Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-20)
Những kỷ niệm khó quên trong đời lính
15:05 | 04/01/2021

PHẠM XUÂN PHỤNG

Một buổi chiều năm 1968, chúng tôi nhận lệnh tập trung tại một khu vườn thuộc làng (nay là phường) Kim Long.

Những kỷ niệm khó quên trong đời lính
Ảnh tư liệu

Khi mọi chiến sĩ đều có mặt, thủ trưởng chỉ nói ngắn gọn “Chuẩn bị hành quân!” Riêng tôi được một đồng chí dẫn đến giao cho một đồng chí khá lớn tuổi, nói nhỏ gì đó tôi không rõ. Chỉ nghe đồng chí kia cười: “Tốt lắm! Nào ta đi!”

Chúng tôi men theo các đường kiệt trong làng qua xóm Hạ Dinh rồi vòng vèo một lúc đến đầu cầu Kẻ Vạn. Tại đó có thêm 3 đồng chí, một người có bộ râu cằm khá rậm, được gọi là Đắc Râu. Đồng chí ấy vỗ vai tôi rồi bảo: “Chào học sinh Huế! Lần đầu đi xa, gắng lên nhé!” Tôi chỉ nói: “Dạ”. Thế là đoàn quân xốc lại quân tư trang (riêng tôi chỉ có tư trang là bộ quần áo học sinh xơ-cua vì chưa phải là bộ đội) chuẩn bị lên đường. Lúc này trời đã tối hẳn, bên kia con sông Kẻ Vạn chỉ thấy mờ mờ ánh lửa, không thấy bóng người. Bỗng nhiên nghe một tiếng rít ghê rợn, đồng chí Đắc Râu xô tôi ngã nhào xuống cái miệng cống rồi nhảy ào theo. Tôi chưa kịp hoàn hồn đã nghe tiếng nổ ầm đinh tai chát óc, ánh chớp lóe chói mắt. Chừng một phút sau, đồng chí Đắc Râu (sau này tôi biết ông ấy còn có biệt danh là Đắc B) lay lay vai tôi rồi hỏi nhỏ: “Cậu có sao không?” “Dạ! Em không việc gì”. “Tốt, ta lên!” Lên khỏi miệng cống, trời đen như mực, tôi cứ lần mò dò dẫm. Chợt đồng chí Đắc Râu chụp lấy tay tôi, quát nhỏ: “Rút lẹ theo tớ! Các đồng chí đâu cả rồi?” Có nhiều tiếng đáp, tiếng rên nho nhỏ.

Chúng tôi đi trong đêm tối, theo con đường đất mờ mờ trong làng Kim Long, Xuân Hòa, rồi lại đi dọc sông Kẻ Vạn. Khá lâu thì đến cầu Lương Hạ. Vừa bước lên cầu, chân tôi dẫm phải một xác người. Hoảng hốt rụt chân lại, bước qua một bên, lại vấp phải một xác nữa. Tôi hoảng hồn vụt chạy vội qua cầu cho kịp các anh lớn. Chẳng biết được đó là xác của ai! Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận được cái chết sát bên mình. Cơn khủng khiếp qua đi, tôi cố gắng chạy theo đoàn người mờ mờ phía trước. Khá lâu mới đến chợ Thông. Tại đó, lần đầu tôi nhận nhiệm vụ.

Đến chợ Thông, đồng chí Đắc Râu bảo tôi gặp một đồng chí trong trung đội vận tải để nhận nhiệm vụ. Vừa nhìn thấy tôi, đồng chí ấy khẽ lắc đầu. Tôi biết rõ ý nghĩa cái lắc đầu ấy và bỗng thấy ngượng nghịu trong người. Đồng chí ấy ngoắt một cô gái thân hình dong dỏng lại rồi bảo: “Đồng chí Xê! Đồng chí đi với “con mèo hen” này nhé!” (Từ đó biệt danh con mèo hen theo tôi suốt mấy năm ở chiến trường). Xê là nữ đồng chí thanh niên xung phong, quê ở làng Long Hồ Thượng, thuộc xã Hương Hồ (nay là phường Hương Hồ), chuyên gánh gồng đã quen, nên tuy thấy tôi “ốm o xo bại” cũng không ngại ngần, bảo: “Cứ theo tôi!” Chúng tôi được ưu tiên chọn một ca thương binh nhỏ người, nhẹ cân cáng đi trước, các đồng chí trong trung đội vận tải chịu trách nhiệm những ca thương binh người cao to, nặng cân hơn. Tôi đi đầu, cô Xê gánh cuối. Trời ơi! Lần đầu đặt lên vai chiếc đòn cáng bằng tre được đẽo vội mấy cái mắt, đau điếng người. Mới bước mấy bước, tôi đã hết sức chịu đựng, rên lên một tiếng. Cô Xê biết ý, bảo đặt cáng xuống, lấy một chiếc khăn vải lót lên vai tôi rồi khích lệ: “Đồng chí gắng lên! Nhiệm vụ cách mạng giao, dù khổ mấy cũng phải hoàn thành!” Đó là lần đầu tiên tôi được một cô gái mới gặp lần đầu mở lời khích lệ động viên, dù sau này còn nhiều lần nữa trong cuộc đời làm chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam, tôi nhận được những lời như thế từ các cựu binh mỗi lúc gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng hầu hết họ là chính trị viên và là đàn ông, thế nên tôi vẫn nhớ mãi lời khích lệ ban đầu ấy của “nữ đồng chí Xê”. Cố gắng hết sức chịu đựng từng cơn đau từ cái đòn tre đang nghiến nát vai, những mảnh đá nhọn chực chờ đâm thủng bàn chân, mặc dù chúng được đỡ bằng hai chiếc đế dép cao su khá dày... tưởng đã tận cùng thử thách, ai ngờ còn gặp thử thách kinh khủng hơn đang chờ. Không biết bao lâu, đi trong bóng đêm mờ mịt, chúng tôi đến Khe Trăng vào đúng lúc vành trăng hạ tuần mọc, dù nhạt mờ cũng sáng hơn màu đêm, cộng thêm ánh hỏa châu (pháo sáng) của địch bắn lên soi rõ từng bóng người, cậu học sinh Huế mới làm lính chiến vài giờ hồn nhiên mừng rỡ vì thấy rõ đường đi, ai ngờ nguy cơ rõ ràng dễ bị lộ đội hình, bị pháo kích hoặc máy bay oanh kích... sau này mới biết. Lệnh truyền từ trên hàng quân xuống “Tranh thủ vượt khe!” Thế là dù mệt đứt hơi, tôi vẫn phải nghiến răng cố đặt chân lên các hòn đá to nhỏ nhấp nhô dọc lòng khe. Ra đến giữa chừng, chợt nhìn thấy một rãnh nước khá rộng và sâu giữa hai ghềnh đá, bên dưới nước chảy xiết, réo ồ ồ. Làm thế nào bây giờ? Giữa lúc đoàn quân đang vội vượt khe để tránh địch tập kích, cặp cáng chúng tôi trở thành chướng ngại vật. Có nhiều tiếng thúc giục nho nhỏ nhưng gay gắt phía sau. Cô Xê giọng run run nhưng vẫn cố động viên tôi: “Đồng chí ráng sức nhảy thiệt mạnh qua rãnh đá, mau lên!” Dồn hết sức lực và cả sự can đảm vốn chưa bao giờ có, hai tay nâng đầu cáng, tôi cố nhún người nhảy qua rãnh nước. Rủi thay, tôi chỉ đặt được một chân lên ghềnh đá bên kia, một chân rớt xuống. Phước ba đời bốn kiếp, bàn chân may mắn đặt đúng vào một hòn đá dưới rãnh. Rồi cái chân thứ hai cũng từ từ tụt xuống nước. Cái cổ của tôi bị đòn cáng đè chặt xuống bờ đá đến nghẹt thở. Hai tay tôi cố sức đỡ đầu cáng lên nhưng không nổi. Chết ngạt mất thôi, mạ ơi! Trong tích tắc nguy nan cận tử ấy, lúc cảm giác tuyệt vọng hầu như xâm chiếm toàn bộ tâm trí, bỗng nghe tiếng quát nhẹ: “Bước lên, chạy!” Rồi, như một phép mầu, cái cổ tôi nhẹ bẫng. Tôi dẫm mạnh chân bước lên ghềnh đá rồi cứ thế cắm đầu chạy một mạch, vượt qua khe, vào đến cửa rừng mới dừng lại, không hề biết cô Xê ở phía sau đang thế nào. Tiếng cô Xê hổn hển phía sau vừa trách móc vừa mừng rỡ: “Chạy chi khiếp rứa!” Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ “nặng tựa ngàn cân”, đưa được đồng chí thương binh về vị trí tập kết an toàn. Sau này, tôi không còn ngán ngại mỗi lần cáng thương binh vì đã nhanh chóng học thuộc các chiêu thức trở vai, kê nạng đỡ đòn cáng cho đỡ mỏi, đôi vai cũng đã dạn dày. Dù vậy, vẫn không thể quên lần đầu cáng thương binh vượt khe suýt bị chết ngạt vì bị đòn cáng đè cổ xuống ghềnh đá! Càng không thể quên “nữ đồng chí Xê”.

Sau khi dò dẫm đi theo các anh bộ đội cựu binh, khi trời sáng, chúng tôi đã ở trong làng (hình như là Trúc Lâm). Chưa nghỉ lấy hơi được bao lâu, đã nghe truyền tin “Địch càn tới”. Thế là tôi theo mấy anh nhảy xuống giao thông hào. Một đồng chí chỉ huy ấn vào tay tôi khẩu súng AK47, tôi giẫy nảy lên “Em không biết bắn”. “Đồng chí cứ cầm lấy! Có tinh thần chiến đấu dũng cảm thì sẽ bắn được!” Tôi quay sang hỏi đồng chí cựu binh bên cạnh cách sử dụng súng. Huấn luyện cấp tốc cách tháo lắp băng đạn, lên đạn, ngắm bắn chừng vài phút thì địch tới. Không rõ là lính Mỹ hay Ngụy, nhưng nghe có tiếng Anh. Đồng chí cựu binh hô khe khẽ: “Bắn!” Thế là tôi nhắm mắt nhắm mũi kéo cò. Băng đạn AK 47 hết vèo, chẳng biết đạn bay đi đâu. Sau đó thì xách súng chạy dọc giao thông hào... cho đến khi trồi lên mặt đất vườn nhà ai đó ở đâu đó, mừng húm vì chẳng bị chi cả.

Vượt qua mấy con khe, tôi nghe có tiếng truyền tin từ phía trên hàng quân xuống: Sắp đến cửa rừng. Cửa rừng chắc to lắm, bụng nghĩ thế, mắt thì cứ mở to cố xem cái cửa rừng ra răng. Đi một hồi lâu, lại nghe nói “Sắp qua khỏi giáp ranh rồi”. Giáp ranh là chi rứa hè? Tôi tự hỏi. Một lúc lâu nữa, có lệnh cho “giải lao”. Giải lao là giải cái gì, đi đâu?

Câu đầu tiên tôi bị một cựu binh hỏi là “Đồng chí học sinh Huế đi đâu? Sao không nghỉ giải lao?” Câu hỏi này vô tình giải thích cho thắc mắc của tôi về hai từ giải lao. Thế là tôi dừng bước. Câu đầu tiên tôi hỏi lại anh ấy: “Anh ơi! Cửa rừng ở mô anh? Sao em không thấy cửa rừng?” “Cái cậu này, qua cửa rừng lâu rồi”. “Ủa! Sao em không thấy có cánh cửa?” Cả đơn vị đang giữ im lặng bỗng khúc khích cười, có anh bật cười to, bị chỉ huy quát khẽ nhưng rất gắt: “Im! Muốn chết à?” Tôi vừa ngượng vừa sợ nên im luôn. Được một lúc lại tò mò vừa đi vừa hỏi cái anh ban nãy: “Anh ơi! Giáp ranh là răng anh?” Anh cựu binh quê Bắc nhưng có lẽ vào chiến đấu ở đất Thừa Thiên đã lâu nên trả lời tôi bằng cái ngữ âm pha pha Huế “Dễ ợt mà không hiểu hả? Giáp ranh là giáp...”; chưa dứt câu bỗng nghe một tiếng rít kinh hoàng, tất cả nhanh như cắt nằm rạp xuống, trừ tôi đứng như trời trồng vì không hiểu chuyện chi, không kịp phản xạ. Ầm! Xéo xéo, véo véo. Cành cây đổ, đất đá bay tung mù mịt. Chẳng cần hỏi, tôi đã biết mình vừa thoát chết.

Chưa hết những câu hỏi ngố như vậy đâu. Khi đã được “phiên chế” về đơn vị chính thức đầu tiên là Đội điều trị 92 để phục vụ thương bệnh binh, tôi còn có nhiều câu hỏi rất chi là ngớ ngẩn nên bị các anh chị cựu binh quê Bắc tặng thêm biệt danh “Phụng ngố”. Một lần được đồng chí An, quê Thái Bình, chủ nhiệm lớp y tá 3 tháng cấp tốc cử xuống bếp giúp anh nuôi, tôi hỏi lại: “Anh Nuôi là anh nào, ở đâu anh?” Thầy An cười tủm tỉm, bảo: “Xuống bếp mà hỏi”. Y lệnh bày, xuống đến khu bếp, tôi hỏi ngay người gặp đầu tiên: “Đồng chí anh ơi! Cho em hỏi anh Nuôi là... anh nào?” Tôi cứ ngỡ có một anh bộ đội tên là Nuôi, đâu biết các chiến sĩ nấu ăn (nuôi quân) của quân ta đều được gọi là anh nuôi, chị nuôi. Sau này vì thế tôi hay hát bài Lê Anh Nuôi, dù không thuộc lời.

Một câu ngố bậc nhất của tôi là khi cãi tay đôi với một chàng lính trẻ vừa ngoài Bắc vào, khi đó tôi đã là cựu binh dày dạn khó khăn gian khổ, khói lửa chiến trường gần 7 tháng. Vụ cãi nhau xuất phát từ chuyện tôi khoe mình cùng quê với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Bộ trưởng Bộ Chính trị”. Trong đầu óc cựu binh 7 tháng chiến trường chưa từng đánh nhau của tôi, vẫn còn nút nớt về hệ thống tổ chức Đảng và Quân đội, khi đã có Bộ Chính trị thì đương nhiên có... Bộ trưởng! Đụng phải chàng lính mới tò te nhưng là sinh viên năm hai khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng ta cho một tràng lý thuyết về hệ thống tổ chức của Đảng Lao động Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những cái ngố về chữ nghĩa, về tri thức nói chung. Tôi còn những cái ngố khác trong đời lính quân y, sẽ kể sau.

P.X.P  
(SHSDB39/12-2020)



 

 

Các bài mới
Cô bé bán diêm (18/02/2021)