Tạp chí Sông Hương - Số 369 (T.11-19)
Hệ hình hậu đương đại (The Post Contemporary Paradigm)
14:29 | 09/01/2020


BRANDON KRALIK 

Hệ hình hậu đương đại (The Post Contemporary Paradigm)
“Vùng hoang vu mạ vàng” (Gilded Wilderness) của Brad Kunkle

Từ “đương đại” (contemporary), như nó được áp dụng cho nghệ thuật là một từ thường gây nhầm lẫn. Nghệ thuật đương đại được định nghĩa như là nghệ thuật có được nền tảng của nó gắn với chủ nghĩa hậu hiện đại, và các khái niệm của nó tập trung chủ yếu vào các vấn đề nhất thời chóng vánh của thời kỳ hiện nay, thường trái ngược với nghệ thuật được tạo ra trong cuộc đời của chúng ta.
 

 “Kẻ sống sót của nghệ thuật trừu tượng”(Survivor of Abstract Art) của Daniel Graves
 “Pandora” của Patricia Watwood

Thật vậy, công nghệ và các vấn đề nhất thời chóng vánh khác ảnh hưởng đến chúng ta và với nhiều người, tôi nghĩ, sẽ đúng khi nói rằng nghệ thuật đương đại phải làm gì đó trước việc những tiến bộ công nghệ của thời đại đang làm thay đổi chúng ta và buộc chúng ta phải thích nghi với nó. Và chúng đã làm thay đổi chúng ta. Những thay đổi mà cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại cho chúng ta thực sự đã tạo ra sự phong phú về thông tin, khả năng phát hiện và theo dõi những thay đổi đó cũng như có thể theo dõi những gì vẫn còn ít nhiều giống nhau từ một kỷ nguyên đương đại này đến kỷ nguyên đương đại tiếp theo. Nó đã cho phép các họa sĩ tạo hình và những người quan tâm đến các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu cổ điển tìm hiểu về nghề của họ, học hỏi lẫn nhau và đã mở ra các cuộc thảo luận về bản chất và triết lý của tác phẩm của họ cũng như liệu nó có phải là đương đại hay không. Kết luận của nhiều cuộc thảo luận như vậy cho rằng sự tiến bộ của tri thức này hoàn toàn trái ngược với sự mở rộng của nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật hậu hiện đại và nghệ thuật đương đại.

Có một nơi mà nghệ thuật đương đại, xét như một thuật ngữ, đại diện, nhưng nếu nghệ thuật đương đại tập trung vào các vấn đề nhất thời chóng vánh của thời đại thì hậu đương đại là một hệ hình hoàn toàn riêng biệt mà các khái niệm chính yếu của nó đề cập đến tình cảnh chân thật vượt qua thời gian của con người. Không phải như Lãng mạn của thế kỷ 19 đã đề cập đến tình cảnh này tuy có theo cùng một tinh thần, một tinh thần trôi dạt từ thời đại này sang thời đại  khác, bất kể các xu hướng hiện tại. Chủ nghĩa lãng mạn là một phản ứng lại với cuộc cách mạng công nghiệp, và vì vậy, hội họa hậu đương đại là một phản ứng lại với những tiến bộ công nghệ của thời đại kỹ thuật số mà chúng ta hiện đang sống.

Thuật ngữ “hậu đương đại” được cho là đã được tạo ra vào năm 2005 liên quan đến kiến trúc nhưng hiện đang lan rộng sang các ngành sáng tạo khác, những ngành cũng đang nhận ra sự cần thiết/tính tất yếu của nó. Không ai có thể tuyên bố quyền sở hữu đối với nó, nó không phải là một phong trào, mà là một kiến trúc thượng tầng triết học chống lại và dự định chống lại sự tái lý thuyết hóa bởi cả hai tiêu ngữ hiện đại và hậu hiện đại. Là tác giả, nhà hóa học và là người sống sót sau vụ thảm sát hàng loạt của phát xít Đức, Primo Levi đã đề ra nó, trong suốt thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa hậu hiện đại, “… sự kháng cự trước tiên chống lại việc bị ép buộc theo những đường hướng hấp dẫn nhất định và chống lại các xu hướng theo quan điểm phổ biến hiện nay. Vậy thì khá dễ hiểu, tại sao hệ hình hậu đương đại mới mẻ này đã nghênh chiến, tiếp nạp từ các công cụ mạnh mẽ của các hệ thống phức tạp, chống lại sự tái sinh không thể ngăn chặn và theo chu kỳ của phép tu từ ‘hiện đại’…”

 

“Nhà cạnh sông Mê” (The House by the River Lethe) của Richard T. Scott
“Vực thẳm” (Abyss) của Luke Hillestad

Richard T. Scott là một họa sĩ và là nhà văn đã đồng ý với quan điểm cho rằng những gì chúng ta đang nói đến là một hệ hình mỹ học riêng biệt hơn so với hệ hình mà nghệ thuật đương đại đại diện. Trong một nhóm trên Facebook thảo luận về triết học hậu đương đại anh đã viết, “Hậu đương đại liên quan đến việc xây dựng lại các truyền thống có ý nghĩa đã được giải cấu trúc ở trong hệ hình hậu hiện đại... chứ không nhất thiết phải ở cùng một hình thức như trước đây, mà dựa trên một ngõ lối tri thức chưa từng có trước đây của mọi thời đại trong lịch sử. Mặc dù nó dựa trên các truyền thống của quá khứ, nhưng nó luôn nhìn về tương lai.”

Graydon Parrish, một nhân vật hàng đầu của Phong trào Atelier và cũng là một họa sĩ làm việc theo phong cách cổ điển đồng ý rằng thuật ngữ đương đại và hiện đại có cùng một chọn lựa. “Các nghệ sĩ hàn lâm Pháp coi mình là thuộc trường phái hội họa hiện đại của Pháp. Nhưng bây giờ thì bất cứ điều gì là hiện đại đều có một cái nhìn nhất định. Đấy là nỗi bất hạnh.”

Có rất nhiều thuật ngữ được đưa ra trên các nguồn dữ liệu truyền thông xã hội khác nhau liên quan đến những gì mà các họa sĩ này đang thực hành. Không nghi ngờ gì nữa rằng họ đang thực hiện một số bức tranh được phối hợp một cách đẹp mắt, sử dụng tri thức đã được truyền lại cho họ, theo cách để chỉ đến tình cảnh con người hiện tại của chúng ta vượt ra ngoài các vấn đề đương đại nhất thời chóng vánh.

Sự cần thiết phải có một tiêu chí riêng biệt từ một nguyên tắc phái sinh với các nguyên tắc hậu hiện đại không phải là mới và đã được nói đến cũng như đã được bàn đến khá rộng rãi. Việc Odd Nerdrum sử dụng lại Kitsch (nghệ thuật bình dân) là nỗ lực đầu tiên để thiết lập một hệ hình riêng biệt, hay theo như tôi được biết, là một siêu cấu trúc. Quan điểm của anh ta đã được công bố trong cuốn sách “On Kitsch” vào năm 2000 và anh ta đã nói nhiều hơn trong nhiều năm liền về những khác biệt rõ ràng giữa hai hệ thống tiêu chí mỹ học này. Tôi cũng đã có các cuộc trò chuyện với Daniel Graves, người sáng lập Viện Nghệ thuật Florence, Michael Pearce, giáo sư nghệ thuật tại Đại học CalLuthern và là người sáng lập TRAC, và Peter Trippi, biên tập viên của tờ Fine Art Connoisseur về chủ đề này. Alexey Steele, người sáng lập Novorealists và cùng những người sáng lập khác gồm những tên tuổi nổi tiếng như Tony Pro và Jeremy Lipking, cũng đã cho rằng những gì chúng ta đang nói ở đây là một hệ hình riêng biệt với hệ hình cùng được chọn lựa theo cách gọi hiện đại và đương đại. Larry Shiner mô tả “Nghệ thuật” như là một phát minh của thế kỷ 18, trong cuốn sách Phát minh nghệ thuật (The Invention of Art) của anh ta, và lập luận rằng cách chúng ta nhìn nhận về Nghệ thuật ngày nay khá khác so với thời cổ đại, hay thậm chí là thời phục hưng. Thật vậy, nhiều họa sĩ tạo hình mà tôi nói về vấn đề này, tuy không phải tất cả, mà nhiều người, cho rằng chúng ta đang nói về hai điều khác nhau ở đây. Chúng ta đang chuyển sang lãnh địa mới, thế kỷ 21, nơi luôn có chỗ cho các bức tranh sử dụng các kỹ thuật xưa cũ và áp dụng chúng vào kinh nghiệm hiện tại của chúng ta.

“Hoàng hôn ở vùng Arcadia” (Twilight in Arcadia)


Không cần thiết phải né tránh công nghệ để sống cân bằng với tự nhiên. Không cần thiết phải tự rèn luyện kỹ năng, hoặc tiếp tục đi trên con đường giải cấu trúc khi cái mà chúng ta cần là những cấu trúc mới. Đây không phải là chuyện cố gắng thoát khỏi thế giới đương đại hay nghệ thuật của thế kỷ 20, mà là chuyển sang thế kỷ 21 với một triết học liền mạch liên quan đến công việc đang được thực hiện theo nguồn cảm hứng cổ điển.

“Vòng tuần hoàn của khủng bố và bi kịch” (The Cycle of Terror and Tragedy) của Graydon Parrish


Tư tưởng hậu hiện đại, và sau đó là nghệ thuật đương đại, không phải là một sự tiến hóa từ các bậc thầy trước đây, nó chỉ là một con đường khác.

Hậu đương đại tìm lại tại ngã ba đường và cho chúng ta thấy một viễn cảnh tươi mới, một con đường thay thế cho những người trong số chúng ta, những kẻ đang tìm kiếm lãnh địa mới.

Phạm Tấn Xuân Cao dịch
(Nguồn: https://www.huffpost.com)  
(TCSH369/11-2019)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xem tranh (03/01/2020)
Dị mộng (16/12/2019)
Tuyết ca (16/12/2019)