BÙI HIỂN
Giữa năm 1949, lúc ấy tôi đang là ủy viên kiểm tra sở thông tin tuyên truyền liên khu IV, ông Hải Triều gợi ý tôi nên đi công tác một chuyến vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên.
Sẽ không đúng sự thật, nếu nói tôi không hề nẩy ý cân nhắc phàn nàn. Nhưng để thật công bằng, cũng phải nói thêm là đề xuất ấy đối với tôi chẳng hề quá đột ngột. Một buổi chiều - cái lần từ ở Đô Lương (Nghệ An) nơi cơ quan đóng đạp xe về thăm nhà - cùng người vợ trẻ dắt tay đứa con trai thứ ba một tuổi chập chững tập đi trên đường chợ Trổ (Hà Tĩnh), tôi cứ vương vấn nghĩ về chuyến đi xa có thể có nếu mình quyết định. Bên cạnh mối lo lắng cho đời sống gia đình mà mình là trụ cột, quả thật còn có tiếng gọi rất cụ thể của trách nhiệm người công dân và người cầm bút. Gạt đi không nghĩ đến chuyện gian khổ, hy sinh - âu cũng là một kiểu mê tín, để tránh tự mình khêu gợi ra những điềm gở - tôi hình dung ra cảnh được trực tiếp chia sẻ với đồng bào "Bình Trị Thiên khói lửa" cuộc sống chiến đấu, ngược hẳn với cảnh sống thanh bình lúc này của vùng tự do, từ đó có cơ sáng tạo nên những trang viết hoàn toàn mới mẻ.
Tôi bèn đạp xe ra Thanh Hóa, xin giấy giới thiệu của Đoàn Văn hóa kháng chiến khu IV do ông Đặng Thai Mai ký để tạo thêm thuận lợi cho việc sáng tác.
Tháng 8 năm 1949, tôi lên đường cùng với đoàn năm sáu anh em cán bộ thông tin tuyên truyền Quảng Trị vừa ra khu họp. Chúng tôi đi từ đường A-Ky, Cà-Roòng, vượt qua đường 9 vào chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) rồi tôi nhập với một đoàn khác tiến vào Thừa Thiên. Tính ra đi hết một tháng sáu ngày mới tới chiến khu Dương Hòa nơi cơ quan kháng chiến tỉnh Thừa Thiên đóng. Đường đi đôi lúc khá gian nan, nhưng sức trai ba mươi chịu đựng được. Đây là đường mòn Trường Sơn theo đúng nghĩa của nó, không có đường, chỉ theo lối cỏ nhắm hướng mà đi, có hôm đi lạc không đến được trạm nghỉ, phải ngủ lại giữa rừng, sáng dậy thấy những con vắt no máu căng mọng bằng ngón tay út nằm bất động. Leo qua những mỏm núi tai mèo, chỉ có thang dây hoặc một vài cành cây bắc ngang gập ghềnh, tôi trượt ngã, ngực đập vào sườn đá. Thế nhưng nhiều năm sau nhớ lại, thấy mình không đi cái chuyến đó thì thật "uổng".
Nhớ nhất hình ảnh những đoàn dân công Nghệ Tĩnh nườm nượp gánh lương thực đạn dược vào cho tiền tuyến Bình Trị Thiên. Những nông dân chay, không sức vóc gì lắm nhưng bền bỉ kiên trì, gánh bằng đòn ống những sọt nặng hàng bốn năm chục cân, trèo đèo lội suối, lặng lẽ và dũng cảm làm tròn trách nhiệm hậu phương.
Đặt chân lên đất Thừa Thiên, chúng tôi được đi một chặng ghe trên phá Tam Giang nổi tiếng trong ca dao. Trên ghe chở bốn năm anh thương binh khá nặng. Các anh nằm rất trầm tĩnh, không hề rên rỉ hoặc trăn trở vật vã. Bước lên bờ, chúng tôi đi qua một xóm nào đó vừa bị Pháp đốt phá; trên một nền nhà cũ, thấy năm nấm mộ dài đắp song song, chắc là người trong cùng một gia đình bị giặc tàn sát.
Ở Thừa Thiên, tôi được cái thuận lợi là một số cán bộ tỉnh có biết đến tên tôi qua sáng tác trước cách mạng, nên cũng tỏ ra niềm nở thân tình và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Tôi làm công tác kiểm tra thông tin tuyên truyền, có dịp xuống đồng bằng đi khắp sáu huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, len lỏi giữa các đồn và các lô cốt địch đóng chi chít trên một dải đất hẹp. Tôi sống với đồng bào, nhiều lần đi theo bộ đội Vệ Quốc đoàn (tiểu đoàn 319 thuộc trung đoàn 101, nổi tiếng trong trận đánh tàu chuyển quân ở Hói Mít) và bộ đội địa phương bố trí đánh giặc. Tôi viết tại chỗ hai bút ký "Một cuộc hành quân" và "Người tù binh Pháp". Bút ký thứ hai này gửi ra đăng tạp chí Thép Mới của Văn Nghệ Liên khu IV ngay khi tôi đang ở vùng địch hậu. Tôi ghi chép được khá nhiều, sau này làm tư liệu viết tập truyện "Ánh mắt".
Tết đầu năm 1950, tôi ăn tết với một đơn vị bộ đội Thừa Thiên. Chị chủ nhà và hàng xóm ủng hộ bộ đội các thức ăn, bánh trái khá thịnh soạn. Chập tối, thấy chị đốt vàng, ánh lửa hắt lên gương mặt chị buồn buồn. Sau đó tôi được biết chồng chị là hội tề, bị ta bắt trong thời kỳ "diệt tề trừ gian", sau khi vỡ mặt trận Huế, rồi chết ở đâu không rõ.
Một lần ta giải đi một toán "Việt gian", bốn năm người toàn phụ nữ, bị buộc tội là qua lại buôn bán ở vùng địch và đem tin tức cho chúng. Trưa, cho họ ngồi nghỉ dưới bóng mát bụi tre. Một số đồng bào đến xem, bình luận và xỉ vả. Có mấy đứa con trai choai choai cầm roi tre đập lên nón họ. Trong đám bị bắt có một cô gái khoảng 16, 17, bụm miệng khóc. Tôi thấy bất nhẫn, nghĩ thầm trong bụng lỡ trong họ có người bị bắt oan thì sao. Cũng may là đám đồng bào cũng biết tự kiềm chế, không có hành động gì quá đáng.
Lần tôi về huyện Phú Lộc, một anh bạn dẫn tôi đến dự đám cưới một anh công an tên Hiểu. Sau đó khoảng xế chiều, địch ở đồn Truồi nã moóc-chi-ê, tôi nghe đồng bào la: "Ôi chao, vợ thằng Hiểu chết rồi!”. Tôi chạy ra đường, thấy xác chị nằm ngửa sóng soài, đầu bị mảnh đạn vạt hẳn mất một bên, óc chảy trắng nhầy lẫn với máu. Người ta khiêng chị vào nhà ông chú của Hiểu (bố mẹ Hiểu đã chết, đám cưới tổ chức ở nhà ông chú này), nhà đám cưới với hai bình hoa hải đường còn tươi rói trở thành nhà đám tang. (Khi trở ra khu năm 1951, trong các cuộc kể chuyện vùng tạm chiếm, nghe tôi thuật lại tình tiết này, một số anh em tỏ ý e ngại, bảo như thế dễ làm cho người nghe nhụt ý chí chiến đấu; nhưng năm 1957, khi viết "Mấy hình ảnh vùng tạm chiếm", tôi đã có dịp miêu tả lại chi tiết cái chết đau thương này, và bài đã được đăng và in thành sách).
Tôi cũng được mục kích những cảnh chạy Tây lùng mà lại "nhộn nhịp" vui vui. Người ta lao xuống những cái "tròng" (xuồng nhỏ, nhẹ) chèo tới tấp như chèo đua. Một bà nạ dòng không kịp mặc áo, hai vú thỗn thện, rướn người đẩy mái chèo. Trong lúc đó một chị áo dài trắng, nón mới trắng ngà, vẻ ung dung khuê các, duyên dáng và nhịp nhàng đưa đẩy hai chiếc dầm bơi như múa.
Những ngày ở chiến khu Dương Hòa (tại Ty Thông Tin tuyên truyền Thừa Thiên do anh Phan Nhân làm trưởng ty), thức ăn không có gì ngoài gạo hẩm và rau tàu bay luộc chấm "nơ rơ" (nước ruốc, tức là mắm tôm khoắng nước sôi). Một vài lần chị cấp dưỡng cải thiện, cho chúng tôi ăn món cá con kho mặn, thật ngon miệng. Sau hỏi ra mới biết chị chịu khó ra vớt cá ở suối, đoạn suối này ở xê xế phía dưới bệnh viện, nơi người ta làm phẫu thuật cắt chân tay cho những người bị thương nên cá thường tụ lại. Chúng tôi bèn đề nghị chị chấm dứt cái "sáng kiến" cải thiện ấy đi. Thế là lại cứ cái "nơ rơ" đều đều!.
Hôm ghé thăm bệnh viện, tôi chứng kiến một trò "đấu nạng" vừa tức cười vừa xót xa đến não lòng. Mấy anh thương binh cụt chân ra dòng suối cạn tắm, đùa nghịch lấy nạng cố đẩy nhau cho ngã lăn kềnh. Có anh gượng được, nhẩy lùi lò cò trên cẳng chân còn lại, vừa khuơ khuơ cặp nạng trong không khí để giữ thăng bằng. Nước tung tóe một dải dài, cuối cùng anh trụ lại được. Cả đám phá lên cười ha hả. Tôi thì muốn ứa nước mắt.
Anh em Vệ Quốc đoàn đại đa số là nông dân, nhiều người chưa biết đọc biết viết, thi "rèn cán chỉnh quân", có người ngồi làm bài, còn không ít người phải thi vấn đáp. Hành quân trời mưa, anh thì dùng bì gai chọc ba lỗ làm áo che mưa, có anh xé tàu lá chuối luồn qua đầu, ít ra để đỡ ướt hai vai và ngực. Chiến trường hẹp, đồn và lô cốt địch đóng xen kẽ, nên cứ đóng quân ở đâu vài ba ngày lại phải di chuyển, đề phòng địch được Việt gian trinh sát báo tin, đến tập kích hoặc nã ca-nông, moóc-chi-ê vào. Tôi theo đơn vị hành quân đêm, lội qua đồng nước lạnh buốt chân. Có ba hàng binh người Đức cũng đi theo chúng tôi, bước chập chà chập chững trên đường ruộng trơn bùn. Đồng bào đặc biệt thương họ, cho trứng gà, ăn không hết, họ đút túi quần. Khuya đến nơi đóng quân mới, có anh kêu lên: "Ô la la!". Thì ra anh ta dọc đường bị ngã, trứng vỡ chảy ướt sũng ống quần.
Hôm chận đánh bọn địch đi nhận lương thực ở ga Hiền Sĩ, đơn vị không những bắt sống được mấy lính ngụy và một viên đội Pháp, còn cướp được rượu vang, bánh mì, thịt hộp. Đồng bào địa phương mừng công, mang hàng gánh xôi thịt đến. Mấy anh lê dương hàng binh được một bữa no say, thốt lên: "Ah! Que la guerre est belle!" (Ôi, chiến tranh mới đẹp làm sao!).
Thời gian tôi đi vào công tác Thừa Thiên, tình hình đã sáng sủa hơn nhiều. Chúng ta nhớ, khi Pháp trở lại hòng tái chiếm Đông Dương, chúng đổ bộ lên Lăng Cô khá sớm, dùng ưu thế quân sự tỏa nhanh ra chiếm đóng ba tỉnh Bình Trị Thiên, xây đồn và lô-cốt, lập lại chính quyền. Bộ máy thực dân Pháp và ngụy quyền Bảo Đại ở thành phố Huế khá mạnh. Một số công chức thời thuộc Pháp trở lại hợp tác. Không ít lý hương cũ lau lại triện đứng ra làm tay sai, truy bắt Việt Minh ráo riết. Bộ đội ta tan rã hoàn toàn, chôn súng về làng làm ăn hoặc chạy lên chiến khu. Sau đó các đảng bộ địa phương cố gắng tập hợp lại, ra "Nghị quyết máu" quyết tâm phục hồi lại tình thế, phát động "trừ gian diệt tề", xây dựng dân quân du kích. Nhờ đó sang năm 1948, phong trào cách mạng quần chúng lại lên, đồng bào trở lại tin tưởng, đùm bọc nuôi nấng giúp đỡ cán bộ, du kích và bộ đội địa phương. Ta đánh mấy trận tiêu diệt đồn địch và đoàn xe lửa địch chuyển quân, gây tiếng vang. Địch sợ, co cụm lại, du kích ta bao vây các đồn, vì thế khi tôi vào (1949-50) mới có thể theo cán bộ và bộ đội đi lại khá "thênh thang", tuy chủ yếu vẫn phải đi đêm, khắp các vùng trong sáu huyện.
Một số anh em cán bộ ôn lại với tôi những ngày đen tối khi vỡ mặt trận Huế, cảnh một dúm tàn quân Vệ Quốc đoàn chạy lên chiến khu, ăn đói, mặc rét, ghẻ lở ốm đau, có người bị cứng khớp gối, đứng khạng nạng, mắt mở trừng trừng "như con khỉ đột". Sau này (1957) dựa trên tư liệu ấy tôi viết truyện "Ánh mắt". Ba thanh niên học sinh Huế ngày đầu Cách mạng hăng hái rủ nhau sung vào đoàn quân Vệ Quốc với những ý nghĩ hào hứng có phần lãng mạn. Vỡ mặt trận, họ chạy lên chiến khu, tư tưởng bắt đầu chao đảo. Một anh đêm ngủ nằm chết còng queo. Anh thứ hai khi có lệnh xuất quân xuống đồng bằng đánh giặc, giả vờ tình nguyện xung phong rồi dọc đường bỏ trốn. Còn lại anh thứ ba, vào trận, suýt bị tên lính bóp cổ chết, ngất đi, khi tỉnh dậy còn trơ lại một mình trên sườn đồi. Đang đêm anh ta lần vào trong xóm định xin ăn (đây là vùng bị chiếm). Gặp một bà chủ nhà, bà ta đuổi anh quầy quậy, kêu là bẩn thỉu hôi hám. Sang một nhà khác, bà chủ nhà chắp tay vái lia lịa, xin anh đi đi cho, kẻo con trai bà vừa bị Tây bắt, nghi là Việt Minh, nếu bắt gặp anh tại đây, chúng sẽ giết sạch và đốt cả nhà. Tức uất đến tận cổ, anh bỏ đi. Một em bé gái trong đêm tối lần ra tìm anh (chính là con gái bà thứ nhất), trao cho anh mấy củ khoai vừa nướng, mời anh ăn, rồi bi bô hỏi chuyện về Việt Minh trên núi với một vẻ ngây thơ thành kính. Tờ mờ sáng, anh thức dậy định lần theo ngã đồi dẫn về quê để làm ăn sinh sống, thì đã thấy cô bé gái lần ra. Anh đuổi nó đi, nó không chịu. Đến chỗ ngã ba, quay nhìn, thấy ánh mắt nó vẫn trìu mến theo dõi, vô tình chân anh bước về phía chiến khu, đầu gục rũ rượi như con gà trống vừa qua một cuộc đấu chọi gay go.
Truyện "Ánh mắt" in ra trên tạp chí Văn Nghệ (do Hoàng Trung Thông phụ trách), tòa báo liền nhận được bức thư dài hai trang lớn của một nhà giáo phê phán kịch liệt: ba người lính ấy không điển hình cho người chiến sĩ Vệ Quốc, phần lớn mà như họ thì làm sao có được một chiến thắng lẫy lừng như Điện Biên; tình quân dân cả nước, hai người đàn bà bạc bẽo hoặc yếu hèn kia không tiêu biểu cho tình cảm đúng đắn của người dân bình thường. Kết luận: một truyện xấu.
