Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-20)
Về người thầy đạo cao đức trọng, dạy các hoàng tử của vua Minh Mạng, bị chính sử lãng quên
16:21 | 01/02/2021

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Vua Minh Mạng có 78 hoàng tử, được giáo dưỡng đàng hoàng, hầu hết các hoàng tử có học hạnh, hoàng trưởng tử trở thành vua hiền Thiệu Trị, một số trở thành vương công nổi tiếng như Thọ Xuân vương, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương…

Về người thầy đạo cao đức trọng, dạy các hoàng tử của vua Minh Mạng, bị chính sử lãng quên
Ảnh chỉ mang tính minh họa: internet

Vua Minh Mạng từng tuyển chọn các vị túc nho, giữ được khí tiết qua những cuộc biến động hoặc các vị quan xuất thân khoa bảng, có chính tích tốt… triệu về kinh, phong chức thị giảng, sư phó, trưởng sử, phó trưởng sử,… lo giáo dưỡng các hoàng tử. Các vị này làm việc ở nhà Minh Thiện, nhà Tập Thiện,… hoặc khi hoàng tử ra riêng ở phủ đệ. Có thầy đạo cao đức trọng, khi học trò lên ngôi liền được trọng đãi như Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân, là thầy của vua Thiệu Trị. Lại có thầy cũng đạo cao đức trọng, phụ trách việc học các hoàng tử, sau đó về phủ riêng của một hoàng tử tước công, không may học trò của thầy mất sớm, thầy liền hưu trí, sống đời thanh bạch, các sử quan đương thời lãng quên, làm thân sử của thầy mai một đó là thầy Lê Quang Sĩ.

Trong một chuyến điền dã ở làng Lương Văn, Thừa Thiên Huế, nhằm khảo sát mộ ngài Tuấn Đức Hầu Lê Cao Kỷ, thị giảng quốc sư, thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, thầy của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ vua Gia Long), chúng tôi tiếp cận một số đạo sắc phong của ngài Lê Quang Sĩ. Qua các đạo sắc phong biết được ông Lê Quang Sĩ từng làm quan thời vua Minh Mạng, với chức thông phán ở ty bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang. Do ông có chính tích tốt, có tài học, rất thanh liêm, được vua Minh Mạng khen thưởng và đã triệu ông về triều làm phó trưởng sử, giúp sư phó Nguyễn Đăng Tuân lo việc giáo dưỡng các hoàng tử ở nhà Minh Thiện (tiền thân của điện Khâm Văn nằm ở trước vườn Cơ Hạ, góc đông bắc Tử Cấm thành). Khi hoàng trưởng tử Miên Tông lên ngôi, vua Thiệu Trị rất thương quý hoàng đệ Miên Mật và trọng nể tài học và đức độ của thầy Lê Quang Sĩ, liền khen thưởng phó trưởng sử Lê Quang Sĩ và thăng chức trưởng sử phủ Quảng Ninh công, chuyên giáo dưỡng Quảng Ninh công Nguyễn Phúc Miên Mật. Do Đại Nam chính biên liệt truyện không chép truyện về Lê Quang Sĩ, nên chúng tôi ghi phần phiên âm và dịch nghĩa hai đạo sắc phong của ngài Lê Quang Sĩ do vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị ban vậy.

Sắc phong Lê Quang Sĩ giữ chức phó trưởng sử của vua Minh Mạng


Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận, hoàng đế chế viết:

Trẫm duy: Lập chính nhiệm nhân, nghi cử dung dung chi điển; lượng tài định vị, dụng tinh thái thái chi năng. Tư nhĩ nguyên Tuyên Quang tỉnh Bố Chính sứ ti thông phán

Lê Quang Sĩ: Văn học túc quan, tài khí khả thủ. Hữu du, hữu vi, hữu thủ, Chính thuật du nghi; viết thanh, viết thận, viết cần, quan châm thị địch, Cán mẫn tuân kham để tích, minh dương nghi giản tại đình. Tư đặc thăng thụ: Phụng Thành đại phu, Hoàng Tử phủ phó trưởng sử, chuyên biện Minh Thiện đường sự vụ. Tích chi cáo mệnh, thượng kỳ vô khoáng quyết ti, miễn hàm cần ư xu sự, thức khâm thì mênh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm tai.

Minh Mệnh nhị thập nhất niên nhị nguyệt thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Vâng trời nổi vận, hoàng đế ban chế rằng:

Trẫm nghĩ: Dựng chính tin người, nên theo phép tắc bình công; xét tài trao chức, để thưởng khả năng làm việc. Xét nhà ngươi là Lê Quang Sĩ, nguyên làm thông phán ở ty Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang; văn học đã nhiều, tài năng cũng khéo. Biết cơ mưu, biết hành động, biết gìn giữ, chính trị rất hay; rằng thanh liêm, rằng cẩn thận, rằng siêng chăm, quan châm cũng khá. Năng nổ đã từng tỏ rõ, biểu dương nên chép hẳn hoi. Nay đặc biệt thăng thụ hàm Phụng Thành đại phu, cho làm chức phó trưởng sử phủ Hoàng Tử, chuyên coi công việc ở nhà Minh Thiện. Ban cho tờ cáo mệnh này, điều ấy đừng quên, gắng gỏi chăm lo công việc; lệnh này hãy nhớ, siêng năng mới được ơn ban. Kính đấy!

Ngày 15 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 21 (18/3/1840).


Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận, hoàng đế chế viết:

Trẫm duy: Lập chính nhiệm nhân, nghi cử khảo công chi điển; lượng tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư nhĩ Minh Thiện đường phó trưởng sử Lê Quang Sĩ: Văn học túc quan, tài khí khả thủ. Hữu du, hữu vi, hữu thủ, Chính thuật du nghi; viết thanh, viết thận, viết cần, quan châm thị địch, Cán mẫn tuân kham để tích, minh dương nghi giản tại đình. Tư đặc thăng thụ: Phụng Thành đại phu, Quảng Ninh phủ trưởng sử. Tích chi cáo mệnh, thượng kỳ vô khoáng quyết ti, miễn hàm cần ư xu sự, thức khâm thì mênh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm tai.

Thiệu Trị ngũ niên thập nguyệt thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

Vâng trời nổi vận, hoàng đế ban chế rằng:

Trẫm nghĩ: Dựng chính tin người, nên theo phép tắc bình công; xét tài trao chức, để thưởng khả năng làm việc. Xét nhà ngươi là Lê Quang Sĩ, làm phó trưởng sử ở nhà Minh Thiện; văn học đã nhiều, tài năng cũng khéo. Biết cơ mưu, biết hành động, biết gìn giữ, chính trị rất hay; rằng thanh liêm, rằng cẩn thận, rằng siêng chăm, quan châm cũng khá. Năng nổ đã từng tỏ rõ, biểu dương nên chép hẳn hoi. Nay đặc biệt thăng thụ hàm Phụng Thành đại phu, cho làm chức trưởng sử ở phủ Quảng Ninh công. Ban cho tờ cáo mệnh này, điều ấy đừng quên, gắng gỏi chăm lo công việc; lệnh này hãy nhớ, siêng năng mới được ơn ban. Kính đấy!

Ngày 18 tháng Mười năm Thiệu Trị thứ 5 (17/11/1845).

 

Mộ của thầy Lê Quang Sĩ ở xã Thần Phù

Thầy Lê Quang Sĩ người làng Lương Văn, sinh ra và lớn lên ở một vùng văn hóa sát nách kinh thành đó là tổng Lương Văn. Thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, gần quê hương của thầy Lê Quang Sĩ, có vị thầy nổi tiếng Siêu Quần tiên sinh Nguyễn Đăng Đàn ở Thần Phù. Làng này về sau có những thiền sư đạo cao đức trọng như thiền sư Giác Tiên, thiền sư Mật Hiển, thiền sư Mật Khế, thiền sư Thiện Siêu… và có nữ thi sĩ Tôn Nữ Thu Hồng… Khi biết vài chi tiết về ngài Lê Quang Sĩ qua các tờ sắc phong, chúng tôi được cụ Lê Quang Bán, hậu duệ của ngài Lê Quang Sĩ, hướng dẫn viếng mộ vị thầy của Quảng Ninh quận vương. Ngôi mộ ở xã Thần Phù, gần đường quốc lộ. Mộ đất với một tấm bia cổ, nhưng được con cháu “tôn tạo” bằng cách lồng trong một bia xi măng lớn hơn, có “làm kép” rồng và hoa văn… nhưng nấm đất trông quá đơn sơ. Như thế, có khả năng khi thôi làm trưởng sử ở phủ Quảng Ninh, ngài Lê Quang Sĩ về hưu trí, sống thanh bạch, chẳng có bổng lộc vua ban.

Việc thành đạt của các vương công thời Minh Mạng, Thiệu Trị có công lao của ngài Lê Quang Sĩ. Đặc biệt khi làm trưởng sử ở phủ Quảng Ninh công, ông đã ra sức giáo dưỡng Quảng Ninh công thành một hoàng tử tước công nổi tiếng, được hoàng huynh Thiệu Trị yêu mến và vua Tự Đức ưu ái. Vậy Quảng Ninh công, học trò ruột của thầy Lê Quang Sĩ, là ai?

Để hiểu tài năng và đức độ của thầy Lê Quang Sĩ, thiết tưởng tìm hiểu hành trạng của người học trò xuất sắc Quảng Ninh vương qua ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện.

Cổng chính điện Khâm Văn mà tiền thân là phủ Hoàng Tử, nhà Tập Thiện, nhà Minh Thiện, nơi học tập của các hoàng tử


Quảng Ninh quận vương Nguyễn Phúc Miên Mật, hiệu Văn Định, hoàng tử thứ 30 của vua Minh Mạng, mẹ là Huệ tần Trần Thị Huân, sinh ngày 4/7/ Ất Dậu [17/8/1825]. Thời niên thiếu Miên Mật rất thông minh, chăm học, vua cha rất ưu ái. Năm 16 tuổi hoàng tử Miên Mật được vua Minh Mạng phong tước Ninh Quốc công. Cùng năm vua cha băng hà, hoàng trưởng tử Miên Tông lên ngôi, rất thương quý người em Miên Mật, từng cho hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Thì, nhỏ hơn hoàng thúc Miên Mật 4 tuổi, học chung với công. Hai chú cháu rất tâm đắc, có điều kiện là xướng họa thơ văn cùng nhau. Năm Nhâm Dần [1842] sau khi ngự giá Bắc tuần trở về, vua Thiệu Trị biết Ninh Quốc công có nhiều tiến bộ trong việc học tập, liền tấn phong Miên Mật là Quảng Ninh Công. Có khả năng Quảng Ninh công rời phủ Hoàng Tử ra ở phủ Quảng Ninh và lập gia thất. Có vợ con nhưng Quảng Ninh công rất ham học nên vua Thiệu Trị liền cử phó trưởng sử Lê Quang Sĩ ở phủ Hoàng Tử làm trưởng sử ở phủ Quảng Ninh. Quảng Ninh công thường được lệnh vào ứng trực trong cung để giúp vua Thiệu Trị, hay gặp hoàng tử Hồng Thì, hai chú cháu rất tâm đầu ý hợp. Khi ở phủ, Quảng Ninh công có lập Thư Viện Tự Hương, nơi ông đọc sách những lúc rỗi việc triều và cũng là nơi tụ họp những bậc danh sĩ để xướng họa thi văn. Quảng Ninh công có sáng tác Hàn Nhiên Thi Tập. Tài hoa mệnh yểu, năm Đinh Mùi [1847], mới 23 tuổi, Quảng Ninh công qua đời, dẫu có ba con trai và hai con gái cũng đều chết non. Khi công mất vào ngày 10 tháng 4 năm Đinh Mùi [23/5/1847], vua Thiệu Trị rất đau buồn, lệnh nghỉ chầu ba ngày, cử đại thần đến tế ở tang lễ và ban thụy là Đôn Hòa. Chỉ 5 tháng sau, vua Thiệu Trị cũng băng hà ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi [4/10/1847].

Khi vua Tự Đức đã nối ngôi vài năm, tình cờ thấy bản thảo tập thơ Hàn Nhiên còn để ở điện các, nhà vua bồi hồi xúc cảm, thương nhớ người xưa, liền đề ở bản thảo tập thơ ấy một bài thơ thất ngôn bát cú, có hai câu “Nhất biệt thiên thu di hận trường/ Di thư trung đổ bội phần thương (Cách biện nghìn thu oán hận sâu/ Di thư thấy lại biết bao sầu). Công có người em cùng mẹ là Nguyễn Phúc Miên Ngôn, sinh ngày 7 tháng 12 năm Kỷ Sửu [1/1/1830], cũng thông minh tài hoa như Quảng Ninh Công, đương thời mới 11 tuổi cũng nổi danh, vua Minh Mạng rất ưu ái, phong Bình Thuận công. Miên Ngôn sưu tập di cảo của Quảng Ninh công, chưa kịp khắc in thì lâm bệnh nặng, nhờ anh là Miên Thẩm (Tùng Thiện vương) dâng biểu lên vua Tự Đức, cầu nhà vua cho in. Nhà vua thuận ý. Năm Mậu Dần [1878] nhân gặp tiết Ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức, nhà vua thấy công là người có học hạnh, xưa tiên đế rất ưu ái, không may mất sớm chẳng hưởng được ân trạch nên nhà vua đã truy phong công thành Quảng Ninh quận vương. Đáng ngạc nhiên về hậu vận của thầy Lê Quang Sĩ, dẫu sao thầy là vị quan triều, có công giáo dưỡng các hoàng tử, thành đạt, được các vua ban khen, trọng dụng, khi về trí sĩ cửa nhà thanh bạch, nhưng nơi nằm lại khi qua đời chỉ một nấm đất đơn sơ. Dẫu sao các hoàng tử, các vương công là con vua tất phải khác con thường dân, các vị ấy vẫn có sự “ỷ thế”, khó “giáo dưỡng” nhưng nhờ các vị thầy như Lê Quang Sĩ, là những vị túc nho, làm quan có chính tích,… mới khuất phục những vị hoàng tử ở tuổi thiếu niên, thanh niên, kết quả những vương công hoàng tử đều có học hạnh, và có vị đã trở thành những nhà thơ nổi tiếng. Vua sáng thì tôi hiền, thầy giỏi thì trò tốt, đó là công lệ. Một triều đại thịnh trị thì việc giáo dục phải là quốc sách. Nếu chỉ nặng về quân công mà nhẹ về giáo dục từ trong cung cấm ra tới hương thôn thì triều đại ấy sẽ sớm sụp đổ, các hoàng tử có thể “nồi da xáo thịt” vì tranh giành chiếc ngai vàng của “tiên đế”. Triều Đinh, Tiền Lê… chưa lo giáo dục đầy đủ thì lâm cảnh tôi giết vua, em giết anh bởi tại ngai vàng “lấp lánh”. Tiếc rằng các sử quan ngày xưa, dựa vào những ghi chép về các hành trạng của những vua quan với những lời bình uẩn áo, xác đáng, nhưng rất ít khi luận bàn về sự đóng góp thầm lặng của những vị thầy đã giáo dưỡng những nhân vật lịch sử ấy. Đơn cử một nhân vật lỗi lạc như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được ghi chép biết bao giấy mực về hành trạng của ngài, nhưng thử hỏi xưa nay có sử gia nào chỉ ra những vị thầy của đức thánh Trần! Một bậc minh quân như vua Lê Thánh Tông, hành trạng của ngài được ghi chép nhiều trang của Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng thử tra trong sách ấy được bao nhiêu dòng giới thiệu ít nhất một vị thầy thứ hai của ngài ngoài thầy Nguyễn Phục? Và nếu không có những tờ sắc phong còn lưu giữ trong hộp gỗ thì làm sao biết được vị thầy của Quảng Ninh quận vương nói riêng và của các vương công của triều Minh Mạng, Thiệu Trị?

Huế, tháng 11/2020
T.V.Đ
(SHSDB39/12-2020)



 

 

Các bài mới
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Các bài đã đăng