Tạp chí Sông Hương - Số 371 (T.01-20)
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế
14:53 | 05/03/2020

 

PHAN THUẬN THẢO

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế
Ảnh (internet)

Mở đầu

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng. Tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế vừa mang những nét chung trong hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, vừa có những nét riêng mang bản sắc địa phương. Gắn với nghi thức lên đồng huyền bí, tín ngưỡng thờ mẫu có lúc được nhà nước quân chủ dưới thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889) tôn vinh (biểu hiện rõ nhất ở việc tu sửa, mở mang điện Hòn Chén), nhưng cũng lắm lúc bị hạn chế, cấm đoán do bị cho là mê tín dị đoan. Dù vậy, tín ngưỡng này vẫn tồn tại lâu bền tại vùng đất Huế. Trong thời đại ngày nay, nó không những không phai nhòa trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Sự phát triển này thể hiện ở chỗ số lượng con tôi đệ tử theo đạo ngày càng nhiều và càng trẻ hóa về độ tuổi, số lượng am, điện được xây dựng nhiều hơn, nghi lễ hầu đồng được tiến hành nhộn nhịp hơn. Theo Báo cáo đề ngày 10/12/2018 của Ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam gửi Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, thống kê chưa đầy đủ cho biết toàn tỉnh có 194 am, điện và 4.953 thanh đồng [10]. Theo ông Lê Văn Ngộ, Trưởng Ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam, con số thực tế có thể lớn hơn gấp đôi, bởi có một số lớn am, điện, thanh đồng chưa thể thống kê được.

Trong giai đoạn hiện nay, có tham dự những cuộc lễ “Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ”, chúng ta mới thấy được sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế: những dòng người trong trang phục rực rỡ nườm nượp chen chân nhau đến điện Hòn Chén dâng lễ một cách thành kính, rồi họ tỏa ra hàng trăm chiếc bằng (thuyền ghép đôi) để thực hiện nghi lễ lên đồng. Tiếng đàn, tiếng hát Chầu văn rộn rã cả một khúc sông cho đến tận đêm khuya.

Tại sao loại hình tín ngưỡng này, dù bị cho là mê tín dị đoan, vẫn có sức sống mãnh liệt như thế? Bài viết này sẽ không đề cập đến những nguyên nhân liên quan đến nguồn gốc lịch sử vốn đã được giải thích trong những công trình nghiên cứu đi trước mà chú trọng tìm hiểu những tâm tư của người trong cuộc - những con tôi đệ tử, ông đồng, bà đồng - để tìm cách lý giải về niềm tin tin ngưỡng trong họ. Đây chính là yếu tố then chốt khiến cho tín ngưỡng thờ mẫu tồn tại một cách lâu bền trong xã hội hiện đại ngày nay.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn sâu các con tôi đệ tử của mẫu. Các đối tượng khảo sát được chọn lựa vừa có chủ ý, vừa là ngẫu nhiên. Chủ ý của chúng tôi là chọn các vị thủ am bởi họ là những người thực hiện các nghi lễ một cách thường xuyên, những trải nghiệm, hiểu biết của họ về tín ngưỡng này nhiều hơn, sâu sắc hơn. Trong số các vị thủ am, có 2 vị được lựa chọn phỏng vấn một cách ngẫu nhiên, còn 1 vị là Hội trưởng Hội Thiên tiên thánh mẫu, Trưởng Ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phỏng vấn 2 đệ tử khác là người “có căn thánh”, là thanh đồng. Dù đây là lựa chọn ngẫu nhiên song không phải không có tính điển hình. Họ chính là những người thường xuyên thực hành tín ngưỡng này trong các nghi lễ cũng như trong cuộc sống hàng ngày, những suy nghĩ, tình cảm của họ cũng chính là của các con tôi đệ tử khác. Bài viết này sẽ đứng trên góc nhìn của người trong cuộc thuật lại các câu chuyện do chính các thanh đồng trải nghiệm, từ đó mới có thể phần nào lý giải được căn nguyên và lý do tại sao tín ngưỡng này ăn sâu và phát triển trong xã hội hiện đại ngày nay.

1. Những con đường đến với tín ngưỡng thờ mẫu

Để tìm hiểu tại sao người ta đến với thánh mẫu, chúng tôi thuật lại câu chuyện của các con đồng do họ kể lại trong các cuộc phỏng vấn sâu. Các câu chuyện được viết lại một cách trung thành sau khi bỏ bớt các chi tiết rườm rà.

Câu chuyện thứ nhất: Thầy là Lê Văn Ngộ, sinh năm 1941. Gia đình thầy có nhiều đời thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Năm 12 tuổi, thầy bị bệnh phát ban, thuốc thang chữa chạy không khỏi. Ông nội của thầy gửi gắm thầy cho thánh mẫu thì mới khỏi bệnh. Lúc đó, thầy vẫn chưa thực sự tin theo thánh mẫu. Sau năm 20 tuổi, thầy bắt đầu đam mê nghiên cứu, tìm hiểu về thế giới tâm linh, nhưng vẫn chưa thực sự đến với đạo. Sau ngày giải phóng (1975), thầy bị bệnh đau đầu và mình mẩy như thể bị ai đánh đập. Cứ vào khung giờ cố định từ 12 giờ trưa cho đến nửa đêm là thầy bị đau, buổi sáng làm việc bình thường. Suốt nhiều năm như thế cho đến một đêm thầy nằm mơ có ai nhắc nhở bên tai là phải cầu nguyện thánh ở cảnh thờ mà ông nội thầy từng thờ cúng. Thầy khấn vái cầu nguyện rằng nếu trong vòng 3 đêm mà thầy lành bệnh thì thầy sẽ tin theo thánh. Quả thật bệnh của thầy bớt dần và khỏi hẳn sau 3 đêm. Qua đêm thứ tư, vong linh bà cô nhập vào thầy và nói rõ thầy được thánh giúp chữa lành bệnh, và thầy phải theo hầu thánh. Từ đó, thầy mới làm lễ trình (nhập đạo), và vị thánh độ mạng cho thầy là quan Đệ nhất thượng thiên. Thầy là vị thủ am kiêm Hội trưởng Hội Thiên tiên thánh mẫu, là vị chức sắc có uy tín [6].

Câu chuyện thứ hai: Tên cô là Nguyễn Thị Đông, sinh năm 1948 ở phường Tây Lộc, thành phố Huế. Cô Đông thời trẻ không tin vào thánh, nhưng vào năm 1992, con của cô bị bệnh hiểm nghèo, Tây y không chữa lành. Nhờ có thánh nhập vào cô mà chỉ bảo cho cô cứu sống được con mình. Từ đó, cô có niềm tin vào thánh. Dù vậy, trong vài năm sau đó, cô Đông vẫn chịu nhiều khó khăn, nghịch cảnh: buôn bán thua lỗ, kinh tế khó khăn, quan hệ gia đình không tốt… Cô đi xem bói thì biết được rằng do cô có căn thánh mà không thờ cúng nên mọi chuyện trắc trở. Thêm vào đó, cô hay nằm mơ thấy thánh về chỉ bảo cho cô lập am thờ. Sau đó, cô lập am thờ hội đồng trong vườn nhà theo vị trí mà thánh đã báo mộng cho cô. Từ đó về sau, cuộc đời của cô trở nên yên bình hơn, sức khỏe tốt, làm ăn thuận lợi, các mâu thuẫn được giải quyết. Cô tin rằng nhờ có thánh giúp đỡ nên mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Cô đã phải trải qua nhiều thử thách mới trở thành thầy đồng như ngày hôm nay. Niềm tin vào thánh ngày càng trở nên sâu sắc từ đó đến nay. Vị quan thầy của cô là đệ Tam Giám sát Thượng ngàn, và độ mạng và vị thánh người Chăm [5].

Câu chuyện thứ ba: Một vị thầy (giấu tên) ở phường Tây Lộc, thành phố Huế mới 28 tuổi mà đã có 12 năm làm thầy. Thầy đến với thánh mẫu từ truyền thống gia đình, và thầy là đời thứ ba. Thầy theo xem bà nội hầu đồng từ hồi mới lên 6 tuổi. Năm 16 tuổi, thầy luôn bị đau đầu vào đúng khung giờ từ 7 - 9 giờ, chữa mãi không khỏi. Rồi thầy nhập “đồng ngang” (nghĩa là chưa làm lễ trình (nhập đạo) mà đã có thánh nhập vào người) và được khỏi bệnh. Từ đó, thầy trở thành đệ tử của Mẫu, là thủ am, thầy xem bói và thực hiện các nghi lễ. Thầy có vị quan thầy là bà Hỏa phong và độ mạng là Cô Năm Khâm sai [7].

Câu chuyện thứ tư: Cô Huỳnh Thị Thu Thủy, sinh năm 1966, ở số 82 đường Địa Linh, Bao Vinh, thành phố Huế, là người làm nghề lao động tự do. Cô cùng chồng gia nhập tín ngưỡng thờ mẫu vào năm 2006, lúc cô 40 tuổi. Trước đó, tình cảm vợ chồng cô vô cùng trắc trở đến nỗi sắp đưa nhau ra tòa ly dị. Rồi cô nằm mơ thấy thánh mẫu hộ mạng cho mình, chỉ bảo cho cô dâng lễ thánh trừ tà cho chồng, và từ đó cư xử của chồng cô rất tốt, vợ chồng hòa thuận, vui vẻ đến nay. Vợ chồng cô đều đã trở thành đệ tử trung thành của mẫu. Cô Thủy có vị thánh độ mạng là Cậu Ba Giám sát ngoại [8].

Câu chuyện thứ năm: Cô là một thánh đồng giấu tên, sinh năm 1959, trú ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Thời còn là nữ sinh, cô hay nằm mơ thấy mình đi bên một thanh niên cao lớn, nhưng cô không biết đó là ai. Rồi cô yêu là lấy chồng lúc tròn 20 tuổi. Đáng ra đó phải là những ngày hạnh phúc nhất của cuộc hôn nhân khi họ mới bước chân vào đời sống vợ chồng, thế nhưng họ lại căm ghét nhau, miệt thị và đánh đập nhau thường xuyên như cơm bữa. Cô kể lúc ấy cô rất dữ dằn và hỗn láo, cầm đùi đánh lại chồng chứ không chịu bị chồng đánh. Cô đi xem bói ở một vị đồng thầy thì được báo rằng cô bị “vương” cậu là một người lính tử trận, điều đó làm cho đời sống vợ chồng lục đục. Chỉ sau khi làm lễ cậu, lễ thành rồi lễ trình, cuộc hôn nhân của cô mới trở nên ổn định và duy trì tốt đẹp cho đến nay. Vị quan thầy của cô là Giám sát thượng thiên [9].

Qua những câu chuyện thực tế trên, chúng ta thấy rằng những con đồng đến với tín ngưỡng thờ mẫu từ những trắc trở khó hóa giải trong cuộc sống. Đó có thể là do bệnh hiểm nghèo, do làm ăn kinh tế lụn bại, do hạnh phúc gia đình bị đe dọa… Những khó khăn đó luôn tồn tại ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, ngay cả trong thời hiện đại. Trong tình trạng bế tắc, con người thường tìm đến với tâm linh, cầu cứu sự trợ giúp từ thánh thần. Và tín ngưỡng thờ mẫu vốn có gốc rễ trong dân gian người Việt là một trong những con đường mà con người tìm đến để mong hóa giải những khó khăn trong cuộc sống. Người ta tin rằng thánh mẫu đã ban phép màu, giúp đỡ họ thay đổi cuộc sống, từ đó, họ tin tưởng một lòng theo mẫu, không dám xao lãng sợ bị quở phạt. Họ thực hành tín ngưỡng hàng ngày với lòng tin rằng có thánh thần che chở, giúp đỡ khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

2. Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ mẫu cũng có những ngày lễ của mình. Chúng tôi tạm chia thành 2 loại: thường kỳ và bất thường kỳ.

2.1. Các lễ thường kỳ:

Theo thông tin do thầy Lê Văn Ngộ cung cấp, mỗi năm có đến 47 ngày thánh đản, trong đó có 9 cuộc lễ quan trọng nhất được tổ chức ở điện Huệ Nam (Hòn Chén) - trung tâm của tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế [11].

Cuộc lễ quan trọng mở đầu năm mới là lễ vía Ngọc Hoàng (khai ấn - khai bút - khai bàn), được tổ chức vào ngày 9/1 âm lịch tại điện Hòn Chén. Sau đó, các am, điện ở các địa phương chọn một ngày thích hợp để làm lễ riêng tại am của mình. Vào ngày này, tất cả con tôi đệ tử của mẫu đều phải đến am cúng lễ, hầu đồng với mục đích mời các vị thánh thần độ mạng cho mình về để hầu hạ họ, tôn vinh họ, cầu xin họ ban cho một năm mới an bình, may mắn. Đây là cuộc lễ lớn, nên người ta phải chuẩn bị lễ vật chu đáo, mời cung văn, sửa soạn trang phục, thiết bàn thờ sáng sủa, đẹp đẽ. Mỗi người đều có 1 vị quan thầy và 1 vị thánh độ mạng cho mình, nên họ phải chuẩn bị trang phục, đạo cụ để hầu các giá đồng phù hợp với mình. Khi lên đồng, cung văn phải hát những bài văn phù hợp với các giá đồng đó. Sau cuộc lễ này, người ta cảm thấy yên tâm vì mình đã được thần thánh che chở, phù hộ được may mắn trong suốt cả năm trời.

Lễ khai bàn đầu năm là cuộc lễ lớn, tương đối tốn kém. Với những người không đủ khả năng thì có thể góp tiền lại để cùng nhau tổ chức lễ. Hoặc nếu không thể tổ chức lễ hầu đồng thì họ làm lễ “hầu âm”, nghĩa là chỉ bài trí bàn thờ bông ba hoa quả rồi thắp hương khấn bái thần thánh xin phép cúng lễ chứ không hầu đồng vì điều kiện không cho phép. Như thế, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà các con tôi đệ tử của mẫu thực hiện cuộc lễ khai bàn đầu năm với các hình thức khác nhau, nhưng tất cả đều phải làm lễ để cầu mong một năm mới hanh thông, thuận lợi.

Các lễ vía: “Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ” là câu nói cửa miêng của cư dân Huế, dù là theo hay không theo tín ngưỡng thờ mẫu. Đây là 2 cuộc lễ lớn nhất được tổ chức thường kỳ hàng năm tại điện Hòn Chén và am, điện các địa phương. Ngoài 2 dịp lễ quan trọng này còn có các lễ vía khác như vía mẫu Thượng ngàn (17 - 18/1 AL), vía Thánh mẫu Thiên Y A Na (17 - 18/4 AL), vía Ngũ vị thánh bà (18/6 AL), vía Quan Thánh Đế quân (Đức Thánh Trần) (20/8 AL)… Ai là con tôi đệ tử của các vị nào thì đến ngày vía của các vị ấy phải tổ chức cúng lễ và hầu đồng để tưởng nhớ công đức và cầu mong thánh thần che chở. Cuối năm có lễ tạ vào ngày 25/12 AL tại điện Hòn Chén, các am, điện cũng tổ chức lễ tạ sau đó.

Như đã biết, lễ vía lớn nhất là vào tháng 7 và tháng 3 âm lịch. Cuộc lễ thường được tổ chức trong 3 ngày.

Trước hôm lễ, các con tôi đệ tử đều phải làm lễ cáo tại các am thờ ở địa phương mình.

Ngày lễ đầu tiên, người ta tập trung tại Thánh đường Thiên tiên thánh mẫu (352 Chi Lăng, Huế) để làm lễ rước thánh mẫu ngược sông Hương lên điện Hòn Chén.

Sáng sớm ngày thứ hai là lễ chánh tế, và đến trưa thì rước mẫu xuống long thuyền đến đình làng Hải Cát để dự tế. Buổi chiều hôm đó có cử hành lễ tế ở đình làng theo nghi thức Nho giáo truyền thống. Con tôi đệ tử ở Huế và từ các tỉnh thành khác lũ lượt kéo về dâng hương.

Ngày thứ ba, lúc 8 giờ sáng, bài vị thánh mẫu được rước trở về điện Hòn Chén, rồi rước trở về Thánh đường Tiên Thiên Thánh giáo lúc 12 giờ trưa.

Trong suốt 2 đêm lễ, nghi thức hầu đồng diễn ra vô cùng nhộn nhịp trên những chiếc bằng neo đậu dọc sông Hương ở khu vực điện Hòn Chén và đình làng Hải Cát. Sức sống của tín ngưỡng thờ mẫu bấy lâu ẩn trong các am điện địa phương nay hiển hiện rõ trong các nghi lễ và nghi thức hầu đồng.

Sau khi kết thúc 3 ngày lễ chính thức, con tôi đệ tử của thánh mẫu phải chọn một ngày nào đó để làm lễ tạ và hầu đồng tại các am, điện ở địa phương mình. Đây là dịp để họ tạ ơn công đức của các vị thánh thần bổn mạng, các quan thầy của riêng mình, và cầu mong được ban phúc lành. Với những ai không đủ điều kiện thì có thể làm lễ theo hình thức “hầu âm” như đã nói ở trên.

Trong cuộc sống hàng ngày, các con tôi đệ tử vẫn làm ăn sinh sống bình thường. Họ an tâm hơn vì đã được ơn trên che chở. Với lòng kính ngưỡng thánh thần, họ có những kiêng kỵ như không để ai đụng vào đầu, vào vai mình, không đi qua dưới dây phơi áo quần bởi đầu họ là nơi thánh thần ngự trị, không được làm ô uế. Họ kiêng ăn thịt chó, thịt trâu và những linh vật có thể được thờ tự như ếch (họ rùa), lươn (họ rắn), cá gáy, cá tràu (cá lóc).

2.2. Các lễ bất thường kỳ

Lễ trình: Lễ trình là cuộc lễ có mục đích đưa một người nào đó nhập môn vào tín ngưỡng thờ mẫu (tương tự như lễ quy y của Phật giáo, hay lễ rửa tội của Thiên chúa giáo). Đó phải là một người “có căn”, được thầy thủ am dẫn dắt đến với thánh mẫu bằng một cuộc lễ gọi là lễ trình. Sau lễ trình, người ấy chính thức trở thành con tôi đệ tử, có nghĩa vụ thờ thánh, hầu thánh và được thánh phù hộ, giúp đỡ để có cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Lễ thành: dùng để cúng quan thầy Đệ Tam thủy phủ, vị thánh chuyên bắt phạt phụ nữ, cho nên lễ này dành riêng cho phụ nữ. Lễ thành có lúc được tiến hành trước lễ trình, với mục đích trả nợ bà cô thân ruột và trả nợ cậu (nếu có “vương” cậu) trước khi gia nhập đạo.

Lễ cô, lễ cậu: Người ta cho rằng có những vong hồn có tình cảm yêu đương với người trần, thậm chí kết vợ chồng và sinh con đẻ cái. Điều này khiến cho hạnh phúc gia đình của người trần bị đe dọa, dễ dẫn đến ly dị. Hiện tượng này gọi là bị “vương”. Để hóa giải điều này, người ta làm lễ cô, lễ cậu để cắt đứt tình cảm với người âm, từ đó họ mới có thể hướng cuộc đời mình đến với người chồng/ vợ mình nơi trần thế.

Lễ bạt vớt - giải oan: Khi trong gia đình có người thân bị chết nước, hoặc thai nhi sút sảo ở dưới nước, người ta cho rằng những linh hồn đó không siêu thoát được, phải chìm mãi trong dòng nước lạnh lẽo. Với lòng thương xót đối với người thân, người ta làm lễ bạt vớt nhằm cứu vớt linh hồn của người thân đang bị trầm luân trong dòng nước sâu thẳm. Chỉ sau khi làm lễ bạt vớt, người ta mới yên tâm rằng người thân của mình đã thoát khỏi cảnh trầm luân đau đớn, lạnh lẽo, có thể siêu thoát và không bắt tội con cháu.

Trong lễ bạt vớt - giải oan, người ta cắm 2 cái phan là phan sơn và phan thủy. Nếu phan thủy dùng để mời các vong hồn chết nước thì phan sơn thỉnh những vong hồn trên cạn hội tụ về để được làm lễ giải thoát. Sau cuộc lễ, các vong linh phải theo thánh tu tập để được nhẹ nhàng siêu thoát, đầu thai kiếp khác mà không phải chịu trầm luân, khổ ải.

Theo thầy Lê Văn Ngộ, cuộc lễ này được tổ chức khi gia chủ có người thân đã chết về báo mộng hoặc bắt phạt con cháu đau ốm triền miên. Sau khi được thánh giúp chữa lành bệnh thì người ta làm lễ bạt vớt - giải oan để linh hồn bà con thân tộc của gia chủ được giải thoát.

Như vậy, những lúc gặp phải trắc trở, tai ương trong cuộc sống, các con tôi đệ tử của thánh mẫu và cả những người không theo tín ngưỡng này tìm đến các vị thầy thủ am để mong được hóa giải. Lúc bấy giờ, các vị thầy đóng vai trò là những người trung gian, họ có khả năng kết nối với thánh thần để cầu xin thánh thần giúp đỡ cho gia chủ vượt qua được tai ương. Đó có thể là những khó khăn về bệnh tật, bị vương người âm, chuyện làm ăn kinh tế, quan hệ gia đình… Nhiều người nói rằng, sau khi dâng lễ, mọi chuyện trở nên suôn sẻ. Vì thế, niềm tin của họ vào thánh thần càng được củng cố.

Xét về lễ thức, tín ngưỡng thờ mẫu sử dụng 2 loại. Loại thứ nhất là nghi thức theo truyền thống Nho giáo tương tự như ở các đình làng người Việt. Ở đây cũng có chánh tế, bồi tế, chấp sự, nhạc sinh,... và cũng diễn ra 3 lần dâng rượu, rồi dâng trà, độc chúc… Loại thứ hai là lễ thức của riêng tín ngưỡng thờ mẫu. Loại này lại chia ra hình thức: rước bóng hầu chính lễ (hầu lễ) và rước bóng dâng vui cửa thánh (hầu vui).

Tóm lại, tín ngưỡng thờ mẫu có một hệ thống nghi lễ khá phong phú và bài bản. Trên nền tảng đó, các am, điện ở các địa phương có những thay đổi, biến hóa khác nhau, khiến cho nghi lễ và hệ thống thờ tự trở nên nhiều hình, nhiều vẻ.

3. Thử lý giải về niềm tin và sự phát triển của tín ngưỡng thờ mẫu hiện nay

Với mục tiêu đã đặt ra ở phần Mở đầu của bài viết, trong mục này, chúng tôi thử tìm hiểu tại sao tín ngưỡng thờ mẫu vẫn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội mới ngày nay. Ngoài sự cởi mở về tư tưởng của xã hội thì niềm tin tín ngưỡng là nguyên nhân căn bản cho sự tồn tại của nó. Và niềm tin ấy vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân ở Huế hiện nay.

* Quan niệm về cõi âm

Chết có phải là hết? Có hay không sự tồn tại của linh hồn sau khi chết? Sau khi chết, linh hồn đi về đâu? Có hay không sự tái sinh? Đây là những câu hỏi mà loài người đã tìm cách lý giải suốt mấy ngàn năm nay, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác. Các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới đã đề ra những quan niệm riêng của mình về thế giới sau khi chết. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ ngàn xưa đã cho rằng có linh hồn ẩn trong các thực thể siêu nhiên và trong mỗi con người hay sức vật. Vì thế, chúng ta có tín ngưỡng thờ đa thần, thờ vật linh và tục thờ tổ tiên. Tín ngưỡng thờ mẫu cũng nằm trong dòng chảy tư duy ấy. Người ta cho rằng có một thế giới của những linh hồn tồn tại song song với trần gian này, gọi là cõi âm. Trong cõi âm ấy là cả một hệ thống thần linh nhiều tầng nhiều bậc, các linh hồn người chết đủ loại, nhiều thế hệ hết sức đa dạng, phong phú chẳng thua gì chốn trần gian. Họ cũng có những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, giống như người trần. Vì thế, người trần phải cúng cho người chết nào thức ăn, áo mặc, nào tiền bạc và những vật dụng khác; nếu chết nước thì phải làm lễ bạt vớt để rước hồn khỏi chốn trầm luân, nếu chết bất đắc kỳ tử thì phải làm dễ giải oan để linh hồn không còn vương vấn nơi trần thế và được siêu thoát. Thêm vào đó, linh hồn người chết cũng có nhu cầu về tình cảm, họ “cảm mến” những người nào hợp căn, hợp mạng với mình, thậm chí kết duyên vợ chồng và sinh con đẻ cái. Những trường hợp đó gọi là bị “vương” (vương cô hay vương cậu), khiến cuộc sống vợ chồng của người trần bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến ly dị, phải cúng giải để hết “vương”…

Từ niềm tin vào sự tồn tại của cõi âm, người ta cũng cho rằng cõi âm ấy có liên hệ với cõi dương trần, vong hồn người chết có tác động tốt hay xấu đến người trần. Trong mối quan hệ cộng sinh ấy, người ta thực hành các nghi thức tín ngưỡng để mối quan hệ ấy trở nên tốt đẹp, khiến cho cuộc sống được bình yên.

