Tạp chí Sông Hương - Số 374 (T.04-20)
Lê Văn Ngăn: Đời và thơ hay là mỹ học sáng tạo luôn đồng hành
15:53 | 15/05/2020

HỒ THẾ HÀ     

Lê Văn Ngăn, sinh ngày 15 tháng 01 năm 1944, tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Học, trưởng thành và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế (1965 - 1975). Là phóng viên Đài Phát thanh Huế (1975 - 1978).

Lê Văn Ngăn: Đời và thơ hay là mỹ học sáng tạo luôn đồng hành
Nhà thơ Lê Văn Ngăn

Sau đó, vì duyên nợ, anh chọn nơi lập nghiệp, sinh sống và sáng tác thứ hai của mình ở Quy Nhơn, Bình Định; nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định (1997-2002). Ông tốt nghiệp Đại học Báo chí; Hội viên Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Hội viên Hội Văn nghệ Bình Định, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Không kể nhiều bài thơ in ở báo, tạp chí trung ương và địa phương đến nay chưa tập hợp và in thành thi tập, Lê Văn Ngăn có 3 tập thơ được ấn hành với 3 thời khoảng khác nhau.

Vào một thời im bóng (Tập thơ - 1974). Đây là tập thơ in bí mật dưới chế độ Sài Gòn, được tuổi trẻ học đường miền Nam rất thích và hưởng ứng vì ý thức công dân và tinh thần yêu nước, phản kháng kẻ thù xâm lược, xứng đáng đại diện cho tâm thức và lòng yêu nước của tuổi trẻ miền Nam lúc bấy giờ.

Kế đến là Viết dưới bóng quê nhà (Tập thơ - 2008), tập thơ thể hiện tiếng nói trữ tình công dân, trữ tình đời tư và thế sự thâm trầm, sâu sắc, giàu trải nghiệm của nhà thơ trên đường biên cuộc sống từ thời chiến chuyển sang thời bình. Ở đấy, mọi vui buồn, ân nghĩa quanh đời hòa quyện vào nhau, tạo thành giọng điệu thơ vừa sảng khoái, tự hào, vừa trữ tình, tự vấn, vừa đề xuất nỗi niềm nhân thế theo cảm xúc và cảm thức riêng của nhà thơ.

Và gần đây nhất là Thơ Lê Văn Ngăn (Tập thơ - 2015), tập thơ tuyển như một kết tinh cả đời thơ Lê Văn Ngăn. Có thể xem đây như một tổng kết bằng thơ về tất cả những hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng theo trục thời gian mà nhà thơ - với tư cách là chủ thể trữ tình tự thuật và chủ thể trữ tình nhập vai một cách chủ ý và nồng nhiệt để viết về quê hương, về đất nước, về con người, về bằng hữu và người thân, về những triết lý, nghiệm sinh cuộc sống một cách chân thành và rung động, tạo thành phong cách thi ca - thi sĩ riêng của Lê Văn Ngăn.

Tất cả những gì thuộc về phong cách sáng tạo riêng đó được Lê Văn Ngăn tóm tắt trong quan niệm văn chương rất nhất quán và tích cực, thể hiện tâm thế và trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà thơ một cách sáng rõ: “Con đường nào cũng vậy, cũng có hai chiều. Nhưng dòng thời gian, chỉ một chiều đi tới và không ngừng chuyển tải mọi việc về một quá khứ lãng quên. Làm sao có thể vạch được chiều âm trên dòng thời gian để ngược đường tìm lại những ký ức và làm phong phú hiện tại của cuộc đời bằng những ký ức ấy? Giải đáp của câu hỏi này hình như chỉ có thể được thực hiện bởi những người làm văn học nghệ thuật. Một mối tình đã mất, một thời tuổi trẻ đã qua rồi, những biến động lịch sử… tưởng đã khuất bóng dưới bàn tay xóa hết dấu vết của thời gian, nay lại tái sinh trong tác phẩm văn học nghệ thuật.

Có phải văn nghệ sĩ là người đối nghịch với sự tàn phá của thời gian? Là người lưu trữ những di sản của con người? Là người cung cấp những thông tin nhân văn mà không một chiếc máy vi tính nào có thể cung cấp nổi” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần IV, Nxb. Hội Nhà văn, 2010).

Toàn bộ thi giới Lê Văn Ngăn chính là cụ thể hóa một cách sinh động và đa dạng cho quan niệm đó. Thơ trước hết và trên hết phải là tiếng nói trực tiếp, chân thành của trái tim nhà thơ với tình yêu của chính mình và tình yêu cuộc sống. Nhờ vào cuộc sống và con người để nhận ra chính mình là quy luật và cũng là kinh nghiệm sống của mỗi phận người:

Em ơi, người bạn đời ơi
nếu chỉ một mình, anh không thể nhìn ra sự thật
Xin em hãy áp sát vẻ đẹp vào tâm hồn giá lạnh của anh
để anh biết cuộc đời vẫn mạnh hơn sự chết.

            (Cảnh tượng)

Nhà thơ sống trong sự sống thật của cuộc đời, rất cụ thể như những gì vốn có ở sự vật và hiện tượng, không thể giả tạo và tự đánh lừa cảm giác của chính mình:

chúng tôi bắt đầu sống một cuộc đời không trừu tượng
không rộn ràng bằng tiếng vỗ tay trong rạp xiếc
không đẹp như bóng người trong các văn bản
chúng tôi sẽ sống và chết như một cảnh vật
không màu sắc

            (Trên những dấu rạn vỡ)

Muốn vậy, nhà thơ không thể không dựa vào những điểm tựa và sức mạnh tinh thần bền vững nhất, đó chính là quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ, nơi cội nguồn của sự bắt đầu và sự kết thúc sự sống của mỗi đời người như những dòng sông vẫn chảy từ nguồn về đường chân trời bình yên và giông bão để thanh lọc, để tắm mát hai bờ cây trái:

tôi đã lớn lên bên những dòng sông
thường trở về bên những dòng sông, những cuộc ra đi thất bại
những dòng sông chảy rất xa những thứ tỵ hiềm
chảy rất xa đám anh hùng, những kẻ thừa cơ, những tên ngụy tín
những dòng sông để mặc từng cánh bèo trôi những cành củi mục
những dòng sông chẳng cho tôi biết
giữa lòng người, hận thù ở lại
nơi ấy, những người bạn đi cùng tôi, đã rẽ qua con đường khác
nơi những mái trường im lặng những cây phượng lẻ loi
những bóng mùa thu xao xác
những lá me bay một mình
nơi ấy, trong mịt mù của những ngày nghèo khó, tôi thầm nói
những ngày yêu nhau ấy thật buồn
có lẽ nên bắt đầu lại

            (Bên những dòng sông)

Chính quê hương là nơi khởi đầu và nơi kết thúc một vòng luân hồi đời người để con người nhận ra sự vĩnh hằng của mọi mơ ước sẽ không bao giờ tắt lụi, bởi những gì con người ước mơ và lưu lại sẽ còn mãi trong những hiện hữu không thuộc về họ nữa: “Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao/ nơi tôi muốn được nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc. Bởi vì cái chết, sự từ giã mãi mãi là việc của con người, nhưng những gì còn lưu giữ được lại thuộc về tinh thần của sự sống:

quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới
bầu trời sao
nơi tôi muốn được nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người

            (Sóng vẫn đập vào eo biển)

Thơ Lê Văn Ngăn là thơ của sự sống thật, thơ của những gian khó và hệ lụy của cõi người trên hành trình họ đi tìm tự do, yêu thương và hạnh phúc đích thực. Ở đó, con người phải biết hy vọng: “rực rỡ thường che giấu sau những tường vách hoang tàn/ nên chúng tôi hy vọng những mảnh đời xơ xác”. Dù đời con nhiều mơ mộng, nhưng giấc mộng không được tự xoa dịu và ảo tưởng với chính nó. Hãy đừng bước qua sự thật của lòng tin:

bước ra khỏi giấc mộng, chúng tôi thấy mình như
những người khác.
chúng tôi thấy mình làm bằng những khu vườn, bằng biển
bằng những cánh đồng
lý thuyết là việc của người đóng kịch
nhưng chúng tôi
chúng tôi sống bên ngoài sân khấu.

            (Khu chung cư số 10)

Hy vọng cũng chính được bắt đầu từ đó. Bởi nó được lọc qua năm tháng đời người: “Tôi có trong tâm hồn tôi một chút giá rét/ bao nhiêu năm, qua giá rét và đối cực của mùa đông/ tôi thường lắng nghe tiếng chân mùa xuân bước lại gần/ Từ đấy, tôi tin: cuối con đường tuyệt vọng chẳng phải là sự chết/ nhưng chính là niềm hy vọng” (Tôi có).

Ở đó, tình yêu là năng lực lớn nhất, có khả năng đánh thức lòng tốt và xác tín những chân lý hằng cửu. Tình yêu của người tốt bao giờ cũng giống nhau ở sự sáng suốt đạo đức và sự thành thật của hai trái tim không giả trá, đớn hèn:

Lâu năm, dù chưa gặp lại em
tôi vẫn không nguôi đợi chờ
Đợi chờ với lòng xác tín: giữa cuộc đổi chác của đồng tiền và nhan sắc
tình yêu vẫn là điều có thật trong những người đang cùng chúng ta bước đi trên đường đời.

            (Ký ức nhẹ nhàng)

Chính vì vậy mà trong thơ Lê Văn Ngăn luôn hiện hữu những câu hỏi, những nghi vấn - nghi vấn về cái chết, nghi vấn về lòng tốt, nghi vấn về sự hiện tồn trên cõi thế. Đó chính là cảm thức hiện sinh giúp con người tránh thoát mọi lo âu vô nghĩa trần gian để nhập cuộc vào nhân vị của chính mình và tha nhân một cách thanh thản. Ở đây, một triết lý về nhân cách sống và giá trị sống, chất lượng sống của mỗi cá thể hiện lên:

Các nhà thơ luôn có chữ ký dưới tác phẩm của mình; còn các anh những người cũng tạo ra sự sống, các anh chưa bao giờ ký tên dưới hạt lúa, những bông hoa mới nở.

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Hay các anh cần đến một điều gì cao hơn tên tuổi?

Hay sự lặng lẽ đem niềm vui đến cho những người thân yêu thì đẹp hơn tất cả mọi điều?


            (Một vài câu hỏi bình thường)

Nhưng dù gì, sự sống vẫn cao hơn cái chết. Và tình yêu là thước đo mọi rung động chân thật của con tim. Lê Văn Ngăn đã cảm nhận được sự may mắn của chính mình (hay của tha nhân, cũng thế) là tình yêu ấy “không thể tìm thấy ở thương trường”, mà nó giúp nhà thơ “còn giữ nguyên vẻ đẹp thuở ban đầu. Đó là thơ gan ruột và thơ có ích của Lê Văn Ngăn:

Dọc con đường đời xa tắp ngoài kia
tôi đã nhìn thấy em đi bên cạnh người sống ngược xuôi người chết nằm im lặng
Trên sự sống và sự chết
chúng ta may mắn được đời dành cho một mối tình không thể tìm thấy ở các thương trường.
Tôi sẽ không bao giờ khép lại cánh cửa tâm hồn đã mở
Mai sau, nếu em có dịp trở về lúc tôi đã đi xa
xin đừng quên nhìn vào bên trong ký ức
Nơi ấy,
tôi còn giữ nguyên vẻ đẹp thuở ban đầu.

            (Mở ra một cánh cửa)

Trong toàn bộ thi giới Lê Văn Ngăn, tôi chú trọng đến chất triết lý nghiệm sinh rất đời thường, nhưng rất thấm thía. Vì nó đã được chưng lọc qua bình thông thời gian và sự xác tín của nhân sinh, cả ý thức, tiềm thức lẫn vô thức: “Những người lương thiện chúng tôi không còn hy vọng nào khác/ hy vọng cuộc đời mau sáng tươi lên/ để chiếu sáng những mảnh đời riêng bất hạnh” (Đêm khuya và những đêm khuya). Hoặc: “Kẻ nào tin vào con người/ kẻ ấy sẽ được tin” (Nơi tạm trú và quê hương).

Những triết lý mà Lê Văn Ngăn trình hiện thường được thông qua kiểm nghiệm cá nhân của nhà thơ. Ví như nói về sự bắt đầu, nhà thơ lại nghĩ đến sự bắt đầu khác để làm đầy những kinh nghiệm sống, nhất là để nhìn nhận cái ác và sự vô tâm, tàn bạo của đồng loại trước những số phận bé nhỏ và những mảnh đời bất hạnh:

sống không thể không bắt đầu lại
và tôi đang bắt đầu
một nửa đời âm vang bước chân người khuất bóng
một nửa đời kia
hứa hẹn nhiều tiếng kêu không rõ

 
sống không thể không bắt đầu lại
và tôi đang bắt đầu bằng những kinh nghiệm này
khi cưỡng bức, bạo lực nói bằng roi và bằng man trá
khi sợ hãi, bạo lực thổi kèn đồng
dấu chiếc găng tay tội ác

            (Của một người sống sót)

Nối liền hiện tại với quá khứ cũng là cách để đồng hiện và làm sống lại những bài học bi đát mà nhân dân đã trải qua và gánh chịu. Đó còn là cách đi tìm thời gian đã mất theo cách tư duy của Marcel Proust để thức nhận về hiện sinh cuộc đời và cách cứu vãn những bi kịch tinh thần mà con người và có khi cả thời đại phải gánh chịu. Ông mượn bi kịch tinh thần của một nhà thơ thế kỷ trước để nghĩ về những tốt đẹp đang lên ngôi trong xã hội hôm nay:

Nơi cõi vĩnh hằng
mong nỗi cô đơn của ông sẽ được sưởi ấm bằng hơi ấm
đương thời
mong ông giúp quê hương ít gặp những ngày gió bão dọc
đường đời.

            (Nghĩ về một nhà thơ ở thế kỷ trước)

Xúc động khi nhà thơ triết nghiệm về tình phụ tử. Quy luật vĩnh hằng của thời gian chỉ có thể cứu vãn và bất tử chính nó. Nhưng đối với con người, nhiều lúc, nó là một nhà tù ghê gớm, làm cho con người trở thành tù nhân, làm mất đi sự thanh xuân và sự hiện hữu chính mình. Đó chính là quy luật bi đát nhất của sự sống:

có con, cha phải chia bớt tự do của đời mình
rời khỏi những con đường khuya, cha bước vào
ngồi thức bên giường bệnh
con người còn bé bỏng này
cần nắm những bàn tay mạnh hơn
để vượt qua một cơn sốt


Nơi sự thật nghiệt ngã ấy, người cha đã phải “chia bớt cho con một phần tự do, thứ quý nhất trên đời/ và chẳng buộc con trả giá/ trong cuộc sống này/ vẫn có những người sống với nhau/ không cần theo cách đổi chác”. Vậy là, mọi biến động cứ diễn ra theo quy luật tuần hoàn. Con người phải đối diện với chúng như những nối tiếp hạnh phúc. Có vậy, con người mới tiếp tục mơ mộng về những điều hằng cửu trên hành trình quay lại tìm dòng suối ký ức cội nguồn để biết những gì sau khi không còn mình, chúng vẫn tồn tại:

cha cũng không mong con ở mãi bên cha
chim non sẽ đến lúc rời tổ, bay vào trời rộng
con người sẽ đến lúc rời mái nhà mẹ cha, bước theo tiếng gọi
của người tình
quả thật, sống gần nhau trong hôm nay
đã thấy trước một ngày không nhìn thấy nhau


Không nhìn thấy nhau, có nghĩa là con sẽ lớn khôn và tuổi già của cha sẽ đổ bóng xuống thời gian và khi ấy, cha tồn tại “không bằng tuổi tên/ mà như tro bụi”, và theo một ý nghĩa tái sinh, khi ấy, cha có thể sẽ “như ngọn cỏ tàn/ đến tiết sẽ trồi lên” (Chế Lan Viên). Cha tồn tại trong hiện sinh đời con, trong từng khát vọng sống của con. Đó chính là luận đề, là triết lý sống theo cách của Lê Văn Ngăn:

ngày ấy, cha sẽ nhủ thầm: niềm vui cũng thuộc phần kẻ nào đã sinh ra người yêu
mong con đừng làm tắt ngấm niềm vui ấy
nghĩa là đừng rẽ vào con đường của kẻ cướp bóc
đừng uống ly bia làm bằng men bất công và mồ hôi của
người lương thiện.

            (Một người cha đã nói như thế)

Triết nghiệm về sự sống và cái chết thường trực trong thơ Lê Văn Ngăn bao giờ cũng có tính nhân bản và tích cực như thế. Vì vậy mà trong thơ ông, những câu hỏi về cái chết, sự ám ảnh về cái chết luôn xuất hiện:

quả nhiên, mọi con đường đều dẫn vào mộ địa
điều ấy, trên các bậc thềm, trên nhà ga hay trên bến xe
những người mù đã hát
mọi con đường đều dẫn vào mộ địa
điều ấy, những triết gia chưa đi hết con đường
vội vàng đoán ra những vực thẳm.


Nhưng nó không tiêu cực, trái lại, nó nhắc thức con người những gì đồng nghĩa với sự sống và khát vọng tự do:

những bàn tay nâng đỡ ở cuối đường
nhưng chúng tôi trước khi bước vào mộ địa
yêu nhau là điều tự nhiên
làm việc là điều tự nhiên
bất phục tùng kẻ nào đã tước đoạt tự do của người khác
cũng là điều tự nhiên
tự nhiên như đàn chim én sau thời gian đi tìm mùa xuân
đã hồi hương trên dòng sông lấp lánh
tự nhiên như khu rừng tràm sau hồi suy yếu
đã rầm rộ trả lời.

            (Đất của những người bất phục)

Thơ Lê Văn Ngăn là tiếng nói của cuộc đời và là tiếng nói của thân phận con người gần gũi mà ám ảnh như thế.  

Đời và thơ Lê Văn Ngăn luôn đồng hành cùng tình yêu và cuộc sống. Nó được chưng cất từ trữ lượng tâm hồn luôn xúc cảm và thương yêu con người và sâu nặng với quê hương của chính nhà thơ. Vì vậy, nó chính là mỹ học thơ, mỹ học sáng tạo có khả năng đánh thức những tin yêu, trách nhiệm và lòng nhân ái trong mỗi người đọc. Ông đã làm sống lại những gì đã mất, đã phôi pha theo thời gian những tinh chất và tinh hoa của chúng như chính ông tâm niệm nêu câu hỏi và tự trả lời: “Có phải văn nghệ sĩ là người đối nghịch với sự tàn phá của thời gian? Là người lưu trữ những di sản của con người? Là người cung cấp những thông tin nhân văn mà không một chiếc máy vi tính nào có thể cung cấp nổi”. Toàn bộ thi giới Lê Văn Ngăn chính là một phần trữ lượng những di sản tinh thần ấy.

H.T.H  
(TCSH374/04-2020)



 

Các bài mới
Cây hồng vàng (05/06/2020)
Các bài đã đăng
Ký ức Tháng ba (15/05/2020)