Tạp chí Sông Hương - Số 48 (T.3&4-1992)
Émile Zola - nhà văn của quần chúng nhân dân và công lý
13:59 | 27/03/2020

THÁI THU LAN

Émile Zola là một nhà văn hiện thực lớn nhất đồng thời cũng phức tạp nhất của nước Pháp ở cuối thế kỷ thứ 19, là người sáng lập lý luận về chủ nghĩa tự nhiên, là một tấm gương lao động không mệt mỏi, là một chiến sĩ có tinh thần chiến đấu dũng cảm chống chiến tranh phi nghĩa, chống quyền lực tàn bạo và bênh vực quần chúng lao động nghèo khổ.

Émile Zola - nhà văn của quần chúng nhân dân và công lý
Chân dung văn hào Pháp Émile Zola do Édouard Manet vẽ năm 1868 - Ảnh: fr.wiki

Ông sinh tại Paris ngày 2-4-1840. Mồ côi bố từ bảy tuổi, Émile học đến tú tài nhờ sự giúp đỡ của một người bạn bố. Gia đình nghèo túng, Émile phải kiếm sống thêm bằng nhiều nghề: đóng đinh, khuân vác, gói hàng cho nhà xuất bản Hachette từ 1860 đến 1865. Chính thời gian này, Zola làm quen được với các nhà phê bình, sáng tác và bắt đầu tập viết báo, làm thơ rồi viết truyện ngắn đăng các báo và tạp chí như Figaro, Evenement, Rassemblement.

Từ 1865 trở đi, Zola trở thành nhà văn chuyên nghiệp và là người sáng lập ra lý luận văn học của Chủ nghĩa tự nhiên.

Năm 1871, cuộc Cách mạng Công xã Paris bùng nổ. Trong lúc một số nhà văn xuyên tạc và vu khống Công xã, Émile Zola đứng về phía các chiến sĩ Công xã, phê phán nghiêm khắc bọn sát nhân của "Tuần lễ đẫm máu" (Semaine sanglante)(1)

Thành tựu chính trong kho tàng văn học của Zola là 20 tập tiểu thuyết tập trung dưới nhan đề là Gia đình Rougon - Macquart (Les Rougon-Macquart), nói về lịch sử và tự nhiên và xã hội của một gia đình dưới thời Đế chế II, được tác giả viết trong vòng 1/4 thế kỷ tức là từ năm 1871 đến 1893.

Ngày 28-9-1902, Émile Zola mất vì bị hơi ngạt lò sưởi đóng không kỹ tại nhà riêng ở phố Bruxelles, Paris. Sáu năm sau, (1908), khi vụ án Duyfus - một vụ án mà do quyết tâm, kiên trì bảo vệ người vô tội và lẽ công bằng xã hội, nhà văn đã bị nhiều oan trái, long đong... - được giải quyết, Chính phủ Cộng hòa III phải phục hồi vị trí xứng đáng của nhà văn, đặt thi hài ông vào lăng Panthéon là nơi an nghỉ của các danh nhân Pháp như Hugo, Balzac...

Bước vào nửa sau thế kỷ 19, giai cấp tư sản Pháp tiến vào thời kỳ mà LêNin gọi là "sự thối tha kinh tế". Phản cách mạng và cơ hội về chính trị, họ công khai liên minh với nền quân chủ và các thế lực quân phiệt để chống lại nhân dân và giai cấp vô sản. Từ bỏ những tư tưởng duy vật giàu tính chiến đấu của các nhà bách khoa, họ cầu viện đến cả nhà thờ và các học thuyết duy tâm thần bí để tấn công những luồng tư tưởng dân chủ và tiến bộ. Hệ ý thức tư sản đã làm nên cuộc cách mạng điển hình chống phong kiến, đến đây đi vào quỹ đạo khủng hoảng. Những khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" trên lá cờ tam tài trở thành mỉa mai trước thực trạng xã hội đương thời. Tâm lý bi quan, hoài nghi, chán chường, tuyệt vọng ngày càng phát triển. Ý niệm về "cuối thế kỷ" gợi lên những ấn tượng nặng nề về một thời kỳ xấu xa, tội lỗi thống trị xã hội.

Trước sự tan vỡ hàng loạt chế độ xã hội (nền Quân chủ tháng 7, Đệ nhị Cộng hòa tư sản, Đệ nhị Đế chế quân phiệt, Paris công xã), sự khủng hoảng của nguyên tố trữ tình "cá nhân" trong nghệ thuật được thể hiện ở sự xuất hiện của trường phái Thi sơn (Parnasse) trong thơ ca và trường phái tự nhiên trong văn xuôi.

Trong hoàn cảnh văn học Pháp đang đi vào con đường suy đồi, các khuynh hướng thơ décadente nối tiếp nhau ra đời. E.Zola muốn cứu vãn văn học với thiện tâm tin tưởng vào phát minh mới của khoa học tự nhiên, dựa vào Tiến hóa luận và thuyết di truyền của Darwin lúc đó đang làm đảo lộn nhiều quan niệm về xã hội và con người.

Chính những chế độ khác nhau tan vỡ từ 1848 đã đưa nhiều người đến chỗ hoài nghi những lý luận về chủ nghĩa xã hội, đến sự thất vọng và chủ nghĩa bi quan. Sau khi Công xã Paris thất bại rồi trong thực tế có những kẻ đầu cơ chính trị... làm một số nhà văn mất lòng tin vào khả năng cách mạng và tiền đồ xã hội. Họ cho tấn thảm kịch xâu xé nước Pháp dưới thời Đế chế II và những năm đầu của chế độ Cộng hòa III là do bản chất xấu xa của loài người gây nên. Họ không tin vào sự nghiên cứu con người trên bình diện xã hội mà muốn nghiên cứu trên những bình diện khác như bình diện sinh ý chẳng hạn di truyền ảnh hưởng tính cách con người... Và như vậy là họ, trong đó có E.Zola muốn giải thích xã hội bằng những quy luật thuần sinh vật học.

Ở lời tựa cuốn Thérèse Raquin (1867), Zola phát ngôn bằng lý luận cho chủ nghĩa tự nhiên mà có thể tóm tắt là: Nhà văn phải có thái độ khách quan chủ nghĩa, phi chính trị. Giải thích hiện tượng xã hội bằng sinh vật học. Ông khẳng định rằng: "Tôi không muốn như Balzac có thái độ trước sự việc và con người. Tôi khống muốn làm nhà chính trị, nhà lý luận, nhà triết học. Tôi chỉ là một nhà khoa học... Nếu cuốn tiểu thuyết của tôi có một kết quả nào, kết quả ấy chỉ là: Nói sự thật về loài người, tháo bộ máy của chúng ta làm ra cho mọi người thấy tất cả những dây lò xo bí mật của tính di truyền và làm cho mọi người thấy tác động của hoàn cảnh. Sau đó các nhà lập pháp, các nhà luân lý muốn sử dụng tác phẩm của tôi thế nào mặc ý, họ muốn rút ra những kết luận gì hay nghĩ đến băng bó vết thương mà tôi đã phơi bày ra như thế nào cũng được"...

Trong 40 năm hoạt động văn học E.Zola đã để lại 76 tác phẩm trong đó có 52 tiểu thuyết và truyện ngắn, 12 vở kịch, 12 tập nghiên cứu phê bình, tạp văn và thư từ. Bộ Gia đình Rougon-Macquart với 1200 nhân vật trong 20 tiểu thuyết, chiếm địa vị chủ yếu không chỉ trong sự nghiệp sáng tác của Zola mà cả trong lĩnh vực tiểu thuyết Pháp cuối thế kỷ 19. Nhiều nhà phê bình gọi đó là "thiên anh hùng ca thời Đế chế II" bởi "khối lượng đồ sộ, ý nghĩa khái quát về mặt xã hội và triết học lớn lao". Bộ sách này được sáng tác trong tinh thần thi đua với bộ Tấn trò đời (Comédie humaine) của Balzac ở đầu thế kỷ. Nhưng như tác giả nói "với một quan điểm khoa học hơn, được hướng dẫn bằng sợi chỉ đỏ của những phát minh mới về sinh lý học". Có thể kể những tác phẩm chính sau đây: Cái bụng Paris (Le ventre de Paris), 1874, Lỗi lầm của thầy tu Mouret (La faute de l’abbé Mouret), 1875, Quán rượu (L’assommoir) 1877, Germinal 1885, Đất (La terre) 1887, Con vật người (La bête humaine) 1890, Kim tiền (L’argent) 1891, Bác sĩ Pascal (Docteur Pascal) 1893...

