LÊ QUANG THÁI
Ca, kê và dậu đều diễn nghĩa chỉ tiếng gà. Năm Dậu là năm của con gà tại vị để đóng vai trò trọng tài chỉ trỏ giờ giấc sớm - trưa - chiều - tối cho qua ngày đoạn tháng.
Âm hưởng của tiếng gà có thể ở dạng hình tinh chất hoặc dẫu cho có khéo tài tình dịch nghĩa lối Tây Tàu đi nữa thì vẫn như còn vang vọng đến người đời hôm nay với những nỗi cảm hoài khắc khoải buồn vui.
Gà là loài chim thiêng như sử sách đã ghi chép. Gà rất thông dụng và phổ biến, nói cách khác là có tính chất đa chức năng. Trong giao tiếp, cưới hỏi, chữa bệnh, chiêu đãi, tết nhất, cúng tế, lễ lượt, thù tạc vãng lai mà thiếu gà, vắng gà, không gà thì không thành lễ, mất vui, khó thiêng. Có thể rách việc là đằng khác vì thần hoặc chủ hoặc khách hoặc khứa không thể nào thu chấp hoặc cực lòng lắm mà cho qua việc, trôi chuyện. Tại gà hay tại tâm, tại tạng tại bụng, tại dạ mà làm hư sự. Xem giò, coi tướng thì sẽ vỡ lẽ.
Tuy đã con gà bằng da lông xương thịt nhưng người có trí tưởng tượng phong phú nên đã tạo ra những hình tượng gà khác: gà đất, gà giấy, gà ni-lông, gà cao su, gà điện tử và nhất là gà đẻ trứng vàng ở bảng quảng cáo của ngành kim tiền. Bằng cách nào cũng đặng, cốt sao khéo lời đà dặm để văng tiền lì xì kín hở hoặc có tốt thì bỏ bì, đừng ghi số là thượng sách.
Dù cho thân nhỏ thó gà bay được chẳng bao xa, nhưng gà khéo chạy và chui rào để đi cửa nào cũng trót lọt, từ thượng vàng cho đến hạ cám. Gà đồng đã thực sự trở thành đồng, hình tượng gà chễm chệ và đầy uy vũ, dương oai bộ cánh, óng ánh trên mặt vòng cầu của Chương đỉnh đặt trước Thế Miếu kể từ tháng giêng năm Đinh Dậu, 1837.
Gà thật đa dạng, nhiều màu sắc và lắm hình thái. Có gà ta, gà tây. Nào gà rừng, gà nhà. Chưa hết, nào là gà cồ, gà chọi, gà thiến, gà giò, gà choai, gà mệ, gà quạ, gà trắng, gà xước, gà nước... Bay thoát lên hiện thực có cách nói bóng nói gió thì có gà rũ, gà dịch, gà quay, gà điên, gà què, gà quạng, gà tàng, gà nuốt dây thun... Kể từ ngày giao tiếp với phương tây, gà và sản phẩm của gà trở nên đắt giá và có giá hơn.
Vinh hạnh cho loài gà là xưa nay văn chương bình dân và bác học đã nói quá nhiều về giống gà. Gà trống đẻ trứng là điềm tốt, gà mái gáy là điềm xấu.
Người Huế sành điệu ăn uống, nói nửa đùa nửa thực: "Bất thực Lương Quán kê" (hoặc Cư Chánh kê) - Hiềm một nỗi là ở hai làng không thiếu ruộng thì có nhiều ruộng xấu. Lúa đâu có nhiều và sây hạt để có rơi vãi nhiều cho gà kiếm chác, bươi móc may ra được căng diều tối ngày. Gà ốm xo, dơ xương dẫu cho là gà đầu mùa đông đi nữa: "Ếch tháng ba, gà tháng mười".
Gà Thọ Cương gáy hay, âm hưởng tiếng gáy vang dội trong không trung thoáng rộng. Nghe tiếng gáy, người đang ngủ thức giấc. Ai nấy bắt tay vào việc, mở đầu cho một ngày mới:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương
Văn chương chữ nghĩa đâu phải khéo là "trò chơi". Không hiểu sao, một nghị sĩ hay dân biểu gì đó trước năm 1975 đã gà quạng đến độ dịch từ ghép chữ "canh gà" thành "cháo gà" cho ngon miệng đối với khách nước ngoài tại xứ hòn ngọc Viễn Đông. Chưa hết, ông làm nghề dân biểu mà lại khéo tán thêm chuyện chẳng ai nhờ, rằng cháo gà Thọ Cương ở gần Long Thọ là tuyệt ngon. Đó là đặc sản truyền thống của cố đô Huế!
Dịch thuật như thế thì đạt đến mức "hết sẩy”. Bình thường không biết ông nghị có quen thói ngủ gà ngủ gật không mà lúc tỉnh giấc ông lại ngứa cổ nói bậy cho sướng miệng...
Thiết nghĩ, nếu nhắc đến chuyện "bát cháo gà" của ông bà Đội Cơ ở núi Ngũ Phong tại Thừa Thiên - Huế, dùng để đưa tiễn ông vua yêu nước Duy Tân chuẩn bị hành trang lên đường vào Nam Ngãi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1916 do hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương rồi móc nối đến tận thiên tử thì độc đáo và tuyệt vời biết mấy. Đó là một bát cháo gà mang ý nghĩa lịch sử. Phải chăng vì đãi vua mà thết cháo gà nên sinh xui xẻo hay do khâu tổ chức để hở mối. Sau này, bản án do Nam triều xét nghị ghi rõ:
"Thủy nhi Hậu hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, kế nhi Thương Bạc đình thuyền yếu nghinh thánh giá. Hà Trung mạch phạn, Ngũ Phong Kê thang, thánh thể phong trần, giai bỉ bối vi chi tội nghiệt".
Dịch là:
"Ban đầu buông câu ở Hậu hồ, tự tiện viết chiếu văn, kế đậu thuyền đến Thương Bạc, đón rước nhà vua xuống thết cơm tẻ ở làng Hà Trung, “cháo gà” ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải dãi dầu gió bụi, tội nghiệp ấy đều bởi bọn kia gây ra".
Cũng nói chuyện gà, chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền qua bài PHÚ CẢI LƯƠNG hồi nước ta mới duy tân có những câu nhắc đến việc do trên và dưới còn mò mẫm chưa tìm ra chủ trương thay cũ đổi mới thực sự:
"Nói chuyện sinh nhai, bậc làm trên phải dè chừng, chồng ăn chả vợ ăn nem, kẻ dưới tội chi không phí phá."
"Xem trong đoàn thể, buổi mới cốt sao cho chung bụng, ông nói gà bà nói vịt, việc chi thì cứ để lãi nhai".
Chưa tiêu nhuyễn, thông suốt đường lối thì còn lúng túng, lằng nhằng theo cảnh gỡ mối mà không tìm ra gốc ngọn. Cũng lối suy nghĩ ấy, bằng lối diễn "ý tại ngôn ngoại", nhà thơ Nguyễn Khuyến mượn việc vịnh con vịt để nói toát lên một cái gì khác:
"Cũng đủ lông xương, cũng đủ da
Chẳng ra ngan ngỗng chẳng ra gà".
Lúc nhập nhằng tranh tối tranh sáng thì dễ nhầm lẫn - Có thể nói vào giờ Dậu thì dễ nhầm nhà tranh và qua nhà ngói. Và ở thời khắc này, người xưa khuyên làm chồng chớ nên rầy la vợ mà chịu thiệt cô đơn bởi đêm dài.
Lúc gần tảng sáng cũng là lúc người dễ nhầm lẫn một khi thần trí chưa tỉnh táo để có trí óc sáng suốt. Phải cảnh giác và có óc tinh tế phân biệt mới khỏi nhầm lẫn và bị lừa dối.
Vào đời Chiến Quốc, Điền Văn tức Mạnh Thường Quân làm tể tướng nước Tề, đi sang nước Tấn, vua Tấn muốn giữ lại không cho về.
Những người cùng đi, có người bày mưu rằng cho một người giả làm chó. Lúc nửa đêm vào kho nước Tần ăn cắp chiếc áo bồ cừu để dâng cho ái phi vua Tần, rồi nói nhờ giúp cho về. Khi đến cửa ải còn sớm quá, trong đoàn tùy tùng có người khéo nhại tiếng gà gáy như hệt. Nhờ thế mà binh lính giữ cửa ải mở cửa cho ra đi. Thế là binh Tần đuổi theo không kịp.
Ôi! Gà không phải chỉ thiêng ở bộ giò, ở xương tủy vì đó là những cơ sở để tiên đoán việc thịnh suy, thời tiết mà gà còn thiêng ở tiếng gáy.
Khái quát về 5 đức lớn của con gà, người xưa đã liệt kê ra: Uy vũ, can đảm, gáy sáng, thảo ăn và khéo nuôi con.
Gáy sáng là bản chất phổ biến và dễ thấy của gà. Tiếng gà mở đầu năm Quý Dậu 1993 biểu hiện hình tượng:
Đầu rồng, đuôi phượng, cánh tiên
để thực sự đáp ứng lời cầu mong của nhà thơ Học Lạc (1842-1915) mà cũng là của mọi người:
Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước
Làm sao năm đức giữ cho cùng.
Huế, 20-10-1992
L.Q.T
(TCSH53/01&2-1993)