Tạp chí Sông Hương - Số 48 (T.3&4-1992)
Những khóm lan xưa
10:40 | 11/12/2020

NGUYỄN HỮU THÔNG

Ông Hàn đã yếu lắm... người ông quắt queo lại, chỉ còn da bọc xương. Chứng suy nhược tuổi già đã đến thời kỳ nhà thương trả về cho gia đình, nhưng không hề làm ông thay đổi nét yên bình trong đôi mắt.

Những khóm lan xưa
Ảnh chỉ mang tính minh họa: internet

Ông Hàn nằm xuôi tay... Chiếc áo "quạ" bằng lụa tơ phủ thân hình tiều tụy, khô đét, nhưng vẫn không gợi ở người chung quanh cái cảm giác thương xót cho ngày cuối một kiếp người. Ông vẫn thanh cao, nhẹ nhàng trong một cõi rất trong...

Ngôi nhà "rường" thâm nghiêm, trang trọng với những nét chạm khảm điển hình của Huế, đã bao năm ông Hàn sống lặng lẽ, không vui, không buồn, nhưng chẳng phải là sự thu mình lầm lũi của một kẻ đã chịu nhiều ngang trái, nghiệt ngã của cuộc đời.

Làng trên, xóm dưới, ai cũng gọi ông Hàn là cụ Nghè - không phải là ông Nghè tiến sĩ thường nghe thuở trước, ông học không cao. Từ nhỏ theo thầy học chữ Hán ở nhà, năm lên mười, ông đến trường học chương trình Pháp. Ông nghỉ học khi sắp sửa thi bằng thành chung. Gánh nặng gia đình đổ lên hai vai ông khi cụ thân sinh của ông nằm xuống.

Rương hòm chìa khóa trong tay, với cơ nghiệp đồ sộ ấy, lẽ ra, ông Hàn không thoát khỏi thời phung phí, xa hoa của tuổi trẻ ngông cuồng... Nhưng không hiểu điều gì đã mang đến cho đời ông sự điềm đạm quá sớm dưới mắt người khác. Có người bảo ông đã nghiền ngẫm quá sớm Nam Hoa, Đạo Đức... Lão Trang. Người khác bảo ông đọc nhiều kinh Phật của cụ thân sinh, rồi đắc ý, sống với một chữ, một dòng nào đó của Thiền học...

Chẳng phải sớm thõng tay trong tuổi thanh xuân, ông Hàn không mang hình ảnh rệu rã của con thuyền sau lần vẫy vùng trên cơn sóng dữ và phút chốc ngập chìm trong tĩnh lặng của đáy nước.

Ông tự cảm thấy xa lạ, lạc lõng một cách tự nhiên với những thú vui, hưởng thụ, náo động hàng ngày. Có lẽ, không phải tình cờ?... Thuở nhỏ, ông Hàn sống gần gũi với cha, người yêu thiên nhiên, cây cỏ một cách âm thầm. Lớn lên, ông vẫn thường xôn xao với cảm giác được níu vạt áo cha, từng chiều... từng chiều trong khuôn viên thanh cao, ấm áp của những ngôi chùa cổ Huế; thong thả trong cái khoáng đạt, lồng lộng của núi đồng Quãng Tế, Tam Thai... Từ quan sát đến thâm nhập; từ lòng yêu kính người cha thân yêu đến ảnh hưởng thiên hướng cảm thụ cái đẹp của cha.

Đó! thật tình mọi cái không đến với ông như một tình cờ.
 

Minh họa: Phạm Đại

Đã bao nhiêu năm vợ và hai đứa con ông Hàn sống cách biệt ở căn nhà nhỏ sát đường lộ trong khuôn viên ngôi nhà lớn của gia đình. Ông Hàn rất yêu vợ con, nhưng ông lại không thể hiện nó bằng sự gần gũi, riết rồi vợ con ông cũng hiểu ra, bởi họ không thiếu bất cứ một sự chăm sóc nào khi so sánh với những gia đình khác.

Mỗi buổi sáng, trước khi mở cửa ngôi hàng xén nho nhỏ trước đường, bà Hàn lại thủng thỉnh vào uống trà với chồng. Bà Hàn nói nhiều vì bà có nhiều thông tin của làng trên xóm dưới qua khách hàng tiếp xúc. Ông Hàn ngồi xếp chân chữ ngũ, nghe vợ, mỉm cười. Mọi buổi uống trà của mấy chục năm nay đều như thế, nhưng họ không chán không khí ấy...

... Rồi bà Hàn lại đến với công việc và ông Hàn kết thúc tuần trà cuối một mình, trước khi ra vườn.

Cây, lá, hoa, đá... thế giới tinh thần và một phần cuộc sống của ông.

Căn phòng ông Hàn ở chái Đông ngôi nhà. Mỗi buổi sáng, tiếng chim ríu rít trong vườn cây. Vườn có nhiều cây trái, nhưng riêng hai gốc "ổi sẻ" và "thị tràm" ở cạnh phòng ông, không ai trong gia đình được động đến. Ông để dành trái cho chim, chim ăn cây trái, tự do bay lượn, hót líu lo trong khoảng trời mênh mông.

Chim trong lồng chỉ có kêu chứ không hót. Chẳng ai bày hết nỗi niềm khi không được sống đời tự do.

Ông bảo với con mình như thế. Hai chị em nhìn nhau và không ai hiểu gì.

Phía bên phải, nơi có hàng "mứt” rủ bóng một vùng là những dãy địa lan. Che chở cho lan là một giàn tre được đan thành ô nhỏ công phu, lợp lá "Dương xỉ" rừng. Hai chậu "Mặc lan" được ông Hàn đặc biệt chăm sóc, bên cạnh là hàng dãy "Đại Kiều", "Tiểu Kiều", "Tứ Thời", "Hội điểm”,"Bạch Ngọc", "Đông lan", "Nhất điểm hồng”, "Báo hỷ"...

Hàng năm, vào những ngày đầu Đông, những chồi hoa "Mặc lan" nhú mình khỏi lòng mẹ, mập mạp, đen nháy, lòng ông tràn ngập hoan hỷ, ông đón nhận hình ảnh ấy như người nghệ sĩ đứng trước tác phẩm đắc ý của mình.

Theo ý ông Hàn: "Lan không chỉ đẹp khi trổ hoa, lan còn đẹp ở bộ lá. Lá lan mạnh khỏe, nhưng không vút lên đơn điệu. Có khi ngọn lan trĩu xuống nũng nịu, ngọn lượn mình e ấp, ngọn dựng đứng kiêu hãnh... Sắc độ, vị trí lá lan không khóm nào giống khóm nào. Lan tỏ tinh thần của mình với thiên nhiên, với con người, tĩnh trong, lặng lẽ, không khoe khoang, nhưng cũng không bí ẩn, cao ngạo..."

Ông nói tiếp: "Để có những ngọn lá đẹp, nguyên vẹn và phát triển tự nhiên, màu lá không nguyên sắc diệp lục mà phải phảng phất đâu đó một chút nâu nhạt trong gân lá, một chút ánh vàng trên mép lá, nhưng màu sắc ấy phải thấp thoáng, không gây cảm xúc ở thức giả sự chuyển mình của sự lụi tàn. Lá lan được như vậy mới đạt ý, có màu sắc ấy mới là lan. Những chiếc lá của cơ thể đang vận động, trăn trở, cho những mầm hoa, chồi non, mập mạp chào đời".

"Lan thích những giọt nước lạnh buổi sớm để gội sương". Nhận định như thế, nên mỗi sáng, nước trong thau rửa mặt, ông Hàn rót khẽ cho lan ở đầu ngọn, cho lá nhún mình và nước theo sống lá tràn vào gốc. Những lúc rảnh rỗi, ông Hàn còn lau lá bằng mồ hôi vuốt từ ngón tay trỏ và ngón cái trên mặt mình, để sau đó, hai ngón tay ấp ép nhẹ lá lan, kéo khẽ từ gốc đến ngọn. Mồ hôi mỡ trên mặt ông khiến cho hai mặt lá bóng lưỡng.

Ông Hàn quét sâu rầy trên lá lan bằng một bàn chải mịn, nhúng nước vôi nhạt. Rầy bám lá thường chỉ một vài con, vì có bao giờ ông lơ là để chúng kịp sinh sản.

Đất trồng lan cũng do tự tay ông Hàn làm, đó là một hỗn hợp có tính toán giữa đất phù sa dọc bờ sông Hương sau mùa lũ lớn, trộn với phân heo đã "hoai” được dần, sàng, mịn màng, thịt hến, xác bã đậu... một vài thứ nho nhỏ phụ gia, có thể đó là những loại phân vi lượng ông đã dùng, nhưng không ai biết là thứ gì.

Ông Hàn dùng nước luộc hến để nhồi đất, trộn đều mọi thứ với than đốt từ cây keo, cây đậu... Than được giã vụn cỡ bằng hạt bắp. Đất được đắp thành từng tảng mỏng như tấm phản trước khi ông Hàn dùng dao xẻ thành từng khối nhỏ vuông vắn cỡ bằng nắm tay. Đất được phơi nắng trước khi sắp nó thành từng khối trên đám lá khô. Lá phơi khô khi đang xanh, ông không dùng lá đã vàng và cũng không giải thích với ai điều ấy.

Lá và củi ủ khối đất được đốt lên, ông Hàn tự tay thêm bớt lửa và theo dõi từng chút. Khi đất đã bắt đầu chuyển màu ửng hồng, cũng không hẳn là ửng vì nó chỉ phơn phớt, thoảng, rất thoảng ánh hồng, thì lửa được bớt dần cho đến lúc tắt hẳn.

Từng nắm đất nhỏ được ông Hàn lăn trong tro lót lần cuối, trước khi được sắp chung với những ô "đất mồi" đã được ông để dành từ trước. Tất cả cùng chờ ngày tách lan...

Có một lần, vị sư già thân thiết của ông Hàn chống gậy trúc đến thăm. Tuần trà kéo dài từ sáng đến giữa trưa vẫn chưa kết thúc. Họ bàn về nước tưới cho lan. Ông Hàn bảo lan của mình chỉ được tưới bằng nước trong. Vị sư già cho rằng: đó là điều vô lý. Ông Hàn không muốn ai mất lòng tin ở mình, nhưng cũng không thuyết phục được khách:

- "Lan đủ sống với những gì mình cần trong một chu kỳ khi thay đất. Chỉ có nước trong sạch thấm trên mặt chậu, giữ nguyên cho lan vẻ trong bóng, thanh cao".

Ông khư khư khẳng định trước vị sư già rằng lan thích như thế.

- "Bạch thầy! Lan sống trên rừng xanh tốt, nhưng đạm bạc, thanh cao... Bạch thầy? thầy hãy tin rằng đó là ước muốn của lan."

Làm sao để nói đến cái đúng và sai trong lúc này. Vị sư già mỉm cười, gật gù và chia tay ông lặng lẽ...

Hàng năm vào cuối tháng bảy đến giữa tháng tám khi trời mây thấp và gió nhẹ, là những ngày tốt cho việc tách lan. Mọi chậu lan lại được mang ra, toàn thân được phơi mình giữa trời. Lòng chậu được rửa sạch bằng nước vôi. Rễ lan già khô xốp được ông Hàn cắt bỏ. Những chồi lá già, bị tách ra. Gia đình lan gồm ba thế hệ lại được vào chậu với đất mới.

Đất mới cho lan thoáng như tổ ong, vì than trộn vào đất khi đốt cháy đã để lại những khoảng trống. Đất "mồi" cũng được trộn đều với đất mới. Ông Hàn đặt lại tẻ lan vào chậu như vị trí ban đầu. Đất được chèn từng lớp cho đến lúc gần đầy chậu. Đất chèn không chặt lắm để khỏi dập rễ lan, nhưng cũng không nới quá sinh lỏng gốc.

Không ai trong gia đình ông Hàn phụ giúp được công việc "vô đất" cho lan. Chậm rãi, ngắm nghía từng miếng đất vào chậu, ông say mê, không vướng bận điều gì, ngay cả với thời gian...

Lớp trên cùng của gốc lan là những mảnh gạc nai được nung chín, trắng lốp, trải đều trên mặt chậu.

Lan lại quây quần quanh ông Hàn, trẩy mầm, trổ hoa. Mỗi tẻ lan đối với ông có cái đẹp riêng của nó. Lá "Tứ thời” nhỏ mặt, cọng dài vút thẳng lên cao rồi đầu ngọn khẽ nhún mình xuống, lá nhiều nhưng không chen chúc, ồn ào; Lá "Đông Lan" trông dày dặn nhưng lại có nét mềm mại, đầu lá ưa nghiêng mình đón gió để lay động, lá "Bạch Ngọc" nhỏ bản, ngắn mình, dịu dàng nhưng không èo uột, ẻo lả; lá "Tiểu Kiều", "Hội điểm", vừa mang cái khỏe của "Tứ thời" nhưng cũng có cái lướt thướt mềm mại của "Nhất điểm hồng", "Bạch Ngọc"...

- Chơi lan mà không thưởng lá thì biết lan sao hết.

Ông Hàn nói khiêm tốn, nhưng ai cũng hiểu: nếu chỉ chờ hoa thì không đáng mặt thức giả của lan.

Trong nắng vàng cuối hạ, xuyên qua mành che, lá lan phớt nhẹ ánh vàng, những chồi "Bạch Ngọc" hoa mới hé cánh trong xanh, thấp thoáng trong lá, cánh hoa dày nhưng không cứng bởi sắc hoa dịu. "Hội điểm", "Đại Kiều" cánh nâu vàng lấm tấm những hạt màu đen, cọng hoa chỉ vươn mình đủ tầm để lá ôm ấp.

Đông về chớm lạnh, "Đông lan" khoe với thức giả tác phẩm của mình thầm lặng những chiếc cánh màu nâu sẫm, có nhụy vàng - đốm trắng - nâu hồng và có phơn phớt mưa bụi long lanh. Trong lúc này, những nụ "Mặc lan" cũng đã bắt đầu trức mầm, nung núc, đen thẫm bên gốc mẹ, lớn nhanh bụ bẫm để kịp khoe cánh màu nâu đen trong tiết lạnh những ngày đầu năm. "Mặc Lan" cánh không đen màu mực như tên gọi, mầm đen, cuống đen khi đang còn khép cánh. "Mặc lan" đón xuân, cánh hoa trở mình nâu thẫm, nhưng vẫn tiềm ẩn cái ấm áp, đậm đà trong sắc độ.

Hương lan thoang thoảng, mùi thơm nhẹ, thanh thoát chứ không sực nức. Ghé mũi vào nhụy hoa, có lúc ta chẳng cảm mùi hương, nhưng hương vẫn cứ bay trong gió, vẫn hòa tan vào thinh không sự hiện hữu huyễn hoặc của mình và vẫn đến với thức giả cái cảm giác nhẹ nhàng, thi vị trước lan.

Một ông bạn họa sĩ người Tàu, có lần kể lại thú uống trà trong sương sớm với "Hương cuội" (Thạch lan hương) cho ông Hàn nghe, ông mỉm cười, sợ mất lòng bạn nên không tỏ rõ quan điểm của mình. Ông nhủ với bạn xa gần:

- Tôi thích uống trà, nhìn chồi lan đang nở... khi sương sớm đang còn phớt nhẹ trên cánh hoa.

Người bạn biết ông không phải chỉ nói thế! Nhưng có hề gì!...

Vườn lan vắng bóng ông Hàn từ ngày ông trở bịnh. Lan vẫn được hai con ông chăm sóc. Cậu con trai duy nhất của ông cũng biết việc ít nhiều, vì ngày ngày đã từng theo cha quan sát, giúp đỡ, khi cha cần đến. Lúc cao hứng, ông giải thích và tâm sự với con như một người bạn đồng điệu.

Thương cha, nên thương luôn những gì cha gần gũi, cậu con trai ông Hàn mới lớn nên chưa có sự cảm thông, chưa thấu những xúc cảm bên lan. Cậu chỉ tưới tẩm, vuốt lá cho lan như âu yếm, an ủi một phần đời của cha đang gửi lại và một phần đời đang thoi thóp...

Rồi cái ngày mà vợ con ông Hàn bị ám ảnh phải đến. Ông yếu hẳn đi, thần sắc sa sút tột cùng, ông không còn đứng ngồi được nữa. Trên chiếc chõng tre tự tay mình đóng, đơn giản nhưng trong bóng, ông gọi hai con lại. Cô con gái thì nước mắt lưng tròng, cậu con trai thì nghẹn ngào, thất sắc.

Ông Hàn trong tiếng thở ngắt quãng, thầm thì:

- Lấy cho ba lon sơn... và cái bút lông... trên kệ sách.

Bà Hàn thay con đem đến cho ông.

- Các con khiêng ba... ra vườn lan.

Ông nói yếu đi.

Mọi người nhanh chóng chìu ý ông. Ông Hàn rướn người lên, xác gầy còm, rũ rượi. Sắc diện của một sinh vật sống dường như không còn nữa, ông run rẩy chấm ngòi bút vào lon sơn...

Đi qua hai chậu "Mặc lan", ông ra dấu ngừng lại, nét run run hai chữ TT trên vành chậu. Ông viết trong xúc động, vai co lại rưng rưng.

Bà Hàn nói nhỏ vào tai cậu con trai:

- Ba xem chừng như không còn tỉnh táo nữa rồi!

Ông Hàn không nói gì, mắt nhìn đôi khóm lá. Không khí yên ắng, tĩnh mịch...

Tay gõ nhẹ vào thanh chõng tre, ông ra hiệu cho hai con bước đến hàng "Bạch Ngọc", hàng "Đông Lan", hàng "Hội điểm”... Các mẫu tự QA, TĐ, BQ, T.Th... dưới đôi tay khẳng khiu, run rẩy, dần hiện trên từng vành chậu, bí ẩn, xót xa...

