Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Giọng hát
09:12 | 14/05/2020

TRƯƠNG QUỐC TOÀN  

Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.

Giọng hát
Ảnh: internet

Những nhạc công trong đoàn nói với nhau không có ai trong đoàn hát khiến họ thấy yên tâm và thoải mái như khi đệm đàn cho Hoàng Trang. Còn kép trong đoàn nói giọng hát của Hoàng Trang phù hợp với các vai đào thương dù có những khi Hoàng Trang thử diễn qua các vai đào độc, đào lẵng giọng hát ấy vẫn đủ khả năng đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như mong muốn. Từ khi kép Hoàng Long - chồng Hoàng Trang rời đoàn đi khi hết hợp đồng dù họ là cặp đôi đào kép diễn ăn ý nhau ít có ai bằng. Hoàng Long đi, Hoàng Trang vẫn ở lại diễn cùng kép nhì Hoàng Nam được đôn lên đóng thế. Người ta ngờ rằng vợ chồng Hoàng Long - Hoàng Trang đã có rạn nứt. Là người của công chúng nên Hoàng Trang chỉ mỉm cười nhẹ khi người ta nói Hoàng Long đi theo tiếng gọi của cô đào trẻ đẹp đoàn Tiếng Hát Sông Cửu. Người trong giới hay nói hai vợ chồng cùng hát chung đoàn rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Làm sao có thể chấp nhận nổi khi nhìn người vợ, người chồng trong vòng tay người khác. Dù khoảnh khắc ấy chỉ là tích tắc trên sàn diễn nhưng cũng có khi “phim giả, tình thật”.
 

Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Hoàng Trang ngân nga những âm “a” đứt quãng trong bài “Lý giao duyên”. Bài lý có tên “giao duyên” nhưng đôi khi chẳng có liên quan gì đến nội dung. Bài hát trong vở Trương Chi hôm nay cũng vậy. Đó là tiếng lòng nức nở của nhân vật chính

“Tiếng sáo của… ai
Gợi lòng nhớ… mãi
Tiếng sáo liêu… trai
Khuất nẻo sông buồn
Tiếng sáo Trương Chi
Đã theo ta theo giấc mơ dài
Để đêm ngày thao thức vấn vương
Trương Chi chàng giờ biết nơi nao”


Hoàng Trang điêu luyện kết hợp kỹ thuật ca ngắt nhịp nghe như có tiếng nấc để rồi cuối bài lý vỡ òa cảm xúc. Lớp diễn đó đạo diễn đoàn muốn tăng tính tương tác của người nghệ sĩ và khán giả nên đã cho nhân vật Mỵ Nương lang thang trên bờ sông vắng ngóng thuyền Trương Chi. Biên độ bờ sông mở rộng xuống hàng ghế khán giả. Hoàng Trang choáng váng khi bất chợt nghe một câu bình phẩm của khán giả ở hàng ghế thứ hai. Lời bình đó chạm đến tận cùng nỗi tự ái nghề nghiệp của một người nghệ sĩ.

Tận đáy lòng Hoàng Trang biết vì sao Hoàng Long ra đi. Tình yêu đích thực sẽ khác những cái hình như là tình yêu hoặc chỉ mang màu sắc tình yêu… Điều Hoàng Long cần cô không thể có. Đó là mãi sau này. Còn những ngày đầu cô cứ ngỡ bằng tấm chân tình của mình dành cho anh, hai người sẽ có một hạnh phúc tốt đẹp như các tuồng cải lương. Bởi khán giả của cải lương rất chân chất mộc mạc họ luôn có niềm tin vững chắc ở hiền gặp lành. Những vở nào kết không đúng mô típ đó họ sẽ cảm thấy lòng tin bị phản bội khủng khiếp… Nhưng đời thật có bao giờ như một vở cải lương.

*

Hoàng Long rời khỏi đoàn Tiếng hát Sông Vàm như một sự trốn chạy. Những buổi tối sau vãn hát, anh ngồi nhậu cùng những kép diễn chung và những anh em hậu đài.

Anh thiệt may mắn khi cưới Hoàng Trang. Anh hậu đài buột miệng nói. Ảnh thiệt lòng nói vậy thôi vì say bí tỉ rồi còn ai biết lựa lời để trêu chọc nhau nhưng Hoàng Long cứ nghĩ là anh hậu đài mỉa mai.

Đừng nhắc đến cô ấy nữa.

Tôi muốn được yên.

Tôi đã lầm…

*

Hoàng Trang ngồi trước bàn trang điểm. Lớp phấn son trôi đi. Cô trở lại là chính mình. Một con người hết sức bình thường. Nước mắt cô chảy… Tự thấy tủi thân. Bao năm miệt mài trong nghề vẫn chưa cho cô một vị thế đặc biệt trong lòng khán giả, trong lòng bạn diễn. Ca hay. Diễn giỏi. Xinh đẹp. Dám dấn thân chọn những vai diễn khó. Siêng năng. Cần cù. Những tố chất làm nên một ngôi sao cô đều có. Vậy thì vì sao?

Mới nãy thôi, khi đứng trong cánh gà chờ ra sân khấu, Hoàng Nam tặc lưỡi: Tiếc là Hoàng Trang còn thiếu một chút để đạt đến vinh quang.

Điều gì vậy anh? Hoàng Trang phấp phỏng hỏi lại.

Lẽ nào Hoàng Trang thực sự không biết.

*

Hoàng Long nằm lim dim nhớ. Khi không lại đùng đùng bỏ đoàn đi. Hoàng Trang không có lỗi với sự ra đi của chồng như lời đồn đoán. Hoàng Long ra đi vì một lý do tế nhị. Anh bảo hai vợ chồng không thể tiến xa nếu cứ diễn cùng đoàn. Nghề này lạ lắm nếu là vợ chồng ngoài đời lên sân khấu diễn cảnh yêu đương nhau khán giả cũng chán vì thấy rõ ràng là họ diễn dù đã hết sức cố gắng để hóa thân cho nhân vật. Ai cũng biết hai người là vợ chồng mà trên sân khấu diễn đi diễn lại cảnh thẹn thùng e ấp khi nói lời yêu.

Nhưng lý do thật sự để Hoàng Long ra đi không nằm ở đó.

*

Hoàng Long từng yêu say đắm cô đào Lệ Hoa Hoa. Hồi đó Hoàng Long vào nghề hơn hai năm. Anh đóng kép nhì. Trong tuồng hát kép nhì Hoàng Long yêu nhân vật do cô đào Lệ Hoa Hoa diễn. Yêu một cách đơn phương. Những lớp tỏ tình trong vô vọng, Hoàng Long rút hết những tâm sự ngổn ngang trong lòng thổ lộ. Lệ Hoa Hoa làm như không biết. Cô cứ đúng tinh thần vai diễn mà làm. Ai trách gì được cô. Cô có nguyên tắc bất di bất dịch vai diễn là vai diễn. Vãn tuồng cô trở lại là Nguyễn Thị Mai. Cô không để cho nhân vật có cơ hội lẩn khuất vào trong cô dù chỉ một giây. Sân khấu là sân khấu. Đời là đời. Không nhập nhằng. Và tuyệt đối cô không chấp nhận tình yêu của những anh kép đồng nghiệp.

*

Lệ Hoa Hoa!

Mà không Mai ơi!

Chuyện gì vậy anh Hoàng Long!

Lẽ nào Mai không nhận ra tôi đã dành cho Mai một tình cảm chân thành.

Lệ Hoa Hoa đột ngột cắt ngang lời nói như không muốn cho Hoàng Long có dịp giải bày.

Có lẽ anh mới về đoàn nên chưa biết. Tôi không thể yêu người cùng nghề anh à.

Vì sao?

Chẳng vì sao hết. Tôi không muốn nhà có hơn một nghệ sĩ.

Những lời khi nãy còn dự định bày tỏ cùng Lệ Hoa Hoa phút chốc như hóa vàng bay mất. Người trong đoàn nghĩ Hoàng Long yêu Lệ Hoa Hoa là có sự toan tính. Có được tình cảm của cô đào chánh của đoàn phút chốc tên tuổi Hoàng Long sẽ vụt sáng như pháo hoa bừng rực rỡ phút giao thừa.

*

Vừa xuống câu vọng cổ Hoàng Long bỗng nhiên ngưng bặt. Anh không nhớ gì nữa. Trước mặt anh tối sầm như trời ba mươi. Hoàng Trang khi đó đứng trong cánh gà nhắc với ra. Hoàng Long thở phào tiếp tục vai diễn.

Hoàng Trang hiểu Hoàng Long tìm quên mối tình đơn phương qua men rượu. Những cảnh diễn chung đứng gần anh kép mùi rượu xộc vào mũi làm cô khó chịu. Tình yêu Hoàng Long dành cho Lệ Hoa Hoa là chân thật không như sự thêu dệt của người đời. Yêu Lệ Hoa Hoa bằng tình yêu chân thành. Yêu từ giọng hát trong veo, xuống xề vẫn ấm. Tiếng hát ấy như món quà mà tạo hóa ưu ái trao cho cô đào xinh đẹp. Mỗi lần cô ca Nam ai nỗi buồn len nhẹ miết vào lòng người xem niềm thương cảm. Tứ đại oán là lúc cho cô trưng trổ những âm sắc ngũ cung. Lúc bỗng nghe nức nở chực trào, lúc trầm nghe như nỗi buồn được dằn xuống. Giọng hát ấy đã làm bao trái tim người mộ điệu thổn thức. Giọng hát ấy còn là mơ ước của nhiều cô đào trẻ chập chững vào nghề. Những người trẻ vào nghề ấy chưa có gì nổi bật để làm khán giả chú ý. Họ vịn vào đoạn ngân của Lệ Hoa Hoa lúc ngâm. Họ tập cho được đoạn luyến của Tứ đại oán mà Lệ Hoa Hoa được khán giả ưa chuộng. Và trong mọi nỗ lực, họ cũng trở thành một phiên bản lỗi của Lệ Hoa Hoa. Cô đào ấy là ước mơ của bao chàng trai. Cô đẹp mong manh, cổ điển như thiếu nữ bước ra từ những bức tranh thiếu nữ xưa. Giọng hát trầm, làn hơi chắc và đặc biệt làn hơi ấy, giọng ca ấy không lẫn vào ai. Mỗi khi cô cất giọng thì dù trên sóng phát thanh không thể nhìn thấy hình hài vẫn có thể nhận ra cô qua giọng hát. Với nghề hát vậy là đã chạm tay vào danh tiếng.

*

Hoàng Trang nhận được lời tỏ tình của Hoàng Long khi cả hai trốn chạy khỏi đoàn hát cũ đến một đoàn tỉnh lưu diễn xa. Hoàng Long trốn chạy cuộc tình đơn phương sau những nhiều ngày miệt mài rượt đuổi theo bóng trăng đáy nước. Vô vọng.

Hoàng Trang chạy trốn vầng hào quang rực rỡ của Lệ Hoa Hoa. Xét về sắc cô không thua kém. Xét về tài, cô diễn đa dạng hơn. Nhưng cô không thể bật lên nếu ở đoàn hát đó.

*

Đêm. Trở về ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng nằm khuất nẻo ở cuối con đường vùng ngoại ô thật hẻo lánh. Ngôi nhà trống. Hoàng Long bỏ đi. Ngôi nhà càng quạnh vắng. Hoàng Trang muốn chìm vào giấc ngủ thật nhanh. Nhưng khi nằm trên chiếc giường quen thuộc đầu óc chập chờn không thể nào ngủ được. Người ngoài cuộc cứ nghĩ người nghệ sĩ được diễn trên sân khấu đã là hạnh phúc. Nếu chỉ đơn giản vậy thì Hoàng Trang quá hạnh phúc. Nhưng thực tế ai theo nghề này mà không mơ mình nổi tiếng. Chẳng qua là người ta giấu đi cảm xúc thật của mình. Bởi nghề hát nhìn bề nổi là hào quang tỏa sáng nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã. Số người theo nghề nhiều nhưng số người nổi tiếng được biết mặt biết tên chỉ là ánh sao rơi giữa đêm trường mù mịt. Hoàng Trang khao khát sự nổi tiếng. Nghề này phải nổi tiếng mới có thể tồn tại. Còn như sự tồn tại của người nghệ sĩ có cũng được không có cũng không sao thì có khác gì muối bỏ bể thêm một hạt không làm biển mặn hơn, bớt đi một hạt không làm biển bớt mặn.

*

“Tiếng sáo của… ai
Gợi lòng nhớ mãi
Tiếng sáo liêu trai
Khuất nẻo sông buồn
Tiếng sáo Trương Chi
Đã theo ta theo giấc mơ dài
Để đêm ngày thao thức vấn vương
Trương Chi chàng giờ biết nơi nao”


Lần nào ca tới đây Hoàng Trang cũng nghẹn ngào. Tận sâu trong đáy lòng cô khóc cho chính cô. Chẳng thà xấu như Trương Chi mà có tiếng sáo đặc biệt để Mị Nương dù thấy vọng khi gặp mặt vẫn bị mê hoặc bởi tiếng sáo trầm bỗng, nhặt khoan. Những thanh âm từ bến sông Thương vọng lại gieo vào lòng người bao cảm xúc. Còn Hoàng Trang giọng hát cô cất lên dẫu đúng nhịp phách, dẫu truyền cảm vẫn không làm người ta nhớ tới cô mà lại nhớ về một cô đào khác.

*

Mai! Mai!

Hoàng Trang giật mình thức giấc giữa đêm khi nghe tiếng mớ của chồng.

Mai là ai? Một nhân vật nào đó trong tuồng hát đã len vào tiềm thức của Hoàng Long. Không thể. Mấy năm nay diễn cùng Hoàng Long những nhân vật của cô không có tên Mai.

Hay là gần đây anh đã có cảm tình cùng cô gái tên Mai nào đó. Cũng không có khả năng đó. Đoàn lưu diễn ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Hết giờ diễn Hoàng Long chỉ tụ tập cùng kép trong đoàn và hậu đài uống rượu.

Vậy Mai là ai? Chợt Hoàng Trang tỉnh hẳn người khi nhớ ra Mai là ai.

*

Lẽ nào Hoàng Long vẫn chưa quên người cũ. Chẳng biết anh vô tình hay có ý gì ca đi ca lại câu hát “Ngàn năm thương hoài một bóng hình ai”. Vì ca cổ nên khi ca tân nhạc vẫn còn mang âm hưởng ngũ cung. Ngần ấy năm chung sống lẽ nào anh chưa quên được người cũ. Một mối tình đơn phương. Mối tình đơn phương vẫn chưa đi đến hồi kết ngay cả khi Lệ Hoa Hoa đã lên xe hoa cùng một thương nhân và rời xa ánh đèn sân khấu.

Hoàng Trang nhớ lời của Hoàng Nam bên cánh gà sân khấu đêm diễn đầu thế vai cho Hoàng Long. Người nghệ sĩ rất cần nét riêng biệt để khán giả nhớ về. Đó là điều Hoàng Trang còn thiếu. Không phải vì cô kém tài nhưng tạo hóa có trớ trêu không khi cô cất giọng người ta lại liên tưởng đến một nữ nghệ sĩ khác.

*

Khi Hoàng Trang bắt đầu đến với nghề hát, thầy Ba Đờn kêu ca thử. Ông lắc đầu. Cái lắc đầu của ông làm Hoàng Trang hoang mang mấy đêm.

Cô không dám hỏi cứ kiên nhẫn luyện hát. Khi các bạn diễn trong đoàn ca sai nhịp thầy Ba kêu Hoàng Trang ca để minh họa cho những người khác. Ông khen người này giọng hát đặc biệt, ông khen người kia luyến hay nhưng chưa bao giờ dành lời khen cho Hoàng Trang.

Mãi khi ông không thể theo đoàn vì sức yếu, khi tiễn Hoàng Trang ra cổng về khi cô đến thăm, ông nhắn nhủ: con phải cố gắng nhiều, giọng con phải đặc biệt con mới sống được với nghề.

*

Hoàng Trang cảm thấy tổn thương vì một số người bảo cô cố tình ca giống người nổi tiếng để ăn theo ánh hào quang sẵn có của người khác. Cô ôm trong người nỗi tự ti không thể giải bày cùng ai. Giọng hát của cô là tạo hóa đã ban cho cô không hề bẻ giọng để cố tình hát giống một ai, dù người đó là ngôi sao sân khấu đang được nhiều người săn đón. Cô muốn được cất tiếng hát của riêng mình, không trong trẻo cũng không sao, không mượt mà cũng vẫn được nhưng là riêng, là đặc biệt để khán giả nhận diện ra giữa vô vàn đào hát khác.

*

Hoàng Trang thu dọn đồ diễn để trở về nhà. Đêm đông đặc không một vì sao. Hoàng Trang không thấy cô đơn. Người nghệ sĩ nào không cô đơn. Cô đơn là điều cần thiết như xúc tác nuôi dưỡng sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nước mắt chảy. Cô nhớ khi nãy vừa vào trong cánh gà nghe hai người trong đoàn nói chuyện với nhau họ không hay Hoàng Trang đứng phía sau.

Tội nghiệp Hoàng Trang. Tiếng ca quá giống cô đào Lệ Hoa Hoa nên bao năm dù cố gắng mãi không thành sao. Và khi được yêu cũng chính vì giọng ca giống người mà chồng yêu quý.

*

Hoàng Trang không hiểu bằng cách nào mà cô có mặt trên chiếc xuồng tròng trành giữa sông. Lúc vãn hát, cô như người mộng du lướt qua phố xá. Đêm ba mươi không ánh sao trời. Cô không thấy sợ đêm đen, người nghệ sĩ như cô sợ gì cảnh lênh đênh sông nước. Đời nghệ sĩ quá nghiệt ngã nếu không được khán giả nhớ tới. Hoàng Trang ca. Giọng ai oán não nề khi hát Tứ đại oán, giọng da diết khi hát lớp Nam ai, nấc nghẹn cùng Lý giao duyên. Hát như rút hết ruột gan, trút hết tâm sự để hát. Hát lên đi. Ở đây không có ai nghe để mà phán xét giọng hát cô giống cô đào khác. Cô là chính cô, hát bằng con tim, bằng cả tấm lòng. Giọng cô nghẹn lại. Cô không ngờ có lúc cô như chàng Trương Chi cô đơn thổi sáo giữa dòng sông trăng bàng bạc. Mà chàng Trương Chi còn có ánh trăng vàng làm bạn. Cô như người nghệ sĩ độc diễn trên sân khấu. Cô nhớ lần diễn “Độc thoại đêm”, cô là Lý Chiêu Hoàng, ba mươi phút diễn một mình trên sân khấu để tái hiện một Lý Chiêu Hoàng chấp nhận buông bỏ hết tất cả ngai vàng, tình yêu để lui về sống một cuộc đời khác. Giã biệt hết những hỉ, nộ, ái, ố cùng những nhân vật, Hoàng Trang sẽ tìm đến một bờ bến khác. Có lẽ cô phải rời sân khấu dù rất yêu. Như cô đã để chồng bước ra khỏi cuộc đời. Buồn nhưng phải chấp nhận. Dẫu còn nhiều ray rứt nhưng cũng đành chấp nhận. Cô thì thầm vái lời từ biệt vào thinh không mà cô hình dung như trước mặt là bàn thờ tổ. Đêm miên man trôi như một tiếng thở dài. Trời rựng sáng. Hừng đông đỏ một góc trời. Phà chở Hoàng Trang đi về phía thượng nguồn mải miết trôi. Trên phà ồn ả tiếng nói cười. Người đi qua lại tấp nập. Có vẻ không có ai nhận ra cô đào hát. Có sao đâu. Cô có là ai đâu giữa cuộc đời này. Chốc nữa khi phà cập bến cô tiếp một hành trình mới để cô được là chính bản thân mình.

T.Q.T  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Các bài đã đăng