Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Áo dài Lemur và phong trào cải cách y phục phụ nữ của Tự Lực Văn Đoàn
14:34 | 09/07/2021

VŨ THỊ THANH LOAN  

1. Lemur Nguyễn Cát Tường là một họa sĩ trẻ tài năng của khóa IV trường Mỹ thuật Đông Dương (1928 - 1933). Sau khi tốt nghiệp, ông thường xuyên cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn.

Áo dài Lemur và phong trào cải cách y phục phụ nữ của Tự Lực Văn Đoàn
Phong Hóa số 85 (11/2/1934), tr.22

Trên tờ báo này, từ đầu năm 1934, ông phụ trách chính mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, mở đầu cho cuộc cải cách y phục phụ nữ có thành tựu và tiếng vang lớn do nhóm Tự Lực Văn Đoàn khởi xướng. Tuy ban đầu chỉ mới hướng đến những phụ nữ thành thị, đặc biệt là những “gái mới”, “gái tân thời”, nhưng phong trào cải cách y phục phụ nữ của họa sĩ Cát Tường và nhóm Tự Lực Văn Đoàn sau đó đã được phổ biến khá rộng rãi. Có thể nói, chính từ những trang phục cải cách này mà tà áo dài của phụ nữ Việt Nam dần được thành hình. Cho đến nay, tà áo ấy đã trở thành một biểu tượng thân thuộc của phụ nữ Việt Nam, thành trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

 

Mẫu áo dài đầu tiên của Lemur (Phong Hóa, số 90 (23 tháng 3/1934), tr.4)

2. Trên Phong Hóa số mùa Xuân Giáp Tuất (số 85, 11/2/1934) xuất hiện một mục mới do họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường phụ trách chính: “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Lời tòa soạn ghi:

“Bắt đầu từ năm nay, bản báo mở thêm mục vẻ đẹp, trong đó sẽ nó về đủ mọi thứ trang sức: quần áo, đồ đạc, nhà cửa, v.v…, sẽ có nhiều bức vẽ kiểu của các nhà họa sĩ tốt nghiệp ở trường Mỹ thuật nghĩ giúp.

Mục này để tặng riêng các bà, các cô. Mong rằng nhờ có mục này rồi người, quần áo và đồ đạc sẽ dần dần được tăng thêm vẻ đẹp.”1

Bản thân người phụ trách mục, họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, thì nói rõ hơn trong bài viết mở đầu chuyên mục:

“Ưa thích sự đẹp là tính thường của người ta. Trừ một vài người giả đạo đức hoặc trái chứng trái nết, còn thì, bất kỳ trai hay gái, chúng ta thử thực thà mà tự hỏi ai là người không thích đẹp? Ưa đẹp đã là tính chung và lại không phải là một điều xấu, thì chẳng can chi ta phải giấu giếm.

Riêng về bên “phái đẹp”, một phần lớn tính đó phát lộ ra ở nết ưa trang điểm”2.

Khẳng định rằng người ta có tính “ưa thích sự đẹp”, với người phụ nữ, điều đó trở thành “nết ưa trang điểm”. Trang điểm đã là một “nết”, có nghĩa là một đức tính, thì cần được phát huy. Suy nghĩ như vậy nên họa sĩ Cát Tường biện bạch: “Người ưa trang điểm phải chăng là người đáng bỉ? Tôi giám cả quyết rằng: “không” - trừ khi nào những người đó lấy nê mà vượt qua ngoài giới hạn”; rồi khẳng định: “Nếu ta biết nhận rõ giới hạn thì chắc rằng sự trang điểm là một tính rất hay và rất cần cho phụ nữ mà trang điểm không những không trái luật thiên nhiên, lại còn tỏ ra rằng mình biết trọng người và biết tự quý mình”. Hơn thế, ông còn cho rằng “phụ nữ mà trang điểm còn nhiều điều ích lợi hơn nữa”. Ông đưa ra thí dụ hóm hỉnh:

“Một người thiếu nữ ở trong nhà, trang điểm đôi chút, có thể làm cho tất cả mọi người được thêm vui vẻ: trông thấy vẻ đẹp tươi, chẳng ai là không thích mắt, vừa lòng.

Nhiều thiếu phụ lấy cớ rằng mình đã có chồng có con, không chịu trang điểm, tôi cho thế là vụng nghĩ.

Ai chẳng biết, người ta ngoài cái tính ưa đẹp, lại còn cái tính chóng chán. Chóng chán là một tính xấu, song không thể nào trừ bỏ đi được - tôi dám cam đoan là thế. Ai chưa được chán, tôi xin phục là tài. Còn gì chán bằng, trông thấy vợ mình suốt ngày ở dưới bếp, lếch thếch ôm con, mặc cho đầu bù, tóc rối, quần áo xốc xếch, lam lũ, không tưởng gì đến sửa sang gọn ghẽ. Hơi đứng gần là sặc mùi khói bếp, nặng mùi sữa ôi. Quang cảnh đó, hỏi ai người không chán, dù cho người chồng cố sức “không dám chán” cũng không thể được. Mồm tuy không nói, song trong bụng chán ngầm.

Trong một gia đình mà người chồng chán vợ, các bạn hãy tưởng tượng quang cảnh đó nó sẽ ra sao?... ít nhất “họ” cũng đi tìm thú vui vụng, tiêu khiển ngầm… rồi nay đi làm về trễ, mai đi chơi về chậm, - vợ có hỏi, đành liều nói láo: “làm thêm giờ mà lại…, họp hội đồng mà lại…, thật quả thế, ai nói điêu, người ấy chết”… Một lần không chết: yên lòng, hai lần không chết: thêm bao.

Chà! thề chẳng chết ai, tha hồ ăn vụng: ăn vụng thường hay nhọ mặt mà cái ngày nhọ mặt là ngày câu thề ứng nghiệm. Người không chết, song gia đình lục đục, nền hạnh phúc lung lay.

Tôi nói thế chỉ cho khỏi có người phản đối, song nếu để tâm suy xét, tôi chắc rằng nhời tôi nói: một phần giá trị và hạnh phúc của phụ nữ là ở sự trang điểm “không phải là nhời nói quá vậy”3.
 

Cô Nguyễn Thị Hậu - người thiếu nữ đầu tiên mặc quần áo lối mới kiểu Lemur
Phụ trương ảnh Ngày Nay, số 1 (30 tháng 1/1935)



Đến bài viết sau, “Y phục của phụ nữ”, Nguyễn Cát Tường mở rộng góc nhìn, gắn kết y phục với văn hóa, xã hội, dân tộc. Bài viết này thể hiện một quan điểm hết sức cấp tiến của Nguyễn Cát Tường khi đánh giá cao vai trò của hình thức bề ngoài của con người, những phụ trang tưởng như chỉ giúp để che thân và giữ ấm. Ông nhận định:

Mới nghe đầu đề, ta chớ vội cho là một vấn đề nhỏ mọn không đáng bàn, một vấn đề thuộc về vật chất. Chính ra vật chất cũng có mật thiết với tinh thần mà nó lại cùng tinh thần phân biệt rõ ràng loài người với giống vật. Người ta khác giống vật là bởi trí khôn và bởi cả quần áo”4.

Hơn thế, y phục còn là sự thể hiện “phương diện quốc gia”. Nguyễn Cát Tường viết tiếp:

“Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ tri thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu.

Y phục của người những nước Âu, Mỹ, không những rất gọn gàng, hợp với khí hậu xứ họ, mà kiểu mẫu lại rất nhiều và rất đẹp. Như thế đủ tỏ ra rằng họ có một cái trình độ trí thức rất cao, một nền văn minh rất rõ rệt và luôn luôn tiến bộ.

Đoái nhìn lại nước nhà, tôi không khỏi có điều chán nản. Trừ y phục của bọn trai chúng tôi, phần nhiều phỏng theo kiểu mẫu của người Âu Mỹ, còn y phục của các bạn gái, tôi xem thấy có nhiều điều bất tiện mà lại không có vẻ chi là mỹ thuật.”5

Chứng kiến những hạn chế trong y phục của người phụ nữ Việt Nam, so sánh với y phục hiện đại và văn minh của nước ngoài, Nguyễn Cát Tường bày tỏ mong muốn được góp sức mình vào công việc cải cách y phục phụ nữ. Với tâm niệm ấy, trong hình dung của ông:

“Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải như thế nào?

Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, dản [sic] dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tầu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn… mà cả nước Lô-lố nữa (nếu đó cũng là một nước)”6.

Nhìn vào quan niệm trên, có thể thấy, Nguyễn Cát Tường đã hình dung đầy đủ về một bộ trang phục phụ nữ mang tính cách Việt Nam: về mặt công dụng, nó phải phù hợp với khí hậu, thời tiết, với công việc và hình thể người phụ nữ; về mặt hình thức, nó phải giản dị, khỏe khoắn, đẹp và lịch sự.

Nhưng để có được một cuộc cải cách như thế, nỗ lực của những người thực hiện là chưa đủ. Nguyễn Cát Tường hy vọng chị em, những người thụ hưởng những thành quả đó, phải dám vượt lên “dư luận” để góp sức vào công cuộc cải cách này:

“Tôi mong rằng rồi đây các bạn gái sẽ mạnh bạo mà tiến bước, gác bỏ ra ngoài những điều bình phẩm vô giá trị. Vẫn biết rằng: người ta phải cần dư luận, nhưng dư luận “quáng gà”, ta có quyền vứt bỏ. Điều gì hay, ta theo, dở ta bỏ, miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời, có thể tổn đến hạnh phúc, hại đến danh dự của ta và của nước.”7

 

Một thiếu nữ mặc áo dài Lemur (Ảnh bìa Ngày Nay, số 1 (30 tháng 1/1935))

3. Sau khi trình bày quan niệm về y phục phụ nữ mới, liên tiếp trên Phong Hóa, Nguyễn Cát Tường cho đăng các bài viết và các mẫu vẽ cải cách y phục phụ nữ: “Cải cách ống tay áo”, Phong Hóa số 87 (2/3/1934), “Cải cách cổ áo”, Phong Hóa số 88 (9/3/1934), “Cải cách quần”, Phong Hóa số 89 (16/3/1934), “Một kiểu áo mới ra mắt”, Phong Hóa số 90 (23/ 3/1934), “Hai kiểu vạt áo”, Phong Hóa số 91 (30/3/1934), “Vài kiểu “mùi soa” thêu”, Phong Hóa số 93 (13/4/1934), “Hai kiểu áo trẻ con”, Phong Hóa số 94 (20/4/1934), “Mấy mẫu quần mới”, Phong Hóa số 96 (4/ 5/1934), “Mấy kiểu cổ áo mới”, Phong Hóa số 97 (11/5/1934), “Một kiểu áo cánh”, Phong Hóa số 99 (25/ 5/1934), “Áo cánh mặc trong nhà”, Phong Hóa, số 101 (8 /6/1934), “Cái yếm”, Phong Hóa số 103 (22 / 6/1934), “Mấy kiểu yếm mới”, Phong Hóa số 105 (6/ 7/1934), “Một kiểu áo mùa nực”, Phong Hóa số 106 (13/7/1934), “Một kiểu áo pijama”, Phong Hóa số 106 (13/7/1934),... Ngoài ra, Nguyễn Cát Tường còn hướng dẫn phụ nữ hoạt động thể thao làm tăng sức vóc, cân đối hình thể. Có thể nhắc đến loạt bài “Một môn thể thao” nhằm: “giúp thân thể săn chắc”, Phong Hóa số 91 (30/ 3/1934), “giúp tăng chiều cao”, Phong Hóa số 92 (6/ 4/1934), “giúp luyện bộ ngực”, Phong Hóa số 102 (15/6/1934),…

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là, với tư cách người giữ mục, nắm vững chuyên môn và thực hiện vẽ mẫu, hiển nhiên Nguyễn Cát Tường là người viết chính, vẽ chính, song các thành viên khác của Tự Lực Văn Đoàn cũng dành sự quan tâm tới công việc này.

Trong loạt xã thuyết bàn về cải cách nông thôn, Nhị Linh Trần Khánh Giư cũng viết một bài bàn về “vẻ đẹp của các bà các cô”, hướng tới việc phổ thông, phổ biến các mẫu y phục của Nguyễn Cát Tường:

“Tôi thì tôi cho sự cải cách y phục phụ nữ của chúng tôi chỉ có một ý nghĩa phổ thông, dù vẻ đẹp của bộ áo quần do họa sĩ Cát Tường chế ra được hay không được công chúng công nhận và hoan nghênh mặc lòng.

Vâng, tôi nói phổ thông, mà rất phổ thông.”

“Khi sự cải cách y phục của chúng tôi có kết quả thì ai ai cũng có thể ăn mặc theo lối tân thời được. Các nhà họa sĩ sẽ tìm ra các đường khâu, các cách cắt, khiến một cô con gái có thể giữ được vẻ mềm mại dịu dàng, óng ả của tấm thân xinh đẹp được, dù các cô dùng hàng “Bom-bay”, hàng “Thượng hải” hay chỉ dùng hàng An Nam, từ lương the, lụa là cho đến vải An Nam nữa.

Tôi chưa bàn nên hiến lối y phục của chúng tôi cho các cô ở thôn quê. Song nếu cô nào muốn theo thì cũng chẳng ai dám chê là lố. Mà dẫu ông khuyên các cô trong làng ông nên theo lối ấy thì cũng chẳng ai dám kêu là bạo.

Mà bao giờ được thế - rồi tất phải được thế, vì chúng tôi sẽ có nhiều kiểu, ai muốn theo kiểu nào mặc ý - thì sự cải cách y phục của chúng tôi thực sẽ hoàn toàn có tính cách phổ thông.”8

Cũng một mong muốn phổ thông hóa những cải cách y phục như thế, thậm chí vươn tới thành phần là phụ nữ nông thôn, để cho “chẳng cứ chỉ người thành thị hay người giầu, người thôn quê, người nghèo cũng có thể hưởng vẻ đẹp của y phục”, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trực tiếp vẽ kiểu cho loại quần áo này9. Đấy là chưa kể ở trước, Nhất Linh cũng vẽ cùng Cát Tường các mẫu quần áo cho trẻ em (Phong Hóa số 94, 20/4/1934). Điều này cho thấy, trong tư cách thủ lĩnh của Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh luôn chú tâm đến công việc chung, và kịp thời bổ khuyết những thiếu sót mà các thành viên khác chưa kịp thực hiện. Đồng thời, chỉ với vấn đề “nhỏ bé” là y phục phụ nữ nông thôn và trẻ em, ta cũng thấy được tấm lòng và tình cảm của Nhất Linh với người dân quê.

4. Ngoài ra, để đáp lại các ý kiến phản đối cuộc cải cách, Tự Lực Văn Đoàn cũng cho đăng trên Phong Hóa ý kiến hoan nghênh của bạn đọc, nhất là ý kiến của các bà, các cô10. Điều này không những giúp đáp lại các ý kiến phản bác, mà còn cung cấp các trải nghiệm riêng mà chỉ phụ nữ mới có được. Trong bài viết “Về việc sửa lại y phục của phụ nữ” của cô H.T.C., Tự Lực Văn Đoàn cung cấp cho bạn đọc một thách thức của cuộc cải cách:

“Ông Tường hẳn cho chúng tôi là quá sợ dư luận mà để uổng công ông? Không đâu, bọn trẻ tuổi, mà nhất là bọn học sinh chúng tôi đâu có sợ dư luận đến thế. Song chúng tôi hầu hết đều ở dưới quyền cha mẹ hoặc cha mẹ chồng, mà số đông các cụ đây mới thực sự là nô lệ của dư luận. Các cụ thường không muốn cho con gái hay con dâu ăn mặc hay cử chỉ một cách nào mà người ta gọi là mới. Không phải các cụ không biết thế nào là hay đâu, nhưng vì các cụ không muốn bỏ quốc hồn quốc túy mà nhất là không thích cho lời con cháu nói là phải đó thôi”11.

Nhưng đồng thời, cũng chính nhờ trải nghiệm của mình, mà cô H.T.C. hướng dẫn cách thức “vượt qua nghịch cảnh”:

“Các cụ đã hay chiều dư luận thì ta nên lợi dụng cái tính cách đó. Khi ông Tường đã cho ta biết những kiểu y phục có mỹ thuật kia, ta sẽ nêu lên báo, cơ quan ngôn luận, những điều hay của thứ mới, điều giở [sic] của thứ cũ, và hô hào các cụ cho dâu con được theo cái hay, cái phải.” Cô kết luận: “như thế mới khỏi phụ công nhà họa sĩ Cát Tường”, và nhắn gửi: “các chị em nghĩ sao?”12

Sang năm 1935, khi phong trào may mặc áo dài Lemur lan rộng trong Nam ngoài Bắc, đã có rất nhiều các bà và các cô hưởng ứng. Những số đầu của báo Ngày Nay mới được Tự Lực Văn Đoàn khai trương, đã đăng nhiều phụ trương là ảnh chụp các cô gái mặc áo tân thời13. Đến số 5, qua người nữ trợ bút của tờ báo là cô Phan Thị Nga, Tự Lực Văn Đoàn đã thông tin về một “phong trào y phục Cát Tường” ở Hội An14; và ở Nam Kỳ, thì đăng bài trả lời phỏng vấn của cô Hồng Vân về vấn đề quần áo mới15. Trong khi đó, ở Bắc Kỳ, nhân dịp “Hội tơ lụa Hà Đông”, Ngày Nay còn tổ chức một số chuyên đề về “đổi mới y phục phụ nữ”, đăng lại một số bài viết quan trọng của Lemur Nguyễn Cát Tường đã in rải rác trên Phong Hóa trước đó16.

Có thể nói, cuộc vận động chỉ diễn ra trong mấy tháng, nhưng đã có được những thành công lớn, tạo được dư luận xã hội đáng kể. Đánh giá lại hoạt động này, trong số Xuân Ất Hợi 1935, Tứ Ly viết:

“Về phương diện văn chương và mỹ thuật, thì trong năm vừa qua, Phong Hoá gây nên hai phong trào mới: phong trào kiểu áo mới và phong trào thơ mới”.

“Phong trào mặc áo tân thời cũng bồng bột lên như phong trào thơ mới. Kẻ công kích, người khuyến khích, những áo tân thời kể cũng đã làm tốn mực, giấy cho các nhà văn. Dẫu sao, có thay đổi mới có tiến bộ. Mỹ thuật bắt họ phải ăn vận mỗi người mỗi khác, nhưng nền luân lý chặt chẽ của Tống nho lại bắt họ phải ăn vận giống nhau: để lệch một bên ngôi cũng đã là phạm một tội nặng, huống hồ lại đổi cả kiểu một cái quần! Tội thật đáng đày chung thân… Đến bây giờ, chính những bà những cô lên giọng đạo đức ấy lại vội vàng đi cạo răng, đi may áo mới… Ý chừng họ lấy làm sung sướng được chung thân… chung thân với áo quần kiểu mới.”17

5. Từ lý thuyết đi đến thực hành, rồi từ đề xuất đi vào thực tiễn, vào giữa năm 1934, Tự Lực Văn Đoàn vui mừng đăng trên Phong Hóa quảng cáo về “Mẫu áo Cát Tường”, thông tin việc ông Phạm Tá (tốt nghiệp tại trường nhuộm và may ở Paris) mở nhà may tại số 23 phố Bờ Hồ có mời “họa sĩ Cát Tường đến trông coi giúp” việc thiết kế và may mặc các mẫu áo của các bà các cô18. Đến giữa năm 1937, Tự Lực Văn Đoàn lại vui mừng đăng trên Ngày Nay quảng cáo về hiệu may Lemur - “hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc Kỳ” ở số 16 đường Lê Lợi, do chính Nguyễn Cát Tường mở, và “họa sĩ Cát Tường luôn ở cửa hàng để chỉ dẫn giùm các bạn về cách chọn mầu áo, cách sửa sang sắc đẹp cùng là sẽ chiều theo ý muốn của mỗi bạn mà vẽ luôn ra những kiểu áo ăn theo thân hình để tăng thêm vẻ đẹp”19. Tuy cũng có lúc phong trào cải cách y phục phụ nữ bị đả kích, chế giễu, mà tiêu biểu hơn cả là việc Vũ Trọng Phụng đã hư cấu ra cả một nhà họa sĩ kiêm thợ may TYPN trong tiểu thuyết hài hước Số đỏ (1938). Nhưng chừng đó là không đủ để một cuộc vận động có ý nghĩa xã hội rộng lớn, vì sự tiến bộ của phụ nữ gặp trở ngại. Cuộc cải cách y phục phụ nữ được khởi xướng bởi Tự Lực Văn Đoàn và họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường đã thành công và có được hiệu ứng xã hội rộng rãi. Kết quả là, cuộc cải cách ấy đã trở thành tiền đề cho tà áo dài truyền thống, một vẻ đẹp và niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

V.T.T.L
(SHSDB41/06-2021)

--------------------------
1. L.T.S.: “[Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô]”, Phong Hóa số  85 (11/2/1934), tr.22.
2. Nguyễn Cát Tường. “Tính ưa đẹp và hay trang điểm”,  Phong Hóa số 85 (11/2/1934), tr.22.
3. Nguyễn Cát Tường. “Tính ưa đẹp và hay trang điểm”,  Bđd., tr.22.
4. Nguyễn Cát Tường: “Y phục của phụ nữ”, Phong Hóa số  86 (23/2/1934), tr.4.
5. Nguyễn Cát Tường: “Y phục của phụ nữ”, Bđd., tr.4.  
6. Nguyễn Cát Tường: “Y phục của phụ nữ”, Bđd., tr.4.
7. Nguyễn Cát Tường: “Y phục của phụ nữ”, Bđd., tr.4.
8. Nhị Linh: “Vẻ đẹp của các bà các cô”, Phong Hóa, số 89  (16/3/1934), tr.1,2.
9. [Đông Sơn]: “Một kiểu y phục nhà quê”, Phong Hóa, số 100  (1/6/1934), tr.4.
10. Bên cạnh ý kiến của Nguyễn Cát Tường, xem “Bức thư trả lời ông Thanh Lâm”, Phong Hóa, số 101 (8/6/1934), tr.4
11. Cô H.T.C: “Về việc sửa lại y phục của phụ nữ”, Phong Hóa,  số 93 (13/4/1934), tr.4.
12. Cô H.T.C: “Về việc sửa lại y phục của phụ nữ”, Bđd., tr.4.  
13. Chẳng hạn, trên Ngày Nay số 1 (30/1/1935), có bìa in  ảnh chụp thiếu nữ mặc áo dài Lemur; ở phía trong đăng phụ trương ảnh cô Nguyễn Thị Hậu người đầu tiên mặc áo dài kiểu Lemur. Bên cạnh đó là các bài viết của Việt Sinh: “Quần áo mới”, tr.3-4; Đoàn Tâm Đan: “Bà Trịnh Thục Oanh nói về thời trang”, tr.4; Minh Trúc: “La Khê dệt lụa”, tr.5;…
14. Phan Thị Nga: “Chị em Hội An với phong trào y phục Cát  Tường”, Ngày Nay, số 5 (10/3/1935), tr.9.
15. Chiêu Anh Kế (phỏng vấn): “Trong Nam Kỳ: Cô Hồng Vân  với quần áo mới”, Ngày Nay, số 5 (10/3/1935), tr.9, 15.
16. Xem thêm Ngày Nay, số 14 (13/11/1935).  
17. Tứ Ly: “1934”, Phong Hóa, số 134 – [xuân Ất Hợi], (30  tháng 1/1935), tr.3.
18. “Mẫu áo Cát Tường”, Phong Hóa, số 96 (4/ 5/1934), tr.14.  
19. “Lemur”, Ngày Nay, số 66 (4/7/1937), tr.19.   




 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ ơi! (09/07/2021)
Cơn mưa Tân Mỹ (06/07/2021)
Huế và em (01/07/2021)