Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Hai cựu nữ sinh Đồng Khánh đã nghĩ về Đảng và Cụ Hồ như thế nào?
14:45 | 03/04/2020


NGUYỄN KHẮC PHÊ

Hai cựu nữ sinh Đồng Khánh đã nghĩ về Đảng và Cụ Hồ như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đứng phía sau là Đại tá Cao Văn Khánh (Chỉ huy trưởng cuộc diễn tập binh chủng hợp thành năm 1957)

1. Vào Đảng để được gặp cụ Hồ

Trong cuốn sách “Những người trong Hoàng tộc nhà Nguyễn đi theo cụ Hồ” (Nxb. Lao động, 2010), cô cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế) Ngọc Toản - qua đoạn hồi ký cô viết cho các bạn trẻ nước Pháp - đã giải thích vì sao một tiểu thư cành vàng lá ngọc lại dám trốn gia đình đi đánh Tây: “…Chúng tôi chỉ nghĩ đến những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chiến đấu cho độc lập và tự do…”.

Chuyện đời giáo sư - bác sĩ - đại tá Ngọc Toản (năm nay cụ sắp mừng thượng - thượng thọ 90 tuổi) và danh tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã được con gái Cao Bảo Vân thể hiện qua cuốn hồi ức lịch sử “Tướng Cao Văn Khánh” dày 800 trang khổ lớn với một khối lượng lớn tư liệu quý về lịch sử Việt Nam và rất nhiều chi tiết sinh động của một tác phẩm văn học. Ở đây xin được trích một đoạn tác giả kể chuyện mẹ mình vào Đảng từ 70 năm trước. Đó là lúc cô nữ sinh Đồng Khánh sau khi tham gia kháng chiến từ đầu Cách mạng Tháng 8, ba lần bị Pháp bắt giam vì hoạt động quá năng nổ trong trong phong trào học sinh siên viên Huế, rồi lên chiến khu ra Khu Bốn, gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh:

“…Ông Nguyễn Chí Thanh có cách vận động vào Đảng rất đặc biệt, tùy loại đối tượng. Với văn nghệ sĩ, nhà thơ Chế Lan Viên kể, anh Thanh không nói chuyện chính trị, lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác gì hết. “Tuyên truyền cái gì nữa! Hôm qua nô lệ, hôm nay độc lập, thế không đủ hiểu rồi ư?” (Trích từ bài “Lá rụng về cội” - Tạp chí Sông Hương, số tháng 10/1986). Còn với Ngọc Toản, ông dọa: “Nếu không được tổ chức bảo vệ, chưa hoạt động thì Tây nó đã bắt nó giết thì sao!” Khi biết “tổ chức” là Đảng Cộng sản thì Toản giãy nảy, nhất quyết không đồng ý. Cô thiếu nữ 19 tuổi rất tự do và thích phiêu lưu, thật thà thú nhận: “Tôi nghe nói cộng sản kỷ luật sắt, sợ lắm!” Ông Nguyễn Chí Thanh nghiêm mặt: “Vậy có muốn gặp cụ Hồ không? Phải vào tổ chức mới gặp cụ Hồ được”.

Thời đó, được gặp cụ Hồ, biểu tượng của quyết tâm giành độc lập cho Tổ quốc, là mơ ước của tất cả những người yêu nước theo kháng chiến. Nghe ông Thanh nói vậy, cô gái chuyên đọc sách trinh thám, say mê những quyển như “Lệ Hằng phục thù”, mắt sáng rực nói nếu được gặp cụ Hồ thì cô tình nguyện làm bất cứ việc gì, kể cả việc vào “tổ chức”.

Và thế là Nguyễn Thị Ngọc Toản được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ngày 19/5/1949. Trong không khí long trọng trang nghiêm của lễ kết nạp, cô thiếu nữ 19 tuổi hồn nhiên bật cười nghe hai đồng chí công nhân kết nạp cùng đợt dõng dạc tuyên thệ: “Trước ảnh ông Tây ông Tàu và bác Hồ Chí Minh, chúng tôi xin thề…” (Trích từ sách “Tướng Cao Văn Khánh” do Cao Bảo Vân thực hiện - Nxb. Tri thức, 2017, trang 239 - 240).

Cuốn sách quá dày, tuy nhiều báo chí đã giới thiệu và đã tái bản, nhưng thời buổi thiên hạ chỉ thích lướt mạng, e rằng câu chuyện trên còn ít người biết. Nhân nói đến tác phẩm này, tưởng cũng nên dẫn thêm một trường hợp khá độc đáo. Đó là vào năm 1948, khi Cao Văn Khánh chưa là đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin cậy cử chàng cựu sinh viên Trường Luật Đông Dương chưa đầy 30 tuổi làm Khu trưởng Khu 5 - một mặt trận gian khổ bậc nhất lúc bấy giờ; trong khi các Khu trưởng khác là những tướng lĩnh lừng danh như Nguyễn Sơn (Khu 4), các Khu trưởng phía Bắc là những cán bộ tiền khởi nghĩa như Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Lê Quang Ba… Điều thú vị nữa là thời đó cán bộ quân đội ở Khu 5 rất đông trí thức. Trong Đại đội Quyết tử do Quách Tự Hấp chỉ huy, có sư thầy Chí Huân Quách Tiến đẹp trai, dũng cảm, biết tiếng Pháp, tiếng Nhật, giỏi đạo lý và giỏi cả bắn súng đâm lê… “Hay như anh thanh niên Quốc dân đảng, từng đi hai tay không, theo Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội chỉ một ngày để biết mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm sau anh quay về, xin vào Đại đội Quyết tử…” (Sách đã dẫn, trang 114 - 116).

Chuyện này Cao Bảo Vân ghi, nhưng hẳn là cũng theo lời kể của cựu nữ sinh Đồng Khánh Ngọc Toản, vì khi Cao Bảo Vân bắt tay làm cuốn sách thì tướng Cao Văn Khánh đã qua đời.

2. Xa Huế lâu vẫn nhớ…

Một cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế) nữa cũng được đồng chí Nguyễn Chí Thanh kết nạp vào Đảng. Đó là chị Nguyễn Khoa Bội Lan (1910 - 2014). Một hôm, nhân nói chuyện với chị về những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, chị bỗng nói: “Cậu có biết không, anh Nguyễn Chí Thanh kết nạp mình vô Đảng đó!”

Ở Huế, họ Nguyễn Khoa thuộc danh gia vọng tộc, chị Bội Lan cũng thuộc lớp người nổi tiếng với nhiều danh hiệu: nhà văn, nhà báo, lão thành cách mạng… Thân phụ của chị là nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi. Người Huế hầu như ai cũng thuộc một số bài thơ trào phúng của cụ. Nhà chị ở Thôn Vỹ, cách không xa làng Dương Nỗ - nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành từng trọ học.

Chị Bội Lan còn có may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần, trong thời gian chị công tác ở Hà Nội tại các cơ quan Việt Nam Thông tấn xã, Viện Văn học, rồi Tiểu Ban Văn nghệ miền Nam; hơn nữa, thời thơ ấu của Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, không xa nơi ở các gia đình họ Nguyễn Khoa bao nhiêu.

Chị là một độc giả và cộng tác viên của Tạp chí Sông Hương, mấy chị em con cụ Nguyễn Khoa Vi và các anh chị của tôi cũng là chỗ quen biết nên thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm chị. Lần gặp cuối cùng khi chị đã trên chín mươi tuổi, mắt không nhìn rõ nữa, nhưng tôi vừa xưng tên, chị liền buông kính lúp và tờ báo xuống, vui vẻ nói, vẫn cái giọng kim thanh trong như không biết đến tuổi già:

- Răng lâu rồi không xuống chơi? Ngồi xuống đi. Có viết được gì mới không?

Nghe tôi nói vừa viết xong một tiểu thuyết dày gần bảy trăm trang, chị liền bảo:

- Này, viết chi mà viết dài rứa? Cậu có biết mình bị Bác Hồ chê răng không?...

Và chị Bội Lan kể:

- Một lần, sau khi báo cáo công việc, Bác nói, giọng thân tình: “Cô Lan này, bác nhắc cô nhiều lần mà cô chưa sửa được.” Mình liền hỏi: “Thưa Bác, chuyện chi ạ?” Bác trả lời, vẫn giọng hiền từ mà hóm hỉnh: “Người cô thì ngắn mà hay nói dài, viết dài. Nhà văn, nhà báo nên nhớ: Viết dài thường là viết dở, nói dài dễ nói dại…”.

Hai chị em cùng cười. Tôi biết chị có ý nhắc nhở tôi, chứ thật ra tôi chưa thấy chị viết gì “dài dòng” cả. (Có thể Bác Hồ “chê” các báo cáo của chị). Chị Bội Lan kể tiếp:

Một lần, nhà thơ Nam Trân nhờ chị chuyển các bản dịch “Nhật ký trong tù” đến Bác để xin ý kiến tác giả, nhân nhắc đến những bài thơ rất hay viết về Huế của Nam Trân, Bác đã hỏi chị: “Cô đi hoạt động sớm, xa Huế lâu rồi, có nhớ chi về ông bà không?” Chị hơi sững người giây lát vì không ngờ Bác lại hỏi điều đó. - “Dạ, có chớ ạ…”. Nghe chị nhắc tên một vài người, Bác khẽ gật đầu và nói: “Thế là tốt. Những người như cụ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng là rất đáng trọng, nhất là quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, tính tình ngay thẳng, không nể sợ kẻ quyền thế…”.

Chị Bội Lan cười nhẹ và thích thú nói thêm cho tôi rõ: Cụ Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) từng chỉ huy dân công đắp Lũy Thầy ở Quảng Bình, là tác giả đi tiên phong thể nghiệm kiểu tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam với tác phẩm “Nam triều công nghiệp diễn chí” kể lại quá trình khai thác Đàng Trong của chúa Nguyễn; còn Nguyễn Khoa Đăng (1691 - 1725), bà con ở Huế gọi là “Bao Công của Việt Nam”…

Chuyện vui chị Bội Lan kể lại cho chúng ta thấy Bác Hồ dù đã xa Huế lâu năm, vẫn nhớ những người con của họ Nguyễn Khoa ngày xưa. Nguyễn Tất Thành rời Huế vào khoảng năm 1909, chị Bội Lan gặp Bác Hồ những năm 60 thế kỷ trước. Hơn nửa thế kỷ xa Huế, vẫn chưa quên những người “láng giềng” Thôn Vỹ của mình thuở niên thiếu.

Sách báo cả thế kỷ vừa qua đã có không biết bao nhiêu lời ca ngợi cụ Hồ, những người cùng khổ, tầng lớp công- nông - binh yêu kính Người là điều tất nhiên; nhưng các tiểu thư con nhà Nho và đại quan cũng ngưỡng mộ uy danh cụ Hồ thì kể cũng đáng để suy ngẫm, không chỉ về tầm vóc, nhân cách Hồ Chí Minh mà đó còn thể hiện nỗi mong ước của quảng đại công chúng là đất nước cũng như mỗi địa phương, cơ quan muốn tiến bước cùng thiên hạ, cần phải có người đứng đầu tài giỏi, “chí công vô tư”, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm” như Cụ Hồ đã từng nhắc nhở…

N.K.P  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng