Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-21)
Câu chuyện về nhân vị trong tiểu thuyết ‘Một ví dụ xoàng’ của Nguyễn Bình Phương
14:39 | 30/12/2021

LÊ THỊ HƯỜNG  

Nói một cách kinh điển, ở tiểu thuyết, cái kết được xem là “sức mạnh của cú đấm nghệ thuật”(D. Furmanov).

Câu chuyện về nhân vị trong tiểu thuyết ‘Một ví dụ xoàng’ của Nguyễn Bình Phương

Bắt đầu từ đoạn kết, có thể nói, sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương có sự dự phần của vô thức; như nhà văn đã trả lời phỏng vấn: “- Tôi chìm vào một cõi khác. Lúc viết tôi chìm vào góc cảm xúc không lý giải được. Lúc đó chỉ có tôi với tôi. Tôi không diễn kịch. Tôi cứ ngồi với trang giấy viết… Viết như thằng rồ”. Với Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương đã làm lạ, làm khác với nhiều tiểu thuyết vốn-đã-khác của ông. Nhà văn nhọc nhằn thai nghén, nặn tạc những con người đặc dị trong một cõi nhân gian nhàu nhĩ. Viết như vắt kiệt mình. Như đau đớn sinh nở. Chẳng xoàng. Khi “một bãi nước đái” cũng chìm nổi những kiếp phận. Như lời mở đầu tác phẩm: “Trong lỗ tai chứa bóng tối lùng bùng của những lời bí mật, có vô vàn câu chuyện…”. Một ví dụ xoàng là câu chuyện về những cái chết và sự vô nghĩa lý kiếp người; câu chuyện về sự băng hoại đạo đức và cõi nhân sinh nhàu nát; câu chuyện về một cõi tâm linh nhân quả. Tất cả nhộn nhạo như “những âm thanh ồn ào lăng mạ trong tai”.

Tự sự về một cõi nhân sinh nhàu nhĩ

“Và dòng kết viết: Chiều cuối năm giống như một người khổng lồ vừa đái xong, giờ khoan khoái, thư thả bó gối ngồi ngắm biển của mình”. (Nguyễn Bình Phương). Một ví dụ xoàng đạt đến cái cực hạn của hậu hiện đại. Tính cực hạn thể hiện trong việc lựa chọn ngôi kể, vị trí của người kể chuyện, qua một cấu trúc phân mảnh đa âm. Việc xếp chồng các câu chuyện, các lớp diễn ngôn khiến những vấn đề của quá khứ, của hiện tại đồng hiện, mở rộng. Những sự kiện, những chi tiết thoáng qua đều mang sức mạnh của một câu chuyện. Tất cả được kết hợp chặt chẽ trong một nghệ thuật tự sự đa bội điểm nhìn. Xoay quanh vụ án của Sang là “vô vàn câu chuyện” khác được thấy, được nghe/ ghi âm, được hiện hình từ ảo giác. Mỗi chuyện đều đồng đẳng và có giá trị tự thân. Chuyện thời bao cấp, chuyện giết người, chuyện loạn luân, chuyện biển Đông... Quyền lực và tự do. Bản năng và vô thức. Cõi trần gian và một cõi khác/cõi trời. Lối tự sự phân mảnh, tung hỏa mù các góc nhìn thể hiện quan niệm của nhà văn về nhân sinh, vũ trụ. Vũ trụ mang nỗi đau của máu. Một cõi nhân sinh nhàu nát, hỗn độn, phì đại, trương nở phía này, thu hẹp phía kia.

“Trong vô vàn câu chuyện” đó, có chuyện này, chuyện về Sang, một con người “giữa khung cảnh mơ mờ nhuần nhuyễn, nổi hằn lên hệt như cái hình bị cắt dán chơi vơi, không nguồn gốc, không lí lịch”. Câu chuyện quẩn quanh bên cái chết của một anh tiến sĩ giỏi, đi học từ Liên Xô về, vì “buôn lậu” bốn cân chè phải đi đến tình huống bắn người để tự vệ và bị kết án tử hình. Ngẫm ra, tình huống ấy, cái chết ấy chỉ là cái điều xoàng xĩnh vẫn diễn ra; như lời nguyên chánh án tòa án tối cao: “Mà này, cái vụ của cậu tiến sỹ ấy mà, xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi. Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy nó là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng. Thế nhé”. Tuy vậy, chung quanh Sang là những sự kiện của một thời đoạn lịch sử còn tươi mới, liên quan đến từng số phận và để lại nhiều dư chấn. Quá khứ và hiện tại đan cài, biến cái ví dụ xoàng là Sang thành câu chuyện lớn xuyên suốt và cốt lõi, là số phận con người, vấn đề tưởng cũ nhưng luôn mới trong văn chương ở mọi thời kỳ, ở bất cứ đâu.

Cấu trúc bề mặt của cuốn tiểu thuyết theo lớp lang, phần đoạn; nhưng cấu trúc thời gian đan xen, đồng hiện, phi thực. Trong những câu chuyện được kể/nghe ở thì hiện tại vang lên những câu chuyện từ quá khứ, và ngược lại. Vấn đề của hôm qua (từ nhân vật Sang) và vấn đề của hôm nay (từ khách - con của Sang; cùng với những người đang hiện diện chung quanh anh) bện xoắn vào nhau. Câu chuyện về Sang được kiến tạo nhiều lần. Mỗi mảnh vỡ lượm lặt được từ nghe, thấy và linh giác tự nó đã là những câu chuyện tươi ròng. Sang có mặt ở cõi này như một số phận. Anh tiến sĩ về cõi kia như một định mệnh oan khiên (“…người có vẩy chú ạ, trông như một con rồng bị giết… ngực trái bị phá toát ra”; “Chú ấy không muốn để lại dấu tích gì về mình. Chú ấy muốn biến mất tăm mất tích luôn, sạch sành sanh luôn”). Mỗi lời kể là một mảnh của con người Sang, đồng thời cũng là tự sự về chính cuộc đời người kể. Các tiểu tự sự đan xen. Nhà văn để cho những con người vô danh nói về sứ mệnh của văn chương (“Với đám trí thức các chú thì phúc đức là ở chữ. Chữ mà dữ thì mất phúc, đúng không?” - lời một người xem án; “Cậu là nhà văn cậu cho chị xin một lời. Cậu cũng lắc đầu hả. Thế mà chị cứ đinh ninh nhà văn thì trả lời được tuốt” - lời con gái người dẫn tù); để cho trí thức nói về ma lực của vàng; bác sĩ nói về chuyện tâm linh, báo mộng; phụ nữ loạn luân nói về tình yêu; kẻ thủ ác nói về nhân quả; đàn ông bỗ bã về nữ quyền (“Đàn bà thế hệ chúng tôi nó ngu như con gà mái ấy, cứ bị vật ra là chửa, mà chửa là đẻ, chả biết nạo thai nạo thiếc gì” - lời phu huyệt). Lời kể trong lời kể. Đan xen và đánh tráo mọi điểm nhìn. Càng về cuối truyện, sự chồng chéo giữa quá khứ và hiện tại càng dày đặc. Sự nhòe lẫn giữa các lời kể khiến câu chuyện về Sang trở thành bản hòa âm về một cõi nhân sinh nhàu nát, một thế giới mọi thứ đều trở nên phi lí, đa nhiễu thông tin, nhập nhằng các chuẩn mực đạo đức. Những con người trong cõi nhân sinh ấy sống khổ chết đau. Ít có nhân vật nào lành lặn. Họ bị chèn ép bởi quyền lực, bởi mưu sinh, và muốn vượt thoát. Nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không ráo riết truy tìm nhân vị như những phóng thể hiện sinh. Tuy vậy, họ cũng lạc lõng trong thân phận làm người. Sang là một ví dụ. Anh là một trí thức giỏi, nhiều tài năng nhưng vì cá tính đã bị cô lập hóa, và vì mưu sinh đã dần thay đổi. Sang vừa giống tập thể chung quanh anh trong hoàn cảnh ấy, vừa là một cái khác cũng trong hoàn cảnh ấy. Bi kịch thân phận trí thức phải chăng ở điểm vừa giống vừa không giống này? Nguyễn Bình Phương ẩn giấu điểm nhìn của nhà văn - người viết tiểu thuyết này. Tác giả không luận thuyết, không bày tỏ quan niệm, không nhấn mạnh, không để lộ mỹ cảm nghệ thuật. Tất cả chỉ do người khác kể. Những gì nghe, thấy và ảo giác đã làm nên một câu chuyện khác, ẩn hơn, chìm hơn, không hề xoàng xĩnh; đó là câu chuyện về nhân vị trí thức và phi lí phận người.

Đảm nhiệm vai trò chính trong tác phẩm là Khách - nhà văn, đứa con trai nhỏ ngày trước đã háo hức giục cha “bố mang súng đi cho nó oai” (như một định mệnh), và ngày cha bị kết án tử hình vẫn đi học và chẳng hay biết gì. Ký ức về cha chỉ là một khoảng trắng. Khách đi, ghi chép, thu âm, nghe những câu chuyện khác nhau về cha mình và cái chết của cha. Những gì anh nghe đã dựng lại chân dung người cha, một trí thức “nổi loạn”, vượt khung để khẳng định bản thể. Những gì Khách thấy lại vẽ nên diện mạo đời sống đương đại (từ phòng mạch khám phá thai của vợ anh, căn phòng khách đồ sộ của viên nguyên chánh án, ngôi biệt thự đồ sộ của trưởng công an thành phố…) mà anh là người trong cuộc, người cùng thời, chứng kiến xã hội thực dụng không thiếu những điều phi lí. Từ những gì nghe, thấy, kể cả trong mơ, cái chết của Sang được chiếu sáng từ nhiều góc nhìn (lời kể của nguyên chánh án, phu huyệt, thành viên đội thi hành án, một người xem vô danh, bạn thuở ấu thơ, nguyên trưởng phòng tổ chức v.v). Lắp ghép lại, cái ví dụ xoàng bỗng trở thành điển hình, đại diện cho biết bao phận người trong một cõi nhân sinh hỗn độn, ở đó cái phi lí trở thành hợp lí. Tự sự đa bội người kể chuyện không hẳn mới, nhưng Nguyễn Bình Phương đã làm một khác lạ đáng kể; quá nhiều điểm nhìn (đáng tin cậy lẫn bất tín) - những điểm trùng khít làm nên cá tính một con người, những điều vênh lệch lại làm nên chân dung một cõi người.

Anh tiến sĩ trở thành hiện thân của một thời đoạn lịch sử với những hệ quả nặng nề. Sang là anh trí thức dám khẳng định nhân vị, dám lựa chọn một cách sống anh cho là hợp lí dẫu lệch pha với cái phi lí của thời bao cấp. Sang từng mơ ước một mái ấm trong những ngày du học (“cái vườn rau đánh luống xôm xốp đều tắp”, “cái chuồng gà đầy tiếng lích nhích của lũ gà con”, cái võng giăng dọc nhà với cái tiếng kèn kẹt nhay nhứt của nó”). Anh cũng tạo dựng được một mái ấm, nhưng khi xã hội biến loạn bởi vàng Sang không thể đứng ngoài. Đời sống vật chất như một thỏi nam châm hút và đẩy. Sang bị chính cuộc sống hút vào rồi lại bị đẩy bật ra không thương tiếc. Cũng như Uyên, trong bệnh hoạn bản năng bố chồng con dâu, trong cuộc sống chung với người chồng sống dở chết dở, cô cũng mơ về “một không gian màu lục tỏa sáng bởi những cái cây xanh óng”.

Chung quanh vụ án chấn động đất trời chồng lấn nhiều câu chuyện về một cõi người méo mó, bầm dập. “Thành phố rùng rùng biến loạn bởi vàng”. Những hằn thù chém giết kể cả yêu thương cũng tính theo vàng. Cả một cõi trời vần vũ bởi cái thứ vàng óng, ma mị, làm thay đổi mọi chuẩn mực. Cả một cõi người nhộn nhạo dục vọng, bản năng không được chế ngự. Chuyện mưu sinh, chuyện tính dục, chuyện giết người được làm, nói, kể một cách bình thản. Những cái chết cận cảnh, những sex loạn luân cực điểm thú-người. Ông Chính là ví dụ khác; từ anh kiểm lâm lên đến chức vụ phó chủ tịch thành phố, một đời quyền lực, ham hố, dâm đãng, cuối đời trở thành lão già rệu rạo ngồi lẫn trong chập choạng tối, miệng chảy dãi, lảm nhảm về nhân quả. Việc phạm tội ác của ông Chính là lí trí thuần túy, hành vi loạn luân với các con dâu là bản năng và những lảm nhảm, cáu gắt cuối đời có sự dự phần của vô thức. Ở nhân vật này, hành vi tính dục cũng là biểu hiện của cái ác. Khi đương chức lão ức hiếp cả hai cô con dâu. Khi cái mùi già bắt đầu toát ra từ thân xác thì cái hình hài quặt quẹo ấy vẫn chưa buông bỏ dục lạc. Cuộc loạn luân khốn khổ khốn nạn của bố chồng và con dâu, bên trong là đứa con/người chồng dở điên dở tỉnh (hoặc trước những bức ảnh thờ nhang khói) là kiếp nạn cuối cùng của một con người.

Tự sự về một cõi tâm linh ứng nghiệm

Nguyễn Bình Phương vẫn giữ lối viết dữ dội từ Thoạt kì thủy, Mình và Họ. Hồn. Giấc mơ. Điên dại người. Điên dại thú tính. Cõi nhân sinh chộn chạo, phì đại, vô vàn chuyện bỗng như “lép” đi trước cõi trời lồng lộng. Thiên nhiên vần vũ tâm linh. “Cả bầu trời giống như một chậu xà phòng sủi bọt. Mỗi khi gió ào qua, những cơn gió đầy ngẫu hứng, quầng xà phòng ấy lay động nhòa đi, các đốm trắng chực dan díu vào nhau, nhưng rồi vẫn không thể kết dính thành mảng, mà cứ li ti trong nỗi mong manh rời rã”. Dưới cái nhìn của thuyết vật linh, vũ trụ không còn yên tĩnh. Cả một cõi tâm linh mờ ảo, linh diệu - thiên nhiên, gió sương máu không thực lại trở thành thực chứng cho nhân quả. Máu. Máu nhuộm đất trời, máu ám ảnh dai dẳng. Máu chu du vòng sinh tử. Máu từ những cận cảnh tử tù bị hành quyết, ngực vỡ toang hoác, mắt không nhắm, không gian phủ trùm “sự hằn thù của linh hồn”. Máu nhuộm cả đồi chè. Máu tràn từ những con mắt trần bị “chọc đến nát nhừ” của Ngạc. Cái chết của Bằng với khuôn mặt tràn máu từ hai hốc mắt nhân quả. Máu tanh lợm từ những bào thai bị phá hủy ở phòng khám của vợ Khách, “mùi cồn không át được cái mùi tanh tanh của da thịt bị vằm nát váng vất ở đâu đó”. Mưa. Mưa nhọc nhằn buổi hành quyết (“Mưa như vỡ trời, chú bảo mưa giông vào cuối đông đầu xuân thì chỉ có là quái gỡ chứ là gì nữa”; “Giời mưa giời gió thế này, lại sắp Tết đến nơi, đem nhau ra bắn giết làm gì”). Tính đa nghĩa của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương một phần do sức mạnh của siêu tượng. Trong Mình và Họ, tác giả lặp lại nhiều lần cổ mẫu Lửa để tô đậm cái ác, hận thù, sự hủy diệt. Trong Một ví dụ xoàng, nhà văn mượn sức mạnh của cổ mẫu Nước. Mưa thanh lọc, rửa sạch mọi hận thù, “mưa rửa hận”, mưa cũng tẩy rửa tội lỗi kiếp làm người. Sau cái chết của Bằng, trời đổ mưa, gần sáng thì mưa tạnh - “Uyên bước ra, trời đã quang quẻ, lồng lộng, …mặt hồ bừng sáng vì ánh trăng lớp lớp xối xuống”. Sau cái chết của Sang, nước làm cho siêu thoát (“Mộ có nước thì chết càng mát mẻ”; “Không có nước thì xác nó tan rữa ra thế đéo nào được” - lời phu huyệt). Cái dữ dội, bạo liệt của đất trời được nhà văn mô tả bằng một kiểu diễn ngôn vừa trần trụi vừa gợi ám, một kiểu “diễn ngôn chênh vênh về hiện thực”. Ở một số chương đoạn, qua dòng ý thức của nhân vật, nhà văn đã làm một cuộc đối thoại giữa hư và thực, giữa âm và dương, từ đó cuộc sống hiện ra nhiều chiều, đa dạng đến bất ngờ.

Vũ trụ nhìn thấu những sự thật ẩn giấu. Con mắt thiêng/thiên nhãn rọi chiếu toàn cõi nhân gian: “Lúc bắn xong thì trời nứt ra, phải nói là mở mắt mới đúng, thốt nhiên nó choàng mở ra hệt con mắt mở, rồi chiếu một cái nhìn dẻ quạt xuống xác tử tù”. Như một thế lực phán xét tối cao, con-mắt-trời thấu rõ tội lỗi của ông Chính qua cây quéo già “lay lả muôn ngàn con mắt xanh đen cú cáo…”. Cái ác lấn tràn nhưng “còn ai đó nữa biết tất cả mọi chuyện”. Nguyễn Bình Phương không nhìn sự chuyển vần của tự nhiên từ nhân học sinh thái. Với tâm thức phương Đông, nhà văn biến câu chuyện về nhân vị thành câu chuyện về cõi nhân sinh bí ẩn. Vạn vật hữu linh. Viết nhiều về cái chết, các kiểu chết, với quan niệm duy linh nhà văn nói nhiều về hồn. Trong tiểu thuyết Mình và Họ, cấu trúc văn bản truyện lắp ghép song song giữa hai thực thể độc lập là Hồn và Xác trên hai chuyến xe xuống xe lên. Trong Một ví dụ xoàng, vừa tách bạch vừa hòa nhập xác-hồn, có lúc nhập nhòe ranh giới, Nguyễn Bình Phương làm một cuộc truy vấn tâm linh, dò tìm phần bí ẩn nơi mỗi bản thể người. Motif “hiện hồn/báo mộng” lặp lại nhiều lần như một thông điệp nghệ thuật (dẫu có lúc vượt ngưỡng). Hồn/hồn ma, cái ảo hòa nhòe với cái thực dẫn dụ vào một thế giới hiển linh. Con người không chỉ hiện hữu cõi này mà còn vướng vất ở cõi khác. Hồn xác thực cho cái phi lí trong mối quan hệ người ở cõi sống. Hồn biểu trưng cho những ẩn ức, tội lỗi mờ khuất đã hiển lộ ở cõi kia. Oan khiên. Hệ lụy. Trong hầu hết tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, nhân quả là mấu chốt trong những câu chuyện về cõi người. Nhân quả là một phạm trù tôn giáo gắn liền với cuộc sống con người. Trong cái nhìn của nhà văn, tội ác và trừng phạt diễn ra ngay kiếp này, chẳng đợi kiếp sau. Những giấc mơ của ông Chính về đôi mắt “nham nhở như bị thú rừng moi”. Giấc mơ không biểu hiện “lời kêu gọi của lương tâm” (E. Fromm) mà là sự trừng phạt. Quả báo nhãn tiền. Những con mắt bị chọc mù lởn vởn ám ảnh đeo bám cha và ứng nghiệm ở con. Bằng luôn có cảm giác “mỗi bên mắt luôn có một con rắn đen nhăm nhe thúc vỡ đồng tử”; “Bằng tự nhiên cụt dần chân, mắt mù rồi chết”. Nhân quả khiến cho thế giới trở nên bí ẩn một cách đáng sợ. Suy cùng, giấc mơ, hồn, máu là những kí hiệu nghệ thuật làm gia tăng bản chất phi lí của hiện thực, đồng thời giải mã thế giới bí ẩn hiện tồn.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là những tự sự về cái chết mang chứa suy nghiệm về cái sống. Giữa cõi trời ngập ngụa oan khiên, giữa cõi người nhàu nhĩ, giữa cái chết ngự trị thì sự sống, cái đẹp vẫn lấp lóe. Nên Khách, nhà văn đã lần mò truy tìm quá khứ, để ghi lại, lưu giữ những điều thiện lành. Nên những phận đàn bà vong thân hoặc bị đẩy vào lối sống nhục thể, như Uyên, Vân, Hoa vẫn khao khát một điều gì đấy trong lành. Nên những con người thô lỗ, nói năng sỗ sàng, tục tĩu lại giữ được thiện tâm. Đằng sau thế giới huyền hồ đó là một mảng hiện thực tươi rói sắc màu. Thế giới nhân vật của Nguyễn Bình Phương đầy cá tính, đối chọi nhau, bổ sung cho nhau, soi bóng vào nhau bộc lộ tất cả sự phức tạp trong tính cách con người đương đại.

L.T.H  
(TCSH43SDB/12-2021)



 

 

Các bài mới
Nhớ mùa (06/01/2022)
Làng Mỹ Á (04/01/2022)
Huế đợi (04/01/2022)
Các bài đã đăng
Thu trong ta (27/12/2021)