Tạp chí Sông Hương - Số 368 (T.10-19)
Biệt thự Bác sĩ Ưng Thông, nơi lưu giữ dấu ấn của thời gian
15:47 | 18/11/2019

Trên đường Nguyễn Sinh Cung qua Đập Đá một đoạn, chúng ta sẽ nhìn thấy một ngôi biệt thự đẹp và sang trọng được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ XX mang phong cách Đông Dương với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á và Âu đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng và lãng quên.

Biệt thự Bác sĩ Ưng Thông, nơi lưu giữ dấu ấn của thời gian
Biệt thự bác sĩ Ưng Thông

Nhưng ít ai biết rằng chủ nhân của biệt thự này là bác sĩ Ưng Thông (1882 - 1951), người có danh tiếng và địa vị cao quý một thời ở Kinh đô Huế. Ông từng đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe cho nhà vua, hoàng gia và quan lại triều Nguyễn theo lối Tây y dưới triều vua Bảo Đại; đồng thời cũng làm việc khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện ở miền Trung, trong đó có một thời gian khá dài làm việc ở Nhà thương lớn Huế (Grand Hôpital)[1].

Bác sĩ Ưng Thông

1. Bác sĩ Ưng Thông: Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp đối với Nhà thương lớn Huế

Nguyễn Phúc Ưng Thông, tự Thanh Chi, con trai của cụ Hường Táo[2], cháu gọi ông hoàng thi sĩ nổi tiếng Tuy Lý vương Miên Trinh bằng ông nội, sinh ngày 1/6/1882 tại làng Vỹ Dạ, Huế. Xuất thân trong một gia tộc hoàng thân quốc thích tiêu biểu với truyền thống thi thư lễ nhạc vẹn toàn, Ưng Thông đã kế thừa và phát triển tinh hoa giáo dục từ nề nếp gia phong của dòng tộc. Lúc nhỏ, ông vừa học Nho học với thân phụ vừa theo học Tây học tại các trường ở Huế. Sau đó, Ưng Thông theo học trường Y Hà Nội (École de Médecine de l’Indochine - Trường Y khoa Đông Dương). Những năm tháng học tại ngôi trường này, ông luôn đạt thành tích xuất sắc và giành nhiều học bổng. Qua bức thư nhận xét của Giám đốc bệnh viện Thanh Hóa gửi cho Hiệu trưởng Trường Y Hà Nội vào ngày 11/10/1907 sau khi Ưng Thông hoàn thành kỳ thực tập tại bệnh viện Thanh Hóa cho thấy ông là một vị bác sĩ trẻ có tài năng và đầy triển vọng trong sự nghiệp. Nội dung bức thư viết: “J’ai l’honneur de vous adresser mon appréciation sur la manière de servir de M. le médecin stagiaire Ung-Thong que vous avez eu l’extrême obligeance de laisser à Thanh-Hoa pendant les vacances dernières. J’ai suivi attentivement ce jeune médecin, lui laissant parfois la plus grande initiative, et je n’ai jamais eu à le regretter. Le médecin stagiaire Ung-Thong est un auxiliaire laborieux, avisé, très dévoué, que pour ma part je regretterai beaucoup de ne pas voir revenir à Thanh-Hoa où il s’était acquis déjà une popularité justifiée et de bon aloi”[3] (Tôi lấy làm vinh dự khi gửi tới ông lời nhận xét, đánh giá của tôi về thái độ làm việc của bác sĩ thực tập Ưng Thông, đó là một người đã làm việc rất có ích tại bệnh viện Thanh Hóa trong suốt kỳ nghỉ vừa qua. Tôi đã chăm chú theo sát vị bác sĩ trẻ này, và đôi khi tôi đã chia sẽ với cậu ấy những ý tưởng lớn mà tôi không bao giờ phải hối hận vì những chia sẽ đó. Bác sĩ thực tập Ưng Thông là một phụ tá chăm chỉ, thông minh, và rất tận tâm mà về phần tôi, tôi sẽ rất tiếc khi không thấy cậu ấy trở lại Thanh Hóa, nơi cậu ấy đã có được sự nổi tiếng và lòng tin tưởng trong nhân dân)4.

Sau những cố gắng, nỗ lực trong thời gian học tập tại Trường Y  Hà Nội, cuối năm 1907, Ưng Thông tốt nghiệp khóa đầu tiên của ngôi trường này và quay trở về quê làm bác sĩ tại Nhà thương Huế. Đây là bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương được thành lập vào năm 1894 theo sắc lệnh của vua Thành Thái. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có đoạn chép như sau: “Ở chỗ đất trống nền cũ của trại lính Thủy. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), dựng một tòa nhà trước, ba gian hai chái, một dãy nhà sau năm gian và nhà bếp. Năm thứ 7 (1895), lại cất một dãy bảy gian để làm chỗ dưỡng bệnh. Đến nay đã cất thêm một tòa nhà ở chính giữa, quay hướng Đông, ba gian hai chái, làm chỗ cho quan Tư người Pháp cư trú. Gần đó, phía Nam dựng lầu hai tầng, bốn mặt làm cửa khung kính, tầng trên để quan Tây nằm dưỡng bệnh, tầng dưới để người Tây nằm dưỡng bệnh và đầm Tây nằm khi sinh đẻ. Gần đó về phía Bắc có dựng hai nhà lầu cổ, mỗi nhà đều hai gian hai chái ở phía Đông cửa bắc. Một nhà phía Tây để làm chỗ cho người Tây và người Nam làm việc, một nhà ở phía Đông làm chỗ xin thuốc và cho thuốc các người bệnh… La thành bốn phía, trên rào sắt thưa, dưới xây tường gạch. Các phòng nhà đều cao rộng, sáng sủa và sạch sẽ, đều xây dựng theo lối Âu Tây5. Cùng làm việc khám chữa bệnh tại Nhà thương Huế với bác sĩ Ưng Thông còn có các bạn học tâm giao với ông ở Trường Y Hà Nội như: Bác sĩ Ưng Hoát, bác sĩ Lê Đình Thám và bác sĩ Trương Xưởng. Bên cạnh đó, bác sĩ Ưng Thông còn có một thời gian công tác tại bệnh viện Đồng Hới (Quảng Bình), bệnh viện Nha Trang, bệnh viện cảng Sông Cầu (Phú Yên), đặc biệt là sáng lập Trung tâm y tế tỉnh Kom Tum. Thời gian làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau đã tạo điều kiện để ông tiếp xúc và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ những bác sĩ danh tiếng người Pháp thời bấy giờ. Dưới triều vua Duy Tân, bác sĩ Ưng Thông được đặc cách thưởng thụ Quang lộc tự thiếu khanh, hàm Tòng Tứ phẩm Văn giai và làm việc tại Thái Y Viện. Năm 1926, bác sĩ Ưng Thông được chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh về những đóng góp có giá trị trong lĩnh vực Tây y.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 1933, bác sĩ Ưng Thông vẫn được giao trọng trách giữ chức trưởng các thầy thuốc Đông Dương người An Nam. Cùng năm ấy, ông được bổ nhiệm làm bác sĩ ở Sở Y tế (Service du Y tế)6 của Nam triều, với chức vụ Tham lý Y tế phụ trách quản lý điều hành bộ phận Tây y, khám chữa bệnh cho nhà vua và hoàng gia, song hành hoạt động khám chữa bệnh theo lối Đông y của Viện Thái Y dưới triều vua Bảo Đại. Với những đóng góp trong việc bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh hữu hiệu, đặc biệt là tham gia khám chữa bệnh cho nhà vua và hoàng gia, bác sĩ Ưng Thông được vua Bảo Đại trao tặng Đại Nam Long tinh và đặc cách phong chức Tham tri Bộ Lễ về hưu, hàm Tòng Nhị phẩm vào năm 1933. Tờ Châu bản niên hiệu Bảo Đại năm thứ 8 (1933) cho biết sự kiện này như sau: “Chúng thần ở Viện Cơ mật kính tâu: Nhận được thư của Tòa Khâm sứ trình đơn xin thăng hàm của quan Chánh y hạng Nhất về hưu Ưng Thông, cùng trình xin các lẽ. Xét thấy hàm quan hiện nay của ông ấy là Tam phẩm từ khi được thăng hàm, có công lao đặc biệt đối với ngành y. Thần viện xét thấy ông ấy làm việc lâu năm, trong y chánh quả có công lao đặc biệt, nay đã về hưu, đã được Tòa khâm sứ xem xét như vậy, xin nên cho ông ấy được đặc cách thăng thụ chức Tham tri Bộ Lễ về hưu, hàm Tòng Nhị phẩm. Kính sao nguyên đơn của viên ấy và nguyên thư của Tòa sứ dâng nhà vua xem. Châu phê”7. Bác sĩ Ưng Thông luôn thể hiện mình là một vị thầy thuốc đức cao vọng trọng, được người Pháp kính trọng và khen ngợi. Năm 1937, bác sĩ Ưng Thông được vua Bảo Đại phong tặng chức Thượng thư bộ Lễ danh dự, hàm Nhị phẩm.

Ngoài việc hành nghề y chữa bệnh cứu người, bác sĩ Ưng Thông còn nhiệt thành tham gia và điều hành tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện như giữ chức Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ trẻ em Pháp - Đông Dương ở An Nam, thành viên các hội: Hội đồng cố vấn Kinh tế Tài chính Đông Dương (1935 - 1936), Hội đồng cố vấn Hội Lạc Thiện, Hội đồng tư vấn Trung tâm phòng chống bệnh lao phổi, Điều hành và giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tả trong Kinh thành Huế…

Hội Lạc Thiện được thành lập năm 1930 tại Kinh đô Huế, thành viên của hội gồm nhiều người Việt và người Pháp. Hội có mục đích hỗ trợ tiền bạc cho các cơ quan cứu tế và giúp đỡ cho những người nghèo khổ ở Trung kỳ. Hội Lạc Thiện có sáng lập một phòng khám bệnh thường xuyên ở Nhà thương lớn Huế để dành chữa bệnh cho những người nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn. Bác sĩ Ưng Thông và bác sĩ Cao Xuân Cầm đã hoạt động khám chữa bệnh tích cực tại phòng khám từ thiện này. Năm 1933, Hà Thành ngọ báo có đưa tin về sự kiện Đức Từ Cung và vua Bảo Đại đến thăm Nhà thương Huế: “Đức Đoan Huy Hoàng thái hậu nhiều lần ngỏ ý muốn đến thăm phòng khám bệnh trẻ con tại Nhà thương Huế do Hội Lạc Thiện đỡ đầu. Hôm vừa đây, Hoàng Thái hậu đã cùng Hoàng thượng, bà Charles, hoàng thân Tùng đệ ngự đến thăm phòng khám bệnh con trẻ, có bà Thibaudeau và Tân Phong công chúa nghênh tiếp. Sau khi nghe bác sĩ Le Nestour và Levot giảng giải, Hoàng thái hậu và Hoàng thượng xem bác sĩ Cao Xuân Cầm khám bệnh cho những người nghèo, rồi các ngài đi thăm các buồng có người bệnh nằm. Hoàng thượng tỏ ý khen ngợi. Hoàng thái hậu có giao cho Hội Lạc Thiện 175 đồng để mở mang thêm phòng khám bệnh và 25 đồng để thưởng cho các thầy điều dưỡng. Các ngài lại phát tiền cho người nghèo nữa8.

Viện Bài Lao năm 1936

Viện Bài Lao Pasquier là khu vực dành riêng chữa bệnh nhân lao do Dòng nữ tu Phao Lô quản lý, chăm sóc; còn phần điều trị do bác sĩ và y tá Nhà thương Huế đảm nhiệm. Bác sĩ Ưng Thông cũng tham gia điều hành và khám chữa bệnh tại Viện Bài Lao. Năm 1939, báo Tràng An có đưa tin về sự kiện Nam Phương Hoàng hậu đến thăm Viện Bài Lao: “Sáng hôm 29 Novembre, Đức Nam Phương Hoàng hậu và bà Khâm sứ Grafeuil đến thăm nhà thương P.Pasquier. Đón tiếp Đức Hoàng hậu, có bác sĩ Terrisse, Giám đốc Y tế Trung kỳ, bác sĩ Haslé, Chánh bệnh viện Huế, ông Y sĩ Nguyễn Đức Khởi, quản đốc nhà thương P.Pasquier và ông Ưng Thông, Tham lý Y tế. Đức Hoàng hậu đi thăm khắp cả các phòng Viện Bài Lao năm 1936 khám bệnh, phòng soi điện và hết thảy các phòng bệnh nhân nằm. Ngài tỏ lời khen ngợi cách tổ chức chu đáo trong bệnh viện và ân cấp cho bệnh viện hai trăm đồng9.

Bác sĩ Ưng Thông còn biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà thơ có tiếng lúc bấy giờ. Trong cuốn sách “Souverains et notabilités d’Indochine” do Phủ toàn quyền Đông Dương ấn hành năm 1943 trình bày tiểu sử, sự nghiệp của các hoàng thân và chức sắc ở Đông Dương có mục đề cập đến bác sĩ Ưng Thông, trong đó cũng có viết lời nhận xét: “un des plus grands poetes et lettrés de l’Annam10 (Một trong những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở An Nam). Cụ Ưng Thông từng là thành viên trong hội thơ “Vỹ Hương thi xã” (1933 - 1945) và “Hương Bình thi xã” (1951 - 1961) do Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) làm chủ soái. Hội thơ này đã quy tụ nhiều nhân tài thơ văn cùng nhau xướng họa tại đình Lộc Minh trong Châu Hương Viên - tư thất của cụ Ưng Bình, để lại nhiều thi phẩm có giá trị cho hậu thế. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị cho biết Thanh Chi Ưng Thông thường xướng họa cùng với cụ Ưng Bình và những người thân khác trong phòng Tuy Lý vương: “Đối với anh em trong gia đình Tuy Lý, Thầy tôi cũng thường xướng họa với những người thân thương: Quật Đình Ưng Ân, Hòe Đình Ưng Oanh, Thúc Thuyên Ưng Tôn, Vân Hán Ưng Quả, Mân Hương Ưng Thiều, Vu Hương Ưng Thuyên, Di Sơn Ưng Dị, Thúc Dật Ưng An, Thúc Đoan Ưng Trung, Ưng Hoát, Ưng Thông, Như Không, Như Nguyện11. Đặc biệt vào đầu mùa hạ năm Quý Dậu (1933), Thanh Chi Ưng Thông đã cùng Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nại Viên Ưng Nghệ, Lan Đình Ưng Bộ, Thúc Đồng Ưng Loại, theo quan Án Sát tỉnh Bình Định là Chiêm Thiết, quan huyện Phù Cát là Thái Văn Chánh đến thăm chùa cổ Linh Phong12; tức cảnh sinh tình, mọi người đều ngâm vịnh thơ ca. Trong tập thơ chữ Hán “Lộc Minh đình thi thảo”, cụ Ưng Bình đã sáng tác bài thơ miêu tả về cuộc dạo chơi thưởng lãm thắng cảnh chùa Linh Phong cùng Thanh Chi Ưng Thông như sau:

Linh Phong cổ xát cận Bàn thành

Huề hữu đăng lâm bộ bộ khinh

Hữu họa sơn vân phù phiến phiến

Vô ba sơn tuyền lạc thanh thanh

Ngự sàng hoán tỉnh quân vương mộng

Thạch thất thường lưu đại sĩ danh

Hà hạnh thử sinh tu đắc đáo

Tương yêu địa chủ thái đa tình

Dịch thơ:

“Linh Phong chùa cổ cạnh Bàn thành

Cùng bạn lên chơi bước bước nhanh

Họa có mây trời hình lớp lớp

Sóng yên suối nước tiếng thanh thanh

Long sàng vương đế hồn mơ tỉnh

Thạch thất phật bà tiếng nổi danh

May mắn đời này tu có được

Chủ chùa mời đón quá thân tình13

Bác sĩ Ưng Thông đã sống, làm việc, khám chữa bệnh cứu người và qua đời vào ngày 30/8/1951 (1/9 năm Tân Mão) tại ngôi biệt thự ở làng Vĩ Dạ, hưởng thọ 70 tuổi.

Một góc Nhà thương lớn Huế
Hội Phương Trai

2. Biệt thự bác sĩ Ưng Thông: Sự kết hợp văn hóa truyền thống bản địa với kỹ thuật xây dựng phương Tây

Biệt thự bác sĩ Ưng Thông nguyên xưa tọa lạc tại làng Vĩ Dạ, tổng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay tại số 66 Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế; 16°28’34.8”N 107°35’44.0”E), với diện tích đất là 5 sào 10 thước 7 tấc (nay còn khoảng 2539m2). Do được đào tạo theo lối Tây học và kế thừa truyền thống Nho học của dòng tộc nên bác sĩ Ưng Thông am tường về văn hóa, văn minh phương Tây lẫn Á Đông. Ông đã áp dụng những hiểu biết về kiến trúc nghệ thuật phương Tây khi xây dựng ngôi nhà của mình tại làng Vĩ Dạ.

Biệt thự bác sĩ Ưng Thông có diện tích mặt bằng 239m2. Kiến trúc biệt thự bác sĩ Ưng Thông mang xu hướng chiết trung Âu - Á, kết hợp văn hóa truyền thống bản địa với kỹ thuật xây dựng phương Tây, thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới xứ Huế. Đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo ra và là có giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân trọng. Biệt thự quay mặt hướng Tây, lấy dòng sông Hương làm yếu tố minh đường. Biệt thự có hai cửa vòm trang trí hoa văn độc đáo như họa tiết hoa hồng hay có nề ngõa hai bức cuốn thư đề chữ Hán: “Thanh phong”, ”Minh nguyệt” theo lối triện thư. Cầu thang và mặt sàn tầng hai làm bằng gỗ lim, nền lát gạch hoa đặt mua từ Pháp và có những ban công mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại. Mái lợp ngói liệt truyền thống. Mặc dù ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc lâu đài phương Tây nhưng công trình này vẫn mang phong cách kiến trúc - mỹ thuật cung đình triều Nguyễn với kiểu bố cục đăng đối, có vườn cây bao bọc xung quanh, các mô típ và chi tiết trang trí tinh tế sử dụng kiểu thức truyền thống như: Tứ quý, bát bửu... tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Trong khuôn viên biệt thự còn có xây dựng thêm một ngôi nhà ba gian bằng bê tông có diện tích mặt bằng 219m2, mái lợp ngói liệt với tên gọi là Hội Phương Trai14, hai trụ làm cổng ngõ, sau này người con trai của cụ là Bửu Hoàng có tạo lập thêm khu lăng mộ song táng khi bác sĩ Ưng Thông và vợ là cụ bà Nguyễn Thị Nga (1884 - 1958) qua đời. Bình đồ kiến trúc khu lăng mộ hình chữ nhật, bên trong có hai ngôi mộ nấm hình hoa sen. Sau những biến cố thăng trầm của thời cuộc, đặc biệt ngôi biệt thự không còn do hậu duệ cụ Ưng Thông quản lý và sử dụng nên dần rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Những ngôi nhà mới được người dân xây dựng lên để ở và hoạt động kinh doanh buôn bán đã làm cho biệt thự bác sĩ Ưng Thông dần bị biến đổi và phá vỡ cảnh quan kiến trúc, thu hẹp diện tích đất đai. Một cây bồ đề cổ thụ bám chặt vào một góc ngôi biệt thự trông rất kỳ bí.

Bác sĩ Ưng Thông là một người đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình cho ngành Y và nhân dân trong khám và chữa bệnh, đặc biệt là những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Nhà thương lớn Huế (Bệnh viện Trung ương Huế). Dù sinh ra trong một gia đình hoàng tộc triều Nguyễn, có nhiều người thân được bổ nhiệm làm quan trong triều đình nhưng Ưng Thông quyết không theo nghiệp học làm quan mà ông quyết định ra Hà Nội, học khóa đầu tiên của Trường Y Hà Nội để quyết tâm học hành trở thành một vị bác sĩ giỏi, dành cả cuộc đời gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Và rồi điều đó đã trở thành hiện thực khi Ưng Thông đã trở thành một vị bác sĩ danh tiếng, có địa vị cao trong ngành Y và được triều đình Huế, chính phủ Pháp trao tặng nhiều phần thưởng, huy chương cao quý trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Tiếc rằng ngày nay rất ít người biết đến hành trạng và tên tuổi của vị bác sĩ Ưng Thông đáng kính này, ngay cả ngôi biệt thự của Cụ cũng dần rơi vào cảnh hoàng tàn, không ai quan tâm chăm sóc trùng tu, sửa chữa… Nếu biệt thự cụ Ưng Thông được trùng tu phục hồi sẽ trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan thưởng lãm. Bên cạnh đó, cần kết nối các điểm di sản kiến trúc trên trục đường Nguyễn Sinh Cung (từ Đập Đá đến hướng Thuận An) trở thành tuyến du lịch di sản - một con đường di sản kiến trúc phủ đệ, biệt thự liên quan đến hoàng gia triều Nguyễn như: Biệt thự bác sĩ Ưng Thông, biệt thự Tiểu Thảo Hường Thiết, phủ Kiến Tường công, phủ Tuy Lý vương, phủ Diên Khánh vương, phủ Phong Quốc công, tư thất cụ Ưng Bình…; đây là một sản phẩm du lịch độc đáo ở Cố đô Huế.

Mặc dù ngôi biệt thự bác sĩ Ưng Thông đang trong tình trạng bị xuống cấp và lãng quên nhưng công trình này vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có giá trị quan trọng trong hệ thống di sản kiến trúc Đông Dương ở Huế, đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của một vị bác sĩ nổi tiếng, vang bóng một thời chưa được tôn vinh một cách xứng đáng.

T.V.D
(TCSH368/10-2019)

 



[1] Đến năm 1944, Nhà thương Huế được đổi tên là Bệnh viện Trung ương Huế.

[2] Cụ Hường Táo là con trai thứ 25 của ngài Tuy Lý vương, quan ham Ngũ phẩm. Ông là người tinh thông Nho học, viết chữ đẹp nên được phòng Tuy Lý vương giao nhiệm vụ cùng một số vị khác trong phòng tập hợp và sao lục các tác phẩm thi ca của Tuy Lý vương như: Vỹ Dã hợp tập, gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ, 1 quyển tự truyện; Nữ phạm diễn nghĩa từ (Lời diễn nghĩa các khuôn phép của nữ giới); Hòa Lạc ca (Bài ca về con thuyền Hòa Lạc) gồm 64 câu thơ Nôm; Nghinh Tường Khúc .

[3] École de Médecine de l’Indochine, La Dépêche coloniale illustrée, 1908, tr 324.

4 Bản dịch của Mai Diệu Linh và Châu Tú Phụng.

5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb. Lao Động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.105 - 106.

6 Sở Y tế với các chức danh là Tham lý Y tế cùng với Y sinh và các Y tá nằm trong biên chế của Viện Thái Y, được nhận lương bổng từ triều đình Huế.

7 Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Châu bản triều vua Bảo Đại, tập 2, tờ 121.

8 Hà Thành ngọ báo, số 1824, phát hành 1/10/1933.

9 Tràng An báo, số 476, phát hành ngày 1/12/1939.

10 Souverains et notabilités d’Indochine, Éditions du Gouvernement Général de l’Indochine, IDEO, 1943, tr. 87.

11 Tôn Nữ Hỷ Khương (2002), “Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 160, tr 91.

12 Chùa Linh Phong nay tọa lạc tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

13 Ưng Bình Thúc Giạ Thị (2008), Lộc Minh Đình thi thảo, Nguyễn Hữu Vinh dịch, Viện Việt học, in tại Taiwan, tr. 265 - 266.

14 Hội Phương Trai trước đây dùng làm nơi khám chữa bệnh, họp mặt bàn luận công việc; nay trở thành nơi thờ tự cụ Ưng Thông và những người quá cố trong gia đình.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng