Tạp chí Sông Hương - Số 367 (T.09-19)
Vấn đề về cái kết ở trong truyện
10:08 | 11/10/2019

JOSEPH HILLIS MILLER    

Không phải ngẫu nhiên khi cho rằng quan niệm về cái kết ở trong truyện rất khó để xác định rõ ràng, cho dù là “về mặt lý thuyết”, hay với một cuốn tiểu thuyết nhất định, hoặc với các tiểu thuyết ở một thời kỳ nhất định. Quan niệm về cái kết ở trong truyện vốn dĩ là “không thể giải quyết được.” (undecidable).

Vấn đề về cái kết ở trong truyện
J.H.Miller - Ảnh: internet



Thế bế tắc của hồi kết ở trong truyện đã có mặt ở trong các thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất để mô tả cái kết. Một ví dụ, qua việc quay trở lại với Nghệ thuật thi ca (Poetics) của Aristotle, là truyền thống sử dụng hình ảnh thắt nút (knotted) và mở nút (unknotted) để mô tả mạch truyện. Aristotle nhận định, “Mọi vở kịch đều có liên quan đến (1) Sự thắt rối [Complication] và (2) Sự gỡ rối [Unravelling], hay Đoạn kết [Dénouement] (λύσιζ). Các tình tiết nằm bên ngoài vở kịch, và thường chỉ một số tình tiết ở trong nó, tạo thành Sự thắt rối; phần còn lại của vở kịch cấu thành nên Sự gỡ rối.(1) Nơi mà sự thắt rối gấp lại hoặc cùng buộc lại kết thúc và sự gỡ nút thắt bắt đầu, Aristotle xem khả thể của một câu chuyện như thế đang ở giai đoạn gỡ rối hay đoạn kết, ở đó “bước ngoặt” (turning point) từ thắt nút sang mở nút sẽ thích hợp với khởi đầu của câu chuyện và tất cả sự thắt rối sẽ có trước hành động xét như tiền giả định của nó. “Cụ thể hơn,” ông nhận định, “sự thắt rối để chỉ tất cả mọi thứ từ đầu câu chuyện cho đến thời điểm quan trọng, trong một loạt các tình tiết gây cấn, nhờ đó có sự thay đổi diễn ra; sự gỡ rối để chỉ mọi thứ từ lúc bắt đầu diễn ra sự thay đổi đến kết thúc vở kịch. Ví dụ, trong Lynceus của Theodectes, sự thắt rối bao chứa các tình tiết trước khi dựng kịch, đứa trẻ Abas bị bắt giữ, và sau đó là bố mẹ của nó; sự gỡ rối kéo dài từ tình tiết giết người đến kết thúc truyện.”(2) Thông qua một nghịch lý kỳ lạ nhưng hoàn toàn cần thiết, vấn đề kết thúc truyện ở đây trở thành vấn đề của sự khởi đầu. Toàn bộ vở kịch đang kết thúc và bắt đầu cùng một lúc, một sự khởi đầu/kết thúc luôn phải tiền giả định một cái gì đó bên ngoài chính nó, một cái gì đó đến trước hoặc đến sau, để bắt đầu hoặc kết thúc, để bắt đầu việc/sự kết thúc. Khoảnh khắc đảo ngược kia, khi buộc nút trở thành gỡ nút, không bao giờ có thể được thể hiện ra hoặc được xác định bởi vì hai sự vận động giống nhau một cách chặt chẽ, như thuật ngữ đối lập có tính hai mặt thể hiện - “bản lề” (articulate), nó có nghĩa là đồng thời ghép lại và tách rời. Sự buộc/cởi, tức bước ngoặt, được khuếch tán qua toàn bộ hành động. Bất kỳ tình huống nào người xem tập trung vào đều là một bước ngoặt vừa buộc vừa cởi. Đây là một cách khác để nói rằng không có truyện kể nào có thể chỉ ra phần đầu hoặc phần cuối của nó được. Nó luôn luôn bắt đầu và kết thúc ở vòng xoắn cốt truyện (in media res), cái tiền giả định như một tương lai có trước một phần của chính nó ở bên ngoài chính nó.

Những nan đề về cái kết truyện làm cơ sở cho những sự bất đồng giữa các nhà phê bình về việc liệu một cuốn tiểu thuyết nhất định hay các tiểu thuyết của một thời kỳ nhất định có đóng lại hay có “kết thúc mở”. Những câu đố này cũng hiện diện theo cách mà một cuốn tiểu thuyết nhất định có cái kết đóng một cách rõ ràng có thể, dường như, luôn luôn được mở trở lại. Cách giải quyết dứt khoát của Virginia Woolf đối với nhân vật Dalloways trong The Voyage Out được mở trở lại ngay sau đó để tạo ra Bà Dalloway. Anthony Trollope, một tiểu thuyết gia của cái kết, luôn luôn xem tiểu thuyết phải có một cái kết, trong loạt tiểu thuyết kể về một quận tưởng tượng có tên Barset và loạt tiểu thuyết lấy chủ đề về nghị viện giới thiệu lại các nhân vật tiểu thuyết sau này như thể đời sống của họ dường như đã hoàn toàn khép lại trong các tiểu thuyết trước đó. Sự đóng lại ngỡ như thành công tột bậc ở Cranford của Elizabeth Gaskell đã khiến sự thống nhất của nó lặng lẽ tan vỡ 10 sau đó bởi việc xuất bản câu chuyện tiếp nối, “The Cageat Cranford.” “The Cageat Cranford” thực sự là một câu chuyện nói lên sự bất khả thi của việc đóng lại kết truyện, của “việc giam giữ.”

“Câu chuyện của chúng tôi đã xong,” Trollopeat nói ở phần đầu thuộc chương cuối của Viên cai ngục (The Warden), “giờ chúng tôi chỉ việc thu thập các chủ đề nhỏ rải rác của câu chuyện chúng tôi rồi buộc chúng vào một nút thắt.”(3) Mặt khác, cái kết của một truyện kể hoặc hành động kịch, ngày nay, vẫn được xem như là cách giải quyết hoặc sự gỡ rối của nó: tất nhiên, đó là sự gỡ nút của nó. Sự thịnh hành của truyện kể theo sự phức tạp kiểu Byzantine trong thế kỷ XVII của Heliodorus, Aetheopica, là niềm vui của một sự gỡ nút, niềm vui bất chợt được cảm nhận bởi một người bị vướng mắc vào mê cung của danh tính nhầm lẫn và mạch truyện rắc rối không thể gỡ ra được khi anh ta đột nhiên thoát hoàn toàn ra ngoài ánh sáng ban ngày. Nó giống như một sự phóng thích mãnh liệt được cảm nhận khi ta nhìn thấy tình tiết của một trò đùa, hoặc niềm vui khi chứng kiến lời giải thích cuối cùng (érclairssement), “anh ta đã làm điều đó” ở cuối câu chuyện trinh thám. Tuy nhiên, niềm vui ngược lại, không kém phần mãnh liệt, đó là sự khép lại, sự gấp lại gọn gàng của các chất liệu truyện kể phức tạp theo một cách giải quyết duy nhất để mọi câu chuyện được nhét lại vào trong. Giải quyết, giải tán, phân rã - tại sao sự mâu thuẫn để trống này lại có ở trong các hình ảnh của chúng ta về cái kết ở trong truyện? Tại sao chúng ta không thể mô tả rõ ràng khoảnh khắc xuất hiện đầy đủ của vòng tuần hoàn trong một tiết lộ cuối cùng ở điểm cuối mà toàn bộ câu chuyện đang vận động từ đó giúp cố định các nhân vật vào trong một mối quan hệ mới, tức số phận cuối cùng của chúng/họ? Việc buộc/cởi này sẽ mang lại ý nghĩa về một cái kết, tạo ra sự thống nhất phóng chiếu lên toàn bộ mạch truyện. Điều phổ biến nhất ở cái kết là hôn nhân hoặc cái chết của các nhân vật. Tuy nhiên, cái kết này dường như vừa đồng thời được coi là một sự trói buộc, một nút thắt gọn gàng chẳng để lại những sợi chỉ lỏng lẻo nào cả, không có nhân vật nào mà không được giải thích, vừa là một sự cởi trói, như cách kết thúc một câu chuyện rối rắm để các nhân vật có thể được nhìn thấy rõ ràng, tỏa sáng cạnh nhau, tất cả bí ẩn hoặc phức tạp được tiết lộ.

Nan đề của kết thúc truyện phát sinh từ thực tế là nó không thể biết được liệu một câu chuyện nhất định có hoàn tất hay không. Nếu kết truyện được coi là sự thắt lại vào một nút thắt cẩn thận, thì nút thắt này luôn có thể được gỡ lại một lần nữa bởi người kể chuyện hoặc bởi các sự kiện tiếp theo, tức được gỡ rối hoặc được giải thích lại. Nếu kết truyện được coi là sự gỡ rối, làm thẳng các sợi chỉ, thì hành động này rõ ràng không để lại một sợi chỉ lỏng lẻo nào cả mà là vô số sợi chỉ, cạnh nhau, tất cả đều có khả năng được thắt nút lại một lần nữa. Nếu hôn nhân, sự thắt nút của mối quan hệ hôn nhân, là sự chấm dứt của câu chuyện, thì đó cũng là khởi đầu của một chu kỳ khác trong chuỗi bất tận của các thế hệ. “Mọi giới hạn là một khởi đầu cũng như là một kết thúc”, George Eliot nói trong Cuộc trung chuyển.(4) Cái chết, dường như là một kết thúc dứt khoát, luôn để lại phía sau một số người còn sống sót đang ngơ ngác hoặc đang hoang mang, người đọc dòng chữ trên bia mộ, như trong “The Boy of Winander” của Wordsworth, hoặc trong Đồi gió hú của Emily Bronte, hoặc trong suy ngẫm âm thầm về một lá cờ đen xa xôi, dấu hiệu hành quyết của Tess, bởi Angel Clare và Liza-Lu ở phần cuối của Tess of the d’Urbervilles. Cái chết là cái kết bí ẩn nhất, là kết thúc mở-đóng nhất trong tất cả cái kết. Đó là sự kịch tính hay nhất của cách kết thúc truyện, theo nghĩa của một telos (mục đích) rõ ràng, quy luật hoặc nền tảng của toàn bộ câu chuyện, luôn luôn lùi xa, trốn thoát, tan biến. Điều tốt nhất có thể có, ở nhà văn hoặc độc giả, là điều mà Frank Kermode, qua cách nói đáng ngưỡng mộ của ông, gọi là “ý nghĩa của cái kết truyện.”

Thắt nút, gỡ nút - chúng ta không có cách nào để xác quyết giữa những hình ảnh này. Tiểu thuyết gia và nhà phê bình tiểu thuyết cần cả hai và cần cả hai cùng một lúc, trong một dao động không thể xác định. Chẳng hạn, sau hình ảnh gọn gàng của mình ở Viên cai ngục, Trollope tiếp tục mở ra câu chuyện của ông một lần nữa trong hình ảnh của cái kết truyện bất xác định và có tính suy đoán để lại cho ngời đọc tự do tưởng tượng: “chúng ta không phải giáp mặt với nhiều nhân vật, hoặc với các sự kiện gây xôn xao nào cả, và đó không phải là thông lệ thường, chúng ta có thể để nó trôi theo trí tưởng tượng của tất cả mọi người liên quan đến việc tiếp nhận cách làm thế nào các câu chuyện tại quận tưởng tượng Barset đã tự sắp xếp chính chúng.”(5) Trollope vừa buộc tiểu thuyết của mình một cách gọn gàng và gỡ nó ra khỏi trí tưởng tượng tự do của người đọc. Ông để nó mở ngay cả với trí tưởng tượng của riêng mình, để toàn bộ chuỗi tiểu thuyết kể về quận Barset có thể tiếp tục trong nhiều năm. Ví dụ, câu chuyện có cái kết đóng rõ ràng về Eleanor Bold, được mở lại một lần nữa với cái chết của John Bold và Arabin tán tỉnh cô trong BarchesterTowers.

Tất cả vấn đề của việc kết thúc truyện này được buộc thắt gọn gàng trong một từ đối lập hai mặt khác: mối rối (ravel). Bản thân từ mối rối (ravel) đã có nghĩa là gỡ rối (unravel). Tiền tố “un” không thêm gì vào đó nữa cả. Để thắt nút một câu chuyện hoặc để gỡ nút thắt nó là một. Tuy nhiên, từ này không thể được hiểu như một sự đóng lại bằng cách phóng đại một loạt những cái đối lập nhân đôi đang cố gắng để tạo ra phần mở đầu ngay từ đầu thành sự đóng lại: rối, gỡ rối, không-gỡ rối, không-không gỡ rối, v.v. Theo cách tương tự, không có tiểu thuyết nào có thể được hoàn tất một cách dứt khoát, hoặc vấn đề về cái kết truyện không thể được hoàn tất một cách dứt khoát. Nỗ lực đặc tả hư cấu/truyện của một thời kỳ nhất định bằng cam kết đóng lại hoặc kết thúc mở bị chặn ngay từ đầu bởi sự bất khả thi của việc chứng minh liệu một câu chuyện nhất định là đóng hay là mở. Phân tích (analysis) về các kết truyện luôn dẫn đến việc làm tê liệt (paralysis) tính bất khả quyết định này.

Phạm Tấn Xuân Cao
(Dịch từ The Problematic of Ending in Narrative, Nineteenth-Century Fiction, Vol. 33, No. 1, Special Issue: Narrative Endings (Jun.,1978), pp. 3-7)  
(TCSH367/09-2019)


------------
(1) Aristotle bàn về nghệ thuật thi ca, Lane Cooper dịch (Ithaca, N.Y.: Cornell Univ.Press, 1947), pp.  58-59. λύσιζ là gốc từ của những từ tiếng Anh như “phân tích” và “làm tê liệt.”
(2) Tlđd, tr.59.  
(3) Viên cai ngục (The Warden), OxfordClassicsedition (London: Oxford Univ. Press,1963), tr.259.
(4) Cuộc trung chuyển (Middteinarch), Cabinet Edition (Edinburgh and London: Blackwood,  n.d.),“Finale,” III, 455.
(5) Viên cai ngục, tr.259.   




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phần còn thiếu (11/10/2019)
Ga hoang (07/10/2019)
Chùm thơ Phan Duy (07/10/2019)