Tạp chí Sông Hương - Số 388 (T.06-21)
Tác phẩm mới tháng 06/2021
08:32 | 09/07/2021


VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, Nxb. Thông tin và Truyền thông, năm 2021.

Tác phẩm mới tháng 06/2021

Với 17 bài nghiên cứu công phu, chi tiết, công trình đã khái quát được những vấn đề về văn hóa Việt trong quá trình giao lưu, hội nhập trải qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các nghiên cứu này được tác giả thực hiện và công bố trong gần 50 năm, thuộc nhiều chủ đề khác nhau, xét trên bình diện toàn cầu và ở Việt Nam, trên phương diện lý thuyết và thực tiễn, được sắp xếp theo thứ tự thời gian công bố lần đầu. Công trình thể hiện quá trình nghiên cứu, tư duy, những chuyển biến trong nhận thức của tác giả về các vấn đề văn hóa, con người Việt Nam. Các vấn đề tiêu biểu, mang tính lý luận cao như: tính lưỡng nguyên đối trọng trong xã hội, văn hóa Việt Nam truyền thống; con người, triết lý con người và tiêu điểm con người trong tiếp biến, hội nhập văn hóa và phát triển bền vững; vấn đề đổi mới quản lý văn hóa: từ hệ hình chỉ huy đến hệ hình thiết kế; nghiên cứu văn hóa: cấu trúc và hệ hình văn hóa… PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ là nhà sử học, một chuyên gia về Hà Nội, chủ quyền biển đảo, lịch sử Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn trước năm 1945.


NHỮNG ĐIỂN HÌNH TIÊU BIỂU HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH Ở THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2016 - 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 4/2021.

Ấn phẩm này giới thiệu 23 tập thể và 17 cá nhân, là những gương điển hình tiêu biểu xuất sắc được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khen thưởng trong 5 năm thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Những tấm gương cho thấy việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành hành động tự giác và là “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc sống, học tập và lao động hằng ngày. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, song song với các sự kiện chính trị nổi bật của tỉnh nhà, các cấp bộ Đoàn thể hiện sự năng động, sáng tạo, vai trò xung kích, tình nguyện trong đóng góp và xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc, góp phần đưa tỉnh nhà sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


HÀ NỘI - HUẾ - SÀI GÒN - DÒNG SINH MỆNH DÂN TỘC - NHÌN TỪ CÁC ĐÔ THỊ VĂN HIẾN (Nghiên cứu), Nhiều tác giả, Nxb. Hà Nội, quý II, năm 2021.

Công trình gồm 3 phần chính Hà Nội - Huế - Sài Gòn gắn với sứ mệnh dân tộc trong quá trình lịch sử; mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong quá trình lịch sử; những giá trị đặc trưng của ba đô thị văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Mối quan hệ giữa ba trung tâm Hà Nội - Huế - Sài Gòn hình thành từ thời Trần vào đầu thế kỷ XIV, xác lập vào thời chúa Nguyễn thế kỷ XVII - XVIII, và phát triển từ thế kỷ XIX, khi Huế là Kinh đô của cả nước và trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước trong hơn thế kỷ qua. Đây là mối quan hệ có tính sinh thành, hỗ trợ, tương tác mang tính đạo lý và lợi ích sống còn; vừa là quan hệ đẳng cấp quyền lực. Trong dòng chảy lịch sử của 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế và hơn 320 năm Sài Gòn - Gia Định, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị của 3 địa phương mang tính quốc gia và quốc tế; mỗi một di sản, một sự kiện lịch sử của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa đặc biệt trong sự giao thoa, tương hỗ, kế thừa của hành trình mở cõi và giữ nước của dân tộc ta Việt Nam. Ở nhiều thời điểm lịch sử, ba đô thị này là trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực của ba miền, cũng là trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước. Công trình quy chung về giá trị phổ quát đó là giá trị văn hiến, một trong những giá trị đặc trưng của ba đô thị Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Chính yếu tố này đã kết nối bền chặt tình cảm và sứ mệnh nhân dân của ba địa phương trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.


PHÚ LỘC YÊU THƯƠNG (Tạp bút), Nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, năm 2021.

Tuyển tập giới thiệu với 26 tác phẩm được chọn lọc của hơn 120 tác phẩm từ cuộc thi tạp bút “Phú Lộc yêu thương” dành cho học sinh đang theo học các trường THCS trên địa bàn huyện Phú Lộc. Tập sách là cái nhìn trong trẻo đầy bỡ ngỡ và yêu thương đối với tất cả những điều nhỏ bé, giản dị của cuộc sống xung quanh. Đề tài chủ yếu của các tác phẩm là tình yêu quê hương, cảnh quan thiên nhiên, tình cảm gia đình, trường lớp và những nỗi niềm trăn trở của lứa tuổi nhiều mộng mơ nhưng có những suy tư sâu sắc về những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Người đọc có thể tìm về những ký ức tuổi thơ ở mảnh vườn con, nỗi cô liêu của núi rừng, cảnh sắc hệ đầm phá, những bãi biển nổi tiếng, sinh hoạt gia đình, trường lớp, phiên chợ, những ngày lễ tết hay thưởng thức những giá trị ẩm thực từ chiếc bánh nậm, bánh ướt, chè Truồi. Đó là một thế giới trẻ thơ đậm đà ký ức, giàu tình thương, sức sống và hướng tới ngày mai.  

(TCSH388/06-2021)



 

 

Các bài mới
Biệt cố hương (20/07/2021)
Các bài đã đăng
Ánh dương (07/07/2021)