Tạp chí Sông Hương - Số 391 (T.09-21)
Có một dòng sông đã qua đời
09:41 | 29/10/2021

TÔN THẤT DUNG

Nghe tin nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục qua đời, không hiểu sao trong tâm tưởng tôi dường như có ai đọc những câu ca từ trong bài Có một dòng sông đã qua đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!

Có một dòng sông đã qua đời
Nhà thơ Trần Hữu Lục - Ký họa của họa sĩ Bửu Chỉ

Có lẽ, do bản mệnh từ thuở ban đầu đến với văn chương, tác phẩm được in thành sách đầu tiên của Trần Hữu Lục đã có tên là Cách một dòng sông (1971), và sinh thời cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng đã từng nhận ra trong văn chương của ông có một dòng sông xanh chảy tràn qua một tâm hồn Huế: “Những hoài niệm về Huế đã kết tủa thành ngôn từ trong tâm hồn Trần Hữu Lục. Trong Lục cho đến nay vẫn luôn luân lưu một dòng thi ca, rất nhẹ nhàng và nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang về tình yêu quê nhà. Đó không phải là đề tài dành riêng cho Lục, nhưng thật sự Lục là kẻ ít sống gần quê nhà. Trong thơ Trần Hữu Lục có bóng dáng của một dòng sông xanh, rất xanh năm mười sáu tuổi, một thuở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”[1]. Có thể nói, Trần Hữu Lục là một trong những người Huế thuần thành từ trong cốt tủy và là người yêu Huế nhất trong những người yêu Huế.

Trần Hữu Lục sinh năm 1941 ở Vỹ Dạ, nơi có bóng “lá trúc che ngang mặt chữ điền” trong trang thơ Hàn Mặc Tử. Từng là học sinh Quốc Học (1961 - 1963), sinh viên Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế (1964 - 1968) tham gia phong trào tranh đấu của tuổi trẻ đô thị, làm báo, viết văn... Ông thuộc thế hệ tuổi trẻ sống có mục đích lý tưởng, dấn thân vào con đường tranh đấu với lời hứa quyết tâm rằng “Con sẽ vót thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài văn thành kiếm sắt/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” (Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long). Ông từng làm chủ biên các tờ báo của phong trào tranh đấu như Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế 1967 - 1968), Sinh viên Huế (Hội đồng sinh viên liên khoa 1968), là thành viên nòng cốt của Hội Hồng Sơn (1965) sau đó chuyển thành nhóm Việt và chủ trương tạp chí Việt. Trong Lịch sử phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954 - 1975, có ghi lại rằng: “Nhóm Việt là một tổ chức tự nguyện của một số sinh viên Đại học Sư phạm Huế gồm Trần Duy Phiên, Trần Minh Thảo (Trần Hồng Quang), Bảo Cự, Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Đình Trọng (Đông Trình), Trần Hữu Lục (Yên My)... thành lập tháng 8 năm 1968 mà tiền thân của nó là Hội Hồng Sơn đã ra đời từ năm 1965. Diễn đàn của nhóm Việt là tạp chí Việt, “Tờ báo vận động văn học nghệ thuật về nguồn” (...). Chính tạp chí Việt là nơi tập hợp những anh em cùng chí hướng, cùng có khả năng văn nghệ để cùng nhau đấu tranh cho một nền văn nghệ tiến bộ, yêu nước và cách mạng, mạnh mẽ và dứt khoát chống lại thứ văn nghệ lai căng mất gốc, nhất là thứ văn nghệ chống Cộng đang được cổ súy rộng rãi và được chính quyền tài trợ ngay từ sau Hiệp định Genève ở miền Nam” [2, 235].
 

Nhà thơ Trần Hữu Lục với bút danh Yên My trên Tạp chí Việt số ra mắt

Đã có lần, Trần Hữu Lục nhớ về thời tuổi trẻ của mình rằng: “Thời đó, tôi là một cây bút trẻ trong số mười cây bút trẻ tiêu biểu của miền Nam do báo Văn (Sài Gòn) bình chọn. Những người viết trẻ thế hệ chúng tôi làm văn chương nhập cuộc. Vừa học, hội thảo - xuống đường, vừa viết văn, viết báo... với lý tưởng của thanh niên, sinh viên thời tao loạn, cho nên chúng tôi dễ chia sẻ ngọt bùi, đắng cay trên từng trang văn, trang thơ. Cái tôi, cái riêng cũng là cái chúng ta, cái chung. Đó là tinh thần yêu nước và sự tiến bộ. Đó cũng là đấu tranh vì tự do, hòa bình” [3]. Ngoài những bài báo nóng hổi khí thế đấu tranh ký nhiều bút danh khác nhau (Yên My, Trần Phước Nguyên, Hồng Hữu), trước năm 1975 bắt đầu với truyện ngắn đầu tay Tuổi đồng quê ký bút danh là Yên My, in trên báo Văn (1968), gom lại có khoảng hơn ba mươi truyện ngắn, được nguyệt san Đối diện chọn lọc in thành tập truyện Cách một dòng sông (1971), ông trở thành nhà văn có tác phẩm in thành sách sớm nhất trong số các thành viên của Hội Hồng Sơn, và cũng từ đây, ông được phân công phụ trách phần văn nghệ của nguyệt san Đối diện cho đến năm 1975. Cũng chính tập bản thảo cuốn sách này, dưới tựa đề Hát rong trên đồng đã từng phải long đong phiêu bạt qua các cửa ải của sở Phối hợp nghệ thuật (cái tên gọi mỹ miều của sở kiểm duyệt) thuộc bộ Thông tin chế độ Sài Gòn. Sau ông, Đối diện tiếp tục in hai tác phẩm văn xuôi của hai tác giả cùng nhóm là Trước khi mặt trời mọc (1972) của Trần Duy Phiên và Đi tìm lịch sử (1972) của Bảo Cự. Đồng thời, cùng với Huỳnh Ngọc Sơn và Bảo Cự, ông là “một trong ba tác giả có tác phẩm được tuyển in trong tập Bút máu, được xuất bản ở vùng giải phóng thời bấy giờ” [4,1078]. Tập sách có nhiều truyện hay, trước đó từng xuất hiện rải rác trên các tạp chí như Văn, Đất nước, Đối diện... sớm tạo nên ấn tượng cho bạn đọc về lối hành văn đằm thắm và tinh tế, bố cục giản đơn và sâu sắc, những hình tượng nhân vật gần gũi mà có sức sống lâu bền, những đề tài về đời sống xã hội trong cuộc chiến tranh hết sức tàn khốc và ám gợi, những chủ đề tập trung lên án thói giả dối, lừa phỉnh, mị dân, tuy nhẹ nhàng nhưng có sức mạnh tố cáo mạnh mẽ. Đó là những truyện như Cách một dòng sông, Tuổi đồng quê, Hát rong trên đồng, Người tình lạ mặt, Di vật, Đá trăm năm, Còn quê hương để trở về... Truyện của Trần Hữu Lục luôn mang tính thời sự, luôn bám sát những chính sách, những mánh khóe lừa bịp và ăn chặn dân lành của chính phủ đương thời, phát hiện ra những mặt trái có tính chất mị dân để vạch trần, phanh phui sự thật. Điều quan trọng nhất đối với văn xuôi là sức sống của tính cách nhân vật. Bằng những phác thảo có tính cách chấm phá trong thế giới nội tâm nhân vật, nhà văn chầm chậm vén màn để lộ diện một chân dung nhân vật trong bộ máy công quyền, vừa chơi bời, cờ bạc, vừa ức hiếp dân lành, lại còn lừa bịp nhân dân, điều đáng lưu ý là, sự lừa bịp đó lâu ngày quen dần, thành bản chất tự nhiên của họ: “Sau một vài chuyến ngủ ấp, ông Âu không hề giả. Cái cảm giác ghê sợ, lo lắng dần dần cũng chai lì. Ông tưởng ngủ ấp là ghê gớm lắm, có thể thay đổi cả đời sống nhưng rồi ông thấy nó vẫn như các thứ công việc khác. Biết dân tình là biết vậy, ông nghi ngờ đủ thứ (...). Như mọi ngày, ông Âu sa lầy dần dần mà không tự cưỡng lại được trong một thứ công việc... bịp”. Đó là câu cuối kết thúc đầy ấn tượng truyện ngắn Ngủ ấp in trên nguyệt san Đối diện số 32/1972. Đọc truyện này, nhà văn Vũ Hạnh đã từng nhấn mạnh giá trị tố cáo mạnh mẽ và sâu sắc của nó về đời sống cùng khổ của người nông dân trong chiến tranh: “Dầu các quan trên có xuống ngủ ấp cho có vẻ gần dân, thì Trần Hữu Lục cũng giúp chúng ta thấy rõ được tấn hài kịch vụng về mà chúng dựng lên để bịp lừa người, và tự lừa mình” [5, 224]. Trong Lời tựa cho Tuyển tập truyện ngắn nhóm Việt, riêng về các truyện của Trần Hữu Lục, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương cho rằng: “Truyện của Trần Hữu Lục thường phô diễn cái không khí oi bức, giằng xé ở những vùng tranh chấp trong chiến tranh và cả những vùng tranh chấp trong tâm hồn. Những sự căng thẳng đó lại được làm dịu bằng một giọng văn trữ tình và những trang văn gợi cảm miêu tả thiên nhiên. Người tình lạ mặt có lẽ là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách viết của ông. Tiếng đàn bầu nói hộ nỗi niềm u uất của người nông dân yêu nước giữa những bức phên tre èo ọp trong truyện ngắn Di vật cũng là một hình tượng có sức ám ảnh” [6, 8].

Sau 1975, Trần Hữu Lục dạy ở Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), công tác ở Ty Giáo dục Lâm Đồng rồi chuyển về thành phố Hồ Chí Minh, làm nhiều cơ quan, nhiều công việc (biên tập xưởng phim Giáo khoa của Bộ Giáo dục, phóng viên Ban Văn nghệ Báo Tuổi Trẻ, về Sở Du lịch với cương vị là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Du lịch, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh), nhưng ông vẫn là một công dân xứ Huế: ông kiêm nhiệm thêm hai công việc “không công” cho Huế là đại diện cho Tạp chí Sông Hương và Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn, ông vẫn viết về Huế với nhiều thể loại khác nhau, viết bằng cảm quan và tâm thức Huế: Chiếc bóng (tập truyện, 1987), Lời của hoa hồng (thơ, 1997), Thời tôi yêu (tập truyện, 1998), Đưa đò (bình văn, tản văn, 2002), Thu phương xa (thơ, 2003), Chuyện Huế ít người biết (biên soạn, 2004), Vạn xuân (thơ, 2006), Mẹ và con (truyện, bút ký, 2007), Ngày đầu tiên (thơ, 2009), Góc nhìn văn chương (bút ký, bình luận, 2010)... “Người thơ ăn vận toàn thơ cả” (Hàn Mặc Tử). Là người Huế, từ trong tâm cảm quan hiện thực và tâm thức sáng tạo, luôn hiện ra những gì thuộc về Huế:

Lặng lẽ mùi hương miền ký ức
Cùng mưa thu
từng giọt rơi rơi
Nơi xa ấy biết em còn thức
Như nguyệt cầm Huế vẫn thu
xưa
                        (Huế thu)

Không chỉ nâng niu, hoài vọng những ký ức với phù sa tầng tầng lớp lớp về Huế trong văn chương hư cấu, mà ngay trong văn chương phi hư cấu Trần Hữu Lục cũng cắm sâu ngòi bút của mình vào vùng tâm cảm của xứ Thần kinh: những mẩu Chuyện Huế ít người biết mà ông biên soạn từ trong lịch sử, trong dân gian, rồi những trang viết bình văn, tản văn, ký sự nhân vật trong Đưa đò và Góc nhìn văn chương ông cũng ngước nhìn về những văn nhân xứ Huế, như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồ Đắc Thiếu Anh... Chính nhờ những trang viết của ông mà những con người từng là những thân phận bị lặng tăm vào trong những góc khuất của lịch sử, hiện dần ra đậm đà phong thái đài các của miền quê văn hiến xứ kinh kỳ. Một người có nhiều mối quảng giao rộng rãi như nhà thơ Ngô Minh, sinh thời từng tiên cảm về chân dung của Trần Hữu Lục gắn liền với những tên tuổi của một thế hệ văn nghệ sĩ khó phôi phai theo thời gian: “Trần Hữu Lục hơn bốn mươi năm qua lãng du tìm Huế trong cõi riêng mình. Anh bảo, anh chỉ là hạt bụi, còn ai nhớ, nhưng Huế vẫn nhớ anh và nhớ một thế hệ văn nghệ sĩ tài hoa, dấn thân vì lẽ sống như Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên... Chính thế hệ vàng này đã làm nên diện mạo văn chương nghệ thuật Huế những năm sáu mươi của thế kỷ trước” [7].

Những trải nghiệm cuộc đời của mỗi người gắn bó với từng không/thời gian nhất định, nó kiến tạo nên những mảnh ghép trong tâm hồn không dễ phôi pha. Ngoài Huế nơi sinh ra và gắn bó một thời tuổi trẻ đẹp đẽ nhất và mảnh đất phương Nam nghĩa tình đằm thắm, ông còn có một mảnh ghép nhỏ là Đà Lạt chỉ chừng hơn mười năm gắn bó, đã vỗ về tâm hồn ông miên man trong Đà Lạt ngày tôi về, vang vọng trên những vòm cong âm thanh trong giai điệu trữ tình của Phú Quang: “Đà Lạt ngày tôi về, cánh rừng xõa tóc đêm. Chút hương thoáng bay, triền dốc sương đầy. Ngã ba đường xưa tôi đứng, giờ hoa anh đào tàn phai. Tan về đâu về đâu, những hạt mưa ngày ấy/ Tan về đâu về đâu, tà áo thuở ban đầu”. Thơ ông dạt dào về cảm xúc, mộc mạc về ngôn từ, đẹp về giai điệu; là thơ điệu ngâm chứ không phải thơ điệu nói; ông không quá chú tâm đến việc trau chuốt ngôn từ, không chuộng lạ trong hình thức cách tân, nhưng luôn nặng đầy cảm xúc, nồng ấm trữ tình và rất giàu nhạc tính... Điều này có thể dễ nhận ra ở tập thơ cuối đời Ngày đầu tiên có 55 bài thì đã có 19 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc.

Là thế hệ đàn em về mọi mặt, tôi từng đọc văn chương Trần Hữu Lục từ thời ông còn tham gia phong trào tranh đấu, cũng đã từng hạnh ngộ ông đôi lần, nhưng chắc rằng ông chẳng biết/ nhớ tôi là ai. Tôi chỉ là một trong số đông bạn đọc của ông, đứng lố nhố ngoài xa, nhưng tôi nghĩ rằng, ông là người Huế “thứ thiệt” và là người yêu Huế nhất. Bởi lẽ, những gì ông làm cho Huế thật khó có người làm được: viết về Huế, viết về con người và mảnh đất thân thương từng chôn nhau cắt rốn, dù với thể loại văn chương nào cũng viết bằng cảm quan và tâm thức Huế, rồi suốt ngày “lo chuyện bao đồng” nhưng thắm thiết tình nghĩa cho Hội đồng hương, cho văn nghệ quê nhà, nhất là bỏ công sức và tiền của, kiên trì lo tất cả mọi khâu, từ liên kết với Nhà xuất bản Trẻ, đến đặt bài, biên tập, in ấn và phát hành hơn 60 tập san Nhớ Huế, mỗi số theo một chuyên đề như Người xa Huế, Áo dài Huế, Hương sen Huế, Hương vị Huế, Trường Huế, Huế đất học... rồi lại còn mở Tủ sách Nhớ Huế, in cả chục đầu sách cho anh em. Những việc làm mà nhiều người yêu Huế, có cương vị, có điều kiện hơn ông, không phải ai cũng làm được. Ông ra đi vào tuổi tám mốt, tính theo tuổi âm. Người đọc và bạn bè, văn nghệ sĩ cả nước vô cùng tiếc thương, vì từ nay văn chương phương Nam khuất bóng một con người tài hoa xứ Huế.

T.T.D  
(TCSH391/09-2021)

---------------------------------
[1, 3, 7] Dẫn theo “thanhnien.vn/van-hoa/nha-tho-tran-huu-luc-qua-doi-do-benh-nen-va-mac-covid.19.1442582. html
[2] Nhiều tác giả (2015), Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975, Nxb. Trẻ.
[4] Nhiều tác giả (2020), Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Văn hóa, tập 1, Nxb. Thuận Hóa.
[5] Nhiều tác giả (1993), Tiếng hát những người đi tới, Nxb. Trẻ.
[6] Huỳnh Như Phương (1997), Lời tựa cho Tuyển tập truyện ngắn nhóm Việt, Nxb. Trẻ.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng