Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-20)
Lúc hiểm nguy các anh kịp thời có mặt
08:34 | 19/01/2021

HÀ KHÁNH LINH   

Bão chồng lên bão, lũ lụt nối tiếp lũ lụt. Miền Trung Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng chưa bao giờ phải hứng chịu thiên tai dồn dập khủng khiếp đến mức chỉ trong vòng trên dưới một tháng mà có đến sáu cơn bão mạnh với hai áp thấp nhiệt đới, đã cướp đi nhiều sinh mạng và xóa sạch tài sản của những con người suốt một đời chắt chiu dành dụm xây cất lên...

Lúc hiểm nguy các anh kịp thời có mặt
Ảnh: internet

Đau đớn càng nhân lên khi các lực lượng vũ trang lăn mình vào thiên tai để cứu dân, cứu tài sản của dân thì bản thân các anh đã phải chịu mất mát hy sinh… Cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ thức ăn, đồ dùng, áo xống, thuốc men cho dân trong thiên tai khốc liệt, vai trò của các lực lượng vũ trang không thể nào kể xiết, trong đó có công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi hỏi Đại tá Lê Văn Vũ - Phó Giám đốc Công an Thừa Thiên Huế để biết một số việc làm cụ thể của anh em, Đại tá Lê Văn Vũ nói:

- Hầu hết các lực lượng chức năng đều vào cuộc, trước mắt có hai gương nổi bật đó là Đại úy Trần Trọng Bằng thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, với Đại úy Ngô Quốc Trung thuộc Phòng Cảnh sát giao thông. Một người thì cùng với anh em lăn xả vào cứu nạn, còn người kia thì vừa làm tốt chức năng cảnh sát giao thông của mình vừa âm thầm lặng lẽ đi kiếm lương thực, thuốc men, tiền bạc từ người thân, bạn bè và của chính bản thân mình để mang đến tận nơi giao vào tay những người bị nạn - không chỉ với bà con Thừa Thiên Huế, miền Trung, mà cả với những bản làng người Lào và các đơn vị lực lượng vũ trang Lào thuộc tỉnh Salavan đóng quân tiếp giáp biên giới với tỉnh Thừa Thiên Huế, cả với ba bản của huyện Kalum thuộc tỉnh Sêkông.

Những hình ảnh cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là ở Thủy điện Rào Trăng 3 thì mọi người đã được nhìn thấy qua các phương tiện truyền thông, nhưng một cảnh sát giao thông mà tranh thủ ngoài giờ làm việc đã âm thầm lặng lẽ làm “nên chuyện” như Đại úy Ngô Quốc Trung thì chính bản thân người viết bài này cũng chưa được nhìn thấy. Tôi tìm số điện thoại và gọi cho Đại uý Ngô Quốc Trung. Anh thoái thác ngay:

- Em cám ơn. Em nghĩ chút đóng góp của em là vì em thấy cần phải làm như thế nên em làm, chứ em không hề nghĩ gì đến thành tích được tuyên dương khen thưởng hoặc quảng bá tuyên truyền gì hết...

Lời khước từ của Ngô Quốc Trung làm tôi cảm thấy thú vị, và tôi đã chủ động tìm hiểu để biết thêm về anh: Đang học cuối năm thứ ba Đại học Luật, sinh viên Ngô Quốc Trung (1983) thích ngành công an quá nên đăng ký nghĩa vụ quân sự công an. Năm 2006 hết nghĩa vụ quân sự anh được chuyển thẳng vào công an chuyên nghiệp - Làm cảnh sát cơ động. Từ tháng 11/2017 đến nay làm cảnh sát giao thông chuyên tuyên truyền an toàn giao thông, điều tra tai nạn và giải quyết vi phạm. Ngô Quốc Trung đã từng tự cho mình là “người ham chơi”. Ngoài giờ làm việc anh có những thú vui chơi khá nguy hiểm! Nhưng trò chơi gì dẫu đam mê đến mấy, rồi đến một lúc sẽ làm cho người ta chán khi tìm được thú chơi mới thanh cao hơn, tao nhã hơn, và… thu nhập được rất cao! Đó là thú chơi phong lan biến đổi gen bắt đầu từ đầu năm 2020. Chính vì tương tác được với những người chơi phong lan trên cả nước mà Ngô Quốc Trung đã kêu gọi được sự chung tay tiếp sức, cả những người không chơi Lan mà yêu phong lan như Hội quán trà đá ở tỉnh Hòa Bình đã đích thân đến Thừa Thiên Huế đi cùng anh em Công an Thừa Thiên Huế đến trao tận tay mấy trăm suất quà cho đồng bào ở huyện A Lưới, cho bà con nhân dân phường Thuận Hòa thành phố Huế, cho bảy gia đình có người thân bị nạn ở Rào Trăng 3, cho gia đình có hai em bé bị đuối nước ở Quảng Bình, và những bản làng người Lào như Đại tá Lê Văn Vũ đã nói... Nhìn vào những con số đã thấy đáng nể. Chẳng hạn như từ ngày 16/10 đến ngày 19/10/2020 những người bạn của Ngô Quốc Trung từ thành phố Hạ Long và tỉnh Hòa Bình đã thăm và tặng quà cho hai huyện Quảng Điền với Hương Trà tổng số tiền là 4 tỉ 200 triệu đồng...

