Tạp chí Sông Hương - Số 53 (T.01&2-1993)
Chuyện đá gà ở Huế
16:00 | 11/03/2022


NGUYỄN TRÙNG DƯƠNG

Hầu như từ muôn thuở, trên thế giới, con người vẫn thích nhìn trò đấm đá nhau.

Chuyện đá gà ở Huế
Ảnh: internet

Người đấu người đến chết như các lực sĩ giáo đầu ở La Mã, người đấu vật đến chết như trò đấu bò rừng ở Tây Ban Nha, vật đấu vật thì nhiều vô kể: chơi đá chim, đá cá, chọi dế, chọi trâu, voi hổ đấu chiến v.v... nhưng có lẽ đá gà là môn chơi phổ biến được nhiều người say mê và ưa thích nhất ở nước ta.

Người Huế cũng rất ham thích nuôi gà chọi và xem đá gà:

Hẳn là thú chơi gà chọi ở Huế đã có từ lâu, nhưng phát triển mạnh là từ đời Thiệu Trị. Hầu như tất cả các hoàng tử con vua Thiệu Trị đều thích chơi gà chọi, ngoài thú làm thơ, xem tuồng, bắn chim. Các ông hoàng khi được xuất phủ lúc 18 tuổi lại còn có điều kiện hơn để theo đuổi nghệ thuật chơi này.

Tùng Thiện công Miên Thẩm cùng con là Hồng Phì rất ham chơi gà chọi. Trận đấu gà chọi dậy tiếng khắp đế đô giữa con Xích long của gia đình Tùng Thiện công với con xám của Trung quân đô thống Đoàn Thọ là một trận đấu ác liệt chưa từng có. Mặc dù con Xích Long đã bị con Xám đá mù cả hai mắt vẫn quyết chiến không lùi, cuối cùng đã lựa thế, nghe gió để đá rách diều, kéo cổ con Xám xuống, đá thốc một đòn sấm sét vào ức; Xám phải kêu quang quác tháo chạy ra khỏi xới trường. Nhưng con Xích Long đã gục chết trong tay chủ. Đó là số mệnh của nó. Tướng của Xích Long là gà thần, bách chiến bách thắng vì có một lông voi ở đuôi, song nó có một cái mống ở đuôi mắt nên không tránh khỏi tay tử thần.

Tả quân Lê Văn Duyệt là một kê sư, có viết cuốn sách chuyên về nghệ thuật xem tướng gà là Kinh kê. Trong các loài thú, xem tướng gà chọi tinh vi là khó khăn hơn cả. Sau khi ông Duyệt, qua án văn tự của Nguyễn Văn Thuyên, đã hại ông Nguyễn Văn Thành đến bức tử, dân Huế ghét cái trò xúc xiểm giữa những người đồng sự với nhau, mới truyền miệng hai câu:

Nhất gà trng không mồng
Nhì đàn ông không c...

Để ám chỉ hoạn quan Lê Văn Duyệt. Sự thật, gà trống không mồng đá độc vì có lợi thế, địch thủ không thể dùng mỏ thộp mồng để dúi đầu mà đá thốc lên. Cú đá có thể làm cho địch thủ bị ngã quay giữa xới trường chờ chết.

Qua các triều vua Nguyễn, chọi gà vẫn được nhiều ông Hoàng say mê. Ông Hoàng Mười, em Thành Thái đã lập một đấu trường chọi gà ngay trong phủ của mình. Đấu trường vẫn tồn tại đến những năm đầu thế kỷ XX. Mệ Ung Tương, con An Thành Công, cháu nội vua Thiệu Trị, có con gà chọi quý giá thuộc loại gà tài, có nhiều cú gà độc, nhiều người hỏi mua với giá cao đến mấy cũng không chịu bán. Mệ nhốt vào lồng, đặt trong một cái buồng, khóa hai ba lượt, thế mà kẻ trộm dò xét được, ban đêm trèo lên mái ngói, phá mái chui xuống bắt trộm. Mệ Bửu Khởi cũng là người rất am tường nghệ thuật nuôi và đúc gà chọi, đã tạo được nhiều con gà chọi nổi tiếng gà tài, là loại gà có nhiều thế đá hiểm hóc.

Trong số những ông hoàng say thú chọi gà, có lẽ Hải Ninh quận công có số phận hẩm hiu nhất.

Đương thời, Hải Ninh quận công thích nhất hai thứ: xem hát bội và chọi gà. Công đã lập một ban hát gia đình mà các diễn viên chính là các bà vợ hầu của ông. Nhưng là một người phóng túng, lãng tử, ăn chơi trác táng, Công đã phá hết sản nghiệp, cuối đời phải sống trên một chiếc noốc nuôi lợn, lại chết giữa trường gà, khi chết rồi, nhà quá nghèo túng, không đủ tiền mua vải liệm nên phải thay bằng áo giấy. Cụ Tiểu Thảo Hồng Thiết có vịnh một bài thơ sau:

"Mới nghe tiếng hát bữa hôm qua
Đau đớn làm sao đến thế mà.
Sng ở lui cui bên noc lợn.
Chết nằm lăn lóc giữa trường gà
Ba sinh duyên phụ cùng dì Đá(1)
Chín sui tình chung với mụ Na(2)
Chẳng biết nhà ngài sao đến thế.
Mang hia đội mão ca ông bà"

Nếu các ông Hoàng ham thích gà chọi, để lại nhiều kỳ tích trong việc luyện gà, thì dân gian xứ Huế cũng có nhiều tay chơi lão luyện không kém.

Người mê mẩn với thú đấu gà chọi nhất ở Huế có lẽ là ông Ba gà. Đây là tên ghép của người Huế đặt cho ông. Đâu có đấu gà, ở đó có Ba gà. Suốt cuộc đời ông là ở các xới gà, từ sáng sớm đến tối mịt. Ông tuy không phải là một tay đúc gà chọi, nhưng là một tay thiện nghệ trong nghề vô nước, om bóp gà chọi sau một hồ đá (khoảng mười phút). Chẳng phải ai cũng có tài này, mỗi nghề có một nghệ thuật riêng. Ông Ba gà theo các chủ gà, với nghề này, ông đủ sống phong lưu suốt đời cho đến lúc nhắm mắt thọ gần 100 tuổi.

Những nhân vật tiếng tăm khác của nghề chơi gà chọi ở Huế là ông đốc Thuật, ông đốc Sanh, hai nhà giáo; ông Mùi ở Bao Vinh, ông chủ tiệm cà phê Lạc Sơn và ông Đệ, chủ rạp hát Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo. Những người này đã tạo được một giòng gà riêng, có những thế đá hóc hiểm, độc đáo. Giòng gà Lạc Sơn, giòng gà ông Độ có tiếng vang ngoại tỉnh. Riêng ông Đệ khi vào Nha Trang, trở thành một chủ nuôi gà chọi lừng lẫy ở Nha Thành. Khắp nơi trong nhà ông, san sát những chuồng gà chọi.

Hai tay chuyên viên về chăm sóc gà trong khi giao chiến hiện còn ở Huế là hai anh Mai và Lự, sau mỗi hồ, các anh chuyên khâu mắt, khớp mỏ, chăm sóc gà, như những bác sĩ chuyên môn. Chẳng ai thạo nghề bằng hai anh này, tại xới trường gà chọi của ông Dĩnh ở An Hòa còn lại hiện nay ở Huế.

Cho đến sau giải phóng 1975, dân Huế vẫn còn ham thích chọi gà. Trận đấu huyết chiến kỳ phùng địch thủ vang danh nhất là trận đấu ở sân nhà anh Nguyễn Trọng Nhân năm 1976, giữa con gà Bông ngũ thể mao của anh Lê Văn Kinh ở chợ Xép với con Ô Tía của anh Thanh. Con Ô Tía đã ăn mấy độ trong Đà Nẵng, còn con Bông đang hồi sung sức, vừa mới lắt tai chưa lành hẳn.
 


Trong hồ đầu xung trận (giao nạp), con Bông đá rất bay bướm, Ô Tía thủ thế, chờ sơ hở của địch thủ để tung đòn.

Sau năm phút nghỉ, sang hồ hai, giữa hiệp chưa có gì lạ xảy ra. Bỗng nhiên, do thanh niên quá sung sức con Bông dùng mỏ chụp đầu Ô Tía, quất một cú khấu đầu như trời giáng, con Tía chúi đầu quay như chong chóng mấy vòng quanh xới gà. Vì dùng lực quá mạnh nên chính con Bông cũng bị trấu (khớp mỏ), chân phải bị gãy quặp. Hồ thứ hai dứt trong tình trạng cả hai đều bị thương tích nặng: Ô Tía bị chớm cần cổ, con Bông khớp mỏ, gãy chân.

Sang hồ ba, con Bông dùng chân phải trụ, tuy mổ bắt không dính, nhưng nó bay qua bay lại dùng chân trái đá. Ô tía chớm cần cổ, mệt lữ, nằm giữa hồ đấu chịu trận. Mỗi lần thấy con Bông xẹt qua, xẹt lại, lông nó dựng đứng lên, máu trào ra miệng. Nó có sức bền không thể tưởng tượng được.

Cứ thế, qua hai mươi hồ giao đấu, khởi từ 8g sáng đến 6g chiều, con Bông vẫn dùng một chân để đá. Ô Tía vẫn nằm lỳ chịu đòn. Cả hồ trường vang lên tiếng gào: "Lý Tiểu Long, Lý Tiểu Long".

Lý Tiểu Long xẹt như chớp qua đầu Ô Tía, Ô Tía cứ giữ vững tư thế nằm lỳ chịu trận, máu đầm mình, nhưng vẫn dũng cảm không bỏ chạy. Theo nguyên tắc, nếu gà không mổ nữa, bất động - thì phải chịu thua, nhưng thấy Ô Tía quá dũng cảm, nên tất cả đồng tình cho đấu. Đến tối, thấy cuộc chiến bất phân thắng bại, vì không con nào bỏ chạy, anh Nhân phải xử hòa.

Sau trận đấu, trên đường về, Ô Tía gục chết trên tay chủ vì kiệt sức. Con Bông không thể ra trận được vì què chân. Sau được chủ bán để đưa vào Nam đúc giống với giá 5.000đ (tương đương 5 lượng vàng). Trận đấu vang dội ra Hà Nội, vào Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh. Bông là con thần kê duy nhất còn lại sau giải phóng: nó có tướng vảy trấn nên không ăn độ được.

Mệ Bửu Khởi đã già, không dự trận đấu được, nghe tiếng chống gậy đến tận nhà anh Kinh để xem tận mắt con thần kê. Mệ đứng lặng hồi lâu, xem xét con gà thần, khi chủ nhân đang lui cui ngoài sân dọn dẹp. Đến khi quay lại, thấy mệ vẫn chăm chú không rời mắt vào con Bông, chủ nhân lên tiếng chào hỏi, thì Mệ nhỏ nhẹ, chậm rãi nói:

- Tôi chơi gà suốt cả đời, chỉ có mấy con gà tài, nhưng thần kê như con này thì chưa hề thấy.

N.T.D.
(TCSH53/01&2-1993)

----------------------
(1) và (2): Các bà hầu của Hải Ninh quận công.

 

Các bài mới
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Hương cổ tích (24/03/2023)
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)