Tạp chí Sông Hương - Số 49 (T.5&6-1992)
Đọc lại "Thời xa vắng" của Lê Lựu (*)
14:51 | 26/03/2021

PHONG LÊ

Anh "nhà quê" "chơi trèo" thành phố, với những thất bại và bi kịch khó tránh của nó. Mối quan hệ so le, bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị...

Đọc lại "Thời xa vắng" của Lê Lựu (*)
Ảnh: internet
Ảnh: internet

Có vẻ to chuyện quá chăng? Nhưng quả Thời xa vng là những trang bi kịch về sự hôn phối đó, sự xen cài vào nhau đó: chiến tranh rồi hòa bình, nông thôn ra thành phố, "nhà quê" và "kẻ chợ"... Không phải người viết đưa hai mảng ngẫu nhiên bập vào nhau, cho tồn tại bên nhau; mà đưa hai mảng vào như là sự tiếp tục và phát triển tự nhiên của lịch sử. Đất nước nông nghiệp - con người nông dân rồi phải bước vào một nền văn minh mới - văn minh công nghiệp và đô thị; người anh hùng nông dân trong thời chiến rồi phải về sống với thời bình. Song song, và như là sản phẩm tất yếu quá trình đó, sự phát triển của người nông dân nói riêng, của con người trong xã hội nông nghiệp nói chung rồi phải đi tới quá trình bứt ra, rẩy ra khỏi cuống nhau cộng đồng mà khẳng định cái riêng của mình: hạnh phúc, lợi ích riêng, quyền lựa chọn, quyền quyết định, và trách nhiệm với chính bản thân mình. Không phải ai khác ngoài anh, ngay cả những người ruột thịt, chọn lựa hạnh phúc cho anh, quyết định số phận của anh, mà chính anh phải quyết định lấy. Cả một đời, cho đến gần tuổi 40, cái anh thanh niên nông dân Giang Minh Sài đó đã để cho người khác quyết định tất tật toàn bộ hạnh phúc đời tư của mình. Cho đến lúc trượt đến đáy dốc bất hạnh, anh mới dám quyết định để được là mình; ấy là lúc anh ly dị cô vợ mà bố mẹ, gia tộc, dòng họ quyết định ghép cho anh. Cuốn sách chấm dứt màn một ở đấy. Cần nói thêm chút ít. Nếu không có cuộc chiến tranh, hoặc tiếp đó, nếu xã hội cứ tiếp tục là sự đình trệ và phong bế của chế độ phong kiến, mà không có bất cứ nhu cầu giao lưu mà phát triển nào, thì anh Giang Minh Sài cứ ở tại chỗ, hoặc lộn về quê, và không có bất cứ sự thay đổi nào cả.

Sang màn hai, là lúc người anh hùng Giang Minh Sài dám tự quyết định lấy hạnh phúc cho mình: đến với Châu, xây dựng tình yêu và hạnh phúc với Châu. Nhưng lần này lại vẫn tiếp tục một thất bại mới, không những hạnh phúc đã không nắm được, mà còn sa vào một hố thẳm mới đầy nhọc nhằn và đau khổ. Và lần này thì anh hãy cắn răng chịu đựng lấy một mình, tự hành xác mình trong một "cuộc sống mới" không thuộc đà đi, không nằm trong tầm đón của anh. Anh đã không có sự chuẩn bị sơ đẳng cho cuộc sống ấy. Anh có một ý chí tự học để lập nghiệp rất cao. Anh có một quá khứ chiến đấu anh hùng. Anh có một tuổi thơ lam lũ ở làng Hạ Vị, vừa lười biếng vừa chăm chỉ trong cái nghiệp làm thuê đã thành tật, thành thói quen ở anh. Anh có một quan hệ giao thiệp gồm không ít người thân kẻ sơ trong thế giới gia đình và bạn bè... Thế nhưng tất cả đó đều không phải là sự chuẩn bị cho anh trong cuộc tìm chọn hạnh phúc mới này. Anh đã không đủ tri thức (mà chỉ có sự khao khát và thành tâm của một tâm hồn cang hạn) để hiểu mình đã bị phản bội từ đầu trong tình yêu (Châu đã có thai với Toàn). Nỗi mừng vui và vinh hạnh được hưởng một tình yêu "sang trọng" còn chưa thấm thì đã đến ngay nỗi nhục của một người chưa có mấy tri thức "thị thành" và thói quen của một người suốt đời cam chịu sai bảo. Tôi không thấy rõ tính điển hình của một bi kịch "chơi trèo", nếu muốn đặt vào đây mối quan hệ nông thôn và thành thị. Ở các thành phố ngay từ sau 1954, và cho đến bây giờ, vẫn đầy rẫy người nông thôn thuộc các tầng lớp ra cư ngụ, trong đó có không ít người đã được tri thức hóa, thành thị hóa; không phải tất cả đều phải trải nghiệm bi kịch. Tôi vẫn chỉ tiếp tục thấy ở đây cái bi kịch của Giang Minh Sài, khi đã dám quyết định chọn lựa hạnh phúc cho mình mà vẫn không tìm ra hạnh phúc, vì không phải chỉ ở sự thiếu sáng suốt do không đủ kinh nghiệm lúc đầu mà vẫn là sự tiếp tục của một cách sống, của tính cách chấp nhận sự sai bảo. Rõ ràng "cái số" về đường vợ con của anh ta là vậy. Nói tính cách đẻ ra số phận cũng là vậy, nhưng thôi, đi sâu vào khía cạnh này lại nảy ra một câu chuyện khác.

Bi kịch của một cá nhân đi tìm mình, muốn được là mình, muốn tự khẳng định mình, nhưng do đã "quá quen mất nết đi rồi", nên vẫn chưa tìm được, mặc dầu đã được xã hội "cởi trói"! Giá anh yên bề đi thì ra một nhẽ! Không, anh không chịu yên, nên là bi kịch. Dường như ở ta cái cá nhân đang hình thành - một nhà nghiên cứu thích khái quát đã nói thế. Quả có phần đúng. Cái cá nhân đang hình thành sau một quá trình dành phần cho cái cộng đồng - hàng nghìn năm là gia tộc và dòng họ; mấy chục năm sau cách mạng là tổ quốc, nhân dân, là Đảng và đoàn thể, là đơn vị và tập thể, dẫu khía cạnh nhất trí giữa cá nhân và cộng đồng cũng là có. Mọi sự hình thành cái mới nào trong những chuyển đoạn của lịch sử, trong đó có cái cá nhân, cũng vừa mang niềm vui vừa đầy bi kịch, ở Giang Minh Sài, đó là cái bi kịch. Nhưng với xã hội nói chung, nó lại mang niềm vui. Những nỗi đau sinh đẻ là thế! Con người ở "Thời xa vắng" là thế. Phải trải qua nó để mà từ giã nó.

***
Một phương diện khác, để bổ sung thêm đóng góp của Lê Lựu. Cuốn sách là một chân dung, một số phận của anh thanh niên Giang Minh Sài. Nếu được viết trước dăm hoặc mười năm nó sẽ phải là một chân dung tích cực; và chỉ cần được hiểu như một chân dung tích cực. Một thanh niên nông thôn thông minh, có ý chí tự học rất cao, luôn luôn đạt các kết quả, trở thành niềm tự hào không chỉ cho gia đình, giòng họ mà cả làng. Anh đi bộ đội, rồi vào chiến trường, lập nhiều chiến công và thành anh hùng, được cả nước biết tên. Đời tư anh có chút bi kịch, nhưng rồi anh đã vượt lên vì ánh sáng của lý tưởng, vì xác định "vui duyên mới không quên nhiệm vụ" - huống nữa đây không có chuyện "vui" hoặc "duyên" - để vì sự nghiệp chung... Nhưng cái bề mặt phẳng phiu và rực rỡ các chiến công ấy, Lê Lựu đã khơi vào cả một tầng sâu những bất hạnh và bi kịch tiếp tục không dứt trong cả cuộc đời Giang Minh Sài, và cuối cùng, là trắng tay, là thất bại.

Giang Minh Sài thất bại. Nhưng cả xã hội thì thắng lợi. Cả xã hội đang vật vã trong những chuẩn bị cho cái "Thời xa vắng" ấy qua đi. Cho không còn những bi kịch kiểu Giang Minh Sài. Cho những Giang Minh Sài khác được sống là mình ngay từ đầu. Cuộc chiến hẳn còn là vất vả, không dễ tính bằng năm, mà hàng chục năm, nhiều chục năm, có lẽ!

Thời điểm 1984 khi cuốn sách được viết ra là quá muộn so với sự chuyển giai đoạn cách mạng đã diễn ra từ 1975; nhưng vẫn cứ là đóng góp, là sự đón trước cái yêu cầu "nhìn thẳng vào sự thật" và nhận thức lại lịch sử được đề ra với đại hội VI, năm 1986. Cuốn sách có giá trị một đóng góp tiền trạm là thế!

P.L
(TCSH49/05&6-1992)

------------
(*) Góp vào việc nhận dạng sự nghiệp đổi mới văn học và văn học trong đổi mới.




 

 

Các bài mới
Ngày tốt (16/09/2021)
Mưa xanh (27/08/2021)
Các bài đã đăng
Ngày hội thơ (19/03/2021)