Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-19)
Từ tâm thức lãng mạn
14:54 | 10/01/2020

LINH PHƯƠNG

Một lần nữa có thể thấy rằng, mỹ thuật Huế trong dòng chảy của mình, không ồn ào mà lại âm thầm trong việc theo đuổi những tiếng gọi nghệ thuật thuộc nhiều kiểu dạng ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để có được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

Từ tâm thức lãng mạn
Tác phẩm "Trò chơi màu sắc" của họa sĩ Nguyễn Văn Sỹ
Tác phẩm "Cuối đông" của họa sĩ Phạm Trinh
Tác phẩm điêu khắc "Hạt chuyển động" của Lê Ngọc Thái

Những điều này được thể hiện rất rõ thông qua cuộc triển lãm vừa qua tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế, do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế và Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tổ chức nhân Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam (10/12).

Triển lãm quy tụ khá đông các họa sĩ tham gia với nhiều lứa tuổi khác nhau, phong cách nghệ thuật khác nhau, cách tiếp cận và nhìn nhận về thế giới khách quan cũng như thế giới nội tâm khác nhau. Với 48 tác phẩm của 48 tác giả, không gian triển lãm phần nào đó đã bao quát được diện mạo của nghệ thuật nói chung và mỹ thuật Huế đương đại nói riêng.

Ngầm ẩn sau những tác phẩm vẫn là thuộc tính lãng mạn muôn đời của con người và văn hóa Huế. Dù có thực hành trên chất liệu nào, ngôn ngữ nghệ thuật của trường phái, khuynh hướng nào, dù cách nhìn thế giới qua nhãn quan nào thì thuộc tính lãng mạn này vẫn luôn là một thế mạnh của mỹ thuật Huế.

Dấu ấn nghệ thuật biểu hiện được thể hiện đậm nét ở tác phẩm "Cuối đông" của Phạm Trinh. Các hình thể đã bị bóp méo trong cách nhìn chủ quan của chủ thể nghệ thuật. Màu sắc, hình họa, bố cục đều bị bóp méo để thể hiện sự đa chiều trong không gian tâm lý. Và do thế, không gian tâm lý bên trong được thể hiện một cách hiệu quả. Nhận vật trở nên cô đơn, độc thoại và có gì đó suy tư về những thị phi cuộc đời.

Gần như sắc thái của các trào lưu hội họa thế giới đã được các họa sĩ Huế khai thác. Từ hiện thực đến siêu thực, trừu tượng, bán trừu tượng đến lập thể, biểu hiện... đều in đậm dấu ấn lên các tác phẩm. Tùy thuộc vào từng độ tuổi khác nhau, từng thời kỳ nghệ thuật khác nhau và cách nghệ sĩ lý giải thế giới khác nhau mà dấu ấn của ngôn ngữ các trào lưu thể hiện đậm hay nhạt.
 

Tác phẩm "Trầm tích biển" của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức

"Trầm tích biển" của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức lại mang dấu ấn của hội họa trừu tượng khi tác giả không đi vào mô phỏng hay nỗ lực miêu tả hình ảnh, tác giả gần như khởi từ cái hữu hình để đi tới cái vô hình, với những tác phẩm gần đây, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức đưa tới người xem một thế giới vô hình chỉ dành cho sự cảm thụ chứ không dành cho những lý giải cụ thể, và đó chính là mục đích của nghệ thuật trừu tượng.
 

Tác phẩm "Mơ" của tác giả Nguyễn Thị Lan

Ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại lại mê hoặc hơn đối với những họa sĩ về sau như Võ Thành Thân, Nguyễn Thị Lan, Hoàng Chưởng... Gần như trong các tác phẩm của họ không cụ thể một kiểu dạng duy nhất của một trào lưu nghệ thuật mà đó chính là sự hỗn dung của nhiều cách nhìn nghệ thuật trước một cuộc sống đa chiều, đa thanh.

L.P
(SHSDB35/12-2019)

 

 

 

Các bài mới
Chùm tản văn (18/02/2020)
Nước mắm (14/02/2020)
Các bài đã đăng