Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-21)
Khi mùa thu sang
14:26 | 28/09/2021

LÊ QUỐC HÁN

Mùa thu mùa của chia ly
Nên con sông chảy chẳng khi nào ngừng

Khi mùa thu sang
Ảnh: internet

1. Mùa mộng mơ. Mỗi năm, mùa thu đến, trời dường như cao hơn, trong hơn, xanh hơn. Lòng người bồi hồi nhớ về những kỷ niệm gắn với bao mùa thu qua.

Khi tiếng trống khai trường bắt đầu điểm, lòng bâng khuâng nhớ lại ngày đầu đến lớp, “mẹ dắt tay từng bước”. Tất cả đều mới như trang vở đầu tiên cuộc đời: bạn mới, cô giáo mới, bàn ghế mới, trường lớp mới. Theo thời gian, nhờ cô giáo như mẹ hiền, chúng ta quen dần với môi trường học hành, với các bạn, với mọi người. Rồi trong suốt 12 năm, mỗi mùa thu đến, sau những ngày nghỉ hè vui chơi hay tham gia sản xuất, ta lại háo hức trở lại học hành. Có thể gặp lại bạn cũ, thầy cô cũ hay bạn mới, thầy cô mới khi chuyển lớp, chuyển trường, nhưng vẫn trong cùng một dây xích ấy, đoạn đường ấy. Rồi mùa thu thứ 13 đến, sau một mùa thi cử vất vả, ta trở thành sinh viên đại học, cao đẳng dạy nghề, để viết tiếp những trang đời học trò mới. Tất cả đều xa lạ hơn, chân trời kiến thức mở rộng mênh mông hơn. Ta đắm chìm trong đó để hút mật trăm hoa, đặng làm cho vốn kiến thức của mình giàu có hơn, sâu sắc hơn. Thoắt cái, dăm mùa thu qua, ta bước ra khỏi ngưỡng cửa học hành bước vào đời với một hành trang được chuẩn bị đủ đầy để cống hiến sức lực của mình cho đất nước, cho cuộc đời.

Có hai mùa đẹp nhất trong năm: mùa xuân và mùa thu. Nếu mùa xuân rạo rực lòng người với sự sinh nở của đất trời, vũ trụ, chồi xanh bật dậy, hoa nở ngát hương, thì mùa thu dịu dàng với màu vàng hoa cúc, màu vàng lá đổ, gợi một mối bâng khuâng u hoài. Đó là mùa của thi ca nhạc họa với những gam màu nhẹ nhưng rung động sâu thẳm lòng người. Đã có Mùa xuân chín Hàn Mạc Tử, Mùa xuân xanh Nguyễn Bính, Xuân không mùa Xuân Diệu, Xuân tượng trưng Bích Khê, giờ lại có Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thu vịnh - Thu điếu - Thu ẩm của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh lay động hồn người. Nhưng có lẽ những ca khúc mùa thu ấn tượng hơn cả. Cảm tưởng rằng bốn mùa trong năm, các bài hát về mùa thu hay nhất, rung động, xao xuyến lòng người nhất. Cái làm nên thơ mộng của mùa thu ngoài trời xanh mây trắng lá vàng còn có vầng trăng. Dù Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường (Kiều), Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ ai (Lưu Quang Vũ) hay vầng trăng trung thu tròn vành vạnh cũng gợi cho bao kỷ niệm. Ôi! Ước gì trở lại thời thơ ấu để làm chú Cuội ngồi gốc cây đa đợi chị Hằng xuống nhảy múa vui chơi?! Chính những ngày thu thơ mộng Trời không nắng cũng không mưa/ Cứ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung (Hồ Dzếnh) ấy đã dệt nên câu chuyện tình bất trắc đầy cảm thương nhưng cũng rất thơ mộng: mối tình giữa chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ hàng năm phải chờ đến những trận mưa ngâu bắc cầu Ô Thước mới được gặp nhau một lần.

