Tạp chí Sông Hương - Số 368 (T.10-19)
Sắc màu của mùa thu
14:57 | 01/11/2019

TRẦN DUY MINH

Trong hội họa, mùa thu là mùa quyến rũ với các họa sĩ, bởi mùa thu là mùa của thi tính, của cái đẹp và cũng là mùa của nỗi buồn. Mùa thu là mùa của sự úa tàn, của những phôi pha, của những gì kết thúc nhưng đó cũng là thời điểm để khởi đầu cho một hành trình mới của sự vật.

Sắc màu của mùa thu
Tác phẩm “Mùa thu vàng” của Levitan
Tác phẩm “Lá mùa thu” (1856) của John Everett Millais

Isaac Levitan, là danh họa đã đem mùa thu vào hội họa của mình một cách tuyệt kỹ và tuyệt mỹ nhất. Mùa thu trong tranh ông là mùa của sự lãng mạn, của những vần thơ, của những khung trời để mơ mộng. Kiệt tác “Mùa thu vàng” của Levitan dường như thu hết thảy mọi cái đẹp của mùa thu vào trong nó. Không gian mở rộng, ánh nắng vàng như đang tắm sáng cho mọi vật, dòng nước làm cho sắc độ bức tranh thêm phần tinh khiết, chân trời kéo dài ra để mọi họa tiết trở nên thoáng đãng, mang lại một cảm xúc đầy sự hy vọng, tươi sáng.

Tác phẩm “Lá mùa thu” (1856) của danh họa người Anh John Everett Millais, lại đem tới cho người xem những cảm xúc khác về mùa thu. Trong tác phẩm này, dường như không chủ ý đi tới mô tả cái đẹp của thiên nhiên mà ở đây, tác giả nỗ lực mô tả cảm xúc của các nhân vật trong tranh. Cụ thể, hình ảnh trung tâm ở đây là bốn cô gái đang đổ lá vàng từ trong những chiếc giỏ thành một đống lá lớn trên mặt đất. Nhìn vào khuôn mặt của bốn cô gái trẻ chúng ta nhận thấy không khí dường như bị chùng xuống, một cảm giác buồn bã bao trùm lên con người và cảnh vật. Trong tranh của John Everett Millais, thường gắn sự mơ mộng, hoang tưởng, kỳ ảo, liêu trai và cái tàn lụi.
 

Tác phẩm “Chiều vàng' của Đặng Tiến

Không chỉ hội họa hiện thực hay ấn tượng khai thác nét đẹp muôn thuở của mùa thu, trong hội họa hậu ấn tượng, bức “Mùa thu ở Bavaria” của Wassily Kandinsky cũng lấy mùa thu như một sự gợi hứng trong sáng tạo của ông tổ hội họa trừu tượng, ở tác phẩm này Kandinsky không hướng tới mô tả sự vật một cách chính xác trong không gian vật lý, ở đây, cảnh vật được làm mờ nhòe, sự không phân định một cách rõ ràng giữa các mảng không gian, màu tối và màu sáng với cường độ tương phản lớn được đặt ngay cạnh nhau dường như đang tạo nên một hiệu ứng lạ lùng, một cách nhìn mới mẻ về mùa thu qua ngôn ngữ hội họa hậu ấn tượng trong thời kỳ đầu của tác giả; sự mới mẻ này báo hiệu cho một sự chuyển mình của Wassily Kandinsky về một thế giới trừu tượng đang vẫy gọi.

Trong hội họa Việt Nam đương đại, Đặng Tiến là một tên tuổi được yêu mến bởi cảnh vật qua cách nhìn của ông đã được biến đổi theo một chiều kích lạ lùng. Bức “Chiều vàng” có lẽ được vẽ vào mùa thu, không khai thác màu vàng trong chiều không gian ảm đạm, mà ngược lại tác phẩm này mở ra một không gian khoáng đạt, tươi sáng, rộng mở. Cái hài hòa giữa cảnh sắc, sự vật, sự lựa chọn sắp xếp bố cục của Đặng Tiến rất khác biệt, vẽ phong cảnh nhưng không nệ thực, không quá lệ thuộc vào cái được thấy, ở đây, họa sĩ đang vừa vẽ cảnh vật bên ngoài vừa vẽ không gian tâm tưởng bên trong của mình.

T.D.M
(TCSH368/10-2019)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng