Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Bồ câu đưa thư
09:09 | 02/07/2021

PHẠM NGỌC TÚY

Tin siêu bão đài báo trước đó mấy ngày. Cả nhà ngồi chờ bão đến, My đi chợ ngày chủ nhật, lai rai mua mỗi ngày một ít thức ăn.

Bồ câu đưa thư
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Vài hôm trước ra quét vườn My thấy một cánh lan móng tay nở dưới chân chậu hồng đỏ. Vậy là mùa thu đang đến. Màu vàng chỉ còn một nhánh, màu đỏ một nhánh. Trước đây My trồng quanh vồng cỏ nhật, giống lan màu vàng đẹp nhất, sau mấy trận lụt chết chỉ còn một nhánh mong manh. Họ sống trong vùng đất trũng, quen với bão lụt hàng năm. Trước bão lúc nào cũng có khoảng lặng đáng ngờ, chồng My nói.

Mưa lắc rắc trên mái tôn sau đó lớn dần lên. Nhìn hai cây cam uốn cong và cây bưởi rung rung, chồng nói “Bão đến”. Nó chỉ quét qua vườn chừng 10 phút. Tiếng răng rắc của nhành cây. Tiếng trái rơi lộp độp trên mái nhà. Bên ngoài trời mù đi trong chốc lát. Mưa nhanh nhưng không lớn. Điện cúp. Họ ra vườn sáng hôm sau. My không tin ở mắt mình, vườn có ba cây xoài, cây có trái dài và ngon nhất, chỗ con Cali Anh hay về đậu kiếm ăn, gãy ngang, nhánh to nhất bổ lên đầu tường nhà hàng xóm. Dãy chuối sứ to trồng sát hàng rào, sau và trước gãy rạp. Khu chuồng trại đầy lá rụng. Cây khế ngọt và cây hồng trái ngang ngửa nằm vắt ngang trên lưới rào. Sáu ngày sau điện vừa mới có lại, đài báo sắp có bão số 7 và số 9. Hậu quả cơn bão khủng số 5: hàng trăm cột điện gãy, hàng chục ngàn ngôi nhà tốc mái. Chồng và con trai My dọn dẹp đống hổ lốn ngoài vườn, thu gom những nhánh cây gãy ngang tấp dưới gộc. Con trai My trèo lên ban công cưa đứt nhánh sapotier to gãy nằm ngang trên mái hiên nhà. Trái cây như khế chua, khế ngọt, xoài, sapotier có thể nhặt từng thúng được. Cây sầu đông rễ cắm sâu dưới lòng ao chưa gãy, thân rất lớn. Nó nghiêng trên mặt đất đủ một người bước qua. Vườn trước chuối ba lùn gãy nát, ba buồng có trái đứt ngang, một buồng dựng sát cây chuổi chưa tróc gốc, My cắt vào làm dưa, nấu canh. Bên vườn bà chị, một cây đào đỏ trúc gốc nằm trong vũng nước. Họ nhớ bão năm 85, bưởi, cam, thanh trà rụng sạch. Chưa đầy một tháng mà ba trận bão, ba trận lụt. Trận lụt thứ ba nước vào sân vườn nhanh hơn, đài báo xả lũ ba đập chứa nước. Mưa lớn, mưa sầm sập, mưa như cầm chĩnh đổ. Định đi chợ nghĩ lại còn cá ăn, My chần chờ chưa quyết thì nước đã tràn vô vườn. Đường lớn chắc tràn nước rồi, thế là ở nhà. Mới thứ sáu dọn vườn thứ bảy tuần sau nước vô rồi lụt luôn. Nước vô nhanh, còn chút xíu là vô nhà bếp. My và chồng ngồi nhìn mưa rơi, canh nước lên, không ngủ, buổi tối cũng dậy ra xem nước. Mọi sách vở đồ dùng chồng con khuân lên gác, có cái để lưng chừng cầu thang. Đứa con gái gọi điện liên tục hỏi thăm. Mẹ không mua chi hả mẹ. Sao lại không, nó biết mẹ không mang được nhiều thứ, ngay khi nước vừa rút tức tốc mang đến cho mẹ đồ nó mua. Mẹ ơi, họ vét sạch luôn cả siêu thị, chợ không còn mì tôm. Chắc mua đi cứu trợ đó, chồng nói. My cười, con lo làm gì, thằng Út có mua mì tôm và cá hộp. Lụt trước cúp điện lụt sau cũng cúp điện cho an toàn. Hỡi ơi, ngày mười ba thứ sáu. Ngày này sang năm sẽ là ngày giỗ của mười ba thứ sáu. Đất sạt lở, người mất.

Con Ugly tru lên, nó rất sợ sấm, bây giờ gần như nằm một chỗ. Mười con chó, con Mina nuôi bảy năm thì chết. Hai con Hope (hai con cùng tên) dễ thương là thế bị chết vì bệnh careé. Con Regle bị người ta bắt. Con Bob ăn nhầm cơm trộn thuốc rầy của nhà hàng xóm. Giờ còn lại con Ugly, My định bụng không nuôi con nào nữa. Gần như họ để máy suốt để nghe tin bão. Tin siêu bão liên tục. Bão số 8 đi qua bão số 9 đến, rồi bão số 10. Bão và nước ngâm khu vườn họ bên ngoài. Lụt này mới rút lụt khác lại vào. Ngày nào thầy Thanh cũng ra ngắm khu vườn. Rau khoai còn mấy đọt lơ thơ, rau má chết, rau vi rau éo chết. Hai cây đu đủ sây trái gãy, cây chanh mới có bốn trái đã chết, cây mít Thái một năm trồng lên tươi tốt cùng chung số phận. Năm nay không có hồng chín rụng dưới gốc. Con chim có bộ lông màu xám tro, mình dài, đuôi dài giống chim bìm bịp là con chim cuốc không về.

- Con Cali Anh về kìa. - Chồng nói, lâu lâu ra ngó khu vườn tơi tả. Không còn chuối làm món dưa góp, My đổ luôn thẩu kiệu. Nhà trôi người chết, nước mênh mông… ăn gì cũng dở miệng. Không ai muốn ăn nữa. Đúng là con Cali Anh. Khu vườn của họ là chỗ kiếm ăn của hai con sóc. Sóc Anh là Cali Anh. My gọi cho vui. Con Cali Anh đến ở vườn nhà từ lâu. Nó có bộ lông màu xám, lông dày, thoạt nhìn giống con mèo nhỏ nếu không có cái đuôi dài xù ra. My yêu hai con sóc nhất là khi nó sà xuống ăn bã đậu, đậu nành My làm sữa bỏ trong chậu. Nó ăn đủ thứ trái cây trong vườn nhà họ.

- Con Cali Em không thấy về. My nói.

- Ừ.

Trong cái tả tơi xơ xác của khu vườn, hình ảnh con sóc mới gây ấn tượng làm sao. Nó nhảy nhót trên những cành tươi và chuyền qua những nhánh gãy, lá đã khô. Mùa thu chưa định hình bão số 5 đã quét sạch mọi chướng ngại trên đường đi của nó. Lá vàng chưa rụng hết mà lá xanh un đầy dưới gộc cây hồng sau vườn nhà họ. My và chồng để ý đàn kiến thiên di trước khi có bão, còn ong không còn một con. Khi trời nắng, tiếng “craw, craw” tưởng chừng có một bầy chim sà xuống. Chỉ có hai con sóc Anh và sóc Em đến ăn trái xoài chín rụng. Khu vườn đầu đông vắng lần tiếng chim. Mỗi mùa hè, buổi chiều vừa rửa chén xong, My đổ nước rửa ra ngoài thềm gọi bầy chim se sẻ. Một bầy chim sẻ sà xuống nhặt từng hạt cơm nát. Bây giờ hai con sóc chỉ về một con nhưng con sóc Anh không ở lại lâu. Gần quá rằm trung thu, đến chừng cuối tháng, hai con sóc không về, nước còn ngâm từng gộc cây sapotier. Buổi tối ngồi coi tivi, cảnh lũ khắp thành phố, cảnh lút chài lút chóp ở thôn quê, cảnh người cứu trợ tấp cập, My chạy xuống nhà. “Gì thế”? Chồng hỏi. “Không có gì”. Cô xuống nhà gọi điện thoại. Không hiểu sao không có tin nhắn từ hội từ thiện, chuyến đi Trẹm và Định Huệ đáng lẽ đi ngày 27/11 tặng quà nay đình lại rồi. Vậy mình có thể? “Đường ra Phong Điền còn chỗ mà đi không?”. “Thôi tội quá, bà lại định đi cứu trợ thì xuống đi với tụi tôi nè. Quốc lộ 1A tràn ngập người và xe cộ, bà dám đi không?” My cúp máy. Bụng thầm rủa tên bạn láu lỉnh. Có lần đi với người bạn từ Mỹ về My mất ngủ ba đêm. Nhóm từ thiện của My đến trại tâm thần hàng năm (sao người ta vào đó nhiều thế). Người bạn ngỏ ý muốn đến thăm. Sau đó họ đến ba, bốn nhà trẻ khuyết tật ở Phong Sơn, 7 giờ tối vào căn nhà trên đỉnh là ngôi nhà cuối cùng. Những trẻ khuyết tật, có đứa năm nay hai mươi tuổi. Không thấy mệt mà trong lòng khó chịu, My từ chối chuyến đi thuyền rồng tối hôm ấy.

Nửa đêm choàng dậy, My chợt nhớ đến học trò. Chúng ra sao? Cô nhớ hai con sóc thì ít mà nhớ hai anh em thằng Song thằng Sanh. Giờ này chắc nhà nó lút chài lút chóp và nhận đồ cứu trợ từ trong Nam ra rồi. Mình quên, sao mình ngơ thế, con chim bồ câu! Nó đâu rồi, trong cảnh bão loạn này chứ? Hết năm này không chừng không đi xe đạp được nữa. Thời thanh xuân… mỗi ngày đạp chừng mười lăm km về trường. Ngày ấy My chỉ ở một mình và cô Thu là người bạn duy nhất, Thu tốt bụng hiền hòa. Bây giờ tìm cho ra một người có tâm hồn dung dị và tốt bụng như cô Thu không có. Thu biến mất dưới bầu trời như bốc hơi. Tối hôm qua ngồi coi cảnh bão lụt nước mênh mông trên tivi My chạy chân không xuống nhà. Chồng hỏi cụt lủn “Gì thế?” Hình như ông giáo sư dạy Toán nào cũng thế, nói cụt lủn. Ít nhất cũng có bổ túc từ, ngày mai mình sẽ ra quốc lộ 1A. Đang cố nhớ đường vô nhà hai thằng học trò đó. Nghỉ hưu sáu năm rồi My đem hình ảnh học trò vào trong sách vở. Thầy Thanh bước xuống nhà.

- Sao em không nhắn bồ câu đưa thư. Hôm qua thằng Song có gởi tin nhắn đấy.

Đôi chim bồ câu gù trên mái và đôi chim sẻ lích rích dưới mái hiên nhà khi hoa móng tay nở, hoa huệ trắng nở báo hiệu mùa thu đến. Giờ bão thổi luôn mùa thu ra biển. My lấy ra két mì tôm con gái mới mua sớt một nửa, đường và sữa còn hai hộp. Cá hộp. Không thể mang nhiều thêm được, còn cái áo lạnh My mang trên người ra ngoài sẽ cho mẹ thằng Song. My ngoáy vội mấy hàng trên giấy: “Cô ra thăm em”. “Chắc giờ chừ nó nhận quà cứu trợ rồi”. “Em nhớ đường vô nhà nó? Nhớ, làng nó nằm giữa mênh mông nước và trời. Còn nhà? Nằm trên một bến sông”. Xung quanh nhà thằng Song, lần sau cùng My về nhà nó đúng là nhiều chim sẻ. My đọc đâu đó trong cuốn sách Giáo Khoa “Thôn quê là quê hương của chim sẻ”. Lần thứ hai My đi cùng anh bạn và sư cô. Họ xuống làng, cái làng tên gì nhỉ. Anh bạn gọi nó là làng Irnoge - Không biết. Giữa mênh mông nước, không cả tiếng ễnh ương, tiếng chim kêu. Họ ghé Ủy ban trao quà cứu trợ sau đó ghé thêm trường học bên đường. Thương quá những ngôi trường thôn quê. Bàn ghế ướt, chỉ có người già đến nhận quà. Sáng này My mặc quần jean túm, áo phông màu xanh với chiếc khăn quàng màu đen cho ấm. Đầu đội mũ nỉ đen. Con bồ câu đậu trên tay My trước khi My trèo lên xe.” “Em đi đón cô. Con Cali Anh ở ngoài ni”. “Biết ngay mà, thằng quỷ tặc”. Chồng My đoán được những suy nghĩ của My: “Em quên rồi à, hai con sóc đến ở vườn nhà mình tự nhiên nhưng là… thằng Song bẫy mang đi rồi”. My không nói gì, người lái xe thồ nói chuyện cứu trợ, người ta cho nhiều lắm. Người tài xế xe ôm lách từng chút một tìm đường vô làng. Nước mênh mông, hai anh em thằng Song chèo xuống lao đến. Hai anh em có lẽ một đứa mười bảy, đứa mười tám. “Trời ơi, cô đi một mình mà mang nhiều thế”. Sáng ngày chồng My bỏ thêm những thứ con gái mang đến: bánh gạo, dầu ăn, thuốc đau bụng, gạo… My nhìn xung quanh, không khác lần về cứu trợ với sư cô. Làng Igrnore có tên chứ, họ ghé qua trao quà, khoảng một giờ rồi đi nơi khác. Lần đó về My ngủ ngon.

- Con chào cô ạ. Bé em lên mười đang ngồi trong lòng bà tụt xuống cái thang kê lên gác thấp.

- Cháu chào bà.

- Cô ra thăm cho quà đó à.

Bà của hai anh em chừng bảy mươi, không đến nỗi lụ khụ song ở thôn quê thì da nhăn và già sớm. Bà còn nhớ My không?; nghe tiếng nói bà còn nhớ My rõ.

- Nước ngang mô? - My hỏi Sanh.

- Gần lút mái đó cô. May có gác, nước gần tràn qua.

Nước tràn qua chái bếp, bao nồi niêu soong chảo Song úp lên cái thuyền neo giữa nhà.

- Em nấu ăn trên thuyền. - Song hiểu cái nhìn của cô giáo. - Làm gì có lửa mà nấu? Chưa kịp chồng đồ, nước tràn về ướt cả. May mẹ nó có nấu một nồi cơm to ăn cả ngày đưa lên gác, kẻo bà bị đói.

- Ba em đâu rồi?

- Dạ đi nhận đồ cứu trợ.

My thở dài, thằng Song và thằng Sanh cùng thở dài. Mười năm trước cũng về cái làng này, nước mênh mông chi xứ, bây giờ không có chi thay đổi cả.

- Thế còn sách vở bé em có bị ướt không?

- Nước vô nhanh quá sách có ướt chứ, em còn bận phụ ba dọn bớt đồ lên gác. Em chỉ nằm trên xuồng lót rơm ngủ, ba em ngồi trên nóc nhà canh nước cô à.

My cởi cái áo khoác trên người.

- Cái này biếu bà đắp cho ấm.

- Tui có đủ mền đắp, cô mặc kẻo lạnh. - Bên trong My bận áo len ấm đến nóng rực cả người rồi - “Mà thôi cứ nhận cho cô vui”.

Gần trưa rồi mà nước không có dấu hiệu rút, My chào mấy bà cháu định về, vừa lúc ba thằng Song về tới.

- Trời, chào cô. Nước lụt mênh mông, cô ra có ai theo không? Họ cho đồ cứu trợ nhiều, cô cho thêm nữa sao. E cô đi tìm con Cali Anh đó hả, tui biểu hắn gởi tin nhắn, cô không nhận được à?

- Dạ tôi…

Ngày 20/11 năm ngoái, hai anh em mang lồng trong có nhốt hai con chim câu đem biếu thầy Thanh. Thầy Thanh đóng cái chuồng cho hai con chim câu ở, vậy là khu vườn tạm có vài giống chim. Chim sẻ chỉ đến mùa hè, với chim bìm bịp, chim cuốc. Sóc anh và Sóc em My đặt tên Cali Anh, Cali Em. Con Cali Anh lớn hơn và nhanh nhẹn hơn, chúng đuổi mấy con chuột giành ăn trái cây, thấy Thanh nói. Thằng Song thận trọng “thưa cô, em… muốn xin cô cho em bẫy hai con sóc đem về… thả vô rừng gần núi”. “Tưởng gì! Bẫy được à, nhưng ở đây cô có nhốt nó đâu chứ, cô gọi nó về bằng bã sữa đậu nành và vỏ đậu xanh nơi cái chậu”. Giống chim Chột mườu trước đây ở bụi tre rất nhiều bị người ta vào vườn bẫy hết. Sau này đi chợ My khóa cửa vườn mà bầy Chột mườu buổi sáng ríu rít ngoài vườn sau không còn một con.

- Vậy là cô không đọc tin nhắn, tui nhắn Thầy, thằng con tui sợ hai con sóc đi luôn nên nó vô nhà cô đặt bẫy mang ra. Hết mùa lụt mang vào.

My vào Huế, vui buồn lẫn lộn. Nhóm từ thiện nhắn tin sau hai tháng trời vắng bóng. Họ đi thăm trại mù ở huyện Phú Vang, ngược về Phú Lộc; trèo lên mấy chục bậc thang chùa Túy Vân, vào chùa lễ Phật, thăm sư trưởng, ăn khoai lang nóng chùa nấu. Dùng hết những chén trà xanh nóng hổi, trút bớt cái lạnh, đoàn xin phép Thầy ra chùa Hải Triều tặng quà cho mấy mệ già và học trò. Ngược lên Phước Sơn thăm ngôi chùa trên đỉnh núi của cô Huệ An, mọi phần quà tặng cho học sinh được trút xuống một xe. Đoàn cho một chiếc lên Huế. Quanh chùa được trồng thêm nhiều giống hồng, khung cảnh đẹp hơn xưa. Đã hai năm My mới trở lại ngôi chùa này. Ni sư không già mấy, chỉ có nước da hơi đen. Sư mở cửa xe cười:

- Sư trông mấy chị mòn con mắt, mười hai giờ rồi có đói bụng lắm không?

Mỗi người được chia phần một chiếc kẹo trên lòng bàn tay ni trưởng. Họ sẽ ăn trưa tại đây. Ở chùa Túy Vân My lấy một củ khoai lang nóng Thầy vừa nấu, lên xe ngồi ăn cho đằm bụng nên không thấy đói. Phát quà cho trẻ nhỏ và người già, ăn bữa cơm chay nóng thật ngon miệng. Hai giờ chiều họ xin đi. Chuyến xe đến hai ngôi chùa ở làng Truồi, một trường Tiểu học trong làng; cô giáo chạy honda ra đón. Có một lần lên Chanchu tài xế chạy lộn đường. Một lần đi ngả đường tránh hai anh tài đáng lẽ rẽ vô làng lại chạy thẳng. Định bụng về nhà sẽ tìm thêm vài cái soong vài cái chảo, cùng ít đồ ấm mang cho nhóm Tùy Duyên. “Đi cứu trợ sáu lần, cho đồ mấy cũng không đủ - lời cô bạn nhỏ. - Họ trôi hết nhà cửa áo quần. Bốn lần ở các bản làng gần Lao Bảo. Lần đầu đi Phong Điền, không còn chỗ quay xe lui trên Quộc lộ 1A. Chiếc xe chở đồ cứu trợ ngả bốn bánh trên đường, tụi em đi đường vòng. Bùn lầy quá nhiều, mãi 11 giờ tối mới về tới nhà. Mai 6 giờ đi Hướng Hóa chị đi không? Đi bộ dài đường đó. Sẽ về tối”. My suy nghĩ, mới đi một ngày dài trên hai huyện chừ e không đủ sức.

My về đến nhà tối mịt. Chồng nói trước khi vào giường:

- Thằng Song mới nhắn tin nữa đó.

My ngủ vùi trong chăn đến 7 g sáng hôm sau.

Trong chiếc hộp giấy đựng đầy tin nhắn được gỡ ra từ con chim bồ câu.

“Cô ơi, mưa và nước tràn trề…”.

“Bão sắp vô rồi cô ơi! Cô coi chừng mấy buồng chuối đó”.

“Mưa lớn có lũ về rồi. Ba em dặn em nhắn cô nói Thầy nhớ uống thuốc ho”.

“Nước tràn khắp huyện. Ba em suýt chút nữa bị nước cuốn”…

My lau mắt. Hai anh em nó nổi tiếng với tài đan rổ rá, có bữa còn đi học trễ; thằng Sanh không áo mưa không mũ nón, đi khơi khơi vào lớp học. Là chuyện thường ở thôn quê, những xã miền xa. Làng Igrnoge My đến một lần mà nhớ mãi, hai đứa học trò dễ thương tuy có phần nghịch ngợm ở đó. Sáng này My không đi chợ, thôi ráng ăn củ cải và cá hộp. Cái đầu và cả người lâng lâng, thấm mệt chăng.

Hai con sóc ngóng mãi không về. My không nấu sữa đậu nành từ cơn bão số 5 rồi. Cha thằng Song đã làm gì với hai con sóc ấy. Đây rồi, tin nhắn khẩn cấp: “Cha em nói… sẽ bán hai con sóc, có người mua về lập vườn”. Lập vườn thì mua về làm cái gì? Còn một hàng chữ viết ngay ngắn rõ ràng. Đó là tuồng chữ của ba thằng Sanh. Hồi đi dạy Bổ túc cho cán bộ ở Thủy Dương, My biết có người viết chữ rất đẹp.

“Kính gởi cô My. Thằng Song nó bảo tui bán hai con sóc để lấy tiền… đưa cô đi mổ cánh tay”.

Đồ quỷ! Người ta mua làm gì hai con sóc? Nó không thể nhốt được, nhưng nó cũng không nên bán đi. Ai khiến thằng lanh chanh đó. My đi tìm chồng. Thầy Thanh sáng nào cũng ra đứng nhìn vườn chuối gãy nát. Chuối ba lùn, chuối sứ, chuối mật. Cây bưởi ngon nhất vườn rụng sạch trái. Nhìn lên tivi, vườn thanh trà mất trắng. My hiểu chồng không tiếc bốn buồng chuối gãy. Người đàn ông này im lặng nghĩ đến học trò. Thiên tai, dịch bệnh, mất mùa…, những đứa không còn mẹ và cha sau trận lũ khủng này, chúng sống ra sao?

- Anh biết à?

- Phải, ngày nó vào bẫy hai con sóc trước khi bão đến, nó nói cha nó định bán mà nó không cho.

- Ông ta bán mua giống má, liên can gì đến mình?

Buổi tối vào giường, My kể chuyện cô Huệ An mua lúa giống cho dân địa phương, lụt làm ẩm và trôi hết thóc giống. Tiền cô Như mang lên. Một đoàn ba mươi bác sĩ về khám bệnh, họ xin ở lại chùa. Cô đưa họ lội suối đến thăm khám cho dân miền lũ, họ nói sẽ khám đến 2 giờ thì vô Đà Nẵng, (tin báo 4 giờ bão vô Huế). Dân làng nói họ cần khám bệnh, không cần cho quà tặng làm gì. Lời nói ấy khiến các bác sĩ làm việc suốt buổi trưa không ai nghỉ. Chồng lắng nghe yên lặng.

- Anh biết hết rồi phải không?

- Em không đi mổ tay à?

My không đáp. Chẳng lẽ ngồi đợi bác sĩ Tây? Hôm qua cô phát quà giúp mọi người, một gói mười cuốn vở, sữa và bánh gạo cho từng em học trò.

Thanh thở dài…

- Vậy em có định rút hết tiền tiết kiệm để đi mổ không? Song có nói chuyện đưa tiền cho em, nó bảo vườn nhà mình đã nuôi giùm hai con sóc rồi.

Chồng cô gởi tin nhắn giúp vợ: “Cô đủ tiền đi mổ. Sóc Anh và Sóc Em là lẽ sống của khu vườn, ba em đừng bán cô buồn”.

My cảm thấy mắt mình cay cay. Song ơi.

P.N.T  
(SHSDB41/06-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế và em (01/07/2021)