Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Văn học như những giá trị ngoại biên
15:00 | 03/04/2020

PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.

Văn học như những giá trị ngoại biên

Mọi sáng tác, trào lưu và thể loại văn học đều xuất phát từ ngoại biên, rồi theo thời gian tiến dần vào trung tâm. Đọc văn chính là hành trình ngoại biên hóa trong tương quan với ý đồ khởi nguyên của tác giả. Công trình nghiên cứu Những khu vực văn học ngoại biên (Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, 2020) vừa được ra mắt của Phan Tuấn Anh là sự kiện đầy ý nghĩa, thể hiện ý thức chủ động của người làm công tác lý luận, phê bình trong việc tiên phong cất lên tiếng nói đối thoại cho những giá trị ngoại biên.

Cuốn sách mở đầu bằng tiểu luận đề dẫn về lý thuyết ngoại biên, cụ thể là giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại biên trên ba bình diện: đời sống, triết học và văn học. Giải quyết mối quan hệ trung tâm - ngoại biên trong văn học, Phan Tuấn Anh đặt trọng tâm ở phương diện lý thuyết và cho thấy sở trường bao quát các trường phái lý luận văn học từ thế kỷ XX có bàn về khái niệm ngoại biên như hình thức luận, phê bình mới, mỹ học tiếp nhận, giải cấu trúc luận, lý thuyết đa hệ thống, lý thuyết văn hóa trào tiếu dân gian… Sự thay đổi trong tương quan vị thế giữa trung tâm và ngoại biên được tác giả gắn với sự vận động của hệ hình tư duy từ tiền hiện đại đến hiện đại và hậu hiện đại. Tư duy hậu hiện đại dựa trên mô hình cân bằng giữa trung tâm và ngoại biên chính là hệ hình tư duy tiêu biểu của thời đại chúng ta đang sống.

Từ đó, tác giả triển khai 6 tiểu luận trải rộng trên nhiều lĩnh vực văn học. Cái chung của 6 tiểu luận này, hiển nhiên, đều có đối tượng là những hiện tượng văn học ngoại biên, hay ít nhất, đã từng bị cách ly ở vùng ngoại biên: văn học mạng/ máy tính, hư cấu lịch sử, thơ tân hình thức và truyện tranh. Trong số này, văn học mạng/ máy tính và truyện tranh là hai khu vực, có thể khẳng định không cần băn khoăn, Phan Tuấn Anh là người đầu tiên ở nước ta có những bước đi đầy hứng khởi đặt nền tảng lý luận về thể loại.

Năm 2007, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Huế hoàn toàn ngạc nhiên và lạ lẫm khi một sinh viên chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp về Truyện tranh và truyện tranh Nhật Bản, ngay sau đó đề tài được tiếp tục phát triển và đạt giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc. Đây chính là thành quả khởi điểm đầy ý nghĩa khích lệ cho chặng đường mười năm nghiên cứu tiếp theo của Phan Tuấn Anh. Phần tinh túy nhất của đề tài ấy được tác giả đưa vào cuốn sách vừa xuất bản: vấn đề thi pháp truyện tranh và vấn đề tiếp nhận truyện tranh trong bối cảnh hậu hiện đại. Nhìn vào hệ thống luận điểm được anh phân tích và diễn giải, hẳn chúng ta phải thừa nhận rằng, truyện tranh thực sự là đối tượng cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, đặc biệt ở đất nước mà thể loại này có vai trò thiết yếu trong việc bồi đắp tuổi thơ và định hình nhân cách của thế hệ trẻ như Việt Nam, dù dư luận xã hội có chấp nhận thực tế ấy hay không.

Đặc biệt giá trị và tạo được nhiều sức lôi cuốn nhất trong toàn bộ cuốn sách là loạt tiểu luận về văn học mạng/ máy tính. Lý luận về một nền văn học mạng được Phan Tuấn Anh kiến tạo trên cơ sở tác động của những thiết chế truyền thông đa phương tiện lên đời sống vật chất và tinh thần của xã hội hậu hiện đại, mà dấu mốc của nó là sự xuất hiện của máy vi tính và mạng internet. Hệ quả là sự bùng nổ truyền thông và sự ra đời của một ý thức hệ mới như xác tín của Ph. Breton và S. Proulx. Điểm cốt lõi của đời sống văn học dưới các thiết chế truyền thông đa phương tiện là nó được xây dựng trên nền tảng của hệ hình ngôn ngữ mới: ngôn ngữ nhị phân. Một khí quyển sinh tồn mới của văn học được khởi sinh trên mọi phương diện. Đó vừa là thách thức to lớn vừa là tiềm năng vô hạn cho lực lượng sáng tác và lực lượng nghiên cứu văn học hiện nay. Vậy, một tác phẩm như thế nào thì được xem là đại diện của văn học mạng/ máy tính? Câu trả lời được Phan Tuấn Anh cụ thể hóa trên hai hiện tượng kỳ thú nhưng cũng vô cùng dị biệt của văn chương đương đại: Anh chàng xe điện của Hitori Nakano và 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân. Trong đó, tiểu luận về 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] có thể xem là nghiên cứu thuyết phục và lý thú bậc nhất về Đặng Thân nói riêng và văn học mạng nói chung.

Ham muốn và cách thức tiếp cận truyện tranh và văn học mạng của Phan Tuấn Anh khiến tôi nhớ đến những công việc M. Bakhtin đã làm với thể loại tiểu thuyết. Chắc rằng thái độ dấn thân của bậc thức giả mà anh hằng ngưỡng mộ đã cho anh không ít cảm hứng trong việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu và đối mặt với những vấn đề hóc búa của nó.

Văn học hư cấu về đề tài lịch sử là vấn đề không mới, nhưng lại được Phan Tuấn Anh đặt trong sự nhận diện khá công phu. Văn xuôi Việt Nam khai thác đề tài lịch sử từ 1986 đến nay, theo Phan Tuấn Anh, là hành trình đi từ ngoại biên đến trung tâm của lập trường đề cao thuộc tính hư cấu. Hành trình này được kiến tạo cơ sở từ ba tiền đề tư tưởng, triết học: sự vận động căn bản trong cách hiểu về bản chất của ngôn ngữ và văn bản trong nghiên cứu khoa học xã hội; sự thay đổi quan niệm về tính chân xác của tri thức khoa học; và sự hiện diện của những quan điểm mới về triết học lịch sử. Tất cả đã mở rộng chân trời sáng tạo cho hư cấu lịch sử. Song, chân trời tưởng như vô hạn ấy thực chất vẫn có giới hạn, như cách liên tưởng độc đáo của nhà nghiên cứu, là “trên bàn tay của Như Lai”. Vì không thể tách rời điểm tựa lịch sử, sáng tạo văn học về đề tài lịch sử luôn bị hạn định trong cứ liệu lịch sử, trong logic lịch sử, đi kèm với đó là mọi vấn đề liên quan đến bối cảnh văn hóa của thời đại lịch sử được tái hiện. Quan trọng hơn, “trải qua lịch sử lâu dài với nhiều tai biến, địch họa và chiến công, người Việt càng có ý thức đề cao, xem trọng sự kiện lịch sử, nhất là các chiến thắng ngoại xâm, mở mang văn hiến. Do đó, những sáng tác lệch chuẩn, giai thiêng, giễu nhại… nhân vật và sự kiện lịch sử đương nhiên phải chịu số phận long đong, bởi nó đi ngược lại tâm lý độc giả”. Như vậy, bắt nguồn từ đặc trưng thể loại, văn học về đề tài lịch sử vốn dĩ đã là sáng tạo trong hạn định.

Tập hợp những tiểu luận từng công bố trong suốt mười năm nghiên cứu vào một cuốn sách có chung chủ đề văn học ngoại biên, nhưng không tạo nên cảm nhận về sự ghép nối khiên cưỡng, điều đó cho thấy một định hướng học thuật vững chãi và xuyên suốt của tác giả, dẫu có lẽ lúc đầu chỉ dừng lại ở sự nhạy cảm trong tư duy khoa học. Một chặng đường khoa học không dài, nhưng đây đã là công trình thứ ba được xuất bản, tiếp sau Garbriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại (Nxb. Văn học, 2015) và Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu (Nxb. Văn hóa - văn nghệ, 2019). Những khu vực văn học ngoại biên có thể được xem như một cuốn sách tổng kết thành tựu mười năm, nhưng đồng thời nhiều giá trị khoa học trong đó vẫn hứa hẹn tiềm năng rất lớn phía trước. Chẳng hạn, một chuyên luận công phu và dày dặn về văn học mạng/ máy tính? Điều đó hoàn toàn khả dĩ.

P.T.H.L  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng