ra ngoài chính trị và kinh tế. Tôi không bao giờ hòa tan tất cả hoạt động văn học trong tình cảm chính trị của mình, song ít nhất hiện nay tôi không muốn rút vào tháp ngà.

Sau khi Chủ nhiệm lớp ra đời, tôi nhận được vô số thư của bạn đọc. Một truyện ngắn khác của tôi : Chỗ đứng của tình yêu sau khi đăng, bạn đọc gửi hơn bảy ngàn lá thư cho tôi, 99% ủng hộ và khích lệ tôi. Nhưng ngay lúc ấy, có một thư từ Quảng Châu do viết lầm địa chỉ gửi đến một đơn vị và đơn vị ấy đã bóc ra xem. Thư do hai chị em viết, các cô tự giới thiệu gia nhập Đảng vào giai đoạn vẻ vang khi họ đứng trong hàng ngũ những người "thanh lý giai cấp" trong "cách mạng văn hóa". Là Đảng viên, hai cô không chịu đựng nổi cách viết của Chủ nhiệm lớp, cho rằng hiện tượng bí thư Đoàn thanh niên Cảnh Tuệ Mẫn mà tôi phê bình một cách ôn hòa là xuyên tạc, bôi nhọ đoàn viên thanh niên Cộng sản. Theo hai cô, cái cách phơi bày mặt đen tối của xã hội như Chủ nhiệm lớp chỉ khiến cho kẻ thù giai cấp trong và ngoài nước khoái chí vỗ tay. Tiếc rằng lá thư của hai cô không được lưu giữ, tôi thuật lại bình tĩnh hơn hai cô nhiều, lúc ấy hai cô nói với giọng điệu nghiêm khắc và đưa vấn đề lên cao hơn. Thật ra, dù hai cô phê bình đến như thế, tác giả vẫn hoàn toàn có thể lắng nghe, song đúng vào lúc ấy, một tờ tạp chí ở Hồng Kông đăng bài phỏng vấn chưa được tôi duyệt lại. Ở bài phỏng vấn, tôi tỏ rõ ý phủ định "Đại Cách mạng văn hóa", tiếp thu cách đặt vấn đề chủ nghĩa "tả thực mới", do đó có người chủ trương gộp "bức thư của hai đảng viên cộng sản" với "ngôn luận" của tôi trên tờ tạp chí ở Hồng Kông thành một bản "báo cáo nội bộ", gửi lên trên và phân phát đi các nơi. May sao một nhà văn lão thành tốt bụng báo cho tôi biết tình hình có thể xảy ra. Lúc ấy tôi hết sức bực bội và cũng hết sức kinh ngạc. Mười năm đã trôi qua, bây giờ một số người có thể vì nhiều nguyên nhân không còn nhớ tình hình lúc ấy, nhiều bạn trẻ lúc ấy còn nhỏ chưa hiểu rõ. Đương nhiên tôi không muốn và cũng tự cảm thấy không nên trở thành điển hình của sự sai lầm về chính trị, bởi vì nếu báo cáo kia viết nên thì cả cách nêu "chủ nghĩa tả thực mới" như tôi đồng ý trong bài phỏng vấn sẽ trở thành thí dụ về chống "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", "đi ngược lại tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông". Sau đó, do tôi phản đối cùng sự sáng suốt của vài đồng chí lão thành, báo cáo kia thôi không được viết để gửi đi nữa. Ngày nay, sau mười năm nghĩ lại, báo cáo kia có viết và gửi đi cũng chẳng đáng kể gì, nhưng vào lúc ấy, sự việc xảy ra làm tôi đau lòng hiểu rằng, trong cơ chế vận hành của Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc ấy, chẳng những mấy nghìn bức thư bạn đọc ủng hộ, khích lệ tôi không chút đáng giá mà bài viết khẳng định tôi trên Nhật báo nhân dân cũng chưa chắc đã đáng kể. Chỉ cần có một bản "báo cáo" viết cho hay hoặc "tài liệu tham khảo nội bộ" (thậm chí không cần nói ngoa) là đủ khiến cho số phận của một con người bị đảo ngược. Cũng chính từ khi đó, tôi thề phải cố gắng làm thay đổi cái cơ chế không tốt đó, tự giác dấu mình vào ngọn triều cải cách thể chế nhằm công khai hóa về chính trị và tăng mức độ rõ ràng... Tôi không ngừng cố gắng và không đến nỗi trắng tay. Từ sau năm 1980, bình quân mỗi năm tôi viết hai đến ba cuốn sách. Năm 1985, truyện dài Lầu chuông trống của tôi đạt giải văn học Mao Thuẫn lần thứ hai. Khi tôi viết bài này, không kể sách xuất bản ở Đài Loan, Hồng Kông và nước khác, tôi đã có 25 tác phẩm chào đời, tôi nghĩ tôi có thể tự nhận xét mình đã là một nhà văn.

Tôi ngày càng thể nghiệm sâu sắc rằng một dân tộc nên trao cho các nhà văn khả năng tự do sáng tác, hoặc nói ngược lại, nhà văn phải viết những gì mình tâm đắc nhất bằng tâm linh tự do của mình. Mức độ tự do sáng tác văn học của một xã hội cao hay thấp, tác giả ở đây có đủ tự do viết về tâm linh đạt kết quả với tỷ lệ cao hay thấp dường như có thể là tiêu chí trình độ văn minh của xã hội ấy. Nhà chính trị cũng như bất kỳ bạn đọc nào, đương nhiên có quyền phê mình tác giả và tác phẩm, song cơ quan chính trị mà can thiệp trực tiếp đến tác giả và tác phẩm thì chỉ có hại.

Năm 1983 đề xuất "thanh trừ ô nhiễm tinh thần", tôi và các nhà văn chuyên nghiệp cùng đơn vị phải nhiều lần dừng sáng tác để tham gia các cuộc họp. Ít lâu sau tôi được biết một cán bộ lãnh đạo chuyên trách công tác văn giáo trong một cuộc họp ở thành phố đã nêu đích danh phê bình truyện ngắn Đăng Lệ Mỹ của tôi trên Văn học Thượng Hải. Lúc đầu tôi không mấy quan tâm. Truyện đã đăng, bất kỳ ai phê bình cũng được. Song ít lâu sau, khi chẳng những một cá nhân tôi cảm thấy càng ngày càng giống việc phát động phong trào "lấy đấu tranh giai cấp làm rường cột" thì tình thế đột nhiên trở nên nghiêm trọng khác thường đối với tôi. Lãnh đạo đơn vị vâng lệnh đến tận nhà tôi thông báo chính thức rằng là một cơ quan, tờ báo của thị ủy sẽ đăng bài phê bình truyện Đăng Lệ Mỹ của tôi, để tôi được chuẩn bị về tư tưởng. Người đó còn nói rằng bảo đảm không làm quá tay như trong "Cách mạng văn hóa", tôi có thể tự phê bình và cũng có thể bác lại lời phê bình. Tôi nhớ lại tình cảnh nửa đầu năm 1966, cuộc phê phán công khai vở Hải Thụy từ quan của Ngô Hàm có tính là quá tay hay không ? Còn nhớ lúc đó cũng cho phép Ngô Hàm đăng bài hàm ý giải thích thanh minh đấy chứ?(3). Sau khi nhận được "thông tri của tổ chức", người thân thuộc của tôi toát mồ hôi hột. Thế là ngày hôm sau, ngày nào tôi cũng ra phố tới quầy báo trước cửa bưu điện để đọc báo, liền bảy ngày như thế. Đang lúc nỗi lo lắng trong tôi trở thành sự sốt ruột thì tôi nhận được thông báo mới : bài phê bình không đăng nữa. Rõ ràng là do tình thế lớn hơn có sự biến đổi. Đăng Lệ Mỹ là truyện viết còn thô và bộc lộ thẳng đuột, tôi thật không muốn nhắc lại nội dung truyện đó. Sao nó lại có thể may mắn suýt trở thành bia bắn "thanh trừ ô nhiễm" trong thành phố được?

Đầu năm 1987, tôi chuyển sang công tác ở tòa soạn tạp chí Văn học nhân dân được khoảng nửa năm thì xảy ra "sự kiện miệng lưỡi". Tất cả khán giả truyền hình Trung Quốc qua mục thời sự trên đài truyền hình trung ương buổi tối một ngày tháng hai đều nghe phát thanh viên loan "một tin mới nhận được". Tôi bị đình chỉ công tác để kiểm tra. Tin này lập tức được các buổi phát thanh quốc tế của Trung Quốc dùng 38 thứ tiếng phát cho toàn thế giới biết và trở thành tin chủ yếu đăng trên trang đầu của báo chí ngày hôm sau. Nhật báo Quang Minh không những đưa tin này thành tin đầu ở trang đầu mà trong trích yếu dưới tiêu đề, khi nêu tên tôi không dùng chữ "đồng chí" nữa. Sau 200 ngày bị đình chỉ công tác, tôi được trở lại chức vị cũ và được phép sang Mỹ nói chuyện, tham quan trong vòng 50 ngày, tôi mới biết tên tuổi tôi vang dội đến mức kỳ quặc ở ngoài nước. Tôi mong bản thân tôi và các nhà văn Trung Quốc khác không bao giờ còn khiến người đời chú ý bằng tình trạng đó, song lẽ đó không phải là điều mà tôi và các nhà văn khác có thể làm chủ được.

Mười năm trên dòng sông dài mênh mông của quá trình phát triển văn minh nhân loại chẳng qua chỉ là cái búng tay trong nháy mắt, nhưng mười năm đối với cá thể có tâm linh và bằng máu thịt thì lại là một khoảng thời gian tương đối dài. Đời người dù tính là trăm tuổi chẳng qua cũng chỉ có mười lần mười năm, trừ thời kỳ niên thiếu và già yếu, đời người được mấy lần mười năm để thi thố và thu hoạch?

Đối với mười năm qua, mặc dù tôi có phàn nàn và bảo lưu cách nhìn nhận của cá nhân về một số sự kiện lớn, song tôi phải thật lòng mà nói rằng về tổng thể đó là mười năm rất khá, mấu chốt ở chỗ cải cách và cởi mở khiến cuộc sống chúng ta trở nên giàu tính sáng tạo và màu sắc phong phú. Không "lấy đấu tranh giai cấp làm rường cột" nữa, không phát động phong trào chính trị nữa (hoặc nói có lúc giống như phát động phong trào chính trị song rốt cuộc thì không), ngày một nhiều người tập trung suy nghĩ và sức lực cho mục đích làm sao cho nước nhà giàu mạnh lên, để cuộc đời càng văn minh hơn. Sau năm 1985, văn đàn Trung Quốc rõ ràng hướng về đa dạng, xuất hiện tương đối nhiều khiến người đọc nói chung trợn mắt há mồm hoặc không sao hiểu nổi, cũng xuất hiện một lớp người mới nhạy bén, từ tác phẩm đến thái độ sống chẳng những hoàn toàn khác với lứa nhà văn lão thành mà cũng phân biệt rõ với lứa nhà văn như tôi giữa các nhà văn có kiến giải mỹ học khác nhau chẳng những có tranh luận (điều đó tuyệt đối bình thường) mà còn có xa cách, hiểu lầm, tranh chấp (điều đó không phải không bình thường) vì vậy mỗi nhà văn một lần nữa phải xác định, tìm vị trí của mình, đó là việc không thể tránh khỏi (...)

PHẠM TÚ CHÂU trích dịch

(theo báo Tân Hoa Văn số 5 -1989)
(TCSH47/05-1991)

----------------------
(1) Đại hội này họp vào đầu năm 1979 chủ trương đưa Trung Quốc theo hướng xây dựng bốn hiện đại hóa, giải phóng tư tưởng, tất cả xuất phát từ thực tế, cải cách và mở cửa.

(2) Tiếng nói chính thức của nhà cầm quyền.

(3) Nhà sử học kiêm tác giả kịch bản bị đấu và chết trong Cách mạng văn hóa.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dạ đề (11/10/2019)