Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Văn Thành Lê và những dòng sông tuổi thơ
15:57 | 16/07/2021

YẾN THANH  

Rất nhiều nhà văn thành danh hiện nay, sau những thành công trên trường văn trận bút, đột nhiên họ làm bạn đọc bất ngờ bằng cách chuyển hướng sang viết cho thiếu nhi, như trường hợp của Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Bích Thúy…

Văn Thành Lê và những dòng sông tuổi thơ
Ảnh: internet

Dĩ nhiên, mức độ thành công, chuyên tâm, lâu bền của những nhà văn này trên địa hạt thiếu nhi là khác nhau, song điều này cũng làm nên một xu hướng đáng chú ý của văn đàn Việt Nam đương đại: xu hướng quan tâm tới bạn đọc nhỏ tuổi, hoặc sự quy hồi về tuổi thơ của những nhà văn thành danh.

Văn Thành Lê cũng nằm chung trong quỹ đạo đó, sau khá nhiều thành công ở mảng văn học áo trắng, học đường như Không biết đâu mà lần, Salan đỏ bãi Xanh, Hình như là tình yêu… Không chuyên tâm/nghiệp hẳn trên địa hạt thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh, song Văn Thành Lê đang dần khẳng định vị thế vững chắc của mình trên mảng văn học này, sau những Ông mặt trời và mùi hương của mẹ, Trên đồi, mở mắt, và mơ… và gần đây nhất là Bên suối, bịt tai, nghe gió (Nxb. Kim Đồng, 2020). Có thể xem Bên suối, bịt tai, nghe gió chính là phần hai của cuốn tiểu thuyết rất thành công Trên đồi, mở mắt, và mơ từng được in với số lượng 10.000 bản và vẫn tiếp tục có kế hoạch tái bản. Trong tình hình xuất bản ảm đạm hiện nay, trừ sách dịch và Nguyễn Nhật Ánh, con số lên đến một vạn bản có thể xem là một hiện tượng tích cực dành cho văn hóa đọc.

Cuốn tiểu thuyết mỏng với tựa đề đầy chất thơ Bên suối, bịt tai, nghe gió không phải là một tác phẩm xuất sắc, kinh điển viết cho thiếu nhi cỡ như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán) hay gần đây là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) nhưng vẫn xứng đáng là tác phẩm đáng chú ý và là điểm nhấn đáng ghi nhận trong sự nghiệp Văn Thành Lê.

Bên suối, bịt tai, nghe gió là một tác phẩm ngắn, với chưa đầy 150 trang truyện khổ nhỏ, chưa kể những hình minh họa, nhưng lại là một tác phẩm thú vị, mang tính giáo dục cao, nắm bắt tốt tâm lý và tầm đón nhận của bạn đọc nhỏ tuổi. Người kể chuyện trong tác phẩm là Thành - một cậu bé thiếu nhi thành phố. Cùng với Bống - em gái nhỏ, Thành được về quê ở nông thôn nghỉ hè. Ở đấy, cậu đã có những kỷ niệm đáng nhớ với đám bạn đồng tuổi là Lê thủ lĩnh, Văn lắp, Điệp điệu và Tuyết đen. Tác phẩm truyền tải khéo léo những vấn đề vĩ mô như quá trình đô thị hóa nông thôn, ô nhiễm môi trường, tàn phá di tích lịch sử, nhưng trên hết, nó khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi quay về với nông thôn, với tự nhiên sinh thái.

Lựa chọn một người kể chuyện ngôi thứ nhất, nằm ở độ tuổi thiếu nhi là chiến lược khôn ngoan của tác giả trong tự sự (nhân vật Thành). Nó khiến điểm nhìn trẻ thơ bao quát mọi ngõ ngách tác phẩm, cũng như bạn đọc thiếu nhi dễ tìm thấy sự đồng cảm/điệu. Người kể chuyện ngôi thứ nhất là Thành cũng thường xuyên đối thoại, trò chuyện với bạn đọc, tạo ra sự gần gũi, thân mật và “tinh thần đối thoại” với người tiếp nhận. Sự quan tâm tới người tiếp nhận đã khiến tác phẩm là một cuộc chuyện trò, hồi đáp bất tận. Nếu tinh ý, ta cũng có thể nhận ra sự thú vị trong cách đặt tên nhân vật. Văn Thành Lê đã tự phân thân, chia họ và tên của mình ra thành những nhân vật chính khác nhau, bao gồm Thành - người kể chuyện, Lê thủ lĩnh và Văn lắp. Sự viết là một trải nghiệm phân/hóa thân của nhà văn. Nhà văn càng hóa/phân thân thành công bao nhiêu, tác phẩm sẽ càng thú vị bấy nhiêu. Thành cũng là tên chính thức của nhà văn (Lê Văn Thành), nên có thể xem Bên suối, bịt tai, nghe gió là một tự sự ngôi thứ nhất trực tiếp của tác giả. Những câu chuyện, chi tiết, kỷ niệm, suy ngẫm trong tác phẩm, có thể là những điều thực sự diễn ra trong cuộc đời, tâm tưởng, ký ức của nhà văn một cách sống động, chân thật.

Là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, Văn Thành Lê hẳn có nhiều dụng ý khi đặt chức năng giáo dục lên hàng đầu cho đứa con tinh thần của mình. Bạn đọc có thể thông qua tác phẩm nhận thấy nhiều thông tin về lịch sử, về thời sự, về văn hóa đầy dụng ý trong việc xây dựng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ. Nhiều khái niệm, thành ngữ, thuật ngữ có thể quen thuộc với người lớn, song với thiếu nhi có thể còn xa lạ, đã được tác phẩm diễn giải ngắn gọn, khoa học, súc tích nhất có thể. Nhân vật Thành luôn có thói quen tra từ điển tiếng Việt những thuật ngữ, thành ngữ, từ lạ đối với trẻ em. Chính điều này khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi quan tâm đến tiếng Việt nhiều hơn. Trên thực tế, sau sự ra đời của Trên đồi, mở mắt, và mơ, nhiều phụ huynh có tâm sự rằng con của họ từ khi đọc tác phẩm đã mua Từ điển tiếng Việt và có thói quen tra từ điển những từ bé chưa hiểu. Đó là một xu hướng tốt trong tiếp nhận văn học. Ở trang 17, Văn Thành Lê đã cung cấp cho người đọc nhỏ tuổi một loạt những sự kiện trong năm có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội như: ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền phong, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày đất nước thống nhất, ngày Lao động, ngày Quốc khánh, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Cách mạng tháng Tám thành công… Đó đều là những nỗ lực đáng ghi nhận của một tác phẩm chuyên dành cho thiếu nhi. Điểm đáng chú ý ở tác phẩm là những chi tiết bồi đắp ý thức dân tộc và lòng yêu nước cho những bạn đọc nhỏ tuổi. Ở trang 52, tác giả đã nhấn mạnh đến thần hoàng làng là một: “tướng quân tham gia khởi nghĩa cùng Lê Lợi đánh giặc Minh từ phương Bắc. Sau khi thắng lợi, ngài không muốn làm quan mà lui về sống cuộc đời an nhàn cùng dân”. Hoặc địa danh núi Nưa ở quê hương của Thành là nơi: “Bà Triệu đã khởi nghĩa đánh giặc Đông Ngô, thuộc nước Trung Quốc bây giờ, từ gần 1800 năm trước, là năm 248” (trang 82 - 83). Các chi tiết nghệ thuật này, dù điểm xuyết nhưng đã mang lại giá trị nghệ thuật và tư tưởng cho tác phẩm. Xét trong hoàn cảnh chính trị quốc tế hiện nay, những giá trị dân tộc, yêu nước mà Văn Thành Lê đặt ra lại càng có ý nghĩa sâu sắc. Ý thức dân tộc không chỉ được nhấn mạnh qua các anh hùng dân tộc, các cuộc chống ngoại xâm, mà còn trong ý thức sử dụng ngôn ngữ thuần Việt. Cuối truyện, các nhân vật chủ trương dùng từ “đám cưới” thuần Việt thay vì từ “vu quy” Hán Việt.

Hơn nữa, tác phẩm mỏng này còn khuyến khích những thói quen tốt, những giá trị tích cực trong cuộc sống mà những em nhỏ cần như văn hóa đọc sách, sự yêu mến tri thức. Quý phụ huynh hoàn toàn nên mua cho con cái mình những tác phẩm có nhiều ý nghĩa giáo dục như vậy, trong hoàn cảnh những tác phẩm giải trí thuần túy, nặng về bạo lực, giật gân đang tràn ngập trên những kệ sách dành cho thiếu nhi.

Song nặng về tính giáo dục, không có nghĩa là Bên suối, bịt tai, nghe gió là một tác phẩm giáo huấn khô khan, nặng nề. Đây vẫn là một tác phẩm hết sức dễ tiếp nhận, tạo ra nhiều hứng khởi trong hành động đọc bởi tác giả tỏ ra là một người kể chuyện có duyên, hiểu được tâm lý bạn đọc sâu sắc. Hài hước, dí dỏm và tâm lý luôn là thế mạnh số một của Văn Thành Lê trong lối viết, được thể hiện từ những tác phẩm đầu tay cho đến nay. Những giá trị và kỹ năng đặc thù mà anh đã từng thể hiện trong Không biết đâu mà lần nay lại một lần nữa được tái hiện trong Bên suối, bịt tai, nghe gió, dĩ nhiên ở một mức độ tiết chế hơn và điều chỉnh lại để phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Tiêu biểu là những đoạn khẩu hiện trong trang 57 đến 59 như: “Gia đình hai con vợ - chồng hạnh phúc”. Đây không phải là những chi tiết nghệ thuật do Văn Thành Lê sáng tạo ra, song anh đã quan sát, lượm lặt được từ trong đời sống xã hội, thể hiện một trải nghiệm sống và đọc khá phong phú.

Ngoài ra, tác phẩm của Văn Thành Lê còn quan tâm đến những giá trị đẹp trong tâm hồn mỗi con người, những giá trị mà rất cần khuyến khích, bồi dưỡng ngay từ thuở ấu thơ. Ví dụ như lòng yêu thương động vật bên cạnh lòng yêu thương con người. Tác phẩm đã kể cho chúng ta nghe về hai anh em Bống và Thành đã chăm sóc và hết mực yêu thương chú lợn út được nuôi làm lợn giống. Hóa ra lợn cũng thông minh và giàu tình cảm với con người. “Không chỉ lợn mà con vật nào cũng có thể hiểu con người. Yêu thương nó, nó hiểu. Độc ác với nó, nó cũng hiểu. Con vật sẽ đáp lại bằng lời riêng mỗi loài... Nếu không tin, bạn cứ thử yêu thương một cái cây hay một con vật nào đó đi. Chắc chắn bạn sẽ hiểu được tiếng nói yêu thương của loài đó đáp lại” (trang 36). Đây là những suy tư mà có lẽ không chỉ dành cho bạn đọc thiếu nhi, nó khiến tất thảy những người lớn chúng ta cần xem xét lại chính mình đã sống đẹp và sống yêu thương đúng nghĩa hay chưa. Chính vì yêu thương động vật, yêu thương cả cây cối, nên các bạn nhỏ hẳn nhiên sau này sẽ yêu thương con người. Cái chết của bác Phú ở đoạn cuối là một nốt trầm trong tác phẩm, gây ra sự thương nhớ, nuối tiếc lớn cho các bạn nhỏ vì bác rất hiền lành cũng như yêu thương lũ trẻ. Đó là một nốt trầm cần thiết trong một bản nhạc vui, để bạn đọc nhỏ tuổi ý thức sâu hơn về tình yêu thương, về sự hữu hạn của kiếp người để sống sao cho tốt hơn, ý nghĩa hơn. Mối quan hệ gia đình cũng được tác phẩm nhấn mạnh, nhất là quan hệ giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu. Mọi thế hệ đều quan tâm, chú ý và yêu thương nhau như cội nguồn của hạnh phúc, đó chính là thông điệp đáng mơ ước của Văn Thành Lê trong tác phẩm.

Hẳn rằng Bên suối, bịt tai, nghe gió là một tác phẩm thú vị với bạn đọc nhỏ tuổi. Ngoài những giá trị đã trình bày ở trên, còn là những trò chơi dân gian đầy thú vị của tuổi thơ. Tiêu biểu là trò chơi nghịch ngợm “Tôi đi đám ma” mà những nhân vật chính đã từng chơi. Những trò chơi dân gian, diễn ra trong thời thơ ấu luôn là kỷ niệm đẹp đối với bất kỳ ai đã từng có tuổi thơ. Nó rất khác những trò chơi game điện tử ngày nay đang dần chiếm lĩnh sân chơi của những bạn nhỏ. Trò chơi dân gian kết nối bạn bè trong thực tại, là trò chơi vận động, kết hợp cá nhân lại với nhau, bồi đắp trí tưởng tượng bay bổng. Việc xuất hiện “liên văn bản” của các tác phẩm thơ cũng tạo ra sự bay bổng, lãng mạn cần thiết, khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi đam mê văn chương nói chung và tập làm thơ nói riêng.

Cuốn tiểu thuyết mỏng của Văn Thành Lê không chỉ viết cho những bạn đọc nhỏ tuổi ngày hôm nay, mà còn cho những bạn đọc nhỏ tuổi ngày hôm qua - những người hôm nay đã trưởng thành như chính tác giả. Bên suối, bịt tai, nghe gió do vậy đầy ắp những kỷ niệm ấu thơ của thế hệ 7x, 8x chúng tôi, như việc mỗi lần có xe máy hay xe ô tô chạy ngang qua, lũ trẻ nông thôn bèn chạy ra hít lấy hít để thứ khói xăng được thải ra từ động cơ của xe. Trẻ em ngày hôm nay hẳn rằng sẽ không hiểu và không lý giải được hành vi mất vệ sinh, có hại đến sức khỏe như vậy, vì ngày nay xe cộ đã quá nhiều, người ta quá sợ ô nhiễm không khí từ khí thải xe. Nhưng cách đây độ ba bốn chục năm, trước Đổi mới, thì xe máy là một điều xa xỉ, kỳ lạ. Khói xe máy là một sự kiện hiếm có, kỳ diệu đối với tuổi thơ nông thôn thuở ấy.

Khép lại cuốn sách mỏng của Văn Thành Lê, sự tinh tế, thú vị trải dàn ra trên những trang giấy. Tôi vẫn tin rằng, anh sẽ còn đi xa, đi lâu trên hành trình này. Văn Thành Lê viết truyện thiếu nhi trong sự chân thành, thiếu phẩm chất ấy, tôi tin sẽ không nhà văn nào thành công được trên địa hạt nhạy cảm này.

Y.T  
(SHSDB41/06-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mẹ ơi! (09/07/2021)
Cơn mưa Tân Mỹ (06/07/2021)