THANH TÙNG
Du lịch là hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng văn hóa, các quốc gia. Người ta đi du lịch là để tìm hiểu những điều kỳ thú mà ở nước mình, vùng đất mình ở không có.
Mặt khác du lịch là một trong những nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người khi đời sống kinh tế khá giả. Do vậy phải có hàm lượng và chất lượng văn hóa cao trong du lịch. Phải khai thác tối đa đặc thù văn hóa, văn minh của dân tộc, của địa phương mới có được nền du lịch đặc thù của mỗi vùng miền, mỗi đất nước. Văn hóa trong du lịch bao gồm cả văn hóa phi vật chất, những sản phẩm nằm trong tư tưởng, trong tâm linh con người. Tài nguyên nhân văn của vùng miền, của đất nước đều có thể tạo ra những sản phẩm du lịch, những tour du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, khả năng khai thác đến đâu, khai thác như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất tùy thuộc vào năng lực, trí tuệ của người làm du lịch, của các doanh nghiệp du lịch, của cơ quan quản lý du lịch, cơ quan quản lý văn hóa, cao hơn nữa là tư duy và tầm nhìn của người đứng đầu chính quyền địa phương.
Huế có tiềm năng lớn về du lịch nhân văn. Trước hết phải kể đến những di tích liên quan đến cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu, thời học sinh như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà số 112 Mai Thúc Loan và miếu Âm hồn ở ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn; cụm di tích ở làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang); Trường Quốc Học (có thể kết nối với bia di tích ngôi nhà của thầy giáo - họa sĩ nổi tiếng Lê Văn Miến, ở trước trụ sở UBND phường Trường An, đường Phan Bội Châu); di tích Tòa Khâm sứ (nay là Trường ĐHSP Huế), có bia - biểu tượng về phong trào chống thuế ở Trung kỳ; khu mộ bà Hoàng Thị Loan, phục dựng ở núi Tam Tầng, gần tượng đài Quang Trung. Nếu tổ chức tour tham quan nghiên cứu về thời Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế có thể mở rộng thêm các di tích liên quan đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như: Quốc Tử Giám, Bộ Lễ, trường thi Hương, thi Hội thời Thành Thái, v.v.
Những di tích khác không thể bỏ qua là: Nhà thờ cụ Phan Bội Châu (phường Trường An), nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà), khu mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Liên quan đến các di tích này tôi xin nói thêm về phong trào dựng tượng danh nhân ở Thừa Thiên Huế.
Ở Việt Nam Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện. Các loại tượng có thể phân loại theo nhiều nhóm như: nhóm tượng đề tài văn hóa Phật giáo, tượng văn hóa Champa, tượng thờ và tượng trang trí ở các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nhóm tượng đạt đỉnh cao về nghệ thuật ở các nhà bảo tàng v.v.
Tác giả bài viết (thứ hai từ trái sang) và nhạc sỹ Phạm Tuyên (ngoài cùng bên phải) bên tượng nhà văn hoá Phạm Quỳnh |
Ở đây chỉ xin liệt kê nhóm tượng danh nhân và anh hùng dân tộc, được dựng theo phương thức xã hội hóa, do các dòng họ, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện. Tượng chí sĩ Phan Bội Châu trước đây ở nhà thờ của cụ tại dốc Bến Ngự, nay được chính quyền chuyển ra công viên bờ sông Hương, cạnh cầu Trường Tiền. Tượng danh tướng Phạm Tu, người đứng đầu Ban Võ của nhà nước Vạn Xuân, tổng chỉ huy quân đội đánh quân xâm lược nhà Lương thời Tiền Lý, được suy tôn là Thủy tổ của họ Phạm Việt Nam, được dựng ở sân nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ (phường Hương Long, Tp. Huế). Tượng danh nhân Đặng Huy Trứ, dựng ở sân trường THPT Đặng Huy Trứ và ở nhà thờ Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà). Tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh, dựng trong khu mộ ở trước chùa Vạn Phước, phường Trường An, Tp. Huế. Tượng danh tướng Đặng Tất ở đền thờ Đặng Tất, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Nguyễn Tri Phương, xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Tượng Tôn Thất Thuyết, nhân vật số một phong trào Cần Vương, dựng ở phủ thờ Tôn Thất Thuyết, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy v.v.
Bên cạnh vấn đề xã hội hóa dựng tượng danh nhân, tôi muốn gợi mở thêm một sản phẩm liên quan là việc hình thành các tour du lịch nghiên cứu văn hóa dòng họ. Trong hơn 10 năm tham gia Hội đồng Họ Phạm Việt Nam tôi đã đề xướng và trực tiếp thực hiện công trình dựng tượng danh tướng Phạm Tu ở nhà thờ Họ Phạm An Ninh Hạ. Tôi đã dự lễ giỗ tổ của một số dòng họ khác ở Thừa Thiên Huế, ở Quảng Nam - Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi, ở huyện đảo Lý Sơn…; đã hướng dẫn nhiều đoàn của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam, của các tỉnh bạn về thăm một số nhà thờ Họ Phạm trên địa bàn tỉnh. Tôi cũng đã dự một số hội thảo về danh nhân của các dòng họ, tham gia một số tour du lịch tìm hiểu, nghiên cứu dòng họ. Có những lễ hội, hội thảo tổ chức rất hay, thu hút rất nhiều du khách là bà con trong dòng họ và bá tánh đến từ nhiều miền trong nước. Có cả bà con từ nước ngoài về. Chuyên gia nhiều lĩnh vực và phóng viên báo chí cũng đến tìm hiểu, nghiên cứu, tác nghiệp. Theo tôi đó là một sản phẩm du lịch bền vững, vì đó là những lễ hội, những sự kiện được diễn ra định kỳ hàng năm.
Các báo cáo tại hội thảo này chắc chắn sẽ khẳng định rõ các giá trị của du lịch nhân văn, và đưa ra những gợi ý, những hướng khai thác tài nguyên du lịch nhân văn. Tôi nghĩ du khách đến Huế thì quan tâm số một vẫn là du lịch di sản. Tiếp đến sẽ là du lịch xanh với những sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá các hệ sinh thái... Du lịch nhân văn ban đầu chỉ là những sản phẩm bổ trợ, đáp ứng tâm lý của những đối tượng du khách đến Huế lần ba, lần bốn trở lên, và các du khách có sở thích, có nhu cầu tìm hiểu danh nhân, nghiên cứu khoa học… Nhưng nếu được tổ chức khai thác tốt thì sẽ làm giàu có, phong phú thêm sản phẩm du lịch của Huế; có tác dụng thu hút thêm du khách đến Huế, hoặc kéo dài thời gian lưu trú ở Huế. Hy vọng rằng ngành du lịch, các hãng lữ hành sẽ bắt tay, hoặc đặt hàng các Hội nghệ thuật chuyên ngành xây dựng một số sản phẩm mới, một số tour du lịch thể nghiệm theo nguyên tắc hợp tác tích cực, cùng nhau chia sẻ đầu tư và có cả chia sẻ lợi ích dưới nhiều hình thức, sẽ là điều thú vị với du khách trong các dịp Festival Huế.
T.T
(SHSDB41/06-2021)