Tạp chí Sông Hương - Số 53 (T.01&2-1993)
Trò chuyện với nhà thơ Trinh Đường
15:13 | 26/04/2022


Phóng viên TCSH: Hình như từ trước có một sự gợi ý của ai chăng, công trình anh đang làm: Một thế kỷ thơ Việt?

Trò chuyện với nhà thơ Trinh Đường
Nhà thơ Trinh Đường - Ảnh: baodanang.vn

Trinh Đường: Dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có phát biểu "Đã đến lúc nên nhìn lại chặng đường văn học nửa thế kỷ qua, khẳng định cái được, cái mất. Cũng đã đến lúc làm một cuộc tổng kết về bước phát triển của văn học sử của dân tộc chúng ta trong thế kỷ 20, chuẩn bị hành trang để bước vào kỷ nguyên tới... Công trình tôi đang làm xuất phát từ đó...

P.V: Việc gì cũng bắt đầu từ sáng kiến cá nhân, nhưng một mình anh làm sao có thể tiến hành một công trình đồ sộ như vậy?

T.Đ: Các bạn tôi Tế Hanh, Huy Cận, Anh Thơ là ba trong nhiều người đầu tiên nhiệt liệt ủng hộ việc làm của tôi. Hàng nghìn thư và thơ gửi tham gia, chứng tỏ các bạn thơ và yêu thơ cả nước đều hưởng ứng. Có tự tin mới làm nhưng phòng hạn chế nhiều mặt, tôi có mời một số bạn thơ cùng làm.

P.V: Anh có thể cho biết tên là những ai?

T.Đ: Tập sách ra đời phải dành trang trước ghi tên nhóm biên soạn. (Gồm có ba bạn trong nhóm văn học Khuê Văn thành lập hơn mười năm nay của tôi: Trinh Đường, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện và ba bạn nữa: Tế Hanh, Ngô Văn Phú, Anh Ngọc). Đa số bạn trong nhóm đều đủ trình độ cáng đáng công trình này. Để bảo đảm tối đa kết quả, chúng tôi còn khai thác chất xám ở rất nhiều nguồn khác nhau trong cả nước.
 

Nhóm Khuê Văn - Hà Nội: Hàng đầu từ trái qua là các nhà thơ:Trần Lê Văn, Trinh Đường và Huy Cận - Ảnh: baodanang.vn


P.V: Anh cho biết tính chất công trình này so với những tuyển thơ đã có?

T.Đ: Trước hết là thơ hay xét trên bình diện thế kỷ. Cùng với cái hay có ít nhiều gắn bó với lịch sử. Ví dụ thơ Hồ Chủ Tịch gắn với việc Bác làm cách mạng bị ở tù, như bài "Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc" của Văn Cao gắn tình hình đói kém trước khởi nghĩa 45... Nhưng nhiều bài đã in với số lượng cao góp phần đẩy mạnh việc đánh thắng quân thù, chúng tôi quý nó, nhưng vẫn không tuyển vì lẽ nó không hay. Công trình này còn khác ở nhiều hợp tuyển khác ở chỗ tập hợp những bài thơ hay có tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân bản của các bạn thơ trong các vùng tạm chiếm cũ và kiều bào ta ở nước ngoài không phân biệt chính kiến và khuynh hướng nghệ thuật.

P.V.: Những khó khăn lớn nhất trong công việc của anh và nhóm tuyển?

T.Đ: Nhiều. Trước nhất là trình độ, tạm được giải quyết bằng "đông tay vỗ nên kêu" của cả nhóm. Thứ hai là khách quan không thiên vị, được giải quyết bằng cách giấu tên tác giả trước khi đưa ra cho nhóm tuyển. Thứ ba là tiền. Cả nhóm đều làm với đồng lương hưu, lương tại chức... và nhuận bút nhì nhằng. Tinh thần và công sức không thể thay thế cho dinh dưỡng cần thiết khi làm, chúng tôi đang tìm một Mạnh Thường Quân tài trợ cho khoảng ba bốn triệu gởi Ngân hàng lấy lãi để làm mà chưa biết ai là người sẽ vì nghĩa, và cố nhiên vì nền thơ ca của đất nước, đứng ra giúp chúng tôi làm tròn nhiệm vụ to lớn này.

P.V: Anh cho biết số lượng trang sẽ in và thời gian ấn hành.

T.Đ: Nhóm tuyển chúng tôi đã họp phiên đầu và thống nhất với nhau sẽ in làm ba tập. Tập I từ đầu thế kỷ đến 45. Các cụ như Tú Xương, Yên Đỗ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh... mở đầu rồi qua cái cầu nối là Tản Đà đến Thế Lữ, Xuân Diệu... Tập này làm xong giữa 93 và in ngay sau đó. Tập II gồm các nhà thơ cách mạng và kháng chiến, các bạn thơ vùng tạm chiếm trước và kiều bào ta ở nước ngoài từ 45 - 75. Tập này làm xong cuối 93 để in. Tập III giành cho các bạn thơ xuất hiện sau 75, làm xong giữa 94 để in. Ba tập ước lượng 2000 đến 2500 trang.

P.V: Tôi đã đến nhà anh. Có thể nói anh là đại biểu tiêu biểu cho tầng lớp dân nghèo thành thị. Vậy tiền đâu để in?

T.Đ: Tôi rất hân hạnh được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam nhận in cả ba tập. Tiền khó với tôi đã đành nhưng cũng không dễ đối với Nhà xuất bản. Nhận lời hỗ trợ, tôi có nhằm nhiều nguồn tiền. Hoặc một cá nhân hay một xí nghiệp hào phóng, một tổ chức văn hóa trong ngoài nước, nhưng chỗ tôi hy vọng nhiều nhất và cũng để dành cái vinh dự, và để đền ơn đáp nghĩa cho nơi đã sinh ra tôi, là bà con tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng mà đại diện là Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh. Gạch ngói có thể hư nát, chứ tập một thế kỷ thơ Việt này sẽ sống ngoài vòng dâu bể. Nếu lãnh đạo tỉnh sinh quán của tôi nhận tài trợ để in tập này, thì nói cho có hình tượng, tức là dựng một ngôi nhà bằng thơ cho cả nước. Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ QN-ĐN, nghe tôi trình bày đều tin tưởng rằng Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân Tỉnh QN-ĐN sẽ hào hiệp tài trợ để xuất bản công trình thế kỷ này.

P.V: Cám ơn anh Trinh Đường về buổi gặp gỡ bổ ích anh đã dành cho TCSH?

P.V
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

 

Các bài mới
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Thư cuối năm (31/03/2023)
Hương cổ tích (24/03/2023)
Bệnh Đan Thiềm (24/03/2023)
Nàng Hoạn Thư (08/03/2023)
Các bài đã đăng