Tạp chí Sông Hương - Số 51 (T.9&10-1992)
Hồi ký song đôi
16:29 | 17/12/2021


HUY CẬN - XUÂN DIỆU

                    (Trích)

Hồi ký song đôi
Ảnh: tư liệu

VALÉRY VÀ GIDE Ở HUẾ.

Những năm 1935 - 1936 ở Huế có một "phong trào", một thời thượng thì đúng hơn, xem thơ Valéry và đọc các sách, truyện của Gide, Valéry lúc đó được coi là nhà thơ siêu việt của văn học hiện đại Pháp; còn Gide lúc đó được xem là nhà văn độc đáo, đang có chiều hướng tiến bộ, xích gần lại với phong trào cộng sản, nhất là sau khi Gide cho xuất bản quyển "Những thức ăn trần gian mới" (Les Nouvelles Nourritures), là tờ báo có xu hướng cộng sản. Việc đọc sách của hai tác giả này trở thành thời thượng đến nỗi một anh bạn học lớp tôi, anh Phan D. viết thư cho Gide, tâm sự với Gide về những nỗi băn khoăn của mình trước cuộc sống, và được Gide trả lời bằng một bức thư ngắn gọn trong đó Gide tỏ sự đồng cảm với một tâm hồn băn khoăn ở cái xứ Đông Dương xa xôi. Lại có một bác sĩ người Pháp ở bệnh viện Huế là bác sĩ Tr. lại cho xuất bản liền hai quyển sách nghiên cứu về Valéry và Gide. Bác sĩ Tr. đã diễn thuyết về nhà thơ và nhà văn này, được giới trí thức Huế rất hoan nghênh, mặc dù có khi thính giả cũng không hiểu hết là bác sĩ phân tích những gì trong thơ Valéry và trong văn Gide. Trước mỗi buổi diễn thuyết, nhà bác sĩ nghiên cứu giới thiệu cho mọi người xem hai bức ảnh lớn mà Valéry và Gide đã gởi tặng bác sĩ, với những lời đề tặng rất trân trọng, khích lệ. Bác sĩ Tr. lúc đó trạc ngoài tứ tuần, khỏe mạnh, đẹp theo kiểu một người trí thức quen suy nghĩ, nhưng không phải là kiểu nhà bác học đãng trí. Nghĩa là bác sĩ rất nặng lòng đời. Bác sĩ là "bác sĩ riêng" của Nam Phương hoàng hậu, và mỗi tuần bác sĩ vào hoàng thành để thăm sức khỏe của bà Hoàng. Người ta kể nhiều chuyện về những buổi thăm sức khỏe Hoàng hậu của bác sĩ, vì nó kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Dầu sao thì bác sĩ Tr. cũng gây được cảm tình với giới trí thức, học sinh ở Huế, và cũng có góp phần làm cho thành phố Huế có vẻ là một thành phố "trí tuệ" không thua gì Hà Nội hay Sài Gòn. Nói về thời thượng, tôi nhớ anh Hoài Thanh lúc đó cũng dịch một bài văn dài của Gide nói về văn học nghệ thuật đăng dày cả hai trang báo Tràng An. Tất nhiên anh dịch đăng mấy trang này của Gide vì lẽ nó rất phù hợp với quan điểm nghệ thuật của anh trong cuộc bút chiến sôi nổi "nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh". Lời văn dịch của anh khá hay, chắc rằng anh đã gởi cái rung động của anh vào mạch văn vốn đã xúc động của Gide.

LÀM QUEN VỚI HOÀI THANH.

Như trên kia đã nói, sau khi xem bài của Hoài Thanh viết về Thế Lữ, tôi có cảm tình với tác giả bài phê bình, vì tôi đoán hiểu ở anh một tâm hồn tế nhị, rung cảm, và có phần nào đồng điệu với những nhà thơ mới lúc bấy giờ. Tôi liền viết một bài nói về Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, bài bình luận văn học theo lối ấn tượng, và tôi gởi cho anh Hoài Thanh. Thế rồi tờ báo Tràng An tuần liền đó đăng bài của tôi với một lời giới thiệu ngắn khích lệ. Tôi lại gởi tiếp một bài bình luận quyển "Tiếng suối reo" của Khái Hưng. Bài ấy cũng được đăng liền. Tiếp đó tôi không gởi những bài bình luận nữa mà gởi vài bài thơ mà tứ thơ là những ước vọng, những hoài bão của một thanh niên trước cuộc đời. Hai bài thơ này cũng được đăng trong hai số báo. Tất cả các bài bình luận và thơ tôi đều ký tên Hán Quỳ, tức là lấy chữ Huy Cận sắp xếp lại. Cho đến đó tôi vẫn chưa gặp anh Hoài Thanh. Mùa hè 1936, tôi lại viết mấy bài bình luận văn chương gửi đăng báo "Sông Hương" do Phan Khôi làm chủ nhiệm, và do Hoài Thanh làm biên tập. Lúc bấy giờ anh Sanh và anh Tám bảo tôi nên đến thăm tòa báo và hỏi tiền nhuận bút. Tôi và Xuân Sanh một buổi chiều đến thăm tòa soạn Sông Hương, ở phố nào tôi quên mất (hình như ở phố Gia Hội). Anh Hoài Thanh tiếp và nói chuyện với chúng tôi rất niềm nở, rất hợp gu chúng tôi trong những suy nghĩ về triển vọng phát triển của văn học nước nhà. Nhưng khi chúng tôi với những lời chào đón quanh co nêu vấn đề nhuận bút thì anh cho biết là rất tiếc, báo rất nghèo, phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của người đọc và cả người viết thì báo mới tiếp tục ra đời. Tóm lại báo đăng những bài của tôi như là những bài lai cảo. Tôi và Xuân Sanh trở về tay không, nhưng câu chuyện văn chương ở tòa soạn cũng làm chúng tôi nức lòng. Đó là mối duyên văn tự đầu tiên giữa tôi và anh Hoài Thanh, về sau này, trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong những năm chống Mỹ cứu nước, có nhiều điểm tôi bất đồng với anh Hoài Thanh về cách nhận định văn học nghệ thuật, về nhận định phong trào thơ văn của ta, về chức năng, nhiệm vụ của văn nghệ, của người văn nghệ sĩ, nhưng không phải vì vậy mà tôi quên cái êm ái, cái thân tình của buổi đầu gặp gỡ. Với lại bên cạnh những quan điểm, những cách suy nghĩ của anh mà tôi không đồng tình, anh cũng có những suy nghĩ mà tôi tán thưởng sâu sắc, như khi anh nói về tấm lòng của Nguyễn Du đối với vận mệnh của con người, hoặc khi anh nói "Có một nền văn hóa Việt Nam". Khi tôi đang thực tập kỹ sư ở đồn điền canh nông trên tỉnh Tuyên Quang (1941) thì tôi nhận được cuốn Thi Nhân Việt Nam (trong đó bài anh viết về tôi rất đằm thắm, thiết tha, sâu sắc biểu hiện một sự đồng cảm từ đáy lòng). Nhận được sách tôi đã thắp một nén hương để đọc, vì có cái câu của Nguyễn Du anh để ở đầu trang sách làm tiêu đề "Của tin gọi một chút này làm ghi". Tôi đồng cảm sâu sắc với anh trong lòng tin đó, tin ở tiền đồ của tiếng Việt, tin ở tiền đồ của nền văn học, của nền văn hóa của nước nhà. Tên khai sinh của anh là Nguyễn Đức Nguyên, nhưng anh lại đặt tên văn học của mình là Hoài Thanh, chắc là với cái nghĩa nhớ tiếng, nhớ tiếng mẹ đẻ là nỗi niềm chung của chúng tôi lúc đó. Ngày anh Hoài Thanh mất, các bạn văn nghệ sĩ đã giao tôi đọc điếu văn, tôi đã đọc lời vĩnh biệt anh với tấm lòng tri ngộ.

MỘT NĂM LÀM GIA SƯ.

Như một đoạn trên đã kể, cuối năm học đệ nhất niên tú tài (tháng 4 -1937) tôi bị cắt học bổng vì đi đón Gôđa (Justin Godart). Vì thế lên năm thứ hai, tôi không còn được ở nội trú trong trường Quốc học, mà phải đi làm gia sư để có thể tiếp tục học. Tôi đến ở nhà bác sĩ D.B, nhà này là một biệt thự giữa một khu vườn rộng, có trồng mấy cây dừa, có nhiều cây cao bóng mát. Đặc biệt có một cái giếng rất sâu nước rất trong, những đêm hè, tôi tha hồ tắm và giặt quần áo, và ngắm bóng trăng ở đáy giếng... Tôi được bố trí ở một cái phòng con sát liền với gara, vì bác sĩ D.B. có một ô tô riêng để đi khám bệnh. Cái nhà lớn nơi ông bà chủ và gia đình ở, thì thỉnh thoảng tôi mới lên để lấy sách vở quý hoặc vài thứ vật dùng tôi cất trong cái rương mà tôi gởi ở phòng ăn. Học trò của tôi là một cậu con trai học dốt, một cô con gái chăm học nhưng cũng không sáng dạ lắm, một cậu con út khôi ngô và khá thông minh. Tôi phải dạy ba học trò của tôi bằng ba thời khắc biểu khác nhau, còn ngày chủ nhật thì tôi để cả buổi sáng để dạy toán và Pháp văn cho cả ba đứa. Vợ chồng bác sĩ cũng biết là hai con mình dốt, nên thường động viên tôi cố gắng dạy thêm giờ. Nhưng có điều không ngờ là cuối năm kết quả học tập của ba học sinh đều tốt, ngoài cả dự kiến của gia sư. Hai đứa con đầu của bác sĩ thì học trường trung học Tây ở Hà Nội, một cậu thông minh, còn cậu cả thì cũng thường thường bậc trung. Đến Tết về nhà, hai cậu công tử ăn diện lắm, nhưng nói thật gặp tôi cũng nể, không dám lên mặt, một phần vì biết tôi học giỏi, phần nữa là tôi bắt đầu nổi tiếng trong đám trí thức, học sinh Huế với những bài thơ của tôi đăng khá đều trên báo Ngày Nay. Nhưng mà tôi cũng hơi thèm những đôi dày da của hai cậu công tử này, có đôi là đóng mới, cũng có đôi mua giày cũ chữa lại, nhưng đối với tôi vẫn là sang và quý. Lúc đó đi học tôi chỉ đi một đôi giày làm bằng săm bánh xe hơi dán lại, màu đỏ gạch, mùa đông thì ấm chân, nhưng mùa hè thì bí hơi, cứ phải rửa chân luôn. Các cô học sinh trường Đồng Khánh gặp tôi thì mỉm cười, có lẽ vì có cảm tình với nhà thơ trẻ, nhưng cũng có lẽ vì thấy đôi giày ngộ nghĩnh, độc đáo của tôi. Tôi không muốn lập dị, nhưng cực chẳng đã tôi phải đi đôi giày cao su đỏ cho đến hết năm thứ hai tú tài. Vừa rồi có anh bạn trước cùng học ở Quốc học gặp tôi lại nhắc "chàng thi sĩ đi đôi giày đỏ" trên đường Khải Định... Bên cạnh phòng tôi ở có một cây ổi, có mấy cành là là. Có thể mắc võng nằm, có thể đánh đu... Với cái thói quen có từ thuở nhỏ, tôi hay ra ngồi trên cây ổi đọc sách, làm thơ và nhất là những đêm trăng sáng, tôi nằm trên cây ổi nhìn mấy ngọn lửa sáng loáng của nhà tôi ở và cả của vườn bên cạnh. Bên đó có mấy cô nữ sinh trường Đồng Khánh thỉnh thoảng lại cất cao tiếng hát, hát mấy bài hát trong các phim Pháp hồi đó. Chẳng biết có tình ý gì không, mà thường khi tôi ra nằm ở cây ổi đọc sách hoặc làm thơ thì lại được nghe tiếng hát vườn bên kia cất lên sau những lá dừa... Bà chủ nhà có một cô em gái khá đẹp, mà nhất là rất có duyên, thỉnh thoảng đến thăm các cháu tức là học sinh của tôi và cũng nói chuyện với thầy, nói chuyện thơ văn, cũng tỏ ý có cảm tình với những bài thơ đã đăng báo của tôi. Tôi có cảm giác rằng cái cầu đã được bắc, nếu tôi đi tới một bước thì có thể đã thành duyên, thành nợ... Nhưng không hiểu tại sao bước ấy tôi không đi, và mối cảm tình cứ lửng lơ, không chín thành tình cảm được. Về sau này tôi biết người con gái ấy đã có một cuộc đời tình duyên rất đau khổ, gần như tủi nhục đến nỗi có lúc cô ta muốn tự tử. Được tin, tôi bàng hoàng và tự nhiên cảm thấy tôi có một phần trách nhiệm trong sự đau khổ của người đẹp xấu số...

Những kỷ niệm sâu sắc nơi vườn dừa cây ổi của tôi lại là bà chị của bà chủ nhà lúc đó đã gần 50 tuổi mà vẻ người còn duyên dáng, mượt mà. Cái giọng nói Huế vốn đã êm ả, trữ tình, mà riêng cái giọng của bà chị này lại càng êm thắm, càng nội tâm. Bà ta nói chuyện với tôi hoặc với bất cứ ai khác mà cứ tưởng như tự nói với mình. Mắt bà rất đẹp, nhiều lúc như ngấn vào trong, đôi lông mày cứ nhíu nhíu lại, chắc hồi trẻ cái nhíu lông mày này đã làm chết điếng nhiều chàng trai. Dần dần tôi mới hiểu bà thất tình, và đến cây ổi của tôi bà ngồi lên cành, hai tay nắm hai cành con đu đưa như đưa võng, rồi khe khẽ hát những bài ca Huế, nhất là điệu Nam bình buồn sâu lắng... Tôi đã gặp một số người điên, nhưng chưa bao giờ thấy một người điên lại biết điều như bà, thật ra bà ngẩn đi vì tình hơn là điên, bà sống bằng kỷ niệm mà không sống bằng hiện tại, bà thuộc loại người mà thiên hạ gọi là si dại. Thỉnh thoảng bà tự nói một mình, nói mạch lạc, lời trau chuốt, làm cho tôi nghĩ rằng những màn độc thoại trong sân khấu cổ điển của các nước là hiện thực, là rút từ trong đời chứ không phải là một ước lệ của các thầy tuồng. Sống với những người bình thường, có trí não lành mạnh tôi được hiểu nhiều về cuộc đời, nhưng tiếp xúc với người điên, người si, dường như tôi được hiểu bổ sung về cuộc đời, về sự sống, vì đây là một thứ toán ảo giác, làm bằng những ảo số. Một năm làm gia sư cho tôi hiểu được nhiều về tính cách của con người, của ông bác sĩ quá thực tế, cứ muốn dạy cho con sống theo các nhân vật của Marcel Pagnol, những nhân vật rất "thực dụng chủ nghĩa", cốt vụ lợi vật chất, xem đời sống tinh thần, văn hóa là một thứ xa xỉ, thậm chí là không tưởng... Được biết tính tình bà chủ nhà thương con, lo sắm đủ thứ cho con, nhưng không dám tiêu pha gì cho mình, và chắt bóp từng xu đối với bà con thân thích. Hai vợ chồng rất tương đắc trong cách quản lý gia đình, trong cách đối xử với họ hàng nhưng dường như đời sống nội tâm của họ có một khoảng trống, đó là điều tôi đoán hiểu, nhưng cũng được xác định qua câu chuyện của bà chị thất tình và của cô em gái... Còn tâm lý của ba đứa học sinh của tôi thì chưa có gì đáng nói, mà tôi cũng không thèm để ý. À, mà cũng đáng nhắc điều này: Cái cậu con trai học dốt cứ cười tôi là thầy quá mơ mộng, quá ảo tưởng... "Cuộc đời nó không đẹp như thầy tưởng đâu". Cuộc đời nó như vở kịch của Pagnol ấy!" Ông bố đã đúc cậu con theo cái khuôn của ông không sai một ly. Có điều nói thế thì nói, chứ trò vẫn trọng và nể thầy. Xã hội vẫn còn cho phép có những người mơ mộng, có những người không tưởng, cậu học trò quá thực dụng của tôi cũng dần dần hiểu ra điều đó.

Sau này trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi có hỏi thăm tin tức ông D.B. thì được biết hai cậu con học trò trường tây Hà Nội đã làm công chức cho chế độ Mỹ Ngụy, nhưng cũng không phạm tội ác gì. Còn cậu học trò dốt thì nghe đâu đi buôn cốt kiếm tiền, không tham gia hoạt động chính trị, đúng với tính cách của anh hồi nhỏ.

KỶ NIỆM VỀ NHÀ THƠ PHẠM HẦU.

Phạm Hầu là con vị thượng thư Phạm Liệu của triều đình Huế. Phạm Hầu cũng học ở trường Quốc Học, sau tôi 2 lớp. Lúc học đệ tứ niên thành chung, Phạm Hầu đã làm thơ, và đã có đăng một số bài ở tạp chí Tao Đàn hồi đó. Phạm Hầu thường hay trao đổi, bàn chuyện thơ với tôi ở trong trường, sau giờ học buổi chiều, trước giờ ăn cơm. Anh người mảnh dẻ, giọng nói rất nhẹ, gần như nói thầm, nhưng thỉnh thoảng cũng cười to lên, khi gặp một ý thích thú tâm đắc. Mắt Phạm Hầu như nhìn xa đi đâu, không phải là khóe mắt mơ mộng thường gặp ở các thiếu nữ mới lớn lên, mà là nét nhìn xa vắng, xa trong tưởng tượng của anh, và vắng với cảnh vật trước mắt. Tôi rất mến anh, quí anh. Hồi tôi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Nông lâm, anh cũng ra học trường cao đẳng Mỹ thuật. Anh ở phố Bôvet (nay là phố Yết Kiêu), số nhà 52, trên gác. Tôi thường đến thăm và đàm đạo thơ ca với anh. Chúng tôi rủ nhau đi thăm cảnh chùa Hương, đi lễ đền Hùng. Và khi tôi thực tập kỹ sư canh nông ở đồn điền Tuyên Quang (1941), thì anh lên chơi với tôi 1 tuần và dịp ấy anh làm được hai bài thơ mà hiện nay tôi còn giữ bản chép tay nguyên bản của anh. Phạm Hầu thường tâm sự với tôi: "Cận đã có tập Lửa Thiêng và đang có đà làm thơ, đáng mừng cho Cậu. Còn mình thì chưa biết sao đây! Phải có sự nghiệp gì trước 30 tuổi, nếu không thì chả sống làm gì!". Rồi anh say sưa vẽ, thỉnh thoảng làm thơ, trong vẽ trong thơ anh cốt tìm lý tưởng. Dạo ấy anh có vẽ một bức tranh tặng tôi, tranh theo lối lập thể. Trung tâm bức tranh là một cái quạt mở rộng (lấy ý "lòng anh mở với quạt này" trong bài Ngậm ngùi của tôi), và xung quanh chiếc quạt là chim, bướm, cây cỏ, mây cuốn, ráng chiều, có cả thấp thoáng, ẩn hiện những hình thiếu nữ lẫn với hoa lá, như từ hoa lá mà nở ra. Bức tranh này tôi giữ đến kháng chiến chống Pháp thì bị mất ở Kim Bản (Hà Đông). Rồi dần dần tôi thấy anh hao gầy đi, mắt đôi khi như lạc đi, có nét ngơ ngác. Rồi đầu năm 1942 hồi vào Sài Gòn học nốt học kỳ chót của trường Kỹ sư canh nông, thì được tin anh đã bị điên, và người ta đã đem anh vào nhà thương Vôi ở Bắc Giang (nhà thương điều trị những người điên). Mặc dù người anh ruột hết lòng chăm sóc anh, bệnh tâm thần của anh không khỏi, và anh đã mất tại nhà thương năm 1942, vào tháng nào tôi không nhớ rõ, và gia đình đã đem thi hài anh về chôn ở Huế, gần chùa Từ Đàm. Người yêu của anh là một nghệ sĩ đánh đàn tranh rất hay, nhưng tiếng đàn yêu thương ấy cũng không đủ sức bồi lại sức sống cho anh, không đủ sức lập lại sự cân bằng trí não cho anh. Phạm Hầu đã điên, nhưng không phải cái điên thường, mà là điên vì đi tìm lý tưởng mà tìm không ra, rồi tắt nghẹn trong tâm tư, loạn cuồng trí tuệ. Phạm Hầu si tình thì được người yêu yêu lại thắm thiết. Nhưng Phạm Hầu si lý tưởng thì khó cho anh! Anh đã bị cái chất điên nó ngấm vào anh năm này qua năm khác, còn hơn là bệnh ung thư gậm nhắm tế bào.

Nhớ thương Phạm Hầu tôi đã tạo anh thành người "thanh niên điên vì lý tưởng" trong bài thơ sân khấu "Người thợ nh" (trong tập Bài thơ cuộc đời).

Phạm Hầu chết đã 44 năm, mà tôi nhớ anh rõ mồn một: cái dáng đi của anh rất nhẹ, lời anh thỏ thẻ, mắt anh xa vắng... Tôi ghi mấy dòng kỷ niệm nhớ anh, thương anh, tiếc hồn thơ tế nhị của anh chưa đủ tháng năm để nở hết hương sắc. Phạm Hầu đi qua đời như một cái bóng, cái bóng trong quá, nhẹ quá không đậu bám được ở cuộc đời, như "du khách một phút dừng chân Vọng hải đài". Nhưng mấy vần thơ ít ỏi mà anh để lại vẫn còn in dấu trong thơ ca:

Chẳng biết trong lòng ghé những ai
Thềm son từng đội gót vân hài
Hỡi ôi! người ch là du khách
Giây phút dừng chân Vọng hải đài

Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai
Rạng đông về thức giấc hoa nhài
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chng biết xe lòng có những ai?
                              (Vọng hải đài)

H.C - X.D
(TCSH51/09&10-1992)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng