Tạp chí Sông Hương - Số 394 (T.12-21)
“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”: Kiến tạo định chế văn hóa mới ở Việt Nam những năm đầu lập quốc, 1945 - 1948
15:34 | 29/12/2021


ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”: Kiến tạo định chế văn hóa mới ở Việt Nam những năm đầu lập quốc, 1945 - 1948
Ảnh: internet

1. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là sự kiện trọng đại mở ra một trang mới trong lịch sử nước Việt Nam. Dù ra đời trước đó mười lăm năm (2/1930), chuẩn bị tư tưởng và xây dựng lực lượng Việt Minh từ trước đó dăm năm (5/1941), nhưng cho tới khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng Cộng sản muốn xây dựng một mặt trận đoàn kết tất cả các đảng phái chính trị và tổ chức quần chúng của người dân Việt Nam yêu nước chứ chưa hướng tới mô hình chuyên chính vô sản. Đặt mục tiêu độc lập dân tộc lên trước chính trị đảng phái, Đảng Cộng sản đã mở ra cơ hội cho các trí thức dân tộc chủ nghĩa có lập trường tư tưởng khác với họ tham gia vào cuộc cách mạng và kiến thiết quốc gia non trẻ. Nhiều trí thức văn nghệ sỹ đã tham gia hoạt động cách mạng trong tư cách cá nhân và thành viên của các tổ chức yêu nước được thành lập từ trước cách mạng (Hội Văn hóa Cứu quốc, 1943) hay tổ chức đoàn thể quần chúng chuyên biệt được chính quyền mới thành lập sau cách mạng, như Hội Văn nghệ Việt Nam (tập hợp một số văn nghệ sỹ cốt cán của Hội Văn hóa Cứu quốc mới tản cư lên Việt Bắc, 4/1948), Hội Văn hóa Việt Nam (được thành lập trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, cũng được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, 7/1948). Đến năm 1951, khi Đảng Cộng sản đổi ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam thì Hội Văn nghệ Việt Nam tuyên bố đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức bộ máy như một đơn vị thuộc chính quyền, trở thành một cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn nghệ nhân dân1. Đến năm 1957, trong báo cáo “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc, phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (2/1957), Trường Chinh mới cụ thể hóa tính chất “dân tộc, khoa học, đại chúng” được nêu ra lần đầu trong Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) thành “dân tộc, hiện thực và nhân dân”; đồng thời nêu lên “tính đảng” trong văn nghệ, đặt vấn đề tính đảng khăng khít với văn nghệ phục vụ chính trị hiểu theo nghĩa rộng là “phục vụ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam”2. Việc xây dựng hệ thống quản lý văn hóa, xác lập các tính chất và đặc điểm của nền văn nghệ nhân dân và phục vụ chính trị ở đây đã đánh dấu mốc khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với văn học nghệ thuật và trí thức văn nghệ sỹ. Những sự kiện tiệm tiến này cho thấy, mươi năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trường chính trị mới nổi từng bước khuynh loát trường văn học trưởng thành từ thời thuộc địa thông qua việc hành chính hóa các tổ chức định chế văn học, trong nỗ lực huy động mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song đó cũng không chỉ là một quá trình áp đặt một chiều, bởi ở phía ngược lại, trí thức văn nghệ sỹ cũng cho thấy ý thức tham dự vào việc kiến tạo các định chế văn học mới có sự tương thuận giữa cách tân văn học và cách mạng xã hội trong viễn tượng về một nền văn hóa nghệ thuật mới của nước Việt Nam độc lập. Tình thế văn nghệ ở miền Bắc Việt Nam mươi năm đầu sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là như vậy, cho tới khi phong trào Nhân văn Giai phẩm nổ ra (1956 - 1958) khoét sâu những khác biệt trong nguyện vọng của trí thức văn nghệ sỹ và ý chí cách mạng của chính quyền đang muốn tập hợp và thống lĩnh mọi nguồn lực quốc gia cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước đang bị chia cắt bởi sự đổ vỡ của hiệp định Genève.

2. Cho tới những năm 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương mới thực sự dành sự chú ý tới cuộc cách mạng trên phương diện văn hóa văn nghệ. Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) là văn kiện quan trọng đầu tiên thể hiện hệ thống chính sách văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản. Theo Đề cương, gắn với cách mạng dân tộc giải phóng, “nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”, được vận động theo “ba nguyên tắc”: “dân tộc hóa”, “khoa học hóa”, “đại chúng hóa”, và mang tính chất “dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”3. Quan điểm rộng mở này được ban hành để đảm bảo yêu cầu tập hợp rộng rãi quần chúng cách mạng. Theo đó, cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam được diễn ra trên tinh thần “tân dân chủ”, chấp nhận đa dạng các tiếng nói, miễn sao cùng châu tuần vào mục tiêu giải phóng dân tộc và kiến thiết quốc gia. Ở thời điểm bản lề của cuộc Cách mạng tháng Tám, trong một cuốn sách được xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh - Một nền văn hóa mới - Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi tuy có phê phán “những xu hướng lưng chừng và khiếp nhược của các nhóm Thanh Nghị, Tri Tân và quá trớn của Hàn Thuyên” nhưng cũng khá cởi mở khi bàn về chương trình kiến thiết văn hóa Việt Nam mới trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo đó, để văn hóa nghệ thuật có thể giúp ích cho sự nghiệp của của quốc gia, chính sách về văn hóa nghệ thuật cần đảm bảo và khuyến khích: 1/ ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng tự do ngôn luận; 2/ trợ cấp cho những nhà văn và nghệ sỹ có tài, gây những nghệ thuật chưa có ở ta, khuyến khích những hội văn hóa mới, chú ý bênh vực quyền lợi văn nghệ sỹ; 3/ chính phủ còn có thể đặt những giải thưởng toàn quốc, tổ chức những cuộc trưng bầy, lập viện bảo tàng, lập nhà in và nhà xuất bản quốc gia; 4/ mở những viện văn học, mà nếu tổ chức khéo léo, sẽ có thể là “lò đúc lớn lao của nền văn học mới”; 5/ lập những cơ quan trao đổi văn hóa với ngoại quốc để “thổi vào nền văn hóa của ta những luồng gió mới lạ từ phương xa tới và đồng thời mở rộng ảnh hưởng văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc”4.

Cách mạng thành công, ngày 5/9/1945, Hội Văn hóa Cứu quốc đã “triệu tập một kỳ khoáng đại hội nghị” “để định một chương trình hành động mới”. Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh, đã đưa tin về hội nghị này. Theo bài báo, Hội Văn hóa Cứu quốc nhận thấy “nhiệm vụ của các nhà văn hóa Việt Nam lúc này vẫn còn là cái nhiệm vụ cứu quốc” nhưng “ngay từ bây giờ, các nhà văn hóa cũng đã phải sửa soạn để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới, đặt những viên đá đầu tiên cho một nền văn hóa Việt Nam, theo tinh thần tiến bộ và dân chủ”. Vì vậy, tổ chức Hội nghị là để đề xuất chương trình hành động, nhấn vào bốn công việc chính: 1/ triệu tập một Hội nghị Văn hóa toàn quốc để động viên các lực lượng văn hóa phụng sự cho nền độc lập nước nhà; 2/ giúp sức cho bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời; 3/ sưu tầm tài liệu để biên soạn sách lên án tội ác của thực dân Pháp; 4/ cho in công khai tạp chí Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội trước kia phải in bí mật. Một Ban Chấp hành mới cũng được bầu ra, “có năm anh là: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Thai Mai, Trang, Nguyễn Huy Tưởng” (Cứu Quốc, số 39, 10/9/1945). Trên tờ báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, một số tin bài về việc tập hợp lực lượng văn hóa cho mục tiêu độc lập dân tộc và kiến thiết quốc gia cũng được đăng tải. Bài viết “Tiến tới mặt trận văn hóa mới” của Dương Quang cho hay “một vài hoạt động gần đây của một số anh em nhà văn, nhà báo và nghệ sỹ đã tỏ ý chí đi đến sự tổ chức. Trong một cuộc hội họp do Hội Văn hóa Cứu quốc triệu tập vừa rồi, những đại biểu của mười hai đoàn thể văn hóa đã cử một Ủy ban tổ chức hội nghị Văn hóa toàn quốc để gây một phong trào văn hóa đi đôi với việc kiến thiết về kinh tế và chính trị trong nước Việt Nam đã được giải phóng”. Không những thế, Dương Quang cho biết thêm rằng chủ trương “huy động các giới trí thức và thống nhất hành động của họ trên con đường cứu quốc” để tiến tới mục tiêu độc lập hoàn toàn “không phải là đem chính trị đánh lạc mục đích hay chế biến tính cách của Hội nghị Văn hóa. Trái lại, các nhà văn hóa sáng suốt tất phải công nhận độc lập - những điều kiện không có không được - trong việc xây dựng nền văn hóa mới” (Cờ giải phóng, số 18, 20/9/1945). Đưa tin về “công việc sửa soạn” Hội nghị Văn hóa toàn quốc, báo Cờ giải phóng tiếp tục cho biết những thông tin cụ thể hơn. Theo đó, về tổ chức, “Ủy ban vận động do anh Nguyễn Hữu Đang làm chủ tịch, anh Nguyễn Đình Thi làm thư ký. Và các ủy viên gồm có những người đại diện lâm thời của nhiều đoàn thể văn hóa tại Bắc Bộ, như các anh: Khái Hưng, Xuân Diệu, Vũ Ngọc Phan (Văn học), Nguyễn Đỗ Cung, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn (Hội họa), Nguyễn Văn Giệp (Âm nhạc), Nguyễn Mạnh Tường (Luật học), Nguyễn Văn Huyên (Khảo cổ), Ngụy Như Kon Tum (Giáo dục), Nguyễn Duy Thanh, Nghiêm Xuân Thiện (Khoa học kỹ thuật), Nguyễn Xuân Tùng (Kiến trúc), Hoàng Tích Trý (Y học), Giáo sĩ Bằng, Thượng tọa Giải Ngạn (Tôn giáo)”. Về thời gian, “Ủy ban định tiến hành gấp công việc để cho ‘Hội nghị Văn hóa toàn quốc’ có thể họp được trong vòng hai tháng”. Về hoạt động, “Ủy ban sẽ tổ chức những cuộc nói chuyện về văn hóa để cổ động và mở đầu cho các cuộc thảo luận sắp tới. Ngoài ra, sẽ xuất bản một nguyệt san trình bầy dần dẫn những công việc tiến hành của Ủy ban, cùng những ý kiến của các giới văn hóa”. Về cách thức và quy mô, “sự triệu tập đại khái sẽ do ba cách: các đoàn thể cử đại biểu, Ủy ban mời thẳng cá nhân, những bạn tuy chưa được ai biết nhưng gửi đến cho Ủy ban những đề án có giá trị về văn hóa cũng sẽ được mời. Cuộc hội nghị sẽ gồm tất cả chừng 300 đại biểu” (Cờ giải phóng, số 23, 7/10/1945). Tuy vậy, sang tháng 3/1946, trên báo Cứu Quốc, Ủy ban vận động mới đăng tải lời “Hiệu triệu các nhà văn hóa Việt Nam” (Cứu Quốc, số 198, 26/3/1946), đồng thời ông Chủ tịch Ủy ban vận động cũng mới trả lời phóng viên báo Cứu Quốc về các nội dung chính của Hội nghị, dự định sẽ diễn ra ngày 1/8/1946, nhân dịp ngày kỷ niệm chống chiến tranh đế quốc (Cứu Quốc, số 201, 29/3/1946). Nhưng sau đó, theo thông tin từ báo Độc Lập, Hội nghị “hoãn chờ Hồ Chủ tịch đi Pháp về” (Độc Lập, số 205, 4/7/1946). Và vì thế phải đến tháng 11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất mới được tổ chức vào ngày 24/11/1946 (Cứu Quốc, số 397, 6/11/1946).

Để chuẩn bị cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong vai trò là tổ chức nòng cốt chủ đạo, Hội Văn hóa Cứu quốc cũng tổ chức Đại Hội nghị Văn hóa Cứu quốc (11-13/10/1946) để “thảo luận về sửa đổi điều lệ của Hội về các đề án văn nghệ, bình dân học vụ, đời sống mới và bầu ban chấp hành toàn quốc cho năm tới”. Tuy là công việc nội bộ của Hội nhưng Đại Hội nghị cũng đề xuất “trong suốt ba ngày thảo luận, các giới văn hóa, nhất là các văn sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ ngoài hội, có thể tự do đến dự thính được”. Tường thuật về phiên Đại Hội nghị, báo Cứu Quốc thông tin về sự hiện diện của các thành viên cốt cán của Hội như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Bùi Hiển, Lưu Quý Kỳ, Hải Triều, Trương Chính,… Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp, ông Trần Chí Bình, ông Ca Văn Thỉnh, là các đại diện của văn hóa Nam Bộ. Các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ miền Bắc và thủ đô ở ngoài hội cũng tham dự và phát biểu ý kiến, như Vi Huyền Đắc, Ngô Tất Tố, Trương Tửu, Nguyễn Đình Lạp, cha Bằng, Khái Hưng, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Tư Lành,... Đánh giá về hội nghị, bài tường thuật tin tưởng “Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ hai này báo trước với sự có mặt đông đủ của các giới văn hóa trong và ngoài hội, báo trước sự sửa soạn tiến tới một mặt trận văn hóa thống nhất cho toàn quốc, các nhà văn hóa của các khuynh hướng đã sẵn sàng cất cánh trước giai đoạn sắp tới, giai đoạn kịch liệt tranh đấu về văn hóa” (Cứu Quốc, số 373, 12/10/1946). Sau khi ông Chủ tịch Hội Trần Huy Liệu tuyên bố khai mạc, ông Đặng Thai Mai đọc diễn văn khai mạc, lên án thực dân Pháp và tổng kết hoạt động của Hội. Đánh giá về ưu điểm, về phương diện văn học nghệ thuật, Đặng Thai Mai cho rằng “một số đông các văn sỹ, nghệ sỹ đã quả quyết đi theo trào lưu của xã hội, của đại chúng không mơ màng lãng mạn như trước”, “các văn sỹ, nghệ sỹ lúc này hãy đang cố gắng tìm tòi, khám phá với những tư tưởng, sáng kiến mạnh bạo, một tác phẩm về vật chất đầy đủ và tinh thần đẹp đẽ”. Nhưng nhược điểm là vẫn chưa thực hiện được phương châm dân tộc - khoa học - đại chúng. Từ đó, ông đề nghị “nhiệm vụ chính của giới văn hóa lúc này là phải đập tan những hoài nghi về nền văn hóa của chúng ta, là phải bài trừ hẳn nghệ thuật cá nhân yếu đuối và lãng mạn”. Ông Phạm Văn Đồng, đại diện Tổng bộ Việt Minh, nói chuyện với Đại hội nghị về “văn hóa Pháp, so sánh văn hóa Pháp với văn hóa Việt Nam”. Ông Phạm Văn Đồng đánh giá cao nền văn hóa tiến bộ Pháp, đề nghị xây dựng một nền văn hóa Việt Nam “do tinh thần dân chủ lãnh đạo”, “có sự liên lạc mật thiết với nền văn hóa Pháp mà hiện nay là tiêu biểu cho nền văn hóa dân chủ thế giới” cũng như với các nền văn hóa tiến bộ khác (Cứu Quốc, số 374, 13/10/1946). Sau ba ngày làm việc, Ban Chấp hành mới được bầu: “Chủ tịch là ông Đặng Thai Mai, chính thức là các ông Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Tỵ, Văn Cao, Tố Hữu, Ngô Quang Châu, Nguyễn Huy Tưởng, và ba ông dự khuyết là Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ”. Một bài tường thuật trên tạp chí Tiên phong thông tin chi tiết hơn về Ban Chấp hành: ngoài Chủ tịch là Đặng Thai Mai, còn có vị trí Tổng Thư ký là Hoài Thanh, Phó Tổng Thư ký là Tố Hữu, các vị còn lại là ủy viên và ủy viên dự khuyết (Tiên phong, số 22 (1/11/1946). Hội nghị cũng ban hành “Tuyên ngôn Đại Hội nghị Văn hóa Cứu quốc toàn quốc lần thứ hai”, trong đó nhấn mạnh “Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam thiết tha kêu gọi tất cả các chi giới văn hóa nước nhà sát cánh cùng nhau, dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ để đi tới một mặt trận văn hóa thống nhất trong toàn quốc, để phụng sự văn hóa, phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân loại” (Cứu Quốc, số 387 (26/10/1946).

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất dự kiến được tổ chức trong một tuần (24/11 - 1/12/1946), với một chương trình nghị sự phong phú (Cứu Quốc, số 397, 6/11/1946; số 414, 23/11/1946), nhưng do tình hình chiến sự bắt đầu leo thang ở nhiều tỉnh thành Bắc Bộ, Hội nghị chỉ tổ chức trong một ngày 24/11/1946 (Cứu Quốc, số 416, 25/11/1946). Hội nghị có sự tham dự của “cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ, cụ Chủ tịch Ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, và mấy vị Bộ trưởng. Các đại biểu các nhà văn hóa toàn quốc có hơn 200 vị gồm cả Trung Nam Bắc”. Trong đó, sự kiện đáng chú ý là Hồ Chủ tịch đã đọc diễn văn khai mạc. Diễn văn nhắc tới sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc Pháp trong dịp Hồ Chủ tịch sang Pháp cùng phái đoàn chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau (7-9/1946), sự quan tâm của các nhà văn hóa Pháp tới tình hình Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Bàn về văn hóa Việt Nam, Hồ Chủ tịch cho rằng đó là kết quả “ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại”. Vì thế, trả lời cho câu hỏi “nên theo văn hóa nào”, Hồ Chủ tịch đề nghị “Tây phương hay Đông phương, có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Trong tương quan với chính trị, Hồ Chủ tịch cho rằng “văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết”, vì vậy “phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân” để có thể phát huy được năng lực sửa đổi tâm tính, gây nên lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do, tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Trong tương quan với xã hội, “văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”. Từ đó, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Số phận dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Nhìn vào thực tế văn hóa Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch chỉ ra rằng “văn chương, nghĩa là viết sách và viết tiểu thuyết, về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào đạt được”, và văn hóa cũng chưa quan tâm đúng mức đến nhi đồng. Vì vậy, để kết luận bài phát biểu, Hồ Chủ tịch kêu gọi “các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng” và “đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Sau ý kiến phát biểu của Hồ Chủ tịch, Hội nghị còn nghe báo cáo của ông Đào Duy Anh, các ý kiến của các đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Việt Nam và học sinh Bình dân học vụ. Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Hữu Đang “báo cáo qua về lý do tổ chức Hội nghị văn hóa, thành phần và sự hoạt động của ủy ban vận động trong gần một năm”, “tuyên bố về tình thế, Hội nghị không thể họp đủ một tuần lễ như đã ấn định”, “đề nghị lập ra một ‘Ủy ban Văn hóa toàn quốc’ tiếp tục làm nốt những công việc mà Hội nghị chưa làm được”. Ủy ban này được bầu vào buổi chiều (15 chính thức và 5 dự khuyết), gồm “các ông Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh (bốn vị nhiều phiếu nhất), Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên và năm vị dự khuyết là các ông Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trý, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn” (Cứu Quốc, số 416, 25/11/1946).

3. Ở trên, tôi đã lược qua những hoạt động cho thấy nỗ lực kết nối các nhà văn hóa và văn nghệ sỹ để kiến thiết cơ quan định chế văn hóa văn nghệ chung dưới sự điều phối của Đảng Cộng sản. Tuy vậy, trong những năm tháng bản lề này, trên các diễn đàn báo chí và sách vở cũng xuất hiện các hoạt động đối thoại và chất vấn lẫn nhau giữa diễn ngôn văn nghệ được thể chế hóa với những tiếng nói cá nhân khác đi tìm hay lý giải mối quan hệ giữa văn nghệ và cách mạng. Các nhóm phái văn học từ trước 1945 (Tân Dân, Tự Lực văn đoàn, Tri tân, Thanh Nghị,…) hầu như đều tự giải thể. Tổ chức Việt Nam quốc dân đảng hoạt động trở lại, nhưng các cơ quan ngôn luận của nhóm như báo Việt Nam, Chính nghĩa không cạnh tranh được ảnh hưởng với các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Vì thế, hoạt động tranh luận dường như chỉ xuất hiện trong nội bộ những người thiên tả, khi nhóm Hàn Thuyên, được xem như nơi tập hợp các phần tử trotskyist, là còn duy trì được hoạt động.

Các thành viên của nhóm Hàn Thuyên đưa ra các quan niệm về “tân văn hóa”, đề xuất mô hình “tương lai văn hóa Việt Nam” có những điểm được cho là khác biệt so với Đề cương Văn hóa Việt Nam. Có lẽ đó là lý do để trên các diễn đàn báo chí của Đảng Cộng sản, đặc biệt là tạp chí Tiên phong, “cơ quan vận động văn hóa mới” của Hội Văn hóa Cứu quốc, các tiếng nói tranh đấu với các quan điểm khác biệt này đã được cất lên. Nhóm Hàn Thuyên, và sau đó là quan điểm của Trương Tửu trong công trình Tương lai văn nghệ Việt Nam được in trên tạp chí Văn mới (số 56, 10/9/1945) của nhóm, bị phê phán bởi Nguyễn Đình Thi, Trường Chinh và Đặng Thai Mai (ký bút danh Thanh Bình). Một trong những lý do quan trọng được đưa ra để phê phán, theo Trường Chinh và Đặng Thai Mai, ngoài việc nhóm Hàn Thuyên không thực hiện các chủ trương “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” trong khi lại chủ trương phản duy vật biện chứng (tức phản “khoa học hóa”), họ còn có những thành viên có biểu hiện của tư tưởng trotskyist, một dán nhãn mà sau này sẽ được xem như dấu hiệu quan trọng để phân biệt đội ngũ những người cách mạng. Không trực tiếp đối thoại với Đặng Thai Mai, nhưng một lần nữa Trương Tửu tiếp tục bày tỏ quan điểm riêng trong bài viết “Nhà văn và cách mệnh” in trong sách Văn hóa và cách mệnh, tập hợp tác phẩm của Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Hồ Hữu Tường, Trương Tửu, Nguyễn Đăng Thục, Bùi Công Trừng, Tô Ngọc Vân5. Trong khi đó, từ một phía khác, việc bất đồng với quan điểm dân tộc - khoa học - đại chúng của Khái Hưng lại không hề bị phê phán. Được công bố một năm sau Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu và ngay trước Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, vở kịch Câu chuyện văn chương (Chính nghĩa, 7/10/1946) của Khái Hưng đã mượn lời các nhân vật để hoài nghi về phương châm vận động văn hóa này của Đảng Cộng sản. Có thể yêu cầu kết đoàn rộng rãi các nhà văn hóa vào trong một mặt trận thống nhất đã khiến những ý kiến trái chiều xuất hiện từ nửa sau năm 1946 không bị phê phán trực diện như trước, như trong những bài phê bình đanh thép của Trường Chinh, Đặng Thai Mai trên báo Cờ giải phóng và tạp chí Tiên phong nửa cuối năm 1945. Dẫu vậy mặc lòng, ứng xử của các thành viên Văn hóa Cứu quốc với các tiếng nói khác biệt dường như hãy còn khá uyển chuyển, khi bên cạnh tiếng nói phê phán trực tiếp, Hội Văn hóa Cứu quốc cũng gián tiếp công bố những sáng tác theo quan điểm dân tộc - khoa học - đại chúng như những chỉ dẫn cho một hình mẫu văn nghệ mới, như các loại sách “Chính trị phổ thông”, “Gương chiến đấu”, thậm chí là sách tập hợp sáng tác văn nghệ của Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nam Cao, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Kim Lân, Hải Triều, Nguyễn Hữu Đang, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Đình Thi6. Ấy là chưa kể theo thời gian, với tiếng nói uy quyền của vị trí Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, Đặng Thai Mai dần dần định hình tư cách một nhà nghiên cứu đi tìm các cơ sở lý luận cho đường lối văn nghệ của Đảng nhiều hơn là một nhà bút chiến như trước, trong các bài viết đăng trên tạp chí Tiên phong từ khoảng giữa năm 1946. Ở phía ngược lại, nhiều nhà văn hóa, nhà văn cũng tham dự các hoạt động của Hội Văn hóa Cứu quốc, như việc đến “dự thính” Đại Hội nghị của Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong Ủy ban văn hóa toàn quốc được bầu trong Hội Nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), vẫn có các tên tuổi Hồ Hữu Tường, Khái Hưng, Trương Tửu; thậm chí Khái Hưng còn là ủy viên Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc được bầu ra từ tháng 10/1945 (Cờ giải phóng, số 23, 7/10/1945). Rõ ràng, các trí thức văn nghệ sỹ đã nhìn thấy ở thắng lợi của Cách mạng tháng Tám một bước ngoặt đối với dân tộc, không khí tự do dân chủ như thành quả bước đầu của cách mạng mở ra trong họ niềm tin về cơ hội kết đoàn cho một tương lai chung, thúc giục các tiếng nói phản biện trên tinh thần xây dựng và thành thực.

Kháng chiến nổ ra trên phạm vi toàn quốc (19/12/1946), lực lượng văn nghệ chia làm hai ngả, một bộ phận ở lại các đô thị do thực dân Pháp chiếm đóng, bộ phận khác tản cư theo kháng chiến. Ở vùng giải phóng, trong nội bộ văn nghệ sỹ tản cư theo kháng chiến, các tranh luận về văn hóa nghệ thuật vẫn được duy trì như một sinh hoạt học thuật dân chủ dù yêu cầu tập trung cho cuộc kháng chiến ngày càng đòi hỏi Đảng Cộng sản phải tiến hành các hoạt động thống nhất ý chí trên mọi lĩnh vực. Từ các chiến khu, các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản kêu gọi xây dựng nền văn hóa mới, phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Hồ Chủ tịch viết thư “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” (25/5/1947), trong đó nhấn mạnh: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”7. Cũng thời gian này, Tổng Bí thư Trường Chinh viết loạt bài “Kháng chiến nhất định thắng lợi” trên báo Sự thật (3-8/1947), sau đó được nhà xuất bản Sự thật in thành sách nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945). Trong công trình này, bàn đến việc “kháng chiến về mặt văn hóa”, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định “văn hóa cũng là một mặt trận đấu tranh của nhân dân ta” và “công cuộc kháng chiến về mặt văn hóa có hai nhiệm vụ”: “đánh đổ văn hóa ngu dân, văn hóa xâm lược của thực dân Pháp” và “xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới cho nước Việt Nam”. Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh rằng, “mọi hoạt động văn hóa lúc này phải nhằm vào khẩu hiệu: YÊU NƯỚC VÀ CĂM THÙ GIẶC”, phải dựa trên ba nguyên tắc “dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa” “cả về hình thức và nội dung văn hóa, cái gì trái với dân tộc, khoa học, đại chúng thì gột bỏ đi”. Theo đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đề nghị “muốn tiến, giới văn hóa nước nhà phải tự phê bình một cách nghiêm khắc; bỏ thói tự cao, tự đại; bỏ thói khinh quần chúng, xa nhân dân (nhất là xa công nông); bỏ thói ích kỷ, cầu an, lưng chừng, do dự, cơ hội”8.

Tháng 3/1948, Hội nghị Văn nghệ kháng chiến liên khu Bốn được tổ chức tại làng Quần Tín (Thanh Hóa), tập hợp tới “hai trăm đại biểu từ khắp nơi đeo bạc đà, vượt tiêu thổ, về họp mặt”, đã trở thành một diễn đàn tranh chấp nhiều tiếng nói văn nghệ. Nỗ lực thống nhất văn nghệ vào đường lối Marxist tại đây dường như đã trở thành giọt nước tràn ly làm phân hóa thực sự những người làm văn nghệ9. Nhiều văn nghệ sỹ sau đó đã “dinh tê” về thành, và sau đó là vào Nam sau 1954; bộ phận ở lại theo kháng chiến sẽ di tản lên Việt Bắc, và họp mặt dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16 - 20/7/1948), Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (23-25/7/1948), những hội nghị thống nhất quan điểm văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Hồ Chủ tịch có thư gửi các nhà văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh “từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”, và để đạt được điều đó “các nhà văn hóa của ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”. Hồ Chủ tịch cũng nêu “nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới”10. Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản, trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, một tác phẩm được xem như văn kiện chỉ đạo văn hóa kháng chiến. Báo cáo cung cấp cho các nhà văn hóa “một quan điểm và một lập trường văn hóa mới, một phương châm kháng chiến và kiến quốc trên lĩnh vực văn hóa”. Trong hoàn cảnh mới, xét từ “lập trường văn hóa Mác-xít” và đặc thù “văn hóa Việt Nam xưa và nay”, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định “văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng”, theo đó có thể đề ra “ba phương châm của công tác vận động văn hóa mới: dân tộc hóa, khoa học hóa và hiện đại hóa”. Tổng Bí thư Trường Chinh khuyến khích hoạt động phê bình, luận chiến. Ông nhận thấy “không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm, trầm mặc quá! Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”. Nhưng đồng thời Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đề nghị đó phải là hình thức phê bình “đúng nguyên tắc”, “phê bình trong kỷ luật dân chủ”, không phải “tự do phê bình”11. Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam còn là lời giải đáp của Tổng Bí thư Trường Chinh về các vấn đề “nghệ thuật và tuyên truyền”, “dùng văn nghệ tuyên truyền, cổ động kháng chiến”, vốn được ông đề xuất như là một công việc thiết thực đầu tiên của việc xây dựng nền văn văn nghệ kháng chiến trong Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947). Với tính chất quan trọng của một văn kiện về văn nghệ, những quan điểm của Tổng Bí thư Trường Chinh trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn quá trình quy phạm hóa tính chất của nền văn nghệ Việt Nam mới.

4. Từ Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (7/1948), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh được xem như văn kiện chính thức chỉ đạo hoạt động văn nghệ. Đến Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (25-28/2/1949), xu hướng bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản đã hoàn toàn thắng thế. Báo cáo “Xây dựng một nền văn nghệ nhân dân” của Tố Hữu hiện diện như là sự cụ thể hóa đường lối văn hóa được nêu trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam vào thực tiễn văn nghệ Việt Nam. Theo đó, việc thiết chế hóa tổ chức và đường lối văn nghệ từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (2/1951) chỉ là bước hoàn tất một quá trình vận động xây dựng một mặt trận văn nghệ thống nhất phục vụ kháng chiến. “Thư gửi các họa sỹ nhân dịp triển lãm hội họa 1951” của Hồ Chủ tịch sau đó (10/12/1951) càng thêm lý do xác quyết lựa chọn này. Không chỉ coi “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Hồ Chủ tịch còn khẳng định việc “đưa nghệ thuật vào chính trị” bởi “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”12. Nhưng đấy là câu chuyện ở phía sau, ở thời điểm trước đó, trong thập niên 1940, với một đường lối văn nghệ khuyến khích những tìm tòi cá nhân, và trong khi hội đoàn văn nghệ chưa được chính quyền hóa, thì các diễn đàn văn nghệ là các không gian dân chủ cho sáng tạo nghệ thuật và tranh luận học thuật. Việc được lên tiếng, thảo luận trong các cuộc tranh luận nghệ thuật (bản chất của “tân văn hóa” và/hoặc “văn hóa mới”, phương châm hoạt động của văn hóa văn nghệ, nghệ thuật và tuyên truyền, Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc) cũng là chỉ dấu cho thấy các văn nghệ sỹ đã tham dự và vì thế chia sẻ quá trình thiết tạo chính sách văn nghệ13. Điều đó cho thấy, bên cạnh nỗ lực duy trì sự tự chủ của trường văn học, các văn nghệ sỹ cũng đồng thời tìm kiếm vị trí mới của văn nghệ trong cấu trúc của nền văn hóa cách mạng ở Việt Nam. Nói cách khác, trong bối cảnh lập quốc, những chuyển biến trong tư tưởng xã hội và quan niệm nghệ thuật chi phối các mối tương tác và thực hành nghệ thuật của nhà văn đã khiến cho nửa sau những năm 1940 trở thành một thời điểm quan trọng góp phần kiến thiết nên định chế văn học và định hình tính chất của nền văn nghệ nước Việt Nam mới.

Đ.A.D
(TCSH394/12-2021)

-------------------------------------------
1. Xem thêm Lại Nguyên Ân, “Hội Nhà văn Việt Nam: Sự thành lập và hai năm đầu tiên tồn tại (1957-1958)”,  trong Từng đoạn đường văn, Nxb. Hội Nhà văn, H., tr.135-157.
2. Dẫn theo Hà Xuân Trường, “Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 - nhìn từ hôm nay”, trong 50 năm Đề cương Văn  hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.92.
3. “Đề cương Văn hóa Việt Nam”, trong 50 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam, Sđd, tr.11-18.
4. Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Một nền văn hóa mới, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, H.,  1945, tr.21, 42-43.  
5. Văn hóa và Cách mệnh, Đoàn Xuất bản Việt Nam, H., 1946.
6. Luống cày, Căm hờn, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, H., 1945.
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5: 1947-1948, (Xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2011, tr.157.
8. Trường Chinh, “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, trong Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (Tác phẩm chọn lọc) (Tập II), Nxb. Sự thật, H., 1975, tr.54, 57, 58, 60.
9. Xem thêm Mai Thảo, “Ngôi sao Hàn Thuyên”, Mai Thảo, http://maithao.sangtao.free.fr/baiviet/index.html.  
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5: 1947-1948. Sđd, tr.577.  
11. Xem Trường Chinh, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, (In lần thứ hai, có xem lại và sửa), Nxb. Sự thật, H., 1974, tr.8, 67, 75, 96-97.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7: 1951-1952, (Xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2011, tr.246.
13. Xem thêm Hoàng Phong Tuấn, “Sự thiết lập diễn ngôn phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1958”, Nghiên cứu văn học, số 1 (1/2021), tr.75-89.  




 

 

Các bài mới
Hai mươi năm sau (20/01/2022)
Chùm thơ Lê Ân (14/01/2022)
Các bài đã đăng