TRẦN THÙY MAI
Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!
Hà nhỏ hơn tôi đến 15 tuổi, cách gần một thế hệ, mà sao lại có những kỷ niệm giống nhau quá. Như vậy, chắc cũng sẽ nhiều bạn đọc tìm thấy trong tập văn này những ấn tượng gần gũi, thân thương.
Như là hình ảnh “hoa “thầu đâu”, mùa nhãn lồng, hay những chiếc vỏ ve sót lại trên gốc cây cổ thụ đầu hè. Hay như kỷ niệm về ngày tết, tưởng chừng “không giống ai” mà chắc lại giống rất nhiều em bé ngày ấy, vì... tôi cũng đã từng như thế: “…những năm nhỏ tuổi, mạ may cho bộ đồ mới và đôi dép mới, tôi đã mặc thử áo quần và đi dép mới ngay trên giường, nhất quyết không xuống đất, chỉ đi vài bước rồi gói tất cả lại, chờ đúng sáng Mồng Một Tết…”. Cũng rất quen, khi Hà tả cái cảm giác ước ao, thèm khát nhìn theo trẻ hàng xóm chơi đèn lồng Trung Thu, khi Hà kể những viễn tưởng mênh mang trong tâm hồn cô bé ngây thơ tha thẩn bên gốc khế trong vườn. Ôi những trái khế chua khế ngọt trong vườn Huế, chen trong chùm hoa nho nhỏ hồng hồng tím tím xinh xinh. Cây khế quen thuộc đã đi vào cổ tích và cả trong ca dao: “Mưa lâm dâm ướt dầm lá khế/ Anh thương một người trong Huế đã lâu…”. Nhà thơ Nguyễn Bính viết về mưa Huế: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế? Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày…”. Hà là dân Huế, lớn lên cùng với mưa, không sợ cái lê thê buồn bã của mưa mùa đông. “Hôm nay mưa mà hàng cây muối, hàng phượng vàng như đang reo vui. Cây không lạnh. Một thời, tôi cũng không thấy lạnh khi dầm mưa.” Còn mưa hè thì vui như hội, bởi tắm mưa là một cái thú chỉ trẻ con ngày xưa mới được hưởng. “Tắm nước mưa là rôm sảy lặn nhanh, da thịt mát mẻ…. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa giòn giã, một bầy trẻ nhỏ làm rộn rã cả xóm. Có lẽ nhờ thế mà với tụi em, mưa không hề buồn.” Còn lụt nữa. Lụt Huế thế nào thì hầu như ai cũng biết rồi. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo, hạ thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm…”. Nhưng Hà, người Huế, sống chung với lũ từ khi thơ dại, Hà nhớ dai nhất không phải cái hung tàn của lụt mà là hình ảnh ấm áp tình người, giữa cái rét mướt, thiếu thốn: “Thức đêm canh lụt nên nhà nào cũng để đèn. Trong màn đêm tối đen, nước chảy bao quanh, nhà nọ nhìn nhà kia thấy có ánh đèn cũng yên lòng. Đó là những ánh đèn báo hiệu bình an, “Có tôi còn thức nè, đừng sợ!” Thật lạ lùng, Hà nói về thời tiết khắc nghiệt, về thiên tai, về những gì chính mình đã, đang và sẽ còn chịu đựng, vậy mà đọc xong trong lòng người đọc vẫn đọng lại hai từ: Vui và An. Tôi không khỏi suy ngẫm, vì sao vậy? Rồi chợt ngộ ra khi nhớ lại câu châm ngôn: “Tâm bình, thế giới bình”. Niềm vui và sự bình an đến từ lòng tốt và tình thương, như tác giả đã tự nhắc nhủ mình: “...Tự dặn lòng mình đừng làm tổn thương ai, đừng khinh khi ai, đừng bỏ lại đằng sau những người “đi chậm trong cuộc sống để đừng ai thấy mình đang bị bỏ rơi, bị tụt lại đằng sau quá xa và cô đơn trên hành tinh này...”. Hơn ba chục bài viết, với rất nhiều chi tiết và ý tưởng, ban đầu tưởng chừng như tản mạn, nhưng đọc kỹ mới thấy tất cả đều châu tuần quanh một đề tài: Tâm hồn của một người phụ nữ Huế hồn hậu, vị tha, lạc quan và chịu thương chịu khó. Có hai hướng nhìn xuyên suốt toàn tập: Một là nhìn về quá khứ, sống lại những kỷ niệm tuổi thơ; hai là nhìn vào hiện tại và tương lai, ghi nhận, cảm xúc, và chia sẻ… Hà nói về mùa hoa dã quỳ ở Đà Lạt, về miền cổ tích Phú Yên, về những vùng quê, vùng biển gần xa… Là một phóng viên của Đài truyền hình TRT, Hà đi nhiều, lăn lộn nhiều với từng thôn từng xóm, nên mới cảm thấy được mùi thơm của đất, mới nhận ra vị ngọt lành trong nắng, trong mưa, trong cỏ cây… Đã hơn nửa đời người, đi khá nhiều nơi nhưng đến lúc đọc tập tản văn của Diệu Hà, tôi mới nhận ra ngay gần đây thôi có nhiều thứ mình chưa biết như vậy. Ví như tôi đã chưa hề biết ở quê ta có loại cỏ trên là “cỏ bàng”, một thứ cỏ bền bỉ, đã giúp cho dân cả vùng có thêm cơm ăn áo mặc. Hay là tôi đã ăn bún bò, nấu bún bò, mê bún bò cả đời mà cũng nghĩ món ăn này chỉ hấp dẫn với người Việt Nam thôi, chứ không ngờ chuyên gia ẩm thực tầm cỡ thế giới, Anthony Boudain, cũng đã vinh danh bún bò Huế: “… là món súp tuyệt vời nhất mà tôi từng nếm thử.” Hay là ở Huế đã từng có một “Bồ Tát” giữa đời thường, một người đàn ông gần 40 năm đi khắp nơi trên chiếc xe đạp cũ, vào từng nhà xin gạo cho người nghèo, để đến bây giờ “Hũ gạo Ôn Siêu” vẫn là một hình ảnh cảm động ghi sâu trong ký ức người dân phường phố. Để mô tả cái hiền của người dân một vùng đất, Hà ví von “Họ hiền như những con cá cơm”. Văn của Hà và con người Hà cũng vậy! Bạn nào đã sống qua thời thơ ấu ở miền Trung thì đã hiểu thế nào là hương vị của một tô canh cá cơm rồi đó. Nhưng con cá nho nhỏ trắng ngần, mềm múp dễ thương, nằm lẫn với rau me hay rau bông ngọt, nêm chút xíu ruốc đậm đà. Một món canh khiêm nhường nhưng thật là “the thía”, dù sau này có ăn tới cao lương mỹ vị gì rồi cũng không quên. Tôi nghiệm ra rằng cả cuộc đời của con người cũng chỉ là những vận động nối tiếp nhau giữa hai chiều hướng: Đi và về. Như là nguồn và biển, nội tâm và ngoại giới, quá khứ và tương lai, quê hương và thế giới. Hà dẫn ta đi giữa hai chiều kích ấy, đường đi tuy chưa xa lắm nhưng Hà sẽ còn đi nữa, và không bao giờ sợ lạc vì đã có những ràng buộc với quê hương và tuổi thơ rất sâu bền. Dù ở chiều nào, đi hay về, vẫn xuất phát ở tình người hồn hậu, thiết tha, đằm thắm. Chỉ ước mong sao ai đi cũng có ngày về. Vì vậy mà đọc hết “Xứ mưa không buồn” rồi, lòng tôi vẫn thương thương, nhớ nhớ khôn nguôi, vẫn chưa hết bồi hồi với câu hỏi của Hà: Miền thương nhớ ở đâu?
Cựu Kim Sơn, tháng bảy 2019
T.T.M
(SHSDB35/12-2019)