PHẠM TRƯỜNG THI
Trong số các nhà thơ thời tiền chiến người quê gốc Nam Định, có ba nhà thơ mặc dù khác nhau là không được sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một miền đất nhưng họ lại rất giống nhau là đều khóc tiếng khóc chào đời nơi vùng đồng chiêm trũng, nghĩa là nơi được xem là những cái rốn nước của tỉnh Nam Định.
Đó là nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ra tại xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, nhà thơ Nguyễn Bính tại xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản và nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải tại xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc. Những địa danh đồng chiêm trũng từ lâu đã hằn sâu trong tâm thức của con người về sự đói nghèo truyền kiếp. Đất: năm hai vụ chiêm khê, mùa thối. Người: sống ngâm da, chết ngâm xương. Điều tôi muốn nói đến ở đây là những vùng đất sản sinh ra con người. Thực tế, đất nào thì đẻ ra người ấy. Địa linh thì mới có nhân kiệt. Như cách nói bây giờ là môi trường sinh thái. Môi trường sinh thái ảnh hưởng rất lớn đến đời sống mọi mặt của con người, không chỉ bởi dáng vóc, màu da, nếp sống, lối sinh hoạt hàng ngày mà sâu xa hơn là nếp nghĩ, cách tư duy trước trực quan sinh động. Cụ thể là những con người được sinh ra ở những vùng đất khắc nghiệt hầu hết đều có đức cần cù chịu khó lao động và hiếu học. Bởi chỉ có con đường học hành mới nâng cao được tri thức để vượt lên, thoát ra khỏi thực tại nghiệt ngã để kiếm tìm một cuộc sống khả dĩ tốt đẹp hơn. Ba nhà thơ mà tôi vừa nêu tên cũng không ngoại lệ. Họ đều rời quê hương bôn ba khắp chốn từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc liên miên, liên miên suốt cả cuộc đời. Và thực tế đã chứng minh dù đi đâu, ở đâu giàu có hay nghèo hèn họ đều mang nặng lối sống, nếp nghĩ của miền đất sinh thành, lòng luôn canh cánh hướng về quê hương bản quán với bờ tre, bến nước, dòng sông, con đò. Chính vì lẽ đó những hình ảnh quê quen thuộc luôn luôn xuất hiện trong thơ của họ với tần suất rất đậm đặc.
Trong ba nhà thơ “đồng chiêm” đó có lẽ nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải là người mải miết nhất đối với cuộc hành trình đầy cam go, trắc trở của mình. Năm 20 tuổi ông đã rời vùng đồng chiêm trũng làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định của mình để đến với đô thành Hà Nội rồi lang bạt khắp chốn Bắc Trung Nam. Nhưng với Trần Tuấn Khải sự ra đi không hẳn chỉ để tìm kế mưu sinh và để cho: “... phỉ chí tang bồng... ” mà lịch sử đã chứng minh sự ra đi của ông mang một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Ông, một nhà nho yêu nước thương nòi khát khao muốn được truyền tải đến mọi người tấm lòng của ông, cầu mong góp một tiếng nói nhằm thức tỉnh dân tộc đang chìm trong thảm họa mất nước. Chỉ thẳng ra rằng hiện mọi người đang sống trong hòa bình đấy, nhưng là thứ hòa bình thuộc địa, bị xiềng xích, kìm kẹp với nỗi nhục làm thân nô lệ, kiếp tôi đòi của chế độ thuộc địa Pháp. Kêu gọi mọi người hãy tỉnh dậy, đến với nhau để cùng chung sức, chung lòng phá tan xiềng xích, đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.
“Ai ơi sao chẳng tìm nhau tá
Mà đỡ cho nhau gánh nợ đời”
(Nhớ ai)
Nợ đời ở đây theo ông là nợ với non sông, đất nước. Hai câu thơ này xem như là lời hiệu triệu của Á Nam Trần Tuấn Khải.
Là người được sinh ra trong một gia đình nho học truyền thống, cha của Á Nam Trần Tuấn Khải là Trần Khải Thụy đỗ cử nhân tại trường thi Nam Định. Năm 12 tuổi Á Nam đã được cụ thân sinh dạy cho biết làm đủ các thể thơ và được mẹ truyền cảm tình yêu quê hương đất nước qua những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu hát dân ca nơi thôn giã, khiến ông có đầy đủ vốn liếng làm hành trang vào đời.
Á Nam Trần Tuấn Khải ý thức được về trình độ học vấn cũng như tài thơ của mình và ông đã dùng nó làm phương tiện hữu hiệu chuyển tải lòng yêu nước, căm thù giặc của mình đến với mọi người. Chính Á Nam cũng đã thừa nhận: “Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi”.
Thực tế ngay từ bài thơ đầu tiên: “Tiễn chân anh khóa xuống tàu”, từ tập thơ thứ nhất: “Duyên nợ phù sinh 1” (Xuất bản năm 1921) cho đến những bài thơ viết cuối đời, ông đã tận dụng triệt để phương tiện hết sức sắc bén này để truyền bá tinh thần yêu nước thương nòi, cổ vũ mọi người trong Nam cũng như ngoài Bắc, đồng lòng đứng lên giành lại non sông.
Như đã nói ở trên, vì xuất thân từ một vùng quê chiêm trũng nghèo đói, nhà thơ đã sống và thấu hiểu tận cùng nỗi thống khổ của người nông dân, do vậy những tác phẩm của ông được viết ra từ tình yêu thật, người thật, cảnh thật nên đã chiếm được sự đồng cảm của đông đảo công chúng và công chúng đã yêu thơ ông, mến mộ ông. Đặc biệt là đã nghe theo lời ông, chia sẻ cùng ông nỗi niềm của một người dân mất nước.
“Coi lịch sử gương kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay xẻ nghé tan đàn vì ai?”
(Hai chữ nước nhà)
Á Nam Trần Tuấn Khải giỏi cả chữ Tàu và chữ Tây. Ông đã bỏ không ít thời gian nghiên cứu và thấu hiểu các trường phái, các xu hướng văn học trong cũng như ngoài nước thời đó, nhưng ông không sa đà vào câu chữ chứa đựng những triết lý bí hiểm cao siêu hay kết cấu hình thức phức tạp mà chọn một cách viết rất “nôm” thuần Việt. Bằng những vần thơ với câu chữ bình dị, gần gũi đời thường, dễ đọc, dễ thuộc và dễ quảng bá, qua những câu hát, những làn điệu dân ca, hò vè để chuyển tải tư tưởng lớn của mình đến với quảng đại quần chúng. Đây là cách chọn tốt nhất. Ông khai thác các đề tài quen thuộc về tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng, nghĩa xóm, nghĩa đồng bào, lòng thủy chung nhân ái đó là nếp sống, đạo đức của dân tộc. Đặc biệt dùng các tích xưa trong việc dạy dỗ con cái, về đạo trung hiếu, các tấm gương yêu nước của các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Trãi... để lồng tư tưởng lòng yêu nước đến với người đọc. Một cách làm kín đáo, tế nhị khiến cho kẻ thù khó viện cớ bắt bẻ, gây khó dễ.
Nhà thơ Nguyễn Vỹ tâm sự, ông say xưa với dòng thơ kiểu đó của Á Nam Trần Tuấn Khải và đã học thuộc lòng nhiều bài từ nhỏ. Còn nhà thơ Xuân Diệu nói đã chép rất nhiều bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải vào sổ tay và xem đó như vật quý báu dùng hàng ngày vì đó là tiếng gọi của lương tâm.
Quả là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải đã tác động không nhỏ và khơi dậy lòng yêu nước của nhiều tầng lớp quần chúng từ tầng lớp bình dân đến các bậc học giả trí thức. Thực dân Pháp xem Á Nam Trần Tuấn Khải là một mối họa. Chính vì thế mà chúng đã hai lần ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành, tàng trữ thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải. Đó là tập thơ “Bút quan hoài 1” xuất bản năm 1927 và “Chơi xuân” xuất bản năm 1932. Thực dân Pháp đã bắt giam Trần Tuấn Khải hai tháng tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội với tội danh phá rối trị an, xúi dân làm loạn. Ra tù gặp cảnh tang thương: vợ chết, con nhỏ chết, nhà thơ lập gia đình mới nhưng vẫn không rời cây bút, không nhụt ý chí đấu tranh. Ông xác định với chính mình mà cho cả mọi người:
“Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hi sinh thân thể cũng vì nước non”
(Hai chữ nước nhà)
Cuộc đời của Á Nam Trần Tuấn Khải là một cuộc hành trình gập ghềnh đầy gian nan vất vả, khi ra Bắc, khi vào Nam, lúc định xuất dương nhưng không thành lúc lại sa vào vòng lao lý. Lòng yêu nước đã dẫn ông nhiều lần đến gặp liên hệ với các nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Trinh Nhất, Hoàng Tích Chu, Trần Huy Liệu... Khi dạy học, khi làm báo, làm biên tập ở điều kiện, hoàn cảnh nào Á Nam Trần Tuấn Khải cũng không rời cây bút sáng tác thơ chuyển tải đến mọi người lòng yêu nước thương nòi. Năm 1966, ông đã cùng một số trí thức tiến bộ Sài Gòn trực tiếp ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để vãn hồi hòa bình cho đất nước.
Gần một thế kỷ hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác, Á Nam Trần Tuấn Khải đã để lại cho đời một kho tàng văn học khá khiêm tốn với: 9 tập thơ, 3 tập tiểu thuyết, 1 kịch bản, 3 tác phẩm dịch thuật. Tiếc rằng còn một số tác phẩm có giá trị khác của ông nhưng do vì chiến tranh loạn lạc bị thất thoát. Trong các loại hình nghệ thuật Á Nam Trần Tuấn Khải thường sử dụng thì thơ nổi trội hơn. Thơ là thế mạnh của ông vì đã được đông đảo công chúng ghi nhận, ngưỡng mộ và chính thơ làm nên tên tuổi của ông.
Ngay từ buổi đầu Á Nam Trần Tuấn Khải đã tâm nguyện:
“Góp cùng tiên tổ lưng bầu huyết
Gửi tới sơn hà một áng văn”
Và nhà thơ đã làm được điều đó.
P.T.T
(SHSDB36/03-2020)