Tạp chí Sông Hương - Số 51 (T.9&10-1992)
Ngôi sao xanh
14:23 | 21/01/2022

HÀ KHÁNH LINH

Giây phút của sự bí ẩn có khi lại bắt đầu bằng cả một cuộc đời được phơi bày trần trụi.

Ngôi sao xanh
Minh họa: Phan Chi

Tôi chẳng còn trẻ nữa để mộng mơ - và cả những ngày còn trẻ cũng chẳng để tâm lắm vào việc đuổi bắt những bóng hồng. Cái đó nó có lý lẽ riêng của nó, và ở đây không cần thiết sự lý giải ấy.

"Forget me not". Ai đã đặt tên cho loài hoa ấy tự bao giờ? Bông hoa được ép trong cuốn lịch vạn niên. Một con ốc biển Nha Trang tuyệt đẹp đang làm cái chặn giấy trên bàn làm việc của tôi. Hai món quà của nàng gửi tặng. Con ốc biển thì do một giáo sư viện sĩ mang về giúp với tất cả sự gửi gắm tin cẩn của nàng, còn bông hoa thì nàng gửi qua một nhân viên khách sạn, khi tôi đi công tác ghé qua Đà Nẵng. Nàng đã đến thành phố này trong dịp đó, và theo yêu cầu của nàng, bông hoa được nhân viên khách sạn trang trọng đặt trên bàn làm việc của tôi. Tôi trở về phòng mình và kịp nhận biết có nàng. "Forget me not"! Nàng cất công từ Huế vào Đà Nẵng chỉ để đặt một bông hoa vào đúng chỗ của nó.

Nàng còn trẻ, có thể nhỏ hơn con gái đầu lòng của tôi vài tuổi. Cũng như con gái tôi, nàng đã ly dị chồng sau mấy năm chung sống không có hạnh phúc. Sau khi ly dị chồng ở vậy nuôi con và nghiên cứu khoa học. Chỉ khác điều con gái tôi mang theo con trai của mình về ở với cha, còn nàng, cha đã mất, nàng một nách hai con. Cha nàng xuất thân khoa bảng, là lớp quan lại cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn, vì bất mãn ông từ quan về quê ẩn dật, vui với cây cỏ chim muông. Vào thời gian đó nàng chưa được sinh ra trên đời. Nàng là con của người vợ trẻ nhất của cha. Nàng lớn lên giữa hai luồng văn hóa: Một gia đình quan lại theo lễ giáo phong kiến phương Đông, còn bản thân thì theo học ở một trường trung học Pháp. Giữa những ngày đánh Mỹ xâm lược nàng kịp lớn để tham gia cùng các anh chị nàng đã ra đi trước. Tôi được gặp và biết nàng trong bối cảnh đó. Vốn xuất thân là một học sinh Quốc học Huế. Xa Huế lâu ngày quá, lúc được gặp nàng - cả Huế xưa và Huế bây giờ cùng trỗi dậy trong tôi như một bản đại hợp xướng, một tình khúc bi tráng của một thời Quốc Học - Đồng Khánh cùng xuống đường đấu tranh chống thực dân Pháp. Có máu đổ và có cả hoa hồng thơm ngát mãi tận ngàn sau. Nàng là một giọt thơm tỏa ngát tự nhiên từ đóa hồng bất tử ấy. Văn học nghệ thuật đã nói nhiều đến mối quan hệ giữa chàng trai lính chiến và cô gái kinh thành những ngày binh lửa. Nhưng tôi, ngày ấy không còn là "chàng trai" nữa, còn nàng quả thực là một bông hoa đương độ khoe sắc đơm hương. Sau khi đất nước thống nhất, tôi có trọng trách ở Hà Nội. Nàng trở về Huế làm việc tại một cơ quan nghiên cứu. Vợ tôi biết được sự có mặt của nàng đã làm cho trái tim tôi không được bình yên. Vì tôi đã để cho bà ấy đọc tất cả nhật ký chiến trường của mình. Là một phụ nữ thông minh và tinh tế, vợ tôi nói:

- Đọc những dòng ngắn thôi của anh viết về cô ấy em cũng đến yêu cô mất thôi!

Người con gái thông minh xinh đẹp, và đài các ấy lại có thể chịu khổ vậy sao anh?

Kể cả việc cô đem lòng yêu quý anh - cũng đã là một nỗi khổ! Một phụ nữ như thế hẳn sẽ có nhiều chàng trai trên đời muốn đến với, nhưng sao cứ ở mãi vậy để ngưỡng vọng anh từ xa? Việc cô ấy lấy chồng rồi không thể chung sống mãi với chồng, phải làm cuộc ly dị để đơn chiếc ra thế cũng chỉ vì anh, vì anh đó thôi...

Không một bức thư, không một cuộc hẹn hò, không một lần gặp mặt, ngay cả một cú điện thoại cũng không có. Đã từ nhiều năm nay.

Vợ tôi sống trong niềm dấu yêu thỏa mãn về hạnh phúc có được, và một chút ghen tị với nàng từ xa.

Thói thường, khi những con chữ đã nhảy múa trước mắt tôi, và tôi không còn có một chút khái niệm gì về hình dạng kích thước lẫn ý nghĩa của nó nữa, tôi mới chịu rời trang sách tìm đến giường của mình. Phòng tôi có ba cửa sổ và một cửa ra vào thông với phòng bên. Hai cửa sổ hướng tây và hướng bắc ít khi mở, riêng cửa sổ hướng đông thì ba trăm sáu mươi lăm ngày đêm luôn rộng mở, và mỗi khi đặt lưng xuống giường tôi đều ngoảnh mặt nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi thức giấc tôi cũng nhìn ra phía đó. Vừng hồng phương đông thường đánh thức tôi dậy lúc 5 giờ 45. Kể cả những lúc đầu óc quay cuồng mụ mẫm như lúc này đây cũng không ngăn cản được tôi thói quen ấy. Kìa, giữa khung trời xám, một ngôi sao xanh biếc, to, đẹp rực rỡ đang nhấp nháy nhìn tôi. Ngôi sao sáng đẹp và gần gũi quá, tưởng như treo lơ lững bên ngoài khung cửa kia, tưởng như vươn tầm tay ra một quãng là có thể nắm bắt được, tưởng như... tưởng như!... Ngôi sao ơi, người còn thức với ta đó ư? Tôi ngạc nhiên bởi lý do gì mọi lần tôi không được ngắm ngôi sao ở vị trí đó? Nhưng sau lúc nhìn vào đồng hồ tay tôi đã tìm được câu trả lời. Tôi không còn có thể ngủ được nữa. Cơn buồn ngủ đã tan biến mất. Tôi thấy mình tỉnh táo, minh mẫn, khỏe khoắn, có thể đi bất cứ đâu vào giờ này, làm bất cứ việc gì với sức khỏe lúc ấy. Bỗng một sự huyền diệu đâu ập đến làm tôi linh cảm rằng tâm hồn bao la vĩ đại khoáng đạt, tài năng vượt tầm và tình yêu trong sạch của Người đã thăng hoa, đã hội tụ thành những tia sáng diệu kỳ để phút này gởi gắm cho riêng tôi. Tôi nhìn ngôi sao và gọi tên Người. Tên Người đã ở trong tâm thức tôi lúc nào cũng chực thức dậy. Tôi gọi, và đôi mắt sáng đẹp của Người khẽ nhấp nháy đáp lại tôi. Tôi nguyện cầu, tôi mộng mơ, tôi ao ước được giải tỏa dưới ánh sáng kỳ diệu của Người (...). Từ ấy, hàng đêm tôi thức đợi Người đến để tâm sự cùng tôi. Tôi đã lắng nghe Người và nói với Người biết bao nhiêu chuyện. Từ chuyện cây tùng cổ thụ trong vườn nhà tôi mấy lần bị sét đánh hụt vẫn tiếp tục ngẩng cao đầu vươn thẳng với mênh mông, vẫn rì rào xanh mướt với trong xanh. Đến khi bị sét đánh thực sự thiêu rụi cả thân cành rồi, diệu kỳ thay một sáng đẹp trời tôi tìm thấy một chồi non giấu ở tầng đất mẹ đang chực nhú lên. Tôi nói về giọt nước mắt của người chiến sĩ mà một lần trong đời tôi bắt gặp. Về danh hiệu cao quý “con người" đôi lúc vắng mặt ở chỗ tôi sống. Về cái thiện và cái ác. Cái sống và cái chết. Cái có thật và cái không có thật. Về hạnh phúc và tình yêu. Về nỗi đau khổ già nua của nhân loại tươi trẻ. Về nỗi nhớ của sự chia biệt, về sự mệt mỏi ở quan trường, về sự cô đơn mà con người phải thường trực. Con người hòa mình trong quần thể, gắn bó và rời rạc, thân thiện và bơ vơ. Tôi nói về những mặt biển bao la, những chân trời xa thẳm mà tôi chưa bao giờ được đặt chân tới. Và không phải lúc nào tôi cũng dịu dàng...

Buổi chiểu, sau giờ làm việc tôi trở về nhà nằm nghỉ một lát thì có tiếng xe quen thuộc chạy vào cổng.

- Bác đến... mẹ ạ.

Con trai tôi vẫn thường gọi người đàn ông ấy bằng "bác". Người đàn ông thường đến với các loại trái cây cho tôi, bánh kẹo hoặc một vài món đồ chơi cho con tôi. Tôi không còn nhớ buổi đầu người đàn ông ấy đã đến với tôi bằng cách nào, như thế nào. Tôi chỉ thấy tình cảm mình luôn nguội lạnh. Tôi nói điều đó với người đàn ông. Và người đàn ông nói:

- Anh không đòi hỏi cái gì ở em cả. Anh chỉ mong được nhìn thấy em. Khi nào có một người đàn ông khác bước chân vào ngôi nhà này, tự khắc anh sẽ ra đi. Còn giờ đây hãy để cho anh săn sóc em. Không có anh ai nhắc nhở em uống thuốc mỗi ngày, ai bấm huyệt cho em đỡ bệnh nhức đầu - do di chấn của bom B52, ai tẩm dầu đấm bóp cho đôi chân tay mỏi dừ của em...

Thôi được, tôi chấp nhận. Nhưng đàn ông - kể cả những nhà bác học, cả những bậc tu hành chân chính - một khi phải tiếp xúc với cơ thể nữ thường nảy sinh ra những nhu cầu tính dục, huống hồ sự tiếp xúc đó lại do một nhu cầu tình cảm thúc bách làm sao tránh khỏi những ham muốn khao khát bản năng. Mà cuộc chung đụng sẽ trở nên thô bỉ biết bao - khi ở về một phía nào đó hoàn toàn không có tình cảm, không cả một niềm khao khát... Tôi đã trải qua điều đó một đôi lần, nhưng không phải với người đàn ông tôi đang nói; và hẳn nhiên lại càng không phải với ngôi sao xanh của mình (!) Nhưng cũng chính trong một đôi lần tham dự vào sự thô bỉ đó - Tôi mới bắt đầu lý giải được về những chiếc khăn lụa mềm mượt và dài tha thướt được bàn tay người đàn bà vờn đắp một cách có nghệ thuật lên chỗ kín đáo nhất của thân hình mình trong các tranh nghệ thuật nổi tiếng thời Phục hưng.

- Hình như em không còn thích đàn ông?

- Có, có chứ. Nhưng người đàn ông đó không phải là anh.

- Vậy là ai?

- Là ai ư? Quá nửa đêm người ấy mới xuất hiện.

- Anh không tin.

- Anh có quyền tin hoặc không. Nếu cần, anh có thể nấp ở đâu đấy để theo dõi, miễn là đừng ở trong nhà em. Lúc đó em cần được yên tĩnh để nhấm nháp dư vị hạnh phúc mà em có được..

- Thật là khổ thân cho anh quá! - Người đàn ông phác một cử chỉ đau đớn thốt kêu lên. Em lại nói nhảm rồi, vết thương cũ lại tái phát...

- Đúng là vết thương cũ đã có tác động nhất định lên sức khỏe của em. Nhưng giờ đây em hoàn toàn ở trong trạng thái tỉnh táo, bình yên...

- Nhưng nếu quả thật có một người đàn ông đã đến với em như thế, thì anh đã bỏ đi ngay từ lâu rồi. Nhưng anh không thấy, không hề thấy!...

- Làm sao thấy được... Chao ôi! ngôi sao xanh của tôi!...

- Kìa em!... đúng là em không được khỏe. Vết thương cũ...

- Không. Em đang rất mạnh khỏe. Chỉ có anh... đau yếu!

Vâng,... Chính anh mới là người luôn bị vết thương cũ hành hạ. Sự hành hạ không ngớt và quá tải! Trước lúc lên đường đi đánh Mỹ xâm lược anh đã kịp cưới người con gái mà anh yêu hồi còn học với nhau một lớp ở bậc phổ thông. Nàng thi trượt vào đại học và nhanh chóng trở thành cô bán hàng. Anh thi đậu vào cao đẳng sư phạm, vừa học xong năm cuối là vào chiến trường ngay. Anh trưởng thành từ khói trong lửa, bài tốt nghiệp của anh cũng từ khói lửa của cuộc chiến tranh. Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn có hai tuần thôi, nhưng vợ anh đã kịp cho anh một đứa con gái xinh xắn. Ở chiến trường anh nhận được thư vợ và ảnh con. Sau cuộc chiến tranh anh trở về với vẻ bên ngoài lành lặn và sự tàn phế ở chỗ kín đáo nhất của người đàn ông.

Nếu những hoạn quan ngày xưa chỉ bị cắt bỏ tiệt phần cội rễ của mọi niềm đam mê khao khát và di truyền nòi giống còn chừa lại bộ phận làm chức năng bài tiết, thì ở anh giờ ngược lại. Cũng đồng cảnh ngộ tàn phế, nhưng so với tình trạng của anh hiện nay thì sự tàn phế của các hoạn quan nó êm ái dịu dàng và dễ chịu biết bao!

Những trận cuồng phong, những cơn bão biển, nạn đại hồng thủy, động đất và núi lửa, sự công phá của bom hạt nhân... Tất cả những cái đó có thấm tháp gì so với sự gào thét cuồng nộ của bản thân anh! Sự đau đớn nung đốt thường xuyên, sự giằng xé dữ dội khốc liệt lúc âm ỉ, lúc bộc phát. Sự dồn nén của thèm muốn khao khát, của đam mê cháy bỏng - không bao giờ được giải tỏa ấy - bằng tất cả các trận cuồng nộ của đất trời cộng lại, bằng tất cả sự tàn phá của các hệ bom hạt nhân cộng lại... đủ để thiêu rụi hết tất cả những thành tựu khoa học, những nền văn minh mà loài người đã đạt tới, và thiêu rụi hết thảy cả Chín phương Trời, Mười phương Phật! Đức Bổn sư Thích ca mâu ni thường dùng cụm từ Tam Thiên đại thiên thế giới để chỉ cái vĩ mô và cái bất tận của vũ trụ (dù rằng ngài chưa bao giờ đặt vấn đề giải thích vũ trụ). Đức Bổn sư Thích ca mâu ni thường dùng đơn vị Sát na để chỉ đơn vị thời gian nhỏ nhất, và cũng Đức Bổn sư Thích ca mâu ni đại hùng đại lực đại bi đại trí tuệ chỉ ra Chín phương Trời Mười phương Phật để định hướng những Vec-tơ cho chúng sinh... Nhưng các vec-tơ ấy đã bị chặt nát vụn ra trong chừng mực một "Sát na" cuồng nộ của bản thân anh!

Người đàn bà đã một lần tôi lấy làm vợ giờ không còn trẻ nữa, và cũng chẳng xinh xắn gì, nhưng đỏm dáng và đang muốn chống lại tuổi già bằng phục trang, bằng son phấn - là những thứ mà từ trước vốn xa lạ với thành phần xuất thân của bà. Con gái tôi đã lớn, đã có người tình lúc nào tôi không kịp biết. Một gã đàn ông con trai hiện diện trong nhà tôi như một sự đương nhiên. Tôi nhớ có lần tôi đề nghị ly dị, nhưng người đàn bà có một lần tôi đã lấy làm vợ lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý. Giờ đây tôi kịp hiểu thêm - Họ - hai người đàn bà trong nhà tôi và gã trai lơ vừa mới hiện diện rất cần nương vào cái bóng râm tàn phế của tôi để lao vào những cuộc đỏ đen. Hình như họ có nhiều tiền lắm. Rất nhiều. Tôi có một mái nhà đủ kiên cố cho họ ẩn nấp mỗi khi bị pháp luật truy đuổi. Những lúc ấy tôi thật hết sức cần thiết đối với họ. Tôi cảm nhận thế. Còn những lúc bình thường tôi đi và về như một chiếc bóng trong ngôi nhà của mình. Vài bộ quần áo quân nhân, vài đôi giày dép, một số sách vở giấy tờ, mấy tấm huân chương và bằng khen. Những đồng lương chân chính đều đều mỗi tháng tôi lĩnh được. Dẫu con gái tôi và mẹ nó có coi khinh những đồng tiền chân chính khiêm tốn và trong sạch này của tôi - hàng tháng tôi vẫn trích ra hai phần ba tổng số để giao cho họ. Số còn lại tôi sống vừa đủ.

Sắp có một ngày lễ lớn. Hôm nay tôi phải dự khai mạc một phòng triển lãm truyền thống. Như thường lệ, những dịp long trọng như thế này tôi thường chọn một trong những tấm huân chương tiêu biểu nhất của mình để cài lên bộ lễ phục. Tôi bưng hộp huân chương từ trong tủ ra loay hoay tìm chọn. Mọi lần tôi thường chọn tấm Huân chương quân công hạng nhất. Lần này cài vào ngực áo xong, nghĩ sao tôi lại tháo ra trang trọng đặt vào chỗ cũ, và tôi lại chọn tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Tôi đang mãi cài vào ngực áo chưa xong, con gái tôi ở đâu ập đến, nó thò vào hộp vốc toàn bộ mớ huân chương và bằng khen trong đôi bàn tay móng nhọn hoắt sơn đỏ chót, rồi bung xòe từng ngón tay ra cho từng tấm huân chương rơi lộp bộp trở lại vào trong chiếc hộp giấy cứng, mắt nó long lên, cười cợt nhã và nói:

- Bố ơi, những thứ này không thể bỏ vào nồi mà nấu được một bữa cháo lót lòng đâu, nghe bố!

Tôi không kìm được, hét tướng lên:

- Quân phản trắc! Mày hãy xem lại từ đầu đến chân của mày đi! Máu thịt trong cơ thể mày từ khi tượng sinh cho đến ngày này đây không từ những thứ đó tạo ra thì là cái gì?!... hả?!

Tôi chỉ nói được có ngần ấy thôi và nghe máu nóng đang chạy rần rật trong cơ thể. Tôi ra khỏi nhà mình một cách khó khăn.

Sau khi dự khai mạc phòng truyền thống lòng tôi vẫn còn trĩu nặng nỗi buồn. Tôi tìm đến nàng. Những lúc như lúc này nàng thật hết sức cần thiết cho tôi. Có thể sánh sự cần thiết này ngang với sự cần thiết của những thành viên trong gia đình tôi đối với cái bóng râm tàn phế của tôi mỗi khi họ bị pháp luật truy đuổi. Còn tôi, tôi đang chạy trốn sự phản trắc, sự tủi nhục đau đớn đang quất vút không thương tiếc lên cuộc đời mình. Tôi chạy trốn cơn mưa này giữa đồng hoang. Nàng là một mái rạ ấm cúng giữa cánh đồng hoang đầy mưa gió ấy. Nàng vẫn tiếp tôi như mọi lần. Sau tách trà nóng, nàng nhìn lên đồng hồ treo tường và bảo tôi hãy về đi cho nàng còn làm việc, và để sau đó còn kịp đón "ngôi sao xanh" của nàng. Tôi không cần thiết phải biết "Ngôi sao xanh" của nàng là ai! Tôi lầm lũi ra về như một chú bé ngoan. Khi chân tôi vấp vào bục cửa nhà mình, bỗng nhiên tôi thốt kêu: "Ngôi sao xanh"! Thật vớ vẩn! Rặt là một trò vớ vẩn! Nếu phải tìm cho ra ở nàng một cái gì đó để mà ghét, để mà đáng ghét - thì chính là cái mà tôi đang nói. Loại trí thức thì bao giờ mà chẳng có ở họ một cái gì đó để mà ghét hoặc để mà khó chịu?! Tôi tự an ủi mình vậy, rồi đi như một kẻ mộng du trong ngôi nhà thênh thang của mình. Ngang qua cánh cửa phòng của người đàn bà đang khép hờ, đột nhiên tôi dừng lại. Hay nói đúng hơn, tôi bất thần dừng lại trước gian phòng có thời là phòng riêng của đời sống vợ chồng tôi. Cái gì đang xảy ra ở đây thế này? Người đàn bà có một lần tôi lấy làm vợ - đang không có một tấm vải che thân trong đôi tay đầy gân guốc của gã đàn ông - người tình của con gái tôi!... Tôi đóng ập cánh cửa phòng sau lưng và lao mình vào khoảng không trước mặt. Hình như tôi cứ lao đi mãi như thế rất lâu - như một mũi tên không có đích. Khi tôi rùng mình thấy lạnh buốt hai bên thái dương, tôi dừng lại, đưa tay sờ lên bộ lễ phục có đính huân chương giờ đã ướt đẫm. Tôi ngẩng lên bầu trời đầy sao. Bỗng một niềm khát khao, đau đớn bất tận trỗi dậy trong tôi: ước gì lúc này đây tôi cũng có được một ngôi sao xanh cho riêng mình! Những trận cuồng phong, những cơn bão biển, nạn đại hồng thủy, động đất và núi lửa, sự công phá của bom hạt nhân... Tất cả những cái đó có thấm tháp gì, có đáng kể gì so với sự gào thét cuồng nộ của bản thân anh?! Sự đau đớn nung đốt thường xuyên, sự dằng xé dữ dội khốc liệt, lúc âm ỉ, lúc bộc phát... bằng tất cả các trận cuồng nộ của đất trời cộng lại, bằng tất cả sự tàn phá của các hệ bom hạt nhân cộng lại...

H.K.L.
(TCSH51/09&10-1992)
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kama (31/12/2021)
Chọn lựa (29/12/2021)