Tạp chí Sông Hương - Số 390 (T.08-21)
Luận về đặc trưng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Du
10:01 | 16/09/2021

NGHIÊM DIỄM   

Nguyễn Du (1766 - 1820) là nhà văn nổi tiếng nhất của Việt Nam, ông không chỉ sáng tác truyện thơ lục bát chữ Nôm “Kim Vân Kiều Truyện” nổi tiếng trong và ngoài nước, mà còn sáng tác ra một số lượng lớn thơ chữ Hán.

Luận về đặc trưng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Du
Ảnh: internet

Các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, bút pháp thơ rất rộng, nhưng đặc biệt chịu ảnh hưởng của thơ Đỗ Phủ. Thơ Nguyễn Du thể hiện một cái nhìn đầy bi thương sâu sắc, biểu hiện cụ thể ở các khía cạnh sau:

1. Lựa chọn những hình ảnh cô tịch, thê lương

Số lượng từ và việc lựa chọn từ vựng trong thơ rất quan trọng, do từ vựng tạo nên hình ảnh và cấu tạo nên toàn bộ phong cách thơ. Nguyễn Du thường chọn một số hình ảnh trầm mặc và bi thương trong các bài thơ của mình để gửi gắm những suy tư về thời đại. Một mặt, thơ Nguyễn Du ở phương diện từ vựng, thường sử dụng các từ như: “bạc đầu”, “tóc bạc”, “già”, thể hiện đầy đủ nhận thức của ông về sinh mệnh vô thường, than thở về bản thân, chẳng hạn như: “Sinh vị thành danh thân dĩ suy. Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy”. (Dịch thơ: Sống chửa nên danh thân yếu rày. Bơ phờ tóc bạc gió chiều bay - Đông A dịch) (“Tự thán”); hay như trong bài “U cư” kì 1 có đoạn: “Trú cửu đốn vong thân thị khách. Niên thâm cánh giác lão tùy thân”. (Dịch thơ: Trọ lâu quên bẵng thân là khách. Tới mãi thành quen tuổi cõng già - Quách Tấn dịch). Mặt khác, những hình ảnh như “mùa thu”, “vầng trăng” lại được chọn để thể hiện sự suy tư đau buồn. Nguyễn Du cũng thường lựa chọn những từ mang tính bi thương như: “nghèo”, “bệnh”, “chết”... để miêu tả sự khổ đau của bách tính dân thường trong thời buổi loạn lạc, chẳng hạn như: “Tam xuân tích bệnh bần vô dược. Táp tải phù sinh hoạn hữu thân”. Dịch thơ: “Trọn xuân bệnh hoạn không thang thuốc. Ba chục phù sinh luống ngại ngần” (Nguyễn Thạch Giang dịch) (“Mạn hứng 1”); do đó thơ Nguyễn Du vẫn còn xuất hiện các từ liên quan đến nghèo đói, chết chóc, đau thương như: “sầu”, “tang tóc”, “khóc”. Những từ phổ biến này trong thơ Nguyễn Du thường xuất hiện trong một tập thơ, chẳng hạn bài “Thu chí” trong tập thơ “Nam Trung tạp ngâm”:

Thu chí

Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu
Vãn sự bi thanh trủng, tân thu đáo bạch đầu
Hữu hình đồ dịch dịch, cô bệnh cố câu câu
Hồi thủ Lam Giang phố, nhàn tâm tạ bạch âu.


Dịch thơ: Thu chí

Sông Hương một mảnh trăng treo
Mối sầu thiên cổ thêm đau nỗi đời
Thu về bạc phếch tóc vôi
Chuyện qua mộ cũ bời bời cỏ xanh
Có thân nên mới lụy mình
Buồn thay không bệnh mà lưng phải khòm
Ngoảnh đầu lại bến sông Lam
Bụng nhàn mà lại phụ đàn bạch âu.

            (Trương Việt Linh dịch)

Bài viết tiến hành thống kê tổng thể từ vựng trong các tập thơ hiện có của Nguyễn Du, trong đó xuất hiện nhiều các từ vựng của thơ Đỗ Phủ:



Sự xuất hiện thường xuyên của những từ vựng này khiến các bài thơ của Nguyễn Du thể hiện tâm trạng thê lương đau khổ, ẩn chứa không khí u sầu. Phong cách thơ của Nguyễn Du được hình thành không chỉ bởi thời cuộc loạn lạc, mà chính sự bất hạnh của gia đình cũng mang đến cho ông nhưng tổn thương sâu sắc. Mặc dù được sinh ra trong 1 gia đình đại quý tộc, nhưng ông cũng không được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, thay vào đó là cuộc sống vất vả từ nhỏ. Nguyễn Du là con trai thứ tám của Nguyễn Nghiễm, con của vợ lẽ. Nguyễn Nghiễm có 8 người vợ và 21 người con. Thuở nhỏ, Nguyễn Du với xuất thân là con vợ lẽ, nhà lại đông anh chị em, nên cuộc sống không mấy dễ dàng, những biến động gia đình kéo theo đó càng khiến cho cuộc sống của ông trở nên tồi tệ hơn. Năm Nguyễn Du 11 tuổi, anh trai Nguyễn Trụ qua đời khi tròn 18 tuổi, cha Nguyễn Du cũng qua đời vào ngay năm sau đó; 2 năm sau, mẹ ruột ông - bà Trần Thị Tần cũng qua đời vì bạo bệnh. Khi còn là một thiếu niên, Nguyễn Du đã phải chịu đựng nỗi đau li biệt liên tục từ anh, cha cho đến mẹ. Vì mẹ ruột xuất thân nghèo khó, nên 4 anh chị em Nguyễn Du được gửi đến nuôi dưỡng ở nhà của anh trai cả Nguyễn Khản. Không lâu sau, Nguyễn Khản lại bị cách chức vì những biến động chính trị, Nguyễn Du được gửi đến nhà quan võ họ Hà làm con nuôi. Sau khi triều Lê diệt vong, Nguyễn Du đành nương tựa vào người anh rể Đoàn Nguyễn Tuấn. Sinh thời, Nguyễn Du sống một cuộc sống nghèo khổ và bệnh tật, ông thở dài trong thơ: “Mười năm đọc sách vẫn nghèo, Thiếu cơm thiếu áo gieo neo một đời” (“Hữu chí” - Nguyễn Thiên Thụ dịch); hay như: “Chết giữa văn chương đời luẩn quẩn. Sống trong trời đất kiếp bình bồng” (“Mạn hứng” kỳ 2 - Nguyễn Thạch Giang dịch). Cuộc sống gia đình và nỗi đau thời thế càng thúc đẩy hơn nữa nỗi buồn trong thơ Nguyễn Du.

2. Thiên về bút pháp tả thực

Thời đại Nguyễn Du sống trải qua quá trình chuyển giao từ triều đại Lê Trịnh sang triều đại Tây Sơn, rồi triều đại Tây Sơn lại bị triều Nguyễn thay thế, Việt Nam từ Bắc đến Nam bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh liên miên trong nhiều năm. Chiến tranh không chỉ giáng những đòn tàn khốc vào cuộc sống của người dân mà còn mang đến nhưng nỗi đau tâm lý rất lớn. Vào thế kỷ XIX, Trung Quốc đang ở những năm cuối cùng của triều đại nhà Thanh, dưới thời phong kiến sắp suy tàn cũng xuất hiện nhiều vấn đề xã hội khác nhau, người dân Trung Quốc cũng vì thế mà nghèo đói, bệnh tật. Nguyễn Du mô tả toàn cảnh xã hội mà ông nhìn thấy trong các bài thơ của mình: Đầu tiên, ông miêu tả cuộc sống đau khổ và bệnh tật của dân chúng, tái hiện chân thực các nhân vật trong nhiều cảnh ngộ khác nhau, chẳng hạn trong “Thái Bình mại ca giả”, Nguyễn Du miêu tả hình ảnh một ông lão mù lòa vì mưu sinh phải dắt theo đứa con nhỏ đi tứ xứ hát rong, mặc dù ông lão mù lòa hát rong sáng tối nhưng cũng chỉ kiếm được 5,6 đồng. Trong “Sở kiến hành”, Nguyễn Du mô tả hình ảnh một người phụ nữ dắt theo 3 đứa trẻ ngồi bên vệ đường, đứa nhỏ ôm trong lòng, đứa lớn tay cầm 1 chiếc giỏ tre, bên trong chỉ đựng 1 ít trấu, mô tả cuộc sống lang thang của 4 mẹ con không có cơm ăn áo mặc. Ngược lại với những người dân đói khổ này là những hành vi lãng phí của quan lại mà không hề hay biết đến nỗi thống khổ của người dân: “một con tàu đầy ắp thịt và gạo. Người đi đường ăn no vất bỏ đi, thức ăn thừa chìm xuống đáy sông”. Tiếp theo, Nguyễn Du ghi lại chân thực cuộc chiến tranh lúc bấy giờ. “Trở binh hành” của Nguyễn Du phỏng tác theo “Binh xa hành” của Đỗ Phủ, thậm chí hình thức câu thơ cũng gần như tương đồng, mô tả cuộc nổi loạn địa phương ở 2 quận, huyện mà ông chứng kiến trên đường đi sứ đến Trung Quốc, cho đến sự thịnh hành của Bạch Liên Giáo, và mùi máu tanh theo gió tràn ngập trong thành khi quan lại địa phương trấn áp cuộc nổi loạn. Nguyễn Du có tư tưởng nhập thế Nho gia mạnh mẽ, thể hiện ở việc ông đồng cảm và quan tâm đến những tầng lớp dưới, quan tâm đến nỗi thống khổ của nhân dân, phản đối chiến tranh phi nghĩa... Nội dung trong thơ Nguyễn Du đều trực tiếp phản ánh thời đại ông đang sống lúc bấy giờ, mang tính chất sử thi.

