Tạp chí Sông Hương - Số 391 (T.09-21)
Stockholm - Con đường dẫn đến giải Nobel
16:26 | 03/11/2021

NGUYỄN VĂN DŨNG
                      Bút ký

Là thủ đô của vương quốc Thụy Điển, Stockholm được mệnh danh là “Một trong những thành phố đẹp nhất thế giới”, là “Thủ đô xanh”, là “Thủ đô của những thủ đô vùng Scandinavia”, là “Thành phố của mọi cảm giác”, là “Thành phố của nước và cây”, là “Venice của phương Bắc”, là “Con đường dẫn đến giải Nobel”… Tôi thích hình tượng: Con đường dẫn đến giải Nobel.

Stockholm - Con đường dẫn đến giải Nobel
Thành phố Stockholm - Ảnh: wiki

Sắc màu Stockholm

Ấn tượng đầu tiên về Stockholm, đó là một thành phố xanh - xanh rừng, xanh biển, xanh đất, xanh trời... xanh thiệt là xanh. Năm 2010, Stockholm được trao giải là “thủ đô xanh” của châu Âu.

Stockholm, hơn 30% nước, 40% rừng, công viên, cây cỏ - Thụy Điển là quốc gia có tỉ lệ rừng cao nhất thế giới. Thiên nhiên là tài sản chung của mọi người, ai cũng được quyền tự do đi lại, vui chơi trong thiên nhiên, dù là rừng cây, đồng cỏ, hồ ao, hay trang trại thuộc sở hữu của bất kỳ ai, miễn là không làm gì ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên hay phá hoại tài sản của người khác. Ngay từ lúc còn thơ bé, trẻ em đã được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, được bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Trên mảnh đất Bắc Âu xinh đẹp này, tình yêu thiên nhiên tồn tại như là một thứ tôn giáo.

Không chỉ xanh, Stockholm còn là thủ đô sạch và rất nhiều hoa. Hoa khắp nơi - trên đồng cỏ, trên đường phố, trên lối mòn, trong vườn cây, nơi bậu cửa; ở đâu có người là có hoa. Hoa ở Stockholm độ ngấm lạnh cao nên rất tươi và thắm. Tôi thích những đóa hồng Stockholm, những đóa hồng màu vang đỏ tươi rất chi là Thụy Điển, nghĩa là chẳng nơi nào có được - hoa thường thay cho lời muốn nói, nhưng hoa mà thế thì chẳng cần chi phải nói.

Trước khách sạn Queen’s Hotel - 71A Drottninggatan nơi tôi ở, có chiếc bàn tròn và hai cái ghế. Sáng nào tôi cũng dậy sớm ngồi nhìn trời nhìn đất và ngắm những cô nàng Stockholm trên đường về nhà sau ca đêm. Nhiều cô mặt mày tươi rói, chắc đêm qua có người tỏ tình. Tôi dùng tay kiểm tra mặt bàn, hoàn toàn sạch bong không chút bụi. Quả danh bất hư truyền: “Stockholm là một trong những thủ đô sạch nhất thế giới”.

Để trở thành thủ đô xanh, sạch và đẹp, những nhà quản trị của Stockholm đã phải làm rất nhiều việc. Ví dụ: Họ đã biến thủ đô văn minh, hiện đại của họ thành một công viên lớn với vô số không gian mở, những bãi biển yên bình, những rừng cây tĩnh lặng giữa phố... Họ mang thiên nhiên đến cho mọi người, qua đó giúp mọi người có cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, yêu thiên nhiên, và có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Họ quyết tâm sử dụng năng lượng sạch. Họ xây dựng một hệ thống giao thông vận tải thông minh: hệ thống thu phí giờ cao điểm, thuế cầu đường và giao thông trong thành phố; 77% lượng xe ra vào Thủ đô là phương tiện giao thông công cộng, cùng với một hệ thống giao thông dành cho người đi xe đạp...

Có thể nói, Stockholm xanh, sạch và đẹp như hiện nay là thành tựu của sự phối kết giữa các ngành công nghiệp, sự lãnh đạo triệt để của chính quyền thành phố, nhất là tình yêu thiên nhiên và ý thức tự giác của người dân.

Giai điệu Stockholm

Trên chuyến bay từ Helsinki về Stockholm, cả trên đường từ phi trường về trung tâm thành phố, du khách được chào đón bằng một thứ âm nhạc vừa mênh mông vừa da diết, vừa đằm thắm vừa nồng ấm tình người. Đó cũng là giai điệu xuyên suốt mấy ngày ngắn ngủi lang thang trên thủ đô ngát xanh này.

Stockholm có những con đường đẹp - rất đẹp, và luôn đông nghịt người. Bạn chỉ việc hòa vào đó rồi đi, dù chưa biết đi đâu. Thích nhất là cái cảm giác an lành, tự do, tự tại. Dân Stockholm cực kỳ thân thiện và lịch sự - bạn có hình dung nụ cười của một cư dân Stockholm khi nhường lối đi cho ai đó không, chao ơi nó ấm áp còn hơn cả một tình bạn.

Không biết làm ăn kiểu gì mà buổi chiều, đặc biệt ngày cuối tuần, cư dân Stockholm đổ ra đường ăn chơi, lượn lờ, mặt mày ai cũng hân hoan, hạnh phúc. Mấy cháu bé nằm trong nôi lúng liếng cười theo bố mẹ. Những đôi tình nhân tay trong tay dung giăng dung dẻ, thi thoảng dừng lại trao cho nhau nụ hôn, sao mà dễ thương lạ - có cảm giác như họ muốn góp phần làm cho cuộc đời đẹp hơn, nồng nàn hơn.

Bạn có tin không, đi giữa trời thu Stockholm mà cứ vang vọng giai điệu Happy New Year - thênh thang, đằm thắm, tràn ngập yêu thương và ước vọng, “Khắp muôn nơi hoa xinh tuyệt vời. Gió xuân chan hòa, tiếng reo ca... Chào một năm với biết bao ước mơ trao tay. Ước mơ cho khắp nơi yên vui mà không chiến tranh”.

Nhớ ngày nào ngâm nga câu thơ “Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn. Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ. Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn”, tôi cứ nghĩ đó chỉ là mơ tưởng, thậm chí là ảo tưởng; giờ lang thang trên đường phố Stockholm, tôi nhận ra đó không phải mơ mà hoàn toàn là thực. Một hiện thực lung linh và đẹp đến ứa nước mắt. Thầm nghĩ, sống mà như thế thì sống đến 1.000 năm cũng được cần gì mong chỉ đến bách niên.

Bảo tàng

Nhởn nhơ chiêm ngắm những bảo tàng lừng danh của Stockholm là một trong những cái thú khó cưỡng của du khách. Thụy Điển là xứ sở của bảo tàng, cả nước có đến 300 bảo tàng, trong đó Stockholm chiếm 71.

Trước hết là Gamla Stan - trung tâm của thủ đô, được xây dựng từ những ngày đầu Stockholm thành lập năm 1252. Gamla Stan được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau hàng trăm năm. Gamla Stan được xem là “bảo tàng khổng lồ ngoài trời”.

Gamla Stan tập trung nhiều kiến trúc cổ nổi tiếng theo phong cách Phục hưng như Cung điện Hoàng gia, Thánh đường Stockholm, quảng trường trung tâm Stortoget bao quanh bởi hàng trăm tòa nhà xây bằng đá thế kỷ 17, 18.

Vasterlanggatan và Osterlanggatan là hai tuyến đường chính của Gamla Stan, từ đó tỏa ra vô số những con đường nhỏ, ngõ nhỏ, lối nhỏ, hẻm nhỏ - nhiều con hẻm rộng chưa tới 1m. Đặc biệt, nhiều lối nhỏ rải đá cuội níu chân người qua như muốn thì thầm điều chi đó.

Gamla Stan đặc biệt cuốn hút với những du khách đam mê đồ thủ công mỹ nghệ, đồ cổ và đồ lưu niệm được trưng bày hấp dẫn trên những con đường hẹp quanh co và những ngôi nhà cổ mang nhiều sắc độ khác nhau. Người ta nói, vào những ngày trời đông tuyết trắng, cả khu phố đẹp như một bức tranh bước ra từ trong câu chuyện cổ tích.