Mẹ con ông Hàn không hiểu gì, chỉ nhìn nhau, nước mắt đoanh tròng. Họ thắc mắc vì mỗi khi chiếc chõng dừng lại trước chậu lan, có nơi ông chấm bút viết ngay, có nơi ông ngập ngừng, cân nhắc. Nơi dừng lại không đều, nhưng ở đâu cũng có cái khoảng khắc nín lặng, bất động giữa ông Hàn và Lan, chỉ có tiếng thở yếu ớt, mái tóc, hàm râu bạc và lá lan xanh... Có một chút gì giữa họ trong khung cảnh ấy? Làm sao mẹ con bà Hàn hiểu được!

Sau lần dừng lại ở chiếc chậu cuối cùng, ông Hàn buông mình xuống chiếc chõng tre như người đã hết phản xạ. Trong tĩnh lặng, có thêm hai dòng nước mắt trên khuôn mặt ông... ông Hàn không nói nữa, ông không nói được nữa, lịm dần trong vườn lan...

Trước ngày tiễn đưa ông, mẹ con bà Hàn mới nhìn thấy một mảnh giấy gói thuốc Bắc được xếp cẩn thận trên "hộc tộ", nơi ông thường ngồi đọc sách. Chỉ mấy dòng di chúc, ông nói trong hơi văn thanh thản, nhẹ nhàng. Bởi chuyện nhà, ông đã sắp xếp xong, ông đã dặn dò cặn kẽ từng điều khi biết bịnh tình mình không khỏi được.

Chỉ có duy nhất một chuyện, ông không thể nói được. Giấy bút thay lời ông.

"Mẹ thằng Bi! Tôi nằm xuống, gia đình nghe tôi, cúng dường những chậu lan cho quý chùa.

Tôi viết TT: Thuyền Tôn; QA: Quốc Ân; TĐ: Từ Đàm; BQ: Bảo Quốc; TTh: Tây Thiên...

Con còn nhỏ quá, không đủ sức chăm sóc. Bà hãy hoan hỉ cúng dường cho tôi vui lòng. Lúc con lớn, hiểu lan, thích lan, cứ đến bạch quý thầy... con sẽ đạt ý.

Tôi chỉ có chừng đó để mong mỏi ở bà và các con."

Khu vườn lạnh lẽo, xa vắng và ngày càng hoang tàn... Có lẽ ông Hàn đã nhìn thấy điều ấy trước lúc nhắm mắt.

Hai đứa con ông Hàn lớn lên, trước ngày giỗ cha, thường đến thăm lại từng mảnh vụn vườn xưa. Cả hai chị em họ càng lúc càng hiểu tại sao ba mình lại ngần ngừ khi viết những mẫu tự trên vành chậu...

Lúc sinh thời, ông Hàn thường đến chùa, không chỉ vì ngưỡng mộ đức độ một số vị sư trụ trì già mà ông còn chú ý đến những "chúng, điệu" kế vị. Họ có yêu lan? có "duyên nghiệp" với lan? Những mẫu tự trên vành chậu đã bắt đầu hiện lên, ám ảnh ông từ thuở ấy.

...Cô con gái ông Hàn lấy chồng phương xa, bà Hàn đã già lắm, chỉ còn quanh quẩn trong khu vườn xưa hốt lá, nhổ cỏ. Ngày giỗ ông Hàn chỉ còn cậu con trai đến chùa, quanh quẩn bên vườn cây, khóm lá âm thầm tìm lại những khóm lan cũ. Cậu không muốn nghĩ rằng có lúc ba mình đã nhầm lẫn khi tiễn lan đi.

Những chậu lan xưa, có nơi vẫn còn xanh tươi, nơi khác, xác lan già sau những ngày sống ngắc ngoải đã gập mình một góc nào đó trong vườn cây. Chiếc chậu cũ của ngôi vườn xưa, trơ trọi, lạc loài...

"Lan sống tĩnh lặng, ẩn nhẫn nhưng không hề sống chung với sự hững hờ". Cậu con trai ông Hàn nghiền ngẫm điều ấy để cố giữ thật trọn vẹn hình ảnh khu vườn xưa trong ký ức. Mặc dù, mãi mãi cậu vẫn không là kẻ có "duyên nghiệp" với lan.

8-1988

N.H.T.
(TCSH48/03&4-1992)



 

 

Các bài mới
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Tranh lập thể (23/03/2021)
Các bài đã đăng
Góa phụ Paris (18/09/2020)
Miền Trung (11/09/2020)