Từ việc trực tiếp ghi lại sự biến đổi của thời đại, thơ của Nguyễn Du có khuynh hướng trần thuật tả thực. Ví dụ trong bài thơ “Long Thành cầm giả ca”, Nguyễn Du miêu tả hình ảnh một người gảy đàn hát rong giữa phố chợ ở thời kỳ Tây Sơn, tài nghệ cao siêu. Nghe nói người gảy đàn này đã từng ở trong đội nữ nhạc cung vua Lê, vì quân Tây Sơn khởi binh công phá thành Thăng Long, thê thiếp của triều Lê bị chết, bị thương, lưu lạc khắp nơi, nhiều nữ nhạc lưu lạc đến chợ sống bằng việc hát rong. Sau khi nhà Tây Sơn làm chủ thành Thăng Long, người nữ nhạc này không chỉ hát hay mà còn khéo nói khôi hài, nên được xưng tụng là “Thăng Long đệ nhất tài nghệ”, được các chư thần triều Tây Sơn ban thưởng nhiều vô kể. Về sau, khi triều Tây Sơn thất bại, Nguyễn Du rời nhà về Nam, cũng không gặp lại người ca nữ này nữa. Vào thời nhà Nguyễn, Nguyễn Du phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, khi đi qua kinh thành Thăng Long lại một lần nữa nhìn thấy người ca nữ này ở dinh Tuyên phủ, lúc này cô ấy mặc một bộ quần áo vải thô với nhiều miếng vá, ngồi khuất một góc trong đám đông. Trong bài thơ, Nguyễn Du mượn hình ảnh lận đận về số phận của một người phụ nữ bình thường trong xã hội để phản ánh ảnh hưởng của nhiều năm chiến tranh loạn lạc liên miên trong cuộc chiến giành vương vị của 3 triều đại đối với người dân thường.

Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn chương, nổi tiếng về văn học, nhưng lại sinh ra không gặp thời, cảnh đời éo le. Sau khi trải qua sự thay đổi của các triều đại và nhiều biến cố thế sự, Nguyễn Du thở dài rằng: “Thật đáng thương đời tựa đám mây” (“Đối tửu” - “Thanh Hiên thi tập” - Đông A dịch). Bản tính nhạy cảm của một nhà văn, lại trải qua nỗi đau thời buổi đất nước loạn lạc, nỗi buồn của cảnh nghèo đói cơ cực khiến thơ của Nguyễn Du bộc lộ nét đẹp nghệ thuật của sự trầm mặc bi thương. Mặc dù Nguyễn Du nổi tiếng trong và ngoài nước với truyện thơ chữ Nôm “Kim Vân Kiều Truyện”, nhưng thơ chữ Hán của ông lại chiếm một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa Hán học, như một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã chỉ ra: “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là đỉnh cao trong sáng tác thơ chữ Hán của Việt Nam. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một kho tàng nghệ thuật thơ ca phong phú cho những nghiên cứu về thơ chữ Hán ở Việt Nam”.1

N.D
(TCSH390/08-2021)

-------------------
1. “Lời nói đầu Nguyễn Du toàn tập”, Nxb. Văn học Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Việt Nam, 1996.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng