Tạp chí Sông Hương - Số 49 (T.5&6-1992)
Mưa xanh
14:29 | 27/08/2021

TRẦN HUIỀN ÂN

Năm tôi mười tuổi, buổi tối ngày giỗ Dì Sơ, mẹ tôi với nét mặt trang nghiêm mà xúc động nói cho tôi biết Dì Sơ chính là người sinh ra tôi.

Mưa xanh
Minh họa: Phạm Đại

Ba tôi mất khi tôi mới là một thai nhi sáu tháng. Tôi ra đời được mười tháng thì má tôi mất. Trước khi lên bàn mổ hai ngày, biết mình khó vượt khỏi tay tử thần, má tôi gởi gắm tôi cho người chị cả, và không muốn con mình sớm tủi phận mồ côi, xin anh chị nhận làm con ruột, đợi đến mười tuổi hãy cho biết. Mẹ tôi kể chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi, nói vắn tắt nhưng đầy đủ. Nói xong, mẹ tôi mới ôm tôi òa khóc.

Đêm ấy, nằm với mẹ tôi, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết im lặng thao thức. Mẹ tôi cũng im lặng thao thức.

Thật tự nhiên, một tình cảm mới, sâu đậm, mạnh mẽ phát khởi trong lòng, tôi luôn nghĩ đến ba má tôi, dù đối với cha mẹ tôi vẫn nghĩ là cha mẹ ruột. Tôi hỏi thêm mẹ tôi những chi tiết để đêm ngày cố tưởng tượng rõ ràng hơn hình ảnh má tôi. Qua những tấm ảnh, tôi thấy má tôi trăm lần, ngàn lần đáng yêu thương hơn, đẹp đẽ hơn. Tôi hiểu tại sao từ lâu mẹ tôi đã dành riêng những hình ảnh của "Dì Sơ” vào một tập album. Tôi nhớ lại mỗi lần nói với tôi hai tiếng "Dì Sơ” trên gương mặt mẹ tôi nét đau đớn cứ còn nặng trĩu.

Năm tôi mười lăm tuổi, cũng theo lời dặn của má tôi, mẹ tôi trao cho tôi một phong bì dày dán kín. Tôi bóc ra, một tập sổ, lật vội. Trang đầu dán hai tấm ảnh, một tấm má tôi bế tôi và một tấm chụp riêng tôi, bên dưới có ghi: "Tấm ảnh đầu đời của con". Tôi lặng ngắm hồi lâu đứa bé tròn trịa, bụ bẫm, mắt mở lớn, miệng bặm lại rồi lật qua trang thứ hai. Nét chữ đàn ông, chép một câu nói về hoa súng, ba chữ Đinh Gia Trinh đặt trong ngoặc đơn. Trang cuối cùng má tôi viết:

"Con gái yêu quý của má! Nếu má bình phục sau lần giải phẫu này, mai sau hết chiến tranh má sẽ đưa con về Đất Sở". Nếu má không qua khỏi, má mong rằng mai sau con cũng sẽ có dịp về Đất Sở".

Một phần tập sổ còn giấy trắng.

Nhiều lần ngồi bên đèn khuya, tôi lật đi lật lại từng trang sổ. Đó là một tập tạp ký, má tôi chép có phần tùy hứng, không thường xuyên, những sự việc, những cảm nghĩ. Tỉ mỉ nhất là phần sau cùng, những ngày bé bỏng của tôi, má tôi từng vui buồn, lo lắng như thế nào. Ở phần trước, những đoạn xen vào nét chữ đàn ông, chắp nối lại có thể hiểu như hai người đang thương xác với nhau về những "huyền thoại quê hương" với điều được gọi là "Định mệnh của những người con gái Đất Sở".

Tự mình không sắp xếp được thành hệ thống, không giải thích nổi, tôi đem các chỗ phân vân hỏi mẹ tôi.

- Đất Sở ở nơi nào mẹ?

- Là quê ngoại con đó.

- Hoán là ai vậy mẹ?

- Một người cùng quê, bạn của má con.

- Vua Hoa Anh đóng đô ở Đất Sở hở mẹ?

- Con nói ông vua nào vậy? Mẹ không biết.

- Mẹ có biết chuyện ông Tác, ông Lộ, những người làm ra bụi đỏ, mưa xanh không?

- Mẹ không biết. Con tìm ở đâu ra chuyện ấy?

- Trong tập sổ của má con. Những ghi chép loáng thoáng, rời rạc giữa má con với ông Hoán. À... Mẹ ơi! Ngày trước ông Nhã cũng yêu mẹ, phải không?

- Ừ... Hồi mẹ còn con gái. Đó là chuyện cũ. Cũng trong sổ của má con sao?

- Ngày đó, cha con làm gì và ông Nhã làm gì, mẹ?

- Cha con là một Tiểu đoàn trưởng lừng danh.

Tôi cười trêu chọc:

- Vậy là giữa hai chàng, nàng đã chọn võ quan súng ngắn.

Mẹ tôi cũng cười:

- Không phải mẹ quyết định mà ông ngoại con. Ông ngoại chọn cha con vì hợp tính: nhanh nhẹn, quyết đoán. Không có con trai, ông ngoại cho rằng người như thế mới thay ông cai quản được cả cơ ngơi Đất Sở. Mẹ tôi trầm ngâm giây phút. Ông Nhã là một nhà giáo, tính tình đúng như tên cha mẹ đặt, luôn luôn khiêm tốn, nhã nhặn, nói một câu phải bảy lần uốn lưỡi. Thật tội nghiệp.

- Ông Hoán cũng là nhà giáo hở mẹ?

- Cậu ấy là nhà văn. Đó là nghiệp chớ không phải nghề.

Những lần trò chuyện với mẹ tôi như thế, không thỏa mãn được nỗi ám ảnh về quê nhà. Lại nhiều đêm, ngồi bên đèn khuya... Tôi vẫn lật tới, lật lui từng trang sổ, tìm tòi, nhưng chỉ có thể mường tượng một cách mơ hồ, chứ không định hình được điều gì. Tôi không dám hỏi cha tôi, cha tôi sẽ cho là nhiều sự, vớ vẩn. Nếu ba tôi còn, chắc ba tôi cũng không hiểu gì hơn. Chỉ có má tôi. Và một người nữa trong cuộc: ông Hoán.

Khoảng năm, sáu năm sau...

Một hôm cha tôi đưa về người khách lạ. Người ấy cười, biểu lộ tất cả xúc động trong lời chào mẹ tôi. Mẹ tôi hơi cau trán, một tích tắc suy nghĩ, rồi đôi mắt sáng lớn, kêu to:

- Cậu Hoán.

Bỗng, như đã quen thân, tôi vui vẻ cúi đầu:

- Thưa cậu.

***
Cậu Hoán đưa tôi về Đất Sở.

Cậu kể.

Ngày xưa, khi vua Lê Thánh Tôn nam tiến, thành Đồ Bàn bị thu phục rồi thì phương nam chia thành ba xứ. Quê ta ngày nay, lúc đó là xứ Hoa Anh. Trong những năm sinh viên, cậu và má cháu đã tìm được những chứng tích, những sử liệu minh thị rằng Đất Sở là kinh đô của xứ Hoa Anh. Dinh cơ của vua Hoa Anh, cậu và má cháu nghĩ, có thể hiểu ngay chính chỗ về sau là nhà ông ngoại cháu. Cháu xem, phong cảnh kỳ vĩ biết chừng nào, có đồi cây, hồ nước hữu tình, đó là sơn là thủy, là giáo là khiên, là nghiên là bút, là đế là trụ... một cuộc đất rất vượng theo cái nhìn của các thầy địa lý.

Phía tây Hoa Anh là xứ Nam Bàn, cùng với Hoa Anh giao hảo thâm tình. Vua Nam Bàn có hai kiện tướng, người cai quản Miền Hỏa ở phía bắc Sông Lớn, có con trai tên Tác giỏi về nội trị, người cai quản Miền Thủy ở phía nam sông Lớn, có con trai tên là Lộ giỏi về văn chương. Tuy còn trẻ, Tác và Lộ cùng được vua Nam Bàn tin yêu, có ý định sau này sẽ cho kế nghiệp cha. Mỗi lần có sử bộ sang thăm viếng Hoa Anh cả hai đều được đi theo, còn được lưu lại nhiều ngày để học hỏi. Lộ thường giúp việc trong dinh, thêm biết tài thổi sáo tuyệt vời nên có nhiều dịp gần gũi cô Sim là cháu ngoại vua Hoa Anh. Trai tài gái sắc, lạ gì họ chẳng yêu nhau, Tác thường giúp việc bên ngoài, khai khẩn, săn bắn. Dù vậy Tác cũng đôi khi gặp Sim. Tất nhiên, Tác không thể không yêu một người như Sim.

Hai chàng cùng thưa với vua Nam Bàn. Vua không biết phải nói lời cầu hôn cho ai nên trình bày sự thật, xin tùy vua Hoa Anh kén chọn. Đối với vua Nam Bàn thì Tác hay Lộ làm cháu rễ vua Hoa Anh đều đem lại cho ông sự thông hiểu như nhau. Vua Hoa Anh thì nhìn vào sự nghiệp mở mang xứ sở mà quyết định, ông đã chọn Tác. Sim đành nuốt lệ vâng lời ông ngoại, bội tình với Lộ. Lộ cũng gắng gượng làm vui vì Tác là bạn, Lộ nghĩ: Tác giàu có hơn, Sim sẽ sung sướng hơn.

Sau hôn lễ, Tác ở lại Đất Sở, ngày ngày trông coi mọi công việc. Dưới sự điều khiển của Tác gò hoang lui dần cho đất trồng thêm bát ngát, rừng sim đã ngã xuống cho ngũ cốc mọc lên. Mỗi ngày hàng đoàn người ngựa cung tên giáo mác ra roi phi nước đại, chiều về chở đầy lâm sản. Mỗi ngày hàng trăm đôi trâu kéo cày, hàng trăm người xếp hàng vung cuốc. Mặt đất màu mỡ mở ra, bụi đỏ tung lên đầy trời, cảnh vật nhòa trong một màu đỏ sẫm.

Một ngày mùa hè, Lộ cùng sứ bộ trở lại Đất Sở, thấy Sim theo chồng ra đồng, chiếc áo phủ đầy bụi đỏ, khuôn mặt, bàn tay, bàn chân Sim trắng trẻo, nõn nà cũng vấy đầy bụi đỏ. Khuya hôm ấy, Lộ thức dậy, khi gà chưa gáy lần đầu, ra ngồi bên bờ hồ, đưa ống sáo lên thổi mãi, thổi hoài khúc tình ca trước đây Lộ thường thổi cho Sim nghe. Trời sáng lúc nào Lộ chẳng hay bởi ánh nắng không chói chang như mọi hôm. Những cơn mưa nhỏ lất phất liên tiếp nối nhau rắc những giọt xanh lên cảnh vật. Khi Sim ra đồng, mưa xanh tụ trên tóc làm tóc nàng xanh thêm, mưa xanh làm cho khuôn mặt, bàn tay, bàn chân nàng càng tăng vẻ ngọc ngà. Nàng đưa tay vuốt tóc, nghe một cảm giác nhẹ nhàng, dịu mát. Nàng bước đi, lắng hồn vào tiếng sáo lơ lửng, huyền ảo, chập chờn. Nhưng đến trưa thì bụi đỏ theo mỗi luống cày lại theo gió ùa lên, vây phủ bốn bề. Lộ vẫn ngồi bên bờ hồ, mải mê thổi sáo. Tiếng sáo bay bổng lưng trời, dìu dặt, réo rắt lại đưa mưa xuống. Những cơn mưa xanh lất phất buổi chiều trả lại nguyên màu cho cây cỏ, hút sạch bụi đỏ trên tóc, trên áo của Sim, lau sạch từ mười đầu ngón tay mềm mại đến hai gót chân thon nhỏ, nàng trở về dinh cơ, yêu kiều, tươi thắm như ban sáng ra đi.

Tiếng sáo của Lộ, suốt từ giữa khuya đến chiều sẫm, không còn đủ sức để vút cao, đã phải trầm xuống, la đà trải trên mặt nước. Tất cả hơi thở của sự sống một đời người, Lộ đã dồn hết vào các bản tình ca. Lộ không đứng dậy được, cũng không nghĩ đến việc phải đứng dậy. Đêm ấy, Lộ chết lạnh trong tư thế ngồi tựa vào cội cổ thụ, hai tay vẫn trân trọng nâng ống sáo đặt vào môi.

Từ đó, bụi đỏ, mưa xanh thành ra đặc điểm thời tiết của Đất Sở quê ta. Mùa hè nắng nóng, mỗi sáng mỗi chiều mưa xanh rắc nhẹ lên đất nước làm xinh đẹp con người, xinh đẹp hoa lá ruộng vườn, xóa đi dấu vết bụi đỏ của những trận gió ban trưa cuồn cuộn. Cũng từ đó, số phận của những người con gái Đất Sở được quy vào một điều gọi là định mệnh.

Quả như lời cậu Hoán, trưa hôm qua về đây tôi đã đi giữa màn bụi đỏ. Lời đồn đãi rằng khi gió cuốn lên hoa sim biến ra màu da cam, lá sim như nhúng nước phèn là nói quá, nhưng những luồng bụi đỏ nối nhau liên tiếp chạy dài là có thật. Những chiếc áo trắng của các bạn gái Đất Sở hầu hết không còn giữ được màu sắc ban đầu. Sáng nay, sau vài cơn mưa lất phất, màu tím của hoa, màu nhũ bạc của lá óng ánh nắng mai. Mưa xanh đúng ra phải gọi là mưa phấn, với những hạt li ti dày đặc.

Tôi nhớ lần hỏi về chuyện hôn nhân, mẹ tôi nói do ông ngoại quyết định. Như ngày xưa... Vua Hoa Anh đã gả nàng Sim cho Tác, dẫu Lộ yêu Sim hơn, yêu đến chết trong những lời sáo trúc tuyệt vời. Sim cũng yêu Lộ hơn trong dáng vẻ yêu kiều tươi thắm mỗi buổi chiều nàng trở về giữa bột mưa xanh. Giữa cha tôi và ông Nhã, biết đâu ban đầu mẹ tôi yêu ông Nhã hơn? Vị đại điền chủ ở Đất Sở thì cúi xuống sự nghiệp mình, nhìn xa mà chọn rể. Ông Nhã ngày nay có còn sống, ở đâu, ông có làm được một việc nào, dù nhỏ, để chứng tỏ với mẹ tôi rằng ông tha thiết yêu người, yêu hơn cả chính bản thân ông? Còn cuộc hôn nhân giữa ba tôi và má tôi? Trong quyển tạp ký của má tôi, từ trước tới sau không thấy nét chữ ba tôi. Phần sau cùng, má tôi chỉ viết về tôi, bú ra sao, ngủ thế nào, lúc nóng, lúc lạnh, biết lật, biết bò, khi biết nói gió, khi cười ra tiếng, rồi kiểu mũ, màu áo... Má tôi chỉ nhắc đến tôi. Mối liên hệ giữa má tôi và cậu Hoán là thế nào? Cho đến thời sinh viên, hai người còn gần gũi, bàn bạc bao điều. Ba tôi, một sĩ quan không quân, cậu Hoán là nhà văn. Có phải đây là trường hợp lặp lại, má tôi đi theo con đường của người chị cả, con đường nàng Sim trong cổ tích đã nêu gương? Căn cứ vào cách xưng hô thì má tôi với cậu Hoán đối với nhau bằng tình bạn, nhưng chỉ lấy cách xưng hô để nhận định thì chưa hẳn đúng. Hay hai người, do thụ động, mặc nhiên chấp nhận điều họ từng suy gẫm, ngụy biện với nhau, đặt cho một tên gọi đẹp đẽ là "Định mệnh của những người con Đất Sở"? Mặc nhiên chấp nhận như thế, cũng đáng thương, song thật đáng trách, nếu cậu Hoán yêu má tôi, mà khi má tôi đi lấy chồng cậu chỉ biết nhờ và, chờ đợi thời gian làm phai lạt lòng mình. Một người tôi kính yêu gần bằng má tôi, có chỗ còn hơn ba tôi, bao năm mong mỏi được gặp như một thần tượng, cũng tầm thường vậy sao?

Tôi nghĩ đến chuyện mình. Một người học sư phạm, một người học kiến trúc, tình cảm của tôi đối với mỗi người có chỗ hơn kém khác nhau. Tôi cũng hiểu được chỗ hơn kém khác nhau trong lòng mỗi người đối với tôi. Giả sử bây giờ cả hai cùng đến thì cha tôi sẽ quyết định thế nào? Liệu tôi, và cả mẹ tôi nữa, có dám nói khác ý con người nóng như lửa và quyết đoán ấy không? Tôi đã có ý định trách ông Nhã, cậu Hoán. Còn tôi? Sinh ra ở nơi xa, lớn lên, sau chiến tranh mới tìm về quê mẹ, tôi có dám tự mình chọn lựa cho đời mình, thoát ra khỏi cái huyền thoại Định Mệnh cũ kỹ đó không?

Cơn mưa buổi chiểu bắt đầu rơi rắc. Nhìn xuống mặt hồ, tôi chợt thấy một đóa hoa súng lẻ loi. Mưa nhẹ quá, không làm mặt hồ xao động, đóa hoa súng lặng lẽ đứng yên. Tôi nhẩm lại câu văn của Đinh Gia Trinh, cậu Hoán chép nơi đầu tập vở của má tôi, thật đúng với cảnh này:

"Chẳng bao giờ nó nở nhiều, cả một dải hồ rộng mênh mông có một mình bông hoa cô lập. Nó không hẹn ngày nở để làm tưng bừng một góc tạo hóa... Nở êm như ru, không yến oanh, không ong bướm, bao giờ cũng ưa đơn chiếc...".

T.H.A
(TCSH49/05&6-1992)

 

 

 

Các bài mới
Ngày tốt (16/09/2021)
Các bài đã đăng
Vinh dự lớn lao (18/05/2021)