2. Mùa giông bão. Ấy là nói về những ngày bình thường, mùa thu dịu dàng, hiền thục như thiếu phụ Việt Nam, nhưng khi đất trời nổi giận, mùa thu dữ dằn làm sao. Nhớ những năm trước chín mươi thế kỷ hai mươi, một dải Bắc miền Trung nói chung và Xứ Nghệ nói riêng hứng chịu bão lụt nhất cả nước. Quê tôi, vùng đất Kỳ Anh được mệnh danh “túi gió, chảo mưa”, bởi ở dọc biển lại bị dãy Hoành Sơn chắn phía nam nên không có cơn bão nào quên ghé đến. Ngày còn nhỏ, tôi đã bao lần chứng kiến những cơn bão quật đổ cây cối nhà cửa, xóm làng xơ xác tan hoang. Sau bão thường kèm mưa lụt. Nước lũ dâng lên ngập chợ Cầu. Con đường từ nhà lên thị trấn khá cao, những ngày lũ nước dâng đến gần đầu gối không đi lại được, phải chờ vài ngày nước rút mới thông thương. Tuy chưa được chứng kiến, nhưng nghe cha tôi kể lại, làng Xa Lang quê Người ở gần sông Ngàn Phố, hàng năm lũ lụt nước dâng cao, nhà nào cũng có một chạn (sàn cao) khi mùa lũ tràn về đem mọi vật dụng trong nhà, súc vật và trẻ em lên tránh tạm. Ngoài ra còn có vài chiếc nôốc (thuyền) to đề phòng khi nước ngập mái nhà mọi người sơ tán lên. Giai thoại kể rằng có gia đình thuyền bị đánh tan, phải đặt trẻ con vào chum đậy lại thả xuống nước phó thác cho số phận may rủi. Mẹ vợ tôi quê Kẻ Tùng, ngôi làng nổi lên giữa sông La cũng kể lại, sông La vốn hiền hòa như dải lụa, những ngày lũ dâng cao tình cảnh không khác là bao.

Sau ra công tác ở Vinh, tận mắt nhìn thấy những cơn bão khủng khiếp. Cơn bão lớn nhất vào mùa thu 1987, quật đổ toàn bộ cây cổ thụ Thành Vinh và các ngôi nhà bán kiên cố ven thành. Từ sau đó đến nay, bão có chiều hướng đổ bộ vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ hay Nam Trung Bộ nên xứ Nghệ ảnh hưởng bão lũ có chiều giảm xuống, nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn khi bão lũ đổ về.

3. Mùa hoài niệm & sám hối. Tuổi trung niên là mùa thu của mỗi đời người. Đã qua rồi cái thời thanh xuân rạo rực yêu đương: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Xuân Diệu), cái tuổi nóng bỏng cháy hết mình như hoa phượng vĩ. Ta nhìn cuộc đời bình tĩnh hơn, đằm thắm hơn, như hoa cúc vàng rực không phai trước sương gió, bão giông. Đây cũng là lúc ta gặt hái những thành quả cuộc đời sau bao năm miệt mài học tập, lao động, rèn luyện và dâng hiến. Rồi những ngày cuối thu, ta ngoái nhìn lại đời mình để thấy những gì còn thiếu sót, những gì chưa hoàn thiện, và cả những lỗi lầm phạm phải để gắng sửa mình trước khi mùa đông lạnh lẽo tràn đến. Đường đời không bao giờ chậm, chẳng phải Phật Tổ từng khuyên: quay lại là bờ?

Tôi bắt đầu làm thơ từ năm mười bảy tuổi, nhưng chỉ ba năm sau buông bút. Mãi đến khi bước vào mùa thu đời mình (bốn mươi mốt tuổi) mới trở lại làm thơ. Bởi vậy thơ tôi nhiều hoài niệm, và có khá nhiều bài thơ về mùa thu. Nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học - Phó giáo sư Vũ Nho nhận xét: “Xuyên suốt tập thơ Bến vô cùng là những băn khoăn, trăn trở về thời gian. Có thời gian một thoáng, thời gian của ngày, của đêm, của chiều, của hoàng hôn (Một thoáng, Đêm, Ngày, Hồng Lĩnh chiều). Có thời gian của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng chủ yếu là mùa thu: Cảm thu, Thu, Sám hối thu, Tiễn thu. Phải vì mang một nỗi buồn, một niềm li biệt và có thể có lý do riêng mà mùa thu được trân trọng như vậy? Neo mùa thu lại bên thềm/ đón sương rơi xuống cho mềm nỗi đau (Tiễn thu) và hình như nhiều cảm hứng sáng tạo được manh nha và hình thành từ đây để an ủi, để cứu rỗi: Câu thơ nào viết vội/ run dưới chiều heo may/ câu thơ nào cứu rỗi/ nương dáng thu hao gầy (Sám hối thu)”.

4. Mùa thương nhớ & tri ân. Mỗi con người một giọt nước trên dòng sông dòng họ mình. Đầu nguồn mỗi dòng sông là tổ phụ. Các tổ phụ trong cùng một dân tộc có chung gốc, như các tổ phụ tộc Việt Nam có chung gốc Lạc Long Quân - Âu Cơ. Các dòng sông đó đổ ra biển khơi hư vô, nơi các con chiên ngoan đạo gặp Thiên Đường, các Phật tử đắc đạo gặp Niết Bàn, người theo đạo thần tiên gặp tiên cảnh Bồng Lai.

Một người bình thường sinh ra trên đời có nghĩa vụ lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái để dòng sông dòng họ mình không chỉ chảy liên tục không ngừng mà ngày càng đầy ắp hơn. Nếu chọn con đường tu hành, ấy là họ hòa vào dòng sông khác: dòng sông tâm linh. Trên dòng sông mới, họ cũng có nghĩa vụ làm cho dòng sông ấy chảy liên tục và tràn đầy. Linh mục, tu sĩ nhận các chủng sinh làm con nuôi linh hồn, sư sãi nhận đệ tử không ngoài mục đích đó. Những người có số phận không may, khi qua đời được gọi là các linh hồn mồ côi, là cô hồn cô quả. Linh hồn họ đang bị giam cầm nơi luyện ngục hay lưu lạc bơ vơ giữa không trung không nơi nương tựa, chờ duyên phước đưa về đường chính đạo.

Bởi vậy, dân tộc Việt nói riêng và một số dân tộc phương Đông theo Phật giáo như Trung Quốc, Nhật Bản chọn Rằm tháng bảy âm lịch làm Lễ Vu Lan, để ngược lên con sông dòng họ tưởng nhớ công ơn cha mẹ ông bà tổ tiên đã sinh thành dưỡng dục mình, để tưởng nhớ người thân trong đại gia đình mình. Trước ngày lễ Vu Lan, mọi người sửa soạn trang trí lại bàn thờ tổ tiên và sắm sửa đồ lễ để sáng ngày rằm làm lễ cúng bái tổ tiên. Theo phong tục dân gian của một số nước Á Đông, rằm tháng bảy âm lịch là ngày Xá tội vong nhân. Đó là ngày mở cửa Địa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong hồn không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng. Vào tháng cô hồn, mọi người được khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện góp phần giải thoát các chúng sanh và giải thoát nghiệp cho mình. Như vậy, ngày lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, mặc dù đều trùng vào rằm tháng bảy âm lịch.

Với người theo đạo Thiên Chúa, sau lễ vinh danh các Thánh (1.11 dương lịch) là ngày lễ linh hồn cầu cho các linh hồn đang bị giam cầm nơi Luyện ngục được sớm lên Thiên đường hưởng phúc đời đời. Tháng 11 hàng năm được chọn làm Tháng linh hồn. Suốt tháng các con chiên chăm đọc kinh cầu nguyện hơn, chăm làm việc lành phúc đức hơn, không chỉ cầu cho các linh hồn đã khuất mà còn tích đức cho bản thân mình. Chúa phán: Nếu hôm nay ai cho anh em nghèo khó một đấu gạo hay một tấm áo, ấy là cho chính ta, ngày sau ta sẽ trả ơn người ấy gấp trăm gấp nghìn!

Thì ra dân tộc nào cũng vậy, tôn giáo chân chính nào cũng vậy, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là đạo lý cao nhất, vĩnh hằng nhất. Thật buồn cho những ai còn rắp tâm chia rẽ các dòng họ, các dân tộc, các tôn giáo chân chính. Và phúc cho ai biết làm đầy con sông dòng họ mình, góp phần làm đầy những dòng sông dân tộc để sớm đổ về biển cả an lạc vĩnh hằng.

L.Q.H
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Khế (08/10/2021)
Các bài đã đăng