TÔN THẤT BÌNH
Nước Trung Quốc, về thời cổ "Vua Hán Vũ Đế (140 - 86 tr. Tây lịch) định lễ Giao tự để tế tiên địa tôn miếu và bách thần, mới đặt ra nhạc phủ.
Vua cử Lý diên Niên làm Hiệp luật Đô úy, trông coi dạy nhạc và dạy bọn ca sinh múa hát ở Nhạc phủ. Từ đấy các vua đời sau đều bắt chước noi theo".(1)
Nước Nam ta ở gần Trung Quốc, các vua ta cũng bắt chước vua chúa Trung Quốc lập ban Nhã nhạc, dùng khi tế tự Giao Miếu và Ban Nữ nhạc dùng trong những dịp khánh tiết, tiếp đãi sứ thần ngoại quốc hay trong lúc yến tiệc.
Nhạc lễ cung đình Huế cũng theo phương thức của các tiền triều. Ngoài Nhã nhạc (còn gọi là tiểu nhạc, bát âm(2)), nhạc lễ cung đình Huế còn có Nhạc huyền (dàn nhạc) và Đại nhạc (quan nhạc).
Nhạc lễ cung đình Huế được cử trong những ngày lễ đại triều và thường triều. Nhà Nguyễn mỗi tháng lấy ngày mồng một, ngày rằm, Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương, lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), Thánh Thọ, (sinh nhật Hoàng Thái hậu), lễ đăng quang của vua, ngày truyền lô thi đình và những ngày được xếp vào Đại lễ, thiết Đại Triều Nghi ở điện Thái Hòa, mỗi tháng lại lấy ngày mồng 5, 10, 20, 25 Âm lịch thiết thường triều ở điện Cần Chánh.
Ngoài ra, vào những đại lễ Tế Giao, lễ Tịch điền, Hưng quốc Khánh niệm, tế ở Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu đều dùng Nhạc lễ.
Ty Bả lệnh dàn Nhã nhạc một bộ có một trống cái, hai trống con, hai trống tiểu bồng, một trống yêu cổ, hai đàn nguyệt, hai đàn tam, hai đàn tỳ, hai hồ, hai nhị, hai kèn, một sênh tiền, một tam âm, do nhạc sinh Thư Hòa Thanh đội mũ tú tài, mặc áo giao lĩnh điều khiển.
Nhạc huyền (dàn nhạc) một bộ có một trống lớn, một chuông lớn, mười hai chuông nhỏ, một khánh lớn, mười hai khánh nhỏ(3), một cái phụ(4), một cái chúc(5), một cái ngữ(6), một trống nhỏ, hai đàn cầm, hai đàn sắt, hai ống tiêu lớn, hai ống tiêu nhỏ, hai ống sáo, hai cái sênh, hai ống huân(7), hai ống trì(8), hai cái phách, do hai viên Quản vệ cùng 14 đội trưởng đội Thị Trung đội hổ đầu, mặc áo lam chẽn tay điều khiển.
Ty kỳ cổ điều khiển Đại nhạc, một bộ có hai mươi cái trống lớn, tám cái kèn, bốn thanh la lớn, bốn tù và nhỏ bằng sừng trâu, do nhân viên ty kỳ cổ mặc binh phục sử dụng.
Ban Nhã nhạc thường cử nhạc những lúc vua lên kiệu đi từ điện Cần Chánh sang điện Thái Hòa để cử hành nghi lễ, hoặc khi vua ngự lên ngai vàng. Trong những cuộc lễ kéo dài, tùy theo từng tiết mà tấu nhạc. Sách Đại Nam hội điển ghi: "Tế Giao 9 lần tấu nhạc, tế Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu 9 lần tấu nhạc, tế đàn xã tắc 7 lần tấu nhạc, tế miếu Lịch Đại Đế Vương 6 lần tấu nhạc, Tế miếu Tiên tánh sư Khổng Tử 6 lần tấu nhạc".
Có 9 khúc nhạc tấu trong lễ Tế Giao, theo thứ tự như sau:
1. Khúc Hi Thành: 8 câu, tấu vào lúc nghinh thần.
2. Khúc Triệu Thành: 12 câu, tấu vào Lễ Điện Ngọc Bạch.
3. Khúc Tiến Thành: 10 câu, tấu vào lễ Tấn trở.
4. Khúc Mỹ Thành: 20 câu, tấu vào lúc sơ hiến, tức tuần rượu thứ nhất.
5. Khúc Thụy Thành: 20 câu, tấu vào lễ chung hiến.
7. Khúc Doãn Thành: 8 câu, tấu vào lễ Triệt soạn (tức là hạ lễ vật xuống).
8. Khúc Hi Thành: 8 câu, tấu vào lễ tống thần (tiễn thần đi).
9. Khúc Hựu Thành: 12 câu, tấu vào lúc tống liệu (tức là đốt các thứ đã dâng tế).
Chín khúc nhạc (cửu thành) tỏ ý ca tụng thần, nói về lễ tế và tâu với trời trong nước thái bình.
Lễ hưng Quốc Khánh Niệm được tổ chức ở nhà Thế miếu, tấu ca chương 6 lần và múa nhạc:
1. Tham thần tấu khúc Hàm Hòa.
2. Hiến tửu tấu khúc Tường Hòa.
3. Hiến trà tấu khúc Mỹ Hòa.
4. Triệt soạn tấu khúc Túc Hòa.
5. Tử thần tấu khúc An Hòa.
6. Vọng liệu tấu khúc Ứng Hòa.
Trong lễ tứ tuần đại thánh của vua Minh Mạng, khi vua ngự ra điện Thái Hòa, trên thành phát 9 tiếng súng lệnh. Vua lên ngự tọa. Viên Thái giám đốt đỉnh trầm. Ca sinh tấu khúc Nguyên Thọ.
Các quan văn võ cùng sứ thần thuộc quốc làm lễ lạy 5 lạy. Ca sinh tấu khúc Trinh Thọ.
Các quan văn võ cùng sứ thần thuộc quốc dâng biểu chúc mừng và tiến phương vật. Ca sinh tấu khúc Hi Thọ.
Quan lễ Bộ xuất ban quỳ tâu: "lễ thành", ca sinh tấu khúc Tuy Thọ.
Lễ Tết Nguyên Đán đời Nguyễn, ca sinh theo thứ tự tấu các khúc sau:
1. Lý Bình.
2. Túc Bình.
3. Khánh Bình.
4. Di Bình.
5. Hòa Bình.
Những khúc ấy có ý nghĩa mong muốn một năm mới thái bình, thịnh trị, an vui. Sau khúc Khánh Bình, quan phụng chỉ đọc:
"Lý đoan chi khánh dữ, khanh đẳng đồng chi, kỳ tứ yến lãi hữu sai" (đời trị bình gặp ngày xuân vui vẻ, ta với các khanh cùng hưởng, sẽ ban yến có thứ bậc).
Trong lễ tế Văn Miếu ở Huế, ca sinh tấu ca khúc theo thứ tự:
1. Nghinh thần tấu khúc cảnh văn gồm 8 câu, ca ngợi đức Thánh sư Khổng Tử.
2. Sơ hiến lễ tấu khúc Chiêu văn, gồm 8 câu, ngỏ ý lòng thành dâng lễ tế.
3. Á Hiến lễ tấu khúc ý văn, gồm 8 câu, dâng rượu với lòng kính cẩn.
4. Chung hiến lễ, tấu khúc Hiển văn gồm 8 câu, kính dâng rượu tuần thứ ba.
5. Triệt soạn tấu khúc Bỉnh văn gồm 8 câu, cáo với tuần nghi lễ dâng cúng hoàn tất.
6. Tống thần tấu khúc Huy văn, gồm 8 câu, tiễn thần, chúc nước nhà hưng thịnh, hưởng phúc đời đời.
Đó là một số nghi lễ mà ban nhã nhạc thường được sử dụng.
Nhạc huyền chỉ được cử trong lễ tế ở đàn Nam Giao.
Đại nhạc chỉ được cử khi có sự hiện diện của vua, trong nghi lễ Đại triều và thường triều cùng các Đại lễ và các lễ tế có tính quốc gia trọng đại. Đại nhạc cử khi tiểu nhạc ngừng, lúc vua sắp lên kiệu, vua đã ngự lên ngai vàng, hoặc lên đàn hành lễ.
Trong đại lễ Tế Giao, khi đoàn rước đi lên địa điểm hành lễ, Đại nhạc không cử. Đám rước chỉ đánh chiêng, trống, gẩy đàn, thổi sáo. Khi vua Tế Giao xong, quan cung đạo dẫn vua từ đàn trung xuống cửa Nam, ra đến cửa Tây, ca sinh tấu khúc Khánh thành, tỏ ý mừng việc Tế trời đã hoàn thành. Sáng hôm sau làm lễ thiết triều ở Trai cung, sau khi quan Lễ bộ tâu:
"Tứ Nam Giao đại lễ tứ thành, thân phiên hoàng thân văn võ thần đặng thỉnh hành khánh hạ lễ" (nay Nam Giao đại lễ đã xong, lũ tôi là thân phiên, hoàng thân cùng bách quan văn võ xin làm lễ khánh hạ). Nhạc nổi. Các quan làm lễ lạy 5 lạy rồi lùi ra đứng hai bên, quan Hữu Ty bày loan giá. Vua lên kiệu. Trên trai cung nổi chuông. Đại nhạc cử. Kiệu đến cửa Bắc giao đàn, Chuông trên trai cung ngừng. Đám rước trở về có 8 nữ nhạc và 8 nữ sinh Thự Thanh Bình đi rước kiệu, vừa đi vừa hòa tấu. Chuông trống đều đánh. Đại nhạc, nhã nhạc đều cử, tỏ ý lúc đi chưa làm lễ thì chủ lấy nghiêm, lúc về đã làm lễ thì chủ lấy vui.
Nhạc lễ cung đình Huế là minh chứng cho chúng ta thấy các quan niệm của các vua Nguyễn về âm nhạc đối với nghi lễ. Quan niệm này đồng nhất với quan niệm của các vua Tiền triều.
Đời Lê vào năm Thiệu Bình thứ 3 (1436) vua Lê Thái Tông sai Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng định lại Nhã nhạc, Nguyễn Trãi dâng sớ từ chối, Lương Đăng phỏng theo nhạc khí nhà Minh đặt ra khúc nhạc tấu ở trên điện và khúc nhạc tấu ở dưới thềm. Sự phân biệt Nhã nhạc - thanh tao với tục nhạc (nhạc dân gian) - dâm dật tuy trong ý đồ chỉ muốn tôn thêm sự trang nghiêm khi sử dụng nhạc nghi lễ ở cung đình triều Lê, nhưng đã biểu lộ một định kiến không mấy tốt đẹp về nhạc dân gian, làm một hàng rào ngăn cách sinh hoạt ở chốn cung đình với chốn dân dã. Thực tế dưới triều Nguyễn, trong sinh hoạt tế lễ ở các làng mạc quanh kinh đô Huế, nhạc lễ và nghi thức tiến hành nghi lễ ở dân gian cũng trang trọng không kém, chỉ thiếu sự qui mô đồ sộ. Nhạc lễ dân gian cũng thanh nhã, tôn nghiêm. Điều này chứng tỏ ý thức văn hóa của một dân tộc biết tôn trọng lễ nghĩa, đạo lý, từ cung đình cho đến dân gian.
Chế độ phong kiến sụp đổ, nhạc lễ cung đình tất nhiên mất hẳn vị trí trong đời sống văn hóa hiện đại. Nó trở thành một thứ đồ cổ, thảng hoặc đôi ba lần trong một năm ở các làng mạc xa chốn thị thành, trong các dịp tế lễ, phường bát âm mới có cơ hội tấu lại điệu thức xưa, dân gian chỉ bảo lưu được phần nào loại tiểu nhạc, nhưng đại bộ phận nhạc lễ cung đình đã bị xóa sổ vì thiếu môi trường sống.
Nhưng hỏi đâu là vốn văn nghệ cổ truyền đích thực của Huế, chắc hẳn chẳng có ai phủ nhận là bên cạnh các làn điệu hò dân gian, Huế còn có ca, tuồng, múa và nhạc lễ cung đình. Để giới thiệu với khách nước ngoài muốn biết về văn hóa, nghệ thuật cung đình Việt Nam nói chung, Huế nói riêng chẳng thể nào quên đi những thể loại đó. Festival Việt - Pháp 92 vừa qua đã chứng minh điều đó.
Nếu một thể loại nào mất đi, trách nhiệm thuộc về thế hệ chúng ta, những người đương đại đã không bảo lưu được vốn nghệ thuật truyền thống, vốn đã ít ỏi, lại ngày càng mai một.
Cần phải xác định phương hướng để cấp thời có biện pháp bảo tồn ngành nghệ thuật ấy, cho dù không được qui mô như trước, nhưng chí ít những phần cơ bản của nhạc lễ cung đình cũng phải được bảo vệ một cách đúng đắn trong điều kiện cho phép về nhân lực cũng như kinh phí đầu tư.
Chúng ta hẳn cũng đã biết nghệ nhân sành về nhạc lễ cung đình Huế hiện nay rất hiếm hoi, sống phân tán khắp nơi, hết thảy đều lớn tuổi, lớp trẻ thì không được đào tạo qui mô. Nếu không kịp bắt tay ngay vào công cuộc bảo tồn thì khoảng 10 năm nữa, nhạc lễ cung đình Huế sẽ không thể nào hiện diện trên mảnh đất mà nó từng được nâng niu nuôi dưỡng.
Lúc đó, nếu khách tham quan văn hóa trên thế giới đến Việt Nam, muốn biết về văn hóa, nghệ thuật cung đình Việt nam sẽ chẳng thể nào biết nhạc lễ cung đình thế nào. Nó đã chết trong một nơi đã từng được công nhận là trung tâm văn hóa của cả nước. Điều đau xót đó có nên để xảy ra chăng?
T.T.B
(TCSH53/01&2-1993)
___________________
Chú thích:
(1) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề: Việt nam ca trù biên khảo, Sài Gòn 1962, tr. 23.
(2) Bát âm: Tám thứ tiếng nhạc khí đời cổ dùng vào việc tế Lễ: (bào: tiếng kèn; Thổ: tiếng nhạc khí làm bằng đất; cách: tiếng trống da; mộc: tiếng nhạc khí làm bằng gỗ; Thạch: tiếng khánh làm bằng đá; kim: tiếng nhạc khí bằng kim loại; ty: tiếng nhạc khí có dây; trúc: tiếng nhạc khí làm bằng ống trúc).
Đời sau gọi ban nhạc đi lễ tế là phường bát âm.
(3) Biên Khánh: gồm mười hai miếng đá nhỏ, hình thước thợ, mỗi bên treo sáu miếng, khi đánh nghe tiếng khác nhau.
(4) Phụ: một thứ nhạc khí hình như cái trống, bịt bằng da loại thú trong nhồi cám và gạo để khi đánh cho tiếng kêu êm dịu.
(5) Chúc: một thứ nhạc khí làm bằng gỗ hình như cái thùng, đánh khi bắt đầu cử nhạc.
(6) Ngữ: Một thứ nhạc khí bằng gỗ hình như con hổ nằm, trên lưng có 27 cái răng cưa. Khi gần dứt khúc nhạc, nhạc công cầm cái dùi gỗ dài một thước gõ vào những răng cưa.
(7) Huân: một thứ nhạc khí bằng đất nung ở trên hơi nhọn, dưới nở ra và đáy phẳng. Phía trên có một lỗ, phía dưới 5 lỗ, phía sau 2 lỗ. Thổi lên tiếng lớn như còi thét. Ống huân lớn bằng trứng ngỗng gọi là nhã huân, nhỏ bằng trứng gà gọi là tụng huân.
(8) Trì: một thứ nhạc khí thuộc loại quản (ống thổi) cầm ngang mà thổi, dài một thước bốn tấc ta (khoảng 0m60) và có tám lỗ.