Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Lần đầu tiên cử tri Huế đi bầu cử Hội đồng Nhân dân ở thành phố
09:06 | 22/05/2021

HOÀNG PHƯỚC   

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ, tiếp đó, ngày 24 tháng 2 năm 1946, cử tri toàn tỉnh Thừa Thiên phấn khởi nô nức đi bầu Hội đồng Nhân dân tỉnh và Hội đồng Nhân dân thành phố Huế. Đây là ngày hội lớn chưa từng có trong lịch sử của toàn thể Nhân dân Việt Nam sau ngày đất nước được độc lập.

Lần đầu tiên cử tri Huế đi bầu cử Hội đồng Nhân dân ở thành phố
Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 (Nguồn: http://quochoi.vn)

Theo Sắc lệnh số 63 ban hành ngày 22/11/1945 về chấn chỉnh chính quyền nhân dân ở các địa phương và Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 về việc tổ chức Chính quyền Nhân dân của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, được quy định như sau:

“Các thị trấn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn - Chợ Lớn đều đặt làm thành phố”.

“Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền Chính phủ Trung ương, còn các thành phố khác đều thuộc quyền các kỳ”.

“Ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Hành chính thành phố và Ủy ban Hành chính khu phố”…

“Hội đồng Nhân dân thành phố do dân thành phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho nhân dân thành phố”.

“Ủy ban Hành chính thành phố do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu ra vừa thay mặt cho dân thành phố vừa thay mặt cho Chính phủ”.

“Ủy ban Hành chính khu phố do dân khu phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan vừa thay mặt cho dân khu phố vừa thay mặt cho Chính phủ”…

“Ở mỗi Hội đồng Nhân dân thành phố gồm có 20 hội viên (đại biểu) chính thức và 4 hội viên dự khuyết”.

“Riêng ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn - Chợ Lớn thì Hội đồng Nhân dân thành phố có 30 hội viên chính thức và 6 hội viên dự khuyết”.

Như vậy, thành phố Huế kể từ cuối năm 1945 trực thuộc kỳ (Trung Kỳ) hay còn gọi xứ (Ủy ban Hành chính Trung Bộ - xứ Trung Bộ). Và chỉ ở cấp thành phố mới có cơ quan Hội đồng Nhân dân, cấp huyện không có Hội đồng Nhân dân mà chỉ có Ủy ban Hành chính (sau này là UBND). Tỉnh Thừa Thiên và thành phố Thuận Hóa (tức Huế) là hai đơn vị bầu cử Hội đồng Nhân dân riêng (tương đương nhau).

Trích cột báo "Quyết Chiến" có đăng kết quả bầu cử HĐND Thuận Hóa


Ngày 24 tháng 2 năm 1946, cử tri toàn thành phố Huế phấn khởi nô nức đi bầu Hội đồng Nhân dân thành phố. Ngày 04 tháng 5 năm 1946, công bố kết quả rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dưới đây là kết quả chính thức cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân thành phố Thuận Hóa1 (tức Huế) như sau:

Hội viên (đại biểu) chính thức:

1. Cô Nguyễn Khoa Bội Lan (nhà báo),
2. Ông Nguyễn Xuân Cảnh,
3. Ông Nguyễn Khoa Văn (nhà báo),
4. Ông Cao Văn Chiểu (nhà tư sản),
5. Ông Nguyễn Duật,
6. Ông Hoàng Phương Thảo (chính trị),
7. Ông Nguyễn Cửu Thạnh (nhà báo),
8. Cô Nguyễn Thị Lý,
9. Ông Tôn Thất Bằng,
10. Hòa thượng Thích Trí Thủ (Phật giáo),
11. Ông Nguyễn Xuân Nghị,
12. Ông Trần Chí Hiền (quân sự),
13. Ông Trần Thanh Hải,
14. Ông Đặng Ngọc Sách,
15. Ông Trần Đức Hinh (nhạc sĩ),
16. Ông Cao Đăng Tòng,
17. Ông Lưu Quý Kỳ (nhà báo),
18. Ông Trần Xuân Đào,
19. Ông Nguyễn Thanh Đăng,
20. Ông Phan Hạ Uyên.2

Hội viên dự khuyết gồm 4 người:

- Nguyễn Thừa Duyệt, Hồ Diễn (tức Thái Lợi), Trương Đình Phùng, Tôn Thất Cẩm.

Báo Quyết Chiến, số 204 ra ngày 4/5/1946 - Ảnh tư liệu


Sau khi Ban Bầu cử công bố kết quả những người trúng cử, Hội đồng Nhân dân thành phố tiến hành tổ chức phiên họp đầu tiên để bầu các chức danh theo luật định. (Chương trình họp từ ngày 9, 10 và 11/6/1946)3.

Sáng ngày 9 tháng 6 năm 1946, Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đã họp phiên đầu tiên ở nhà Đại Chúng (Địa điểm Hội Quảng Tri, đường Bờ sông Đông Ba). Cuộc họp vắng 1 đại biểu chính thức.

Đến dự có đại biểu Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Ủy ban Hành chính Thừa Thiên, đại biểu các đoàn thể, nhà báo, công sở, Ủy ban Hành chính các phường và rất đông đồng bào Thuận Hóa ngồi chật nhà Đại Chúng.

Sau khi chào cờ và hoài niệm chiến sĩ trận vong, Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đồng thanh cử Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch danh dự và ông Nguyễn Cửu Thạnh (Đại biểu lớn tuổi nhất) chủ tọa, ông Trần Thanh Hải (Đại biểu ít tuổi nhất) làm Thư ký hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thừa Thiên đứng lên đọc diễn văn khai mạc, nhắc lại thành tích vẻ vang của Ủy ban Hành chính thị xã cũ, chào mừng Ủy ban Nhân dân thành phố mới.

Ông Nguyễn Cửu Thạnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đứng lên tuyên bố sẽ làm hết bổn phận mặc dầu tình thế khó khăn, vì Hội đồng Nhân dân tin ở sự ủng hộ của đồng bào Thuận Hóa.

Sau đó đại biểu Ủy ban Hành chính Trung Bộ tỏ ý mong Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đưa đồng bào lên đường tiến bộ và hoạt động để thực hiện nền tân dân chủ và mong mọi người hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Hành chính Trung Bộ trong việc xây nước dựng nước.

Cuối cùng Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ mong Hội đồng Nhân dân cố gắng về mọi phương diện để thực hiện ý nguyện độc lập của đồng bào.

Hội đồng Nhân dân thành phố Huế đã thảo điện văn gửi Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch tỏ lòng tín nhiệm thành thực đoàn kết để ủng hộ Chính phủ và phái bộ đi Ba Lê (Paris).

Và trong một không khí sôi nổi nhưng thân mật vui vẻ, Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đã bầu Ủy ban Hành chính thành phố, kết quả như sau:

Chủ tịch được đề cử gồm các ông: Hoàng Phương Thảo, Cao Văn Chiểu.

- Ông Hoàng Phương Thảo trúng cử với 12 phiếu; ông Cao Văn Chiểu được 6 phiếu. Ông Hoàng Phương Thảo đắc cử chức danh Chủ tịch. (Đây là vị Chủ tịch thành phố Huế đầu tiên được HĐND bầu ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945).

Phó Chủ tịch ứng cử các ông: Nguyễn Xuân Cảnh, Cao Văn Chiểu, Nguyễn Xuân Nghị.

- Ông Nguyễn Xuân Cảnh đắc cử với 13 phiếu làm Phó Chủ tịch.

Thư ký ứng cử: Bà Nguyễn Thị Lý, các ông Nguyễn Xuân Nghị, Cao Đăng Tòng, Nguyễn Thanh Đăng, Đặng Ngọc Sách, Phan Hạ Uyên, Trần Xuân Đào.

Lần thứ nhất, ông Cao Đăng Tòng được 9 phiếu trong số 19 phiếu. Lần thứ hai được 11 phiếu trúng cử.

Dự khuyết: Ông Cao Văn Chiểu, ông Đặng Ngọc Sách.

Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu bầu các chức danh Ủy ban Hành chính thành phố, ông Cao Văn Chiểu - nhà tư sản ở Huế (anh ruột của Trung tướng Cao Văn Khánh) liền xin từ chức, Hội đồng hẹn đợi đến phiên họp sau sẽ quyết nghị về vấn đề này.

Xin bổ sung thêm kết quả bầu cử Ủy ban Hành chính 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên vào ngày 14 tháng 7 năm 1946.

Theo Sắc lệnh 63 nói trên thì mỗi huyện đặt một Ủy ban Hành chính gồm 3 ủy viên chính thức (một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, một Thư ký và hai Ủy viên dự khuyết). Ủy ban Hành chính huyện do đại biểu Hội đồng Nhân dân các xã trong huyện bầu ra. Hội đồng Nhân dân xã nào thì bỏ phiếu ở xã ấy. Lúc bầu thì bầu riêng Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký.4 Kết quả như sau:

1. Huyện Phong Điền

Chủ tịch: Ông Hoàng Thái.
Phó Chủ tịch: Ông Phan Đình Hy.
Thư ký: Ông Bùi Thu.
Còn hai ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

2. Huyện Quảng Điền

Chủ tịch: Ông Trần Bá Song.
Phó Chủ tịch: Ông Thái Quang Cự.
Thư ký: Ông Lê Anh.
Còn hai ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

3. Huyện Hương Trà

Chủ tịch: Ông Trần Thanh Chữ.
Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Xuân Lữ.
Thư ký: Ông Trần Hữu Thí.
Còn hai ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

4. Huyện Hương Thủy

Chủ tịch: Ông Lê Trọng Hội.
Phó Chủ tịch: Ông Lê Quang Thuyết.
Thư ký: Ông Lê Bá Chi.
Còn hai ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

5. Huyện Phú Vang

Chủ tịch: Ông Nguyễn Cửu Thạnh.
Phó Chủ tịch: Ông Hồ Văn Đổ.
Thư ký: Ông Nguyễn Lượng.
Ủy viên dự khuyết thứ nhất: Ông Nguyễn Đạm.
Còn một ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

6. Huyện Phú Lộc

Chủ tịch: Ông Lê Bá Dị.
Phó Chủ tịch: Ông Lê Thúc Khánh.
Thư ký: Ông Nguyễn Quý Hồng.
Còn hai ghế dự khuyết sẽ bầu lại.

Đọc lại những trang tư liệu này để một lần nữa chúng ta có cơ sở nhận thức lại; để xây dựng được một nền dân chủ cách mạng thì cần phải đấu tranh cách mạng, cần có quá trình, và phải có những bước hoàn thiện luật pháp, phát triển dân trí, đảm bảo đời sống dân sinh. Điều quan trọng hơn là đất nước được độc lập tự do thì quyền công dân và công bằng xã hội mới được phát huy. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trên cả nước lần này sẽ minh chứng cho điều đó.

H.P
(SHSDB41/06-2021)

------------------------
1. Công bố trên báo Quyết Chiến, số 204 ra ngày 4/5/1946.
2. Trong số 20 vị đại biểu HĐND thành phố, có nhiều vị đồng thời là Đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên.
3. Công bố trên báo Quyết Chiến, số ra 10/6/1946.
4. Công bố trên báo Quyết Chiến, số 276 ra 26/7/1946.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng