Tạp chí Sông Hương - Số 51 (T.9&10-1992)
Để những vì sao tiếp tục tỏa sáng
16:18 | 27/12/2021

TRUNG SƠN

Chủ nhật 5-7-1992, trong nắng sớm rực rỡ, công viên Phu Văn Lâu bỗng như xuất hiện một vườn hoa đủ màu sắc và thật sinh động. Đó là 118 em thiếu nhi tham dự cuộc thi vẽ trong sinh hoạt hè với chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" của Nhà văn hóa thiếu nhi Huế.

Để những vì sao tiếp tục tỏa sáng
Ảnh: internet

Các em được chọn một trong ba đề tài: hè vui - giúp đỡ các chú thương binh, gia đình liệt sĩ - thành phố quê em. Cả ba đề tài được các em thực hiện cùng bằng một chất liệu phấn màu trên giấy, nhưng mỗi bức vẽ đều có nét riêng thú vị. Có chăng, điều gặp nhau ở một số bức vẽ là mơ ước bay cao trong bầu trời lộng gió được gửi gắm vào hình ảnh những cánh diều. Có không ít những em chỉ mới 5,7 tuổi, thường ngày hẳn còn làm nũng mẹ và đánh rơi đũa trong bữa ăn, giữa quãng trường thì mênh mông nom càng bé nhỏ thơ dại, vậy mà đã tỏ ra rất bình tĩnh tự tin đưa nét phấn ôm trọn cả những khung cảnh rộng lớn vào trong trang giấy vẽ của mình. Giám khảo cuộc thi là các họa sĩ Vĩnh Phối, Trương Bé, và Đỗ Kỳ Hoàng. Trong 15 giải thưởng có đến 7 em vẽ về đề tài thương binh liệt sĩ. Trần Diệu Lý, 7 tuổi, trường Trần Quốc Toản, với bức "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đạt giải nhất lứa tuổi nhi đồng. Đinh Minh Tiến Khai Phương 13 tuổi (phường Vĩnh Ninh) đạt giải nhất lứa tuổi thiếu niên với bức vẽ đã thể hiện được cả sông Hương núi Ngự, cầu Trường Tiền, Phu Văn Lâu trên vuông giấy vẽ của mình.

Trước cuộc thi viết cho các em là "cuộc thi” để chọn đề. Bốn "thí sinh" được mời ra đề là các nhà thơ nhà văn Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Khắc Phê và họa sĩ Đặng Mậu Tựu, giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi Huế. Mỗi người ra hai đề. Tám đề được chấm điểm, lấy hai đề có số điểm cao nhất (37/40 điểm) cho các em tùy ý lựa chọn.

Đề 1: "Em (hoặc bạn em) đã làm được một việc tốt gây sự xúc động cho mọi người xung quanh. Hãy thuật lại câu chuyện đó". Đề 2: "Một đêm thanh bình, bầu trời sao nghiêng xuống mặt đất. Những vì sao nói gì? Bằng tâm hồn nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú, em hãy lắng nghe và kể lại tiếng thì thầm của chúng". Trong số 64 em dự thi, 36 em chọn đề 1, 28 em chọn đề 2. 13 em đã được tặng giải thưởng trong đó 4 em cùng đạt điểm số cao nhất là Tô Diệu Liên (8 tuổi, Trường An), Lê Thị Cẩm Trang (15 tuổi, Thống Nhất), Nguyễn Thị Quý Trân (14 tuổi, Thống Nhất) và Võ Thị Hà Giang (15 tuổi, Nguyễn Chí Diễu). Mặc dù hai đề thi không trói buộc vào một đề tài nào, nhưng nhiều em đã hướng về đề tài thương binh liệt sĩ, cả các "vì sao" cũng thầm thì nhắc nhở cùng các em các tấm gương anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Có em đưa trí tưởng tượng đi rất xa, qua tâm sự của các vì sao từ Châu Âu, Châu Phi tới, đã thể hiện niềm ước mơ một thế giới hòa bình, hết cảnh đói nghèo, bất công, một cuộc sống không bị ô nhiễm. Cũng có em chỉ mong được làm một vì sao nhỏ luôn tỏa sáng xung quanh...