Khác với khu trung tâm Stockholm hiện đại và sầm uất, Gamla Stan yên bình và cổ kính. Buổi chiều, thích nhất được lang thang trên những lối nhỏ của Gamla Stan, dừng chân nơi quán bar bên đường, nhâm nhi cốc bia đặc sản. Cùng chung quá khứ tự hào, mọi thứ như kết liền lại với nhau, ấm áp và thân tình - thầm nghĩ, biết đâu kiếp trước mình từng là cư dân của Gamla Stan.

Thêm một “Bảo tàng ngoài trời” cũng nổi tiếng không kém, đó là Skansen, được xây dựng cuối thế kỷ XIX. Biết rồi đây cuộc sống nông thôn và cả văn hóa dân gian sẽ biến mất bởi trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Artur Hazelin đã cho sưu tầm và lưu giữ những hình mẫu của xã hội cũ. Nhờ thế, ngày nay tại bảo tàng Skansen, du khách được chiêm ngắm một Thụy Điển thu nhỏ của thời xa xưa, với nguyên bản của hơn 150 ngôi nhà và trang trại từ khắp các vùng miền Thụy Điển; những mẫu vườn, những vật nuôi, cả những động vật hoang dã có nguồn gốc từ Scandinavia; phố nhỏ, góc nhỏ và những xưởng nghề thủ công truyền thống; những kiểu trang phục, bàn ghế, vật dụng, đồ nghệ thuật trang trí… Du khách dễ dàng cảm nhận lịch sử Thụy Điển trên mỗi bước chân qua.

Skansen hấp dẫn không chỉ với du khách mà còn với chính người dân Stockholm. Đây là địa điểm dã ngoại lý tưởng cho các gia đình cư dân Stockholm, là nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống Thụy Điển; đặc biệt vào dịp lễ Giáng sinh, Skansen đẹp dịu dàng trong tuyết.

Bảo tàng Vasa, nơi trưng bày con tàu có số phận kỳ lạ. Đó là chiếc tàu chiến hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Tàu dài 69m, cao 40m, 64 cỗ đại pháo; được đóng để phục vụ cuộc chiến tranh của vua Gustavus Adolphus. Nhưng sau khi hạ thủy, vừa khởi hành không lâu thì tàu bất ngờ bị chìm, để rồi ngủ yên suốt 333 năm (1628 - 1961) dưới đáy biển. Vào ngày 24/4/1961, con tàu được trục vớt với hình hài gần như nguyên vẹn. Sau hàng chục năm phục chế, năm 1990 bảo tàng về con tàu Vasa chính thức khánh thành. Đây là bảo tàng thu hút nhiều nhất lượng du khách viếng thăm (1 triệu lượt/ năm).

Trước mắt du khách, con tàu Vasa sừng sững với dàn cột buồm, dây chão, cánh buồm uy nghi như lúc nó vươn mình ra khơi. Bên hông tàu là những ô cửa với những nòng đại pháo. Thân tàu được chạm khắc những tượng sư tử, nàng tiên cá, chiến binh La Mã, và các vị thần Hi Lạp. Trong bảo tàng có 9 khu vực trưng bày mô tả về tàu Vasa. Bộ phim về Vasa được thuyết minh qua 16 ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, tại bảo tàng còn có cửa hàng đồ lưu niệm và nhà hàng phục vụ du khách.

Tác giả ở bảo tàng ABBA tại Stockholm (người thứ nhất từ trái sang)


Thăm Bảo tàng ABBA, tôi được hóa thân thành Benny Andersson lừng lẫy một thời. ABBA là ban nhạc nổi tiếng thế giới thập niên 1970. Họ, gồm hai cặp đôi: Benny Andersson - Anni-Frid Lyngstad và Agnetha Faltskog - Bjorn Ulvaeus. Tại đây, du khách có dịp nghe lại những giai điệu tuyệt vời của ABBA, được tận mắt nhìn thấy những trang phục biểu diễn trên sân khấu, những nhạc cụ, những kỷ vật... Trước bảo tàng, một tấm pano lớn có hình bốn thành viên ban nhạc, bạn chỉ cần bỏ ra 5 đô la, xong chìa mặt mình vào ô trống khuôn mặt của nhân vật mình thích, thế là bạn trở thành một trong bốn thành viên của ABBA huyền thoại.

Sau 10 năm thành công vang dội, năm 1980, họ chia tay nhau, và, không bao giờ còn tái hợp. Ở tuổi 69, Bjorn Ulvaeus nói “Chúng tôi là ban nhạc nổi tiếng thế giới duy nhất không tái hợp sau khi tan rã. Đó chính là thế mạnh của ABBA, bởi khán giả sẽ nhớ tới những thành viên trong ban nhạc khi chúng tôi còn trẻ, đầy tham vọng và ngập tràn năng lượng hồi thập niên 1970 chứ không phải là những ông lão, bà lão yếu ớt, cảm thấy mệt mỏi vì phải đứng trên sân khấu biểu diễn cả cuộc đời”. Thật là minh triết. Cám ơn ABBA. Thì cũng như bất cứ cái đẹp nào trên đời - “Giai nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.

Còn một nơi nữa du khách không thể không đến, đó là lâu đài Gripsholm - một trong 10 địa danh hấp dẫn nhất của Stockholm. Lâu đài có tuổi đời ngót nghét 500 năm. Là nơi lưu giữ bộ sưu tập chân dung các hoàng đế và hoàng tộc Thụy Điển qua các thời kỳ; những đồ nội thất, trang trí, những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu... Tầng trên cùng trình bày chân dung các danh nhân văn hóa nghệ thuật của Thụy Điển, trong đó có nữ văn hào Selma Lagerlop - Giải Nobel Văn học năm 1909, là nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải thưởng này.

Tôi đặc biệt ấn tượng với đức vua Gustav Vasa (1496 - 1560), vị vua số 1 của Thụy Điển. Tôi thắc mắc không hiểu vì sao cái giường của vua lại ngắn củn cởn vậy; người ta giải thích là bởi thuở ấy vua phải ngủ ngồi vì sợ bị thích khách ám hại - Eo ơi, làm vua mà thế hỏi có gì vinh quang! Lại còn chuyện giường của vua riêng, giường của hoàng hậu riêng - khổ thân chưa. Người nông dân đêm nằm đau xương mỏi chắt rên lên một tiếng, mạ con Hĩm đã vội vàng quay qua hỏi chi rứa ba bây, thì dù có đau mười mươi cũng giảm được năm bảy phần; đàng này… thì vua cũng có lúc đau chứ. Tóm lại, xem ra làm vua chẳng có gì sướng.

Gripsholm cách xa Stockhom cả một ngày đường. Chúng tôi được di chuyển bằng loại tàu thủy xưa nhất thế giới. Và trên đường thăm thành phố Marifred, còn được ngẩn ngơ bên toa tàu hỏa đầu tiên của thế giới.

Thế đấy, với đầu óc tổ chức khoa học, thói quen lưu trữ tư liệu, và cái tâm biết trân trọng quá khứ, Thụy Điển nổi tiếng là xứ sở của bảo tàng.

Stockholm - còn hơn cả thiên đường

Xin cung cấp một vài số liệu về Stockholm nói riêng và Thụy Điển nói chung xem bạn có choáng không nhé: Trước hết, Thụy Điển là đất nước nổi tiếng thế giới về những khoản miễn phí dành cho công dân nước mình. Ví dụ, trẻ em được chăm sóc miễn phí từ khi còn trong bụng mẹ; sinh ra các em được gửi đến nhà trẻ miễn phí; lúc cắp sách đến trường, toàn bộ hệ thống giáo dục đều miễn phí. Hệ thống bảo hiểm sức khỏe đảm bảo mọi người được chăm sóc y tế, hỗ trợ thuốc men, thậm chí cả chi phí chăm sóc răng miệng đều miễn phí. Người cao tuổi được nhà nước chăm lo đầy đủ. Một hệ thống tài chính hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thất nghiệp, trả lương những khi người lao động đau ốm, trợ cấp cho gia đình có trẻ con và nhiều hình thức hỗ trợ xã hội khác.

Thụy Điển có một hệ thống phúc lợi xã hội dựa trên việc đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao, nhằm chia sẻ lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, sao cho mọi công dân dù trong hoàn cảnh nào cũng hoàn toàn yên tâm về việc đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản. Dân trí lại rất cao. Nguời Thụy Điển được xếp vào nhóm những người đọc báo nhiều nhất thế giới, cả nước có khoảng 170 nhật báo với hơn 4 triệu bản in, nghĩa là hằng ngày cứ hai người thì có một tờ báo cầm tay. Internet phổ cập đến 90% người dân. Là nước áp dụng chính sách giáo dục song ngữ, mỗi học sinh được học tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh nên thanh niên Thụy Điển nói tiếng Anh như gió, có thể đi khắp nơi làm công dân toàn cầu.

Xã hội Thụy Điển không cho phép có sự cách biệt quá lớn về mức thu nhập giữa các công dân. Đồng thời thực hiện một chính sách phúc lợi xã hội toàn dân cực kỳ lý tưởng. Tính minh bạch, sự công bằng và bình đẳng giới là những nguyên tắc tối thượng. Ngoài tiền lương, cán bộ lãnh đạo gần như không có phụ cấp nào. Chỉ có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng mới được cấp ô tô. Các quan chức còn lại, hoặc đi xe riêng tự lái, hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác từ xe đạp, xe bus, đến xe lửa, tàu điện. Các bộ trưởng, nếu nhận quà trên 180USD thì phải nộp vào công quỹ. Lương của Thủ tướng sau khi trừ thuế chỉ gấp 3 - 4 lần viên chức bình thường. Thuế thu nhập cá nhân lũy tiến có thể tới hơn 70% được thực hiện mọi lúc, mọi nơi là công cụ điều tiết sự chênh lệch kinh tế.

Một nhà xã hội học người Mỹ khẳng định “Sinh ra ở Thụy Điển kể như được trúng số”. Vua hay quan chỉ là kẻ nô bộc của dân, được giao nhiệm vụ làm sao cho người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Nếu làm được thế thì dân tôn trọng, cho ngồi tại vị, còn nếu không làm được thế thì dân mời đi chỗ khác chơi. Vậy nên ai cũng ráng đốc phách làm cho dân giàu nước mạnh, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Kiến trúc

Về phía bờ Đông của Thụy Điển, Stockholm được thành lập từ thế kỷ 13, trên 14 hòn đảo nhỏ trong một quần thể gồm 24.000 đảo, được kết nối bởi 50 chiếc cầu bắc qua hồ Malaren và biển Baltic. Là một đô thị có lịch sử lâu đời, Stockholm soi bóng với những công trình xây dựng vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa hài hòa với thiên nhiên.

Điểm nhấn của kiến trúc Stockholm là những công trình gạch đỏ rất đặc biệt. Những viên gạch được để thô, không tô vẽ, tạo nên vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần lộng lẫy. Dưới ánh mặt trời, những con đường Stockholm càng rực rỡ hơn nhờ chính màu đỏ độc đáo của những công trình kiến trúc này.

Đến Stockholm, một kiến trúc tuyệt đẹp mà bạn không thể bỏ qua là tòa thị chính - một biểu tượng của thành phố, là công trình kiến trúc hiện đại và đẹp nhất nước. Nhìn xuống hồ Malaren, tòa thị chính thành phố được xây từ năm 1911, cao 105m, hình chữ nhật, tường gạch màu vang đỏ; từ trên đỉnh tháp có thể ngắm toàn cảnh thành phố Stockholm. Tòa nhà nổi tiếng với Sảnh vàng - nơi trưng bày đồ chạm, khảm bằng vàng và pha lê; Sảnh xanh - nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel danh giá với sự hiện diện của vua Thụy Điển, nhiều nguyên thủ quốc gia, và nhiều những danh nhân thế giới.

Khác với Venise là thành phố trên biển, Stockholm là thành phố trên đảo. Thành phố được bao bọc bởi nước hồ Malaren, do thế đến với Stockholm du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên với số lượng cầu cảng cùng kiến trúc cầu cảng đơn giản mà hiện đại có mặt ở khắp những điểm tham quan. Đặc biệt bên cạnh khu vực cầu cảng hiện đại là những dấu ấn kiến trúc cổ kính khiến đường nét xưa và nay hòa quyện thành một bức tranh ngây ngất lòng người.