Truyện này khi in thành sách (1961) tôi chỉ tước đi một vài chi tiết, thí dụ "như con khỉ đột", còn để nguyên xi câu truyện và lời văn. Có mấy bài phê bình giới thiệu cuốn sách, họ tránh nói đến truyện này. Chỉ có một bài của Vũ Tú Nam, phê phán một cách dè dặt và thông cảm: "Trong truyện, cái lý của Bùi Hiển muốn khỏe nhưng cái tình của anh đôi lúc cứ trĩu xuống”. Tôi chấp nhận cách lý giải ấy, và nghĩ rằng mình đã viết với tình cảm chân thật và cảm hứng hoàn toàn tự nhiên, tự phát của mình, ở một thời điểm nhất định biết làm sao được. Cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân là một cuộc chiến đấu lớn lao vì đại nghĩa, nhưng chiến tranh bao giờ và bất cứ đâu cũng gây nhiều đau khổ cho mỗi con người.
Dù sao, ấn tượng bao trùm về những ngày tôi sống kề cạnh với cán bộ, bộ đội và đồng bào Thừa Thiên vẫn là một ấn tượng đầm ấm xen lẫn hào hùng. Có thời gian các nhạc sĩ Văn Ký và Minh Hiếu vào công tác, cùng với đoàn văn công của Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh đi biểu diễn lưu động, tôi đi theo và được hòa nhập vào cái mê say vui vẻ hồn nhiên của đám đông quần chúng. Thường là biểu diễn giữa trời, trên trảng cát. Nội dung chủ yếu là các ca khúc cách mạng, chiến đấu. Đám dân quân du kích hào hứng yêu cầu: "Các eng (anh) các chị cứ hát nữa đi, tụi tôi nghe cho đến sáng rồi đi bố trí luôn, không cần ngủ!".
Người phụ nữ nông thôn Thừa Thiên cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Từ Nghệ Tĩnh đặt chân vào đất Thừa Thiên, tôi thấy cái chợ ở đây "sáng sủa" hẳn lên. Chả là phụ nữ Nghệ Tĩnh vẫn còn ăn mặc nâu sồng như thời cũ, có người quấn chiếc váy nhuộm nâu dày cộp bợt bạt; còn phụ nữ Thừa Thiên thì mặc đồ vải quyến đen; không ít chị lại còn "chơi màu", áo dài đen chắp một nửa tà hoặc một nửa cánh tay bằng vải quyến trắng. Giọng phụ nữ Thừa Thiên nói chung có âm sắc hiền dịu, tình tứ nữa. (Còn khi họ cãi nhau hoặc xung đột với chồng thì không rõ cái giọng ấy chuyển sang âm sắc thế nào. Lạ một điều, suốt thời gian sống ở đây, tôi không hề "được" chứng kiến phụ nữ to tiếng với nhau, trừ một vài đôi co vặt ở chợ; có lẽ lúc bấy giờ có vấn đề thằng giặc đang là mối nguy cơ trước mắt, phải tập trung đối phó với nó, các mâu thuẫn nội bộ tạm gác lại một bên). Giữa khung cảnh khói lửa chiến tranh, họ vẫn giữ được bản chất hiền hòa chất phác. Các chị cán bộ, các o dân quân du kích vẫn có những nét duyên dáng dễ thương, Tôi đã miêu tả họ với nhiều thiện cảm trong một số truyện như "Gặp gỡ", "Một câu chuyện trong chiến tranh"... đặc biệt, tôi rất nhớ hình ảnh thân thương các bà cụ già với chiếc khăn nhiễu quấn quanh đầu cạo trọc và các "mẹ chiến sĩ" (hình như hồi bấy giờ chưa có danh từ này, nhưng tôi thấy anh em bộ đội đóng quân ở đâu cũng gọi họ là "mệ" (bà) hoặc "mạ" (mẹ) và có thái độ thân tình như đối với bà và mẹ thật).
Thừa Thiên có mùa mưa nổi tiếng, mưa "thúi đất thúi cát", đã đi cả vào thơ Tố Hữu ("Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên"). Tôi đã trải hai mùa mưa Huế. Lần thứ nhất, chủ yếu ở chiến khu Dương Hòa. Những cơn mưa rào rạt kéo liên miên đêm ngày gần như suốt tháng, các sạp nứa, các cây cột lán ẩm ướt mốc meo cả lên. Đêm tối ngủ một mình ở cái lán nhỏ với rừng già vây quanh, nghe mưa gió ào ào, nước từ cành cao đổ xuống cành nhỡ, từ cành nhỡ đổ xuống cành thấp, rồi bao nhiêu dòng suối mới hình thành cũng réo sôi. Buồn quá và nhớ nhà, châm thuốc hút, bắt đầu nghiện thuốc lá từ đó (trước kia, ở tuổi hai mươi, đã bắt đầu viết văn nhưng chẳng thấy nhu cầu hút thuốc, ai mời một điếu cầm hút vài hơi rồi để cho tắt: như thế được mười năm).
Mùa mưa thứ hai, chủ yếu tôi ở đồng bằng. Đồng bào cho tôi mượn tơi lá nón lá khi cần đi nơi này nơi nọ. Có cuộc họp do Tỉnh ủy triệu tập, thảo luận quanh việc thành lập Đảng Lao Động Việt Nam. Bấy giờ khoảng tháng 10 năm 1950, đúng mùa mưa lụt. Nghe nói ở Huế nước sông Hương dâng lên ngập cả các đường phố. Các đảng viên ngồi họp trong một căn nhà đồng bào, quần xắn cao, ngâm chân đến tận đầu gối trong làn nước lụt vàng khè lạnh buốt. Ngoài kia vẫn gió mưa tầm tã. Lòng nhà tối om om.
Lụt to khiến các chỗ cất giấu lúa gạo bị ngâm mục hoặc mọc mầm, tôi phải ăn vài ba bữa thứ gạo này. Nấu xong phải để cho nó bay hơi. Mùi khói bốc ra y như mùi phân. Nguội rồi thì ăn cũng được, cốt cho đầy dạ dày, nhưng miếng cơm nhạt nhẽo như nhá bã rơm. Ăn rồi không ít anh bị tháo tỏng.
Tỉnh ủy đã bố trí cho nhiều anh em văn nghệ sĩ địa phương (và cả các anh ở khu vào) tham dự các trận đánh. Đặc biệt khi coi ĐKZ (vũ khí bắn đạn lõm) chuyển vào, anh em đã hào hứng đi theo bộ đội bố trí đánh hạ lô-cốt. Trận đầu giòn giã, lô cốt sập hẳn, trận tiếp theo thất bại, vũ khí mới bị ẩm hay sao, cứ bay tung tóe như pháo hoa. Tôi nấp sau một ngôi mộ (đề phòng địch bắn ra), vừa cảm thấy thất vọng vừa tức cười. Lúc chúng tôi rút lui, địch nã liên thanh ra như mưa. Sau đó không thấy sử dụng đến thứ vũ khí mới này nữa.
Anh Chế Lan Viên cũng đi theo một trận phục kích đánh đến kể lại với tôi: đêm khuya tĩnh lặng nằm phục bên mô đất chờ vào trận đánh, không hồi hộp mà lại cảm thấy yên ả lạ thường; bầu trời khuya mênh mông đầy sao gợi những ý nghĩ mung lung về vũ trụ, dễ dàng quên đi những ý niệm về thực tại; bỗng có một tiếng súng, xa vu vơ, trong đầu tôi chợt nẩy một ý nghĩ không vui nhưng cũng không buồn: lát nữa chỉ cần một viên đạn lạc găm vào đầu, là chẳng còn gì nữa hết, đối với bản thân mình chẳng còn cuộc sống và cuộc chiến đấu, chẳng còn yêu thương hoặc căm thù, chẳng còn thơ văn, chẳng còn sự suy nghĩ, chẳng còn cả cái thông minh...
Người ta ai cũng có ít ra một câu chuyện làm quà về trường hợp mình suýt chết hoặc suýt lâm nguy. "Quà" của tôi như sau:
Hồi bấy giờ tôi đang bám theo tiểu đoàn 319 để tham gia sinh hoạt bộ đội. Được biết đơn vị đêm hôm ấy sẽ hành quân, tôi đâm phân vân: hiện đang bị kiết lỵ nặng, liệu có đủ sức đi theo cuộc hành quân hay không. Được biết anh đại đội trưởng cũng xin phép không tham dự đợt nào vì đang bị ho tức, tôi quyết định ở lại, và sẽ chuyển đến ở cùng nhà với anh cho bảo đảm (tôi đang ăn ở sinh hoạt với một trung đội). Buổi chiều tôi tha thẩn ra bãi cát nghe phổ biến kế hoạch cho tiểu đoàn. Đoán biết sẽ có trận đánh lớn, tôi có ý tiếc, bèn quyết định uống thuốc Stovarsol liều thật mạnh để đi theo đơn vị. Tôi gửi ba lô lại cho đồng bào, mang túi vải thật nhẹ, chủ yếu gồm mấy quyển sổ ghi chép vốn là "vật bất ly thân". Chín giờ đêm đơn vị xuất phát. Chúng tôi tiến ra hướng bắc, đi xuyên qua hai huyện nam Quảng Trị, mất bốn ngày mới đến địa điểm bố trí. Lần đó định đánh lớn, phối hợp với quân chủ lực Quảng Trị tấn công đồn. Nhưng chỉ nghe rẹt rẹt mấy tràng liên thanh rồi im ắng hẳn. Kế hoạch đã bị lộ, chắc hẳn vì việc chuyển quân quá rềnh ràng. Anh em lại kéo quân trở về. Trên đường về càng buồn thêm khi nghe tin hôm tiểu đoàn xuất phát chín giờ đêm thì ba giờ sáng địch đến bao vây (thằng Pháp cũng chẳng hơn gì ta, tin tình báo cũng chậm chạp lạc hậu bỏ mẹ - anh em bình luận). Anh đại đội trưởng của tôi lẫn vào đám đồng bào chạy ra phá Tam Giang đáp thuyền ghe tránh địch. Pháp đi ca-nô hốt gọn đưa về giam ở lao Thừa Phủ (Huế). Nếu hôm ấy tôi ở lại bám theo anh thì chắc cũng sa vào tay giặc rồi.
Sau đó ít lâu, anh đại đội trưởng trốn thoát khỏi nhà tù, nhưng theo nguyên tắc tổ chức, anh không được ở lại đơn vị chiến đấu nữa (vì biết đâu trong thời gian ở tù không bị địch lung lạc). Sau năm 1954, tình cờ gặp anh lại ở Hà Nội, anh cho biết đã chuyển sang công tác ở "Xăng dầu mỡ". Bỗng dưng tôi nghĩ đến điều oái ăm này: nếu lần ấy không nẩy ý bất thần vượt lên tật bệnh, thì không chừng lúc này, sau bị sa vào tay giặc, mình khó còn có đủ tín nhiệm về mặt tinh thần để tiếp tục cầm bút, trừ phi trường hợp đối mặt với thằng giặc mình đã tỏ ra hết sức ngoan cường, mà điều này thì chẳng có gì bảo đảm, chắc thế, vậy thì khả năng dễ dự kiến nhất là cũng đành chuyển sang một ngành nào đó na ná như xăng dầu mỡ!.
Tất cả mọi điều ấy: tình cờ và tất yếu, ý chí chủ quan và sự xếp đặt của tình thế, những biến cố bất kỳ và những chọn lựa ngẫu nhiên vẻ như ý thức, những chênh lệch đem lại may mắn và những trùng khớp trớ trêu tới mức gây hiểm họa..., tất thảy mọi thứ tình huống đan xen tròng tréo như vậy người ta quen gọi gộp vào một từ, rất phổ biến mà cũng đầy bí hiểm: Số phận.
Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu IV cử tôi đi công tác Thừa Thiên sáu tháng, quá thời hạn đã lâu mà tôi vẫn chưa trở ra khu được. Nguyên do chính là vì Tỉnh ủy muốn lưu tôi lại giúp địa phương xây dựng phong trào văn nghệ. Trong việc này tôi cũng có đóng góp được ít nhiều. Tôi cũng làm việc với Phan Nhân, Hoàng Tuấn Nhã, Hoàng Liên (ít lâu sau Liên hy sinh trong một trận giặc càn), Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, các anh chị em văn công Thừa Thiên, các chiến sĩ đoàn nhạc Trung đoàn 101... Cuối cùng cũng tổ chức được một cuộc Họp bạn văn nghệ toàn tỉnh gồm hơn năm chục người, tại huyện Phú Lộc, phía nam. Đáng lẽ còn có thể đông hơn (dự kiến một trăm rưỡi), nhưng trước đó địch lùng ở Phú Vang nên một số người ở bắc Thừa Thiên không vào dự được. Ngay hôm khai mạc, cũng có tiếng đại bác nổ đùng đùng quanh vùng, chúng tôi phải đề phòng địch càn. Vừa nghe Trịnh Xuân An đọc báo cáo, chúng tôi vừa chú ý theo dõi hướng nổ của đại bác. Nhìn ra ngoài đường thấy một số đồng bào chạy nháo nhác. Sau đó yên ắng trở lại. Chúng tôi họp trong năm ngày, cũng có tranh luận, thảo luận về đủ các môn văn, thơ, nhạc, kịch, có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả "Nhật Xuất") và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên.
Họp bàn xong, tháng 12-1950 tôi từ giã anh em lên đường trở ra Nghệ An. Vậy là đã công tác ở vùng địch hậu Thừa Thiên gần một năm rưỡi. Sở Thông Tin tuyên truyền Liên khu IV thấy tôi nấn ná nhiều lần vượt quá thời hạn, cho văn phòng đánh điện giục ra ngay, nếu không sẽ cắt lương (và sau đó cắt thật). Tỉnh ủy liền cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho tôi bù vào.
Thêm một chi tiết phụ: thật ra tôi cũng muốn giữ nguyên tắc với cơ quan chủ quản, vài ba lần nêu việc trở ra khu. Một đồng chí cơ quan tỉnh liền bảo, rất nghiêm trang: Hay là tại lâu ngày xa vợ. Nếu anh muốn, chúng tôi sẵn sàng bố trí để thỉnh thoảng giúp anh "gỡ bí".
Tôi "nấn ná", còn vì một lý do chủ quan. Một lần đi một lần khó, tôi muốn tích lũy được thật nhiều tài liệu để sau này sáng tác. Ở đây lại "vui anh, vui em", tôi gặp được nhiều thuận lợi để đi đây đi đó, các đồng chí ở ngành thông tin tuyên truyền, ở quân đội, ở các tổ chức Đảng dù quen lâu hay mới quen (phần lớn là mới quen) đều sẵn lòng giúp đỡ để đưa tôi đi những nơi cần thiết, trong một tinh thần đồng chí, một ý thức gắn bó cách mạng hoàn toàn chân thành vô tư.
Tôi vừa rời Thừa Thiên được ít hôm thì trong tỉnh xẩy cuộc càn lớn. Trong trận càn này bốn năm anh chị em trong đoàn Văn công Thừa Thiên - hình như hồi ấy gọi là đội tuyên truyền lưu động - hy sinh: họ chạy càn cùng đồng bào, bị địch xả súng bắn để khủng bố, trong đó có nhạc sĩ Hồng và người vợ chưa cưới là chị Lan vốn là nữ sinh Huế thoát ly (tôi còn giữ được bức ảnh sông Hương với cầu Tràng Tiền của Lan tặng, sau lưng đề mấy câu thơ tứ tuyệt nhớ Huế). Một số bị địch bắt, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Chuyến trở ra gọn gàng chóng vánh hơn nhiều, vì chúng tôi đi đường "dưới", chỉ mất mười hai ngày. Bạn đồng hành là anh tiểu đoàn trưởng 319, kèm theo một chú cần vụ. Một chị phụ nữ béo tốt xin nhập đoàn. Thấy chị ta cười nói có phần lả lơi, thỉnh thoảng cất lên một câu ca vọng cổ, chúng tôi đoán ít ra là dân buôn đường trường. Chú cần vụ thì bực vì chị ta thổi cơm cũng chẳng nên thân. Bằng chiến thuật nào đó, anh tiểu đoàn trưởng tìm cách rũ bỏ được cô ả dọc đường. Với năng khiếu quân sự, anh đưa chúng tôi thọc xuyên qua những vùng tề, những khu vực địch đang chiếm đóng. Ở nam Quảng Bình, chúng tôi hồi hộp vượt nhanh qua một ngọn đồi vừa bị Tây phục kích, còn đầy vết giày đinh, phảng phất mùi thuốc súng và có một xác dân công bị bắn chết người ta chưa kịp thu lượm.
(Trích hồi ký "Phác họa 91")
B.H
(TCSH47/01&2-1992)