PHONG LÊ
Nhân 50 năm ngày mất nhà văn Thạch Lam (1942-1992)
Em trai Nhất Linh, Hoàng Đạo, hai nhân vật chủ chốt của Tự Lực văn đoàn (TLVĐ), nhóm văn học, từ nhiều chục năm nay được xem là tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn, nổi lên trên nền văn đàn Việt Nam thời kỳ 1932-1945; nhóm văn học có cơ quan ngôn luận riêng (Phong Hoá, Ngày Nay), có nhà xuất bản riêng (Đời Nay), có nhà in riêng ("Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà"(1)), có tổ chức kết nạp thành viên - những người cùng khuynh hướng hoặc có khả năng đóng góp để giữ vững và phát huy uy tín, có lúc gần như "độc tôn" của văn đoàn mình, như Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu. Được khen ngợi ngay từ tập truyện đầu tay - Gió đầu mùa, mà tôi tin ý kiến đánh giá không phải vì lý do thời thượng (đây là lúc vấn đề bình dân, vai trò người bình dân đang được quan tâm), tất cả các sáng tác của Thạch Lam, sau khi ra mắt trên báo đều được nhanh chóng in ngay thành sách. Đời văn Thạch Lam ngắn ngủi nhưng được hưởng tất cả ưu thế và thuận lợi của văn đoàn mình.
Mất ở tuổi 32, trong cảnh nghèo và bệnh tật. Nghèo, nếu ở Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài là dễ hiểu, thì với Thạch Lam có lẽ phải diễn giải thêm. Ăn lương của TLVĐ, hình như tháng 30 đồng. Nhưng không phải là chăm viết, có lần ông chủ TLVĐ là Nhất Linh giục bài không có, định "cúp" lương. Cái nghề văn chương tự do kiểu Thạch Lam, tuy không quá khốn quẫn như nhiều người viết cùng thời, nhưng hẳn chắc là không dư dật. Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, bà chị sát trên Thạch Lam, còn có tên là chị Năm, thì, trong gia đình, "chỉ mình chú Sáu là đói và nghèo nhất. Nhà tranh vách đất, thậm chí đến cái mền cũng không có tiền mua. Một hôm sang sớm kêu chú có việc, thấy nằm đắp cái chăn dạ mỏng, vì lạnh quá thêm cả cái khăn giải bàn và áo mưa nữa. Nhà ở ven Hồ Tây mùa đông lạnh giá làm sao chịu nổi.
Tôi hỏi thím Sáu cái mền bông đã đặt tiền cùng với chị đâu không đắp. Thím nói cái mền có ba đồng, đặt trước một đồng rồi, còn lại hai đồng thôi mà em vay không được nên đành bỏ mất, có lấy được đâu"(2).
Lại mang bệnh nan y. Và do bệnh nên phải tìm đến ả phù dung - y như Vũ Trọng Phụng. Cái kinh lịch hút xách này, Thạch Lam có dự định trang trải trong một bút ký có tên: Thập niên đăng hỏa. Do hút xách nên mang tiếng là trụy lạc, nhưng thật ra Thạch Lam không phải là người chơi bời.
Nhà ven Hồ Tây, có gốc liễu tự mình trồng. Ưa cảnh sống đạm bạc. Có ba con. Đứa con trai út vừa sinh xong thì Thạch Lam mất trong một nỗi thất vọng vì tử vi cho rằng nếu là con trai thì bố không sống được.
Những ngày cuối cùng sống trong bần hàn. Đại gia đình ly tán. Nhất Linh trốn sang Tàu. Hoàng Đạo và Khái Hưng bị bắt an trí ở Vụ Bản. Thế Lữ và Tú Mỡ trốn lánh. Tự Lực văn đoàn tan rã.
Non mười năm vào nghiệp văn, là một trong "Thất tinh" của Tự Lực văn đoàn, Thạch Lam cho in ba tập truyện ngắn, một tiểu thuyết, một tập ký, và một tập tiểu luận. Đó là một sự nghiệp khiêm tốn so với các thành viên khác của TLVĐ hoặc so chung với nhiều người.
***
Văn phái TLVĐ đóng góp vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam những năm 30, trước hết là tiểu thuyết, thuộc nhiều loại: trinh thám, lãng mạn, luận đề, tâm lý - xã hội.
Là thành viên của TLVĐ, Thạch Lam cũng viết tiểu thuyết, nhưng chỉ với một cuốn duy nhất: Ngày mới. Trên mục Theo giòng của Ngày Nay, Thạch Lam giành nhiều kỳ bàn về tiểu thuyết, là thể loại, theo ông, xuất hiện cùng với nhu cầu tìm hiểu và chiêm nghiệm thế giới bên trong con người, là thể loại hướng vào sự phân tích và phô diễn các trạng thái tâm hồn của con người. Tiểu thuyết "giúp cho đời sống bên trong được dồi dào, sâu sắc thêm"... "Người đọc tiểu thuyết là một người đọc yên lặng, hay nghĩ ngợi, suy xét và tìm trong tâm lý các nhân vật của truyện những tư tưởng và ý nghĩ của chính mình"(3).
Đây là những quan niệm mới về tiểu thuyết, nhằm đưa dần nền văn xuôi quốc ngữ Việt Nam thoát ra khỏi sự khô cứng của luân lý, đạo lý, của văn chương giáo huấn và tải đạo mà hoà nhập vào nền văn xuôi thế giới hiện đại. Thần tượng mới về tiểu thuyết được Thạch Lam sùng bái là các nền tiểu thuyết Pháp, Anh, Nga, trong đó ông đặc biệt ca ngợi tên tuổi các tiểu thuyết gia Anh và Nga. Với tiểu thuyết Nga, đó là Lép Tônxtôi và Đôtxtôiépxky, nhất là Đôtxtôiépxky, người mà theo Thạch Lam "có lẽ là nhà văn viết tiểu thuyết có giá trị nhất của thế kỷ và trên toàn cầu"(4).
Nhưng yêu cầu đối với tiểu thuyết và nhận thức về khả năng của tiểu thuyết, nếu chỉ giới hạn trong khuôn khổ như vậy thì còn hẹp, thậm chí là quá hẹp. Bên cạnh việc đi sâu vào thế giới bên trong con người, tiểu thuyết còn là cả một bức tranh đời rộng rãi - một tấn trò đời, với những ba động hoặc xung đột xã hội, với những tính cách và số phận con người như là sản phẩm là hiện thân, là phát ngôn cho xã hội. Nếu chỉ hướng tới đời sống bên trong với những phân tích và cảm nhận về tâm hồn, tình cảm con người, thì chỉ là một mặt, và cũng chưa dễ đem lại một sức hấp dẫn đặc biệt. Có lẽ do bị giới hạn trong quan niệm ấy, nên tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam không gây được chú ý trong hàng loạt tiểu thuyết với rất nhiều xu hướng, làm thành bộ mặt văn xuôi Việt Nam trong giai đoạn chuyển biến quan trọng những năm 30.
Sở trường và đóng góp của Thạch Lam chính là truyện ngắn. Các thành viên của Tự Lực văn đoàn cũng nhiều người viết truyện ngắn, với các tập: Anh phải sống của Nhất Linh và Khái Hưng, Tối tăm và Hai buổi chiều vàng của Nhất Linh, Đợi chờ và Hạnh của Khái Hưng, Tiếng đàn của Hoàng Đạo. Vào những năm 40, xuất hiện tiếp hai tập truyện, theo tôi, chịu rõ rệt ảnh hưởng của Thạch Lam là Hoa vông vang của Đỗ Tốn và Quê mẹ của Thanh Tịnh... Nhưng số lớn gia tài truyện ngắn đó dường như không có đủ độ bền để sống với thời gian, như không ít truyện của Thạch Lam.
Gió lạnh đầu mùa, Cô hàng xóm, Hai đứa trẻ, Hai lần chết, Tối ba mươi, Tình xưa, Sợi tóc... là những truyện tôi muốn đem vào bộ tuyển những truyện ngắn hay của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Đó là những truyện nói với chúng ta trong một sự cảm thông thật thấm thía và tự nhiên về những cảnh đời của dân tộc. Những cảnh đời, có giàu và nghèo, có thôn quê và kẻ chợ, có trí thức và nhân dân, có người lớn và trẻ con... Có thể liệt kê ra nhiều mảng đời, nhưng cái làm nên ấn tượng chung về thế giới nghệ thuật Thạch Lam, đó là cảnh ngộ và số phận con người trong rất nhiều khoắc khoải, lo âu vì cái nghèo, vì những bất công, oan trái, vì trăm thứ tai họa dồn lên những kiếp sống mong manh, không nơi bám víu, nương tựa.
Dường như Thạch Lam không viết gì ngoài những cảnh đời ông đã sống và chứng kiến. Mà cuộc sống của ông thì suốt tuổi thơ là quê ngoại, phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, và tuổi thành niên, lập nghiệp là Hà Nội "36 phố phường", đã vào văn ông như là sự thu nhỏ của xã hội Việt Nam trong giao lưu Đông Tây và giao thoa mới cũ. (Có điều hơi lạ là mấy năm Thạch Lam vào Sài Gòn với Hoàng Đạo, lại không có mấy dấu vết trong văn). Tất cả ký ức của tuổi thơ ông đã vào văn, làm thành những mảng sống vừa u buồn, vừa phủ một chất thơ, nó là kỷ niệm được lọc qua hồi tưởng của một người thích suy tư và chiêm nghiệm.
Cũng cần bổ sung vào cảnh đời trên, hình ảnh những ông đồ nho nghèo, thất thế, sống vô vị, nhàn rỗi mà như lắm ưu tư, phiền muộn; một "người lính cũ" có một thời hoàng kim nơi viễn xứ nay trở về trong cảnh ngộ sa sút đến thân tàn ma dại; một "người đầm" lạc lõng và khó hiểu trong con mắt người bản xứ ở cái vẻ giản dị, nhũn nhặn, rụt rè, chắc là vừa mới từ "chính quốc" sang, không biết rồi ra có còn giữ được cốt cách "bình dân" ấy nữa không? Nhưng đậm đà nhất vẫn là Thăng Long - Hà Nội "36 phố phường", với tất cả phong vị của các món ăn, các thú chơi quen thuộc và thanh lịch dường như đã có phôi pha, mất mát đi theo thời gian, mà Thạch Lam kể lại với không ít nuối tiếc, cùng biết bao là thành kính và thi vị.
Hãy thử tưởng tượng nếu thiếu đi Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam thì người Hà Nội là chúng ta hôm nay biết lấy gì để có thể hình dung, về những gì còn - mất của Thăng Long "nghìn năm văn vật"!.
Ở thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam, tất cả đều hiu hiu, đạm đạm, không có sự chói gắt, không có những vang động mạnh, nhưng lại gợi bao ám ảnh về số phận con người, về sự tối tăm của các cảnh đời. Những truyện hay của Thạch Lam, thường có nhiều bóng tối; không phải cái "tối như mực", mà cái tối của hoàng hôn, của ánh ngày tàn. Những mảng tối trên con đường làng mấp mô chân trâu, dưới bóng những rặng tre xẫm đen dần khi đêm xuống trên con đường về nhà của "cô hàng xén”. Những khoảng tối trên đường phố huyện, có chõng hàng của "hai chị em" dưới ánh sáng le lói và cảnh quãng của những ngọn đèn dầu. Và những khoảng tối trong đêm giao thừa, "tối ba mươi", như tràn ngập cả dãy phố hẻm có ngôi nhà "xăm", chỉ còn hai phụ nữ, hai chị em là Liên và Huệ.
Có thể nói một dấu ấn hiện thực như vậy trong văn Thạch Lam. Và nếu sự cảm nhận về hiện thực nơi Thạch Lam là ở các sắc xám nhờ và heo hút không mấy khi chói gắt, thì thái độ của người viết trước hiện thực cũng là một thái độ trầm tĩnh, nhẹ nhàng. Kể chuyện "nhà mẹ Lê", với cái chết cầm chắc của cả đàn con, của 11 đứa con, nhà văn chỉ gợi: "Giá như có người mướn làm thì không đến nỗi!". Nhập thân vào Liên và Huệ trong Tối ba mươi, cũng có lúc tác giả như đứng tách ra: "Tết đến nơi rồi. Tết đến thăm nàng ở đây, trong cái buồng nhà "xăm" này, cũng như đến những nơi thơm tho đầm ấm".
Những gương mặt "phản diện" thường là hiếm, và nếu có cũng chỉ thấp thoáng trong văn Thạch Lam: một bà Cả trong Đứa con, một ông Bá và cậu Phúc trong Nhà mẹ Lê, một anh Tâm trở nên giàu có trong Trở về... Nhà văn dường như không chủ tâm nói đến họ. Đúng như nhận xét của một người phê bình đương thời: “Ông đem hết tâm hồn ra để ghét nhưng chỉ lãnh đạm nói đến họ".
Lại cũng có thể nói đến một dấu ấn lãng mạn trong văn Thạch Lam, như cái thế giới vợ chồng và gia đình Trường và Trinh, gắng gỏi rứt ra khỏi cái lục đục của cảnh túng nghèo mà tìm ra "ngày mới", nhờ ở sự tâm niệm hạnh phúc là do tự trong lòng mình mà ra, là ở ngay trong lòng mình. Nhưng nếu khó có thể tin ở hạnh phúc của "ngày mới" một cách "duy tâm" như thế, thì sự bâng khuâng trước cái đẹp thanh sạch và trong trẻo của tình người trong Dưới bóng hoàng lan lại có cơ sở hiện thực, và là điều có thể chấp nhận. Không gian truyện ở đây thật tĩnh lặng và đầy hương thơm. Còn thời gian thì như trong một sự ngưng đọng. Cái ngưng đọng bắt đầu từ khi nhân vật chính là Thanh từ tỉnh về: "Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”. Cho đến lúc Thanh ra đi: "Chàng vẫn bé quá và lại đi xa".
Đây là sự ngưng đọng trong một thế giới biến đổi. Nếu sự biến đổi là theo chiều hướng tàn lụi, bi quan thì sự ngưng đọng là để níu giữ, để bảo tồn những gì tốt đẹp, những gì là niềm vui và chỗ dựa cho con người. Nhân vật chính trong Dưới bóng hoàng lan ra đi về phía tỉnh thành, nhưng không nguôi nhớ mảnh đất quê, nơi có một người con gái "vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương". Thơ mộng quá chăng? Có lẽ! Nhưng theo tôi đây là một hương vị thơ mộng không tiêu cực, nó mong muốn cho sự thủy chung, và gợi thức ở ta tình người và niềm vui sống.
Vậy thì xếp Thạch Lam vào đâu, giữa hai ô hiện thực và lãng mạn, trong khuynh hướng lãng mạn chung của TLVĐ? Cả một thời gian dài tôi đã thử xếp, lúc phía này lúc phía kia. Thật ra thì để vào ô nào cũng là có cơ sở. Điều quan trọng phải chăng là: hiện thực hoặc lãng mạn, cả hai đều mang dấu ấn riêng của Thạch Lam. Hiện thực - không phải như một sự cày xới ngổn ngang những vỉa sống đầy đau khổ và bi đát, như Chí Phèo hoặc Tắt đèn; và, lãng mạn, không nhằm đưa con người thoát ly và quay lưng với thực tại như Hồn bướm mơ tiên hoặc Bướm trắng...
* * *
Từ khoảng cách trên nửa thế kỷ phát triển của văn học, cho đến hôm nay, bao nhiêu giá trị đã bị chìm vào quên lãng, bên cạnh những giá trị đang sống lại. Sự sống lại những giá trị văn học tiền chiến, trong đó có TLVĐ là hiện tượng ta đang chứng kiến, nhưng tôi không tin tất cả những gì TLVĐ sản sinh ra đều cần được khôi phục lại. Nhiều giá trị mà TLVĐ xây dựng được đã bị thời đại vượt qua, có bộ phận đã bị vượt ngay từ trước 1945. Còn Thạch Lam thì tôi vững tin ở sự tồn tại, nếu không là tất cả thì cũng là phần lớn những gì ông đã viết.
Thạch Lam có quan niệm dứt khoát về thiên chức của văn chương: "Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn"(5). Có lẽ cả hai phương diện, vừa tố cáo, vừa xây dựng, đều được Thạch Lam chú ý, trong phần thành công của nó, các dấu ấn hiện thực và lãng mạn trong văn Thạch Lam đều tìm được sự gắn nối ở chính quan niệm này.
Ở tư cách nhà văn, Thạch Lam đòi hỏi rất cao phẩm chất trung thực của người nghệ sĩ. Ông viết: "Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật.
Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay mà thôi"(6).
Giữa sự khéo tay, sự tinh thông các kỹ năng, với giá trị văn chương, nghệ thuật đích thực còn là một khoảng cách. Khoảng cách đó, theo Thạch Lam, chỉ có thể rút ngắn hoặc khắc phục bằng sự thành thực. Tôi hiểu đấy là sự thành thực với chính bản thân, và từ bản thân mà thiết lập một quan hệ tin cậy với thế giới bên ngoài, thế giới người đọc.
Hiểu vì sao ta ít thấy cảm giác giả trong văn Thạch Lam. Và cái cảm tưởng của Khái Hưng khi đọc văn Thạch Lam, thấy "rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực" là có lý.
Đối với Thạch Lam, văn chương là văn chương. Tất cả mọi giá trị mà văn chương có thể mang lại phải được tạo nên chính từ giá trị văn chương.
Có lẽ đây là chỗ phân biệt Thạch Lam với ba cây bút chủ chốt của TLVĐ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo.
Nói theo ngôn ngữ đương thời, có thể xếp Thạch Lam vào phía "nghệ thuật vị nghệ thuật"! Một quan niệm được hiểu, trong phần cơ bản của nó, theo cách của tác giả Thi nhân Việt Nam, năm 1942.
Thạch Lam viết: "Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứ không có thể học tập mà thành được (...). Người ta có thể tập nghe cho tinh tường, tập trông cho chu đáo, nhưng không có con mắt của linh hồn (tôi nhấn mạnh) thì không bao giờ soi thấu được các bí mật của tâm lý. Các nghệ sĩ là những người không có một cái khoa học nhân tạo nào có thể gây thành được. Họ vẫn là những sản xuất của bao nhiêu thế hệ, theo một cách thức chung đúc huyền bí và không có luật lệ; họ là những cái sinh sản bất ngờ, những cái đột nhiên kỳ dị và ghê gớm của vũ trụ. Nhân vật ra ngoài khuôn khổ thường, các nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng rất hiếm. Tìm được đích đáng, và tìm được nhiều, đó là danh dự của cả một thời, cả một dân tộc"(7).
Sự sàng lọc của thời gian quả là khắc nghiệt. Mỗi thế kỷ văn chương còn lại được mấy người? Và trước hoặc sau một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một Nguyễn Du, một Hồ Xuân Hương... danh sách còn lại là những ai? Những câu hỏi như vậy có thể là lẩn thẩn và rất dễ bị quy là hư vô, hoặc là duy tâm, thần bí. Nhưng sự thật là thế, và ta nhớ lại chính ý kiến của Lênin: Tài năng là hiếm!
Người ta sinh ra có là nghệ sĩ hay không? Một loạt tên tuổi đã đến rồi đi như những ánh sao băng, trong sự mỏng manh hoặc dồn ép của số phận, trước sau thời điểm 40: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam... Và với tuổi hai mươi đã đạt được tầm cao, hoặc đỉnh cao sự nghiệp: Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính...
Thạch Lam, mà TLVĐ là mảnh đất ươm, là nơi sinh thành, nhưng Thạch Lam đã xác định giá trị riêng của mình, đã đứng chính trên đôi chân mình - một nghệ sĩ (chứ không phải là hiệp sĩ, là ẩn sĩ, hoặc "chiến sĩ"), với niềm tha thiết với bản sắc dân tộc, và với biết bao ưu tư, suy ngẫm về đất nước và con người.
P.L
(TCSH52/11&12-1992)
-------------------
Chú thích:
(1) Vế đối đặt ra cho bạn đọc, trên Ngày Nay, khi TLVĐ có nhà in riêng.
(2) Hồi ký; Sóng; Sài Gòn; 1974, Tr.104.
(3) Trích theo Tuyển tập Thạch Lam; Phong Lê tuyển chọn và giới thiệu; Nxb. Văn học, 1988. tr.282.
(4) Sách trên; tr.307.
(5) Lời tựa Gió đầu mùa, Nxb, Đời nay, 1937.
(6)Tuyển tập Thạch Lam ; Sách đã dẫn; tr.280.
(7) Sách đã dẫn, các trang 318, 319.