* Niềm tin vào các thần thánh và hiện tượng nhập đồng

Cho rằng có một thế giới người âm, người ta cũng tin rằng thế giới ấy được cai quản bởi các thần thánh. Dù được gọi là tín ngưỡng thờ mẫu, song đây thực ra là một tín ngưỡng đa thần, trong đó, quan trọng nhất là thánh mẫu. Các địa phương có những truyền thuyết khác nhau về các thánh mẫu. Ở Huế, tại điện Hòn Chén thờ thánh mẫu Thiên Y A Na được Việt hóa từ nữ thần Poh Nagar của người Chăm [3, tr.121], [2, tr.206). Bên cạnh đó là một hệ thống nhiều tầng bậc các vị thánh thần khác, ngoài ra còn có các cô, các cậu (những người thân ruột chết trẻ chưa lập gia đình) và ông quận, cô nường (vong linh các thai nhi sút sảo)1. Mỗi thanh đồng có một vị quan thầy và một vị thánh bổn mạng, Để biết được vị thánh nào độ cho mình, thầy Lê Văn Ngộ cho biết có bà cô đã chết nhập đồng vào thầy và cho biết đó là vị nào, còn cô Thủy thì bảo nằm mơ thấy vị ấy hiện về báo mộng. Họ phải thường xuyên thờ cúng các vị thánh bổn mạng của mình và những thần thánh khác trong bổn đạo2. Những lúc làm lễ hầu đồng, họ phải mặc trang phục và hóa trang thành hình tướng của các vị ấy để các vị nhập vào thân xác họ.

Trong mỗi cuộc lễ hầu đồng, thanh đồng lên nhiều giá đồng khác nhau, bao gồm cả giá đồng của các vị thánh bổn mạng. Các thanh đồng cho biết khi thánh nhập, họ có cảm giác “chuyển” trong cơ thể (rùng mình, lâng lâng, lắc đầu), rồi sắc diện của họ đổi khác. Lúc này, họ hành động theo những gì thánh sai bảo: nhảy múa, ăn trầu, viết chữ, chữa bệnh… Trong lúc thánh đang ngự trị, thanh đồng vẫn ý thức được những gì đang diễn ra chung quanh. Và khi thánh đã thăng, thanh đồng cho biết họ vẫn nhớ được phần nào những gì đã diễn ra khi thánh nhập [5,6,7,8].

Trong sinh hoạt hàng ngày, thanh đồng - ngay cả các thầy thủ am - cho biết họ không có cảm giác là thánh đang dõi theo mình. Nhưng họ quan niệm rằng nếu họ kính thờ và theo hầu thánh thì sẽ được thánh giúp đỡ, cuộc đời họ sẽ được tốt đẹp. Vì thế, các thanh đồng đều làm lễ hầu đồng mỗi năm ít nhất một lần trong lễ khai bàn đầu năm để cầu mong năm mới thuận lợi. Các lễ lớn vía cha, vía mẹ vào tháng 3 và tháng 7, họ phải về dâng lễ tại điện Hòn Chén, còn những ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, người ta đến am, điện tại địa phương để dâng hương, cầu nguyện. Lúc này, các vị thủ am sẽ giúp đỡ, hướng dẫn họ cách hóa giải những khó khăn trong cuộc sống.

Đa số các thanh đồng cho biết lúc đầu, không ai muốn theo tín ngưỡng này. Nhưng với những gì họ đã chứng nghiệm, đã tự mình trải qua, họ không tin cũng phải tin, và tin thì phải theo. Khi những khó khăn trong cuộc sống (bệnh tật, kinh tế khó khăn,…) được hóa giải một sách siêu tự nhiên thì niềm tin sâu sắc của con người vào thánh thần là điều dễ hiểu. Theo thầy Hội trưởng Lê Văn Ngộ, một trong những lý do khiến số người theo tín ngưỡng này ngày càng đông là vì trong thời đại mới ngày nay, hiện tượng phá thai nhiều hơn trước nên các vong linh sút sảo nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các bà mẹ, ông bố. Từ đó, họ nhận biết được rõ hơn về vấn đề tâm linh và tham gia vào tín ngưỡng này. Chúng tôi cho rằng cuộc sống chạy theo vật chất ngày nay dù đem lại nhiều tiện nghi nhưng cũng gây không ít căng thẳng về tinh thần và bệnh tật về thể chất cho con người. Khi bệnh tật, stress vẫn còn tồn tại thì người ta có thể tìm đến cách chữa bệnh bằng tâm linh sau khi y học hiện đại đã bó tay.

* Sự cởi mở về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và thái độ tôn trọng, bảo tồn văn hóa truyền thống

Khi xem xét căn nguyên của sự tồn tại và phát triển của tín ngưỡng thờ mẫu hiện nay, chúng ta có thể thấy một nguyên nhân xã hội là trong những thập kỷ gần đây, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước khiến tín ngưỡng thờ mẫu không còn bị cấm đoán như trước, cho nên việc cúng bái, hầu đồng được tự do phát triển. Mặt khác, chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống của Đảng và Nhà nước cũng mở ra một cánh cửa đối với sự tồn tại của tín ngưỡng này. Gần đây, sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, người ta càng tự hào và tự tin phát triển niềm tin của mình.

Kết luận

Việc có hay không một thế giới người âm, khoa học chưa chứng minh được nên người ta vẫn bán tín bán nghi. Chính cái sự “u u minh minh” đó khiến thế giới tâm linh vẫn luôn là huyền bí, là một dấu hỏi mà con người vẫn đang tìm cách lý giải. Và khi không chứng minh được thì người ta thường phớt lờ hoặc phủ nhận nó. Chỉ khi con người tự mình chứng nghiệm thì họ mới cho là có thật, còn những ai chưa từng trải nghiệm thì có thái độ “kính nhi viễn chi”, hoặc là phủ nhận nó, cho đó là mê tín, dị đoan. Dù sao, tín ngưỡng này cũng thể hiện ước nguyện của con người về một cuộc sống bình an cho bản thân và gia đình, và theo các con tôi đệ tử, nó giúp hóa giải những khó khăn trong cuộc sống và giúp họ có cuộc sống bình yên, tốt đẹp hơn.

Vì là tín ngưỡng dân gian nên cách thực hành của nó thể hiện khác nhau, đa dạng và phong phú, chưa thể thống nhất được. Ngày nay, hiện tượng “buôn thần, bán thánh” diễn ra không ít. Đây cũng là trăn trở của thầy Hội trưởng Lê Văn Ngộ, bởi Hội không thể quản lý được tất cả các hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế. Nếu được tổ chức thành một hệ thống thì tín ngưỡng thờ mẫu có thể hạn chế được những mặt tiêu cực. Chúng tôi xin nêu tâm nguyện ấy của thầy Hội trưởng để kết thúc bài viết này, mong rằng có ngày thực hành tín ngưỡng thờ mẫu sẽ trở nên chỉnh chu hơn sau giai đoạn bùng phát hiện nay.

P.T.T
(TCSH371/01-2020)

-----------------
1. Ở Huế, chúng ta thường thấy các am nhỏ được lập trước sân, ngoài vườn nhà. Đó chính là nơi thờ các  vong vị này do họ chết trẻ nên không được thờ trong bàn thờ tổ tiên. Người ta cho rằng những vong vị này rất linh thiêng, phải lập am thờ cúng chu đáo.
2. Tùy theo quy mô của điện, am, hay cảnh mà có hệ thống thờ tự khác nhau. 

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Sơ lược về đạo Mẫu trong lịch sử Việt Nam, https://nghiencuulichsu. com/2013/08/17/so-luoc-ve-dao-mau-trong-lich-su-viet-nam/, 10/10/2019.
2. Tôn Thất Bình (2010), Lễ hội dân gian ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Dân trí, Hà Nội.
3. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng trong sinh hoạt văn hóa dân gian, Nxb. Thời đại, Hà Nội.
4. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Băng ghi âm phỏng vấn cô Nguyễn Thị Đông tại am của cô ở 57 Trần Nhật Duật, phường Tây Lộc, thành phố Huế, ngày 11, 12/10/2019.
6. Băng ghi âm phỏng vấn thầy Lê Văn Ngộ ở thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo, 352 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, ngày 16 và 18/10/2019.
7. Băng ghi âm phỏng vấn đồng thầy giấu tên tại phường Tây Lộc, thành phố Huế, ngày 13/10/2019.
8. Băng ghi âm phỏng vấn cô Huỳnh Thị Thu Thủy tại 82 Địa Linh, Bao Vinh, thành phố Huế, ngày 10 và 14/10/2019.
9. Băng ghi âm phỏng vấn thanh đồng giấu tên ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế, ngày 15/10/2019.
10. Tín ngưỡng thờ mẫu Thừa Thiên Huế, Ban Bảo trợ Di tích Điện Huệ Nam, Báo cáo về việc Hoạt động Tín ngưỡng Thờ Mẫu, ngày 19/12/2018.
11. Thánh mẫu Thừa Thiên Huế, Lịch hành lễ thường niên tại Điện Huệ Nam, ngày 06/03/2017. 


 

Các bài đã đăng