Một số các em đạt giải trong hai cuộc thi đã được Hội Văn Nghệ mời dự đợt sáng tác ngắn ngày tại nhà nghỉ Lăng Cô. Các em được vượt Phá Tam Giang lên đỉnh Túy Vân, ra cửa biển Tư Hiền thăm các chiến sĩ biên phòng... Vậy là mơ ước bay cao, đi xa của các em đã biến thành sự thật.

Dù sao, tất cả chỉ mới là bước đi đầu tiên. Hội Văn Nghệ cũng như Nhà Văn Hóa Thiếu nhi Huế đã phải gồng mình lên, phải gõ cửa "xin xỏ" nhiều nơi mới giúp các em có được bước đi đầu tiên ấy. Mong sao các cấp chính quyền, các ngành hữu quan sẽ tìm được biện pháp thích hợp xây dựng nên quỹ bảo trợ các năng khiếu trẻ thơ có tính chất thường xuyên để những "vì sao" nhỏ vừa lóe tiếp tục tỏa sáng.                                                                                         

                      T.S

 

Một đêm thanh bình

 

NGUYỄN KHOA DIỆU HIỀN (12 Tuổi)

Mặt trời đã đi ngủ sau chân núi, bóng tối bắt đầu bao trùm mọi vật: Trên nền trời chỉ còn một ít mây xanh đã xuất hiện một vài vì sao, mờ mờ, tỏ tỏ.

Một lát sau, trời tối hơn, sao xuất hiện nhiều hơn, lung linh sáng tỏa cả bầu trời. Có bao nhiêu ngôi sao: Một, hai ba... ôi nhiều quá! Chúng thi nhau khoe sắc, khoe mình xem ai đẹp hơn.

Cô bé sao nhỏ nhất cất giọng trong trẻo:

- Trong các vì sao, em là sao đẹp nhất. Xem này, cả thân hình em là một màu sáng bạc rực rỡ, chân tay em nhỏ nhắn dễ thương ghê chưa!

Chị sao chị kế bĩu môi:

- Em đẹp làm sao đẹp bằng chị, chị còn sáng gấp mấy em. Tay chân em đâu phải nhỏ nhắn dễ thương mà thật là ốm yếu!

Cô út phụng phịu mách mẹ.

- Mẹ ơi! Coi chị kế chị chê con xấu kìa!

Sao mẹ mỉm cười:

- Con đừng chọc em nữa.

Sao chị cả hiền hậu:

- Thôi các em, các em không nên phân bì nhau. Chúng ta hãy cùng nhau tỏa sáng cho con người, chứ không phải thi thố gì cả!

Giọng sao mẹ ấm áp:

- Chị cả nói đúng đó các con. Thôi, các con hãy đi chơi đi!

- Vâng ạ! Cả ba đồng thanh.

Cả ba chị em liền tung tăng chạy nhảy, ca hát vang lừng:

"Ta là vì sao
Toàn thân tỏa sáng
Cả người dát bạc
Ta là vì sao"

Chúng ca hát mãi, chui vào mây, bay theo gió từng cánh mỏng nhẹ rung rung. Chúng lắng nghe lời xì xầm của cây khen chúng, ngửi mùi thơm thoang thoảng của hoa bưởi, hoa cau. Bỗng cô út chới với rồi rơi xuống đất vì bay quá gần mặt đất. Cô ôm mặt khóc rưng rức: "Mẹ ơi!"

Em chạy lại, hai tay nâng sao lên, vỗ về âu yếm. Rồi em tung sao lên, đôi cánh mỏng yếu ớt cố hết sức bay lên rồi sa vào lòng mẹ. Bốn mẹ con đưa tay vẫy chào em, những cánh tay ánh bạc. Họ lại cùng vui chơi với các vì sao khác. Các cô sao thì nghe mẹ dặn "Muốn là người đáng yêu phải là người biết soi sáng".

Em ngước nhìn sao lung linh nhấp nháy như những nàng tiên bé nhỏ rồi bần thần bước vào nhà.

Khung cảnh vắng lặng, chỉ có sao tỏa sáng và muôn vật chìm đắm trong ánh sao.

N.K.D.H.
(TCSH51/09&10-1992)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng