Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế
14:46 | 06/05/2020


TRƯƠNG TRỌNG BÌNH

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế
Ảnh: internet

1. Di sản văn hóa phi vật thể Cung đình Huế được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ vai trò của trấn Thuận Hóa (1306 - 1557), thủ phủ xứ Đàng Trong (1558 - 1787), kinh đô triều Tây Sơn (1788 - 1801) và Kinh đô triều Nguyễn (1802 - 1945) đã tạo nên sức hút và sự lan tỏa đặc biệt quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử, làm nên hệ giá trị di sản văn hóa cung đình đặc trưng, trong đó có di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, tiêu biểu như Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình.

1.1. Trong di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, thì nghệ thuật diễn xướng cung đình luôn được triều đình nhà Nguyễn quan tâm. Sách Khâm định Đại nam Hội điển Sự lệ của Nội các triều Nguyễn, tập V, quyển 138, đã đề cập đến Thự Hòa Thanh và Thự Thanh Bình, bộ máy tổ chức được cơ cấu như sau:

“Thự Hòa Thanh (3 đội).

Nhạc trưởng hàm thất phẩm chánh 3 người, Nhạc trưởng hàm Chánh bát phẩm 6 người.

Những năm đầu Gia Long, đặt hai đội tiểu hầu nhất, nhị mỗi đội, Chánh đội trưởng suất đội 1 người, Đội trưởng suất thập 4 người.

Minh Mạng năm thứ 9 (1828) tâu được chuẩn: đổi làm 2 đội thự Hòa thanh nhất, nhị, còn các suất đội, đội trưởng ở tiểu hầu trước, thì xếp thứ tự đổi bổ.

Năm thứ 17 (1836) tâu, được chuẩn: Thự ấy đặt mỗi đội 1 nhạc trưởng hàm Chánh thất phẩm và 2 nhạc trưởng hàm Chánh bát phẩm; các viên suất đội cũ đổi bổ làm Chánh thất phẩm nhạc trưởng, các đội trưởng, Ngoại ủy đội trưởng cũ đổi bổ làm Chánh bát phẩm nhạc trưởng.

Thự Thanh Bình (2 đội).

Chánh phẩm ca trưởng 2 người, Chánh bát phẩm ca trưởng 4 người.

Gia Long năm thứ 9 (1810), đặt đội Việt tường, Chánh cai quan, Chánh ty quan đều 1 người.

Minh Mạng năm thứ 4 (1823), đặt Đội trưởng suất đội 1 người.

Năm thứ 7 (1826), đặt Đội trưởng 2 người.

Năm thứ 9 (1828), đổi làm Thự Thanh Bình thì suất đội, Đội trưởng Việt tường trước đều được đổi bổ.

Năm thứ 12 (1836) tâu được chuẩn: đặt mỗi đội 1 chánh thất phẩm ca trưởng và 2 chánh Bát phẩm ca trưởng; các viên suất đội cũ đổi bổ làm chánh thất phẩm ca trưởng, các viên Đội trưởng và Ngoại ủy đội trưởng cũ bổ làm Chánh bát phẩm ca trưởng”1.

Ngoài ra, hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình Huế.

1.2. Nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế là một di sản văn hóa phi vật thể đỉnh cao thời Nguyễn. Vấn đề đặt ra là từ sau năm 1945 đến nay, do tác động ngày càng mạnh mẽ của xã hội nên nó đã bị mai một dần và đang có nguy cơ “tam sao thất bản”. Nguyên nhân chính yếu nhất lý giải cho điều này là khi triều Nguyễn cáo chung thì tất yếu, các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy.

1.3. Dưới góc độ văn hóa, cần nhìn nhận một cách khách quan những mặt tích cực, cũng như hạn chế trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế. Ngoài Nhã nhạc đã được UNESSCO vinh danh, được đầu tư bảo tồn phát huy giá trị một cách hữu hiệu thì di sản Tuồng cung đình và Múa hát cung đình lại đang gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề đặt ra ở đây là giải quyết hài hòa giữa nhu cầu phục hồi, bảo tồn nguyên gốc và phát huy giá trị phù hợp với nhu cầu xã hội hiện đại. Từ đó, đặt ra vấn đề cấp bách trong việc làm thế nào để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, với những nét đặc thù của Cố đô Huế.

Trong khuôn khổ bài viết này, do là đơn vị đang có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, nên chúng tôi muốn đề cập đến việc kế thừa và bảo tồn chính những giá trị này trong đời sống hiện nay, từ đó đưa ra một số định hướng cho hoạt động bảo tồn và phát huy.

2. Tổng quan về nghệ thuật diễn xướng cung đình

2.1.
Đôi nét về nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế

Nghệ thuật diễn xướng cung đình là loại hình diễn xướng chính thống, sử dụng trong các cuộc tế, lễ hoặc các dịp hiếu, hỉ, giải trí của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng và phát triển loại hình này bởi đây là biểu tượng cho vương quyền và sự hưng thịnh của triều đại. Do đó, các qui định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản… của các loại hình diễn xướng này đều rất chặt chẽ, phản ánh tính qui củ qua các định chế thẩm mỹ cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình nghệ thuật diễn xướng của cung đình Huế được diễn ra trong bối cảnh lịch sử khá đặc biệt. Năm 1558, trong khi triều đình nhà Lê lâm vào cảnh rối ren, chúa tiếm quyền vua. Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa với ý đồ xây dựng một giang sơn riêng. Sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, thu phục nhân tâm, trọng dụng tướng tài, luyện tập quân sĩ, xây lũy đắp thành, kết hợp với chính sách chiêu dân lập ấp, khai sơn phá thạch nhằm phát triển kinh tế, cũng như mở cửa giao thương với nước ngoài nên đã xây dựng một vương triều độc lập, vững chắc tại xứ Đàng Trong ổn định về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật diễn xướng cung đình được hình thành dựa trên cơ sở kế thừa di sản của các triều đại trước.

Khác với các loại hình nghệ thuật diễn xướng khác, nghệ thuật diễn xướng được đề cập trong bài viết này là nghệ thuật diễn xướng được diễn ra trong chốn cung đình, bao gồm: Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình, người trình diễn là các nghệ nhân, nghệ sĩ cung đình. Nghệ thuật này ngoài việc trình diễn phục vụ cho các cuộc vui chơi, giải trí được diễn ra trong chốn cung đình, thì nó còn là sợi dây kết nối người đứng đầu chế độ quân chủ (vua) với các đấng thần linh trong các cuộc tế lễ như: Tế Giao, Tế miếu, Tế Xã Tắc…

Các loại hình diễn xướng của cung đình cho dù được tổ chức dưới dạng tế lễ hay vui chơi, giải trí đều hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh và chức năng của nó. Cả hai tính chất trên đều có mối liên hệ với các khía cạnh khác của một buổi diễn.

Chúng ta có thể so sánh cuộc diễn xướng mang tính chất tế lễ và cuộc diễn xướng mang tính chất vui chơi, giải trí:
 

TẾ LỄ VUI CHƠI, GIẢI TRÍ
Có  mối  liên  hệ  với những yếu tố siêu nhiên vắng  mặt  tại  buổi  diễn xướng,  bao  gồm  cả  các đấng thần linh. Mang tính vui vẻ, dành cho những người có mặt tại buổi diễn.
Thời  gian  mang  tính biểu tượng. Nhấn  mạnh  thời  điểm diễn xướng.
Những  người  tới  dự buổi tế lễ cùng tham gia. Người  tham  dự buổi diễn  chỉ  đóng  vai  trò khán, thính giả.



Nhìn vào bảng so sánh trên, chúng ta có thể thấy đối với cuộc diễn xướng mang tính chất tế lễ luôn gắn chặt với tính trang trọng, cũng như mang tính quy chuẩn, định chế của diễn xướng trong tế lễ. Và cuộc diễn xướng mang tính vui chơi, giải trí thì luôn gắn với tính phóng túng của diễn xướng du hí (giải trí) ít bị ràng buột chặt chẽ.

2.2. Nghệ thuật diễn xướng của Nhã nhạc

Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế (thường được gọi là Nhã nhạc cung đình Huế) được xây dựng dựa trên sự kế thừa các thành tựu, tinh hoa nghệ thuật của dân tộc hàng ngàn năm, đặc biệt là sự kế thừa những thành tựu văn hóa nghệ thuật xuất sắc của cả thời kỳ dựng và giữ nước kéo dài từ thế kỷ X đến XV trải qua các triều đại phong kiến phát triển mạnh như: Lý, Trần, Lê... Nhã nhạc cũng là sự kết tinh văn hóa của các thời đại trong nước và các nước trong khu vực.

Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật diễn xướng của Nhã nhạc thường được diễn ra trong các cuộc tế lễ cung đình như: Tế Giao, Tế miếu, Tế Xã tắc, Lễ Đại triều, Thường triều... Nhã nhạc cũng được dùng trong các lễ khác như: lễ Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu hay đón tiếp sứ thần.

Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

2.3. Nghệ thuật diễn xướng của Tuồng cung đình

Nghệ thuật diễn xướng của Tuồng cung đình Huế là một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, tuy ra đời ở Đàng Ngoài, nhưng lại tìm thấy đất hứa ở Đàng Trong. Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật Tuồng bắt đầu manh nha hình thành từ thời Trần với ba điều kiện đã chín muồi. Trước hết là nghệ thuật ca, múa, nhạc và diễn trò phát triển; hai là có sự tác động của hí khúc Trung Quốc qua hiện tượng Lý Nguyên Cát; ba với sự xuất hiện của bộ phận văn chương chữ Nôm, Tuồng cứ thế hình thành nhưng có phần chậm ở các thế kỷ XV - XVI. Từ thế kỷ XVII, Tuồng bước vào thời kỳ phát triển để dần hoàn thiện.

Nội dung của Tuồng cung đình là những chuyện xảy trong đời sống cung đình, dù có những lớp xảy ra ở biên ải, ở gia đình các vị quan lại, thậm chí ở một quán ven đường, ở núi rừng hay sông suối, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ những chuyện cung đình - những chuyện “Quốc gia đại sự”.

2.3. Nghệ thuật diễn xướng của Múa hát cung đình

Múa cung đình Huế có từ đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ là người đã có công chỉnh sửa các điệu múa cung đình trước và bước đầu xây dựng múa cung đình Huế cùng với những cơ sở đào tạo nhạc công, vũ công cho loại hình nghệ thuật này. Tương truyền, ông là người đã sáng tác một số điệu múa cung đình như: Song quan, Nữ tướng xuất quân và Tam quốc Tây du... Sách Những đại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam đã chép:

“... Đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Lộc Khê Hầu lập ra Hòa Thanh Thự chuyên luyện tập ban vũ nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh Thự gồm 3 đội, mỗi đội có một suất đội và 120 người lính thuộc quyền viên phó quản. Vũ sinh tuyển cả nam và nữ. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về múa hát. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đội múa hát cung đình gọi là Tiểu hầu gồm khoảng 40 - 50 vũ công.

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Việt Tường đội đổi tên thành Thanh Bình Thự, gồm có: 1 thự trưởng, 1 Phó quản, 3 Chánh phó đội, 6 quyền suất đội và 121 người lính. Vua còn tuyển chọn 50 nữ nhạc múa hát dâng rượu.

Năm Thành Thái nguyên niên (1889), Thanh Bình Thự được mang tên Võ Can đội gồm 120 người lính, về sau lấy thêm 20 Đồng ấu.

Năm Khải Định nguyên niên (1917), Võ Can Đội tuyển thêm 30 Đồng ấu”2. Dưới thời vua Khải Định, đoàn đổi tên là Ba Vũ (múa hoa) và được duy trì đến năm 1945.

Nghệ thuật diễn xướng của Múa hát cung đình mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Trong múa hát cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu múa: Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khánh, Phụng vũ, Tứ linh, Phiến vũ... Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn.

3. Nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, những giá trị di sản trong thời kỳ hội nhập

3.1.
Giải pháp bảo tồn và phát huy

Nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, có các thể loại: Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình đã từng tồn tại dưới các triều đại phong kiến Việt Nam và phát tích rực rỡ dưới thời Nguyễn. Do đó, việc tìm ra giải pháp bảo tồn và quản lý các di sản văn hóa của nghệ thuật diễn xướng cung đình khi nó đã được sưu tầm, nghiên cứu và chuẩn hóa là một vấn đề nan giải đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý... Theo chúng tôi, chúng ta cần có một giải pháp cụ thể, một chế tài cụ thể khi khôi phục, trình diễn giới thiệu đến công chúng để làm sao những giá trị di sản văn hoá của nghệ thuật diễn xướng cung đình không bị “tam sao thất bản” trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của nó.

Theo văn bản pháp luật quốc tế, do UNESCO ban hành ngày 17/10/2003, thì “Di sản văn hóa phi vật thể” được định nghĩa như sau: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của Công ước này, chỉ xét đến những di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện Quốc tế hiện hành về quyền con người, cũng như những yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân, và về phát triển bền vững”3.

Như vậy ở đây, nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế được hiểu là nghệ thuật trình diễn đi kèm với các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng... Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và các các loại hình của Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình cần được bảo tồn theo định hướng như yêu cầu trên. Do đó, chúng ta cần hoạch định một giải pháp chiến lược có tính quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của các bộ môn nghệ thuật này. Đó là sự phối hợp đồng bộ công tác nghiên cứu, đào tạo và biểu diễn của các cơ sở văn hóa tại Huế nói chung, tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) nói riêng, nhằm giải quyết từng bước từ khâu phục hồi, tái tạo, đào tạo… đến phương thức bảo tồn và phát huy.

Sau khi đào sâu nghiên cứu các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, chúng ta cần thực hiện các bước nghiên cứu kế tiếp, đó là tổ chức tập huấn, mời các nghệ nhân có kinh nghiệm trình diễn, rồi trao truyền các bí kíp nghề nghiệp cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này một cách có hiệu quả, chúng ta cần có sự đãi ngộ xứng đáng để những người thực hiện có trách nhiệm và tận tâm với công việc của mình.

Cần có định hướng một cách cụ thể để các nhạc công, diễn viên đang trực tiếp biểu diễn loại hình nghệ thuật này có ý thức gìn giữ tính nguyên bản của các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình. Trong đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình Huế trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của thời đại công nghệ kỹ thuật số. Đẩy mạnh việc thể chế hóa quan điểm trong việc nhận thức về các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan và xây dựng một một quy chế cụ thể trong việc quản lý, sử dụng và khai thác những hồ sơ khoa học, những bài bản Nhã nhạc, những vở Tuồng cung đình, những vũ khúc cung đình mà chúng ta đã sưu tầm được.

3.2. Những định hướng mang tính bền vững

Để tiếp tục duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế trên quy mô lớn hơn, nghiên cứu sâu rộng hơn và mang tính bền vững hơn, chúng ta cần:

- Tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, các thế hệ kế cận cận là con cháu của các nghệ nhân cung đình đã từng trình diễn loại hình nghệ thuật này; tiếp tục đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc để bổ sung và cập nhật không ngừng trong các chương trình nghệ thuật đang diễn ra hàng ngày tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế).

- Mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của Triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế.

- Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể vùng Huế để tập trung được các nguồn lực trong tỉnh, nguồn đầu tư của chính phủ và nguồn tài trợ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế.

Với thế giới, những giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế hầu như vẫn còn là một dấu hỏi lớn, một kho tàng bí ẩn mà giới nghiên cứu đang còn quan tâm, tìm hiểu. Ngoài là vốn quý, tài sản của dân tộc, di sản này còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình diễn xướng cổ xưa còn sót lại. Việc đưa ra một số định hướng cho tương lai nhằm bảo tồn những giá trị này trong xã hội đương đại tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn nếu chúng ta thực hiện được, thực hiện đúng, thì tất yếu sẽ thu được những kết quả đúng như mong đợi.

4. Kết luận

Triều đình Nhà Nguyễn đã cáo chung, các loại hình nghệ thuật diễn xướng của cung đình Huế cũng mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy, các nghệ nhân cung đình tản mác mỗi người một nơi, những kỹ năng và bài bản thường được trình tấu trong chốn cung đình được họ “chỉnh sửa” để hòa nhập một cách phù hợp với môi trường diễn xướng mới - môi trường diễn xướng dân gian. Chính điều này, đã làm “tam sao thất bản” những vũ khúc, những bài bản, những vở tuồng đã từng chỉ dành riêng cho chốn cung đình.

Năm 2003, sau khi Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, thì những giá trị về di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế mới được quan tâm. Với mục đích đưa các giá trị di sản này trở lại với những gì nó vốn có, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng các hồ sơ khoa học, cũng như nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức,… Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa hát cung đình được đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) và Nhà hát Minh Khiêm Đường (lăng vua Tự Đức) để nhằm mục đích giới thiệu, quãng bá rộng rãi những giá trị di sản này đến với công chúng.

Mặc dù đã sống lại nhưng do đã nhiều năm mai một, bị lãng quên, nên để bảo tồn và đưa các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế một cách đúng nghĩa vẫn còn cực kỳ rất khó khăn. Bởi rằng, các nghệ nhân cung đình nắm giữ những bí kíp nghề nghiệp của loại hình nghệ thuật diễn xướng này đã không còn nữa, và hậu thế của họ cũng chỉ tiếp nhận được một cách chưa thực sự trọn vẹn. Ngoài ra, do những tác động khách quan cũng như chủ quan đã khiến nhiều tài liệu, nhiều văn bản đã bị thất lạc mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa truy tìm lại được.

Vì thế, để cho sức sống của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế thực sự trọn vẹn chúng ta cần kêu gọi các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ có tài cùng chung sức và những kho tàng văn bản bị hư hỏng, thất lạc đâu đó được tìm kiếm, giới thiệu trở lại. Chỉ có như vậy, những giá trị di sản này mới có thể trở về nguyên bản và phát triển hết tất cả những vẻ đẹp vốn có của nó.

T.B  
(SHSDB36/03-2020)

--------------
1. Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia Viện Sử  học (2004), Nội các triều Nguyễn Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, tập V, quyển 137 - quyển 178, Nxb. Thuận Hóa, Huế, quyển 138, trang 52.
2. Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề (1992), Những đại lễ và  vũ khúc vua chúa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, trang 108 - 109.
3. UNESCO, Văn bản pháp luật quốc tế, Website Cục  di sản văn hóa, ngày 17/10/2003, ngày truy cập 04/10/2018, http://dch.gov.vn/pages/documents/preview. aspx?id=156&cateid=96



Tài liệu tham khảo:

1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Phan Thuận An (2003), Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hóa và du lịch ngày nay, Sông Hương, Số 167.
3. Ban Tu Thư Nghĩa Thục (1999), Từ điển Hán Việt, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội.
4. Tôn Thất Bình (1994), “Một số đặc điểm của lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 3 (117).
4. Tôn Thất Bình (2006), Tuồng Huế, Nxb. Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
5. Trương Trọng Bình (Chủ nhiệm đề tài) (2010), Hồ sơ khoa học “Điều tra và lập danh mục Hồ sơ khoa học các nghệ nhân, nghệ sĩ tiểu biểu về nhã nhạc, tuồng, múa cung đình ở Huế và các vùng phụ cận”.
6. Trương Trọng Bình (2013), Sân khấu truyền thống Huế, dưới góc nhìn hiện tại, Tạp chí Sông Hương, số. 291/5-13.
7. Trương Trọng Bình (chủ nhiệm đề tài) (2014), Hồ sơ khoa học “Hệ thống vũ đạo Tuồng Huế”.
8. Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề (1992), Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
9. Đỗ Bằng Đoàn & Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam Ca trù biên khảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Duy Hồng (1986), Truyền thống sân khấu Huế, Nxb. Bình Trị Thiên, Huế.
11. Hoàng Châu Ký (1973), Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
12. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn Học, Hà Nội.
13. Văn Lang (1983), Ca Huế và ca kịch Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
14. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Sử học (2004), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Tập IV, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
15. Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia Viện Sử học (2004), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, tập V, Nxb. Thuận Hoá, Huế.
16. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam (2002), Âm nhạc cung đình Huế, Kỷ yếu hội thảo, Huế.
17. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (2000), Bảo tồn và Phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Tuồng Huế.  



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng