Tạp chí Sông Hương - Số 50 (T.7&8-1992)
Lời của cỏ rêu
10:49 | 20/11/2021

BẠCH LA

Hai năm trước đây, hình như không ai biết có một họa sĩ như thế trên đất Huế này. Tốt ngiệp Cao đẳng Mỹ thuật từ trước giải phóng, cuộc sống bươn chải và dồn đẩy thế nào đó mà Lê Quý Long bỗng trở nên một thầy giáo.

Lời của cỏ rêu
Họa sĩ - Thầy giáo Lê Quý Long - Ảnh: internet

Trường Phổ thông cấp 2 Ngự Bình - nơi Long dạy - nằm tại một vị trí có thể gọi là "rẻo cao" của thành phố, giới văn nghệ sĩ không mấy ai có dịp đặt chân tới. Và ngôi nhà của Long cũng oái oăm: nó nằm sát đường tàu hỏa, sát đến mức có thể "vẩy bút màu trang trí vào áo cho các em" đi trên tàu được! - Long cười cười nói như vậy với tôi khi lần đầu tôi tới nhà anh để xem tập tranh vẽ về phố cổ Hội An của anh - cái phố cổ mà tôi cực kỳ say đắm. Tôi không cười được, nghĩ bụng: Mỗi ngày đêm ít nhất chục chuyến tàu lịch kịch lộc cộc hú hét đi về qua đây, cha họa sĩ này đã tốn bao nhiêu năng lượng tinh thần để có thể loại bỏ ra khỏi tâm linh những tiếng ồn động khủng khiếp đó để múa cọ có hồn có phách?

Lê Quý Long - theo tôi - là một tổng số cái trái ngược. Xin mở ngoặc, đây là ý riêng của tôi, một người yêu tranh nhưng thật tình không mấy kiến thức về tranh, có gì không đúng, xin các anh chị cùng nghề với Long và khán giả sành điệu chỉ bảo. Người thì to đậm, nổi gân nổi múi như anh thợ cày, đi chiếc xe cũng vậm vạp trùi trũi, vậy mà nét cọ thì bay những đường xôn xao đến ngập thở, tương tự như mắt chàng trai đang yêu và được yêu lướt vờn thánh thiện trên những đường cong tuyệt mỹ thân thể người tình. (Khỏa thân bên dòng suối trắng, Hái hoa, Thiếu nữ nhìn trăng nghe chim hót, Giọt nắng trên cao v.v...) Tạm gọi đó là một điều.

Sáng ăn lót dạ bát cơm chiên hoặc ổ bánh mì rắc muối tiêu, hút thuốc Đà Lạt hoặc "Huế lùn", nghĩa là rất thực với đồng lương thực tế của anh giáo viên cấp 2, nhưng tranh thì cứ như dán như lôi người xem đi vào miên man cổ tích với những lời thì thầm của cỏ của rêu và đâu đây tiếng xạc xào gió triền thung báo hiệu sắp đến giờ bật mầm ảo huyền một loài hoa lạ (Thảo nguyên, Ở nơi yên tĩnh, Có một loài hoa, Diều v.v...) Tạm gọi đó là hai điều.

Tính tình, nói năng chậm rãi, khuôn mặt chữ điền chân chi với cái khóe miệng cong cong vểnh lên một chút vừa hài hước vừa dễ tin, nghĩa là cái gì cũng bày ra đấy một cách thật thà, nhưng màu sắc và mảng khối thì hầu như rất ít nguyên dạng, nguyên chất, ẩn chứa sự kín thầm nhưng đừng vội tưởng là đơn nhất, nó rắc rối đấy, nhiều chuyện đấy, tâm hồn không dễ phát hiện được đâu, ý tưởng không dễ xét suy đâu... Tất cả như nhắn gửi rằng: này hỡi ai, những người đáng yêu đáng sống ơi, hãy sống đi, hãy tìm cách gạt bỏ những gì đáng, cần gạt bỏ đi, nếu không thì cuộc sống nghiệt ngã này sẽ biến chúng ta thành những con người đáng ghét, đáng chết mất! (Thuyền mộng, Trăm năm trong cõi người ta, Cuộc du hành, Mẹ và biển xa v.v...) Tạm gọi đó là ba điều.

Vậy rốt cuộc Lê Quý Long là cái gì? Con đường anh đi liệu thuyết phục được những ai? Cái cách nghệ thuật của anh theo xem ra chẳng có gì mới chăng?

Lại cũng ba điều mà người viết bài này nghĩ ngợi và không chỉ một lần đã bẻ ngược lại để kiểm tra cái sự cảm thụ khách quan của mình, mặc dù khen chê là quyền của mình, tiếp nhận hay chối bỏ là quyền của mình, ông họa sĩ Lê Quý Long nọ có thù ghét chi mình mô mà mình nói xấu, có thân thích ơn huệ chi mình mô mà mình hô tốt; lại nữa, ông ta vẽ là việc của ông ta, mình coi là việc của mình, ông ta có bắt mình phải nhai nuốt sản phẩm của ông ta đâu mà lo!

Họa sĩ vẽ những gì họ cảm, không vẽ những gì họ thấy, thậm chí họ nghĩ - dĩ nhiên. Ở Lê Quý Long, tôi chợt nhận ra - cũng là cái rất riêng mình tôi - cái linh hồ sương khói dân gian phảng phất sự ứng nghiệm của ngoại cảm hiện đại. Tôi nghĩ rằng đó là sự nhuần đượm cần đạt tới, liều lượng như thế nào còn bàn cãi, nhưng cần đoạt cho được, tương tự như đấu bóng đá là phải ghi bàn, là phải chọc thủng lưới đối phương, chứ còn vờn đẹp, bật tường hay mà chẳng sút được cú nào cả thì ai cần chi anh?

Họa sĩ Lê Quý Long bên cạnh tác phẩm tại tư gia - Ảnh: baothuathienhue

Lê Quý Long làm việc như trâu lăn, lại như thiền nhập. Anh là cái không là gì để được cái có là gì, người họa sĩ này dường như tự bôi xóa mình đi. Và cơ may, vì thế, anh làm rõ được mình. Nói chính xác hơn là người xem chiêm nghiệm rõ được anh. Diễn giải ra theo cách nói quen thuộc giờ đây là sức thuyết phục. Ở đời thì có người đời. Người đời bây giờ lắm nỗi lắm. Cái ông này chê cũ thì bà kia khen mới. Cái anh nọ bảo hay thì cô đây nói dở. Văn, thơ, họa, nhạc đều thế cả, đều đối mặt với người đời. Ai mà bắt ai theo ai được, mà có bắt, ai chịu để cho bắt, đó là chưa nói đến chuyện bị bắt lại.

Tôi có lần đứng ngẩn ngơ như ma ám trước tranh Long. Phải nói là kiểu như Rêu xanh trên đá, Thiếu nữ xanh, Thời gian... chẳng khó gì để chỉ ra những khiếm khuyết trong bố cục, trong độ sáng tối - trong nhào nặn hình thể nữa. Nhưng những gì mà người xem đòi hỏi chắc chi đã là những thôi thúc bất khả kháng của cây cọ? Huống chi cây cọ lúc xuất thần thường có trường hợp rời khỏi tay chủ nó, tự nó điều khiển nó, bất biết trời đất núi sông nhiệt độ tiết thời... cùng ông chủ mồ hôi rụng lộp độp ngồi bên cạnh.

Tôi nhắm mắt lại trước khoảng ngoài, khoảng trong, và cuối cùng là khoảng người của Long. Không sao hiểu nổi nếu như họa sĩ không "gọi hồn" được cho người xem lên đồng. Lạ thay, áng cổ văn nào ngày trước ngát mùi hương trầm giờ đây? Mùi vị thì hãy khoan, rồi ra sẽ thấy thực hư, nhưng giọng ngân thì chắc chắn là của tiếng vọng người đời giờ đây, chí ít là của một tôi, loại người đời chẳng phải dễ tính lắm.

Tôi rời mắt khỏi các bức tranh khổ thường lớn từ 80x100 trở lên của Long, đến ngồi vào bàn nước. Nội riêng cái khoản tiền gỗ khung tổ bố cả trăm bức thế kia cũng đủ tóa mồ hôi đầu, cũng ngốn có lúc sạch nhẵn túi lời hàng vải bé nhỏ ở chợ An Cựu của chị vợ, thu vén cả tháng cả năm rồi...

Long xòe cái bật lửa ga, mời tôi một điếu thuốc ngoại, nói là bạn nào đó mới biếu. Tôi hút, ngắm cái bật lửa và điếu thuốc cùng bao bì xanh đỏ trắng vàng của nó. Ngẫm chuyện đời mà thú: chuyện rằng cái hãng BIC nọ thuê họa sĩ vẽ quảng cáo: một anh ngồi trên tầng lầu hai ngó cổ xuống anh ngồi dưới tầng một, hỏi xin lửa. Anh tầng một ngồi tại chỗ xẹt cái bật lửa Bic. Luồng ga phụt lên tận tầng hai. Anh tầng hai cứ việc thò thuốc lá vào châm! Quảng cáo là thế, phải hò hét, phải loa loa. Hiện giờ không thiếu gì cái "mới", cái "nhân danh đổi mới" loa loa.

Còn cái mới thật sự thì - tôi nghĩ - như kịch câm pantomin. Lê Quí Long mới ở chỗ không có khả năng làm ra vẻ mới.

Một hôm, Long nói: "Hội An rồi, Hà Nội rồi, còn Nam Hà nữa. Mình sẽ đi nay mai làm các phố cổ Nam Định. Ông có ai quen ở Nam Định giới thiệu cho mình bắt bạn với? Phải có bạn, có người tin cậy để tâm sự, để chuyện trò, mới vẽ tốt, ông ạ". Tôi ngạc nhiên một giây. Và tự cười mình ngạc nhiên mần chi. Long nói thật như đếm tiền mà cũng ảo như tình yêu vậy thôi!

Khi tôi gặp lại Long thì cũng là lúc anh vừa làm xong cuộc Triển lãm "Việt Nam - ba phố cổ" trong dịp Festival Huế 92, tháng tư vừa rồi. Tôi hỏi kết quả, Long chỉ cười cười. Tôi bảo dở ra cho xem với, hôm triển lãm tiếc là bận vắng. Long lôi ra. Trước mắt tôi là ba tập, hầu như dùng cùng một chất liệu là lạ kiểu như than bếp hoặc như bàn chải chải xơ mực ra, ẩn hiện, tỏ mờ...

Những nét cong mái phố bản năng, nhuốm màu võ đạo của phố cổ Hội An... Những mảng, những dòng hun hút sâu, thanh lịch mà tính toan của phố cổ Hà Nội...

Những vòm, trụ lãng đãng, ngật ngưỡng của phố cổ Thành Nam... Và trên hết, không phải, bao trùm, càng không phải, cầm giữ, đúng, cầm giữ... Người có thể đi rồi, có thể mất rồi, nhưng người còn ở đâu đây, hồn còn ở lại, như vạn thuở màu xanh của cây lá cỏ rêu...

Tháng 5-92
B.L.
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

 

Các bài mới
Gấu trắng (27/12/2021)
Đám mây lửa (13/12/2021)
Các bài đã đăng
Đôi dép (17/11/2021)
Mộng Sơn (20/10/2021)
Hoa cúc trắng (20/10/2021)
Mộ cây đàn (01/09/2021)
Phù sa đen (26/08/2021)