Tạp chí Sông Hương - Số 367 (T.09-19)
Loại thể trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế
00:47 | 21/10/2019

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG  

Hệ thống kiến trúc cung đình Huế là những điển hình cho trình độ kỹ thuật xây dựng cũng như trình độ thẩm mỹ của Việt Nam vào thế kỷ XIX.
 

Loại thể trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế


Đặc biệt, trên các kiến trúc cung đình Huế, ở những vị trí khác nhau tại ngoại thất cũng như nội thất kiến trúc thường có sự xuất hiện của các ô chữ Hán được bố trí xen kẻ với các họa tiết là lối trang trí “nhất thi, nhất họa”. Đó chủ yếu là các bài thơ với nhiều thể thơ và thể thư pháp. Ngày 19.5.2016, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) đã công nhận Thơ trên kiến trúc cung đình Huế là “Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Hiện nay, trên kiến trúc cung đình Huế còn 1.087 bài thơ hội đủ loại thể cơ bản của văn học thời trung đại Việt Nam, bao gồm thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt thuộc hệ thống loại thể đường luật, là thể thơ chiếm ưu thế với sự góp mặt lên đến 80%. Bên cạnh đó, có một số bài 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ ở thể cổ phong (cổ thể) và một số loại thể khác.

1. Tổng quan về thể thơ tại các kiến trúc

Thơ trên kiến trúc cung đình Huế (thơ trên kiến trúc) tồn tại nhiều thể thơ khác nhau, thể hiện sự độc đáo của một lối trang trí kiến trúc định hình, ổn định và phát triển thành một ngôn ngữ thẩm mỹ riêng biệt. Có thể tổng quan lại như sau:

- Thể thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu) trên kiến trúc cung đình Huế có 143 bài, chủ yếu xuất hiện tại các công trình kiến trúc như điện Long An, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, Di Luân Đường và chùa Linh Mụ, được xác định là thơ của hoàng đế Thiệu Trị, nhiều bài trong số đó có ghi nhan đề.

- Thể ngũ ngôn bát cú (5 chữ 8 câu) trên kiến trúc cung đình Huế có 76 bài, xuất hiện ở các công trình kiến trúc như Hưng Miếu, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Long An và Di Luân Đường.

- Thể thất ngôn tứ tuyệt hay còn gọi là thất ngôn tuyệt cú (7 chữ 4 câu) trên kiến trúc cung đình Huế có 276 bài xuất hiện ở các kiến trúc như Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Long An và Di Luân Đường.

- Thể ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ 4 câu) xuất hiện hầu hết ở các kiến trúc với 436 bài xuất hiện ở các kiến trúc như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu Miếu, Thế Miếu, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh và Di Luân đường.

- Thể cổ phong (4 chữ / 5 chữ) không lệ thuộc niêm luật, đối ngẫu) xuất hiện nhiều chủ yếu tập trung ở các miếu như: Triệu Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu. Thể cổ phong 7 chữ 4 câu xuất hiện rất khiêm tốn chỉ với khoảng dưới mươi bài ở các kiến trúc như lăng Minh Mạng, điện Long An, Di Luân Đường.

- Các dạng thể khác: ở một số trường hợp khác, thơ trên kiến trúc cung đình Huế còn tồn tại 10 bài (5 chữ gồm 12 câu, 14 câu, 16 câu) là những “biến thể” giữa cổ phong và đường luật. Nói “biến thể” vì hình thức của một bài thơ nhiều câu là đặc điểm của thể cổ phong (không hạn định số câu), nhưng ở đây trong các bài đều tồn tại những hình thức đối nhau thành từng cặp lại là đặc điểm của đường luật. Thể thơ dạng này xuất hiện 01 bài tại lăng Minh Mạng, 9 bài ở điện Long An, có thể xem đây là những biệt thể. Ngoài ra, ở điện Long An còn có 02 bài thất ngôn bát cú của vua Thiệu Trị. Nhưng đây là hai bài bát cú chơi chữ theo lối kỹ xảo với “mã khóa thể loại” có nội dung là “dụng hồi văn thể kiêm liên hoàn, bình trắc tứ vận, đọc thành thất ngôn, ngũ ngôn, lục thập tứ chương” (dùng thể hồi văn kiêm liên hoàn, đọc thành thể thất ngôn, ngũ ngôn thành 64 bài), cũng là một thức dạng có tính biệt thể.

Nhìn chung, có thể xem thể thơ trên kiến trúc cung đình Huế là bức tranh khái quát khá đầy đủ về các loại thể trong sáng tác thi ca thời Trung đại ở Việt Nam với những khả năng về kết hợp. Điều này cũng cho thấy các chủ thể sáng tạo đã làm chủ tất cả các loại thể thơ trong hoạt động sáng tác của mình. Tuy nhiên sự chú trọng lựa chọn các thể thơ có độ chênh khá cao về số lượng, điều này lại thuộc vào ý nghĩa thi pháp của các thể thơ.

2. Ý nghĩa thi pháp của các thể thơ

Trong thơ trên kiến trúc, việc lựa chọn thể thơ trong sáng tác của chủ thể sáng tạo là một thực tế có định hướng. Sự tồn tại hình thức thể loại đều có liên quan đến nội dung. Có thể khái quát bức tranh của thể loại của thơ trên kiến trúc thành hai tập hợp lớn: thể cổ phong (cổ thể) và đường luật (kim thể).

- Các dạng thể cổ phong:

Qua khảo sát có thể thấy rằng, các bài thơ trên kiến trúc ở dạng thể cổ phong 4 chữ (có số lượng câu khác nhau) là loại thơ phỏng theo Kinh thi, sử dụng tràn ngập nội dung kinh điển trong Kinh thi để khai triển nội dung chủ đề. Thực chất thơ ở dạng thể cổ phong 4 chữ trên kiến trúc là những khúc tán tụng nhằm đề cao, ca ngợi công đức của tiên đế, là những sử thi tưởng niệm công đức và cơ nghiệp của tiên tổ của các hoàng đế triều Nguyễn, rất gần với nhã, tụng trong Kinh thi. Bài cổ phong 66 câu ở lăng Dục Đức là điển hình về bản chất tán tụng thánh thần, tiên vương ở các miếu đường, nhiều lần mô phỏng hoặc nhắc lại các nội dung chủ yếu trong Tiểu nhã, Đại nhã, Chu Tụng của Kinh Thi. Ví như ngay ở 4 câu mở đầu: Cổ chung khâm khâm/ Khánh quản thương thương/ Lễ nghi tốt độ/ Hưu hữu liệt quang (Trống chuông lanh canh/ Khánh sáo êm đềm/ Pháp độ nghi lễ/ Sáng soi rực lên, thơ ở lăng Dục Đức). Cả 4 câu đều liên quan đến nội dung ở Kinh Thi. Câu Cổ chung khâm khâm xuất xứ từ câu Cổ chung khâm khâm/ Cổ sắt cổ cầm (Chiêng trống lanh canh/ Đàn sắt đàn cầm) trong chương Cổ chung, Tiểu nhã, Kinh Thi; câu Khánh quản thương thương xuất xứ từ câu Chung cổ hoàng hoàng / Khánh quản thương thương (Chuông trống vang vang/ Khánh sáo êm đềm) trong chương Chấp cạnh, Chu tụng, Kinh Thi. Hai câu còn lại cũng xuất xứ từ Tiểu nhã và Chu tụng của Kinh Thi. So sánh với Nhạc chương Thọ huy (trong Lễ tế miếu đế vương qua các đời) ở Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng thấy có câu tương tự: Lễ nghi tốt độ/ Minh tự cáo kiền/ Quản khánh tương tương/ Đào cổ uyên uyên1.

Tình hình ở các bài cổ phong 4 chữ (với 6 câu hoặc 8 câu) cũng phản ánh hiện tượng này. Có thể nhận thấy hình thức và nội dung của lối tán tụng trong các bài thơ 4 chữ ở đây rất giống với các bài nhạc chương (hay còn gọi là bài Thài) trong các ca từ của nhạc lễ gắn với các lễ tế dưới thời Nguyễn. Nổi bật có thể nhận thấy là, ở thể 4 chữ khi cấu trúc nhịp nhàng tương ứng với âm bằng trắc thì trong tế lễ các ca công, vũ sinh có thể xướng/ hát lên theo âm giai của các bài Thài định sẵn. Thử so sánh một đoạn trong 1 bài 4 chữ 8 câu ở Thế Miếu và 1 bài nhạc chương Hàm hòa chi chương trong lễ tế ở Triệu Miếu:

Bài 4 chữ 8 câu ở Thế Miếu và bài Hàm hòa chi chương (trong lễ tế ở Triệu Miếu):

Minh minh hoàng khảo,      
Đế đức võng khiên.        
Văn võ duy hậu,          
Thông minh hiến thiên (...)    

Minh minh hoàng tổ,
Đức phối kiền khôn.
Phong công vĩ liệt,
Thùy dự hậu côn (...)

Rõ ràng sự giống nhau về tính chất cơ bản trên cũng nói lên rằng, đa số các bài thơ 4 chữ gồm các loại câu khác nhau trong thơ trên kiến trúc chính là các nhạc chương gắn với các lễ tế. Do vậy, loại thể 4 chữ này được chạm khắc tràn ngập ở các miếu như Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu. Hơn nữa, các bài thơ 4 chữ dạng cổ phong trong thơ trên kiến trúc có tính chất gần với thể Nhạc phủ (dân ca, thơ được phổ nhạc), nhất là nhạc phủ đời Đường với tính chất là các bài ca giao miếu. Cũng cần lưu ý thêm là, trong thư tịch Cổ học viên thư tịch thủ sách chép dưới thời Khải Định năm 1925 đã ghi nhận sự có mặt của loại thơ ca phỏng Kinh Thi. Đó là tác phẩm Thiệu Trị Hoàng huấn cửu thiên với tính chất là phỏng Kinh thi cổ thể sáng chế cửu thiên, mỗi thiên tam chương, cửu chương, Thiệu Trị niên khắc (Thiệu Trị Hoàng huấn cửu thiên, dựa vào thể cổ phong của Kinh Thi sáng tác lại thành 9 thiên, mỗi thiên 3 chương, tổng số là 9 chương, khắc thời Thiệu Trị). Đây chính là cơ sở khi nghiên cứu xuất xứ của các bài thơ dạng thể 4 chữ phỏng Kinh thi trong thơ trên kiến trúc, khi có thể nhận thấy giữa chúng có một mối quan hệ về hình thức và nội dung khá rõ nét.

Dạng thể cổ phong 7 chữ trong thơ trên kiến trúc xuất hiện không nhiều, nhưng cũng tạo nên những nét đặc sắc. Dạng này xuất hiện ở các bài gắn liền với tả cảnh, ít nhiều tạo dấu ấn ghi tình cảm riêng của chủ thể sáng tạo. Không hệ lụy nhiều với các hình thức đăng đối, cân xứng hài hòa nên các chiều kích giải bày có phần thoáng đạt hơn. Ví dụ như bài thơ này ở lăng Minh Mạng:

Tam xuân cảnh sắc hứng thiên nhiêu,  
Đào lý tranh nghiên bút mạc miêu.   
Oanh yến dã năng tri thú vị,       
Nam ni trào triết kỷ thanh kiêu.      

Cảnh xuân ba tháng hứng dồi dào,
Bút tả chẳng nên sắc lý đào.
Oanh yến líu lo càng thú vị,
Râm ran ríu rít đáng yêu sao.

Hay bài thơ sau ở điện Long An:

Tam thôi lễ túc giá ngôn hoàn,      
Mật nhĩ cung viên vãng phản nhàn.     
Cựu để lai lâm thi trấp nhị,        
Dân nham trù biện thượng thiên ban.  

Ba đường đúng lễ về xa giá,
Gần sát hoàng cung lui tới nhanh.
Chốn cũ đến gần thơ vẫn thiếu
Còn bao công việc để lo dân.

Đối với các bài này, tuy là cổ phong, ít chú trọng đăng đối, nhưng tâm lý sáng tạo của tác giả vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc của mẫu hình đăng đối, đặc biệt là về hình thức. Trong hiệp vận bằng trắc, vẫn là khuôn mẫu của đường luật với những quy định nghiêm ngặt của tính chất cân xứng âm thanh. Điều này cũng diễn ra tương tự ở những bài 5 chữ, nhiều câu (từ 12 đến 14 câu). Tuy là cổ phong nhưng trong các bài thơ vẫn tồn tại quy tắc đối của đường luật, trong khi mà đối ngẫu không phải là đặc điểm của cổ phong. Xuất hiện tuy không nhiều, nhưng 9 bài ngũ ngôn nhiều câu ở lăng Minh Mạng và điện Long An cũng có tạo nên sự đặc sắc riêng.

Nếu như đường luật là một hệ thống cấu trúc được tổ chức chặt chẽ, rõ ràng, một thế giới khép chặt của điển phạm (với luật bằng trắc, với đối ngẫu, với niêm vận, với số chữ, với số câu), thì các bài thơ ngũ ngôn có nhiều câu được xem như sự giải phóng khuôn khổ để mở rộng cảm xúc. Nếu như cổ phong là một hệ thống không có luật nhất định, không hạn định số câu, co giãn linh hoạt trong số chữ, trong gieo vần, thì các bài thơ ngũ ngôn nhiều câu lại tự ràng buộc trong quy tắc đối ngẫu, quy luật bằng trắc để bày tỏ tính điển phạm của cách thức tổ chức mang tính điển lệ. Ví dụ qua một bài tượng trưng, bài 14 câu ở lăng Minh Mạng:

Quốc khánh thời phương thái,2 
Chính bình dân nãi hòa.     
Thi uy trừ ngoại hoạn,    
Phu giáo trật nam ngoa.     
Địa tác cao du tỉ,          
Nhân hưng liêm nhượng khoa.
Lư diêm mưu đoạt thiểu,   
Quyến mẫu lực cần đa.      
Thương dĩ doanh thu cốc,  
Dã tương mậu hạ hòa.      
Minh già vô thú thán,       
Kích nhưỡng hữu nông ca.    
Bạc biến thuần ư lý,        
Đao thành độc tại pha.      

Đất nước mừng vận mới,
Chính trị hòa dân an.
Uy bền ngừa mối họa,
Giáo hóa việc mùa màng3.
Đất dậy nên màu mỡ,
Người đông học dở dang.
Thôn xóm ít hiềm tị,
Ruộng đồng được siêng năng.
Kho thu nhiều ngũ cốc,
Ruộng hạ tốt lúa vàng.
Thổi kèn lính không thán,
Kích nhưỡng4 hát nông nhàn.
Hoang vu hóa làng xóm,
Dốc thanh bình5 nghé sang.

Chọn thơ cổ phong để miêu tả cuộc sống, các bức tranh sinh hoạt của dân chúng, của thiên nhiên hiện lên trong thơ trên kiến rất chi tiết, cụ thể, gắn với những không gian cụ thể, những sự việc cụ thể khác với bản chất ước lệ, tượng trưng trong thơ luật thi.

- Các dạng thể đường luật:

Thơ trên kiến trúc tồn tại qua các loại thể trong hệ thống thơ đường luật là chiếm ưu thế với hơn 80% số lượng. Đặc điểm của đường luật thể hiện qua các mối quan hệ giữa các yếu tố như đã nêu đã cho thấy tính chặt chẽ, khuôn mẫu của thể thơ. Do vậy, khác với cổ phong, đường luật bó buộc, hạn định trong một không gian định sẵn với quy định nghiêm ngặt nên thật sự thích hợp để diễn tả tâm trạng trầm tư của hình tượng con người vũ trụ.

Con người xuất phát từ một không gian hạn định của thể thơ (trong 8 câu, các quy tắc bằng trắc, đối ngẫu, niêm luật...) nhưng vẫn có khả năng chuyển tải cả vũ trụ vô cùng dung chứa trong câu chữ. Đi từ không gian hữu hạn của luật thi đến cái vô hạn của đối tượng miêu tả là một quá trình phản ánh ý nghĩa của thi pháp thể loại. Đó là dùng những mối quan hệ nội tại để tương tác với khách thể bên ngoài, cấu trúc khép kín nhưng nội dung không không khép kín, mà hô ứng, tương liên với ngoại vật. Thơ trên kiến trúc cung đình sử dụng cách thức đó để bày tỏ, để chiêm cảm về khách thể tri nhận. Với bản chất như vậy nên tác giả cực kỳ chú ý đến câu kết của bài thơ, câu kết trong bài thường có tính vừa chốt lại vừa mở ra tạo thành tuần hoàn, luân chuyển:

Kỷ hồi vô hạ nhật,              
Đắc vũ vị lai lâm.              
Bát thúy hà phiên cái,           
Trừu thanh liễu phiền âm.       
Dã tri tiêu thử khí,       
Nan đắc địch phiền khâm.    
Thời nhược niên phong lạc, 
Dân tâm tức ngã tâm.     

Bấy nay không ngày rỗi,
Gặp mưa đến đây mà.
Lá thắm sen nghiêng ngửa,
Chồi non liễu la đà.
Biết tiêu dần oi bức,
Khó mờ nỗi lo xa.
Tiết thuận vui trúng vụ,
Lòng dân tức lòng ta.

Sau những miêu tả về thiên nhiên, về cảm nghĩ, đến câu cuối cùng, cái khoảnh khắc “tức” (chính là, ngay tức thì) vừa có tính phiếm chỉ về tính chất, vừa có tính phiếm chỉ thời gian đó là sự trổi dậy của trách nhiệm đấng bậc: dân tâm tức ngã tâm. Chỉ một chữ “tức” mà đã làm cho ý thơ chuyển động theo một hướng khẳng định, con người đấng bậc đáu đáu về thời tiết, về mùa vụ, cùng chung niềm lo nghĩ với muôn dân. Bởi vậy nên:

Tầm thường bất túc lao đề vịnh,   
Tuế nẫm liên chương hảo bút huy.  

Việc thường chẳng phí thơ ngâm vịnh,
Mùa vụ bội thu bút múa tràn.
                        (Thơ trên điện Long An).

Những khoảnh khắc thức nhận này không hiếm trong thơ trên kiến trúc. Quan sát, chiêm ngắm thiên nhiên, nhận định thiên nhiên, để rốt cuộc vẫn ý thức rằng, thế giới muôn vật chuyển động, khó có thể nắm bắt, hiểu cho hết ngọn ngành:

Không minh trừng lựu trọc,   
Lãng thiếp triệt vân âm.     
Viễn muội tuy trình hiện,     
An tri tận thiển thâm.       

Trời cũng có trong, đục,
Sóng áp mây tận cùng.
Mờ xa tuy hiện diện,
Đâu biết tận sâu nông.
                        (Thơ trên điện Thái Hòa).

Cái sự “tận thiểm thâm” (tận nông sâu) của hữu thể hay vô thể không ai biết được sự tận cùng, sự rõ ràng của nó, đó có thể xem là một định đề triết lý. Hầu như tất cả các bài đường luật trong thơ trên kiến trúc đều có câu kết làm bật chủ đề muốn trao gửi của tác giả. Câu kết mang vác cả tứ thơ, hàm súc, cô động sau những gì đã trải ra ở các câu trước. Câu kết do vậy trở thành lõi nội dung, thu hút sự chú trọng của chủ thể sáng tạo, sự chú ý của đối tượng tiếp nhận.

Bên cạnh thể đường luật 8 câu, thể đường luật tứ tuyệt là sự biểu hiện tập trung nhất của hệ thống thơ trên kiến trúc với số lượng lên đến 436 bài ngũ ngôn tứ tuyệt và 276 bài thất ngôn tứ tuyệt. Ưu thế của thể loại ngũ ngôn tứ tuyệt là ngắn gọn súc tích, dễ nhớ, dễ chuyển tải những nội dung như bày tỏ quan điểm, ý chí, công bố những nội dung mang tính tuyên ngôn. Thể loại ngũ ngôn tuyệt cú được vận dụng tối đa để phục vụ tính chất ngôn chí như vậy. Điều này thể hiện rất rõ ở đa số các bài thơ chạm khắc trên điện Thái Hòa, Thế Miếu, lăng Minh Mạng, lăng Đồng Khánh. Ở đây xin chỉ trưng dẫn một ví dụ, bài thơ ở vị trí trung tâm điện Thái Hòa:

Văn hiến thiên niên quốc,       
Xa thư 6 vạn lý đồ.              
Hồng Bàng7 khai tịch hậu,    
Nam phục nhất Đường Ngu.8  

Nước ngàn năm văn hiến,
Thống nhất toàn giang san.
Thuở Hồng Bàng mở đất,
Đã thịnh trị trời Nam.

Bài thơ là sự khẳng định có tính tuyên ngôn, tuyên bố về truyền thống văn hiến của Đại Nam bấy giờ. Ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ nhưng cũng không kém phần hùng hồn, trang trọng của một lời tuyên bố cùng trăm họ, với lân bang về truyền thống quốc gia, về hưng thịnh triều đại. Ưu thế của ngũ ngôn tứ tuyệt bởi vậy mà được đề cao trong quá trình lựa chọn loại thể trong sáng tác của con người vũ trụ đề cao thiên mệnh, con người xã hội coi trọng đạo đức thời bấy giờ.

Tựu trung, trong thơ trên kiến trúc, thể cổ phong tồn tại tập trung chủ yếu ở dạng thơ 4 chữ nhiều câu, 5 chữ nhiều câu và một số ít bài 7 chữ 4 câu. Tuy ít bị lệ thuộc vào luật thi, nhưng thói quen thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo cũng tạo nên đặc sắc riêng cho thể loại cổ phong này, mà điển hình cao nhất là thẩm mỹ về tính đăng đối trong thơ. Loại thể này ghi dấu ấn đậm nét qua các nội dung tán tụng thần tích, ngợi ca công lao của cổ nhân, gắn bó với nhạc chương nơi giao miếu; qua các nội dung ngợi ca đất nước thịnh trị, bày tỏ hứng khởi trước chế độ thanh bình, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, v.v. Nếu như thể cổ phong được sử dụng để có thể miêu tả cụ thể, chi tiết sự vật, hiện tượng chủ yếu bày tỏ tình cảm, thì ở các thể luật thi lại sử dụng để khái quát, ước lệ sự vật, hiện tượng nhằm bày tỏ ý chí, quan điểm, tất nhiên bày tỏ tình cảm vẫn tồn tại nhưng mục đích cuối vẫn là ngôn chí, tạo nên “hành động ngôn ngữ”, gắn bó mật thết với hệ thống quan niệm về lý tưởng, nhận thức thẩm mỹ đương thời.

Qua việc khảo sát, đánh giá các đặc điểm về thể thơ và ý nghĩa thi pháp của các thể thơ, có thể thấy rằng, thơ trên kiến trúc suy cho đến cùng đã thể hiện bản chất của loại thơ suy lý với mục đích ngôn chí. Thơ trên kiến trúc cung đình Huế do vậy có một trường thẩm mỹ riêng, gắn với quan niệm lý tưởng thẩm mỹ của thời đại.

N.P.H.T
(TCSH367/09-2019) 

------------------------------
1. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Trần Huy Hân, Nguyễn Thế Đạt dịch)  Tập IV, Trung tâm khoa học XH & NV quốc gia (Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế 2005, tr.422.

2. Thái: vận tốt cũng là thái bình. Thái ở đây là một khái niệm liên quan đến Kinh Dịch, quẻ Thái mở  ra vận tốt. Thứ tự tên các quẻ tương ứng với số thứ tự của các tháng trong năm (1.Thái, 2.Đại Tráng, 3.Quải, 4.Càn, 5.Cấu, 6.Độn, 7.Bĩ, 8.Quán, 9.Bác, 10.Khôn, 11.Phục, 12.Lâm). Trong ký hiệu các quẻ, vạch ngang liền (-) gọi là hào dương vạch ngang gián đoạn (- -) gọi là hào âm. Tháng giêng thuộc quẻ Thái (   ) gồm có ba hào dương nên gọi là tháng “tam dương”. Tam dương là cụm từ miêu tả đặc trưng của hình quẻ, Thái là tên gọi của quẻ. Câu Quốc khánh thời phương thái là một hình thức diễn đạt hàm nghĩa là: đất nước đang ở vào vận hội mới tốt đẹp.

3. Nguyên văn là Phu giáo trật nam ngoa. Ý chỉ sự giáo hóa cho dân về ý thức thời tiết để tính nông  vụ. Ở phần Nghiêu điển sách Thượng Thư có câu: Thân mệnh Hy Thúc, trạch Nam Giao. Bình trật nam ngoa, kính trí. Nhật vĩnh, tinh Hỏa, dĩ chánh trọng hạ. Quyết dân nhân, điểu thú hy cách: [Vua Nghiêu] sai Hy Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ). Dân ăn mặc quần áo mỏng, chim thú thay lông”.

4. Kích nhưỡng: theo huyền sử Trung Quốc thì thời vua Nghiêu, thái bình thịnh trị, muôn dân an lạc,  trên đường có ông lão chơi trò ném que và hát bài Kích Nhưỡng ca. Về sau Kích Nhưỡng ca được coi là bài dân ca cổ nhất của Trung Quốc chỉ cảnh thái bình, thịnh trị.

5. Nguyên nghĩa là đao binh xong (đao thành) bên sườn đốc dắt nghé đi, ý chỉ cảnh thanh bình. 

6. Xa thư: chỉ sự thống nhất. Trong sách Sử Ký, ở thiên Thủy Hoàng bản kỷ, có đề cập đến việc vua  Tần Thủy Hoàng (236-208 TCN) đã quy định thống nhất cho tất cả các mẫu mã, kích cỡ của các vật dụng đo lường cũng như nhiều thể thức mang tính hành chính khác. Vị vua Tần này cho rằng, muốn đất nước phát triển bền vững thì một trong những vấn đề mấu chốt: Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thư đồng văn, hạnh đồng luân (có nghĩa là, nay trong thiên hạ, xe cùng một cỡ trục, sách cùng một loại chữ, đức hạnh cùng một khuôn phép). Điển Xa thư do vậy chỉ sự thống nhất.

7. Hồng Bàng: Theo huyền sử Việt Nam thời thượng cổ đại, thời Hồng Bàng được tính từ năm 2879  đến năm 258 TCN. Bấy giờ gọi là nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim).

8. Đường Ngu: Trong thuyết sử Trung Quốc, thời Ngũ đế, có nhiều triều đại thịnh trị với sự cai trị của  những vị anh quân, điển hình như vua Nghiêu (thời Đường), vua Thuấn (thời Ngu), vua Vũ (thời Hạ). Gắn liền với tên tuổi của những bậc anh quân này là nhiều câu chuyện ca ngợi về đức tài của họ. Do đó, thơ trên kiến trúc khi nhắc đến các chữ Đường, Ngu, Hạ, Nghiêu, Thuấn, Vũ, v.v. có hàm chỉ sự thịnh trị của đất nước với chính sách đường lối cai trị sáng suốt của triều Nguyễn. 

 

Các bài đã đăng
Phần còn thiếu (11/10/2019)
Ga hoang (07/10/2019)