Zola phác thảo trước toàn bộ cấu trúc của một tác phẩm theo một cây gia hệ (arbre généalogique) nhằm nghiên cứu trong một gia đình dòng máu và môi trường với những hậu quả tai hại về thần kinh bệnh hoạn của một nòi giống.

Bên trên cái cấu trúc có vẻ khoa học của lịch sử tự nhiên nhưng rất giả tạo ấy, lại hiện lên một cấu trúc khác được xây dựng từ chất liệu của đời sống xã hội mang tính hiện thực và giàu sức thuyết phục hơn. Đó là "lịch sử xã hội" của toàn bộ nền Đế chế II của Napoléon III - cái chính thể quân phiệt mà Victor Hugo gọi là của "tên kẻ cướp khát máu giấu dao găm lẻn đâm nền Cộng hòa đang ngủ". Là vì tất cả các nhân vật trong gia đình này từ thượng thư đến gái điếm, nông dân, thợ máy, thợ mỏ, thợ thủ công, tư sản, nghệ sĩ, lính, thầy tu, bác học tỏa khắp xã hội, trèo lên trụt xuống các vị trí xã hội và tường thuật lại nền Đế chế II qua bi kịch cá nhân của mình. Với ngòi bút khoáng đãng và trí tưởng tượng phong phú, qua các tác phẩm này, nhà văn E.Zola đã vượt hẳn lên cái "khoa học máy móc" mà tác giả không tự nhận, để đi đến hiệu quả là dựng lên được bức tranh rộng lớn về xã hội đương thời với giai cấp thống trị ăn chơi, hưởng lạc, bòn rút dân chúng, dốt nát mà nhảy lên địa vị cao sang bằng mọi thủ đoạn đê tiện và bỉ ổi. Và đối lập với chúng là tập thể những người bị bỏ rơi như công nhân, viên chức nhỏ, trí thức... Các nhân vật này đều đau khổ và người nào càng hiểu biết lại càng đau khổ hơn...

Năm 1885, kiệt tác Germinal, cuốn tiểu thuyết thứ 13 của bộ Rougon-Macquart ra đời. Qua những phản đề của kết cấu tác phẩm như giữa nghèo hèn và giàu có, túng đói và thừa thãi, thống khổ và sung sướng, nổi dậy và đàn áp, chiến thắng và đại bại... Zola đã bấm đúng huyệt mâu thuẫn xã hội không phải là mâu thuẫn cá nhân như ở trong Quán rượu nữa, mà chính là: giữa vô sản và tư bản. Gia phả của dòng họ Maheu 106 năm cha truyền con nối phải nai lưng cuốc mỏ, người chết mất xác, kẻ sống tàn phế, cùng tồn tại song song với cái lịch sử làm giàu ngày càng tăng tiến của công ty mỏ và gia đình tư sản Grégoire có cỗ phần lớn. Tính chất đối lập ấy là nguyên nhân sâu xa của tấn bi kịch xảy ra trong các gia đình công nhân và cả trong gia đình tư sản. Việc miêu tả những mặt đối kháng của đời sống hiện thực đã làm cho Germinal có sức tố cáo mạnh mẽ đối với chế độ tư bản mà trước đó chưa có một cuốn tiểu thuyết nào đạt được. Chính Zola đã viết: "Germinal là sự nổi dậy của những người làm thuê, một đòn bồi thêm vào cái xã hội sắp sụp đổ nay mai. Tóm lại, nó là cuộc đấu tranh giữa công nhân và tư bản.”

Nét nổi bật của tác phẩm là tác giả phác họa được khối tập thể quần chúng công nhân mỏ. Vợ chồng bác Maheu là điển hình cho khối quần chúng nhân dân ấy và là đại biểu cho một thế hệ công nhân chuyển từ giai đoạn "giai cấp tự nó" sang "giai cấp vì nó", từ triết lý "khi không phải là kẻ mạnh thì phải khôn dần dần trở thành những người đấu tranh quả cảm, bất chấp mọi đe dọa hi sinh". Chủ nghĩa hiện thực của Zola đã tìm được sự chiến thắng trong hai nhân vật này. Vì, tính chân thực ở đây, nhân vật phụ đã lấn át nhân vật chính.

Từ một cuộc đình công xẩy ra một cách tự phát do sự thúc đẩy của nạn đói, tác giả đã đẩy nó tới chương cuối thành cuộc tập dượt cho một cuộc cách mạng tương lai. Cuộc đấu tranh thị uy của toàn thể công nhân khu mỏ Montsou, miệng hô vang: "Bánh, Bánh, Bánh!" là những âm thanh rất mới đối với lịch sử của nền nghệ thuật đương thời. Nhà văn đã viết: "Đây là tầm quan trọng của cuốn sách. Tôi muốn dùng nó để tiên đoán tương lai, muốn dùng nó để đặt vấn đề. Vấn đề ấy sẽ là vấn đề quan trọng bậc nhất của thế kỷ 19."

Germinal đánh dấu một cách nhìn mới của Zola. Lần đầu tiên trong văn học, người thợ được mô tả như đại diện của giai cấp công nhân được đặt trong quan hệ đấu tranh giai cấp và tính giai cấp được bộc lộ trong cuộc đụng độ quyết liệt. Hình tượng công nhân chưa được khái quát hóa nhưng với khối tập thể quần chúng thợ mỏ, tác giả đã chỉ ra được: người thợ là nhân vật anh hùng của thế giới tương lai. Một thế giới tương lai đổi mới phải được nứt mầm từ ngày hôm nay, ý nghĩa gieo mầm của Germinal là như thế. Nền tảng của chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần dân chủ của E.Zola là tình thương yêu con người. Đúng như André Vial viết: "Trái tim của Zola thuộc về quần chúng nhân dân vô sản" (Germinal và chủ nghĩa xã hội của Zola - Paris, 1952, tr.75)

Mâu thuẫn của E.Zola giữa sáng tác và lý luận, giữa lời tuyên bố và cuộc đời chiến đấu là sản phẩm của một thế giới quan không ổn định. Con người và khoa học, tự nhiên và xã hội, định mệnh và số phận... là những phạm trù mà Zola thường vận dụng để giải thích các mâu thuẫn của chính bản thân mình.

Phải chăng cây gia hệ Rougon-Macquart của Zola gợi lên một phương pháp mới của sinh vật học hiện đại mà người ta gọi là phương pháp toàn đồ, tức là từ một tế bào gia đình có chứa đựng các thông tin về cái hệ thống xã hội bao bọc nó, được kiểm nghiệm qua chiều dài thời gian mà tác giả đưa lên được bức tranh khái quát chung về xã hội đương thời? Và ngẫm ra, đó cũng chính là phương pháp luận mà sang thế kỷ 20 này Marquez đã sử dụng và phát triển một cách hiện đại và hữu hiệu hơn khi viết Trăm năm cô đơn để biểu hiện bước thăng trầm của một dòng họ mà vẽ nên được bức tranh về lịch sử phát triển của Châu Mỹ La-tinh gói gọn trong một tiểu thuyết theo chủ nghĩa huyền ảo.

Là một trong những nhà văn hiện thực lớn của văn học Pháp nửa cuối thế kỷ 19, Émile Zola xứng đáng được mệnh danh là "Người khổng lồ trong văn học", "Con sư tử bảo vệ chân lý" (do năm 1898, một nghệ sĩ Pháp tạc tượng con sư tử Zola để biểu dương tinh thần chiến đấu sôi nổi và niềm tin vào sức mạnh con người của nhà văn).

Dân chúng yêu Zola vì ông là người bảo vệ dũng cảm kẻ cùng khổ. Người thợ yêu Zola vì ông lên tiếng đúng với khát vọng của họ, muốn đổi thay xã hội và khẳng định đúng vai trò lịch sử của họ.

Tác phẩm của Émile Zola đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử văn học Pháp là do vậy. Và điều đó cũng nói lên công lao to lớn của nhà văn đối với văn học Pháp và thế giới.

T.T.L
(TCSH48/03&4-1992)

--------------
(1) Thiers, thủ tướng chính phủ Pháp lúc đó, dựa vào giặc Phổ, tiến hành tàn sát những người có cảm tình với Công xã, từ 22 đến 28-5-1871.

 

Các bài mới
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Tranh lập thể (23/03/2021)
Các bài đã đăng