Tạp chí Sông Hương - Số 47 (T.1&2-1992)
Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích
09:07 | 10/03/2020

LÊ TIẾN DŨNG

Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích trước hết phải kể đến là thời gian kể, hay là thời gian trần thuật.

Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích
Ảnh: internet

Cách kể dân gian khá quen thuộc của truyện cổ tích thường bắt đầu là "ngày xửa, ngày xưa", "ngày xưa" hay có vùng thì bắt đầu là "đời sơ đời sắc"... Chẳng hạn: "Ngày xưa có một anh chàng ngốc nghếch, đần độn..." (Truyện Làm theo lời vợ dặn); "Xưa có một nhà hiếm hoi, sinh được một đứa con thì lại là một con cóc" (Truyện Lấy vợ cóc)... Với cách kể này, truyện cổ tích được quá khứ hóa, câu chuyện được đẩy lùi vào quá khứ xa xưa, tạo ra khoảng cách khá xa giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật, góp phần tạo nên tính chất cổ xưa của truyện. Do đó khi đọc truyện cổ tích, nếu thấy bắt đầu bằng "ngày xửa, ngày xưa" hay "xưa", "ngày xưa"... thì không nên xem đó như là một sáo ngữ, mà phải thấy đấy là một nét độc đáo của thi pháp truyện kể dân gian, nhằm tạo dựng, ước định tính chất cổ xưa của truyện, và có thế mới gọi là "truyện cổ". Trong một số sách sưu tầm truyện cổ dân gian gần đây ở nhiều truyện người ta đã bỏ lối kể này, thay vào đó là lối kể hiện đại hơn. Về thực chất với lối kể đó đã đi xa đặc trưng thể loại, làm mất đi tính cổ xưa vốn có của truyện.

Cũng phải thấy thêm là truyện cổ tích do các nhà Nho sưu tầm hay viết lại không hẳn đã kể lại theo lối trên. Các nhà nho thường "lịch sử hóa" truyện cổ tích, vì họ không chấp nhận một cái gì đó không rõ ràng. Bởi thế ở họ có một cách kể khác, tạm gọi là cách kể theo lối "sử hóa". Nghĩa là ở đây các tích truyện đều được gắn với một thời gian lịch sử nhất định. Chẳng hạn trong Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp đã kể truyện Bánh chưng như sau: "Sau khi vua Hùng Vương đã phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi vị quan lang và công tử lại mà phán rằng...". Như vậy ở đây sự tích bánh chưng đã được gắn với một thời gian lịch sử xác định là "Sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân". Ngay cả những truyện không xác định được thời điểm lịch sử cụ thể thì các nhà Nho vẫn định vị cho nó một thời gian xác định. Cũng trong sách trên, truyện Cây cau được chép: "Thời thượng cổ có một vị quan lang cao lớn, nhà vua ban gọi là Cao, nên lấy Cao làm họ...". Ở đây khái niệm thời gian "thời thượng cổ" tuy không thật cụ thể, nhưng vẫn nằm trong giới hạn thời gian xác định, chứ không mông lung mơ hồ như kiểu "ngày xửa, ngày xưa".

Một nét khác trong thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích là thời gian cốt truyện được trình bày theo một mạch thẳng. Các sự kiện, các biến cố được kể tuần tự việc này đến việc khác, kế tiếp nhau trong một thời hiện tại kéo dài. Ở truyện cổ tích chưa biết đến phép đảo ngược, phép đồng hiện, phục hiện hay hồi thuật, hồi tưởng như trong truyện hiện đại. Tất cả các sự kiện ở truyện cổ tích được trình bày theo một đường thẳng. Tấm hết đi xúc tép thì đi chăn trâu, hết đi chăn trâu thì đi hội, hết hội hè thì về giỗ bố... Có người gọi đó là thời gian sự kiện. Và có thể nói thời gian sự kiện chiếm bộ phận chủ yếu trong thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích. Ở truyện cổ tích chưa có thời gian tâm lý. Nhân vật không có thời gian suy tư, trăn trở về một điều gì cả. Tính chất "bảo gì nghe nấy", "bảo gì làm vậy" là tính chất phổ biến của nhân vật cổ tích. Tấm được bảo hụp cho sâu kẻo đầu lấm cũng nghe, bảo chăn trâu đồng xa cũng nghe, bảo trèo cau cũng nghe... Đến khôn ngoan như mẹ con mụ dì ghẻ bảo tắm nước sôi đẹp ra mà cũng nghe nữa là. Nhân vật cổ tích do đó chủ yếu tồn tại trên phương diện hành động, chứ không phải trên phương diện tâm lý như nhân vật hiện đại. Thực ra trong cổ tích cũng có nói đến mưu mẹo, mưu mô. Nhưng mưu mẹo ở đây chưa phát triển thành mưu mẹo của tính toán, cân nhắc của tâm lý, mà chủ yếu cũng như một loại hành động. Chẳng hạn như Cám muốn lấy giỏ tép của Tấm thì bảo hụp cho sâu, mẹ con dì ghẻ muốn bắt cá bống thì bảo Tấm chăn trâu đồng xa, lão nhà giàu muốn quịt công anh trai cày thì bảo đi tìm cây tre trăm đốt, người anh muốn giàu thì may túi sáu gang... Nhưng suy cho cùng các mưu mẹo đó đều được miêu tả như những hành động mà thôi chứ không có quá trình phát triển tâm lý. Cũng như trường hợp các nhân vật "khóc", rồi Bụt hiện lên. "Khóc" ở đây như là một loại hành động hơn là một biểu hiện tâm lý.

Thời gian tâm lý không được miêu tả nên trong truyện cổ tích nhân vật cũng không biết ước mơ, không biết hồi ức, không được sống với quá khứ đã đành, mà cũng không mơ tưởng đến tương lai. Thời gian trong truyện cổ tích do vậy chủ yếu là một hiện tại kéo dài. Con người không biết đến ốm đau, tuổi già. Đúng như câu thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu...


Tính chất không thay đổi đó của thời gian cũng thể hiện ở các kết thúc của truyện cổ tích. Các quan niệm như "Sống hạnh phúc đời đời", "lên làm vua trị vì muôn đời", "sung sướng suốt đời"... về thực chất là một thời hiện tại kéo dài đến vĩnh cửu.

Các thước đo thời gian cũng chưa được áp dụng trong truyện cổ tích. Nhân vật truyện cổ tích không có tuổi. Nào ai biết cô Tấm bao nhiêu tuổi, nào ai biết chàng hoàng tử, hay người đẹp ngủ trong lâu đài bao nhiêu tuổi. Nếu ai đó sưu tầm truyện cổ mà kể rằng nàng công chúa hai mươi tuổi rằng mụ phù thủy tuổi trạc bốn mươi... thì sẽ thấy buồn cười. Người ta chỉ có thể đoán biết họ qua tên gọi mà thôi. Đấy là một mụ già, một ông lão, một cô gái, một chàng trai, một đứa bé... Chứ không ai lại đi kể tuổi của nhân vật cổ tích.

Thước đo thời gian cũng không mấy khi áp dụng để diễn tả độ lâu và khoảng cách giữa các sự kiện. Chẳng hạn từ khi Tấm vào cung cho đến ngày về giỗ bố thời gian bao lâu không ai biết. Tấm sống bao lâu với bà lão hàng nước thì gặp vua cũng không ai hay. Cho nên trong cách kể của truyện cổ tích, chúng ta thấy rất nhiều trạng từ thời gian không xác định được sử dụng như: một hôm, hôm ấy, bữa kia, ngày nọ, ít hôm sau, mấy hôm sau, một lần, lần nọ... Chỉ ở những truyện quãng cách thời gian trở thành một yếu tố của cốt truyện không thể thiếu thì mới được xác định. Chẳng hạn như lời phán truyền: công chúa ngủ trong một trăm năm thì có người đến thức dậy, sau nửa đêm nàng lọ lem phải trở về, anh trai cày làm thuê cho lão nhà giàu ba năm, Từ Thức gặp Tiên và sống nơi tiên giới bảy năm... Các truyện vừa kể thời gian có vai trò như là một yếu tố xác định của cốt truyện, thiếu nó cốt truyện không lý giải được. Còn ở các truyện khác nói chung thời gian ít xác định về mặt định lượng cũng như định tính.

Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích có những nét độc đáo riêng, nó khác với thời gian tuần hoàn trong văn học trung cổ, thời gian tâm lý trong văn học cận hiện đại đã đành mà cũng khác với thời gian không đầu không cuối trong thần thoại... Nét riêng biệt nó đã làm cho truyện cổ tích có những đặc trưng khác so với các loại thể văn học khác. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích sẽ có ý nghĩa trong việc sưu tầm và nghiên cứu nó, tránh được những cách làm hiện đại hóa truyện cổ tích một cách tùy tiện như trong một số sách sưu tầm truyện cổ dân gian vừa qua.

1988-1990
L.T.D.
(TCSH47/01&2-1992)



 

Các bài mới
Kẻ ăn mày (07/08/2020)
Các bài đã đăng