Những con số thì có thể gọi được tên, còn tấm lòng thì không thể đong đếm được! Đó là tình cảm ấm áp của chị Vũ Hường, của anh Dũng-Trang ở Quảng Ninh, của anh Đỗ Bảo Dũng ở Hòa Bình, của Hội quán trà đá Hòa Bình...

Đại úy Trần Trọng Bằng (1988) của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn - Công an Thừa Thiên Huế cũng là một người khiêm tốn, lúc nào cũng coi những kết quả trong nỗ lực công tác của mình là thành tích tập thể. Đương nhiên, nhưng bản thân anh là Đội trưởng. Mỗi khi nhận được tin báo nạn, anh luôn nhanh chóng chủ động tham mưu với Ban Chỉ huy Phòng, Ban Giám đốc điều động phương tiện và quân số để cùng nhau tiếp cận hiện trường thần tốc và quyết liệt, hạn chế tối đa thiệt hại. Cơn bão số 5 đổ bộ làm gãy sập trên 400 cột điện ở Thừa Thiên Huế trở thành một sự kiện cả nước quan tâm. Cây xanh đổ ngổn ngang trên khắp các mặt đường, những tấm biển quảng cáo bằng sắt bị đứt gãy bay la liệt, đặc biệt có tấm biển quảng cáo nặng hơn ba tấn bị hất nằm chênh vênh trên tầng 5 của ngôi nhà đường Lê Quý Đôn thuộc phường Phú Hội thành phố Huế - đe dọa tính mạng của những người tham gia giao thông. Trần Trọng Bằng đã nhanh chóng tham mưu Ban Chỉ huy phòng, Ban Giám đốc điều động các loại phương tiện đến ngay hiện trường, sau hơn ba tiếng đồng hồ cật lực bằng các biện pháp nghiệp vụ đã đưa được khung quảng cáo xuống vị trí an toàn, rồi mới đi cưa cắt, di dời hàng loạt cây xanh bị ngã, trả lại mặt bằng thông thoáng các tuyến đường lớn trên địa bàn tỉnh. Cũng với tâm thế luôn sẵn sàng nhanh nhạy, thần tốc và đúng bài bản nghiệp vụ, anh đã cùng đồng đội cứu hộ cứu nạn kịp thời một tàu chở hàng từ Quảng Ninh vào Cần Thơ ngang qua vùng biển Thừa Thiên Huế thì bị sự cố khi cách cảng Chân Mây chừng 8 hải lý; Vụ đuối nước ở Phò Trạch - Phong Điền; Vụ cây cổ thụ ngã đổ đè sập thuyền rồng tại bến Bạch Đằng phường Phú Cát - trên thuyền có phụ nữ, trẻ em và cả người tàn tật. Một tàu hàng trôi dạt vào bờ biển Lăng Cô cần trục vớt; Mấy chục hộ dân ở đường Nguyễn Hữu Cảnh phường An Tây bị nước lụt cô lập nhiều ngày đói khát và nguy hiểm, cần cứu hộ đưa đi sơ tán... Rồi Thủy điện Rào Trăng 3 ở Phong Điền vùi lớp 17 công nhân... Vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối không chỉ trên địa bàn Thừa Thiên Huế mà cả nước đều theo dõi ngóng trông. Người viết bài này vừa từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam trở về, gặp nhau tại hành lang Đại hội các đồng nghiệp trong nước ai cũng chia sẻ niềm đau nhức vì thiên tai dồn dập gần đây tại miền Trung, tại Thừa Thiên Huế; Với Thủy điện Rào Trăng 3 chính quyền Thừa Thiên Huế đang nỗ lực triển khai phương án nắn dòng sông để tìm 12 nạn nhân còn lại. Khi biết quê hương tôi là Phong Điền, Thừa Thiên Huế, các đồng nghiệp đều xúm quanh tìm hiểu về Rào Trăng 3. Tiếng Việt Cổ gọi con sông là “rào” - rào trăng tức dòng sông trăng - là một phụ lưu của sông Bồ. Thừa Thiên Huế có ba con sông lớn là sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu - chảy về hạ nguồn gặp nhau tạo thành phá Tam Giang đẹp tuyệt vời và hùng vĩ trước khi nhập vào Biển Đông. Thủy điện Rào Trăng 3 nằm trong khu phục hồi sinh thái và bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền. Những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng tôi thường đi từ đồng bằng lên Trường Sơn phải qua khu vực này. Sau khi vượt qua được Quốc lộ I đầy hiểm nguy - vì đối phương luôn mật phục - chúng tôi len lỏi trên nhiều nẻo đường để tiếp cận với Trường Sơn, phải vượt qua những sườn núi có dòng Rào Trăng chảy qua. Gian khổ vất vả mệt nhọc là vậy, nhưng mỗi khi nghỉ chân bên dòng sông trăng chúng tôi thường mở ba lô lấy cơm ăn, ăn xong có khi còn tắm rửa qua loa trước khi tiếp tục cuộc hành trình, mang theo cả ánh trăng vằng vặc trên mặt nước trong xanh. Rào Trăng trong ký ức của người viết bài này rất đẹp, rất nên thơ, vậy mà giờ đây phải nhắc đến nó với bao nhức nhối... Đại úy Trần Trọng Bằng sau khi nhận được tin báo 17 công nhân đang thi công tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã bị vùi lấp do sạt lở núi. Tiếp đó là đoàn công tác của Quân khu 4 cũng bị vùi lấp. Đứng trước nhiệm vụ mới đặt ra trước mắt nặng nề và nghiêm trọng này, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc, từ 13/10/2020 đến 4/11/2020 Trần Trọng Bằng đã tham mưu Ban Chỉ huy phòng xuất 20 lượt xe chỉ huy, 20 lượt xe cứu nạn cứu hộ, 20 lượt xe chữa cháy, 15 lượt xe tải chở quân, cùng với nhiều xuồng cao su, thiết bị bay không người lái, với hơn 300 lượt cán bộ chiến sĩ đến tận hiện trường xảy ra tai nạn phối hợp với các lực lượng chức năng khác cùng tìm kiếm cứu nạn. Tại hiện trường, sau khi tham gia họp ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn xong, Trần Trọng Bằng cùng một cán bộ tiến hành trinh sát tuyến đường dẫn đến tiểu khu 67. Anh cùng cảnh sát giao thông băng qua mặt hồ thủy điện Hương Điền để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 4 kịp đưa lương thực thực phẩm cho đông đảo anh em công nhân của hai thủy điện Rào Trăng 3 và 4 đang bị mắc kẹt tại đây; đồng thời đưa năm công nhân bị thương về cấp cứu tại Bệnh viện Bình Điền. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Ban Giám đốc và Ban Chỉ huy Phòng bảo anh em bằng mọi giá phải tiếp cận cho bằng được Thủy điện Rào Trăng 3, để tiếp tế lương thực và đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài. Trời vẫn tiếp tục mưa dầm dề xối xả suốt ngày đêm, đường bộ hoàn toàn không thể di chuyển được, nên anh đã cùng với đồng đội phối hợp với cảnh sát giao thông đi ca nô theo lòng hồ thủy điện Hương Điền lần lượt tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 4 rồi đến được với Rào Trăng 3... tiếp tế lương thực, thực phẩm thuốc men, và đưa hai chuyên gia nước ngoài cùng những công nhân bị mắc kẹt ra về được an toàn.

Lại tiếp tục đi quan sát địa hình, sử dụng thiết bị bay không người lái Flycam chụp toàn bộ địa hình Thủy điện Rào Trăng 3, trinh sát Thủy điện Alin B2, phối hợp với người dân địa phương để nỗ lực tìm kiếm và đã tìm thấy được nạn nhân đầu tiên. Ngày hôm sau (15/10/2020) Trần Trọng Bằng cùng với anh em phối hợp với lực lượng của Công ty Công nghệ AGS - thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thiết bị bay cảm biến nhiệt để kiểm tra các khu vực sạt lở, tìm kiếm nạn nhân, đồng thời quay chi tiết địa hình để phân tích tiếp tục phục vụ cho công tác triển khai cứu hộ cứu nạn của Ban chỉ đạo tiền phương. Những ngày tiếp theo tiếp tục tham gia công tác tìm kiếm, trưa ngày 17/10/2020 tìm thấy thi thể nạn nhân thứ hai. Từ 18/10/2020 đến 24/10/2020 phối hợp với lực lượng Quân đội tiếp tục tìm kiếm tại Rào Trăng 3, lần lượt tìm thấy thi thể thứ ba, thứ tư, thứ năm. Thi thể các nạn nhân đều được trân trọng di chuyển cẩn thận - ngay khi vừa được tìm thấy - bằng đường thủy về bàn giao cho lực lượng chức năng, rồi vội vàng quay trở lại hiện trường phối hợp với các lực lượng chức năng khác tìm kiếm 12 thi thể nạn nhân còn lại tại Thủy điện Rào Trăng 3…

H.K.L  
(SHSDB39/12-2020)




 

 

Các bài mới
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Các bài đã đăng