Du khách đến thủ đô của đất nước Thụy Điển không mấy ai bỏ lỡ cơ hội tham quan hệ thống cung điện hoàng gia. Trong đó, cung điện Drottningholm là một trong những cung điện đẹp nhất Thụy Điển, được xây dựng từ thế kỉ XVI theo lối kiến trúc Phục hưng. Cung điện Hoàng gia Thụy Điển được xem là kiến trúc đặc biệt nhất của Stockholm. Đây là nơi ở của hoàng tộc, nơi diễn ra các sự kiện quốc gia quan trọng, nơi trưng bày nhiều cổ vật của Hoàng Gia: Vương miện dát đầy châu ngọc, những thanh kiếm quốc bảo, những bộ giáp trụ cổ xưa, những bộ yên ngựa độc đáo, những bộ trang phục của các chiến binh lẫm liệt…

Cạnh cung điện Hoàng gia là Storkykan - nhà thờ gạch giản đơn từ đầu thế kỷ XIV, nay là thánh đường của Stockholm. Đây là nơi diễn ra các lễ đăng quang, các hôn lễ và các nghi lễ tôn giáo của hoàng tộc. Nội thất thánh đường được thiết kế lộng lẫy theo phong cách Baroque với nhiều kiệt tác điêu khắc sinh động từ thế kỷ XV, mô tả các truyền thuyết về thánh George và rồng thiêng, những dãy ghế dành cho Hoàng gia, có cả chiếc ngai vàng khổng lồ…

Thế đấy, Stockholm: Trời xanh, biển xanh, cây xanh, cùng những kiến trúc cổ kính và hiện đại luôn kiêu hãnh bên nhau hớp hồn khách lãng du.

Nhan sắc Stockholm

Được xếp vào hàng xinh đẹp nhất thế giới: da trắng, mắt xanh, má đỏ, môi hồng, thanh mảnh, tự tin, đường bệ, trí tuệ, thông minh, vừa hấp dẫn vừa khiến cánh mày râu phải chờn. Đó là nhan sắc Stockholm.

Nói thanh mảnh bởi họ không xồ xề như đa phần phụ nữ các nước văn minh giàu có khác. Nói thông minh vì người thông minh thoáng qua biết liền, chưa kể hầu hết các nàng đều mang kính cận và cái nhìn rất chi thần thái. Chợt nghĩ, không biết phụ nữ có nên quá đẹp, quá trí tuệ, quá thông minh không? Nghe đâu vợ ông Khổng Minh cực kỳ xấu. Hình như đàn ông thông minh không ai lấy vợ đẹp.

Phụ nữ Stockholm ăn mặc giản dị, tinh tế, và kín đáo chứ không hở hang như nhiều nơi khác, nhất là từ phần rốn trở xuống, nhưng từ phần rốn trở lên thì cũng bát ngát không thua gì chị em các nơi. Đặc biệt, mấy cô gái tuổi 13, 17 đẹp kinh hồn, cái đẹp của một dung nhan chưa kịp biết mình đẹp. Tôi nói điều này không phải với tư cách của một chàng trai trẻ luôn với cái nhìn chiếm hữu mà với tư cách của một giám khảo đứng tuổi, cái tuổi còn thấy được phần bên sau mỗi sự vật. Nhan sắc luôn có khả năng tàn phá. Khi một phụ nữ biết mình đẹp, ấy là lúc họ bắt đầu cuộc chinh phục không giới hạn, nghĩa là bắt đầu gây tai họa không chỉ cho người mà còn cho mình. Nghiệm cho cùng, thì trời đất cũng thế thôi, mùa thu sở dĩ dịu dàng và đẹp vì nó đang gieo mầm cho một mùa đông bão táp.

Lang thang trên các nẻo đường thủ đô, bạn cứ việc thoải mái ngắm các nàng kiều Stockholm, không sao cả, vì anh chàng người yêu của cô ta càng vui hơn, càng hểnh mũi tự hào hơn. “Sinh ra ở Thụy Điển kể như trúng số”, nhưng với phụ nữ, sinh ra ở Thụy Điển kể như trúng số độc đắc. Bởi phụ nữ Thụy Điển được trọng vọng như là bà nội thiên hạ. Họ dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tốt nghiệp đại học, có việc làm, có chức vụ quan trọng nơi làm việc. Phụ nữ được làm hết thảy mọi nghề. Mọi hành vi xâm phạm phụ nữ đều bất hợp pháp. Hằng năm, các công ty phải báo cáo so sánh mức lương của nhân viên, nếu phát hiện trả lương thấp hơn cho phụ nữ sẽ tức khắc bị lôi ra tòa. Phụ nữ sinh con được nghỉ hưởng lương một thời gian rất dài. Thụy Điển có nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trước và sau khi sinh, đặc biệt với những bà mẹ nuôi con đơn thân.

A! Theo trang Travelers Digest thì đàn ông Stockholm cũng được xếp vào hàng đẹp trai nhất thế giới; đã thế lại còn thông minh, thanh lịch, chung tình, và rất chi là chiều vợ. Đúng là thông minh - có một người vợ như thế không yêu không chiều thì hỏi còn yêu chiều ai. Với lại nơi quê hương xứ lạnh tình nồng này, mùa đông kéo dài cả sáu tháng không thấy mặt trời, chẳng dễ đi đâu ra ngoài. Tuy thế tôi vẫn thấy mình thật may mắn khi không sinh ra là một chàng trai Stockholm. Theo tôi, đàn ông yêu thương, tôn trọng, thủy chung, nhưng nếu chiều vợ quá không khéo người ta lại nghĩ mình có chi đây mới thế, lại thêm đau cái đầu. Đó là chưa nói tôi cao 1,65m nếu mà đi bên cạnh bà vợ Stockholm thấp chi cũng tới 1,75m thì chẳng khác nào thằng cu Tèo theo chị ra phố. Rốt lại, tôi yêu màu xanh Stockholm, giai điệu Stockholm, di sản Stockholm, văn hóa Stockholm, mấy nàng kiều Stockholm…

Giải Nobel

Thụy Điển là quê hương của gải Nobel. Hàng năm Viện Hàn lâm của họ chấm điểm cho cả thế giới rồi tổ chức trao giải rầm rộ, ai được giải cũng đều nở mày nở mặt, tiếng tăm vang lừng.

Thử hình dung Stockholm sẽ thế nào nếu như không có giải Nobel, và giải Nobel sẽ thế nào nếu như không được tổ chức ở Stockholm. Alfred Nobel sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833, tại Stockholm. Là nhà khoa học lỗi lạc, chủ nhân của nhiều bằng sáng chế, trong đó nổi bật nhất là phát minh thuốc nổ. Suốt đời cống hiến cho khoa học, ông đạt đến đỉnh cao vinh quang và giàu có. Trước khi mất, ông di chúc dành một phần tài sản của ông để hàng năm trao giải cho những thành tựu lớn nhất về các lãnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học, Hòa bình, sau này còn thêm Kinh tế. Kết quả của giải được công bố hàng năm vào tháng 10 và được trao ngày 10 tháng 12 - kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel. Giải Nobel lần đầu tiên được tổ chức năm 1901. Cho đến nay, Nobel là giải thưởng danh giá nhất của nhân loại.

Stockholm từng nổi tiếng với sự kết hợp hài hòa giữa đất và nước, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và con người; nay thêm giữa giải thưởng danh giá và thành phố nổi tiếng. Không nghi ngờ gì nữa, Stockholm sang trọng hơn khi có giải Nobel, và giải Nobel danh giá hơn khi có Stockholm.

Người ta nói “Cứ đi đi rồi sẽ thấy, không đâu bằng Stockholm”. Và tôi đã đi, và tôi đã thấy: không đâu bằng Stockholm. Vâng, tôi vừa chia sẻ với các bạn một số cảm nhận của tôi về những ngày lang thang qua các nẻo đường Stockholm. Nếu các bạn quên hết những gì tôi kể thì chỉ cần nhớ ba điều này. Một là, Stockholm bát ngát màu vang đỏ tươi, thứ gam màu độc đáo của một đất nước ít khi thấy mặt trời. Hai là, con gái Thụy Điển đẹp nhất thế giới; về điểm này xin vui lòng miễn bàn. Và ba là, đàn ông Thụy Điển cực kỳ chiều vợ - riêng điều này xin đừng ai dại dột tiết lộ cho quý bà bên mình, tất nhiên trừ phi bạn là thành viên của cái hãng bép xép press.

N.V.D
(TCSH391/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng