Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-20)
Văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế không ngừng đóng góp xây dựng văn học nghệ thuật tỉnh nhà
09:31 | 15/07/2020


CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế không ngừng đóng góp xây dựng văn học nghệ thuật tỉnh nhà
Lễ trao tặng thưởng và tôn vinh văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong năm 2018

LGT: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đóng vai trò hết sức to lớn trong công tác xây dựng và định hướng văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, văn học nghệ thuật tỉnh đã gặt hái nhiều thành quả với đường biên sáng tạo rộng lớn; cụ thể là các giải thưởng vượt qua giới hạn không gian tỉnh Thừa Thiên Huế, giao lưu với các địa phương trong cả nước, khu vực và quốc tế. Mặt khác, quá trình đổi mới của đất nước mở ra những cơ hội, thuận lợi mới cùng những thách thức mới cho sự phát triển văn học nghệ thuật. Cùng với đó, sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật và các thiết chế văn học nghệ thuật. Trong xu thế đó, Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đợt sinh hoạt chính trị nổi bật, quan trọng, góp phần định hướng sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sỹ, mở ra chương mới trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt gắn bó với văn hóa Huế, sự đổi thay về kinh tế - xã hội của vùng đất Cố đô. Phóng viên Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn các Chủ tịch Hội chuyên ngành thành viên, với những chia sẻ tâm huyết hướng tới Đại hội lần này.


Trường Giang: Xin quý văn nghệ sỹ cho biết những chia sẻ của mình về Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp tới?

Nghệ sĩ Văn Thanh (Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Thừa Thiên Huế): Nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (Liên hiệp Hội) bên cạnh thời cơ và thuận lợi cũng có những thách thức, khó khăn. Với Thừa Thiên Huế, là thời kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết 23-NQ/TU ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy về “Xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”, đặc biệt toàn tỉnh đang quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; vì vậy, hoạt động VHNT của tỉnh phải có bước đổi mới, đột phá, chủ động cùng với các lĩnh vực khác để góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Trong Đại hội nhiệm kỳ này, bản thân tôi cũng như nhiều văn nghệ sỹ trong tỉnh đều mong muốn Liên hiệp Hội tiếp tục phát huy truyền thống rất đáng tự hào về một tổ chức tập trung sự cống hiến, sáng tạo và phát hiện các tài năng văn học nghệ thuật, để “mái nhà chung” của các thế hệ văn nghệ sỹ trong tỉnh ngày càng vững mạnh, nồng ấm tình người, tình yêu nghệ thuật và ngập tràn khát khao cống hiến, sáng tạo, để những giá trị nghệ thuật được lan tỏa trong xã hội, được trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Họa sỹ Nguyễn Thiện Đức (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế): Đại hội là cơ hội nhìn lại một chặng đường đã qua. Qua đó, giúp đánh giá chính xác những gì đã đạt được, đã đóng góp và cả những gì chưa làm được cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế. Từ đó tìm ra những giải pháp nhằm hoạch định một chặng đường tiếp theo cho văn học nghệ thuật trong vai trò và sứ mệnh giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn phát triển và hội nhập sâu rộng hiện nay.

Tôi kỳ vọng Đại Hội sẽ là dịp các văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế được lắng nghe, được đóng góp và thảo luận đề ra phương hướng cho một nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 với nhiều điều mới mẻ, nhiều hứng khởi cho sự phát triển của Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhạc sỹ Quốc Anh (Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế): Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sắp tới là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của toàn thể hội viên. Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội và vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020 khép lại với nhiều thành quả đạt được. Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, sự giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các quốc gia đã và đang tác động không nhỏ đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta. Kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới với một Ban Chấp hành đầy năng động, sáng tạo, sát cánh cùng đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình; gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có nhiều tác phẩm, công trình xuất sắc phản ánh về quê hương Thừa Thiên Huế, về con người và đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Thế (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế): Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức trong bối cảnh cả tỉnh đang quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị. Chúng ta biết rằng, trong diễn trình lịch sử của đất nước, Huế là một trong năm kinh đô xưa của Việt Nam. Huế từng được mệnh danh là vùng kinh sư, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng dưới thời Chúa Nguyễn Tây Sơn và triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn xứng danh là một trung tâm văn hóa quan trọng của Việt Nam. Di sản văn hóa Huế đã được các thế hệ cha ông chúng ta dày công gìn giữ, được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Văn hóa nghệ thuật của các thế hệ người dân Thừa Thiên Huế từ thời mở cõi cho đến nay vẫn được gìn giữ phát huy và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ từ các hội chuyên ngành để tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh nhà, đồng thời cổ vũ động viên sự sáng tạo không ngừng nghỉ của anh chị em văn nghệ sỹ. Với mục tiêu “xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”, tôi tin tưởng Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế sẽ tạo sinh khí mới cho hoạt động VHNT trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.

Để hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế được khởi sắc hơn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 tới, chúng ta cần phải tiếp cận nhiều hơn với nhịp sống hiện thực của người dân ở cơ sở. Sự hăng say trong lao động sáng tạo hay nỗi nhọc nhằn của người dân cần được phản ảnh một cách chân thực trong tác phẩm của văn nghệ sỹ. Tác phẩm VHNT hay sẽ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Tác phẩm VHNT sẽ hình thành cầu nối giữa công chúng và văn nghệ sĩ trong quá trình xây dựng con người mới, văn hóa mới, góp phần đẩy nhanh sự phát triển bền vững trên quê hương Thừa Thiên Huế.

NSNA Đặng Văn Trân (Chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh Thừa Thiên Huế): Điều quan trọng trong Đại hội lần này là phải bầu được BCH là những người có đạo đức và chuyên môn tốt, nói đi đôi với làm, có trách nhiệm, có năng lực tổ chức và quản lý, phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chấp hành khóa mới phải năng động hơn nữa, tìm hướng đi mới để nâng cao chất lượng tác phẩm, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sỹ đến với công chúng. Về trụ sở Liên hiệp Hội, văn nghệ sỹ chúng tôi tha thiết cấp trên tạo điều kiện bố trí, ổn định nơi làm việc của Liên hiệp Hội, có nhà lưu niệm, trung tâm trưng bày, triển lãm tác phẩm tranh, ảnh, thơ văn…

Trước thềm đại hội tôi xin thay mặt hội viên mong muốn nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội là nơi hội tụ trở thành một mái nhà chung cho các hội chuyên ngành thành viên, tổ chức nhiều hoạt động sáng tác để có những tác phẩm có giá trị, xứng tầm với đô thị Huế thành phố có nhiều di sản.

Trường Giang: Xin quý văn nghệ sỹ cho biết những ý kiến đề xuất, góp ý với Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025?

Nghệ sỹ Văn Thanh: Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tiếp tục động viên đội ngũ văn nghệ sĩ đẩy mạnh sáng tác, nghiên cứu các công trình lý luận phê bình, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật, gắn kết các hoạt động sáng tạo với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đăc biệt, Liên hiệp Hội cần tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND tỉnh và các ngành liên quan có những giải pháp về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động, đưa văn học nghệ thuật phát triển. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành.

Họa sỹ Nguyễn Thiện Đức: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, Liên Hiệp Hội vẫn là ngôi nhà chung “ấm áp” của các Hội chuyên ngành thành viên, tạo được niềm tin đối với anh em văn nghệ sỹ của 8 Hội chuyên ngành thành viên. Liên hiệp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn đa dạng và khá linh hoạt, tập hợp và thu hút được năng lực sáng tạo nghệ thuật của đông đảo văn nghệ sỹ. Thông qua những hoạt động sáng tác - trưng bày - biểu diễn nghệ thuật, thể hiện tốt vai trò của một tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp. Liên hiệp Hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, định hướng ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm của văn nghệ sỹ trước những đổi thay của quê hương, đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

Trong nhiệm kỳ tới đây, theo tôi, bên cạnh việc duy trì những hoạt động thường kỳ, nên linh hoạt sáng tạo những hình thức hoạt động mới mẻ hơn, phù hợp từng giai đoạn phát triển xã hội và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của cộng đồng. Quan tâm, động viên lực lượng sáng tác trẻ bằng những hoạt động cụ thể. Chú trọng đặc thù của từng Hội chuyên ngành để điều hành, tạo điều kiện kích thích phát triển đồng bộ. Có chính sách giữ vững “thương hiệu” của văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế bằng việc chú trọng đầu tư, hỗ trợ cho những sáng tác “mũi nhọn”, những tác giả tên tuổi và tiềm năng nhằm tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao. Nghiên cứu chiến lược gắn kết văn học nghệ thuật với phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương và trên cả nước.

Nhạc sỹ Quốc Anh: Theo chúng tôi, Liên hiệp Hội cần tập trung thực hiện Nghị quyết 23 Bộ Chính trị (khóa X), Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật. Mục tiêu phấn đấu là phải có nhiều tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc về xây dựng văn hóa và xây dựng con người; Nâng cao chất lượng hội viên, chú trọng tới việc giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức người nghệ sĩ mới. Khuyến khích các trào lưu sáng tác mới bên cạnh việc giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại, tiếp thu tinh hoa của nhân loại để làm giàu cho cái gốc của dân tộc, sắc thái văn hóa của quê hương đất nước. Phải coi việc phát hiện tài năng, nhất là tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ hội viên VHNT Thừa Thiên Huế.

Muốn nền văn học nghệ thuật phát triển, phải giải quyết được mối quan hệ giữa sáng tác và quảng bá, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật; Mạnh dạn đổi mới tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, phê bình lý luận, quảng bá, công bố tác phẩm... trên phương thức phối hợp tổ chức, xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực; Mở rộng mối quan hệ với các tỉnh thành trong cả nước, các nước trong khu vực và quốc tế để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm, công trình VHNT đặc sắc của văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đến với bạn bè trong nước và thế giới.

NSNA Đặng Văn Trân: Chúng tôi có đề xuất các cấp quản lý văn hóa có biện pháp bảo vệ quyền tác phẩm, tác giả; đồng thời các ngành liên quan tạo điều kiện có nguồn kinh phí để xuất bản tập sách ảnh nghệ thuật về Huế nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh thành phố Huế, là thành phố Festival của Việt Nam đến với du khách trong nước và thế giới. Mặt khác, Huế là thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam, có nhiều di sản được thế giới công nhận, có thiên nhiên phong cảnh thơ mộng. Do vậy tỉnh cần có chế tài quảng bá hình ảnh của Huế đến với du khách trong và ngoài nước khi tham quan Huế. Ngoài ra, Hội Nhiếp ảnh có ý kiến đề xuất xây dựng đề án phát triển nơi trưng bày triển lãm ảnh di động, đến với các điểm du khách tham quan, theo từng chủ đề, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh hoạt động của Thừa Thiên Huế.

Trường Giang: Những nhận định của các ông về thành tựu trong 5 năm qua của Hội chuyên ngành mà các ông phụ trách và phương hướng hoạt động của Hội chuyên ngành trong nhiệm kỳ 2020 - 2025?

Nghệ sỹ Văn Thanh: Trong 5 năm qua, lực lượng nghệ nhân, nghệ sỹ Hội Nghệ sỹ Sân khấu luôn say mê nhiệt tình trong nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật, có ý thức chăm lo giữ gìn, phát huy và phát triển những giá trị của bộ môn sân khấu dân tộc, nhiều chương trình đặc sắc đã được giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước qua các đợt sinh hoạt văn hóa, các hoạt động phục vụ các ngày lễ, ngày kỷ niệm của quê hương đất nước, qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, các hội thi sáng tác kịch bản ở các vùng miền và toàn quốc. Đặc biệt, các hội viên Hội NSSK là lực lượng nòng cốt trong các cuộc Festival Huế; Festival Nghề truyền thống Huế để góp phần giới thiệu và tôn vinh nghệ thuật truyền thống Huế trước công chúng với những ấn tượng tốt đẹp.

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới” với trọng tâm: tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò người nghệ sỹ với nhận thức chính trị đúng đắn theo định hướng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự chỉ đạo của Nhà nước nhằm tạo ra các sản phẩm sân khấu có chất lượng nghệ thuật cao; chủ động và tích cực đưa sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, trong đó định hướng đổi mới - sáng tạo và hiệu quả là yêu cầu bức thiết cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu hiện nay.

Trên tinh thần đó Ban chấp hành Hội NSSK tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tập trung ở các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai xây dựng, tạo điều kiện cho các hội viên có sân chơi sinh hoạt, trao đổi sáng tạo nghệ thuật trên tinh thần tự nguyện hoạt động mang tính xã hội hóa, nâng cao vai trò sáng tạo của các hội viên; Đề xuất cho các hội viên tham gia các trại sáng tác kịch bản, lý luận sân khấu của Hội TW và tỉnh tổ chức hằng năm. Tập trung đẩy mạnh, tạo mọi điều kiện đào tạo, nâng cao khả năng sáng tạo, viết kịch bản sân khấu cho lực lượng hội viên trẻ; Phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động của các phân hội, tập trung các hoạt động phục vụ chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của quê hương đất nước, đặc biệt là các kỳ Festival Huế. Đẩy mạnh, nâng cao công tác phối hợp hoạt động sân khấu đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; Bồi dưỡng và phát triển lực lượng nghệ sỹ sân khấu trên địa bàn, nhất là lực lượng sáng tác, nghiên cứu. Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, động viên các nghệ sỹ trưởng thành tiếp tục vươn tới, phấn đấu được công nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú…; Quan tâm thực hiện có hiệu quả việc nắm bắt tình hình hoạt động của các hội viên, các phân hội để có những kế hoạch hoạt động thiết thực, cổ vũ, động viên kịp thời các hoạt động có hiệu quả tốt.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Trong 5 năm qua, với bối cảnh chung của mỹ thuật cả nước, nhiều khó khăn và thách thức nhưng có thể nói Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế vẫn giữ được sự phát triển ổn định, vẫn là hạt nhân qui tụ lực lượng sáng tác đông đảo của tỉnh nhà với nhiều hoạt động sinh động. Tính chất phong trào được thay thế dần bằng tính chuyên nghiệp, thành quả lao động sáng tạo của anh em hội viên được thể hiện ấn tượng qua bảng thành tích các giải thưởng từ quốc tế đến quốc gia, khu vực và trên địa bàn tỉnh nhà. Nhiều tác giả, tác phẩm không ngừng thể nghiệm, khám phá về ngôn ngữ tạo hình cũng như kỹ thuật chất liệu hay bộc lộ xu hướng sáng tác mới mẻ, mang tinh thần mỹ thuật đương đại. Đặc biệt, lực lượng sáng tác trẻ dần khẳng định năng lực vị thế của mình trong nhiều hoạt động mỹ thuật được giới chuyên môn ghi nhận. Các hoạt động trại sáng tác phát huy tốt chức năng gắn kết năng lực sáng tạo với thực tiễn đời sống xã hội đang phát triển từng ngày. Trong 5 năm qua, hoạt động trại sáng tác đã thu hút nhiều lượt hội viên tham gia, tích cực làm việc và nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng đã được ra đời. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Mỹ thuật sẽ tiếp nối những thuận lợi này và phấn đấu đạt được những định hướng đã đề ra trong thành công chung của nhiệm kỳ mới của Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Nhạc sỹ Quốc Anh: Hoạt động của Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra trong giai đoạn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, có nhiều diễn biến vừa thuận lợi, nhưng cũng vừa có những khó khăn. Dựa vào những thuận lợi và tìm nhiều biện pháp khắc phục những khó khăn để vượt qua, Hội Âm Nhạc Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận trong 5 năm qua.

Về sáng tác đã tổ chức nhiều lượt nhạc sĩ tham gia các trại sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế hay Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoặc Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức, ước tính nhiệm kỳ qua có trên 70 lượt nhạc sỹ tham gia, sáng tác gần 150 ca khúc, tiêu biểu là các trại sáng tác về chủ đề “Biển đảo và Quê hương”. Và điều đáng ghi nhận là số lượng sáng tác tác phẩm khí nhạc nhiệm kỳ này nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước, nhiều hội viên đã có nhiều công trình, tác phẩm được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc, giải thưởng của Hội NSVN, Giải thưởng VHNT Cố đô, Giải thưởng Phạm Văn Đồng, cũng như các cuộc thi sáng tác của các tỉnh bạn khác. Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm VHTT thành phố Huế thành lập CLB Kèn Huế.

Công tác tổ chức biểu diễn, công bố tác phẩm luôn được Ban Chấp hành Hội chú trọng. Đặc biệt, nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh và 18 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình ca nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”. Hội Âm nhạc đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Đài TRT, tổ chức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về “Ngày Chủ nhật xanh” và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Sau nửa tháng, Ban tổ chức đã nhận được 28 ca khúc dự thi và hưởng ứng cuộc thi của các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh. Kết quả: 10 ca khúc đạt giải thưởng của cuộc thi và 04 ca khúc hưởng ứng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thưởng, và đã tổ chức tốt đêm tổng kết, trao giải cuộc thi, công diễn giới thiệu các ca khúc đạt giải thưởng của UBND tỉnh về Ngày Chủ nhật xanh.

Trong những năm hoạt động của nhiệm kỳ qua, nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy âm nhạc của cán bộ giảng viên của Học viện Âm nhạc Huế được biên soan công phu, không chỉ có giá trị trong giảng dạy chuyên môn âm nhạc, mà còn có nhiều giá trị về nghiên cứu học thuật âm nhạc và lịch sử âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc truyền thống Huế nói riêng. Các hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình, đào tạo đã góp phần nâng cao vị thế của Hội Âm nhạc trên phương diện chuyên môn sâu và chuyên nghiệp không chỉ ở địa phương Thừa Thiên Huế mà cả trên toàn quốc. Nhiều công trình đã đạt giải thưởng lớn của Hội NSVN, Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI (2013 - 2018)…

Bước vào một nhiệm kỳ mới, phát huy những thành quả về hoạt động Hội Âm nhạc trong Khóa XII nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt là mảng sáng tác và nghiên cứu, phê bình âm nhạc, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn theo hướng đi sâu và có hiệu quả cao (tránh dàn trải mà kém hiệu quả). Tiếp tục hoạt động phối kết hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng (các đài báo trung ương và địa phương), các cơ quan, ban ngành hữu quan để đẩy mạnh việc quảng bá các tác phẩm, công trình xuất sắc của các hội viên đến với công chúng rộng rãi hơn, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động chuyên môn của Hội Âm nhạc nói chung và các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu phê bình và đào tạo nói riêng. Thực hiện tốt công tác hội viên, chú trọng bồi dưỡng thế hệ nhạc sỹ trẻ, thành lập các phân hội ở tuyến huyện nhằm nâng cao hoạt động Hội.

Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoạt động theo phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Năng động - Thiết thực - Hiệu quả, tiếp tục xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế: Mạch nguồn văn hóa, văn nghệ dân gian đã hình thành và gắn bó lâu đời với người dân Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các làng xã vùng nông thôn. Song trong quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật và nếp sống văn minh đô thị, vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đã dần mai một trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Những năm qua, Hội VNDG Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ dân gian, song việc phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Tri thức dân gian ngày càng mai một dần vì các nghệ nhân lớn tuổi liên tục qua đời. Trước thực trạng đó, tôi cảm thấy trách nhiệm của hội VNDG trong những năm tới cần phải phát huy tốt hơn để khai thác một cách có hiệu quả trầm tích văn hóa - văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân để lại. Để làm được điều này, cần phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền ở địa phương, ngành văn hóa, và trực tiếp là những người làm công tác suu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

NSNA Đặng Văn Trân: Hội Nhiếp ảnh đã trải qua một nhiệm kỳ có nhiều thăng trầm, chủ yếu là do bộ máy Ban Chấp Hành có nhiều thay đổi về nhân sự, nên có nhiều bỡ ngỡ trong công tác chuyên môn cũng như tổ chức hội hoạt động. Trải qua thời gian đã ổn định dần nhờ vào sự lắng nghe góp ý của các bác, anh chị hội viên không ngại khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch hàng năm đề ra. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để trang bị máy móc, phục vụ hoạt động của Hội.

Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 đáng được ghi nhận: Có trên 2000 tác phẩm được công bố qua các cuộc thi trong nước và quốc tế, hàng chục tác phẩm đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế; Tổ chức và phối hợp tổ chức với các ban ngành tổ chức 32 cuộc trưng bày triển lãm ảnh trong và ngoài tỉnh được lãnh đạo và nhân dân đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen.

Về phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Nhiếp ảnh tiếp tục vận động hội viên thực hiện chủ đề sáng tác ảnh nghệ thuật “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Phát huy thành tích đạt được xây dựng Hội Nhiếp ảnh một chuyên ngành mạnh có tầm ảnh hưởng rộng nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng tác phẩm ảnh nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, góp phần làm phong phú thêm nét đặc sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Trường Giang: Xin trân trọng cảm ơn quý văn nghệ sỹ.

Trường Giang thực hiện
(SHSDB37/06-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng